Mùi cơm mới

Minh họa: Unsplash

Tôi không có ấn tượng gì nhiều lắm về Tết Đoan Ngọ, chỉ nhớ rõ nhất là hai món vịt và chè đậu đen gần như không thể thiếu trong ngày mồng 5 tháng Năm.

Nhưng cũng đúng vào thời điểm này, lòng luôn thức một hương vị đặc biệt: Mùi cơm mới.

Lễ cúng cơm mới thì thấy có ở nhiều nơi, đặc biệt là miền núi. Quê tôi không có “lễ”. Không rõ xa xưa thì thế nào, nhưng đến thời chúng tôi thì đơn sơ lắm. Chỉ nấu cơm, bới một bát đầu tiên, đặt lên bàn thờ, và đốt nhang. Dường như không làm thêm nghi lễ gì nữa.

Tháng Năm, ngày mùa, khi lúa trên đồng đã chín, mẹ đi gặt về giữa cái nắng chói chang. Lúa được trục hoặc đập, hoặc vò bằng chân cho rụng hết, rồi phơi. Lúc tôi còn bé tẹo thì thấy người lớn giã gạo, sau này mới có máy xát chạy bằng dầu. Giã gạo, lúa được bỏ vào cối, người đứng trên chày ráng sức nhún, giã thật lâu cho đến khi trấu bong ra hết, rồi sàng, sảy. Cám, tấm, gạo được phân loại. Những hạt gạo tròn béo ngậy, được mang đi thổi cơm.

Mùi thơm đã bốc lên từ khi cơm sôi, rồi nồng nàn lúc cơm chín. Mẹ cẩn thận bới ra một bát thật đầy, đơm cẩn thận, đặt lên bàn thờ. Mùi cơm mới quyện với mùi nhang và cái không khí ngày mùa của thóc vàng, rơm vàng làm thành cả một tiết trời đọng mãi trong trí nhớ tuổi thơ.

Giã gạo, lúa được bỏ vào cối, người đứng trên chày ráng sức nhún, giã thật lâu cho đến khi trấu bong ra hết, rồi sàng, sảy. (Minh họa: Trần Anh Tuấn/Unsplash)

Cơm mới, cái mùi hương ấy đã mấy chục năm đằng đẵng trôi qua giữa bao bề bộn nổi chìm nhưng đến hôm nay như còn lẩn quất chưa tan. Quê nghèo, không có đồ ăn gì đáng kể, và cũng không thèm thuồng gì nữa những thức ấy trước nồi cơm mới nấu bằng lửa rơm. Nhớ, cái bùi bùi, ngọt lịm và hương thơm thuần khiết của lúa gạo mưa nắng quê nhà đến nay còn như đọng trong miệng.

Cơm mới, đó là những bữa ăn ngon nhất trong cuộc đời còn nhớ mãi. Ngày nay cơm trắng, đồ ăn thì chẳng còn thiếu thốn thức gì nữa, nhưng không sao tìm lại được hương vị của những thủa xưa rơm rạ ấy nữa.

Lúa bây giờ được máy xát công nghiệp chà trắng tinh, hạt gạo to và trong suốt, nhưng nhạt nhẽo. Lớp cám nâu vàng không còn nữa, vị bùi cũng mất theo, và vị ngọt đằm sâu cũng không còn. Tôi nhớ cái mùi của ngày xưa ấy, có lẽ đó còn là cái hương vị của nghèo đói nhưng nguyên sơ tinh khiết. Khi con người đủ đầy quá, sự hưởng thụ cũng thành nhọc nhằn chăng…

Không nhớ rõ đã từ bao giờ mẹ không còn cúng cơm mới nữa. Xưa, có lẽ vì năng suất lúa thấp, quanh năm đói kém nên hạt thóc thành hạt vàng. Mùa màng đến, người nông dân mang lúa về nhà như mang một báu vật vô giá mà trời đất vời vợi đã ban cho. Lòng biết ơn, sự trân quý vô ngần hòa vào cuộc mưu sinh cơ cực đã khiến lòng người thuần hậu, rưng rưng. Cái Thiêng cũng ra đời từ đó.

Cái Thiêng, đúng rồi, cái thiêng liêng cũng dần biến mất. Sự kỳ diệu của đất trời bao la, linh hồn bí ẩn của mùa màng rưng rức, và sự sống nhiệm màu trong dáng hình của hạt thóc cũng dần phôi pha. Chúng ta lướt qua, lướt qua tất cả và không kịp đứng lại để nhìn một hạt thóc im lìm đang nằm ngó trời xanh.

Những trầm tích văn hóa đã lắng đọng nơi nào để hôm nay tìm lại không còn thấy vị trà xanh nhuần thấm, không còn thấy mùi gạo thơm và hương cơm ngọt. Người nông dân xưa suốt đời cúi mặt, họ chẳng biết gì đến những thứ cao siêu nhưng dường như đã có những lúc họ sống rất Thiền. Thiền trong chén nước, Thiền trong bát cơm, vị Thiền thấm đẫm trong miệng khi mùa đến.

Cái cuộc sống nhọc nhằn nhưng thẳm sâu ấy đang dần mất đi. Ngày mùa đã mất đi, chỉ còn lúc thu hoạch. Vui một nửa, cái nửa của gian khó lùi xa; buồn một nửa, cái nửa của vội vàng cuống quýt…

-Áo xưa dù nhàu

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: