Người viết xin sưu tầm và thử giải thích một số thành ngữ, tục ngữ, ca dao về Mèo vẫn thường được lưu truyền trong dân gian, đặc biệt có bổ sung một số ngôn ngữ dân gian Lục tỉnh.
Trước hết hãy giới thiệu sơ qua về loài mèo. Trong 12 con giáp, mèo đứng ở vị trí thứ tư, sau con cọp và trước con rồng. Người Trung Hoa gọi con giáp thứ tư nầy là con thỏ rừng. Mèo còn được gọi là miêu/mao (Tàu), miu (Ai Cập), felis (Latin), chat (Pháp), cat (Anh), gatto (Ý), v.v… Mèo là động vật nhỏ có vú, là loại thú săn mồi như cọp, beo, sư tử và săn bắt các sinh vật nhỏ hơn như chuột, cóc nhái, cá để ăn thịt.
Mèo có nhiều loại như mèo ta, mèo tây, mèo xiêm, mèo mướp, mèo mun/mực, mèo vàng, mèo tam thể. Có loại mèo lông ngắn, có loại lông dài. Có loại mèo hoang, mèo đàng, mèo rừng đối lại mèo nhà thường ngủ li bì có khi tới 16 giờ mỗi ngày (Con gì ngủ thẳng giấc / Chính là con mèo nhà- Vè cầm thú).
Mèo sống đơn độc, tới kỳ sanh sản, mèo cái đi tìm mèo đực (giống như cọp: cột tìm trâu). Tới kỳ rượn đực, mèo cái tạo dáng với bộ lông bóng mượt, có mùi và tiếng kêu đặc biệt để “quyến rũ” mèo đực. Mèo rất thích trèo cao, cao chót vót. Mèo không “thính” bằng chuột, nhưng rất nhạy cảm và tinh tế. Thị giác mèo tăng lên trong bóng tối, tầm nhìn lên tới 200 độ (tầm nhìn của người chỉ có 180 độ). Khứu giác của mèo mạnh hơn 10 lần ở người, nên khả năng “đánh hơi” của chúng thật tuyệt cú mèo!
Mèo hiền hay dữ tùy loại giống, hoàn cảnh sống và cách đối xử giữa người và vật. Do đó dẫn đến tình cảm yêu-ghét của con người. Nhiều bài học luân lý thường mượn hình ảnh và tánh nết của mèo để khuyên răn người đời.
____________
Trước hết Mèo không được ưa chuộng. Mèo hay cào xé mùng mền, chiếu gối để mài và trau chuốt móng chân. Mèo rất thích ăn vụng, cho nên đồ ăn thức uống phải treo lên cao để tránh chó ăn và đậy kỹ để không cho mèo lục đớp như câu “Chó treo, mèo đậy”.
Vè 12 con giáp cũng có câu: “Tuổi mẹo là con mèo ngao / Hay quấu hay quào ăn vụng thành tinh”. Ăn vụng là ăn giấu, lén lén lút lút không cho người khác biết giống như kẻ có tội thì luôn che giấu tội lỗi, hoặc để thụ hưởng một mình:“Im ỉm như mèo ăn vụng”.
Hành động giấu giếm che đậy nầy giống như “Mèo giấu cứt”. Nếu bị khám phá, bị bắt quả tang thì “Tiu nghỉu như mèo ăn vụng bột”, như “Mèo bị cắt tai”. Chữ viết nguệch ngoạc khó coi cũng được ví như “Gà bới, mèo quào”. Hay cãi hay co những chuyện không đâu như “Cãi nhau như chó với mèo” hoặc nói đi nói lại, nói dai như giẻ rách nhằm biện hộ cái lý sự cùn của mình có câu “Lèo nhèo như mèo vật đống rơm”.
Đôi khi quá bực mình người ta chửi mắng vu vơ như “Chửi chó mắng mèo” hoặc trút cơn giận lên những con vật nuôi trong nhà bằng hành động “Đá mèo, quèo chó”. Trong đời có kẻ ngây thơ làm một việc liều lĩnh, nguy hiểm có câu “Chuột gặm chân mèo”, hoặc hành động giống như “Chuột cắn dây trói cho mèo” để cứu kẻ thù mình.
Cũng có kẻ ranh ma như “Mèo già hoá cáo”, đạo đức giả như “Mèo khóc chuột”. Có người hay khoe khoang khoác lác về bản thân mình hoặc phe nhóm của mình giống như “Mèo khen mèo dài đuôi”. Để phê phán kẻ không thấy lỗi mình, mà chỉ thấy lỗi người như “Chó chê mèo lắm lông”, trong khi chó không hẳn ít lông hơn mèo. Ám chỉ những kẻ không còn phương kế sanh nhai, có câu “Mèo mù móc cống”.
Đến khi vận may đến bất ngờ với kẻ nghèo hèn, túng quẫn chẳng khác nào “Mèo mù vớ cá rán”. Để ám chỉ sự khao khát thèm thuồng biểu lộ ở con trai khi thấy con gái đẹp, dân gian dùng thành ngữ “Như mèo thấy mỡ”. Thành ngữ “mèo mỡ” chỉ sự ham thích tình dục ngoài hôn nhân; còn “mèo chuột” chỉ cuộc tình vụng trộm. Nhưng trò chơi “Mèo bắt chuột” chỉ cuộc đuổi bắt, trốn kiếm không công bằng. Để ám chỉ hạng người không có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, trai trộm cướp, gái lăng loàn khiến ai cũng khinh ghét, dân gian sử dụng các thành ngữ: “Mèo mả gà đồng”, “Mèo đàng chó điếm”.
Còn câu ca dao “Mèo đàng lại gặp chó hoang / Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai” nhằm mai mỉa những kẻ vô lại cùng một giuộc mới kết bè tụ đảng với nhau, tuy dễ hợp nhưng cũng dễ tan.
Tuy nhiên Mèo cũng đáng yêu. Mèo là một trong những loài vật được thuần hóa thành mèo nhà từ rất sớm nên rất thân thuộc và gần gũi với con người và đã trở thành thú cưng của rất nhiều gia đình. Nhà nông nuôi mèo trước hết là dùng để bắt chuột và diệt chuột. Câu tục ngữ “Chó giữ nhà, mèo bắt chuột” ý nói ai cũng có nghề nghiệp chuyên môn của mình, đừng tị nạnh nhau, và cũng đừng can thiệp vào việc của nhau.
Còn câu “Không có chó bắt mèo ăn cứt” có nghĩa phải dùng người trong một việc không đúng với sở trường, khả năng của họ. Ăn từ tốn, từng miếng một, thường là nết ăn của phụ nữ, có câu “Ăn nhỏ nhẻ như mèo”. Nhưng đàn ông mà “Ăn như mèo hửi” thì bị chê bai, cho là tật xấu. Do vậy, người nam thì phải ăn hùng hùng hổ hổ như cọp mới là tướng đại quyền, xứng với câu “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”.
Còn thành ngữ “Mèo vờn chuột” ý nói mèo thường đùa giỡn với con mồi (chuột) như: vồ, vả, cào, cắn và đuổi bắt trước khi thực hiện cú đớp dứt điểm để ăn trọn con mồi. Loài mèo rất nhanh nhẹn, giỏi leo trèo, rất kiên trì khi đuổi bắt con mồi, được tục ngữ mô tả “Rình như mèo rình chuột”. Câu nầy còn ngụ ý đề cao sự kiên nhẫn, siêng năng, khi đã bắt tay làm một việc gì phải thực hiện cho kỳ được mới thôi. Nói lên sự oan ức bất công, dân gian có câu “Trăm chuột đổ đầu mèo” hoặc “Con mèo đập bể nồi rang / Con chó chạy lại phải mang lấy đòn”.
____________
Văn hóa phương Đông và phương Tây gặp nhau ở chỗ ví người con gái là con mèo, là người yêu, người tình. Ca dao Lục tỉnh có câu:
Khổ qua xanh, khổ qua trắng, khổ qua mắc nắng khổ qua đèo
Anh có thương em thì làm giấy giao kèo
Lăn tay điểm chỉ, em mới thiệt là con mèo của anh.
Chàng trai tán tỉnh một cô gái, người Bắc gọi là chim gái, còn người Nam gọi là o mèo, nói chung là cua gái, ve gái; có bạn gái, có người tình là có mèo. Đừng lầm o mèo với ghẹo gái vì theo định nghĩa của Bách khoa Từ điển Mở Việt Nam: “Ghẹo gái là trêu phụ nữ bằng lời nói hoặc cử chỉ suồng sã, chớt nhả”.
Từ thuở nằm nôi, theo nhịp võng đưa, mẹ đã rót vào tai con lời ru dịu dàng trầm ấm những vần ca dao ngọt ngào, ngộ nghĩnh: “Con mèo con chuột có lông / Ống tre có mắt nồi đồng có quai”, hoặc: “Con mèo nằm bếp co ro; Ít ăn nên mới ít lo, ít làm”, và: “Con mèo con mẻo con meo / Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà”.
Đến khi lớn lên đi học ở trường, được nghe thầy cô giảng dạy về ca dao, chẳng hạn như: “Con mèo mà trèo cây cau / Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà / Chú chuột đi chợ đàng xa / Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo!” thì chúng ta mới hiểu rằng bài ca dao mô tả mối quan hệ ở nông thôn xưa, giữa kẻ mạnh cai trị (Mèo) và kẻ yếu bị trị (Chuột). Đó là quan hệ đối kháng, nước – lửa, mất – còn, trong đó chuột luôn ở thế yếu.
Có người cho rằng bài ca dao phản ảnh sự giả nhân giả nghĩa của con mèo và sự khôn ngoan láu lỉnh của chú chuột. Mèo chắc không rảnh để đi “thăm” chuột, nếu không có ác ý. Phải chăng đợi lúc chuột sơ hở là vồ, đớp ngay? Song, chú chuột lém lỉnh đâu dễ bị mắc lừa. Chuột đã cao chạy xa bay.
Để làm vừa lòng mèo, chuột nhắn lại rằng bận đi chợ xa, mua đủ thứ vật dụng như mắm, muối về để lo giỗ cha kẻ không mời mà đến! Bài ca dao trên còn hàm chứa một nghịch lý: Kẻ bị trị lại lo giỗ quải cho ông cha kẻ thống trị nhằm thể hiện mong muốn hòa bình, an phận, yên thân. Nghịch lý đó còn được thể hiện ở bức tranh Đám cưới chuột, tức Trạng chuột vinh quy của làng tranh Đông Hồ.
____________
Ngoài ra quan hệ Mèo-Chuột còn ẩn dụ phong tình, chuyện trai gái yêu đương, chuyện mèo chuột vụng trộm. Từ đó mà dân gian Lục tỉnh có bài ca dao hài hước:
Chuột kêu chút chít trong rương
Anh đi cho khéo đụng giường má hay
Bắt được, má hỏi đi đâu?
Con đi lấy muối cho mèo ăn cơm!
Bài ca dao dẫn trên phải chăng phản ảnh tục Làm rể của người dân Lục tỉnh. Từ sau Đám nói chàng trai qua ở hẳn nhà cô vợ sắp cưới để làm rể. Mọi công việc lớn nhỏ bên gia đình vợ, anh phải cáng đáng hết. Đành rằng được cha mẹ đôi bên tác hợp, nhưng còn rào cản bởi tập tục – nói đúng hơn là hủ tục, nên đôi trẻ chưa được phép “gần” nhau dầu rằng tình yêu của họ cũng cháy bỏng với bao nỗi khát khao.
Ngày ngày gặp gỡ người thương, đôi lúc như “mèo thấy mỡ”, mà một cái nắm tay, một nụ hôn lén, chàng trai cũng không dám vì sợ vi phạm “đạo đức”(?). Cô gái cũng đồng cảm với nỗi đắng cay rạo rực của người chồng sắp cưới của mình. Họ lo sợ tình yêu của mình vì một lý do nào đó sẽ bị lỡ làng, chia cắt. Vì vậy họ đã đồng tình tương kế tựu kế tìm ra cách để “gần” nhau cũng như nghĩ cách “đối phó” nếu bị bắt quả tang…
____________
Người xưa còn mượn nguyên tắc phong thủy để đả kích thói mê tín dị đoan. Trong khoa bói toán, người ta dựa vào Tam hạp, Nhị hạp và Tứ hành xung trong việc dựng vợ gả chồng. Trong 12 con giáp, những con giáp có bổn mạng tương sanh gọi là Tam hạp (như Hợi-Mão-Mùi). Đó là những con giáp cùng Dương khi đi cùng nhau sẽ gặp nhiều may mắn, hanh thông, cùng mục tiêu, lý tưởng và dễ thành công.
Ngoài ra những con giáp có bổn mạng tương khắc gọi là Tứ hành xung (như Tý-Ngọ-Mẹo-Dậu): tức những con giáp có tánh cách, quan điểm đến phong cách sống hoàn toàn trái ngược nhau – nói nôm na là khắc khẩu, không thể ăn đời ở kiếp với nhau được. Đã có biết bao đôi nam nữ yêu nhau thắm thiết phải tan vỡ bởi mẹ cha dị đoan mê tín xem bói toán và được các thầy (thầy tướng, thầy số) phán: khắc khẩu, không hạp tuổi, hạp mạng, xung khắc bởi cái Tứ hành xung “vô duyên” nầy.
Tuy vậy, có những cặp trai gái miệt vườn cho rằng hôn nhân do trời định nên nguyền rủa mấy ông thầy nầy bằng cách mượn “cọp vật”, “yêu nhai” chúng. Chưa hết, họ còn trút cơn tức giận vào Tơ hồng Nguyệt lão qua hành động:
Bắt ông Tơ đánh sơ sơ vài chục
Duyên nợ sờ sờ sao ông ngủ gục không xe?.
Có phải chăng“Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”? Theo kinh nghiệm dân gian, nếu có mèo trắng, mèo đen và mèo xám tro vào nhà là điềm xấu xui xẻo, báo hiệu trong gia đình bạn có người sắp gặp tai nạn, nguy hiểm tới tánh mạng. Tuy nhiên nếu có mèo hoang vào nhà đẻ con là điềm báo tốt lành, hanh thông. Mèo hoang hoặc mèo nhà (đặc biệt mèo đen/mèo mực/mèo mun) đẻ con trong nhà và tặng gia chủ cái “nhau” của nó thì phải nói là đại cát, mọi việc đều như ý.
Theo Đông y, nhau mèo có chất dinh dưỡng rất tốt, mèo mẹ ăn vào như được tẩm bổ, lợi sức. Chỉ có những cái nhau do mèo mẹ để dành tặng cho chủ mới đem lại may mắn. Đó là chưa kể những vị thuốc pha chế từ mèo như thịt mèo (miêu nhục), xương mèo (miêu cốt), mật mèo (miêu đởm), râu mèo (miêu tu).
Kết
Mèo có cái đáng ghét và những cái đáng yêu như đã kể. Từ đó chúng ta có thể rút ra những bài học luân lý để suy ngẫm. Duy có mấy điều cần bổ sung là mèo mực còn được nhắc đến như một biểu tượng của tín ngưỡng dân gian. Tại Ai Cập, mèo mực được xem là vật thiêng liêng, được bảo vệ bởi luật pháp và được đồng hóa với Nữ thần mặt trăng, Nữ thần của sự sanh sản. Bất cứ ai vô tình giết chết một con mèo mực bị coi như xúc phạm đến sự thiêng liêng cao quý, phải đền tội, bị phạt khổ hình cho tới chết!
Trái lại, người Anh xem mèo mun đen tuyền là điềm xui xẻo, là biểu tượng của sự ác độc nham hiểm ví như mụ phù thủy hóa thân. Như đã dẫn trên, mèo nhà dễ thương, hiền lành được loài người xem như bạn và đã trở thành thú cưng. Nhưng với đà gia tăng “miêu số” có nguy cơ dẫn tới nạn “miêu mãn” chiếm hết mọi phúc lợi của con người (dân Mỹ xài 4 tỷ Mỹ kim để mua đồ ăn cho mèo, hơn cả thức ăn cho trẻ con; tốn khoảng 100 Mỹ kim mỗi năm trong việc chăm sóc, khám bịnh cho một con mèo). Vì vậy họ đã tìm cách “triệt sản” mèo để cắt giảm… “miêu số”.