Bức tường đá

(minh họa: Unsplash)

Tôi đang ngồi trong thư viện một trường đại học Công giáo thâm nghiêm. Khung cửa kính rộng cho tôi nhìn thấy toàn cảnh bên ngoài. Trời hôm nay nhiều mây xám, không biết chiều nay có mưa không, nhưng hình như bầu trời ngậm nước. Khung cửa kính thư viện trông ra một khu vườn hoang dã bên ngoài, có những cây cổ thụ cành lá rườm rà, nhiều loại hoa leo đủ màu sặc sỡ tôi chưa từng biết tên, và những ngọn cỏ đang rạp mình theo chiều gió thổi. Có những con chim lạ từ đâu bay tới, con nào cũng đẹp với hình dáng và màu sắc riêng; chúng vừa bay vừa hót ríu rít. Vài chú sóc không biết từ một gốc cây nào đó rủ nhau ra giữa vườn cỏ đùa giỡn, rồi thoắt chốc đã leo lên những cành cây cao chót vót.

Nhìn sang người bạn ngồi ở ô đối diện, tôi thấy bạn cắm cúi trên sang sách. Bạn tôi có lẽ đang tập trung tâm trí vào bài học, còn tôi thì lại thả cho hồn bay lượn ngoài trời. Mắt tôi dừng lại ở bức tường, ngăn cách khuôn viên đại học với thế giới bên ngoài. Những viên đá được xếp chồng lên nhau, không biết đã từ bao giờ, làm thành một bức tường dài, cổ kính. Như bị cuốn hút, tôi rời chỗ, đứng lên tìm lối đi ra khu vườn với bức tường đá ấy. Những ngọn cỏ cúi chào, chim chóc bay xào xạc, những chú sóc vội vàng trốn chạy, còn những bông hoa dại vẫn tươi tắn mỉm cười. Khung cảnh vừa yên tĩnh, vừa thơ mộng một cách hoang sơ. Tôi đưa tay ngắt một bông hoa tím rồi bước dọc theo bức tường đá, đầu óc nghĩ ngợi mông lung.

Những viên đá được xếp chồng lên nhau, không biết đã từ bao giờ, làm thành một bức tường dài, cổ kính. (minh họa: Unsplash)

Những bức tường…

Ngôi nhà nào, cơ sở nào, khu vực nào cũng có những bức tường ngăn cách nó với thế giới bên ngoài. Những bức tường tạo nên một ranh giới, bên trong và bên ngoài. Nếu tôi có một căn nhà, thì bên trong bức tường thuộc về tôi, chứa đựng những gì của tôi. Bên ngoài là những gì không phải của tôi, không thuộc về tôi. Bên trong là thân tình, bên ngoài là xa lạ. Nếu tôi ở trong một cơ sở như trường học chẳng hạn, thì bên trong bức tường là sinh hoạt của nhà trường, với những lớp học, thư viện, sân chơi, những giáo sư, sinh viên, nhân viên, sách vở và một hệ thống giáo dục của nhà trường; còn bên ngoài là sinh hoạt của thành phố, với xe cộ, hàng quán, đường xá, nhà cửa, cảnh sát, khách bộ hành…, những gì không thuộc về nhà trường mà tôi đang ở trong.

Bức tường bảo vệ cho những gì ở bên trong và khiến cho bên trong trở thành một cái gì có tên. Nếu nhà không có tường thì người và đồ vật trong nhà không được bảo vệ. Hơn nữa, khi ấy “cái nhà” không còn phải là nhà, không có tên là cái nhà nữa. Nếu một cơ sở không có tường thì cơ sở không còn là cơ sở, và không thể nào có những sinh hoạt đặc thù của nó nữa.

Như thế, hỏi tường có cần không, thì tường cần lắm, rất cần. Bởi vậy, thật là hữu ích khi trường học có tường, tu viện có tường. Có tường là có an toàn, là người bên trong được bảo vệ. Người ở bên trong tường, nếu chấp nhận sự hiện hữu của tường, tức là chấp nhận những gì có bên trong tường, xảy ra bên trong tường.

Tuy nhiên, tường chỉ giúp tôi khi tường bảo vệ tôi, mà không ngăn cản tôi. Nghĩa là tôi phải được tự do ra vào, tự do hoà nhập với thế giới bên ngoài khi tôi muốn. Chính vì vậy mà có tường thì thường có cửa, có cổng. Cánh cửa hay cánh cổng là dấu hiệu của sự thông thương. Cổng mở là dấu hiệu của tự do và mời gọi. Cổng đóng là dấu hiệu của hạn chế và chối từ. Người ở trong tường được tự do hay không, điều đó được xác định ở chỗ người đó có được mở cổng và đóng cổng theo ý của mình không.

Có một thứ tường thật cao mà không có cổng, hay nếu có thì cổng luôn luôn đóng. Đó là tường của nhà tù. Người ở trong tù mất quyền tự do, do đó, họ không được tự nhiên mở cổng mà ra. Khi đó, bức tường tạo nên sự ngăn cách hoàn toàn, khiến cho người tù không nhìn thấy được người và khung cảnh bên ngoài, không được quyền tiếp xúc với người và hoà nhập những sinh hoạt của xã hội bên ngoài. Tường mang ý nghĩa sự cấm cản, mất tự do.

Có tường là có an toàn, là người bên trong được bảo vệ. Người ở bên trong tường, nếu chấp nhận sự hiện hữu của tường, tức là chấp nhận những gì có bên trong tường, xảy ra bên trong tường. (minh họa: Dòng Xitô Thiên Phước tại thành phố Aptos, California. ảnh: doantrang/SGN)

Xây tường và đóng cổng để chỉ lo cho mình, không biết đến người bên ngoài là hành động ích kỷ. Khi đó người ta biến nhà của mình thành một pháo đài an toàn. Tôi chỉ biết lo cho tôi, cho sự an toàn và no đủ của tôi mà không cần biết đến sự bất an và đói khổ của những người bên ngoài. Tường tạo nên sự an toàn, cổng cần phải đóng để giữ được an toàn cho người trong nhà. Nhưng người trong nhà cũng cần mở cổng để đón tiếp những người khác, khi những người này cần đến sự giúp đỡ. Bất cứ bị thúc đẩy bởi một lý do nào để người bên trong xây tường cao và đóng kín cổng, người ấy đã tự biến mình thành một thứ tù nhân.

“Trèo tường” hay “trèo cổng” ra ngoài là hành động biểu lộ một sự phản kháng, một sự chối từ những gì ở bên trong bức tường. Ở tuổi thiếu niên cuồng dại, Đinh Hùng “đã nhiều phen trèo cổng bỏ trường về, xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn.” Như thế có nghĩa là ở vào tuổi ấy Đinh Hùng vì cuồng dại đã phủ nhận đường lối giáo dục của nhà trường! Ở vào một thời đại khác và với một ý thức khác, hàng ngàn người dân Đông Đức đã trèo qua bức tường Bá Linh, ngăn cách Đông Đức và Tây Đức. Hành động ấy biểu lộ ý chí chối từ của người dân Đông Đức đối với chế độ chính trị của phần lãnh thổ này. Bức tường ấy bây giờ không còn nữa. Người dân Đức, trong đó chắc chắn có nhiều người đã từng trèo qua nó, đã phá đổ bức tường ấy. Bây giờ không còn ngăn cách nữa, người Đức tự do đi lại mà không hề bị cấm cản.

“Trèo tường” hay “trèo cổng” vào trong thì gọi là “đột nhập.” Có nhiều lý do của hành động đột nhập nhà hay cơ sở. Có thể đột nhập để trộm cướp, mà cũng có thể đột nhập để cứu thoát một người nào đó. Đột nhập để trộm cướp người ta trở thành kẻ trộm, kẻ cướp. Nhưng đột nhập để giải cứu người bị giam giữ hay bị nạn, một cách chính đáng, người ta trở thành anh hùng.

Như thế, “trèo cổng” hay “trèo tường” là một hành động táo bạo và nguy hiểm, tuy nhiên tốt hay xấu không do hành động “trèo,” mà do mục đích của hành động ấy.

Tôi và những người chung quanh tôi cũng đều có những bức tường vây bọc. Bức tường ấy tạo nên tôi, với bản chất, tính nết, tâm tình, hoàn cảnh riêng của tôi. Nếu không có bức tường ấy, tôi không còn phải là tôi. Khi tôi ra khỏi bức tường, tôi hoà nhập với mọi người, sinh hoạt với mọi người.

Nhưng khi vào phía trong bức tường, tôi có thế giới của riêng tôi. Người khác cũng thế, ai cũng cần có một thế giới riêng của mình, một nơi thân mật nhất, chỉ có mình và những người mình cho phép mới vào được. Thỉnh thoảng tôi nghe có những người nói về người này, người khác, đôi khi nói về chính người chồng hay người vợ mình, với một câu: “Ông ấy (hay bà ấy,) tôi biết quá rồi!” Khi nghe một người nói rằng họ “biết quá” về một người nào đó, hơn nữa người đó lại là một phụ nữ, tôi thường cảm thấy hoài nghi. Tôi vẫn nghĩ mỗi người đều có một bức tường, nhất là người phụ nữ. Không ai có thể vượt qua bức tường ấy mà vào bên trong, trừ khi chính người bên trong sẵn lòng mở cửa cho họ vào.

