Trong thời gian ở Melbourne, tôi hay đi ngang giao lộ Ruth, ở St Albans, nơi có một tòa metro lớn luôn nhộn nhịp, trước cửa vào có đặt một bia đá cẩm thạch, tưởng niệm những người đã thiệt mạng khi băng qua đường, để vào khu nhà ga. Tấm bia đá này làm tôi tò mò và lần theo câu chuyện, mà ngẩn người khi biết kết cục của nó: vừa kiêu hãnh, vừa day dứt đau.
Mọi thứ bắt đầu từ câu chuyện anh thanh niên Christian bị tàu điện tông chết, khi anh lao vào giải cứu một cô gái trẻ đang đứng nghiêng ngả gần đường ray.
Chuyện xảy ra vào năm 2012 và bùng nổ thành các cuộc tranh cãi về sự nguy hiểm của cách thiết kế hai đường tàu nối nhau không an toàn. Đến cái chết của anh Christian, đã là người thứ 16 bị nạn như vậy, kể từ năm 2006. Người ta còn liệt kê ra đến 39 người khác, suýt chết cũng vì đường ray ở St Albans.
Nhưng biết làm sao bây giờ. Chính quyền ở Victoria đã bỏ một số tiền quá lớn để dựng nên cơ sở hạ tầng quy mô này. Vấn đề là việc phát triển thành phố nhanh, dẫn đến nhà ga tiện lợi và thoáng đãng ngày nào trở nên chật chội, các cao ốc và con đường hẹp dần, khiến che tầm mắt của người lái tàu khi ra vào ga.
Nhưng với Dianne Dejanovic, bà mẹ của anh Christian, thì không nghĩ vậy.
Bà Dianne cho rằng đã đến lúc phải ngừng lại việc chấp nhận cái chết của những công dân trong vùng, để tiếp tục vận hành hệ thống nhà ga này.
Trong hai năm liền, bà đứng ở khu vực này biểu tình một mình, dán tờ rơi và đòi hỏi sự thay đổi để không ai phải chết như con bà. Bà muốn tính mạng của con bà được đền bù bằng sự thay đổi cho tất cả mọi người khác.
Bất kể nắng mưa, bà Dianne Dejanovic gần như bỏ mọi công việc cho dự án tưởng chừng là cuối cùng của đời mình: công bằng cho con mình, và cho xã hội.
Khởi đầu, hành động này của bà bị coi như là một kẻ phá rối trật tự, một kẻ muốn sinh sự – mà vốn với những quốc gia có những đạo luật chồng chéo và mơ hồ như Việt Nam, chắc chắc bà sẽ phải ngồi tù nhanh, bởi chạm đến chính quyền hay giới nhà thầu xây dựng hợp pháp của chính quyền là không đơn giản. Công cuộc kiên trì của bà đã có lúc làm cho những người trong vùng cảm động, cùng tham gia thành những cuộc tuần hành, yêu cầu phải thay đổi. Cụ thể, họ đòi hỏi một cấu trúc xây dựng mới an toàn hơn.
Thật ra, cũng có những lời hứa hảo về thay đổi đến với bà. Trên tờ The Sydney Morning Herald, bà Dianne nói “Bọn chính quyền cứ quảng bá việc sẽ thay đổi đến phát ngán, hết người này đến kẻ nọ (They’ve done this ad nauseam, government after government), không ai còn đủ kiên nhẫn nữa”.
Ở Việt Nam, bà Dianne có thể bị khép tội vào điều 117 BLHS chứ chẳng chơi, bởi như vậy chẳng khác nào tuyên truyền chống nhà nước.
Cùng với những người ủng hộ ít ỏi, bà Dianne Dejanovic cẩn thận ghi chú tất cả những sự kiện về người thiệt mạng trên các đoạn đường ray này, đặt các tờ rơi với hình ảnh và dữ kiện ở đúng chỗ đã xảy ra, mỗi ngày.
Đối với ban quản lý của hệ thống nhà ga St Albans, đây quả là một điều khó chịu vì mỗi ngày, họ cứ phải cử nhân viên đi gỡ bỏ các tờ rơi, biểu ngữ… của bà Dianne cùng đồng sự.
Tại nơi con trai bà bị tàu điện tông chết, bà Dianne ghi rằng “Con trai tôi đã bị giết ở giao lộ đường sắt St Albans này. Đừng để điều này xảy ra với gia đình của ông, Ted Baillieu (tên người chịu trách nhiệm hệ thống nhà ga St Albans, thủ hiến bang Victoria lúc đó). Lý do gỡ bỏ các biểu ngữ này, được nhà ga thông báo là việc đăng ‘chủ đề tôn giáo, chính trị hoặc chủ đề khác gây tranh cãi’ trên đường sắt là bất hợp pháp.
Nhưng may mắn, bà Dianne không sống ở một đất nước có luật 331 (BLHS 2015), là lợi dụng tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của một số thứ ngớ ngẩn nào đó. Thậm chí việc kêu tên thủ hiến, thủ tướng để chỉ trích khi được báo chí phỏng vấn, bà cũng không bị phạm vào bất kỳ điều nào như kiểu thông tin sai sự thật, bôi nhọ lãnh tụ… ngược lại, sự ủng hộ của giới báo chí tự do có danh dự và đức nghiệp ngày càng nhiều, khiến câu chuyện của bà càng được chú ý nhiều hơn.
Trong ngôn luận của mình, Bà Dainne nói “Tôi tin rằng hành động gỡ bỏ các biểu ngữ và biểu ngữ của tôi là một hành động bức hiếp công dân”, bà viết trên tài khoản cá nhân của mình, “Tài liệu này là tài sản của tôi và tôi yêu cầu trả lại nó hoặc cách khác là tôi muốn được bồi thường cho sự mất mát của mình”. Báo chí ở cả nước Úc cũng đăng bài, và cho là ý kiến bà không sai, và họ tuyệt đối không đưa tin một chiều, dựa vào thông cáo của Ban quản lý nhà ga để đưa, tờ The Age theo sát và loan tin nói trên.
Câu chuyện này làm tôi chợt nhớ và suýt sặc cười, khi năm 2014, trong bối cảnh giàn khoan HD981 tiến vào hải vực của Việt Nam, nhiều người cứ tin rằng cuộc phản đối là quyền và là trách nhiệm. Anh bạn làm ở một tờ báo khi được tặng áo có hình đề cao chủ quyền của Việt Nam – do chính một nữ quan chức tổ chức in và phát. Trên đường đến tòa soạn thì có 2 thanh niên mặt mày hung hăng rượt theo, nói “mày không đổi áo, tao xé và tịch thu ngay lập tức”. Sợ mất áo và cả dép, anh nhà báo này phải chạy trở ngược về nhà để thay. Loại thanh niên ấy là gì, ai cũng hiểu.
Bà Dianne không uổng công. Vào một ngày chủ nhật, một ngày mà lệ thường cơ quan hành chánh không làm việc, nhưng chính quyền Victoria vẫn phải họp và ra quyết định cải tạo công trình, xây lại từ đầu. Tất cả các báo ở Úc ủng hộ bà Dianne đều đưa tin này vào ngày 27-4-2014. Thông cáo ghi rằng “Thủ hiến Denis Napthine cho biết Liên minh sẽ dỡ bỏ giao lộ Main Road ở St Albans sau khi phân bổ 200 triệu AUD (đôla Úc) cho việc đại tu, 151 triệu AUD trong số đó sẽ được cung cấp bởi Chính phủ Liên bang, và phần còn lại từ tiểu bang với khoản tiết kiệm được từ Dự án Liên kết Đường sắt Khu vực”.
Quyết định này của chính quyền bang Victoria cũng rất đáng kính trọng, vì nhà ga này, được tính toán là mỗi ngày có đến 20.000 xe các loại đi qua, giao lộ này cũng có khoảng 2.500 người đi bộ băng qua ngã tư này vào thời gian cao điểm… mọi xây dựng trong thời gian này (từ 2014-2017), sẽ thiệt hại và ách tắc rất nhiều thứ về đời sống, kinh tế… Quyết định này cũng dứt khoát đưa ra, dựa trên lợi ích của nhân dân, chứ không chịu áp lực nào của nhà thầu như kiểu đường Cát Linh-Hà Đông, hoặc phải lắng nghe một trung tâm kiểm định nước ngoài nào, để làm mất thời gian và đánh loãng sự quan tâm của người dân.
Hơn thế nữa, tháng 6-2017, chính quyền ở đây quyết định xây một vườn hoa nhỏ, trân trọng đặt ở đó, ghi nhớ 16 mạng người đã thiệt, do sự sai lầm của đường ray nhà ga cũ. Trên tấm bia ghi dòng chữ “Để tưởng nhớ tất cả những người đã mất mạng tại các ngã tư ngang qua Victoria. Họ mãi mãi trong suy nghĩ của chúng tôi ”. Bà mẹ Dianne Dejanovic đã được mời để khánh thành bia tưởng niệm này, sự có mặt của bà là niềm vinh hạnh của công dân vùng St Albans, và thể hiện cả sự công chính của một chính quyền.
Nói trên tờ Star Weekly, bà khóc “Phải mất một thời gian dài nhưng rồi sự thật đã đến. Tôi đã rất xúc động khi được chứng kiến tấm bia này”.
Câu chuyện này vẫn lẩn quẩn trong đầu tôi nhiều năm. Thế giới của những bà mẹ quả vĩ đại. Và đặc biệt với những người mẹ không chịu từ bỏ, quyết đi đến cùng, nhân danh người mẹ vì đứa con của mình – và cho cả những người khác.
——————-
Chính quyền mở hẳn một trang công bố tiến trình thực hiện nhà ga St Albans mới, minh bạch mọi thứ trước mắt người dân để nghe ý kiến phản hồi.