Mùa hè năm nay, mấy cây dâm bụt sau nhà tôi trổ hoa màu hồng xum xuê. Ngày nào cũng vỏn vẹn một con bướm chúa, bay vờn trên các đóa hoa màu hồng ngát này. Chỉ mới giữa mùa hè, chưa đến mùa thiên di…
_______________
Vào khoảng cuối tháng Tám, hằng trăm triệu con bướm chúa (monarch butterfly) làm một cuộc thiên di vĩ đại. Bướm ở miền Đông của rặng Rocky Mountain (Canada và Bắc Mỹ) sẽ bay “về” rừng thông oyamel firs thuộc miền trung du của Mexico. Monarch Butterfly Biosphere Reserve, ở khoảng giữa Michoacán và thành phố Mexico, là một cánh rừng sinh học rộng 139 ngàn acres với độ cao hơn ba ngàn mét, là nơi bướm chúa trú ngụ suốt mấy tháng mùa đông. Bướm ở miền Tây rặng Rocky sẽ trú đông ở California.
Dọc theo bờ biển California có nhiều địa điểm bướm tụ hội để ngủ đông (hibernate), Coastal Access Monarch Butterfly Preserve, Los Osos là một. Tôi dùng chữ “về” vì có vẻ như loài bướm này trở về nơi chúng sinh ra, nhưng thật ra những con bướm này chưa hề biết Mexcico.
Bướm có đời sống rất ngắn, có loại sống chỉ một tuần, có loại sống được một năm. Cuộc thiên di hơn ba ngàn dặm, vượt qua nhiều trắc trở địa lý như biển (Đại Tây Dương) và các hồ lớn; thời tiết lắm khi mưa bão mà cánh bướm lại rất mong manh; đầy rẫy kẻ thù của bướm như nhện và loài bọ praying mantis. Bướm phải trải qua vài thế hệ mới đến được Mexico. Không ai hiểu vì sao loại bướm phải thiên di đến Mexico, một nơi chốn mà từ lúc sinh ra đời chúng chưa hề biết. Vì thời tiết? Vì mùi hương? Vì thức ăn? Hay vì một thứ radar ngầm cấy sẵn trong bộ nhiễm thể của bướm?
Có lẽ tổ tiên bướm dặn dò dù sao cũng phải có một đời con, cháu, hay chắt trở lại quê cha đất tổ. Trên đường thiên di, bướm không ăn, chỉ tìm nước uống và dùng chất béo dự trữ trong cơ thể. Bướm sẽ ngủ đông từ tháng Mười Một cho đến tháng Ba rồi lên đường quay lại phương Bắc. Nghe sao giống người Việt, về thăm quê cũ nhưng sau đó trở lại nơi mình sinh sống. Và cũng giống như những người mộ đạo (Thiên Chúa, Hồi Giáo, và Do Thái) đi cả một phần tư, hay nửa vòng Trái đất tìm đến nơi thánh địa để hành hương.
Bướm chúa, mới đây bị xếp vào nhóm côn trùng có nguy cơ tiệt chủng, endangered species, vì bị mất nơi ăn chốn ở, thuốc trừ sâu, và do biến đổi khí hậu cực độ, thí dụ như cháy rừng. Nhắc đến cháy rừng thì lại nhớ đến trận cháy Oak Fire (ngày 26 Tháng Bảy 2022) thiêu hủy 19 ngàn acres ở county Mariposa, California. Chỉ để chữa cháy rừng mà tổn thất đã lên đến $15 triệu. Mariposa theo tiếng Spanish, có nghĩa là bướm. Quận lỵ này được đặt tên Mariposa vì ngày xưa có nhiều lần bướm đến để ngủ đông.
_______________
Nhìn thấy hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí chục ngàn con bướm chen chúc, xúm xít, lúc lỉu ngủ trên một cây oyamel fir là một cảnh tượng nếu chỉ nói là đẹp mắt thì không đủ. Bướm về ngủ đông ở Mexico thường vào khoảng tuần lễ “Day of the Dead” của Mexico. Nhìn những con bướm màu sắc rực rỡ bay khắp nơi trong bầu trời, đậu trên cây, trên tóc, trên áo, trên mũi của con người, cũng giống như thấy confetti bay đầy trời của ngày hội mừng New Year ở thành phố New York.