Nơi đâu cũng đều có những bức tường vây bọc. (minh họa: Làng Solvang, California. ảnh: doantrang/SGN)

Một khi bức tường là của tôi, do chính tôi dựng nên, thì việc giữ lại nó, hay phá đổ nó thuộc quyền tự do của tôi. Nói đến những bức tường ngăn cách người này với người khác, người ta thường có ấn tượng không tốt và đều có khuynh hướng muốn mọi người phá đổ những bức tường ấy. Tôi thì không đâu, tôi muốn giữ bức tường của tôi, nhưng tôi cũng muốn có ý chí và tự do để ra vào phía ngoài, phía trong bức tường ấy khi có sự cần thiết; cần thiết cho chính tôi cũng như cần thiết cho người khác. Như vậy tôi vừa giữ được cái gì thuộc riêng về nội tâm của tôi, vừa bước được ra ngoài, cùng chung sức với những người khác để kiến tạo một xã hội, một cộng đồng, trong đó có nhiều người chung sống.

Với những người thân, tôi vẫn giữ bức tường là bản chất của riêng tôi, nhưng tôi để họ tự do ra vào qua bức tường ấy. Với một vài người, tôi để cho họ tự do khám phá những gì có phía bên trong bức tường, và có thể tôi gợi ý để họ khám phá những gì mà tự họ không nhìn thấy được. Tôi cố gắng tránh khuynh hướng nhốt họ lại trong bức tường của tôi. Khi tôi đã mở cửa và cho họ tự do, họ có quyền vào, ở lại, mà cũng có quyền ra đi. Đi hay ở khi đó là quyền của họ. Họ ở lại, nếu căn nhà của tôi có gì khiến họ quyến luyến và ràng buộc. Họ ra đi, nếu thấy những gì bên trong bức tường không thích hợp với họ, nhất là khiến họ chán ngán. Do đó, nếu muốn người nào đó ở lại phía bên trong bức tường của tôi, thay vì tìm cách nhốt họ, tôi cố gắng làm cho trong tôi có điều gì khiến họ yêu thương và quyến luyến.

Tôi tuyệt đối tránh hành động “trèo tường” hay “trèo cổng” để đột nhập căn nhà nội tâm của người khác. Tôi gợi ý, có thể tôi xin để họ mở cửa cho tôi vào nếu tôi thực sự muốn. Ép uổng tình cảm, tư tưởng của người khác là điều không tốt và tôi không muốn làm. Ngay cả việc muốn hướng dẫn tâm hồn người khác, cũng phải tôn trọng quyền tự do và đời sống riêng của họ. Chúa Ki-tô bảo: “Ai không cứ cửa mà vào chuồng chiên, song trèo qua lối khác mà vào, thì ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.” (Gioan 10: 1).

Trời đã xế chiều, từng mảng tối đã chập choạng che phủ cảnh vật. Tôi vẫn cầm bông hoa tím đứng bên cạnh bức tường đá. Qua khung cửa kính thư viện, tôi thấy bạn tôi đang giơ tay vẫy gọi. Bạn, bạn có muốn mở cánh cửa trổ ra từ bức tường của bạn, để tôi được bước vào không?

*

Với một người, giờ đây tôi luôn luôn muốn mở toang cửa để chào đón. Tôi muốn giữa người ấy và tôi không còn một bức tường nào cả. Tôi muốn bản thể của tôi hoà nhập với bản thể của người ấy, tình yêu của tôi hoà nhập với tình yêu của người ấy, tất cả những gì của tôi đều thuộc về người ấy. Đối với người ấy, tôi không muốn giữ lấy bất cứ cái gì là của riêng nữa. Tôi muốn dâng hiến tất cả. Người ấy là Chúa Ki-tô.

Chúa Ki-tô đứng trước một căn nhà tường xây kín mít, kiên nhẫn gõ cánh cửa đóng im ỉm. (tranh minh họa)

Tôi suy nghĩ nhiều về bức tranh người họa sĩ kia vẽ Chúa Ki-tô. Ngài đứng trước một căn nhà tường xây kín mít, kiên nhẫn gõ cánh cửa đóng im ỉm, mà nắm đấm mở cửa lại nằm phía bên trong nhà chứ không ở bên ngoài. Có phải bức tranh ấy vẽ về chính căn nhà của tôi, căn nhà đã có một thời chối từ không muốn Chúa Ki-tô vào thăm viếng?

Đọc thêm:

-Thở, Thiền, và Thơ, viết giữa sa mạc, nơi thị trấn

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: