Trước Giáng Sinh hơn một tuần, em gái Út của chúng tôi gọi cho biết đã đưa Mẹ đi bệnh viện khẩn cấp buổi sáng sớm vì bộ phận hô hấp của Mẹ đang gặp khó khăn. Bệnh viện giữ Mẹ lại điều trị. Buổi chiều dạy xong, tôi chạy xuống thăm Mẹ mới biết họ phải cho Mẹ ngủ và đặt đủ loại ống vào cổ họng, trông đáng sợ quá chừng. Thấy Mẹ nằm thiêm thiếp, mặc sức đầu óc tôi nghỉ ngợi mông lung, phập phồng lo sợ. Bác sĩ cho biết “bà Cụ sẽ phải ở lại nhiều ngày để điều trị.” Thế là bao nhiêu dự tính tổ chức tiệc Giáng Sinh cho đại gia đình ở nhà Mẹ năm nay của các anh chị em phải hủy bỏ.
Mẹ tôi năm nay đã 96 tuổi hơn. Nhưng trong giấy tờ thì đã 101 tuổi! Số là khi Việt cộng chiếm miền Nam, chúng lấy lý do Ba Mẹ có con là “ngụy” và “giặc lái”, nặng tội với nhân dân nên cướp hết đất đai, ruộng vườn, tài sản mà Ba Mẹ đã tốn biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt cả đời xây dựng; chỉ chừa cho bốn sào vườn, nơi lũ anh chị em chín người được nuôi dưỡng lớn lên. Ba tôi với kinh nghiệm cũ, biết không thể thay đổi được gì nên không sôi nổi như Mẹ.
Mẹ không đành lòng nên lúc nào cũng sẵn sàng ăn thua đủ cho dù có lúc Mẹ bị tù tội mà chẳng thay đổi được gì ngoài sự đày đọa gắt gao hơn. Cuối cùng, Ba Mẹ quyết định dọn vào Biên Hòa, gom góp số vốn nhỏ nhoi dành dụm còn lại mua một căn nhà bỏ hoang trên Quốc Lộ I, ngay phía trước cửa trại tù B5 của Việt cộng, để tránh bớt sự bách hại, hạch sách hàng ngày. Mẹ tôi quyết định giấu biến luôn lai lịch, lấy năm sinh của Ba tôi làm năm sinh của mình để tránh cưỡng bách lao động.
Năm 1989, giữa lúc chuẩn bị đi Mỹ theo diện con cái bảo lãnh, Ba tôi qua đời! Cả một đời lao nhọc từ dải đất Miền Trung khô cằn sỏi đá, đến khẩn hoang lập ấp ở vùng đất mới Tánh Linh, rồi Biên Hòa… rốt cuộc cũng trắng tay trở về cát bụi trên quê hương nghèo. Thế là giấy tờ bảo lãnh phải làm lại cho tới Tháng Tám 1991, Mẹ mới thắt ruột để lại hai đứa con lớn đã có gia đình với một đàn cháu nhỏ, dắt theo hai đứa nhỏ nhất – chú 9, cô 10 – qua tới được bến bờ tự do.
_________
Lúc đầu Mẹ và hai cô chú nhỏ ở chung với tiểu gia đình tôi, sau vài năm thì tôi dọn ra ở riêng và Mẹ chọn ở với hai đứa em. Mấy năm sau cô Út có chồng, mua nhà ở riêng chỉ cách nhà Mẹ năm phút lái xe. Mẹ cũng vẫn chọn ở lại với chú Chín. Mẹ không muốn ở với bất cứ dâu rể nào dù mọi người con và dâu rể đều yêu quý, kính mến Mẹ như nhau. Mấy năm sau có thêm gia đình chú Bảy ở Cali dọn về cũng mua nhà gần bên cô Út. Gia đình chú Tám, nhà Mẹ và gia đình tôi ở tam giác, cách nhau một tiếng lái xe.
Xin mở một dấu ngoặc ở đây. Anh em chúng tôi có tất cả chín người, sáu trai, ba gái. Người Trung và Nam gọi con lớn nhất là thứ Hai; vì thế chúng tôi có Út Mười. Nhìn qua ngó lại, lũ con trai chúng tôi, nếu không có mấy người dâu hiền, thiệt chẳng được tích sự gì bao nhiêu. Ngoài việc đi học, đi lính xa nhà làm khổ tâm Ba Mẹ tôi không ít. Đến khi tàn cuộc chiến, kẻ gửi xác dưới lòng đất lạnh, người còn sống chạy thục mạng qua Mỹ.
Những năm Ba Mẹ tôi khốn khó ở quê nhà thì đều do một tay cô em thứ Năm quán xuyến; bây giờ qua tới Mỹ, khi Mẹ tuổi già sức yếu thì lại vịn vào cô Út. Chỉ có Út mới lo được cho Mẹ chu đáo mọi mặt dù cô cũng phải lo cho chồng và hai con nhỏ dại. (Cám ơn dượng Út đã hỗ trợ, đã thương yêu Mẹ hết lòng và thông cảm cho hoàn cảnh của các anh chị.) Đôi khi tôi giật mình tự nghĩ, “nếu Mẹ không sanh ra hai đứa con gái thì không biết cuộc đời Ba Mẹ đã đi về đâu”. Nói vậy cũng không thể phủ nhận công lao của chú em thứ Chín. Số phận xếp đặt thiệt là oan trái để chú cứ độc thân và Mẹ vẫn an vui bám sống với Chú.
Sẵn đây, tôi cũng vô cùng cảm tạ Trời Phật đã ban cho đại gia đình chúng tôi một hạnh phúc tuyệt vời. Tất cả dâu-rể-con trai-con gái-cháu chắt đều thương yêu đùm bọc lẫn nhau hết lòng, hết dạ. Sẵn sàng hy sinh thời giờ, tiền bạc, một phần hạnh phúc riêng tư để củng cố sự đoàn kết trong đại gia đình.
Viết mấy dòng này để thay lời cảm tạ các em thương mến của tôi.
________
Qua Mỹ ở tuổi 66, Mẹ rất muốn đi làm nhưng con cái không ai đồng ý, nói Mẹ cực khổ cả đời, bây giờ là lúc Mẹ được nghỉ ngơi, vui chơi với con cháu. Lấy cớ Mẹ không biết tiếng Mỹ nên không thể làm việc gì được. Chúng tôi sưu tầm tài liệu học thi công dân cho Mẹ học, nhất cử lưỡng tiện. Thế là Mẹ miệt mài học tiếng Mỹ dù đó là một khổ nạn cho Mẹ ở tuổi xế chiều.
Chỉ trừ những buồi họp mặt đông đủ cuối tuần sau khi một số đông thành viên của đại gia đình đi Chùa lễ Phật với Mẹ; mỗi ngày, người lớn đều bươn bả đi làm, Mẹ ở nhà với thằng con út của tôi ba tuổi. Bà dẫn cháu đi sinh hoạt ở Hội Cao Niên của người Việt dưới phố Houston, do một cựu giảng sư thời sinh viên của tôi, Giáo sư Đặng Phùng Quân, quản trị. Có một lần bà cháu đi lộn xe buýt, người ta chở tới một nơi xa xăm nào đó, thế mà bà cháu cũng tìm được cách đến được nơi cần đến; khi về nói lại với chúng tôi, tất cả đều sảng hồn và bật cười.
Khi nào ở nhà, Mẹ cũng cố gắng giúp lo một phần cơm nước, thì giờ rảnh thì học bài thi. Học chán thì ra làm vườn. Cái vườn cỏ hoa xanh tốt phía sau nhà không bao lâu đã biến thành vườn trồng rau, đủ thứ rau và rất nhiều cam, quýt, bưởi tây; cỏ đã bị cuốn theo chiều gió. Nhưng cũng nhờ thế, chúng tôi có rau tươi ăn quanh năm và không cần phải cắt cỏ.
Sự quyết tâm học tiếng Mỹ của Mẹ có kết quả đáng ghi nhận khi đi thi quốc tịch. Trong lúc con cái ngồi hồi hộp không biết Mẹ có qua nổi hay không, nhưng khi ra khỏi văn phòng di trú Mẹ cười rất tươi, “Ông Mỹ cho Mẹ đậu rồi!” Không biết Mẹ trả lời làm sao cho những câu hỏi nào trong hàng trăm câu hỏi học tủ, hay là vì thấy Mẹ lớn tuổi mà có sự thông cảm từ người phỏng vấn. Dù gì, tin Mẹ đậu thi quốc tịch ngay lần đầu, tất cả đều vui mừng và nể phục, nhất là những người bạn trang lứa của Mẹ ở Hội Cao Niên dưới phố, trong đó có nhiều người phải thi nhiều lần mới qua ải!
Có một chuyện cần nói về Mẹ tôi. Đó là việc Mẹ ăn trầu. Mẹ nói Mẹ ăn trầu từ thời têm trầu giúp Ngoại ở tuổi 14. Mẹ lén Ngoại ăn thử riết thành ghiền. Rồi một ngày đẹp trời, Ngoại biết được, Mẹ yên trí sẽ bị Ngoại phết roi vào mông nhưng không ngờ Ngoại cho phép ăn trầu từ đó.
__________
Qua bao nhiêu thăng trầm, gian khổ của cuộc đời, việc ăn trầu của Mẹ không lúc nào ngưng nghỉ. Mẹ ghiền trầu. Ghiền đến nỗi khi qua tới Mỹ vẫn mang theo. Va-li của Mẹ toàn những thứ lỉnh kỉnh để ăn trầu, vì có lẽ nghe người ta nói qua Mỹ không tìm được! Mà thực vậy, thời điểm đầu thập niên 1990 rất khó tìm dụng cụ ăn trầu. Tìm được chỗ mua là một kỳ công và rất đắt. Nhưng vấn đề là mấy đứa nhỏ, thấy Nội ăn trầu cái miệng đỏ lòm chúng tưởng Nội chảy máu miệng sợ hoảng.
Khi biết là Nội ăn trầu chúng nó không dám quanh quẩn gần Nội trừ thằng nhóc ba tuổi không biết gì. Chúng tôi tìm nhiều cách đề nghị Mẹ bỏ trầu, nói “người Mỹ họ hiểu lầm thì mệt lắm”! Nghe nói tới mệt nên Mẹ cũng cố bỏ, cố nhiều lần nhưng rồi đâu cũng vào đấy… Có khi Mẹ cố gắng lắm nhưng thấy Mẹ buồn nhớ trầu, mấy em nhỏ lại lén mua trở lại… “Thôi cũng đành cúi xuống cho mệnh đời chóng đi”, nhất là các cháu cũng đã quen dần với cảnh nhai trầu của Nội nên không ai nói gì thêm, để Mẹ vui được ngày nào hay ngày đó.
Mỗi lần Mẹ đi về thăm “mồ mả ông bà” và các em gái của Mẹ, Mẹ lại tìm cách mang cau tươi qua Mỹ. Chợ Việt Nam ở Mỹ chỉ bán toàn cau đông lạnh, Mẹ nói không ngon, năm thì mười hoạ mới có cau tươi mà Mẹ nói “dở òm”. Việc mang cau trầu từ Việt Nam vào Mỹ là cả một vấn đề đối với hải quan. Nhưng vì Mẹ rất thích trầu cau tươi ở Việt Nam nên cứ tìm cách mang về. Thấy vài lần qua trót lọt, lần sau cùng mang cả một buồng cau nhỏ bị hải quan xét thấy phạt tiền. Mẹ làm bộ không nghe, không hiểu họ nói cái gì, Mẹ cứ lên tay xuống ngón xổ tiếng Việt… riết mấy ông hải quan chịu thua đầu hàng, tịch thu buồng cau và không phạt vi cảnh! Thoát! Và đó là lần sau cùng!
Mẹ không thể bỏ được việc ăn trầu cho tới khi bệnh suyễn càng ngày càng nặng, nhiều Bác sĩ khuyên Mẹ bỏ trầu, Mẹ cố gắng lơi dần dần và chỉ bỏ hẳn khoảng bốn năm vừa qua khi chuyện ra vô nhà thương là một phần đời sống của Mẹ.
_________
Bây giờ, dù tuổi cao nhưng Mẹ vẫn còn rất tinh anh, có thể ngồi miệt mài vài tiếng để chép Kinh Phật. Mẹ rất thích loại kinh chuyển ngữ theo thể thơ các loại. Chép xong rồi Mẹ ngân nga đọc như hát thơ theo thể loại cổ xưa để ru con trẻ, khi nào mệt lại nghỉ một lúc rồi tiếp. Mẹ ăn uống không nhiều nhưng rất điều độ, sức khỏe khả quan đối với số tuổi của Mẹ nhưng với một chiếc phổi càng ngày càng teo tóp, lại thêm bịnh suyễn đôi khi đến và đi chẳng hạn kỳ; còn đau nhức khớp xương, mình mẩy thì thường xuyên hơn, nhất là mỗi khi trái gió trở trời.
Vì thế, chuyện ra vào nhà thương đối với Mẹ không có gì mới; đến nỗi các bác sĩ chuyên khoa và y tá đều quen mặt. Được cái là bác sĩ, y tá ai cũng khen “bà Cụ rất dễ thương”. Mẹ luôn cười và nói lời cám ơn mỗi khi được họ săn sóc. Mẹ nói tiếng Anh ăn đong nhưng vẫn cố nói với sự phụ họa tay chân; chỉ khi nào không hài lòng thì xổ toàn tiếng Việt, mạnh ai nấy hiểu.
Lần nào nằm bệnh viện Mẹ tôi cũng lo sợ nhất là thử máu và tìm chỗ để kim cho thuốc và nước biển vào. Mỗi lần về tới nhà là hai bàn tay và cánh tay đen thui luôn, phải tốn một thời gian dài mới phai nhạt dần. Có khi chưa kịp phai nhạt thì đã phải nhập viện khẩn cấp. Điệp khúc đó cứ lặp đi lặp lại trong những năm gần đây. Người lớn tuổi, mấy mạch máu teo tóp khó tìm, người ta phải dùng máy dò mạch mới tìm ra. Nhiều lúc tìm thấy, thọc kim vào lại biến mất! Mỗi lần y tá châm kim, nghe tiếng í á của Mẹ xót ruột vô cùng.
Vào Thứ Bảy, cuối tuần Giáng Sinh, thấy sức khỏe của Mẹ khả quan hơn nhiều; chúng tôi xin bác sĩ cho Mẹ về nhà nhưng cứ bị hẹn đi hẹn lại. Sáng Chủ Nhật, cô em gái Út muốn mượn cớ tổ chức sinh nhật thứ “nửa thế kỷ hơn”… ở nhà cô ấy với lý do chính đáng “có ba đứa cháu (một của tôi và hai của chú Tám) ở xa về sum họp mà chưa được gặp đông đủ mọi người, nên tạo cơ hội để tụ họp vì trưa hôm sau các cháu đã phải bay đi.”
Nhà tôi đồng ý với điều kiện “nếu Mẹ không về thì làm ở nhà cô Út, nếu Mẹ về thì phải ở nhà Mẹ”. Gần trưa Chủ Nhật, chú Chín trong bệnh viện gọi xác nhận là Mẹ sẽ không về. Họ nói bà Cụ hơn trăm tuổi, họ không dám liều lĩnh. Thế là, mấy chị em dâu yên trí chia nhau đi chợ nấu ăn.
Khi lửa củi đang ngon trớn thì chú Chín gọi báo tin bác sĩ đã đồng ý cho Mẹ về! Cả nhà reo vui, các chị em thảo luận với nhau là nên để Mẹ về nhà Mẹ và mọi người phải thu dọn đổi địa điểm. Giống như đại đội hành quân, gần 30 nhân mạng tham gia trong việc chuyển quân.
Mẹ vui thấy đầy nhà con cháu nhưng vẫn phải nằm trong phòng nghỉ thêm. Mấy chị em tiếp tục nấu nướng; lũ anh em họ từ nhỏ tới lớn, con trai con gái chơi games với nhau thuận hòa, cười nói vui vầy một góc; và ở một góc khác, chú em nghệ sĩ thứ Tám của tôi đàn ca vui vẻ, cùng nhau nâng chén, mời chú mời anh.
Khi mọi thứ sẵn sàng, Mẹ ra bàn ăn cùng với con cháu dù ăn rất ít. Nụ cười hiền hậu của Mẹ đem hạnh phúc đến cho mọi người. Chiếc bánh mừng sinh nhật của cô Út nhờ Mẹ thổi, Mẹ phải cố gắng thổi tới mấy lần mới tắt mấy ngọn nến; giữa tiếng reo vui của con cháu, Mẹ cười móm sọm thấy thương. Ngồi giữa lũ con cháu ồn ào chụp mấy kiểu hình xong cùng nâng ly chúc tụng. Thường thì trong những bữa cơm cuối tuần, Mẹ có thể uống hết nửa lon bia hoặc lưng ly rượu vang, nhưng hôm nay không thể. Mẹ ăn qua loa, ngồi rán chơi với con cháu một lúc thì đòi vô phòng nằm nghỉ một lát chờ tới lúc đánh bài.
Theo thông lệ mỗi cuối tuần họp mặt, sau khi cơm nước xong xuôi, mấy anh chị em dâu rể tụ họp đánh bài với Mẹ cho Mẹ vui. Gì chứ việc “điều binh khiển tướng” này dù Mẹ có đang mệt cũng khỏe liền. Mẹ đánh rất giỏi cả cát-tê, xập xám chướng, bài cào, xì-lác; nhất là binh xập xám thì không nhường ai cả, dương thủ đều có sách riêng, rất sáng suốt, cao tay ấn lắm lắm. Mẹ có thể ngồi đánh bài vài tiếng đồng hồ không biết mệt. Chỉ khi nào con cháu ra về hết thì cơn đau nhức mới chờ chực… Thế nhưng, hôm nay coi bộ không xong. Anh em phải bàn ra mãi để Mẹ dưỡng sức vì sợ Mẹ không thể ngồi nỗi như thường khi; chú Tám lại cầm đàn tiếp tục ca hát như đam mê lắm vậy.
Rồi giờ chia tay cũng đến. 10 giờ khuya Chủ Nhật như thường lệ (Còn nếu là Thứ Bảy hoặc vào những dịp lễ nghỉ Thứ Hai, lũ dâu rể còn đi làm được nghỉ việc thì tan hàng một tiếng khuya hơn.) Hơn nữa, lũ con cháu ở xa ngày mai cũng đã phải bay trở lại. Mọi người lưu luyến chia tay, chào Bà chào Mẹ ra về. Và y như rằng, sự mệt mỏi trở lại liền với Mẹ, chị giúp việc phải thức suốt cả đêm để giúp Mẹ với chú em. Ngày hôm sau cô Út gọi điện thoại báo cho mọi người biết Mẹ vẫn cố gắng trong sự yếu đuối, mệt mỏi khác thường… và cứ thế, Mẹ cầm cự cho tới rạng sáng Thứ Ba, cô Út phải cấp tốc đưa Mẹ vào bệnh viện, phòng cấp cứu và rồi bác sĩ giữ Mẹ lại đưa vào khu chăm sóc đặc biệt ICU (Intensive Care Unit).
Mẹ nằm trong ICU được ba hôm, tình trạng nguy kịch đã qua, Bác sĩ cho Mẹ qua phòng bình thường cho tới hôm nay, khi ngồi viết những dòng này, Mẹ vẫn còn nằm trong bệnh viện tuy sức khỏe đã khả quan hơn nhiều. Mặc dù trong nhà thương, Bác sĩ y tá chăm sóc nghiêm minh, thuốc men đầy đủ nhưng lũ chúng tôi cũng phải thay phiên nhau thường trực ở với Mẹ để Mẹ không lo sợ, không cảm thấy cô độc.
Có ở nhà thương mới thấy đó là một nơi không thể bình an được, không thể ngủ nghỉ được dù không phải là bệnh nhân. Mẹ tôi ngoài suyễn, đau nhức còn bị “anh em nhà họ cao” (cao máu, cao mỡ, cao đường) tấn công nữa dù việc ăn uống của Mẹ rất kỹ. Ban ngày cũng như ban đêm, mỗi vài tiếng đồng hồ là có y tá vào thăm, cho uống thuốc, thử máu, thử đường, thử mỡ, cho thở thuốc trị suyễn…
Ngoài ra, còn những âm thanh không vui từ những phòng bên cạnh cho dù cửa phòng nào cũng đóng kín. Âm thanh rên la của bệnh nhân là thường; âm thanh đáng sợ đó là than khóc của con cháu người ra đi. Cũng may, chỉ lâu lâu mới thấy một lần! Tuần vừa qua, tôi đang lim dim ngủ bỗng bật dậy như lò xo khi nghe tiếng gào thất thần của một người con, người cháu nào đó khi thân nhân họ trút hơi thở cuối cùng ở ngay phòng sát vách. Rồi hai ba người khóc nữa; y tá, Bác sĩ hớt hãi ra vào cứu cấp nhưng vô hiệu; rồi khoảng nửa tiếng sau cả hơn chục người chạy tới hò hét, la khóc… rồi thấy ba bốn người an ninh có mặt, rồi họ đưa tất cả ra khỏi phòng… thật là kinh khủng làm tôi thức trắng đêm!
Chiều Thứ Sáu tuần trước, sau khi dạy xong, tôi chạy thẳng lên nhà thương “đổi ca” cho các em. Trên đường đi gọi nói với “my đô thị” search trên internet tìm chỗ làng quê nào đẹp và lạ, trong vòng vài ba tiếng lái xe, sẽ chạy rong chơi một vòng, xả bớt áp lực càng ngày càng đè nặng.
Tôi và nhà tôi đều có sở thích chạy xe lang thang trên các vùng hẻo lánh sau một thời gian dài miệt mài trong sinh hoạt phố xá ồn ào, cảnh đời khua động. Vì thế khi có dịp là xách xe đi, nhất là khi áp lực đời sống quá nặng nề.
Cả đêm thiếu ngủ, trưa Thứ Bảy đổi ca ra về, trời mưa gió mịt mù, tôi vẫn muốn đi nhưng khổ nỗi nhà tôi không thích mưa, không thích tí nào… Thế là tôi ngủ vùi cho tới chiều tối, thức dậy ăn, nhà tôi cho tôi xem mấy chỗ tìm được… Tôi chọn được hai chỗ. Lái xe tới chỗ đầu tiên gần ba tiếng, nối qua chỗ thứ hai phía Tây Bắc Austin 40 phút nữa, rồi quay về Austin thêm một tiếng nữa… Không biết dự định quanh quẩn mỗi chỗ bao lâu nhưng nếu chọn phương cách này có lẽ cần ở lại qua đêm. Tôi gọi chú em bạn thân có nhà ở Austin báo tin sẽ lên ở lại với chú; gọi ông bạn nhà văn “Blue Bonnet cho Hai Người” thì được mời ăn cơm chiều ở nhà anh ấy cùng với chú em bạn. Sắp xếp xong, dạo một vòng thư tín internet rồi đi ngủ với lời hẹn sáng mai sẽ đi sớm!
Dậy 8g sáng, gọi thăm Mẹ và phân công cho các chú em, ăn sáng qua loa với hai bình cà phê lên đường. Nhà tôi không quên gói ghém theo những đồ ăn vặt trên đường như mọi khi. Khi dừng lại đổ đầy bình xăng, nhà tôi giữ phần lái xe, phân công cho tôi ngồi xem bản đồ và nghiên cứu thêm những chỗ tới.
Đi được khoảng 50 dặm, nhà tôi bỗng lên tiếng:
– Anh à, hôm nay là ngày đầu năm, Mẹ đang nằm bệnh viện, còn con trai ở nhà một mình mà mình chạy đi chơi, lại tính đi hai ngày nữa, em thấy sao sao đó, không vui trong lòng!
– Anh vừa ở với Mẹ đêm Thứ Sáu, đã phân công cho các em rồi, mai về anh xuống đổi cho các em, không sao đâu.
– Bắt các em coi Mẹ mà mình làm anh chị lớn lại đi chơi, khó coi quá anh à!
Tôi muốn nổi quạu:
– Mình đã tính như vậy mấy hôm nay rồi mà?
– Tính rồi nhưng đâu nhất thiết phải làm trong hoàn cảnh này; hơn nữa mùa này hoa lá, cây cỏ điêu tàn hết, đâu có gì đẹp mà xem; còn chưa nói ngày Mồng Một đầu năm có thể nhiều nơi không mở cửa nữa!
– Thì đi một vòng chiều về cũng được. Tôi cố vớt vát.
– Nhưng hôm nay con nghỉ, bỏ nó ở nhà một mình không đành. Anh coi, nó làm ban đêm. Khi nó đi em không có ở nhà, khi nó về mình đã ngủ. Lâu rồi em không có nhiều thì giờ với con; hôm nay lại là ngày mồng một nó được nghỉ làm nữa!
– Sao em không nói trước! Tôi khó chịu, lớn tiếng.
– Cũng tính đi với anh một vòng cho vui nhưng bây giờ nghĩ lại thấy không ổn chút nào!
Mặc dù nàng nói đúng nhưng sao tôi quạu quá, tôi lớn tiếng hơn:
– Thôi quay về đi!
– Anh làm gì quạu quá vậy?
– Không quạu sao được?
– Nhưng anh biết em nói đúng mà!
– Thôi về đi! Tôi vùng vằng.
Thế là nàng quay xe về. Tôi không nói gì thêm, trong lòng vẫn bực tức dù biết nàng có lý.
Về tới nhà, đã gần trưa. Thế là tiêu mất nửa ngày đầu năm. Đợi cho thằng con ngủ thêm một chút mới gọi nó dậy lúc 1g chiều để cùng đi ăn trưa rồi đưa nó vào bệnh viện thăm Nội.
Bệnh viện đầu năm nhưng vẫn đông người. Trong phòng Mẹ đã có các em đầy phòng. Nội thấy cháu lớn vào thăm nên mừng và nói nhiều hơn. Thấy Mẹ đỡ hơn nhiều, tôi ra phòng trực hỏi thăm bao giờ Mẹ về được. Y tá cho biết tình trạng sức khoẻ của Mẹ vẫn chưa hồi phục đủ để xuất viện được nhưng chờ hỏi Bác sĩ. Tôi có ý đợi Bác sĩ nhưng đợi đến mấy tiếng sau vẫn không thấy đâu, chúng tôi đành ra về và cắt đặt người ở lại với Mẹ. Khi tôi về tới nhà, các em gọi nói là Bác sĩ chưa cho Mẹ về!
________
Mẹ tôi, bà Mẹ kiên cường, cùng Ba tôi sống qua tất cả các thời từ miền Trung khô cằn sỏi đá, đến vào Nam khẩn hoang lập nghiệp. Bây giờ Ba tôi đã không còn sống với cháu con, Mẹ dắt hai em nhỏ qua tới đất nước tự do ở tuổi xế chiều… nhìn lại cuộc đời Mẹ, tôi rất xúc động lẫn ngưỡng mộ; tự hỏi, không biết mình có thể sống thọ được như Mẹ hay không. Phải công nhận một điều, dù Mẹ ra vào nhà thương thường xuyên nhưng tâm hồn vẫn linh mẫn, đầu óc vẫn sáng suốt, thể chất của một bà Cụ trải qua một đời sống đầy thăng trầm mà còn được như vầy, cũng rất đáng cho nhiều người ngưỡng mộ. Chúng tôi cảm tạ Phật trời đã gìn giữ, bảo bọc cho Mẹ đến ngày nay; chúng tôi cũng cảm tạ cuộc đời đã ban cho chúng tôi một người Mẹ đặc biệt, tuyệt vời như vậy.
Cuối cùng, cũng xin được viết vài hàng để cám ơn vợ tôi. Đối với gia đình, nàng là một người vợ hiền, dâu thảo; một người mẹ, người chị dâu mẫu mực, sống hết lòng với đại gia đình tôi; nhất là tình thương yêu Mẹ tôi dường như không thua kém một đứa con nào của Mẹ. Đối với xã hội, nàng luôn hỗ trợ tất cả việc công ích tôi cố gắng làm, kể cả việc cùng tôi tranh đấu trên văn đàn quốc tế trong những lần tôi được công cử đi tham dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế thường niên. Đối với bạn bè, nàng bao giờ cũng hết lòng, chân tình, hiểu biết, và chia sẻ.
Xin cảm tạ ơn đời đã cho tôi được sinh ra và sống gần bên những tấm lòng đàn bà nhân ái, tuyệt vời.