Người đi xem ngày hội mừng năm mới có cảm giác vui; niềm vui của nhiều người cùng một lúc cộng lại dường như nhân lên cái vui của mỗi cá nhân. Nhiều người nhìn thấy loài bướm thiên di về Mexico trong ngày “Day of the Dead”, nhìn thấy màu sắc rực rỡ của bướm, nghe tiếng vỗ phập phồng của hằng triệu cánh bướm, biết là những cánh bướm mong manh đó đã vượt hằng ngàn dặm, trải qua nhiều thế hệ để về đến thánh địa của loài bướm, người ta có cảm giác ngây ngất, không chỉ là niềm vui ngày hội, mà còn là sự thăng hoa tín ngưỡng trong tâm hồn.
Ngày xưa, người Tây Ban Nha khi cai trị đã giết rất nhiều người Mexico. Người Mexico tin rằng mỗi cánh bướm chuyên chở một linh hồn trở về quê hương để tìm lại người thân trong tuần lễ “Day of the Dead.” Người Nhật cũng tin bướm là biểu tượng của linh hồn, nhất là khi đám giỗ có con bướm bay vào nhà, đậu lên bàn thờ hay đồ vật thường dùng của người đã khuất.
Người Trung quốc có câu chuyện Trang Tử, nằm mơ thấy mình biến thành bướm, tỉnh dậy không biết mình hóa bướm hay bướm hóa ra mình. Người Việt cũng tin bướm tượng trưng cho hồn người, nhưng trong ca dao Việt Nam, con bướm thường là biểu tượng của tình yêu hay có liên quan đến tình yêu, thường khi là dấu hiệu của sự lả lơi không chung thủy.
Bướm bay giữa bể bướm rơi,
Em thấy anh ngó nhiều nơi em buồn.
(Ca dao Việt Nam)
Bướm là biểu tượng của hạnh phúc. Người Tây phương có câu nói, “Hạnh phúc giống như cánh bướm, càng rượt đuổi nó càng bay xa. Khi bạn ngừng rượt đổi thì nó sẽ đậu lên vai bạn.” Cũng có khi bướm là một hạnh phúc buồn. Nhạc sĩ Trần Tiến viết, “em đi qua con đê, có chú bướm vàng bay theo em. Bướm vàng đã đậu nhánh mù u rồi.” để nói lên một chuyện đã rồi. Hạnh phúc được biết yêu, và buồn vì người thầm yêu đi lấy chồng. Chú bướm vàng lên tiếng trách, “lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn.”
_______________
Basho, trong những bài haiku của ông, con bướm được dùng để ám chỉ cuối mùa hè và đầu mùa thu.
a butterfly also comes
to sip the vinegar from mums (*)
and pickles
(Basho Revisited)
__________
Con bướm đến để
nếm mùi giấm trong hoa cúc
và dưa muối
(NTHH dịch)
Mums là chữ viết tắt của chrysanthemums, hoa cúc thường xuất hiện vào đầu mùa thu. Bài thơ của Basho nói lên một đặc tính của bướm. Bướm không chỉ thích hương hoa và vị ngọt, chúng cũng thích đậu lên người, vì mùi mồ hôi và chất muối. Nhà thơ Issa nhìn thấy sự vô thường của đời người trong cánh bướm đang bay.
The flying butterfly
I feel myself
A creature of dust
(Issa báo NYT)
__________
Nhìn cánh bướm đang bay
Tôi cảm thấy mình là
sinh vật của cát bụi
(NTHH dịch)
_______________
Bướm là hiện thân của sự mong manh dễ vỡ. Những buổi chiều đầu thu, trời có những cơn gió mạnh, tôi thường bắt gặp những con bướm cánh rách tả tơi. Một vài giọt mưa to đủ làm ướt cánh bướm, làm nó rơi và trôi theo dòng nước. Để biểu hiện cuộc đời bướm cho chúng ta nhìn thấy sự vô thường. Nếu bướm là dấu hiệu của niềm tin, thì đó là niềm tin dễ vỡ, có khi sẽ làm người ta vô cùng thất vọng.
Bướm già thì bướm có râu,
Thấy bông hoa nở, cúi đầu bướm châm.
Bướm châm mà bướm lại nhầm,
Có bông hoa nở, ong châm mất rồi.
(Ca dao Việt Nam)
Hay là
Bươm bướm mà đậu cành hồng
Đã yêu cô chị lại bồng cô em.
Bướm như là một kẻ không thể nào tin được, thế mà nhà thơ Nguyễn Bính lại rủ rê to nhỏ. “Bướm ơi bướm hãy vào đây. Cho ta hỏi nhỏ câu này chút thôi.” Không biết có tin được hay không mà hỏi.