Bánh trung thu dành cho ai?

Bánh trung thu dành cho con nít có cần phải sang trọng, đắt tiền như thế này không?

Chỉ còn vài ngày nữa thôi là Tết Trung Thu rồi. Tầm này ở Việt Nam, đường phố khắp nơi (nhất là ở Sài Gòn) hẳn rực rỡ, rộn ràng với không khí chộn rộn chuẩn bị đón Tết Trung Thu.

Các quầy bánh trung thu đã tràn ngập trên khắp các nẻo đường với nhiều loại bánh từ các thương hiệu khác nhau, giá nào cũng có. Thực ra năm nào cũng vậy, từ trước tết trung thu hai-ba tháng đã thấy người ta rục rịch làm bánh bán rồi. Như Tết Trung Thu năm nay rơi vào giữa Tháng Chín, nhưng đâu đó từ cuối Tháng Sáu, cô em tôi đã mua được bánh trung thu từ Việt Nam gửi qua rồi.

Năm nay không biết sự suy giảm của nền kinh tế cùng với cơn bão Yagi vừa quét qua để lại không ít hậu quả chẳng biết có làm không khí trung thu khắp nơi hạ nhiệt bớt không. Trên các nền tảng mạng xã hội, người ta vẫn chào bán bánh trung thu tấp nập. Cứ như mạng và đời là hai thế giới tách biệt nhau vậy.

Cô bạn nhắn tin bảo, giá mà tôi còn ở quê nhà như mọi khi hẳn cô đã đem qua cho tôi vài hộp bánh trung thu, món ưa thích của tôi nhưng nay tôi đi vắng, cô ấy đang loay hoay với mấy hộp bánh mà chưa biết cho ai.

Chồng của bạn làm quản lý trong một công ty của nước ngoài. Công việc của anh tiếp xúc với nhiều nhà cung cấp nên lễ tết hay các dịp đặc biệt trong năm thường được các đối tác tặng quà, mùa nào thức nấy. Năm nào cũng vậy, đến mùa trung thu là chồng bạn khệ nệ đem về mấy hộp bánh trung thu cao cấp sau khi đã chia bớt cho nhân viên, đồng nghiệp ở công ty. Khổ nỗi chồng bạn chẳng bao giờ ăn bánh ngọt, bạn thì đang theo chế độ ăn kiêng để giảm cân, các con bạn thì không hảo bánh trung thu. Dù đã đem biếu bớt cho nội, ngoại và các thầy cô giáo của con nhưng vẫn chưa hết. Hỏi đến ai cũng lắc đầu nguầy nguậy, người sợ ngọt, người đang bị tiểu đường, người sợ tăng cân…

Trẻ em bây giờ dường như chẳng mấy đứa thích bánh trung thu như bọn tôi ngày xưa. Có khi vì cuộc sống “ngày xưa” ấy quá thiếu thốn, nghèo nàn nên ăn gì cũng thấy ngon, nhìn món gì cũng thấy thèm.

Bánh trung thu dành cho con nít có cần phải sang trọng, đắt tiền như thế này không?

Bánh trung thu xịn và đẳng cấp phải kể đến các loại bánh mang thương hiệu là tên của những khách sạn năm sao được thực hiện với số lượng có giới hạn chứ không bán đại trà như các hiệu bánh công nghiệp được bán tràn lan trên thị trường. Và do tiêu chí “limited edition” nên giá các loại bánh này cũng cao ngất ngưỡng và thường được dùng để tặng khách VIP. Chỉ cần nhìn cái tên thương hiệu nằm chình ình ở những vị trí dễ nhìn thấy nhất trên hộp bánh như Sheraton, Park Hyatt, Equatorial… là đủ biết “level” của người tặng, người được tặng cũng như mức độ mối quan hệ giữa họ với nhau.

