Có hai lần tôi khóc khi nghe bài hát “Em còn nhớ hay em đã quên” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Lần đầu tiên là khi đang lái xe trên con đường xa lộ không một bóng người vào một buổi tối mùa thu. Khi ấy tôi vừa xa Sài Gòn chỉ vài tháng, chỗ lạ thì chưa quen, mà nỗi nhớ nhà thì cứ đầy ăm ắp. Thời đó làm gì đã có những phương tiện liên lạc của hôm nay, ngoài những cú điện thoại giá $2 cho mỗi một phút nói chuyện. Mỗi lần gọi về cho mẹ là cứ ôm chặt cái phone như muốn chui cả người vô trong đó mà về với mẹ.
“Em còn nhớ hay em đã quên.
Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng.
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân…”
Giọng Khánh Ly thong dong thả những giọt buồn miên man, làm tim tôi như thắt lại. Rõ đúng là “thú đau thương”, buồn rã rời là vậy, mà không muốn tắt nhạc đi.
“… Em ra đi nơi này vẫn thế,
vẫn có em trong tim của mẹ…”
Giọt nước cuối cùng đã làm tràn ly nước. Tôi òa ra khóc thành tiếng, khóc nức nở mà chẳng sợ ai nghe ai thấy. Hình như chỉ cần chữ “mẹ” là bao nhiêu gút được gỡ ra hết để cảm xúc cứ thế mà tuôn trào. Ngoài trời mưa tầm tã, cái kiếng xe còn được hai cánh quạt nước làm việc hết cỡ giữ cho ráo bớt nước mưa. Trong xe, tôi cũng đang mưa dữ dội, những giọt nước mắt cứ tuôn ra ào ạt, nhưng chẳng có ai chùi đi, cũng chẳng có gì ngăn bớt.
Và hơn hai mươi lăm năm sau, chiều qua tôi lại khóc ròng lặng lẽ khi nghe lại bài hát quen.
“Em còn nhớ hay em đã quên
Nhớ Sài Gòn những chiều ngợp gió
Lá hát như mưa suốt con đường đi
Có mặt đường vàng hoa như gấm…”
Tôi vùi đầu vô nhìn thẳng vào trong nỗi nhớ đớn đau của mình. Tôi thấy đường phố vắng hoe giăng dây kẽm gai. Tôi thấy chàng thanh niên ngồi bệt trên lề đường, đôi dép nhựa đứt quai, cái túi sờn rách lép kẹp bên cạnh, đầu gục vào giữa hai đầu gối. Tôi thấy cụ bà run rẩy đưa cả hai tay đỡ lấy hộp cơm từ thiện. Và tôi thấy những chiếc quan tài chồng chất trong thùng một chiếc xe tải….
“Em còn nhớ hay em đã quên,
Nhớ Sài gòn những chiều gặp gỡ
Nhớ món ăn quen, nhớ ly chè thơm.
Nhớ bạn bè gặp nhau quen tiếng…”
Nỗi nhớ Sài Gòn, một lần nữa ùa về dữ dội, như cắt vào tim, như bóp nghẹt từng buồng phổi. Tôi nhắn tin thăm vài người bạn. Bạn cho xem cái “Phiếu ra đường” nhàu nhàu mà bạn gọi là “thẻ xanh”. Bạn đùa, tôi cười, mà mắt cứ nhoè đi. Nhắn hỏi thêm vài người bạn nữa, ai cũng trả lời vẫn bình an, tạm thời ngày nào hay ngày đó. Ừ, thôi đành vậy.
Mấy ngày này thương Sài Gòn đứt ruột. Khi đi dạo giữa những đồng hoa dại bạt ngàn, tôi nhớ đến những lề đường gạch, giờ là nơi tạm dung thân của quá nhiều mảnh đời cực khổ. Ngồi trên xe hơi máy lạnh, tôi nghĩ đến hàng vạn chuyến xe máy xe đạp lũ lượt từ Sài Gòn đổ về tứ phía dưới cái nóng như thiêu đốt ruột gan. Ăn miếng cá hồi tươi vừa được vớt lên từ dưới biển, hay rổ trái cây mới hái vườn nhà, trong đầu tôi hiện lên những bàn tay già nua xương xẩu đưa lên đỡ lấy hộp cơm từ thiện và những chiếc bàn gỗ đơn sơ không đồng với vài mớ rau, trái bí.
Có những lúc tôi tự nhủ lòng, mình nhỏ thì làm việc ốc tiêu, rồi quên đi, tạm thời không nghĩ ngợi nhiều đến một việc quá xa tầm tay với. Chẳng có lợi ích gì khi cứ mãi bị ám ảnh những hình ảnh buồn như vậy.
Biết là vậy đó. Mà dễ gì…
Sài Gòn của tôi ơi, “Sài Gòn từng đêm thao thức”, Sài Gòn hồn hậu bao dung, khi nào bạn sẽ bình yên trở lại?