Sáng hôm nay (26 Tháng Mười Một), trên mục Việt Nam của Saigon Nhỏ có bài: “Nhiều cây dầu lâu năm ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm-Sài gòn bị đốn hạ” của Tường Vi. Bài viết làm lòng tôi xúc động, tôi thẫn thờ một hồi lâu, thả hồn về “Con đường tình ta đi” của tôi những ngày mới lớn với mối tình đầu đời.
Bốn năm trước đây, sau hơn bốn mươi năm xa cách quê nhà, tôi đã làm một cuộc du ngoạn về thăm Việt Nam. Cuộc du ngoạn từ Bắc vô Nam, khởi đầu từ Hà Nội xuôi về miền Trung, miền Tây với chặng cuối cùng ở thành phố Sài Gòn. Sài Gòn cũng là nơi tôi ra đời và trưởng thành nên tôi có nhiều hoài niệm về từng góc phố, về từng con đường đã một thời lê gót. Con đường đầu tiên tôi ghé thăm khi về Sài Gòn là con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thơ mộng với hai hàng cây dầu cao vút che nắng ban trưa và ngôi trường Trưng Vương cổ kính mầu vàng. Bởi vì đây cũng là nơi nhiều lần, những ngày xa xưa, tôi đứng chờ người yêu tan trường về dưới những tàng cây dầu. Những ngày Hè nắng gắt, những chiều cơn mưa Sài Gòn ập đến bất ngờ không báo trước. Cây dầu với thân cây thẳng tắp và vòm lá che kín khít khao đã cho tôi một nơi nương náu. Cây dầu cùng trái tim tôi đã nhiều lần rung nhè nhẹ trong lồng ngực mỗi khi tà áo trắng trinh nguyên của người thương phất phơ bước ra cổng trường.
Nhìn bức hình chụp những cây dầu ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cao vút, xanh tươi bị đốn giữa thân từ gốc trở lên chỉ còn cao khoảng 15 đến 20 feet (4 mét rưỡi), lòng tôi cảm thấy bất nhẫn cơ hồ chính mình bị chém ngang lưng. Ôi con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thơ mộng với hàng cây dầu xinh đẹp. Hàng dầu là những nhân chứng thuở mới biết yêu, mới biết hẹn hò của đôi ta. Biết bao lần tôi cùng người thương đã dạo bước từ trường Trưng Vương tới Thảo Cầm Viên trong những chiều nắng hanh vàng. Với lá vàng xào xạc vỡ nát dưới chân và những cánh hoa dầu xoay tít trong gió, đùa nghịch vướng vào tóc nay còn đâu.
Sài Gòn ồn ào, tràn ngập xe cộ và bụi bậm với mặt trời miền nhiệt đới đổ lửa. Nhưng bù lại có nhiều con đường với những hàng me, hàng sao và hàng dầu xanh mát, cao ngất đang khắng khít che chở vòm trời Sài Gòn những chiều mưa giông, những trưa Hè nắng gắt. Những con đường với hàng cây này được người Pháp xây dựng và trồng từ năm 1882, để từ đó Sài Gòn trở thành một hòn ngọc vùng Viễn Đông. Những con đường, những hàng cây cổ thụ đã đứng từ trăm năm, trầm ngâm, im lìm chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử nước nhà. Nếu những hàng cây này biết nói, chúng ta sẽ không cần đến những người được mệnh danh là “sử gia”. Tôi đã đi thăm lại những hàng cây, những con đường ngày tôi mới lớn, con tim bắt đầu biết rung động vì tình yêu này.
Đường Trương Định chạy giữa trái tim của vườn Tao Đàn với hàng sao thẳng tắp chụm đầu vào nhau che nắng ban trưa là một trong những con đường đẹp với những vạt nắng lung linh trải dài trên mặt lộ…
Đường Nguyễn Tri Phương đến giao lộ Lê Đại Hành với hàng sao, hàng dầu cổ thụ cho bóng mát là nơi tụ tập các hàng quán lộ thiên, chiều chiều vang tiếng cười, tiếng nói chuyện vui vẻ của dân lao động với nhau sau những giờ làm việc căng thẳng…
Sáng sớm tinh mơ, huyền ảo nhất là những hàng dầu ở đường An Dương Vương với những quán cà phê bán điểm tâm với bánh mì, trứng ốp la. Khí trời lành lạnh, ngồi nhâm nhi tách cà phê, hút một điếu thuốc ngắm thành phố thức dậy sau một đêm dài cho cảm giác ấm áp…
Đường Huyền Trân Công Chúa dù ngắn nhưng với hàng sao cổ thụ cao vút đến tầng trời, khiến con đường trở nên huyền bí, xa thăm thẳm như cuộc ra đi lấy chồng xứ lạ của nàng công chúa đã mang về cho Việt Nam hai châu Ô và Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên Huế đến Quảng Trị)…
Vào những dịp Giáng Sinh, Tết Nguyên đán, đẹp nhất là đường Tự Do với hàng cây dầu hai bên lề đường được trang hoàng với lồng đèn ngôi sao, hình hoa mai, hoa đào. Đêm về, những lồng đèn tỏa sáng lung linh cho cảm giác thơ mộng, như đang trôi trong một giấc mơ êm đềm ngày xa xôi nào…
Đường Duy Tân với “khung trời đại học, cây dài bóng mát” dưới những hàng me và những cặp uyên ương trường Luật đã trở thành bất tử với Trả lại em yêu của Phạm Duy: “Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngắt. Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt”. Những vết chân ngày xưa, có lẽ vẫn còn vương vấn đâu đây trên những vệ đường, trên những hàng cây?…
Vài năm trước, tôi có cuộc du lịch đến Israel. Tôi đã thật sự ngạc nhiên khi thấy người Do Thái rất trân quý cây cối và tất cả các loại thảo mộc, dù đó là những loại cây trồng trong vườn nhà hay mọc nơi hoang dã. Điển hình là những bụi cây nhỏ mọc nơi kẽ hở nhỏ chút xíu trên “bức tường than khóc” vẫn xanh tươi trơ gan cùng tuế nguyệt qua bao thế hệ. Gần đây Israel đã có những chương trình trồng hơn một triệu cây xanh mỗi năm trên sa mạc. Vì Israel là đất vùng sa mạc ít mưa nên dân chúng rất tiết kiệm nước. Tôi thấy những chum, vại hứng nước mưa và những giọt nước thải ra từ máy lạnh, từ mái nhà để tưới cây.
Việt Nam chúng ta được thiên nhiên ưu đãi đã không biết tận dụng lại ra sức tàn phá, chặt cây xanh bừa bãi không một lời giải thích. Đành rằng theo biến thể với thời gian những cái cũ cần thiết phải thay đổi nhưng thay đổi chỉ để là thay đổi khi không có một chương trình tốt đẹp hơn để thay thế. Tôi cho đó là thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm. Với cái đà làm việc ẩu tả, tùy hứng không có kế hoạch, Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông – đang trên đà trở thành “hòn sạn Viễn Đông”.
Nhiều người cho rằng những con đường đẹp nhất Sài Gòn là những con đường có những hàng me như Nguyễn Du, Gia Long, Trần Quý Cáp, Pasteur và Nguyễn Văn Bình bên hông Nhà thờ Đức Bà. Những hàng me về mùa Thu cho những chùm trái mầu nâu. Khi có cơn gió nhẹ thổi qua, những lá me li ti đổ xuống như cơn mưa kim tuyến sáng lóng lánh trên tóc trên vai những chàng tuổi trẻ tóc bồng, những má đỏ môi hồng với mái tóc xõa dài ngang lưng và tà áo dài cuống quít đang sánh bước bên nhau. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo với những câu thơ: “Sài gòn những hàng me sánh đôi. Nên khi dạo phố phải hai người. Ôi những hàng me hút phố sâu. Cây nối trời xanh lá bắc cầu”; hay Bình Nguyên Lộc: “Tôi yêu Sài Gòn vì những hàng me”.
Các con đường Sài Gòn với những hàng dầu, hàng sao và hàng me đều có những vẻ đẹp, vẻ quyến rũ khác nhau, tùy thuộc vào tâm tình, kỷ niệm nhiều hay ít của mỗi người trên những con đường ấy. Riêng tôi con đường độc nhất vô nhị, con đường đẹp nhất Sài Gòn vẫn luôn luôn là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm với trường Trưng Vương cổ kính mầu vàng và hàng dầu dọc bên hông Thảo Cầm Viên mà những chiều tan học, những tà áo trắng túa ra khắp nẻo đường. Con đường với hàng dầu đan khắng khít như đôi uyên ương có tôi ngày xưa đứng chờ người thương dưới gốc, đã cho tôi nhiều cảm xúc khó quên trong đời. Vì đó là khung trời ngày xưa. Khung trời của những ngày mới lớn. Khung trời của một thuở hẹn hò. Khung trời lần đầu tiên trái tim tôi đã rung động vì tình yêu của cô nữ sinh áo trắng Trưng Vương:
“Con đường nào ta đi, với bàn chân nhỏ bé. Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ. Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ. Bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi. Con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh…” (nhạc Phạm Duy).