Nhớ vương quốc ẩm thực Sài Gòn

Sáng ngày 8 Tháng Chín 2021, khi nghe tin thành phố cho mở lại dịch vụ ăn uống (chỉ mang đi) và một số ít dịch vụ khác, với tôi tin này không hẳn vui mà là lạ.

Tất nhiên tôi và hàng triệu người Sài Gòn khác, hơn ba tháng qua thèm hủ tíu, bún bò, cơm tấm, phở , bánh mì… nay có thể ăn cho bớt thèm giữa bối cảnh trùng vây bệnh dịch và chết chóc. Theo bản tin nhà nước, cứ 100,000 người ở Sài Gòn thì có gần 3,000 người nhiễm và 120 người tử vong vì Covid-19. Trung bình bảy ngày, thành phố có hơn 7,000 ca nhiễm mới mỗi ngày, số ca tử vong riêng trong ngày 7 Tháng Chín là hơn 250 người.

Mới hôm qua, ông hàng xóm còn đứng xa tôi 10m, nói qua khẩu trang: “Tôi đi kiếm khắp khu phố không thấy chỗ bán cà phê đem về pha. Ông có biết chỗ nào chỉ giùm, ghiền quá, chắc chết!”.

Nghe ông hàng xóm nói, tôi mới thấy đúng là trong máu người Sài Gòn có dòng chảy cà phê truyền qua mấy trăm năm, nay trong cảnh phong thành vì dịch, biết rằng có thể sống nay chết mai nhưng thói quen ghiền thèm cà phê luôn bất tử.

Tháng đầu phong thành theo Chỉ thị 16, tôi có người học trò tìm được mối bún bò, món tôi ít ưa, chuyển qua shipper cho tôi một tô. Tôi cứ ăn nhín nhín trong ba buổi điểm tâm sáng mà tưởng như được ngự thiện như vua chúa. Mới hay trong máu dân Sài Gòn dựng lên một Sài Gòn là vương quốc món ngon đường phố đủ sức vượt qua tận thế chớ dịch bệnh ăn thua gì.

Trong cảnh trùng vây dịch bệnh và cách chống dịch với khẩu hiệu ngạo mạn mà ấu trĩ nhất thế giới: “Chống dịch như chống giặc, mỗi phường xã là pháo đài, mỗi người dân là chiến sĩ”… Nay họ thua trận, chấp nhận không thể  “quét sạch F0”; thì một trong những dàn đồng ca tự nhiên phải cất lên là cảnh náo nhiệt hát hoan ca với sắc màu, hương vị… là món ngon Sài Gòn truyền đời.

Đã là người thường dân sống như ở tù trăm ngày qua, đâu ai lưu tâm các kế hoạch từng bước mở cửa để cứu nền kinh tế của nhà cầm quyền, bởi vì hiển nhiên phải mở thôi. Vấn đề của người dân đơn giản là: Đừng học theo Trung Cộng lấy lý do chống dịch để bỏ tù dân thêm nữa. Hãy học theo các nước văn minh xác định COVID-19 là bệnh dịch theo mùa, bởi cái giá phải trả khi sống chung với coronavirus biến thể chính người dân tự biết lo. Đừng diễn trò thương yêu, vào vai “ác phụ” rồi tùy tiện cấm đoán đủ thứ.

Nhưng biết đâu bữa nay, rồi ngày mai, thấy dân mình cùng nhau ăn ngon miệng lên tinh thần quá, họ lại cấm nữa thì sao? Dân Sài Gòn thuộc bài của mấy cha nội vẫn được dâng món ngon tới tận miệng, chưa bao giờ dám tự mình đi xuống phố mua ổ bánh mì, tô phở mang về.

Tôi nhớ lúc nghe lệnh phong thành Sài Gòn quyết liệt, nhạc sĩ Tuấn Khanh có gởi cho tôi một món tình thương mến thương – mắm ruốc xào thịt ba rọi, kèm một ổ bánh mì củi. Lúc mở gói giấy ra, ổ bánh mì củi mềm nhẹp thấy thương; hủ mắm ruốc tôi ăn chỉ vài ngày là hết rồi quên tuốt, còn vị bánh mì tới nay hơn ba tháng vẫn còn y sức quyến rũ kéo cơn thèm của tôi xuống đường để hòa ca với vương quốc ẩm thực Sài Gòn.

Thực ra, mọi đàn ông, đàn bà trưởng thành đều biết mình muốn gì, nhận thức như thế nào về trách nhiệm và bổn phận khi hành động; nhưng với các ông bà chỉ huy công cuộc chống dịch thì tôi không chắc, rằng biết đâu, họ lại ba hồi, khi hoảng hồn, lại tùy tiện lệnh miệng, chẳng hạn “dẹp ngay take away food!”

Tôi chỉ chắc là kể từ ngay 8 Tháng Chín 2021, vương quốc món ăn đường phố Sài Gòn sẽ mon men tìm về đời sống bình thường dành cho người Sài Gòn. Với vương quốc của các công dân năng động vô song này: Không cho bán “to go” thì bán “to chui”, miễn qua mặt được mọi luật lệ ngớ ngẩn là được. Trang sử vàng của vương quốc ẩm thực Sài Gòn có từ thời bao cấp với bao kinh nghiệm hơn cả vàng ròng. “To chui” thực phẩm muôn năm!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: