Cà phê xứ mình

Café vỉa hè – hình ảnh quen thuộc ở gần như tất cả đô thị Việt Nam (ảnh: Unsplash)

Ở McDonald’s đầu góc phố, 6:00 am, dòng xe nối đuôi tạo thành hình chữ U quanh tiệm, từng chiếc lần lượt dừng ở cái bảng “menu”, đặt món này, gọi món kia; rồi từ từ chạy đến ô cửa sổ tính tiền, nhận trước ly cà phê trong “combo”, nhích lên chút nữa, chừng một phút sau, nhận túi đồ ăn đã đặt, rồi nhanh chóng hòa vào dòng xe tất bật ban sáng, mất hút.

Anh Liêm tôi, hồi còn ở Sài Gòn, mỗi ngày ngồi cà phê hai tiếng đồng hồ. Cái quán cóc vỉa hè có cô chủ quán xinh xắn và rất nhanh tay. Chẳng biết anh Liêm ngồi đó có phải vì cô chủ quán hay không, mà hơn 20 năm, anh vẫn hay ngồi đó. Cô chủ, giờ tay vẫn còn nhanh nhẹn tuy da đã xuất hiện vài nếp nhăn theo thời gian, nhưng có sao đâu, anh Liêm vẫn ngồi. Anh còn có một hội bạn, sáng nào cũng ngồi cùng.

Các anh từ nhiều nơi làm việc khác nhau, nhưng có một điểm chung: có con học trường gần đó. Sáng 6:45 am con đến lớp, các anh ghé cà phê. Đến hơn 7:30 am, các anh lần lượt tính tiền, lên xe phóng đi, mỗi người mỗi ngã, dần khuất vào dòng người trên phố, mùi cà phê dễ nghiện của cô chủ quán còn lãng đãng bay theo…

Minh họa: Pixabay

Dẫn anh Liêm đi Starbucks, anh phải cầm cái ly bằng cả hai tay, cái ly giấy thôi, mà in hình lá mùa thu vàng đỏ đủ màu, đẹp thiệt đẹp. Anh nói Sài Gòn cà phê khuyến mãi ấm trà pha, cà phê Mỹ thì dòm cái ly “to go” đẹp này cho “đỡ buồn”!

Tôi hỏi anh nhớ Sài Gòn nhiều lắm không? Anh bâng quơ “Sài Gòn mùa này thời tiết dễ chịu lắm, bạn bè hay tụ tập cà phê cà pháo. Uống thì ít mà tám chuyện trên trời dưới biển thì nhiều, gọi có tách cà phê mà ngồi cả hai, ba tiếng, chứ đâu có như ở đây, vội vàng vô mua, vội vàng ra xe, rồi vội vàng chạy mất…”. Vậy là anh nhớ cà phê hay nhớ Sài Gòn? “Thì cà phê là Sài Gòn đó!”.

Cũng đúng, tự khi nào thì chẳng biết nữa. Nhưng để kiếm ly cà phê ở Sài Gòn chắc dễ hơn ở Mỹ nhỉ! Trên các con đường Sài Gòn lớn nhỏ, rất nhiều những quán cà phê không tên, vài chiếc ghế gỗ con xếp ngẫu hứng cũng đủ cho người ta ngồi, hoặc lấy làm bàn, chỉ để đôi ba ly cà phê. Dù là ở những góc phố yên tĩnh hay bên những con phố xe cộ lại qua thì khi ngồi bên ly cà phê, người ta bỗng hóa trầm ngâm, suy tư đến lạ lùng.

Cà phê Sài Gòn không thể đựng trong cái ly size L của Starbucks được, và ngược lại, Starbucks thì không thể đủ trong cái tách nhỏ xíu như cà phê Sài Gòn. Người Mỹ uống cà phê chủ yếu để giải khát, để tỉnh táo, Sài Gòn lại uống cà phê để thưởng thức, để nhâm nhi. Những quán cà phê dọc đường đến công sở lúc nào cũng thấy đông vui, dù bất kể giờ giấc nào.

Cái thú cà phê “chậm” này chắc không đâu có ngoài Sài Gòn, trải qua bao nhiêu thập kỉ, quán cóc đã bị dẹp đi ít nhiều, nhưng các tiệm cà phê, tiệm nước lại mọc lên gấp rưỡi, bày trí bắt mắt, mục đích cho khách “check-in”, ngồi nói chuyện, thậm chí bàn công việc. Động ngữ “đi cà phê” với người Việt không chỉ gói gọn trong việc đến quán thưởng thức cà phê. “Đi cà phê” còn bao gồm luôn cả nghĩa đi gặp bạn bè, đi làm việc…

Nhiều mô hình kinh doanh cà phê ra đời như cà phê sách, cà phê văn phòng, cà phê thú cưng…, ra đời để đáp ứng được văn hóa cà phê mới của người Việt. Tôi đi cũng nhiều, mà chưa thấy nơi nào như Starbucks Sài Gòn, bài trí chỗ ngồi với các cụm bàn bốn, sáu chỗ, kết hợp giữa không gian chung và riêng, có góc dành cho hội họp trong nhà, lại có chỗ “view” đẹp ngoài sân. Đi ngang tiệm lúc nào cũng thấy tấp nập, từng nhóm bạn trẻ chụp hình, “sống ảo” cả ngày không biết chán. Mới thấy, ngay cả một thương hiệu lẫy lừng, khi vào Sài Gòn, cũng phải chuyển đổi phong cách, để phù hợp với kiểu uống cà phê ở xứ mình.

Anh Liêm cầm ly cà phê, hút cái rột, thở dài, “lạt quá Út ơi”. Ờ thì, cà phê kiểu Mỹ là vậy! Vị loãng, thường uống đắng, nếu muốn ngọt thì cho thêm bịch “splenda” – một loại chất tạo đường không calories cho người ăn kiêng, muốn béo thì một hộp kem béo, là xong. Cà phê Mỹ đơn giản, nhanh gọn như chính tính cách người Mỹ vậy!

Một quán café Sài Gòn (ảnh: Unsplash)

Còn một tách cà phê ở Sài Gòn? Anh Liêm kể, buổi sáng đi ngang quán cóc của cô hàng cà phê, nghe cái mùi cà phê mới pha, muốn bỏ đi cũng không đành. Cô vẫn dùng cái ấm sắt Tây nấu nước sôi, cái lọc nhỏ bằng vải để lược cà phê, ly tách cũ kỹ, vậy mà sao cứ “ghiền”!

Ghiền cái mùi ban mai, ghiền cái vị đậm đà, mặn, đắng, chát, thơm ấm sực. Ngày nào thong thả thì gọi cà phê phin, ngồi đếm từng giọt chảy xuống, gọi thằng nhóc mua tờ báo, đọc tin chính trị thế giới… Bữa nào bận hơn thì cà phê pha sẵn. Lâu lâu mua dùm đứa bạn ly “bạc xỉu” nhiều sữa ít cà phê, mà phải sữa đặc “Ông Thọ” mới chịu, mùi bạc xỉu thơm ngậy “thần sầu”.

Cà phê cóc Sài Gòn bình dị không wifi cũng chẳng máy lạnh, mà nói chuyện tới tận trời Đông trời Tây. Cà phê ở Mỹ thì sang trọng, tiện nghi, mà khách chủ yếu “to go” chứ mấy ai muốn ngồi lại bao giờ. Cà phê không phải là thú tao nhã như trà, càng không mãnh liệt như rượu. Cà phê là gạch nối lưng chừng, nửa lạ nửa quen, nửa say nửa tỉnh… Như anh Liêm, quá nửa đời người ở Sài Gòn, rồi giờ phải bắt đầu cuộc sống mới, ở xứ lạ quê xa. Chẳng biết trong anh có lưng chừng thương nhớ, muốn quên hay vẫn nhớ, muốn ở lại muốn về.

Cà phê, dù nhìn ở khía cạnh nào, cũng là một nét văn hóa của xã hội. Khi người ta đã gắn bó gần cả cuộc đời ở nơi ấy, thì dẫu có thương hay ghét, cũng thành “nhớ” tự bao giờ..

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: