Nắng chiều trên Đồi Hồng

(Hình minh họa: Naoki Suzuki/Unsplash)

Khi tôi khoảng cỡ bảy tuổi, tôi nhận ra bác dâu tôi khác hẳn với những người bà con trong họ hàng. Bác là vợ của bác trai tôi. Chúng tôi gọi ông là bác Tư trai còn bà là bác Tư gái.  Giọng nói của bác Tư gái nhẹ và phát âm đúng tiêu chuẩn tiếng Việt chứ không chát giống như chúng tôi, dân Tam Kỳ, mà cũng không cứng giống như giọng của dân Tây Lộc, quê nội của chúng tôi.

Chỉ nhận ra sự khác biệt thôi, nhưng tôi không hỏi người lớn tại sao, bởi lúc đó có quá nhiều điều làm tôi ngạc nhiên và sợ hãi.  Đó là những ngày cực khổ sau năm 75 khi những người đàn ông trong họ hàng nhà tôi đều bị giam trong tù cộng sản. Nhà nào cũng chỉ có người già, đàn bà, và con nít. Phái nam lớn nhất là các anh họ của tôi cũng chỉ là đang độ tuổi trung học. Nhà bác và nhà tôi sát nhau, chung tường chung mái ngói. Bởi vậy nhà này nói gì nhà kia cũng nghe hết.

Một sáng khi thức giấc chị em chúng tôi thấy nhà bác có một bà nói giọng Bắc và rất giống bác. Rồi chúng tôi biết được đó là cô em gái của bác ở ngoài Thanh Hoá vào thăm. Vậy là tôi biết bác dâu tôi gốc gác xứ Bắc nên không có giọng nói cứng chát như dân Quảng Nam chúng tôi. Sau năm 75, bác trai tôi bị giam tận ngoài Bắc, mới đầu ở Lạng Sơn rồi sau đó vì chiến tranh Việt – Trung nên bị chuyển về Thanh Hóa, ở tù tổng cộng 13 năm. Bác gái tôi một mình nuôi bốn cậu con trai và một cô gái. Ba cậu con trai lớn đang độ tuổi ăn ngủ nên ăn ngả nhà. Đúng vậy! Cũng như nhiều người trong thời đó, bác bán hết của cải trong nhà để mua thức ăn hằng ngày. Rồi bác bán đồ ăn vì bác nấu ăn ngon.  Tôi nhớ bác bán bánh xèo cũng ngon lắm nhưng không được bao lâu, bởi thời bấy giờ không ai dám đi ăn tiệm vì sợ đánh tư bản.

Rồi sau đó bác làm bánh bột lọc đem bán dưới phố đường Phan Chu Trinh. Tôi nhớ có lần ngồi bắt bánh bột lọc với các anh chị con của bác, bác nói: “Tau đi bán bánh dưới phố, nghe mấy ông cán bộ la con. ‘Tụi bây ráng học chớ không thì con của đám Quốc Dân Đảng lấy hết chữ.’ Ba bây đi tù nhưng họ sợ mình đó con nghe.” Bác chỉ nói đơn giản vậy thôi nhưng tôi nhận ra rằng tôi phải ráng học để được đổi đời. Xin nói thêm là trước năm 75, bác trai tôi là Quốc Dân Đảng cấp lớn, và các người con của bác học giỏi có tiếng ở Tam Kỳ.

Sau đó bác bán xôi bắp và cháo thịt bò. Xôi cháo của bác ngon nên bác không phải gánh đi bán nữa. Mỗi ngày bác thức dậy lúc 3 giờ sáng bung bắp, hấp xôi, và nấu cháo thịt bò để bán trước nhà. Quán của bác nổi tiếng nên nhiều người gần đó cũng bắt chước làm theo, nhưng không đông khách bằng gánh xôi cháo của bác. Tôi nhớ mỗi sáng mẹ cho chị em tôi một ít tiền và bảo qua bác mua một gói bắp bung ăn sáng khi mẹ đi buôn bán chợ xa. Dĩa bắp bung có rắc một muỗng muối mè ăn ngon đến hột bắp cuối cùng. Tôi cũng ước gì mình có tiền để ăn một dĩa xôi bắp của bác. Dĩa xôi bắp có đậu xanh, dừa nạo, hành phi, và rắc muối mè phía trên trông thật hấp dẫn và sang. Có lẽ bác nhìn thấy ước muốn trong mắt tôi, nên có lúc bác cho tôi thêm một miếng xôi. Tuy không được một diã, nhưng tôi cũng mãn nguyện lắm.

Có lần tôi giúp bác bán hàng, bác cho tôi một tô cháo thịt bò.  Chao ơi! Sao mà nó ngon đến vậy! Thịt bò băm nhuyễn, cháo nấu nhừ, điểm thêm lá hành xanh, một ít tiêu thơm nhẹ, nêm nếm vừa ăn. Tôi húp từng muỗng cháo nóng ngon không tưởng được. Bác bán xôi cháo nhưng hình như không dám ăn vì muốn kiếm thêm tiền mỗi ngày để nuôi sáu miệng ăn. Tôi nhớ hình ảnh bác vét những muỗng xôi dưới đáy nồi và nhai chậm rãi trước khi dọn dẹp quán. Hồi đó tôi vẫn còn nhỏ nhưng đã biết xót xa cho bác lắm!

Bác rất tự hào khi làm vợ bác trai tôi. Bác kể: “Hồi đó nhiều người ngấm nghé tau lắm chớ. Nhưng mà tau thương bác mi vì ổng viết cho tau một thùng thư. Hồi ổng xin cưới, bà Cường bắt ổng hứa là không được bắt tau làm ruộng đồng ở nhà quê. Ổng giữ lời hứa đó.” Bác trai tôi trước năm 75 làm lớn nên nhà lúc nào cũng có khách. Bác gái kể: “Bác trai mi làm lớn nhưng rất liêm khiết, không hề ăn hối lộ. Kinh tế gia đình phần lớn là do tau buôn bán. Đã vậy cứ phải lo cơm nước cho khách hoài. Khi ổng đi tù về, tin Chúa, thôi làm chính trị. Nhà cũng lại đông khách vì những người tin Chúa trên quê và trong hội thánh đến thăm rất nhiều. May mà có mấy anh gởi tiền về chớ không thì cũng không biết làm răng lo cho xuể.”

Bác gái tôi hy sinh cho chồng con rất nhiều. Khi bác tôi làm thủ tục đi Mỹ theo diện HO, người ta nói sẽ lấy nhà nếu hai vợ chồng cùng đi. Bác gái thương anh con thứ năm đã có vợ không đi theo được, phải ở lại mà không có nhà để ở, nên chọn ở lại Tam Kỳ để giữ nhà cho con. Bác trai tôi sang Mỹ một năm thì về với Chúa. Bác gái kể rằng bác rất đau lòng khi hay tin vì không bao giờ gặp lại chồng trên đất này. Nhưng niềm tin đã cho bác sức mạnh. Bác nói: “Hồi bác mi chết, rất nhiều mục sư đến thăm. Họ nói bác mi không phải mục sư nhưng đem được rất nhiều người đến với Chúa. Bác mi được phần thưởng lớn trên Thiên Đàng. Chúa ban phước cho bác mi vì sáng nào ông cũng dậy sớm cầu nguyện cho con, cháu và họ hàng tin Chúa…” Bác gái tiếp tục sự nghiệp cầu nguyện của bác trai. Mỗi sáng bác cầu nguyện cho các con, dâu, và cháu nội, rồi bà con bên chồng, họ hàng của bác ở ngoài Bắc.

Có lần mẹ tôi lúc đó ở Redlands phải đi soi ruột vào sáng sớm ở UCI nên xuống ở nhà bác đêm trước đó. Năm giờ sáng mẹ con tôi sẵn sàng để đi đến bệnh viện, bác nói: “Để tui cầu nguyện cho thím trước khi đi.” Mẹ con tôi cúi đầu đón nhận lời cầu nguyện của bác. “Chúa ơi! Xin Ngài ở cùng em con trong buổi soi ruột sáng hôm nay…” Trong cách cầu nguyện của bác, tôi nghe như bác đang cầu nguyện cho người em ruột chứ không phải là một chị em bạn dâu. Tôi thấy sống mũi mình cay cay.

Tôi phải xác nhận rằng bác có công trong việc cầu nguyện cho tôi lấy chồng. Lúc còn độc thân, một lần tôi qua thăm bác, bác nói. “Có mấy người nói với tau là mi đi học hoài, chắc ế chồng quá. Tau nói lại với họ, ‘Sức mấy mà ế. Con gái họ Phan nhà ni không bao giờ ế chồng!’” Rồi bác hạ giọng, “Nói với họ rứa thôi, chớ lo kiếm chồng nghe con. Tau cầu nguyện cho mi mỗi ngày.” Nhờ bác cầu nguyện, mấy năm sau tôi có chồng.

Sau đám hỏi của tôi, bác kêu tôi lại nói, “Răng mi lấy ông chồng không biết tiếng Việt? Làm răng tau nói chuyện với hắn?”  Những năm đầu mới cưới, vợ chồng chúng tôi vẫn đi chung nhà thờ với bác nhưng dự lễ trong phần tiếng Anh. Tôi vẫn gặp bác mỗi tuần sau khi tan lễ. Một hôm trên đường đi nhà thờ về, tôi báo tin cho chồng, “Tuần tới anh Tư con của bác ở Canada qua thăm bác!” Chồng tôi đáp, “Biết rồi!” Tôi hỏi, “Ai nói mà anh biết?” Chồng tôi trả lời, “Bác Tư!” Tôi ngạc nhiên, “Bác đâu biết nói tiếng Mỹ? Bộ anh biết tiếng Việt à?” Anh cười, “Bác nói chuyện với anh mỗi Chúa nhật ở nhà thờ!” Thật là tình yêu thương xoá hết rào cản ngôn ngữ! Cảm ơn bác đã cầu nguyện cho con có chồng, có con để bây giờ mỗi lần đến thăm bác, các cô y tá đều biết rằng con được bác cầu nguyện để được yên bề gia thất. Cảm ơn bác rất nhiều!

* * *

Tôi viết những dòng bên trên cho bác tôi đọc khi biết bác tôi bị ung thư bao tử vào giai đoạn cuối. Bác không muốn chữa trị.  Trong một lần đến thăm, bác bảo tôi rằng, “Tau sẵn sàng về với Chúa rồi. Hễ Chúa kêu là tau đưa hai tay lên cho Ngài nhấc lên.” Bác vừa nói vừa đưa hai tay lên cao và miệng cười rất tươi. Tôi đùa, “Vậy là bác muốn về với Chúa để gặp bác trai hả?” Bác cười, gật đầu nói, “Ừ! Mi nhớ cầu nguyện cho bác được về với Chúa trong giấc ngủ. Bác sẵn sàng đi bất cứ lúc nào. Con cái đều yên bề gia thất. Bác thấy được mấy đứa cháu cố nữa.  Vậy là quá mãn nguyện rồi. Chỉ xin Chúa cho đi nhẹ nhàng không đau đớn.” Tôi cầu nguyện với bác rồi ra về.

Khi anh con trai của bác từ Canada sang ở với bác một tháng trong những ngày cuối cùng của bác, tôi gởi hai trang đầu của bài này để anh đọc cho bác nghe những kỷ niệm của tôi với bác.  Tôi muốn bác nghe trước khi ra đi. Anh họ tôi đọc cho bác nghe xong, email lại cho tôi, “… Anh đọc cho Má nghe, nhớ lại chuyện cũ, không cầm được nước mắt…” Nghe vậy, tôi cũng hơi ngại vì sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bác. Nhưng khi tôi đến thăm, bác rất vui vì tôi kể những kỷ niệm cực khổ hồi xưa.  Bác kể thêm chuyện bác di cư vào Nam cũng rất là ly kỳ.

Bác sinh ra ở Thanh Hóa. Lúc mới sinh, bác thân thể ốm yếu, rất khó nuôi, cha của bác sợ bác “chết yểu,” nên gửi bà cho một người bà con nuôi. Nhà người bà con này kế bên nhà ông quan bố chánh và bác hay sang chơi với những người con của ông quan. Năm bác 12 tuổi, ông quan bố chánh đổi về miền Trung.  Bà vợ ông quan hỏi bác có muốn đi Huế chơi với gia đình ông bà không. Bác còn nhỏ, chẳng biết Huế là nơi nào nên đồng ý đi với gia đình ông bà và nghĩ là sau một thời gian ngắn sẽ về lại với ba mẹ mình ở Thanh Hóa.

Sau biến cố 1945, bác tôi đã tìm mọi cách để liên lạc và trở về với cha mẹ mình nhưng vì hoàn cảnh đất nước lúc đó nên đã không liên lạc được. Cuối cùng, bác tôi đành phải ở lại miền Nam và chấp nhận làm con nuôi cho ông bà quan bố chánh.  Dưới thời Việt Minh, cha nuôi của bác không còn được làm quan ngoài Huế nữa nên phải vào sinh sống tại Hội An, Quảng Nam. Là con lớn nhất trong gia đình nên bác tôi phải lo buôn bán để phụ giúp gia đình cha mẹ nuôi. Vì điều đó nên nhiều người Việt Minh thời bấy giờ xúi giục bác tôi đấu tố cha mẹ nuôi của mình nhưng bác tôi trả lời “Cơm mô sống, giống mô nên; nhờ có cha mẹ nuôi, tôi mới được khôn lớn đến bây giờ, sao tôi lại đi đấu tố họ?” Bác đi buôn bán tận trên quê tôi thành ra gặp bác trai tôi. Sau đó ông nội tôi dắt bác trai ra nhà cha mẹ nuôi của bác ở Hội An để làm lễ cưới cho hai bác.

Bác tôi  không có liên lạc nào với gia đình của mình ở ngoài Bắc cho đến sau 1975. Lúc đó khoảng năm 78, gia đình bác cũng xuống cấp dữ lắm rồi, đồ đạc trong nhà bán gần hết. Kể cả cái cửa sắt xếp cũng tháo ra bán và khung cửa được đóng lấp lại bằng những mảnh ván lấy ra từ nhà bếp. Một tối các con của bác thấy có một người đàn bà cứ đi qua đi lại nhà bác dừng lại nhìn vào cửa rồi tiếp tục đi tới đi lui. Anh lớn ra hỏi người đàn bà ấy thì thấy bà giống mẹ mình. Người đàn bà nói giọng Bắc bảo rằng bà đi tìm chị theo địa chỉ số nhà chị gởi thư. Bà không dám vào vì thấy nhà lớn quá, giống như nhà uỷ ban xã! Các anh xem thì thấy đúng là thư mà bác đã gởi về cho cô em. Chị em vui mừng nhận ra nhau sau hơn 30 năm xa cách.

Bác cũng kể thêm chuyện cô con gái của bác tự vẫn. Đó là một câu chuyện tôi đã không dám viết khi kể về những kỷ niệm ngày xưa trong phần trên. Tôi sợ khơi dậy một nỗi đau quá lớn của bác. Khi chị mất, tôi không có ở nhà nhưng nghe kể là bác gần như điên trong những ngày đó. Hè năm 2024, khi tôi báo cho bác rằng tôi sẽ đi Việt Nam và về thăm Tam Kỳ, bác la lên, “Mi đi chi vậy? Nhà mình có còn ai ở bên đó đâu?” Tôi bảo bác, “Con muốn về thăm Tam Kỳ một lần. Con sẽ lên thăm mộ chị Bé nữa. Đi một lần thôi và con sẽ không bao giờ trở lại Tam Kỳ nữa đâu.” Bác bảo, “Vậy hãy đến cầu nguyện ở mộ Bé nghe con.”

Đi Việt Nam về, tôi đến thăm bác và mở cho bác xem hình và video tôi đến thăm mộ chị Bé. Bác xem đi xem lại với tôi nhiều lần và kể về những ngày chị Bé mất. Bác nói, “Hồi đó tau nổi điên lên. Tau ra giữa đường tau chửi bọn cộng sản. ‘Tại các người không cho con tôi đi học thành ra nó mới tự tử.’ Mấy tên công an phải tới dỗ ngọt tau vô nhà chớ không dám lớn tiếng với tau…” Bác kể cho tôi với giọng bình tĩnh, không một nét giận dữ. Nhưng tôi vẫn cảm thấy cái đau mất con của bác. Tuy vậy, bác có vẻ vui hơn sau khi xem hình và video mộ chị Bé.

Sau nhiều hôm suy nghĩ, tôi quyết định viết một bài về chị Bé, con gái của bác, để cho bác đọc trước khi lìa trần. Đó là bài viết, “Niềm Nhớ … và Nhớ Tam kỳ”. Tôi viết xong, đọc đi đọc lại mấy lần. Lần nào tôi cũng khóc. Rồi nghĩ không biết có nên cho bác đọc không. Nhưng nhớ mấy lần khi bác kể về cái chết của chị, bác có vẻ như tha thứ những điều đã xảy ra. Tôi đã nhờ Saigonnhonews đăng gấp để bác được đọc.

Cuối tuần đó, tôi xuống thăm bác để đọc cho bác nghe câu chuyện đã được đăng báo. Nhờ thuốc giảm đau nên trông bác không có vẻ đau đớn gì cả. Tôi mời bác ăn một miếng khô bò tôi làm theo yêu cầu của bác. Khác với những lần trước, bác chỉ lấy một miếng ăn thử rồi bảo tôi đem về phần còn lại. Bác nói, “Tự nhiên lạt miệng nên thèm cái gì mặn mặn thành ra mới kêu con làm. Bác ăn một miếng này thôi. Đem gói này về cho mấy đứa nhỏ.” Tôi nài nỉ nhưng bác nhất định biểu tôi đem về.

Tôi mở bài báo trên ipad và nói với bác, “Con viết câu chuyện này về chị Bé. Bác muốn con đọc cho bác nghe hay để bác tự đọc?” “Để bác đọc. Thôi con về đi.” Bác vừa nói vừa xua tay ra dấu cho tôi đi về. Tôi vừa quay lưng đi, bác đã bắt đầu nhìn chăm vào ipad đọc. Tôi đi ra cửa nhưng cảm thấy hơi lo vì không biết bác sẽ đón nhận bài viết như thế nào. Tôi dừng lại nơi cửa, lén nhìn bác đọc bài báo. Tôi thấy bác vừa đọc vừa mỉm cười. Tôi cảm thấy yên lòng để ra về.

Vài tuần sau khi tôi đang trên đường lái xe từ chỗ làm về nhà, anh con út của bác gọi.  “… Bác sĩ nói là giờ của má không còn nhiều, có thể ra đi bất cứ lúc nào. Cô có muốn facetime với má bây giờ không?” “Em đang lái xe. 10 phút nữa về đến nhà, em sẽ facetime với bác.”  Nhưng sau đó tôi đổi ý. Tôi muốn xuống gặp bác trực tiếp một lần cuối. Tôi gọi báo cho chồng và đổi hướng, đi xuống gặp bác. Tôi quên mất là Fwy 5 kẹt xe muôn thuở, nhất là vào giờ tan ca cao điểm. Xe đứng kẹt cứng trên freeway, nhích nhích từng chút như rùa. Chồng tôi gọi, “Bác vừa về với Chúa…” Anh con bác gọi tôi không được nên gọi báo cho chồng tôi. Tôi khóc tức tưởi. Phải chi tôi đừng tham lam muốn gặp mặt trực tiếp với bác, thì tôi cũng có thể nhìn mặt bác trên facetime một lần cuối.

Anh con út của bác kể rằng bác ra đi rất bình an không đau đớn. Anh ngồi bên bác đến khi bác trút hơi thở cuối cùng. Trước đó, các con cháu ở gần thì đến thăm, ở xa thì facetime về cầu nguyện với bác. Hôm sau, cô em gái tôi email kể, “Chiều hôm qua em rất mừng được gặp Bác (trên facetime) lần cuối, cùng hát thánh ca, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với Bác, với Mẹ và với cậu Út. Tạ ơn Chúa cho Bác nằm bình an, còn mở mắt nhìn được và không đau đớn. Bây giờ Chúa đã đón Bác về nhà đời đời phước hạnh, ở thành phố Thiên Đàng, nước Đức Chúa Trời. Nơi đó Bác được ca hát thờ phượng Ngài với những người thân yêu của mình. Xin Chúa giúp chúng ta sống với đức tin mạnh mẽ và thỏa lòng như Bác để mai này hết thảy chúng ta được gặp lại Bác trong nước Ngài vinh hiển.” Đọc những dòng em viết, tự dưng tôi hình ra bác đang nhoẻn miệng cười với tôi.

Đông đảo bà con và bạn bè của gia đình đã đến Đồi Hồng (Rose Hills) để tiễn đưa bác một chiều Tháng Mười Một. Sau lễ tang, tám người nam gồm con, cháu, cháu nội, cháu họ nhấc quan tài ra khỏi xe tang đem xuống phần mộ bác trên Đồi Hồng. Tôi thấy dường như nắng vàng rực rỡ hơn trên đồi khi di quan.

Đưa bác đến nơi an nghỉ cuối cùng. (Hình: tác giả cung cấp)

Tôi không khỏi liên tưởng đến cuộc đời của bác. Với bao lặn ngụp đắng cay trong đời từ lúc nhỏ, nhưng trong những năm tháng cuối cùng, cuộc đời của bác bừng lên ánh hạnh phúc với con cháu vây quanh.

Nắng chiều trên Đồi Hồng hôm đó thật đẹp, giống như những tia nắng chiều của cuộc đời bác. Tạm biệt bác! Chúng ta chắc chắn sẽ gặp lại nhau trong nước Chúa. Nơi đó chắc chắn sẽ có nhiều hoa đẹp, vạn, vạn lần hơn những đoá hồng mà bác vẫn thích ngắm với con.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo