Viết về Chim Sẻ là viết về một ước mơ của tôi trong thời niên thiếu
Ngày đó, tôi ước mơ được ôm một con Chim Sẻ trong đôi bàn tay của mình, để vuốt ve bộ lông màu nâu mềm mại và cảm nhận sự run rẩy của Chim Sẻ trong bàn tay mình. Đó là một ước mơ tuy nhỏ bé nhưng vô cùng mãnh liệt và với tôi vô cùng táo bạo.
Không hiểu tại sao, tôi vẫn nghĩ rằng giữ một sinh vật biết bay trong bàn tay mình là một tội, hay ít ra cũng là một điều lầm lỗi. Sau này khi lớn lên tôi mường tượng hiểu ra rằng ngay từ khi còn là chú bé con, trong vô thức tôi đã biết Tự Do là điều vô cùng quý giá, mà một sinh vật biết bay – điển hình là Chim Sẻ – tượng trưng cho sự Tự Do ấy. Giữ Chim Sẻ trong tay, dù chỉ là đôi bàn tay thơ dại của một chú bé con, cũng đã là một hành động bóp nghẹt Tự Do, và như thế hẳn là một điều lầm lỗi. Còn cái cảm giác “ước mơ táo bạo”? Lỗi lầm nào mà chẳng có một sức cuốn hút, trái cấm nào chẳng có hương vị mời mọc? Chính vì thế mà ước mơ được ôm Chim Sẻ trong tay trở thành một ước mơ táo bạo, đôi khi làm tôi rung động cả trái tim son trẻ.
Bố tôi không bao giờ cho tôi chơi ná bắn chim. Giả như bố có cho, tôi cũng không bao giờ muốn mình làm cho chim chết hay bị thương. Bố cũng cấm tôi không được trèo cây phá tổ chim, bắt chim non hay lấy trứng, theo đúng quan niệm ”có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo.” Bởi thế hầu như không bao giờ tôi được nhìn thật gần, thật sát Chim Sẻ, chính vì thế mà tôi có ước mơ. Ước mơ đó đôi khi đi vào giấc mộng. Tôi mơ thấy mình chạy như bay giữa một cánh đồng lúa chín, giơ tay vẫy, bắt Chim Sẻ đang bay hàng đàn trên đầu. Và bao giờ cũng thế, khi tôi sắp sửa ôm được Chim Sẻ trong đôi bàn tay thì giật mình tỉnh giấc.
Tình yêu của tôi dành cho Chim Sẻ là tình yêu vụng dại của tuổi thơ. Tôi yêu Chim Sẻ nên thích nhìn Chim Sẻ, dĩ nhiên cùng với ước mơ được ôm chim Sẻ vào lòng.
Những buổi sáng ở đồng quê vào dịp nghỉ hè, tôi thường ngồi trước hiên nhà, ngắm nhìn từng đàn Chim Sẻ bay từ trên cao xuống, đậu rợp một sân nhà đang phơi thóc. Những hạt thóc chín vàng được mổ thật nhanh, thật gọn, với những cái mỏ nhỏ, ngắn, xinh xinh. Cũng có những ngày thiếu nắng, bầu trời xám như chì và có gió thổi lành lạnh, tôi nghển cổ kiếm tìm Chim Sẻ đang ẩn nấp trong những ống tre, ống nứa trên mái tranh, thỉnh thoảng thò cái đầu xinh xắn màu nâu với cặp mắt tinh anh ra ngoài ngó ngang ngó dọc.
Chim Sẻ có mặt khắp nơi, ở đồng quê cũng như trong thành phố. Những ngày nắng ráo, thành phố đẹp như tranh vẽ bằng màu sắc vui tươi rực rỡ, Chim Sẻ đậu từng hàng trên dây điện, ngó xuống đường xá phố phường trong nhịp sinh hoạt mỗi lúc một dâng cao. Chim Sẻ cũng có mặt ở nhà trường, nhận những mẩu bánh mì vụn vương vãi mà những cô cậu học trò chia sẻ cho. Chim Sẻ ở nhà trường rất bạo dạn, chơi cùng một sân với sân chơi học trò. Một cuộc sống chung rất hoà bình giữa Thiếu Nhi và Chim Sẻ. Thì lâu lâu các em cũng hù doạ Chim Sẻ một chút, Chim Sẻ bay tuốt lên các cành cây. Nhưng Chim Sẻ không biết giận, chỉ một lát sau, Chim Sẻ lại bay xuống đầy sân trường học.
Đôi khi Chim Sẻ cũng nghịch ngợm, bay cả vào trong lớp học, không biết để nghe thầy giảng bài hay để chọc phá không cho thầy giảng. Nếu tôi nhớ không lầm thì Huy Cận đã viết những câu thơ thật dễ thương về Chim Sẻ:
Chiều Xuân Chim Sẻ vô trong lớp,
Ông giáo trông lên, chúng bạn cười.
Các bạn tôi, chúng thích sáo, thích vẹt để dạy cho những con chim này tập nói. Tên nào mơ mộng hơn thì thích hoàng oanh, sơn ca để nghe chúng hót; cầu kỳ hơn thì thích hoàng yến; chịu khó và hiền lành thì nuôi chim cu, tập cho chim cu gáy bổ hai, bổ tư… Tên nào quá thực tế thì thích nuôi bồ câu để… ăn thịt! Chỉ có tôi là thích Chim Sẻ.
Chim Sẻ của tôi khác tất cả các loại chim vừa kể ở trên. Những loại chim đó đều biết bay, dĩ nhiên là chim thì phải biết bay, không biết bay, hoạ có là chim bằng đất sét! Nhưng dù biết bay, chúng cũng chấp nhận sống trong lồng để cho người ta chăm sóc, nuôi dưỡng. Chim Sẻ thì không! Chim Sẻ không chấp nhận được nuôi trong lồng, dù trong lồng có gạo trắng, nước trong. Cuộc sống của Chim Sẻ là cuộc sống tự do bay lượn trên trời xanh lồng lộng, tự do chuyền cành, nhảy nhót. Có thể Chim Sẻ bay không cao, nhảy không xa, nhưng tầm bay và tầm nhảy của Chim Sẻ chắc chắn cao hơn, rộng hơn khung lồng chật hẹp. Cố bắt nhốt Chim Sẻ vào lồng, Chim Sẻ không chống cự lại được thì cuối cùng Chim Sẻ chết chứ không cam tâm sống cuộc sống chim lồng. “Tự Do hay là Chết,” khẩu hiệu này, lẽ ra khi được người ta kẻ thành biểu ngữ hay được đóng khung trong các trang báo, phải có hình Chim Sẻ ở bên cạnh.
Tôi thích ngắm bộ lông màu nâu của Chim Sẻ. Trong màu nâu ấy, có một cái gì hiền lành, thân mật, một cái gì gần gũi và dễ thương. Màu nâu không Làm cho người ta có cảm giác sợ hãi hay kiêng nể. Tôi không nghĩ màu nâu là màu tầm thường, nhưng tôi nghĩ đó là màu căn bản của con người, chính vì vậy mà người ta dễ có cảm tưởng gần gũi với nó. Màu nâu là màu của đất. Đất nuôi sống con người bằng tất cả những phẩm vật phát sinh từ nó. Đất cũng được Thiên Chúa dùng để tạo nên con người. Đất và Người, mối liên hệ ấy đã có từ thuở khai thiên lập địa. Lúc nãy tôi có nhắc tới chim bằng đất sét. Quả nhiên khi còn nhỏ, tôi đã thường dùng đất sét để nắn thành hình những con Chim Sẻ. Tại sao tôi không vẽ Chim Sẻ trên giấy, không lấy giấy gấp hình Chim Sẻ, hay không làm Chim Sẻ bằng bất cứ vật dụng nào khác? Thực tình bây giờ tôi không biết, có thể vì những vật dụng khác hiếm hơn, cũng có thể vì tôi không có tài vẽ, tài xếp giấy, nhưng cũng rất có thể là vì tôi đã có một liên tưởng tự nhiên giữa màu nâu của lông Chim Sẻ và màu nâu của đất. Sự liên hệ rất đơn giản, tự nhiên, hiền như đất và bình dị như Chim Sẻ.
Chim Sẻ không biết đi, mà chỉ biết nhảy. Điều này tôi khám phá ra rất sớm trước khi được học về nó trong chương trình vạn vật những năm đầu bậc Trung học. Cái lối và cái dáng di chuyển của Chim Sẻ thật đặc biệt, nó có cái gì hồn nhiên, vui tươi ở trong đó. Hình như trong người Chim Sẻ, trong đôi cánh và nhất là trong đôi chân của Chim Sẻ có âm nhạc. Mỗi bước nhảy của Chim Sẻ là một nốt nhạc xinh xinh. Chính vì thế, người ta thường ví bước chân tung tăng của các cô cậu học trò là “bước chân Chim Sẻ.” Những buổi sáng rảnh rỗi, tôi thường ngồi trước sân nhà, chăm chú ngắm nhìn Chim Sẻ nhảy tung tăng và kêu ríu rít. Ở Chim Sẻ, cái gì cũng nhỏ bé, niềm vui của Chim Sẻ cũng là một niềm vui nhỏ bé, tiếng kêu của Chim Sẻ cũng là những tiếng nhỏ bé, và bước nhảy của Chim Sẻ cũng là những bước thật ngắn. Bởi thế tôi có thể nói rằng đặc tính ai cũng nhìn thấy nơi Chim Sẻ là sự nhỏ nhắn, dễ thương.
Người ta, dù ai có yêu đời lạc quan mấy đi nữa thì cũng có lúc buồn. Mỗi người có một thứ nguyên do chính để buồn. Đụng vào chuyện khác thì không sao, nhưng đụng vào cái ”nguyên do chính” ấy thì thế nào cũng tạo nên trong lòng họ một nỗi buồn sâu xa, thấm thía. Chim Sẻ cũng thế. Chim Sẻ sống vui tươi, hồn nhiên, nhưng cũng có lúc buồn, đó là khi Chim Sẻ mất bạn. ”Mất bạn” là ”nguyên do chính” khiến Chim Sẻ không thể vui tươi hồn nhiên được nữa. Chim Sẻ trở nên héo hon, u buồn và sầu thảm, Tác giả Thomson nói rằng khi một Chim Sẻ mất bạn thường đậu một mình trên mái nhà, than thở cho số phận. Thánh Vịnh có câu viết rằng: ”Tôi thao thức, tôi giống như Chim Sẻ hiu quạnh trên mái nhà.”
Đôi khi trong suy tư vụng dại, tôi tưởng tượng mình là Chim Sẻ – Ừ, nếu tôi là Chim Sẻ, tôi có biết sống và biết yêu Tự Do như Chim Sẻ không? Nếu tôi là Chim Sẻ, tôi có hoà nhập con người tôi vào thiên nhiên hiền hoà và tươi mát như Chim Sẻ không? Nếu tôi là Chim Sẻ, tôi có vui với bộ lông màu nâu giản dị mà không đua đòi với bất cứ loài chim nào khác có bộ lông lộng lẫy, kiêu kỳ không? Không đua đòi tức là giữ được bản chất của mình, nghĩa là sống thật và không bị lôi cuốn theo người khác. Chim Sẻ làm được điều đó, tôi có làm được như vậy không, hay tôi sẽ sắm cho mình một cái vỏ bên ngoài và chạy đua trong một vòng đua không đích điểm? Nếu tôi là Chim Sẻ, tôi có nhảy nhót tung tăng trong mọi nơi và mọi lúc, biết chấp nhận trong vui tươi cuộc sống và hoàn cảnh của mình không? Nếu tôi là Chim Sẻ, tôi có sống thân thiện với mọi sinh vật chung quanh, giống như Chim Sẻ thân mật với những cô cậu học trò trong sân trường học không? Nếu tôi là Chim Sẻ, tôi có yêu bạn, thương bạn như Chim Sẻ đã yêu thương và buồn rầu khi mất bạn?
Tôi yêu Chim Sẻ, và yêu nhất là cuộc sống phó thác vào Thượng Đế của Chim Sẻ. Giống như hầu hết các loài chim khác, Chim Sẻ không gieo, không gặt mà Thượng Đế vẫn cho Chim Sẻ ngày ngày no đủ. Phần tôi, tôi sống thế nào, lo toan những gì, tính toán ra sao, lập những kế hoạch nào, chương trình dài hạn, ngắn hạn của tôi ra sao?… Chim Sẻ dễ thương vì Chim Sẻ sống không tính toán. Tôi trở nên khó thương vì tôi lo lắng và tính toán nhiều quá.
Chim Sẻ dễ yêu. Cho đến bây giờ, đã bao nhiêu năm qua khỏi tuổi trẻ hồn nhiên, tôi vẫn yêu Chim Sẻ. Tình yêu không những dẫn đến ước mơ được ôm Chim Sẻ trong tay, mà còn mong muốn được sống cuộc sống dễ thương như Chim Sẻ.
Đọc thêm