1/
Tình cờ mở quyển album xem lại những tấm ảnh chụp từ ngày còn bé, khiến hồn tôi vơ vẩn quay về những ngày xa xăm cũ. Bao kỷ niệm nằm ngủ im trong vùng ký ức bỗng choàng tỉnh dậy, rõ từng nét. Cảm xúc lẫn lộn giữa niềm vui và tiếc nuối, ước chi được sống lại thời thơ dại ấy.
Tôi nhìn thấy tôi là một bé con khoảng 8 tuổi, tóc uốn quăn. Hễ tan trường về nhà, ăn cơm xong là bỏ dép chạy chân đất vòng vòng quanh sân trước sân sau, hai bên chái hè, cả nhà bà dì em bà ngoại ở kế cận để khi thì leo tót lên ngọn cây me, cây lý, ổi, xoài… tìm hái trái hoặc chỉ ngồi chơi như con khỉ ở chặng ba của cây ngó nhìn thiên hạ thỉnh thoảng đi ngang nhà, thấy mình giỏi giang cao lớn hẳn.
Tôi nhìn thấy tôi cầm nhánh cây rình đuổi bắt bươm bướm đủ sắc màu bay vờn quanh mấy bụi bông trang, bông mai, bông móng tay… tìm hút mật bông nhành nhành, bông huệ trắng… Vừa lẩm nhẩm hát:
Kìa con bướm vàng
Kìa con bướm vàng
Xoè đôi cánh, xoè đôi cánh
Bươm bướm bay đôi ba vòng
Bươm bướm bay đôi ba vòng
Bên hàng hoa, Bên hàng hoa
Thỉnh thoảng đánh trúng bươm bướm rơi xuống đất, tôi bắt đem ép vào quyển vở, cho giống mấy thiếu nữ mơ mộng mà chị tôi hay kể giữa bạn bè với nhau mà tôi nghe lén được.
Ép được chục con, mấy ngày sau mở ra xem thấy thân hình nó giẹp lép, lòi ruột ghê gớm, phấn ở cánh lem luốc, xác xơ. Nghĩ mình sao ác độc chắc sau chết sẽ bị đày xuống âm ty nên từ đó không còn dám nghĩ chuyện ép bướm vào vở nữa. Nhưng cái trò đuổi bươm bướm chạy quanh sân thì vẫn còn thêm vài năm nữa mới ngưng.
Tôi nhìn thấy tôi lặng ngắm mấy bông mười giờ buổi sáng hãy còn nở rực màu đỏ sen tròn cánh, chưa qua buổi trưa đã co cụm héo rũ. Bần thần xót thương sao đời hoa ngắn ngủi mau tàn.
Tôi nhìn thấy tôi sau bữa cơm chiều, má hay dẫn mấy chị em băng qua con lộ trước nhà đến cánh đồng cỏ cho chúng tôi tha hồ chạy nhảy chơi đùa và hít thở không khí thiên nhiên tinh khiết. Chúng tôi tìm nhặt cỏ gà, là loại cỏ dại giống hình đầu gà, đặt cho hai đầu cỏ đan nhau rồi giật mạnh xem ai giật đứt đầu cỏ của đứa kia thì thắng.
Chúng tôi cắc cớ lùa tay vào từng nhánh cây mắc cỡ mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh gọi là hoa trinh nữ để nhìn chúng e thẹn xếp lá và hoa lẩn trốn.
Hồi nhỏ tôi vốn có những bản chất đối nghịch nhau: Mặc dù rất nhút nhát ít nói, sợ người lạ, nhưng tôi lại khá năng động, nghịch ngợm không thua ai, thích chơi đủ các trò chơi ngoài trời như nhảy dây, nhảy cò cò, trốn tìm, chơi bán hàng, nuôi cá lia thia, đá cầu bằng lá gòn cột chùm lại, tắm sông, bắn bi, chơi cờ nhào, domino… nhất là đi phá phách mấy cây cối, hoa cỏ, là hung thần của đàn bướm…
Có lần chạy xe đạp đầm nhỏ ba má mua cho mấy chị em, tôi vừa chạy vừa tỏ ra ta đây giỏi cứ ngoái lại đằng sau (chả biết nhìn gì nữa), nên tông cái rầm vào đầu chiếc xe Lambretta dùng để chở khách đang đậu ngoài đường của bác Hai hàng xóm. Té nhào! Anh trai con bác lớn hơn tôi vài ba tuổi, đang chơi ngoài sân với vài người bạn, nhìn thấy bèn hù:
-Chết rồi, con Thanh Hà đụng vô xe nhà tao bị móp rồi, tao méc cô dượng (tức là ba má tôi) bắt đền cho mầy chết.
Thời đó, bất luận con trai nói với con gái hễ ai nhỏ hơn là cứ mầy tao mà kêu.
Thật là đồ… bất lịch sự, đồ… hổng biết galant gì cả.
Hăm bị méc, tôi sợ hết hồn vía. Chẳng nói chẳng rằng leo lên xe phóng nhanh về nhà, cũng chỉ cách có ba căn thôi. Cứ hồi hộp chờ “nó” lại mắng vốn, nhưng mà anh ta chỉ chọc chơi thôi chớ không có méc, báo hại mấy ngày tôi ăn ngủ chẳng yên.
2/
Phía trước nhà tôi là con đường liên tỉnh nối liền Rạch Giá-Sài Gòn, phía sau là dòng sông phù sa hiền hoà, là nguồn nước cung cấp cho các gia đình dọc hai bên bờ sông chạy dài… không biết đến đâu nữa (!). Chắc là đến tận Sài Gòn. Hồi nhỏ tôi chỉ biết đến Sài Gòn thôi. Còn Huế thì quá xa xôi, nói gì đến Hà Nội thì cứ mơ hồ như ở một vùng đất nào lạ lẫm sẽ không bao giờ đặt chân tới được.
Miền Nam chỉ có hai mùa mưa nắng. Mùa mưa đến, mọi người hứng nước mưa để uống, nấu thức ăn, tắm rửa giặt giũ. Thời ấy môi trường không bị ô nhiễm bởi mọi thứ độc hại: Khói xăng dầu, bụi bặm, hoá chất. Con người cũng không sống chen chúc chật chội tranh giành diện tích với thiên nhiên, cây cối nên không khí rất trong lành dễ chịu. Nước mưa tinh khiết, nhà ở quê nào cũng sắm rất nhiều lu thật to để hứng dùng trong sinh hoạt, ăn uống.
Lu làm bằng sành nên giữ hơi mát. Giữa trưa trời nắng nóng, ai đi đâu từ ngoài trở về, chỉ cần một ca nước mưa giải khát, nước từ cổ chạy dần xuống cuống họng, vào tới đâu là cảm thấy mát lạnh ngọt lịm đến đấy…
Từ ngã ba chợ về đến nhà tôi độ chừng 800m, phải đi ngang qua khoảng chục nóc gia người gốc Campuchia. Họ rất hiền lành hoà thuận đúng câu tình làng nghĩa xóm với dân bản xứ.
Trong số đó, tôi có chị bạn tên Thị Kim Lên – tên nhà là Chuột – học chung thời tiểu học, tuy cùng lớp nhưng chị lớn hơn tôi ít nhất bốn tuổi. Ba chị làm cảnh sát cho chị đi học để biết chữ. Nhà chị ở tận trong làng sóc xa xôi nên chị ra trọ nhà người bà con xóm tôi để tiện việc đến trường. Lúc ấy tôi còn quá nhỏ nên vô tư không hỏi địa danh quê chị, mà nếu có hỏi tôi cũng chẳng biết nó nằm nơi mô.
Chị rất thương tôi, luôn bênh vực khi có bạn khác ăn hiếp. Mỗi ngày đi học, tôi thường ghé qua rủ chị đi cùng. Nhưng tựu trường năm lớp Nhứt (tức là lớp Năm) thì không thấy chị đi học nữa khiến tôi lẻ loi, buồn nhớ chị nhiều.
Bẵng đi chừng hơn một năm, một hôm chị ghé thăm tôi, có dẫn theo hai đứa em gái nhân dịp ra phố thăm bà con. Dưới con mắt của một đứa bé là tôi, trông chị ra vẻ thiếu nữ hẳn lên rồi. Tóc chị dài thêm, cột đuôi ngựa, cao hơn tôi cả nửa cái đầu, nhất là ở chỗ ngực đã u lên hai cục bự bằng trái quít khiến tôi cứ tò mò nhìn lén. Nghĩ thầm: Trời, sao chị nầy mới hơn một năm không gặp mà giờ đã đổi khác quá nhanh vậy, đâu còn chút gì là chị Chuột gần gũi ngày xưa của mình nữa.
Chị giải thích là ba chị nói học biết chữ nhiêu đủ rồi, là chị cả nên phải ở nhà để lo giúp nội trợ gia đình. Sau lần đó đến giờ đã nửa thế kỷ trôi qua, tôi không bao giờ gặp lại chị lần nào. Chị Kim Lên ơi, giờ chị ở phương trời nao? Chắc đã cháu đàn cháu đống rồi. Sao chị không đến tìm em, vì chị biết nơi gia đình em ở mà.
Tôi có đọc đâu đó, câu người Việt hải ngoại hay nói: Chúng ta ra đi mang theo quê hương cho nên hầu như nhà nào cũng đều trồng trọt rau, cây ăn trái tiêu biểu cho món ăn thuần Việt để đỡ nhớ cố quốc. Thì người Cam-Bốt cũng vậy, nơi nào họ sinh sống là có trồng cây thốt nốt, cây me keo, cây ô môi…
Nên hiển nhiên có một cây thốt nốt được trồng bên vệ đường ở khu người Khmer cư ngụ, không biết từ khi nào mà thân cây đã khá lớn phải hai vòng tay con nít mới ôm trọn, tàng lá xanh phủ rợp bóng mát. Đối diện với cây thốt nốt, bên kia đường là nhà của ông chú Bảy Kinh– ông tên Kinh, nhưng là người Khmer. Là một căn mái lợp lá dừa nước, như hầu hết các ngôi nhà thuở ấy, nằm hơi lùi vào trong, chung quanh trồng nhiều cây che khuất tầm nhìn từ ngoài. Ông nói tiếng Việt không rành, sống kín đáo, tiết kiệm có tiếng.
Tôi hơi nhiều chuyện chút, người trong xóm kể lại rằng: Sau năm 1975, đợt đổi tiền đầu tiên thì mới phát giác ông Bảy rất giàu chứ không như vẻ ngoài đạm bạc. Tiền giấu trong lu hũ, chỗ nầy chỗ kia. Mỗi người chỉ được quyền đổi một ít có giới hạn (không nhớ bao nhiêu, chắc vài chục hay vài trăm chi đó), nên tiền ông dành dụm bỗng biến thành giấy vụn. Ông khóc không thành tiếng, nhưng nhất định thà đem đốt mớ tiền hết giá trị kia chứ không chia cho hàng xóm để đổi phụ vì tiếc của do ông chắt mót. Nếu ông không được hưởng thì cũng đừng hòng ai khác được hưởng.
Hồi ấy xóm tôi vắng hoe, lâu lâu mới có người đi trên đường. Bọn trẻ bắt đầu lớp một cũng cuốc bộ đến trường chứ đâu có cảnh phụ huynh đưa đón như ngày nay.
Mỗi khi chúng tôi đi về ngang cây thốt nốt, cũng là ngang nhà ông chú Bảy Kinh, bất kể sáng trưa chiều, luôn cảm thấy bất an vì cây cối khá rậm rạp âm u, sợ có… ma rình. Rón rén cố đi cho thật mau vượt qua đoạn đường ấy rồi mới vững tâm được. Nhất là khi trời mưa, chiều chạng vạng đi học về, tóc cứ dựng đứng, tưởng tượng nhỡ con ma núp trên tàng cây nhảy xuống hù nhát.
Đã vậy trong cộng đồng hiền lành ấy có một ông thích uống rượu, say sưa cả ngày tên Tư Buôl. Khi say ông thường đi từ đầu làng đến cuối làng, mặc độc cái quần cộc ngả màu cháo lòng, chân nam đá chân chiêu, tay cầm chai rượu quơ quơ, miệng nói năng nhừa nhựa khiến bọn con nít sợ mất hồn vía, chạy núp vào kẹt cửa hay sau bồ lúa để trốn.
Nên ông bà cha mẹ thường doạ nếu đứa nào hư sẽ đem lại cho ông Tư Buôl bắt nhậu rượu. Ông ấy là nỗi kinh hoàng của đám trẻ chúng tôi. Mỗi lần đi học về mà lỡ thấy ông từ xa, là tôi mặt mày xanh lét chạy ngược lại ngã ba nơi có đông người, chờ cho ông đi khuất mới dám về nhà.
Về sau, tôi không nhớ ông mất năm nào, chỉ nghe nói là bịnh gan. Gia đình ông chú Bảy Kinh không biết dời đi đâu. Cây thốt nốt cũng cho đi hoá kiếp từ lâu rồi.
3/
Thuở ấy, cuộc sống xóm tôi rất lặng lẽ thanh bình. Lưu thông trên sông đa số là những chiếc xuồng ba lá chở trái cây rau cải bán dọc bờ. Hoặc của người chài giăng lưới bắt vài con cá nho nhỏ lòng tong, cá chốt, cá lìm kìm, cá bóng kèo, cá he, cá linh… cũng đủ một bữa ăn gia đình. Thỉnh thoảng mới có vài chiếc “vỏ dọt” chạy bằng động cơ hai thì nổ ròn tan lướt nhanh qua làm xáo động chút không gian tĩnh mịch, rồi từ từ xa dần trả lại sự yên ả cho vùng quê Rạch Sỏi.
Mỗi năm có thời kỳ mùa nước nổi -còn gọi là mùa lũ sông Cửu Long- từ tháng Tám đến tháng Mười Một Dương lịch, nước tràn vào sân sau kéo dài vài tuần lễ. Lúc đó nước chảy xiết, những khóm lục bình cùng rác rến, xác thú vật… hè nhau kết bè xâm lấn mặt sông, nhìn giống như mụ đàn bà lên cơn hung dữ, nanh nọc, xấu xí vô cùng. Thì ra không phải lúc nào nhánh sông sau nhà tôi cũng phẳng lặng như nàng thiếu nữ hiền hoà, thuỳ mị.
Một hôm có đứa trẻ ở lứa tuổi chúng tôi tắm sông rồi bị nước cuốn trôi chết đuối. Má sợ nên không cho phép chị em tôi xuống nước tập bơi lội, dù dưới bến, ngoại có đặt nhiều tảng đá to để khi nước ròng thì người lớn xuống ngồi giặt quần áo, rửa rau khoai, cá thịt. Má bắt phải ngồi trên cái cầu lót ván cất de ra ngoài sông, diện tích khoảng sáu mét vuông. Một góc quây lại thành nhà tắm kín đáo cho người lớn, còn tụi trẻ cứ tha hồ ngồi tắm lộ thiên chả sợ phạm thuần phong mỹ tục gì. Dùng cái thùng plastic mười lít cắt làm hai đóng thanh gỗ ngang, cột dây để thòng xuống sông múc nước lên tắm gội.
Mỗi ngày khoảng bốn giờ chiều là má kêu chị Ba, tôi, em Năm, em Sáu đi tắm. Trời chiều ngã bóng về Tây, gió hiu hiu thổi đung đưa mấy tàu lá dừa cạnh bến, mặt nước dâng cao hai bên bờ, sạch trong mát rượi. Làm sao mà lũ trẻ chúng tôi không háo hức chỉ muốn hoà vào làn nước ngọt ngụp lặn vùng vẫy thoả thích cho được. Hồi đó chị Hai được coi như người lớn rồi, dù chỉ mới có 13, 14 tuổi gì thôi, nên chị không được quyền tắm ngoài trời thênh thang gió lộng nữa.
Má ngồi trên nhà nơi có đặt bàn máy may nhìn ra cửa sau, từ nơi đó, má có thể vừa ngó xuống cầu trông chừng bốn chị em tôi vừa may quần áo cho người lối xóm kiếm thêm thu nhập phụ với ngoại và ba nuôi chúng tôi.
Mấy chị em tôi tuy ngoan ngoãn nhưng đôi khi sức cám dỗ của dòng sông quá mãnh liệt nên chúng tôi dám vượt qua nỗi sợ bị phạt bằng cách nghĩ ra mưu kế để lừa má! Là một đứa ngồi trên cầu, miễn vị trí sao cho má từ trên nhà nhìn xuống là thấy, còn ba đứa kia thì nhào xuống sông lặn ngụp. Lần lượt đứa này thay phiên đứa kia lên cầu, cũng giả bộ múc nước tắm kỳ cọ để đứa khác nhảy xuống. Cứ vậy, xoay vòng từng đứa, đến khi má thấy tắm đủ lâu kêu lên mặc quần áo thì mới chịu lên mặc quần áo. Ngày nào cũng lập lại y như ngày đó.
Cho đến một ngày, tôi bị đỉa đeo vào người thì việc lừa gạt này mới chấm dứt.
Bữa đó, khi tới phiên tôi phải leo lên ngồi canh má trên cầu thì chị Ba kịp phát giác, kêu lên:
-A, Thanh Hà bị đỉa đeo ở chân kìa.
Chưa thấy, chỉ mới nghe tiếng đỉa đeo là tôi đã sợ điếng hồn nhảy tót lên bờ ngồi, vừa giẫy hai chân đành đạch vừa thét la inh ỏi to, đến nhà hàng xóm cũng đổ xô ra coi có chuyện gì. Má bỏ cái áo đang may chạy vội xuống cứu nguy. Người ta nói: “dai như đỉa” quả không sai, má nắm đầu này thì nó móc vào đầu kia, phải mất lúc lâu mới giật nó ra khỏi chân tôi được.
Eo ơi, nhắc đến mà còn nổi gai ốc cùng mình. Thế là chuyện lén má xuống tắm sông bị đổ bể. Bốn chị em phải khoanh tay xin lỗi má và hứa từ nay về sau không tái phạm nữa.
Vì vậy mà chị em tôi không ai biết bơi lội dù nhà ở sát mé sông. Chỉ khi sang đây, tôi mới được chồng dạy khi đi tắm thermale cùng nhau. Như cá từ lâu thiếu nước, tôi chỉ tập vài lần là bơi được. Lúc đầu vài sải, dần dần mỗi ngày mỗi tiến bộ, nhiều hơn, nhanh hơn. Bao nhiêu năm nay, tôi đi piscine đều đặn cách hai ngày một lần, và mùa hè thì ra biển vẫy vùng cùng ngọn sóng đại dương.
4/
Nhắc việc tắm sông, tôi nhớ một câu chuyện vô cùng xúc động và thương tâm về sự trung thành của chú chó Bernard của chúng tôi. Nhà tôi có nuôi một con chó Đức giống Saint Bernard, được miêu tả là rất thông minh, can đảm, mạnh mẽ, trung thành, tin tưởng, vâng lời, trực giác bén nhạy trước nguy hiểm.
Hiện nay ở Thuỵ Sĩ, các vị linh mục sống trên vùng núi cao Grand Saint-Bernard vẫn còn nuôi giống chó này để canh giữ bảo vệ họ, và cứu hộ nếu chẳng may có người leo núi gặp nạn do tuyết lở.
Như tôi nói, hồi ấy xóm tôi vắng hoe, ngoài đường ít người qua lại. Nhà bà dì Tư (em ruột bà ngoại) kế cận nhà chúng tôi. Bà có ba người con gái, hai dì lớn đã lấy chồng, còn dì út năm ấy 17 tuổi nhưng tánh còn ngây thơ khờ dại đến độ mỗi lần tắm, dì cứ tự nhiên cởi phăng hết quần áo nhảy xuống sông, xong cứ trong dáng hình Eva như vậy mà nghênh ngang đi vòng qua sân nhà tôi để về nhà dì. Ông ngoại tôi đang nằm võng trước hiên thấy, mắng:
-Trời, cái con Bé này, sao mầy lớn tồng ngồng cái đầu mà còn tắm trần truồng đi ngời ngời hổng biết mắc cỡ gì hết vậy hả con quỉ. Người ngoài nhìn vào còn thể thống gì nữa chứ. Thiệt hết biết luôn.
Sau lần đó thì dì mặc nguyên quần áo xuống sông tắm gội chứ không còn diễn show khoả thân nữa.
Trở lại chuyện chú chó Bernard yêu quí của chúng tôi. Nó là con trai mà ba tôi đã làm cho nó không còn khả năng của đấng nam nhi nữa. Bernard rất thân với chị em tôi, suốt ngày cứ quấn quýt đùa giỡn. Chúng tôi đè đầu cưỡi cổ mà nó vẫn vui vẻ để chúng tôi thích làm gì thì làm, giống như một người chú nhân từ với bầy cháu lí lắc (tính theo tuổi thọ của chó, nếu năm năm thì tương đương với người 40 tuổi). Nhưng nếu người ngoài mà có ý định chọc ghẹo hay giả bộ đánh chúng tôi thì chú ta sủa vang, sấn sổ chồm lên như muốn nuốt sống họ vậy.
Một chiều nọ, dì Út rủ chị em tôi xuống tắm. Ngoại lệ, chị Hai cũng tham gia. Có dì Út nên chị Hai thử ra hơi xa bờ. Chẳng may bị hụt chân, chị không biết bơi nên ôm chặt cổ dì Út khiến cả hai cùng chìm đầu xuống nước. Bernard đứng trên bờ canh chừng tự nãy giờ, tưởng là dì Út hành hung chị Hai, bèn nhảy ngay xuống nước, nhắm vào dì Út cắn tơi bời.
Cả dì Út lẫn chị Hai càng chìm sâu thêm. May bà ngoại xuất hiện kịp thời, bơi ra kéo hai người lên bờ. Vào bờ rồi, dì Út, chị Hai bị uống nước ho sặc sụa. Lúc đó Bernard vẫn còn tức giận, cứ sủa như quát vào mặt dì Út, đến chừng bà ngoại quay sang cắt nghĩa với nó thì chú chàng mới chịu im. Có lẽ nó không hiểu từng lời, nhưng qua cách nói chuyện cùng cử chỉ nhẹ nhàng của ngoại, nó hiểu rằng dì Út không có ý làm hại chị Hai.
Tưởng rằng Bernard sẽ làm bạn với chúng tôi mãi mãi, ai ngờ một hôm chị em chúng tôi đi học về, không thấy chú ra chào đón như thường lệ. Hỏi thì ngoại nói chú Năm, em của ba ở Tà Niên, thấy chú khôn ngoan nên mượn về để giữ lúa một thời gian. Mẹ tôi nể nên đành để chú Năm đem đi. Chị em tôi buồn vô tả, trách sao chú Năm nỡ bắt Bernard của chúng tôi vậy.
Nhưng đến chiều thì ô kìa! Bernard xuất hiện trước ngưỡng cửa, mừng sao kể xiết. Thì ra chú Năm cột Bernard bằng dây nối vào xe đạp chạy theo sau chú, nhưng đến nhà chú cách 5 km, vừa mở dây ra là chàng phóng một mạch theo con đường vừa đi qua để trở về với chúng tôi.
Tưởng rằng – lại tưởng rằng – thế là từ nay Bernard được yên thân, ai ngờ – lại ai ngờ – chú Năm tôi quyết bắt cho được chó thân yêu của chúng tôi. Lần sau, chú đem ghe bầu chở lúa đến, lúc chúng tôi cũng đang ở trường.
Đinh ninh Bernard cũng sẽ tìm được đường về như lần trước, nhưng chiều lại đêm, ngày qua ngày, Bernard vẫn biệt tăm. Bernard ơi, sao chú không về với chị em tôi nữa? Bẵng vài tuần sau, chú Năm ghé qua, kể rằng khi bỏ Bernard vào ghe, cột lại sợ chú lại thoát như lần trước. Lúc về đến nhà chú Năm mở dây đem Bernard lên bờ thì chú nhảy luôn xuống sông bơi ngược lại đoạn đường vừa đi qua. Chú Năm chèo xuồng theo để bắt nhưng không đuổi kịp. Bơi một lúc thì Bernard đuối sức rồi chìm luôn xuống nước, chết oan uổng, tức tưởi, thương tâm.
Cái kết cuộc quá bi thảm cho một chú chó trung thành, thông minh, dũng cảm. Thà chết chứ không sống hai chủ, hai lòng.
Viết đến đây, tôi thấy mắt mình đỏ lên rồi.
Từ đó chị em tôi không thích nuôi chó nữa. Bernard đã chiếm một chỗ trang trọng trong trái tim chúng tôi nên chẳng còn chú chó nào có thể thay thế được.
5/
Đây chỉ là một mảng nhỏ trong bức tranh vẽ về thời thơ ấu đầy ắp những sắc màu sinh động, vui nhiều buồn ít của tôi. Tuy cuộc sống thanh đạm, giản dị nhưng tràn ngập tình thương yêu từ ông bà ngoại, ba má dành cho đàn con cháu, sự gắn bó đoàn kết giữa các chị em chúng tôi đến tận bây giờ. Đó chính là gia tài vô giá mang lại hạnh phúc cho con người chứ không phải tiền tài hay danh vọng tạo nên.
Ngoài ra tôi còn có chị bạn Chuột, chị Kim Lên chân thật, chú chó Bernard hết dạ trung thành mà không phải ai cũng may mắn có được trong đời. Chị Chuột ơi, em thường xuyên nghĩ đến chị, chị biết không? Con vật mà em sợ hãi nhất trong đời là chuột, nhưng em muốn gọi chị bằng cái tên mộc mạc nầy chứ không phải Kim Lên để chị thấy tình cảm em đối với chị mạnh mẽ cho em vượt qua nỗi sợ đó.
Hy vọng với thần giao cách cảm, chị nghe bằng trái tim tiếng gọi thầm nhưng mãnh liệt của em rồi đi tìm em như bao câu chuyện thần tiên thường đọc trong sách vở chăng? Và sau cùng, với tất cả sự trìu mến, tiếc thương, tôi dành cho Bernard – chú chó trung thành can đảm đến mất cả sinh mạng vì chúng tôi. Bernard ơi!…