“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”

Ảnh minh họa: Patricia-prudente/Unsplash

Khi niềm tin vào cuộc sống phôi pha theo thời gian, tôi không còn tin vào tình bạn, tình yêu đôi lứa, tình người trong công sở v.v. thì chính lúc đó niềm tin vào tình mẫu tử trỗi dậy.

Trải qua hơn nửa đời người tôi đã chứng kiến sự phản bội trong tình bạn và tình yêu đôi lứa giữa những người xung quanh tôi, kể cả sự tranh giành giữa các đồng nghiệp, quá ngán ngẩm nên tôi đã tạm lui về “ở ẩn” hầu tránh xa nhân tình thế thái.

Với một người đã mất niềm tin vào cuộc sống thì cũng khó còn tinh thần để tiếp tục đường đời, dù là đường đời của riêng bản thân. Giữa lúc khủng hoảng niềm tin, tôi đã tìm thấy một tình yêu bất di bất dịch đó là tình mẫu tử.

Một người mẹ có thể không làm hài lòng mọi người, một người mẹ có thể tranh giành trong cuộc sống, một người mẹ có thể phản bội người mình yêu vì cảm xúc cá nhân nhưng người mẹ luôn luôn thương con và bảo vệ con, mong cho con mình có được một cuộc sống yên bình hạnh phúc.

Một người mẹ có thể yêu con từ lúc nhìn thấy con chào đời đến khi bà lìa đời với một tình yêu bất biến – Ảnh: Aditya-romansa/Unsplash

Sáng nay lướt Facebook, tôi thấy một người mẹ đơn thân nuôi dạy ba đứa con tâm sự: “Không loài nào sinh con ra phải nuôi dạy con lâu như loài người, 18 năm…”. Mẹ nuôi dạy con 18 năm không sai vì mẹ theo các con từng bước chân theo nghĩa đen cho đến khi các con 18 tuổi.

Hằng ngày, người mẹ này tự tay chăm sóc  đưa đón các con đi học mà không dám mướn người giúp việc. Rồi khi các con sang trời Tây học, mẹ bỏ hết công ăn việc làm ở Việt Nam chạy theo giám hộ các con và chờ cho đến khi từng đứa đủ 18 tuổi tự chăm sóc bản thân mà không cần người giám hộ.

Rồi khi các con đủ 18 tuổi thì các mẹ có hoàn toàn thảnh thơi không hay lòng người mẹ luôn hướng về các con của mình?

Tôi nghĩ rằng 18 năm nuôi dạy con đối với người mẹ vẫn chưa đủ cho dù là mẹ Tây. Vì tình thương của người mẹ dành cho con đi suốt cả một đời người. Tôi dám khẳng định điều này vì đã từng nhìn thấy những người mẹ thương con vô bờ bến.

Ảnh minh họa: Guille-pozzi/Unsplash

Trước tiên là một bà mẹ người Anh. Bà năm nay ngoài sáu 60. Con trai bà đến Việt Nam sống và làm việc gần 10 năm. Ngày con trai lấy vợ Việt Nam, bà đã từ Anh Quốc bay sang Việt Nam để tham dự đám cưới của con.

Điều mà tôi ngưỡng mộ bà nhất là trước khi con trai làm đám cưới tại Việt Nam, bà đã chuyển cho con trai một khoản tiền khá lớn từ lương hưu của bà để giúp anh làm đám cưới vì lương của anh chỉ đủ sống.

Trong ngày cưới của con, tôi thấy bà nhìn con trai và con dâu hạnh phúc bên nhau với ánh mắt trìu mến và nụ cười mãn nguyện. Liệu đến đây thì bà đã thôi quan tâm đến con trai mình? Không, tôi chắc chắn một điều là sự quan tâm đến con trai của bà vẫn còn cho đến khi bà nhắm mắt xuôi tay.

Người mẹ tiếp theo là một bà lão hàng xóm. Năm nay bà ngoài 90 tuổi. Con trai bà đã lập gia đình rồi sinh con đẻ cái. Khi con trai lấy vợ, bà đã cho con một căn nhà đứng tên chỉ mình con trai. Rồi gia đình con trai đổ vỡ chỉ vì con trai bà vô trách nhiệm đối với vợ con.

Từ khi con trai ly hôn rồi thất nghiệp, hằng tháng bà lại chu cấp cho con một khoản tiền sinh hoạt. Bà chu đáo đến mức là mỗi tháng phát cho con hai lần, vì phát luôn một lần thì sợ con xài hoang phí. Khi con trai đột ngột qua đời vì đột quỵ ở tuổi gần 70, thân già bà lại quáng quàng lo tang lễ cho con, xong xuôi thì còn mình bà quạnh hiu trong căn nhà với người giúp việc.

Cho dù bà đối xử không tốt với con dâu và cháu nội nhưng tình thương của bà dành cho con trai đã vượt lên tất cả để đáng được tha thứ, đáng để người đời cảm thương bà.

Ảnh minh họa: Bethany-beck/Unsplash

Tình mẫu tử không chỉ giới hạn ở những người mẹ có tiền có khả năng chu cấp cho con mà còn nhìn thấy ở những người mẹ nghèo rớt mồng tơi mà vẫn nuôi con suốt đời.

Hồi tôi còn ở quê, có một chị hàng xóm sống bằng nghề bán vé số. Hằng ngày chị đi bán từ sáng sớm đến nửa đêm. Ngày nào chị bán được thì nhiều lắm là 200 tờ vé số, cũng có nghĩa là chị kiếm được 200,000 đồng vì mỗi tờ vé số chị lời 1,000 đồng. Chị khỏe thì không nói gì, đàng này chân chị luôn bị đau nhức vì bệnh khớp nên bước đi trông rất nặng nề.

Ấy vậy mà chị nuôi con đến khi con tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp với các khoản tiền học phí, tiền cho con thuê nhà trọ ở Sài Gòn, tiền sinh hoạt hằng tháng của con. Tốt nghiệp xong, người con này không tìm được việc làm nên tình nguyện đi lính nghĩa vụ để đỡ một miệng ăn trong gia đình.

Đi lính xong về bỗng dưng anh chàng phát khùng, suốt ngày leo lên nóc nhà múa may quay cuồng. Chị đưa con đi khắp nơi chạy chữa. Khi con khỏi bệnh chị lại đi tìm việc cho con. Mà anh chàng này không chỉ phát khùng một lần mà đến mấy lần, cứ mỗi lần như vậy thì chị lại đưa con đi trị bệnh, con ổn rồi chị tiếp tục xin việc khác cho con.

Mà lạ, chưa bao giờ tôi nghe chị than phiền một lời nào về con – một thanh niên trưởng thành mà vẫn phải dựa vào mẹ.

Ảnh minh họa: Nienke-burgers/Unsplash

Rồi khi các bà mẹ có cháu nội cháu ngoại thì sao? Các bà mẹ lại tiếp tục giúp con chăm sóc trông chừng các cháu. Điển hình là một người phụ nữ rất giỏi mà tôi biết, khi chưa về hưu bà có quyền cao chức trọng hét ra lửa. Vậy mà khi con gái sanh đứa thứ nhất rồi sanh đứa thứ nhì thì bà lại “khăn gói quả mướp” bay sang trời Tây chăm sóc con gái và hai cháu.

May là các cháu của bà dễ ăn dễ ngủ, chứ không như bà nội một thằng bé hàng xóm nhà tôi, ra vô bệnh viện miết vì viêm phổi, khi về nhà rồi cũng khóc nhề nhệ suốt ngày suốt đêm.

Bà nội của thằng bé từ dưới quê lên Sài Gòn giúp con trai và con dâu chăm cháu từ khi lọt lòng đến nay cháu gần ba tuổi, mà lúc nào cháu đi học về tôi cũng nghe tiếng nó khóc.

Nửa đêm có khi tôi giựt mình thức giấc vì tiếng khóc của bé, rồi tiếng bà nội của cháu dỗ dành. Sáng ra, tôi lại thấy bà kẹp giữ thằng nhỏ một bên nách, còn tay kia thì xách các bịch đồ ăn lỉnh kỉnh. Bà không còn tay nào để bấm nút số trong thang máy, nên hễ gặp là tôi giúp bà.

Thật ra, có vài người mẹ trong số ấy đôi khi đã từng truyền năng lượng tiêu cực cho tôi nhưng khi nhìn thấy tình thương của các bà dành cho con của họ quá lớn, tôi vô cùng ngưỡng mộ đến mức chạnh lòng mà bỏ qua.

Suy cho cùng, mọi thứ trên đời đều có thể thay đổi, nhưng tình thương mà người mẹ dành cho con là không bao giờ thay đổi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: