Ai viết? và AI viết

(Hình minh họa: Pixabay)

“Ai viết?” có nghĩa là “Người nào viết?” “AI viết “ có nghĩa là “Artificial Intelligence viết.”

Chuyện là thế này! Xuân, một cô bạn thời trung học gởi cho tôi cái video trên Facebook có tựa đề “ 97-Year-Old Hiroshima Survivors’ Final Duet” với cả triệu lượt người xem và hơn mấy ngàn comments. Tôi không dùng Facebook nên vào YouTube và kiếm được một video có tựa đề như vậy. Tôi mở ra xem trong lúc chờ một buổi họp trên zoom bắt đầu.

Video mở màn với cảnh, một ông cụ già ăn mặc như một nghệ sĩ thứ thiệt kéo đàn vĩ cầm và một cụ bà rất đẹp lão đánh đàn dương cầm. Hai người song tấu một bản nhạc du dương hay vô cùng. Rồi ông giới thiệu với khán giả rằng ông bà là hai nạn nhân sống sót sau thảm hoạ bom nguyên tử ở Hiroshima. Họ là những sinh viên trong một trường nhạc thời ấy. Ngày hôm đó, 6 Tháng 8 năm 1945, ông già lúc bấy giờ là một chàng trai 18 đang chuẩn bị mở lời cầu hôn với bản nhạc trên cây đàn vĩ cầm với bà, là một cô bạn 17 tuổi.  Thế rồi bom nguyên tử nổ. Chàng trai ngất đi và khi tỉnh dậy thì thấy mình bị vùi dưới một đống đổ nát, tay bị phỏng và mắt trái bị mù.

Tôi coi đến đây thì buổi họp trên zoom nổi lên.  Tôi vội bỏ màn hình YouTube để vào buổi họp. Ngồi họp mà đầu tôi cứ nghĩ về câu chuyện trong video đó. Tôi nghĩ mình phải hỏi thêm ông xã về tổ tiên của chàng cũng ở Hiroshima để viết một câu chuyện về đề tài đó. Nhớ loáng thoáng chàng có kể một lần rằng bà con cật ruột của ông bà cố lúc đó không còn ở Hiroshima, nhưng những người bà con xa thì đang coi ngó nhà thờ tộc tại một làng nhỏ ở Hiroshima. Tôi mong cho xong buổi họp để hỏi chàng tông tích của họ hàng nhà anh. Chắc tôi sẽ có một truyện thật cảm động được đăng trên Saigonnhonews!

Họp xong, tôi vội vàng mở YouTube để xem tiếp video đó. Thì ra lúc vội vô họp, tôi đã vô tình xoá video. Thế là phải lò mò kiếm lại trên YouTube. Tôi thấy nổi lên cái video tôi coi cách đó một giờ và một cái video khác với tựa đề gần giống như vậy, nhưng cái này có tới hơn ba triệu người xem. Khi tôi mở cái video thứ hai ra thì thấy không phải là ông già có dáng vẻ nghệ sĩ trong video kia mà có vẻ như là một ông già kiểu “sơn đông mãi võ.”  Ông ta nói giống hệt những câu mà ông già nghệ sỹ kia nói, chỉ có cái miệng ông ta thì không điệp với lời nói. Lúc đó, tôi mới nhận ra cái tựa đề có thêm cái chữ AI VIDEO và bên dưới có thêm hàng chữ chú thích rằng video làm bằng AI để giải trí cho vui chớ không phải chuyện thiệt. A! Tôi bị lừa! Há! Mấy cái video này thiệt là hay quá xá! So với hai cái video này thì cái bảng quảng cáo trên NASDAQ chỉ là trò bịp hạng xoàng!

Rồi tôi nghĩ, “À! Thử bảo AI viết một câu chuyện bằng tiếng Việt xem sao.”  Không muốn đọc nhiều nên tôi ra lịnh: “Hãy viết một câu chuyện ngắn khoảng 300 từ về tuổi học trò.” Không đầy một phút, AI cho tôi xem câu chuyện “Chiếc ghế cuối lớp.”  Đọc nghe cũng giống thật lắm. AI hỏi tiếp, “Bạn có muốn tôi viết thêm một câu chuyện với kết thúc buồn, hài hước, hay kỳ ảo không?” Tôi trả lời, “Viết thêm một câu chuyện 200 chữ với kết thúc hài hước.” AI nhanh chóng cho tôi câu chuyện “Hẹn hò Online.”  Nghe cũng hay nhưng giống như một câu chuyện tôi đã nghe đâu đó nhiều năm về trước, lúc hò hẹn online bắt đầu bùng nổ. Chắc là những bài viết của những người đó nổi tiếng lắm nên nằm vào kho dữ liệu của AI.

Tôi nghĩ những bài viết của tôi thì chắc chẳng mấy người biết và tôi muốn thử xem AI có tìm ra bài viết của tôi hay không. Thế là tôi bảo AI: “Hãy viết một huyền thoại về dây kim tuyến trong đó có hài nhi Giê-su, Ma-ri và Giô-sép.”

AI gởi cho tôi bài viết “Huyền thoại về dây kim tuyến” rồi hỏi tôi có muốn thêm hình minh hoạ không. Tôi trả lời có và chỉ trong vòng vài phút, AI cho tôi thêm một tấm hình hợp với câu chuyện. Thiệt là tuyệt chiêu! Con nhện của AI giăng mạng để cùng đất trời bày tỏ niềm hân hoan vui mừng khi Chúa Giê-su sinh ra. Còn trong bài viết Huyền thoại về dây kim tuyến đăng trên saigonnhonews, con nhện đã giăng mạng che hang đá để bảo vệ hài nhi Giê-su.

Tôi viết như vậy để nói lên cách Thiên Chúa dùng những con người tầm thường để làm những việc phi thường. Cái mạng nhện là huyền thoại về dây kim tuyến trong hai bài viết nhưng AI và tôi đã dùng theo hai cách khác nhau. AI không “bắt chước” bài viết của tôi, nhưng có lẽ lấy ý tưởng từ huyền thoại về dây kim tuyến của một số nước Đông Âu.

Tôi dùng AI của ChatGPT để tạo những bài viết bên dưới.  Tôi cũng muốn AI làm cho tôi một video như Xuân gởi, nên tôi gởi một bài hát và bảo AI làm cho tôi một video nhạc cảnh.  Nó nói sẽ làm được trong vòng 30 phút.  Nhưng tôi chẳng có được video sau nhiều 30 phút trôi qua, và dù tôi cũng đã nhắc AI làm lại nhiều lần. Mỗi lần như thế AI lại biểu tôi kiên nhẫn chờ đợi. Tôi chọc nó, “Bộ làm không được hay sao mà hẹn hoài vậy?” AI bảo tôi chờ như những lần trước và kèm theo một câu, “Cảm ơn bạn đã đợi và vẫn còn nói đùa được như vậy.  Sắp có rồi nhé!” Ô! AI dẻo miệng thật! Có lẽ những người làm video Hiroshima phải huấn luyện và hướng dẫn AI nhiều để có một video hay như vậy.  Tôi chỉ biết ra lịnh nên AI chẳng làm được cái video như tôi mong muốn.

Tôi kể chuyện này trong bữa cơm tối với gia đình.  Cậu con út của tôi nói, “Con có xem một video về DeepSeek rất là buồn cười.” Thế là nó cho cả nhà xem.  Trong video đó, người làm video đã bẫy để DeepSeek nói là, “Đài Loan là một quốc gia.” Đó là một câu nói cấm kỵ ở Trung Quốc! Không biết tại vì AI sập bẫy đã nói ra cái câu nói cấm kỵ đó thành ra nó trả lời một cách không vui, “Sorry, that’s beyond my current scope. Let’s talk about something else.” (Xin lỗi, điều đó vượt quá phạm vi hiện tại của tôi. Chúng ta hãy nói về điều khác nhé!) Hay là những người lập trình DeepSeek chủ trương tạo ra một AI chỉ biết làm theo lịnh chứ không cần cảm xúc nên nó trả lời lạnh tanh như vậy. Nhưng tôi vui khi xem cái video bẫy DeepSeek đó vì có niềm hy vọng rằng con người vẫn có thể thắng hơn AI, dẫu có những bàn tay mạnh bạo ở đằng sau điều khiển nó.

***

Dưới đây là những bài AI viết.

Huyền thoại về dây kim tuyến

Ngày xửa ngày xưa, tại một làng nhỏ nằm dưới chân núi Be-lem, khi màn đêm buông xuống và các vì sao lấp lánh, có một khoảnh khắc kỳ diệu xảy ra – khoảnh khắc mà cả thiên đàng và đất liền dường như chạm nhau. Ấy là đêm Con Thiên Chúa – hài nhi Giê-su – được sinh ra trong một chuồng bò đơn sơ, nơi chẳng có vinh hoa, chỉ có tình thương và ánh sáng từ lòng người.

Ma-ri, người mẹ trẻ hiền hậu, và Giô-sép, người chồng đầy tận tụy, đã dọn chỗ cho con mình nằm trong một máng cỏ nhỏ bằng rơm khô. Dù nghèo khó, họ vẫn cảm tạ vì được chứng kiến phép màu lớn lao nhất: sự sống nhiệm mầu bắt đầu từ yêu thương.

Nhưng đêm ấy, khi mọi thứ lắng xuống, một điều kỳ lạ đã xảy ra. Trong khi Ma-ri ôm hài nhi Giê-su ngủ yên, và Giô-sép canh gác bên ánh đèn leo lét, thì từ mái chuồng bò, một con nhện nhỏ – sinh vật thường bị người đời xem là tầm thường – bắt đầu dệt tơ.

Nó không biết vì sao nó làm vậy, chỉ cảm thấy một sự thúc giục từ trái tim, như thể trời cao gọi nó tham gia vào điều kỳ diệu này. Nó bò từ xà gỗ này sang xà gỗ khác, dệt nên những sợi tơ mảnh mai óng ánh như ánh trăng rơi xuống đất.

Khi ánh sáng từ ngôi sao lạ trên trời cao – chính ngôi sao dẫn đường cho ba nhà đạo sĩ – chiếu rọi qua mái chuồng, những sợi tơ kia bỗng bừng sáng như được dát bạc. Cả chuồng bò nghèo nàn chợt hóa thành cung điện lung linh ánh sáng, nhờ vào mạng nhện kỳ diệu ấy.

Thiên thần hiện ra, mỉm cười: “Vì lòng yêu thương, cả tạo vật – lớn hay nhỏ – đều góp phần vào vinh quang của Đấng Cứu Thế. Những sợi tơ này sẽ là dấu hiệu cho thế gian nhớ rằng, ánh sáng không cần bắt đầu từ vàng bạc hay ngai vàng, mà có thể đến từ sự khiêm nhường và lòng thành.”

Từ đó về sau, mỗi mùa Giáng Sinh, người ta treo dây kim tuyến lên cây thông, để tưởng nhớ đến sợi tơ lấp lánh mà con nhện nhỏ đã dệt đêm Giê-su ra đời – một biểu tượng của ánh sáng, hy vọng, và tình yêu âm thầm lan tỏa giữa trần gian.

Hẹn hò Online 

Nam, 28 tuổi, độc thân, nhân viên văn phòng, vừa quyết định tạo tài khoản hẹn hò sau nhiều năm “ế tự nguyện.” Sau vài ngày quẹt trái quẹt phải, anh trò chuyện với một cô gái tên My, dễ thương, thích sách, mê mèo, và đặc biệt, rất hợp gu nói chuyện.

Sau một tuần nhắn tin thâu đêm, họ quyết định gặp nhau ở quán cà phê nhỏ trong hẻm. Nam đến sớm, chải đầu ba lần, chỉnh áo năm lần, tim đập như đánh trống trận. Anh chọn bàn sát cửa, hồi hộp chờ.

Một cô gái bước vào, dáng quen quen… rồi Nam trợn mắt.

“My?”

“…Nam?!”

Cả hai bật cười. Trước mặt anh không ai khác chính là… Thảo, bạn thân từ thời đại học — từng giành ăn vặt với anh, từng xem nhau như “anh em ruột thịt.”

“Ủa, chứ… sao không nhận ra nhau trong app?” Nam ngớ người.

Thảo cười: “Ờ thì… filter mạnh quá!”

Họ ngồi xuống, cười đến đau bụng, và kết luận: “Thôi hẹn hò với người quen… đỡ mất công tìm hiểu!”

Chiếc ghế cuối lớp 

Năm lớp 12, tôi ngồi ở chiếc ghế cuối cùng bên cửa sổ – nơi ánh nắng len qua từng buổi sớm, và nơi những giấc mơ vu vơ bắt đầu. Người ngồi cạnh tôi là Linh – nhỏ bạn cùng bàn, tóc dài hay giấu mặt sau quyển sách mỗi khi bị gọi trả bài.

Chúng tôi không thân. Nhưng dần dần, những mẩu giấy chuyền tay, những lần che bài kiểm tra, và tiếng cười khúc khích khi thầy giảng sai công thức hóa học đã khiến khoảng cách tan biến.

Linh có một thói quen kỳ lạ: mỗi khi buồn, nhỏ lại vẽ hình mặt trời lên mép vở. “Tớ vẽ nắng để nhớ rằng sau mưa, trời sẽ sáng,” nhỏ nói, mắt lấp lánh.

Ngày thi cuối cùng, trời đổ mưa. Linh đưa tôi một tờ giấy nhỏ, chỉ kịp nói: “Tớ sắp chuyển vào Nam sống với mẹ.”

Tôi không kịp nói gì. Mưa thấm vai áo, và chiếc ghế bên cạnh bỗng trống hoác, lạnh lẽo.

Tờ giấy nhỏ ấy, tôi vẫn giữ. Trong đó, là một hình mặt trời nguệch ngoạc, kèm dòng chữ:
“Cảm ơn vì đã cùng tớ đi qua những ngày đẹp nhất.”

Nhiều năm sau, khi tôi trở lại ngôi trường xưa, lớp học vẫn còn đó, chiếc ghế cuối cùng vẫn nằm im lìm bên khung cửa cũ. Tôi ngồi xuống, cảm nhận được mùi gỗ, mùi giấy, và những ký ức tuổi học trò ùa về như cơn gió đầu mùa.

Một thời vô tư, một tình bạn trong veo, và những điều chưa kịp nói…
Mãi mãi nằm lại trong chiếc ghế cuối lớp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo