Chiếc xe jeep cũ sơn hai màu xanh trắng, quẹo cua thật gắt, băng ngang qua hội trường Ngọc Linh rồi bắt đầu đổ xuống dốc thoai thoải, chừng non một cây số là tới cổng phi trường ở cuối dốc. Trời giữa trưa nắng chói, nhưng khí trời vẫn hơi mát lạnh, cao nguyên ở nơi nào cũng vậy. Tôi xuống xe, qua cổng vào bên trong nhà ga, thoáng nhìn mấy chiếc máy bay còn nằm trong ụ bị pháo kích nổ tung trông thật điêu tàn.
Phi trường mới bắt đầu hoạt động trở lại cách nay được vài tháng, mái tôn lợp nhà ga vẫn còn loang lổ, hai bên vách còn trơ ra những mảng xi măng trám vết đạn chưa sơn, chen lẫn với màu vôi tường đã ngã màu vàng bạc thếch. Trong gian nhà chính được chia ra làm hai, một phòng chờ đợi được kê mấy băng ghế dài nằm so le với nhau và một phòng cách ly làm quầy kiểm vé, nhận hành lý. Hành khách thưa thớt, một số ngồi trên các băng ghế, số khác đứng tụm nhau nói chuyện phiếm hoặc nói những điều cần nói trước khi lên máy bay, hành lý ngổn ngang trên các lối đi.
Đang hào hứng chuyện trò với các viên chức quen ở thành phố cùng về Sài Gòn công tác, bất ngờ quay nhìn sang bên phải phòng chờ đợi thoáng thấy ai ngồi giống như bác Thông, tôi xin phép mọi người rồi vội vàng đến nơi, đúng thật khi thấy tôi đến bác liền đứng dậy lên tiếng chào “ông phó” và giới thiệu ngay cô gái bên cạnh:
– Đây là con gái lớn của tôi, đã hết kỳ nghỉ hè, tôi đưa cháu về Sài Gòn để trở lại trường.
– Chào bác. Chào cô.
Cô gái gật đầu chào. Bác hỏi, tôi trả lời là về Sài Gòn tham dự khóa tu nghiệp khoảng độ chừng hơn tháng, sau đó nghỉ phép về quê thăm nhà. Câu chuyện còn dang dở thì từ xa chiếc máy bay hai cánh quạt đáp xuống đường băng và từ từ tiến vào khu vực nhà ga, nhân viên đẩy cầu thang ra tận cửa máy bay. Hành khách nhốn nháo, kẻ đưa người rước bắt đầu chen nhau ra phía trước cửa chuẩn bị xếp hàng lên máy bay. Bác Thông quay sang tôi nói nhỏ nhờ tôi giúp cháu khi lên máy bay. Tôi nhận lời và nói bác hãy yên tâm.
Khi máy bay cất cánh lượn một vòng trên thành phố, tôi nhìn ra khung cửa, cả một vùng đất trắng ngà xẻ từng ô ngang dọc, hai bên phố xá san sát được bao quanh bởi những dãy núi xanh rì mờ nhạt xa xa, càng lên cao cảnh vật càng mờ dần, chỉ còn thoáng hiện dòng sông Dakbla như một dải lụa trắng uốn quanh giữa một vùng bình nguyên xanh tươi, đẹp như tranh vẽ.
Đây là lần đầu tiên tôi trở về Sài Gòn sau gần sáu tháng kể từ ngày ra Kontum nhận nhiệm sở lúc mới ra trường. Có rất nhiều thay đổi trong đời sống của môt viên chức trẻ ở một tỉnh nhỏ miền cao nguyên. Sinh hoạt thường nhật ngày hai buổi ở văn phòng, thời gian còn lại tôi thường hay giao du với các bạn đồng nghiệp và giới giáo chức, có khi rủ nhau ra quán cà phê nghe nhạc buổi tối, thỉnh thoảng cũng có tổ chức ăn nhậu ở nhà, ít khi ra quán ngoài phố. Ở tỉnh nhỏ hầu như mọi người đều quen mặt các “ông phó” nên la cà ngoài quán không tiện, hơn nữa phố xá thường đông đảo lính tráng nên rất e ngại.
Tòa tỉnh cấp cho tôi một căn nhà dành riêng cho viên chức độc thân trong khu nhà gỗ hai tầng gọi là biệt điện nằm sát bờ sông, cạnh chân cầu Dakbla. Sở dĩ gọi là biệt điện vì trước đây là nơi tạm trú nghỉ trưa của Vua Bảo Đại và sau nầy là của Tổng thống Diệm khi đi kinh lý vùng Chương Nghĩa (Kontum.) Từ trên ban công phía trước nhà, nhìn ra hướng bờ sông bên kia là dãy núi Konbah mờ sương, phong cảnh thật hữu tình.
Buổi tối ở đây rất lạnh, vắng vẻ và buồn nên tôi thường hay băng ngang qua đường Nguyễn Huệ phía sau nhà, tới chơi với gia đình thầy Danh, Hiệu trưởng trường Trung học Hoàng Đạo, tại đây luôn có một số giáo chức độc thân xa nhà thường hay tới nhà ăn uống, chuyện vãn vui chơi vào những buổi tối, nhất là cuối tuần. Lâu dần rồi cũng quen với khí hậu, cảnh vật và con người. Tình thân giữa các viên chức ở tỉnh nhỏ miền cao nguyên thường rất là nồng nàn và sâu đậm khiến cho tôi ngày càng thêm yêu mến hơn nơi nầy, xứ lạnh sương mù.
Đang miên man nghĩ ngợi về cuộc sống mới trong mấy tháng vừa qua, thình lình máy bay chao mạnh, lắc lư vật dụng để trên sàn, sau đó từng đợt nhồi lên, tụt xuống rất là khó chịu. Chừng năm phút sau, máy bay rung lên, nhìn qua khung cửa, trời mưa giông mù mịt, hành khách bắt đầu lo lắng, tiếp viên bận rộn đi lại giúp hành khách mở túi nôn mửa. Lúc lên máy bay cứ theo đuôi kẻ trước người sau, không có theo thứ tự hay ưu tiên nào cả, thường thì các cô, các bà chiếm những hàng ghế phía trên, cánh đàn ông đa số ngồi ở phía sau.
Máy bay càng lúc càng nhồi sóng dữ dội, các tiếp viên không thể giúp được quá nhiều người đang nôn mửa, tôi liền đi lên ngỏ ý muốn giúp người thân, một nữ tiếp viên đồng ý, tôi liền đến ngay bên ghế cô gái con bác Thông vừa mới gặp ở phi trường. Tới lúc nầy thì gương mặt cô đã trở nên xanh mét, nôn mửa liên tục, trông vẻ rất mệt mỏi, tôi giúp mang thêm túi nôn và giúp lấy dầu trong túi xách tay để cô thoa lên mũi và màng tang.
Hơn nửa giờ sau, một số người trên máy bay mệt gần như sắp xỉu, mưa giông vẫn tiếp tục gia tăng cường độ, tôi nghe các tiếp viên thông báo rằng phi cơ sắp đáp xuống, yêu cầu mọi người về chỗ, cài dây an toàn.
Phi cơ đáp khẩn cấp xuống phi trường Liên Khương, Đà Lạt, chờ độ hai mươi phút xe cấp cứu đến giúp một số người mệt lả, sau khi kiểm tra sức khỏe mọi người, các nhân viên y tế cho biết cũng không có gì nghiêm trọng và đề nghị ai muốn ở lại Đà Lạt nghỉ ngơi để chờ chuyến bay ngày hôm sau thì ghi danh sách, còn không thì theo chuyến bay đi tiếp về Sài Gòn. Tất cả hành khách dù mệt cũng đều đồng ý là giữ nguyên lộ trình không thay đổi.
Trên chuyến bay tiếp từ Đà Lạt về Sài Gòn, tôi dìu cô gái con bác Thông lên máy bay và giúp mang xách tay cho cô ấy. Thời tiết dần dần nắng ấm, trời trong xanh, mây trắng trôi bềnh bồng nên máy bay di chuyển rất êm, hành khách bắt đầu trò chuyện vui vẻ. Tôi bắt đầu hỏi thăm cô gái:
– Xin lỗi cô tên gì?
– Dạ em tên Trâm.
Được biết cô cùng gia đình chạy giặc xuống Pleiku hồi năm ngoái trong chiến sự “Mùa Hè Đỏ Lửa” sau đó khi tình hình đã yên ổn gia đình trở lại Kontum, riêng cô, ba mẹ quyết định gởi đi Sài Gòn trọ học ở nhà người cậu trong khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật và theo học trường Trung học Nguyễn Bá Tòng cho gần nhà.
Khi xe ca Air Vietnam chở hành khách tới trạm Phạm Ngũ Lão, vừa xuống xe tôi giúp cô Trâm xách va li hành lý thì đã gặp ngay cậu Bốn đang chờ đón cháu ở đây. Tưởng ai hóa ra là anh Suy, Chủ sự phòng Ty Nội An Kontum trước đây, đã thuyên chuyển về Sài Gòn sau năm 1972 và hiện đang làm việc ở Bộ Nội Vụ. Tay bắt mặt mừng, anh Suy khẩn khoản mời tôi cùng lên xe taxi về nhà chơi cho biết, đồng thời cũng cám ơn đã giúp cháu đến nơi an toàn. Tôi từ chối vì đã trễ hẹn và có một vài công việc cần làm để rồi còn sắp xếp thời gian cho kịp chuyến xe chiều về Mỹ Tho nên xin hẹn vào một dịp khác.
– Ông phó hứa chắc nghen.
– Tôi sẽ đến thăm gia đình anh trước khi ra lại Kontum.
Xe đi rồi, cô Trâm còn ngoảnh đầu nhìn lại chớp đôi mắt như ngầm biết ơn và mong có ngày được gặp lại. Nắng chiều đang nhạt dần, xe cộ ồn ào náo nhiệt giữa dòng người hối hả ngược xuôi mà lòng tôi sao bỗng cảm thấy nhẹ nhàng bâng khuâng, man mác một chút gì như gió cao nguyên …
Chưa hết tháng, chỉ mới độ hơn hai tuần, tôi đã đến chung cư Nguyễn Thiện Thuật thăm gia đình anh Suy. Được biết vợ chồng anh Suy đông con, thêm ông bà cụ thân sinh và cô cháu gái nên nhà rất chật, ở tầng hai không ngăn phòng. Ban ngày dọn cơm dưới sàn nhà dùng bữa, ban đêm trải nệm, chiếu ra ngủ. Chị Hạnh vợ anh Suy là giáo viên trường Tiểu học Bàn Cờ. Việc nhà cơm nước, chăm sóc các cháu nhỏ do ông bà cụ và cô cháu gái học buổi sáng, buổi chiều ở nhà trông coi.
Đời sống sinh hoạt gia đình tương đối khép kín, nhất là ông bà cụ từ khi rời bỏ quê nhà để vào Sài Gòn theo con lánh nạn, lúc nào cũng dàu dàu, đăm chiêu nét mặt thường ngồi ngóng xa xa.
Có một hôm tới nhà nhằm lúc đang chuẩn bị ăn cơm chiều, anh Suy mời tôi ở lại dùng cơm với gia đình, tôi định từ chối nhưng thấy ngại sợ gia đình buồn nên tôi nhận lời. Chần chừ một chút tôi thấy cô Trâm nhè nhẹ lách mình bước nhanh ra cửa, vì nhà ở chung cư chỉ có một cửa ra vào nên không thể tránh đi đâu được, chừng khi cô Trâm trở về anh Suy mới mời tôi vào ngồi xuống chiếc chiếu ni lông phía sau tấm rèm ngăn làm phòng khách để dùng bữa. Cô Trâm ra quán mua thêm thức ăn.
Sau buổi chiều hôm đó, tôi thấy không có nơi nào thịt bò vò viên ngon và ngọt nước hơn quán ở đầu ngõ chung cư Nguyễn Thiện Thuật và cũng từ hôm đó tôi xin phép gia đình đừng gọi tôi là ông phó nữa.
Đúng hẹn trước khi ra lại Kontum tôi ghé nhà anh Suy để nhận thơ quà gởi về cho gia đình và đặc biệt là gói quà của cô Trâm gởi về cho ba má và các em. Tự nhiên không biết sao, khi đưa quà nhờ tôi mang về cho gia đình, cô Trâm lại ứa nước mắt. Thấy vậy ông bà cụ khẽ rầy cô nhớ nhà rồi làm xấu. Nghe thế tôi lại càng lúng túng hơn chẳng nói được gì. Chỉ một vài lần đến nhà, thường là chuyện trò với ông bà cụ hoặc với vợ chồng anh Suy, còn cô Trâm chỉ mang nước ra mời khách thôi chứ không có tiếp chuyện, chỉ có chào hỏi khi mới đến và nói lời từ biệt khi ra về. Thế thôi.
Nhưng lần nầy hơi khác, chính cô Trâm mang quà ra và được phép ngồi ở ghế salon phòng khách để tiếp chuyện với tôi, cũng chỉ quanh quẩn chuyện học hành, trường lớp và chuyến bay ngày mai khởi hành lúc mấy giờ. Cô nhớ Kontum lắm… Tôi hứa sẽ liên lạc thường xuyên với gia đình và cho cô biết tin mỗi khi có người về Sài Gòn.
Trước đây tôi chỉ quen biết bác Thông qua quan hệ công tác. Bác là Trưởng ty Ngân khố tỉnh, còn tôi là Phó quận kiêm Phát ngân viên quỹ định cư nên gặp gỡ, làm việc với nhau hằng tuần nhưng chưa biết nhà. Trở về Kontum lần nầy tôi đến nhà bác thường xuyên hơn, thỉnh thoảng bác mời tôi đến nhà chơi và dùng cơm chiều. Bác gái thường nấu những món ăn đặc sản miền Nam như bánh xèo, bún mắm… Rồi cũng có những chiều tan sở tôi đến ngay Ty Ngân khố mời bác ra phố ghé tiệm Bạch Đằng ăn tối và lai rai với nhau vài chai bia. Tình thân ngày càng khắng khít.
Được biết gia đình bác thuộc lớp người cố cựu, nhiều đời từ Quảng Ngãi di dân lên Kontum lập nghiệp trong thời các linh mục người Pháp lên cao nguyên truyền đạo. Bác là con trai út và thừa kế ngôi nhà từ đường, đất đai, vườn tược tương đối rộng rãi ở ngay dốc Tân Hương, lối chính thẳng đến nhà thờ. Vì ở lưng chừng dốc gần bờ sông nên năm nào cũng có lũ tràn về ngập sân, có năm lũ lớn ngập lên đến giữa tường nhà, còn ruộng ở dưới ô thì mênh mông lênh láng. Nhưng bao đời nay vẫn vậy, gia đình bác vẫn sống cùng với lũ vì sau những khó khăn mất mát, lũ cũng mang về phù sa bồi đắp bờ bãi ven sông để sau đó trở thành những thửa ruộng hoa màu tươi tốt hay những cánh đồng bông mía trắng rợp đến tận chân trời.
Thông thường, hằng tháng bác đều có gởi thư và tiền về Sài Gòn cho cô Trâm đóng tiền trường và chi phí sinh hoạt với gia đình cậu mợ. Mỗi lần như vậy tôi xin phép được gởi kèm theo thơ cũng chỉ để thăm hỏi sức khỏe, chuyện học hành bâng quơ. Vậy thôi, và đôi ba lần tôi cũng nhận được thơ hồi âm của cô Trâm gởi về cùng với gia đình. Nhẹ nhàng, thoang thoáng vậy mà lòng cảm thấy vui. Rồi đôi ba tháng khi có dịp về Sài Gòn tôi đều đến thăm ông bà cụ cùng gia đình và mang theo một ít quà của Kontum, mỗi lần như vậy cô Trâm mừng lắm. Tôi nhớ hoài ánh mắt những buổi chiều như thế.
Thời gian qua mau, đi lại đôi ba lần, hết Tết rồi đến hè, cô Trâm về lại Kontum thăm nhà sau hơn một năm dài học ở Sài Gòn. Nhớ hôm mới về, khi có người báo tin, chiều tan sở tôi đến ngay nhà tìm gặp cô Trâm. Thật bất ngờ, mới chỉ vài tháng thôi mà giờ đây khi trở về cô đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp và duyên dáng. Tôi thật bối rối, lòng tràn đầy ngưỡng mộ. Từ đó tôi thường hay đến nhà vào những buổi tối, trò chuyện nhiều hơn, tự nhiên hơn, vui đùa cùng với các em. Gia đình thật đầm ấm và tràn đầy hy vọng.
Noel năm ấy tôi ngỏ ý muốn đưa cô Trâm đi dự Thánh lễ nửa đêm ở sân Tòa Giám Mục cùng với gia đình. Hai bác vui mừng lắm, chuẩn bị bữa tiệc Giáng sinh rất tươm tất có mời một số bà con và khách khứa quen thuộc. Tối hôm đó đường phố Kontum đông nghẹt, người đi chen kín cả mặt đường. Tan lễ tôi cố gắng ra sớm, dự tính đưa cô Trâm đi một vòng phố qua đường Lê Thánh Tôn trước khi về nhà, nhưng khi vừa lên tới đỉnh dốc trước Tòa Giám Mục thì dòng người trong sân túa ra vây kín cả con đường, không còn cách nào ra khỏi đám đông được, tôi bèn tắt máy xe và ngồi chịu trận giữa dòng người lướt qua.
Ngồi trong xe cô Trâm đỏ mặt và vô cùng lýnh quýnh, vừa mắc cỡ, vừa gặp phải những người quen qua lại ngắm nhìn thật là bất tiện. Tôi cũng thấy hơi ngượng và ngỏ lời xin lỗi, nhưng không nghe cô Trâm nói gì, chỉ thấy cô liếc mắt nhìn tôi như thể là đang thầm trách móc với dáng điệu thật vô cùng đáng yêu.
Tình cảm ngày càng thắm đậm và hiểu biết nhau nhiều hơn, tôi quyết định thưa cùng với bác Thông muốn đưa ba má ra dạm hỏi cưới cô Trâm. Hai bác cho biết lâu nay cũng có gạn hỏi cô Trâm về mối quan hệ với tôi như thế nào, thì cô trả lời coi bộ ảnh thích con nhưng còn hơi e ngại.
Chiều ba mươi tết tôi xin phép đưa cô Trâm đi thăm chúc tết nhiều người, nhiều nơi và cuối cùng chúng tôi qua cầu Dakbla ra ngã ba Tân Phú. Giữa núi rừng bao la, trời mát lạnh, phong cảnh hữu tình, hai đứa nắm tay đi bên nhau dọc theo đường xuống suối. Gần đến cuối dốc bất ngờ cô Trâm dừng lại:
– Anh có thương em thật không?
Tôi gật đầu.
Gió chiều thổi về từ bên kia núi nghe rào rạt hòa lẫn với tiếng suối reo róc rách, cánh chim B’rao bay lơ lửng trên không. Xa xa những cụm khói nhà rông đang lan tỏa trên triền núi. Cảnh vật chung quanh dường như lắng đọng, thoang thoảng mùi hương tóc rối… Em đẩy nhẹ tôi ra rồi vụt chạy lên đồi.
Tháng Ba tôi được lệnh về Sài Gòn công tác trong một tuần rồi sẽ ra lại. Tối hôm chia tay, tôi nói với em là sau khi họp xong tôi sẽ về Mỹ Tho thưa chuyện cùng ba má định ngày ra Kontum cho sớm. Tôi biết em là con gái lớn trong gia đình rất thương em, nên lúc nào cũng nghĩ đến bổn phận và trách nhiệm, ngay cả khi còn đi học ở Sài Gòn em thường hay dành dụm tiền mua quà rẻ tiền gởi về cho các em. Tôi cũng là anh cả trong một gia đình đông anh em nên cảm động lắm mỗi khi nhận quà của em nhờ gởi về Kontum. Suốt cả buổi tối hai đứa vui đùa bàn bạc đủ thứ chuyện trong tương lai. Đến lúc sắp ra về, tự dưng không biết nghĩ sao em lại tháo chiếc nhẫn hột màu xanh nước biển đang đeo ở tay đưa cho tôi:
– Anh mang theo về Sài Gòn để nhớ đến em.
Hôm đưa tôi đi, em mặc lại bộ đồ áo thun màu vàng nhạt, quần tây trắng mà cách nay hơn một năm em đã mặc khi lần đầu gặp nhau ở phi trường. Trời mưa phùn lất phất, máy bay tới muộn, hai đứa ngồi trong nhà ga nhìn ra bên ngoài không gian màu xám xịt, vắng hoe. Hành khách ngồi chờ chật kín phòng đợi, im lặng không nghe ai nói chuyện gì cả cho đến khi qua màn mưa bụi, máy bay từ từ tiến sát vào nhà ga.
Đến lúc đó mọi người mới đứng lên chuẩn bị hành lý xách tay xếp hàng ra cửa. Em nhét vội chai dầu gió vào trong túi xách trước khi tôi nhập vào dòng người vội vã lên cầu thang máy bay. Mưa vẫn bay mờ mờ qua khung cửa làm nhòa bóng em đang đứng vẫy tay trước hiên nhà ga. Tôi dán mắt nhìn theo cho đến khi tất cả khuất dần vào trong đại ngàn xanh thẫm.
Không ngờ đó là chuyến bay định mệnh cuối cùng rời khỏi Kontum trước ngày di tản, vì chỉ một tuần lễ sau thôi, chiến cuộc xảy ra, dân chúng ùn ùn chạy loạn. Đau thương chết chóc lại bắt đầu. Hai đứa lạc xa nhau từ đó.