Lướt một vòng trên mạng, tôi bắt gặp giá riêng của một chiếc hộp đựng bánh trung thu nhãn hiệu Givral thôi là 350,000 đồng VN, bằng giá trị của một hộp bánh nhãn hiệu trung bình khác là đủ biết người ta làm ra những hộp bánh đắt tiền như thế là để phục vụ cho đối tượng khách hàng như thế nào. Và dĩ nhiên là một đứa bé ngoài thưởng thức miếng bánh trung thu, chúng đâu cần một chiếc vỏ hộp sang trọng, cầu kỳ nhưng đắt đỏ đến thế.

Nếu như thời con nít của tụi tôi, bánh trung thu chỉ là một dấu chỉ điểm báo một thời khắc của năm như bánh ú lá tre báo tết Đoan ngọ, bánh chưng bánh tét thì báo tết nguyên đán vậy… thì nay, sự xuất hiện của bánh trung thu báo hiệu một mùa làm ăn sôi động liên quan đến nhiều người, nhiều lĩnh vực khác nhau. Và do đối tượng tiêu thụ bánh trung thu ngày nay không chỉ là đám trẻ con vô tư, ngây thơ như trước nữa nên thành phẩm bánh trung thu cũng cầu kỳ, phức tạp hơn trước. Không kể đến chiếc bánh được làm bởi các thợ bánh chuyên nghiệp, các thành phần khác liên quan đến chiếc bánh cũng kéo theo một dây chuyền sản xuất, kinh doanh đáng kể như vỏ hộp bánh, túi (nhựa hoặc giấy) đựng hộp bánh, dao nhựa để cắt bánh, túi (hay hộp) trà đi kèm… Dù chỉ mang tính thời vụ nhưng việc sản xuất và kinh doanh bánh trung thu cũng đem lại cơ hội kinh doanh đáng kể cho nhiều người, từ các công ty chế biến thực phẩm đến những người kinh doanh online, làm bánh “homemade”. Thậm chí giới làm bánh còn truyền tai nhau chuyện có người làm bánh giỏi sau một mùa trung thu có thể sắm vài miếng đất là bình thường.

Nếu như ngày xưa, khách hàng mua bánh vào mùa trung thu là những ông bố bà mẹ nghèo như ba mẹ chúng tôi, cắc ca cắc củm dành dụm được chút ít tiền chỉ đủ mua cho lũ con lít nhít của mình vài chiếc bánh con heo (vỏ bánh nướng giống như bánh trung thu nhưng nhân đậu xanh). Nhà nào khá khẩm hơn chút đỉnh thì mua được mấy chiếc bánh trung thu nhân thập cẩm hẳn hòi bỏ trong bao bì bằng nylon trong suốt, ngoài là chiếc hộp giấy đơn giản có in hình mấy con rồng, phụng màu sắc loè loẹt.

Ngày nay, người ta mua bánh trung thu cho con mình ăn không nhiều bằng phụ huynh mua tặng cho thầy cô giáo của con, nhân viên mua tặng sếp, đối tác mua biếu nhau, công ty đặt bánh để biếu khách hàng hoặc tưởng thưởng cho công nhân viên của mình… nên hình thức, mẫu mã, giá tiền, kể cả cách người ta tặng bánh cũng đa dạng hơn. Có công ty in hẳn tên lên hộp hay túi đựng bánh như một hình thức quảng cáo. Có người mượn cớ tặng hộp bánh để gửi kèm cho sếp hay đối tác quan trọng những thứ quà khác “chất lượng,” “nặng ký” hơn để đổi lấy bổng lộc hay một thương vụ nào đó. Có người nhờ hộp bánh “thay lời muốn nói” để gửi gắm giáo viên, để con mình xin được vào trường điểm, trường xịn…

Nhưng dù gì đi nữa thì việc tặng bánh bây giờ không chỉ đơn thuần để bày tỏ sự quý mến, trân trọng và tấm lòng của người tặng mà đôi khi còn là gánh nặng, là trách nhiệm “phải trả ơn” của người được tặng nữa. Cho nên giá trị những hộp bánh trung thu (lẽ ra chỉ dành cho thiếu nhi) có khi lên đến cả chục triệu đồng cũng chẳng có gì khó hiểu.

Nếu như Tết Trung Thu ngày trước là ngày hội dành cho thiếu nhi hay là dịp để các bậc ông bà, cha mẹ bày tỏ tình yêu thương dành cho con cháu trong nhà qua những món quà giản dị và phù hợp với lứa tuổi là những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc, hình dạng đáng yêu hay những chiếc bánh nướng, bánh dẻo giá trị chẳng đáng là bao thì tết trung thu ngày nay là hoạt động vui chơi của mọi lứa tuổi. Thanh niên thì đưa nhau đi chụp hình check-in ở những khu phố chuyên bán đồ trung thu như Hàng Mã (Hà Nội), Lương Nhữ Học (quận 5, Sài Gòn)… Người lớn thì có người than thở khi mùa trung thu tới đồng nghĩa với việc biếu tặng, tốn kém. Cũng có người lớn khoe những hộp bánh sang, xịn được tặng nhờ quyền hành, vị thế của mình. Cũng có người khoe giàu bằng những hộp bánh đắt tiền, thừa mứa trong khi xã hội luôn bất công theo kiểu “kẻ ăn không hết, người lần không ra”…

Những người định cư ở Mỹ đã lâu không còn được biết đến không khí ồn ào, náo nhiệt của mùa trung thu nơi quê nhà. Những đứa trẻ Việt Nam lớn lên bằng thức ăn Mỹ không ăn bánh trung thu đã đành. Những đứa trẻ vẫn ăn thức ăn Việt Nam từ bà, từ mẹ mỗi ngày mà đưa bánh trung thu có khi cũng lắc đầu quầy quậy. Trung thu với những người con xa xứ có lẽ cũng như những ngày bình thường khác trong tháng hay như những mùa khác trong năm, chẳng có gì đặc biệt. Có khác chăng là những chiếc bánh trung thu người ta tự mua về ăn để nhớ một thứ món ăn theo mùa, để thấy như quê nhà vẫn đâu đây, để có cảm giác như mình vẫn đang sống cùng một nhịp với những người thân bên kia nửa vòng trái đất. Nếu không có các cộng đồng người Việt với các hoạt động lễ hội nhân mùa trung thu để gìn giữ, bảo tồn các hoạt động văn hoá của dân tộc, những đứa trẻ lớn lên ở nước ngoài có lẽ rồi sẽ quên mất một sự kiện quan trọng trong năm đã từng là một phần đáng nhớ trong ký ức tuổi thơ êm đềm, đẹp đẽ của ba mẹ chúng.

Bánh trung thu dành cho con nít có cần phải sang trọng, đắt tiền như thế này không?

Bây giờ chẳng cần đợi đến trung thu mới được ăn bánh nướng hay bánh dẻo. Có những cửa hiệu bán bánh trung thu quanh năm. Với các công thức làm bánh đầy đủ chi tiết trên mạng, ai cũng có thể tự làm bánh để ăn nếu muốn. Nên trung thu dần mất đi ý nghĩa khi nó không còn khiến người ta háo hức chờ đợi vì chỉ đến một lần trong năm như ngày xưa.

Nhiều người nói khi còn nhỏ ăn gì cũng thấy ngon, giờ nhìn gì cũng ngán. Có lẽ do hoàn cảnh cuộc sống thay đổi, vật chất đủ đầy khiến niềm vui ngày cũ giờ trở nên bình thường. Âu cũng là quy luật tự nhiên của sự thay đổi và thích nghi. Chỉ tiếc khi người lớn, vì những mục đích cá nhân đã làm cho một dịp lễ hội tinh khôi như ngày tết trung thu của trẻ con mất dần ý nghĩa của một nếp sinh hoạt văn hoá truyền thống, biến nó thành ngày hội của người lớn chứ không còn là của trẻ thơ nữa. Chứ đã lâu rồi, có ai còn nghe mấy đứa con nít kêu thèm ăn bánh trung thu hay đòi ba mẹ mua cho nữa đâu?

(Bài và Hình: Thuỵ Vũ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: