Lợi Hòa Đồng Vui

Trẻ em miền Nam trước 1975 (file photo)

Đêm văn nghệ của bọn con nít tuổi chỉ 11, 12, 13 do cô bé Trần Anh Nam đầu nêu làm bầu show đã thành công mỹ mãn về mặt nội dung cũng như «tài chánh» (thu bằng dây thun). Ban tổ chức lẫn đám khán giả con nít vô cùng hỉ hả với những trận cười thoải mái. Tản hát về nhà, đứa nào cũng mong đợi, hứa hẹn sẽ có những trò như thế tiếp tục nữa.

Số dây thun thu được cho đêm hát, ngày hôm sau, hai chị em Nam, Thanh Du cùng Bích Nga và Hiền (những nhân vật chính của ban văn nghệ) đã ngồi lại xâu những cọng thun thành một sợi con tít. Xong đâu vào đó, chúng bàn nhau đem «con tít» thương lượng bán cho tiệm bánh kẹo Đại Lộc ngay ngã tư chính gần nhà Nam. Nam không dám… bán cho tiệm của bố mẹ, vì biết chắc bố mẹ không mua, không trả tiền, đôi khi còn bị hàm oan, nghi ngờ… ăn cắp dây thun của nhà nữa.

Tiệm Đại Lộc chuyên bán những loại bánh qui, kẹo nhập từ nơi xa về, không giống các loại bánh oản, bánh khảo, kẹo dừa v.v. của bố mẹ Nam tự sản xuất lấy. Chúng rất vui khi Đại Lộc bằng lòng trả cho chúng 7 đồng (một tô bún bò giò heo trị giá 2 đồng). Chúng bán dễ dàng không hẳn là chúng giỏi marketing, mà do, phần tiệm bánh cần dây thun để gói cột hàng hóa, phần nửa ủng hộ chúng vì thấy chúng dễ thương, còn nhỏ mà biết chịu khó… làm ăn theo lời chúng kể!

Vốn hiếu động lại sáng dạ, Nam luôn nghĩ mọi cách đem vui cho nó và chúng bạn. Ngoài một đồng trích mua bịch bánh qui bể tại Đại Lộc do di chuyển, tiệm đã lựa ra những bánh bể đó túm thành một bao lớn dành bán cho trẻ con với giá rẻ. Con nít thì cần gì bánh đẹp. Chỉ cần nhiều, ngon và hợp hầu bao đủ để bọn Nam khao đãi nhau. Còn 6 đồng, Nam ra chợ mua 6 cuốn tập «Tân cổ giao duyên» đủ mọi tuồng tích: Tình cô gái Huế, Tình anh bán chiếu, Gánh nước đêm trăng, Đêm lạnh chùa hoang, Tu là cội phúc, Tấm lòng của biển. Cuốn tập mỏng, nhỏ, dài, rộng chỉ bằng gang bàn tay, bên ngoài in hình các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng từng ca diễn tuồng đó. Nam đem về nhà hẹn một ngày gọi đám bạn bất kể đứa nào, đương nhiên không thể thiếu các… nghệ sĩ đã đóng góp cho đêm văn nghệ, tụ tập theo ngày giờ đã hẹn tại kho gạo bà Phước Hiệp.

Trẻ em miền Nam trước 1975 (file photo)

Kho gạo bà Phước Hiệp sát bên nhà bà ở, không xa lạ gì với bố mẹ Nam, kho cách nhà Nam một căn. Kho gạo chỉ chứa toàn gạo, không người ở, nên chất gạo ngập đến gần trần nhà. Hằng ngày bà Phước Hiệp mở cửa bán gạo. Chỉ buổi trưa nắng nóng, sau khi dùng cơm xong, không riêng bà mà cả thành phố có thói quen đóng cửa nghỉ trưa. Bà Phước Hiệp khép hờ kho gạo, không khóa, về nhà sát đó nghỉ ngơi.

Thật là thuận tiện để bọn Nam chọn làm… sào huyệt tập trung, trèo lên các bao gạo, lê la đứa nằm, đứa ngồi, hết ăn bánh, trò chuyện rồi ca hát.

Buổi trưa hè miền Trung trời nóng như đổ lửa, những hàng cây hai bên đường luôn đứng yên mong gió, nhưng gió thường không đến. Mọi người trong phố đều rúc trong nhà nghỉ trưa để trốn cái nắng như trời giáng. Ngoài đường không một bóng người, không một xe cộ nào qua lại. Cả thành phố im vắng tưởng như có thể nghe được cả tiếng ruồi bay, mọi nhà đóng cửa ngủ yên, đường phố vắng lặng, thỉnh thoảng lắm, mới có người nào đó cần đi mua tí đá cục pha nước giải khát hay sự việc bất khả kháng ngoài ý muốn.

Đám trẻ, nhất là Nam và đồng bọn dù cha mẹ có bảo phải nghỉ trưa, nhưng bản chất hiếu động, không chịu ngồi yên, chúng cũng lén thông báo nhau rời nhà đi… quậy; nay trò này, mai trò khác, nhất là có… thủ lãnh đầu nêu vạch kế hoạch sẵn như Nam.

Hôm nay kho gạo bà Phước Hiệp được chiếu cố. Chúng hẹn nhau tập trung tại đó, thỏa thích vui đùa, trèo lên tận nóc gạo nằm ngồi thoải mái tùy mỗi đứa tự chọn cho mình. Nếu chỉ nói cười, rồi... nhậu với vài cái bánh qui bể mà Nam đã mua tại tiệm Đại Lộc, thì mọi sự đã không nên chuyện, đằng này, sau khi bịch bánh bể đã không còn miếng nào, Nam lôi các tập ca cổ cải lương ra phát cho từng đứa bạn ngâm nga…

–  Con trăm lạy mẹ ngàn lạy mẹ, con xin thú thật với mẹ…

–  Hò… hơ…, chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm, công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp… ờ..ờ..ơ… tôi gối đầu mỗi đêm.

– Sương thu lạnh bao trùm khắp nẻo, trăng đêm nay dìu dịu cả không gian, tôi với em đi gánh nước cạnh đình làng, mùi cỏ dại mơ màng trong đêm vắng.

– Ai nức nở quì bên chánh điện, khi chuông chùa vừa điểm tiếng công phu, tín nữ ơi, nguyên do nào người muốn đi tu, vui kinh kệ và quen mùi khổ hạnh.

…….

Trời ạ, ca cải lương chỉ một đứa ca thôi, mà phải biết ca thì nghe còn mùi mẫn, đằng này, cả đám sáu đứa, mỗi đứa… riêng một góc trời, đứa ngồi, đứa nằm, đứa soãi mình dựa trên lưng bao gạo, trên tay mỗi đứa một cuốn tập ca cổ xúm nhau cất tiếng đủ mọi tuồng tích, đủ mọi điệu ca, hết xàng xê, hát lối, xuống xề… trộn vào nhau thành một âm thanh hỗn độn, đứa thì nỉ non «Con trăm lạy mẹ» qua «Tình cô gái Huế», đứa thì lên giọng vô câu vọng cổ «Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra…chào!» của anh bán chiếu trong Tình anh bán chiếu hoặc «Tín nữ đi tu làm sao cho thành chánh quả, bởi làn phấn son còn in rõ trên đôi má dạng phong trần!»…

Xem «chiếu bóng» – Thú vui giải trí đơn giản của thiếu nhi miền Nam trước 1975 (file photo)

Đã vậy, đứa nào cũng cao giọng rống lên mong giọng ca mình trội hơn đứa khác, ồn ào không thua gì xúm nhau… cãi lộn, chao ôi, giữa buổi trưa hè im vắng, chỉ cần một tiếng sáo vi vu thánh thót của anh thất tình nào đó không ngủ được, hay tiếng đưa võng kẽo kẹt của bà mẹ nhẹ nhàng cất tiếng ru con cũng đủ vang xa khắp phố, thì thử hỏi, bọn trẻ Nam cùng đồng ca không phải một bài ca cổ mà mỗi đứa say sưa một tuồng khác nhau thì… chói tai, nhức óc đến chừng nào.

Bên nhà, bà Phước Hiệp không sao ngủ được. Bà trỗi dậy lò mò bước qua kho gạo. Tiếng mở cửa sắt của bà đánh xoẹt vang lên. Bọn trẻ biết… động ổ, nằm bẹp sát xuống bao gạo, im thin thít. Bản đồng ca cải lương cùng lúc im bặt.

Tiếng bà Phước Hiệp vang lên:

– Nè, đám con nít tụi bây con nhà ai mà xông vô đây phá phách, không để ai ngủ trưa hết vậy?

Không có tiếng trả lời. Bà Phước Hiệp vẫn cao giọng, hét:

– Có xuống hết không?

Vẫn không có tiếng trả lời. Bà Phước Hiệp sôi máu, hóng mặt lên ra lịnh:

– Xuống hết không? Gạo người ta bán mà tụi bây leo trèo lên đó chơi, rồi… ỉa, đái thúi gạo người ta thì ai còn  bán, còn ăn được chứ. Xuống hết! Xuống hết!

Giọng bà oang oang vang trong khoảng không, la hét rát cuốn họng, nhưng vẫn không nghe động tịnh hay một lời đáp trả, tức mình, bà muốn leo lên để bắt… trọn ổ, lôi đầu bọn chúng xuống, đánh cho một trận, nhưng vì tuổi già, bà không cách nào trèo lên được, chỉ đứng dưới ong óng chửi hóng lên, mỏi cả miệng, bà đành lẳng lặng khép cửa về nhà.

Hai đứa con gái của bà, cô tên Xíu 17 tuổi, cô tên Bé 18, đang tuổi lớn, giỏi ăn, dễ ngủ đang say sưa thả hồn trong mộng đẹp của buổi trưa hè, dù có sấm gầm, bom rơi, hai cô cũng ngủ như chết, không hay biết ất giáp gì, bà muốn gọi hai cô dậy tiếp tay với bà… chiến đấu với bọn trẻ, nhưng thấy hai cô ngủ say, bà không nỡ phá giấc ngủ của con, đành bó tay đầu hàng bọn trẻ vô điều kiện. Tuy vậy bà cũng hy vọng, qua sự giận dữ sừng sộ của bà, đám trẻ kia rồi cũng về nhà hết thôi.

Điều bà nghĩ quả không sai. Sau khi bà Phước Hiệp khép cửa ra về, tụi bọn Nam cũng cụt hứng. Mấy đứa nhìn nhau tiu nghỉu, rồi không ai bảo ai, tự nhiên gom tất cả cuốn tập ca cổ giao Nam rồi trèo xuống kho gạo, cũng như bà Phước Hiệp mở cửa lẳng lặng ra về.

Lợi Hòa Đồng Vui sau đêm văn nghệ coi như thanh toán xong. Nhưng cái duyên với nhà bà Phước Hiệp thì chưa dứt sạch, dường như đã kết từ bao kiếp trước, nên run rủi kiếp này là hàng xóm của nhau, lại sát vách, vẫn được bọn trẻ… chiếu tướng không tha.

Hai cô con gái, cô Bé và Xíu của bà Phước Hiệp, tuy so tuổi với Nam có hơi chênh lệch, nhưng hai chị vẫn coi Nam như em, như cô bạn nhỏ. Dù gì cũng là hàng xóm của nhau mà! Do vậy, đôi khi Nam chạy qua chạy lại chơi, coi như người một nhà, thân thiết với hai chị.

Kiếm được 7 đồng, tự mua bánh ăn thật đã, dù cha mẹ không để thiếu thốn, bánh kẹo cũng đầy nhà, nhưng Nam lại thích cái mà nó không có. Cái mà đã lọt vào mắt nó là nó nảy sinh sáng kiến. Xin tiền cha mẹ mắc công kèo nài, năn nỉ, muốn ăn bánh loại mình thích và nhất là cùng ăn với bạn, thì tự kiếm vẫn thích hơn. Nam bàn với chúng bạn, góp tiền quà sáng mẹ cho cùng nhau đầu tư kinh doanh mua thuốc rê về vấn.

Thuốc rê là loại thuốc lá rẻ tiền giành cho dân lao động, vấn từ những cọng thuốc rê quăn quăn như thuốc lào cuộn tròn trong tờ giấy thấm perluya mỏng đã cắt sẵn. Một đồng 10 điếu. Chỉ tốn công vấn là thành ra điếu thuốc.

Ngồi bên nhau quây quần vấn thuốc cũng là trò chơi đồ hàng của bọn con gái như Nam, dù gì, Nam vẫn là con gái mà. Bọn chúng bên nhau ríu rít như đàn chim non tẩn mẩn vê từng điếu thuốc. Nhưng chúng không… buôn bằng tiền giả như mọi lần phát hành bằng giấy tập vở cắt nhỏ, hay trao đổi bằng những sợi dây thun, mà lần này buôn bằng tiền thật, gởi ké tiệm tạp hóa của bà Phước Hiệp nhờ hai con bà, chị Bé và Xíu, người có bổn phận, ngoài những lúc học hành, trông nom cửa hàng cho bà, bán giùm. Cũng cần nói thêm, sát bên kho gạo bán sỉ, bà Phước Hiệp còn thêm cửa hàng bán tạp hóa ngay nhà, bán mắm muối gạo lẻ và những thứ lặt vặt linh tinh…

Nệ hà gì sáu bó thuốc chúng vê nhờ bán hộ. Cứ một bó 10 điếu cột trong sợi dây thun, hai chị Bé, Xíu hoan hỉ cho đặt ké thuốc trong tủ kiếng. Thuốc nằm đã gần tháng, mới có khách đến mua một bó cũng là niềm vui vô hạn đối với Nam và bọn trẻ, tiếc là, công việc «kinh doanh» của bọn Nam chưa gặp thời vận nên người mua thuốc hút đã trả lại đúng lúc bà Phước Hiệp trông hàng.

– Thuốc gì vấn lỏng lẻo quá, mới châm lửa hút chưa được nửa hơi đã bời rời rớt ra.

Bà Phước Hiệp tá hỏa tam tinh. Bà có buôn loại này đâu, nhưng trước lời phàn nàn của khách hàng, bà đành hoàn tiền lại và sau đó tìm rõ nguyên nhân…

Lại một lần nữa bà nổi trận lôi đình, chẳng những la rầy đám bọn Nam một mẻ mà hai cô con gái bà cũng lãnh đủ búa rìu không ít. Những bó thuốc còn lại bà ra lịnh hai cô trao trả cho bọn Nam trước khi bà vứt vào sọt rác. Thế là từ đấy… công ty vấn thuốc của Nam, chưa kịp khai sanh đã bị chết nghẹt từ trong trứng nước. Và «công ty» đó cũng từ đấy, coi như bị… phá sản!

Thưa các bạn, với câu chuyện kể trên, tôi không rõ mọi người khi đọc xong sẽ cảm nhận như thế nào về những trò nghịch ngợm của bọn trẻ như Nam.

Thiếu nhi miền Nam trước 1975 (file photo)

________

Tuổi thơ của thời năm 1900… hồi đó, nền văn minh vật chất còn rất thô sơ, bọn trẻ con thiếu thốn mọi bề. Đồ chơi dành cho con trai ngoài bắn bi, đánh đáo (ném đồng tiền vào lỗ nhỏ), bắn ná, bắn chim, chơi dế, bịt mắt bắt dê, ném trái vụ… Xôm lắm là đá banh! Phần con gái ngoài trò chơi nẻ, búng dây thun, ô quan, cò cò, u mọi, ném lon, chơi đồ hàng hái từ những chiếc lá chuối, búp bê đồ nhựa rẻ tiền, hay từ những đồ sành bằng đất sét nắn ra thành nồi niêu v.v. vui và sống động hơn là múa hát.

Bọn chúng đâu hân hạnh được chơi những hàng điện tử văn minh, tối tân qua những chiếc xe hơi, máy bay bằng sắt hay những con búp bê biết khóc, biết cười, biết đi, mắt nhắm mắt mở hay trăm ngàn thứ đồ chơi khác như bây giờ. Do vậy những trò chơi như Nam tôi vừa kể là trường hợp đặc biệt, ngoại lệ, bộc phát từ sáng kiến của một cô bé hiếu động mà từ khi còn nằm trong bụng mẹ đã «bị» hun đúc và nuôi dưỡng tính khí con trai. Âu đó cũng là số phận, một số phận được sinh ra từ một ngôi sao… quái lạ.

Nam nghịch là điều hiển nhiên. Hiểu như thế, thì câu chuyện về cô bé Nam cùng chúng bạn hồn nhiên nghịch phá chắc chắn người đọc cũng sẽ hoan hỉ như Đức Phật Di Lặc mỉm cười với lũ «lục tặc» quấy nhiễu Ngài. Thôi thì, xin thông cảm và vui với niềm vui của bọn trẻ, điều mà Nam đã làm cho Nam và đám bạn của nó, dù gì vẫn hơn lũ… lục tặc thật đáng sợ đến từ sáu căn: mắt, mũi, miệng, tai, thân, và ý luôn ngày đêm chầu chực hại phá chúng ta, nếu chúng ta không định tâm đề phòng.

Kính chào bạn đọc. Thân chúc các bạn những ngày vui.

Hẹn sẽ gặp lại Nam trong «Thân hòa đồng… trèo» với sáng kiến nghịch phá mới của nó.

Kính mời quí vị nhớ theo dõi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: