(Hình minh họa: Minh Triết/Unsplash)

Năm 2007, tôi lại về thăm Việt Nam vào dịp tết Âm lịch. Đây là cái Tết Âm lịch đầu tiên của tôi ở trong nước sau gần 34 năm quên lãng.

Trước ngày trở lại Thụy Sĩ, vợ tôi còn nhắc tôi đừng quên mang về vài chiếc bánh chưng, bánh tét cùng với vài củ sắn dây, loại sắn mà người miền bắc thường mài để lấy bột, hoàn toàn khác với củ sắn hay khoai mì của miền Nam, những món ăn dân giả của Việt Nam mà vợ tôi rất thích.

Việc mua bánh chưng, bánh tét thì quá dễ, chẳng có gì để phải tìm kiếm, lúc nào muốn mua cũng có, bày bán đầy rẫy trong siêu thị hay trong các tiệm làm bánh.  Nhưng sắn dây, đúng là khó khăn, tôi không ngờ khó mua như vậy. Trước khoảng 4, 5 ngày phải trở về Thụy Sĩ, tôi đã bỏ cả ngày trời ra lục lọi khắp các chợ lớn, chợ nhỏ khắp Sài Gòn nhưng không có. Người ta cho biết mùa sắn dây đã qua rồi, chẳng ai còn để bán vì lái buôn đã thu mua tất cả đem đi sản xuất bột sắn để bán tết rồi.

Nhưng hai ngày trước khi phải rời Việt Nam, vào khỏang 7 giờ sáng, đang chở cô em gái trên đường Phạm Văn Hai, tôi chợt thấy một cô gái đầu quấn khăn của phụ nữ người miền Nam khoảng 20, 21 tuổi, ngồi sau một đôi quang gánh trên lề đường, gần ngã ba Ông Tạ. Trên chiếc thúng là một cái nia, bày biện đủ loại khoai luộc, trong đó cũng có vài củ sắn luộc chín, cắt khoanh. Mừng rỡ vì nghĩ rằng mình sẽ mua được món quà cho vợ. Chẳng lưỡng lự tôi vòng xe, dừng lại ngay trước chỗ cô bán khoai ngồi, rồi cùng với cô em đến hỏi cô ta.

Cô bán khoai cho biết, mỗi ngày vào buổi sáng rất sớm, có người mang sắn và khoai đã luộc sẵn bỏ mối cho cô ta, còn sắn dây sống, chưa luộc chín thì cô ta  không có! Tôi hỏi cô ta địa chỉ của người bỏ mối sắn luộc, ý muốn đến gặp họ vì cần mua loại củ sắn chưa luộc chín. Cô bán hàng cho biết người bỏ mối ở dưới Hóc Môn, nhưng trong làng xã không dễ gì tìm gặp được họ. Nghe cô gái nói, tôi cũng cảm thấy khó hy vọng vì chỉ còn hai ngày nữa phải rời xa Việt Nam mà còn bao nhiêu việc cần phải làm. Vấn đề bỏ ngày giờ lúc bận rộn này xuống Hóc Môn để mua vài ba ký sắn dây làm quà cho vợ được coi là chuyện không thể được. Đã thế lại cũng chưa chắc gì kiếm được người bán mà mua. 

Nghĩ như vậy tôi quay ra xe, coi như một việc chẳng nên ray rứt vì ra ngoài khả năng của mình. Nhưng chẳng hiểu sao, cô em tôi lại còn nán lại than van, kể lể về tôi với cô gái bán khoai:

-Chú ấy từ ngoại quốc về thăm Việt Nam ăn Tết, bà vợ là người Nhật Bản nhưng lại rất thích ăn sắn dây, mấy hôm trước điện thoại sang dặn chú ấy cố mang về cho bà ấy vài ba ký lô. Suốt ngày hôm qua cô và chú ấy đã đi khắp các chợ tìm mua mà không có! Chỉ còn hai ngày nữa là phải rời khỏi Việt Nam, cô mong cháu cố gắng tìm mua cho chú ấy một ít. Giá cả thế nào cũng được, miễn là loại còn sống, chưa nấu chín là được.

Tôi cũng không ngờ, lời than van vớ vẩn của cô em lại có tác dụng kỳ lạ. Cô bán khoai đưa mắt nhìn tôi ra vẻ đăm chiêu, đắn đo, suy nghĩ. Thái độ của cô ta làm cho tôi hy vọng, đứng lại chờ đợi ý kiến của cô ta. Rồi vài lời qua lại giữa cô em tôi và cô bán khoai. Cuối cùng cô ta nói với tôi:

-Cháu muốn giúp chú lắm, nhưng không biết có kiếm được hay không vì thời gian của chú quá gấp.

Im lặng một chút, cô ta nói tiếp:

-Cháu sẽ cố xem sao, nhưng nếu có thì chú định mua bao nhiêu ký lô?

Chẳng một tí ngần ngại, tôi trả lời liền:

-Khoảng 7, 8 ký lô hay nhiều hơn cũng chẳng sao, nhưng nếu được 10 ký lô thì càng tốt. 

 Cuối cùng em tôi cho cô ta số điện thoại di động, dặn cô ta nếu tìm được hãy báo cho em tôi bất cứ giờ giấc nào trong ngày hôm nay. Em tôi cũng không quên nhắc cô ta cố gắng làm ngay hộ,  vì tôi phải rời Việt Nam vào ngày mốt. Cô gái cho biết nội ngày hôm nay, có hay không cũng sẽ báo tin cho tôi biết để khỏi chờ mong.

Trở về nhà, vì bận rộn với việc sắp xếp đồ đạc để trở về Thụy Sĩ, tôi chẳng còn đầu óc để nhớ đến lời hứa hẹn của cô bán hàng rong chưa hề quen biết. Tôi nghĩ rằng đó chỉ là lời nói suông, làm vui lòng người khách trong việc buôn bán mà thôi. Nhưng không ngờ, buổi tối vào khoảng 9 giờ đêm, cô ta điện thoại báo tin cho em tôi biết đã tìm được sắn dây sống cho tôi rồi. Hiện cô ta đang ở nhà người bỏ mối sắn dây ở Hóc môn, giá bán là 11 ngàn đồng một ký. Cô ta nói, nếu tôi muốn mua, cô ta sẽ mang đến cho tôi vào khoảng 6 giờ 30 sáng ngày mai, ở đúng chỗ cô ta ngồi bán hàng. Có lẽ để rõ ràng và muốn chứng minh với chúng tôi là cô ta không đứng trung gian ăn lời, chỉ muốn giúp đỡ tôi mà thôi. Cô ta đưa điện thoại cho em tôi trực tiếp nói chuyện với người bán sắn dây về giá cả và số lượng.

Sáng hôm sau, hai anh em chúng tôi đến chỗ hẹn sớm hơn, vì nghĩ rằng cô gái bán khoai đã ở đó bán hàng rồi, nhưng khi chúng tôi đến, không có cô ta ở đó. Nhìn đồng hồ vẫn còn sớm, chúng tôi sang bên kia đường, ngồi ăn điểm tâm của một bà bán xôi trên lề đường. Qua vài câu chuyện vu vơ với bà bán xôi, chúng tôi cho bà ta biết, chúng tôi đến đây để chờ cô bán khoai. Bà bán xôi nhìn sang bên lề đường đối diện, có tí ngạc nhiên:

-Kỳ lạ thật, hàng ngày vào giờ này, con bé bán khoai luộc luôn luôn ở bên đó rồi, sao hôm nay nó chưa đến nhỉ? Chắc lại bị bệnh hay có chuyện gì phải nghỉ buôn bán rồi? 

Chúng tôi nghe bà ta nói, cũng có tí nghi ngờ với lời hẹn của cô ta. Cho rằng vì một lý do nào đó không thể mang được sắn cho tôi mà tránh mặt đi bán hàng chỗ khác chăng? Ngồi nói chuyện gẫu với bà bán xôi thêm một lúc nữa, nhìn đồng hồ cũng đã quá hẹn 5, 7 phút, chúng tôi sửa soạn đứng dậy ra về, tôi cũng chẳng có gì bực bội vì nghĩ rằng trách mắng một người lao động bán hàng rong sai hẹn là một điều vô lý chẳng nên có.

Đúng lúc chúng tôi từ giã bà bán xôi, dắt chiếc xe xuống đường sửa soạn rồ máy. Từ ngã ba Ông Tạ, cô bán khoai xuất hiện, tay xách một cái bao bằng giấy dầu đang vội vã chạy lại phía chúng tôi. Với hơi thở dồn dập, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi  có lẽ vì chiếc bao khá nặng mà cô ta còn phải chạy cho kịp thời gian. Ra vẻ mệt nhọc, cô ta nói với tôi:

-Xin lỗi chú vì xe buýt từ Hóc Môn bị kẹt đường cho nên cháu đến chậm. Cháu đã mang cho chú đúng 7 ký sắn dây sống đây. 

Nói xong cô ta mở bao giấy cho chúng tôi thấy 4 củ sắn dây to như bắp vế vẫn còn dính đất cát vì mới đào từ vườn lên. Trong khi em tôi nhận lấy bao củ sắn, tôi nói với cô ta:

-Chú cám ơn cháu lắm, bao nhiêu tiền để chú trả lại cháu.

-Thì như chú đã biết rồi, mỗi ký lô giá 11 ngàn, vậy 7 ký giá tổng cộng là 77 ngàn đồng. 

Chẳng ngần ngừ, tôi móc túi lấy ra 80 ngàn đưa tận tay cô ta, ra ý chẳng cần trả lại số tiền còn dư, rồi nói với cô ta vài lời cám ơn. Cô gái bình thản, rất lễ phép nói vài câu cám ơn, nhận lấy món tiền từ tay tôi trước khi chào từ giã chúng tôi, đi sang phía bên kia đường hướng về trạm xe buýt xa xa trên đường Cách Mạng Tháng 8.

Tôi vui mừng vì đã mua được món quà cho vợ, nhưng khi ngồi lên yên chiếc xe, sửa soạn về nhà. Cô em của tôi có vẻ ngần ngừ tí chút, nói với tôi :

-Anh đưa cho cô ta 80 ngàn đồng, theo em không đủ vốn đâu. Cô ta đã phải bỏ mất một ngày đi bán khoai, phải trả tiền xe buýt đi lên đi xuống Hóc Môn giá đã 6 ngàn đồng để mua sắn cho anh, bây giờ lại phải tốn tiền xe bus về nhà. Anh chỉ cho cô ta ba ngàn đồng tiền dư thừa thì làm sao mà đủ? Em nghĩ cô ta bị lỗ to đó!

Nghe cô em nói, tôi giật mình, tự trách tính vô tâm và thiếu suy nghĩ cố hữu của mình. Quay sang cô em, tôi vội vàng thúc dục:

-Ngồi lên xe ngay, anh phải chạy theo cô ta, hy vọng xe bus đừng mang cô ta đi mất!  

Thật may mắn, vừa đến đầu ngã ba tôi đã thấy cô ta đang đứng chờ trên lề đường nơi trạm xe bu . Cảm giác ân hận vì lầm lẫn biến mất, thay vào đó là vui mừng vì biết rằng mình sẽ không áy náy vì “ăn gian” của một người buôn thúng bán bưng, tốt lòng. Chậm rãi tôi dắt chiếc xe lên lề đường, để cho em tôi coi xe, rồi đi đến chỗ cô ta đang đứng. Cô gái bất chợt nhìn thấy tôi, không dấu được vẻ ngạc nhiên, hơi chau mày ra vẻ thắc mắc cô ta hỏi:

-Chú, chắc lại có chuyện gì nhờ cháu nữa hay sao ?

Mỉm cười, với vẻ ân cần, đưa bàn tay để nhẹ lên vai cô gái, tôi trả lời:

-Chú xin lỗi cháu, vì đã thiếu suy nghĩ mà không nhìn thấy lòng tốt và thiệt thòi quá đáng của cháu.

Chẳng chú ý đến sắc mặt ngạc nhiên, đầy thắc mắc của cô gái bán khoai, tôi nói tiếp:

-Mà cũng tại cháu không nói cho chú biết rõ ràng, là cháu phải bỏ mất một ngày chợ đi mua sắn cho chú, đã mất tiền xe đi và về Hóc Môn, bây giờ cháu lại tốn tiền về nhà nữa, chú phải trả lại cho cháu đây!

Nói xong, tôi móc trong túi ra vài tờ giấy bạc, có lẽ khoảng trên dưới 60 ngàn đồng, nhét vào tay cô ta. Đến đây thì cô gái đã hiểu rõ sự việc, đưa tay đẩy nắm giấy bạc về phía tôi, với tí lúng túng, ngượng ngập cô ta lí nhí từ chối:

-Chú kỳ quá, món tiền quá nhỏ nhoi, chú áy náy làm gì? Cũng là dịp cháu được nghỉ buôn bán một ngày để dưỡng sức mà.  

Chẳng chờ tôi trả lời, cô ta nói tiếp:

-Khi cháu được biết chú đã phải đi khắp các chợ để tìm mua sắn dây mang về làm quà cho cô, cháu đã có rất nhiều cảm mến chú. Cháu cũng chẳng hiểu sao lại có cảm giác rất mến thương cô khi biết cô là người Nhật. Trong ý nghĩ của cháu, cô là người rất đẹp, rất dễ thương mà cháu nghĩ rằng mình không nhầm lẫn khi dành tình cảm cho cô, dù cô là người cháu chưa hề quen biết! Chính ra cháu chẳng nên nói đến chữ bán buôn, lấy tiền của chú mà phải tặng cô chú mới đúng, huống chi với vài ba ngàn đồng sai biệt có đáng là bao mà chú mà chú phải để tâm cho mệt.

Nghe cô gái nói, tôi đờ đẫn vì xúc động với lòng tốt của cô ta. Cầm lấy mấy tờ giấy bạc nhét vội vào túi áo bà ba của cô ta. Rồi cũng chẳng ngại ngần, tôi đưa cả hai tay ôm lấy cô ta ghì sát vào thân của mình để tỏ bày sự cảm động với tấm lòng quá tốt, ra ngoài sự tưởng của tôi từ một cô gái quê mùa lam lũ. 

Trong vòng tay ôm chân tình không chút nhơ nhuốc đó, mùi mồ hôi chưa khô từ tấm thân đen đủi bụi đường, từ chiếc áo bà ba màu xanh lá mạ đã quá cũ trộn lẫn màu vàng vì nắng mưa, đập vào mũi tôi.

Qua vòng tay, tôi cũng nhận biết tấm thân mạnh khỏe với những bắp thịt săn cứng của một cô gái nông thôn lao lực. Hình như tôi cũng cảm thấy cô ta có tí rung động, dù rất nhẹ. Tôi hiểu rằng sự biểu lộ tình thân quá mức của mình đã ra ngoài giới hạn nhận thức của một cô gái quê mùa. Ít hay nhiều sự thân tình quá mức, đụng chạm xác thân, dù nó rất bình thường của Âu Mỹ nhưng đã làm cho cô gái cảm động, ngỡ ngàng. Nhưng tôi chẳng có gì để ân hận vì tôi biết chắc rằng sự biểu lộ của mình hoàn toàn trong sáng, không một tí bụi nhơ. Tôi chỉ muốn diễn tả sự xúc động của mình với một người chưa hề quen biết.

Một cô gái quê mùa, thô kệch có tấm lòng quá tốt, quá chân thành dành cho tôi, cho vợ tôi, người mà cô ta chỉ nhìn thấy trong tưởng tượng.

Đúng lúc đó chiếc xe buýt từ xa chạy đến, dừng sát vào lề đường. Vài tiếng thúc dục khách lên xuống của người lơ xe, cho tôi biết thời gian chỉ đủ để tôi nói với cô ta lời từ giã:

-Một lần nữa chú cám ơn cháu. Chẳng biết có dịp nào gặp lại cháu không, nhưng chú chúc cháu may mắn.

Trước khi bước vội lên xe, cô gái bán khoai quay lại nói với tôi câu gì đó nhưng vì âm thanh quá nhỏ lại cùng lúc với tiếng la hét của người lơ xe nên tôi cũng chẳng nghe rõ. Qua tấm kính mù mờ của cánh cửa xe chưa kịp khép kín, hình như tôi thấy đôi mắt cô ta rơm rớm lệ nhìn về phía tôi, đưa bàn tay vẫy chào với giọng nói hơi buồn:

-Chúc chú bình an, nhớ nhắn lời hỏi thăm cô hộ cháu.

Tôi thẫn thờ, cảm động đứng nhìn theo chiếc xe buýt chầm chậm rời xa. Qua khung kính sau chiếc xe, hình như tôi vẫn nhìn thấy  khuôn mặt nhem nhuốc, ánh mắt chân tình của cô gái quê mùa, tốt bụng hướng về phía tôi. Còn tôi, trong lòng mình cũng cảm thấy có cái gì là lạ, tiếc rẻ như vừa rời xa một người bạn mà mình rất yêu quý. Tôi muốn nói với cô ta một lời cám ơn rất chân thành, xuất phát từ đáy sâu của lòng tôi. Lời cám ơn đó không phải vì cô ta đã bỏ việc buôn bán, chịu tốn kém để tìm ra những củ sắn trái mùa làm quà cho vợ tôi. Mà tôi muốn nói đến lòng tốt tuyệt vời, rất đơn sơ của một cô gái bán hàng rong nghèo túng  đã cho tôi cái cảm giác sung sướng khó tả.

Chính cái cảm giác đó đã là một trong những lý do tại sao mà hàng năm tôi vẫn tìm về thăm đất nước.Tôi có cảm tưởng lòng tốt của cô ta là một trong những cấu chất đã kết gắn tôi với quê hương, đã cho tôi hiểu rằng, cố hương của mình vẫn còn rất nhiều những cái đẹp đẽ đáng yêu, đầy xúc động mà tôi chẳng bao giờ tôi có thể tìm được ở những nơi khác.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: