Những Chuyến Xe Lửa

Ảnh: Ales Krivec/Unsplash
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Những Chuyến Xe Lửa
Loading
/

Trong kho tàng văn học hay âm nhạc, đa số kiệt tác để đời thường thiên về bi kịch, thảm sầu, mất mát… có thế mới lay động trái tim mọi người. Chẳng hạn như bài Những Bóng Người Trên Sân Ga của thi sĩ Nguyễn Bính mà tôi cho là một trong những bài thơ tả cảnh biệt ly xuất sắc nhất:

Những cuộc chia lìa khởi tự đây

Cây đàn sum hợp đứt từng dây

Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc

Lần lượt theo nhau suốt tối ngày…

Những chiếc khăn màu thổn thức bay

Những bàn tay vẫy những bàn tay

Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt

Buồn ở đâu hơn ở chốn nầy

Hay bài Tiễn Biệt của Nguyên Sa, một thi sĩ tôi rất ái mộ thời tôi tuổi đôi mươi:

Sao người đi sâu vào không gian trong

Bức tường vô hình nên bức tường dày mênh mông

Và sao lòng tôi không là vô tận

Cho gặp gỡ những đường tàu đi song song

….

Sao người không là một con đường

Sao tôi không là một ga nhỏ

Mà cũng có những giờ gặp gỡ

Cũng có những giờ chia tan

Rồi các bài hát như Tàu Đêm Năm Cũ của nhạc sĩ Trúc Phương, chuyện cô gái tiễn người yêu là anh lính ra trận tiền. Giọng hát bùi ngùi, đoạn cuối còn kèm thêm tiếng còi tàu rúc lên ai oán khiến ta mường tượng ra được quang cảnh giữa đêm khuya hiu hắt, màn sương mờ ảo có đôi tình nhân khóc sầu chia ly não nuột:

Trời đêm dần tàn tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn

Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay…

Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời

Trở gót bâng khuâng, tôi hỏi lòng đêm nay buồn không

Chuyến xe đêm lạnh không, để người yêu vừa lòng…

Ảnh: Samuel Fyfe/Unsplash

Quay ngược thời gian xa hơn, khi tôi hãy còn là cô bé con. Các chuyến xe lửa thu hút tôi có lẽ một phần bắt nguồn từ câu chuyện người đàn bà với chùm trái gùi tôi được nghe kể hồi năm lên 6, 7 gì đó. Chuyện kể về người mẹ trẻ có chồng bị bịnh nặng không đi làm được nên chị phải gánh vác thay chồng nuôi con. Mỗi sáng chị bắt chuyến xe lửa ra tỉnh buôn bán đến tối mịt mới trở về làng. Chiều chiều đứa con ra ga đón mẹ để được nhìn thấy mẹ từ trên bậc thềm toa xe bước xuống, tuy mệt mỏi nhưng đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc khi thấy đứa con bé bỏng đứng chờ dưới sân ga. Chị luôn mua chút quà về cho con, khi thì viên kẹo, khi thì cái bánh cốm bánh in…

Một ngày định mệnh, lúc đó đang mùa trái gùi (là trái gì nhỉ? Tôi cũng không biết rõ), buổi sáng lúc mẹ rời nhà, con dặn:

– Chiều về mẹ nhớ mua cho con trái gùi mẹ nhé.

Mẹ gật đầu hứa. Buổi chiều sau khi hàng đã bán xong, chị mua một xâu trái gùi theo lời con dặn rồi vội vã bước lên toa xe đang bắt đầu lăn bánh. Vì sợ trễ nên chị hấp tấp leo lên chẳng may bước hụt chân ngã trên đường ray. Bánh xe cán thân thể chị nát tan.

Khi xe tiếp tục về ngừng ở ga có con chị đứng chờ như thường lệ. Cậu con háo hức tìm mẹ. Các cô dì bạn hàng lần lượt bước xuống mà bóng mẹ không thấy đâu. Một người cầm xâu trái gùi trao cho cậu:

– Đây là trái gùi mẹ con mua cho con nè.

Cậu bé ngơ ngác:

– Mẹ con đâu rồi? Sao xâu gùi đây mà mẹ con đâu?

Mọi người xúc động không cầm được nước mắt mà biết làm sao để kể cho cậu bé nghe… Cái chết thảm thương của người mẹ ấy cứ ám ảnh tôi mãi đến tận bây giờ. Chuyện còn kể thêm rằng: Người chồng thỉnh thoảng mơ thấy vợ hiện về cầm xâu gùi đặt vào tay con, còn dặn dò chồng khi ngủ nhớ coi chừng đắp mền cho con kẻo lạnh. Tưởng chỉ là một câu chuyện trong tiểu thuyết hay cổ nhạc, không ngờ khi tôi vào internet tìm hiểu về trái gùi thì khám phá ra đây là chuyện có thật xảy ra hơn nửa thế kỷ trước ở tuyến đường Sài Gòn-Lộc Ninh-Lái Thiêu. Tên người đàn bà được nhắc lại rõ ràng. Và được nghệ sĩ Minh Cảnh hát trong bài Trái Gùi Bến Cát.

Thảo nào mà từng lời hòa quyện với giọng truyền cảm não nuột của danh ca đã đánh mạnh vào tâm hồn của cô bé 6, 7 tuổi là tôi sâu đậm đến vậy. Khi ta còn bé, mẹ là tất cả những gì vũ trụ tượng trưng. Là bà tiên có thể mang lại phép mầu, là vị thần che chở bảo vệ, là tình yêu thương hy sinh vô biên vô lượng. Mất mẹ dù ở tuổi nào cũng là một mất mát không gì bù đắp nổi huống chi chỉ là một chú bé con non nớt.

Do tôi đã bị ảnh hưởng bởi những gì mình nghe, đọc… nên hình ảnh các chuyến tàu luôn gợi trong tôi nhiều cảm xúc: bâng khuâng, man mác, lãng mạn xen lẫn sự bất an về cuộc từ ly của ai đó mà người ra đi không thể trở về như lời hẹn ước. Âm thanh tiếng còi tàu quyến rũ, thúc giục máu phiêu lưu trong tôi mau chuẩn bị valise đi đến những chân trời xa lạ để thỏa tính hiếu kỳ về nhân sinh và thiên nhiên.

Ảnh: Alessandro Prato/Unsplash

Tôi muốn ca tụng ngành đường sắt, một phương tiện chuyên chở đã có từ hàng 190 năm trước mà có lẽ rất nhiều người chỉ có dịp nghe, thấy chứ chưa bao giờ sử dụng vì nhiều lý do riêng. Từ lâu ngành du lịch vài quốc gia đã có ý tưởng biến những toa xe lửa cổ xưa thành khách sạn di động xa xỉ sang trọng cho khách du lịch xuyên biên giới thăm danh lam thắng cảnh quốc gia láng giềng. Càng đô-thị-hóa, càng kỹ-thuật-hóa thì hình như dân châu Âu càng có khuynh hướng quay về cuộc sống đầu thế kỷ 20: Giản đơn, hòa mình cùng thiên nhiên để bảo tồn giá trị nhân bản, nhân văn, nhân đạo.

Chuyến metro để lại cho tôi một cảm giác luyến lưu, nồng ấm là chuyến tàu cuối năm Dương lịch ở Paris ba năm về trước. Tôi cùng cô em họ đi từ trạm Trocadero (nơi nhìn ngắm Tháp Eiffel) về Công trường Cộng Hòa (La Place de la Republique), gần nhà cô ấy. Lên cùng trạm với chúng tôi là ba chàng trẻ, gương mặt thông minh, ăn mặc tuy đơn giản quần jean áo chemise nhưng tươm tất chuẩn mực, gây sự tin tưởng mà thoạt nhìn ai cũng đoán ngay là sinh viên nhạc viện âm nhạc nào đó, vì cả ba mang theo một nhạc cụ khác nhau: Đàn violon, guitar, sáo. Chờ tàu rời ga, cả ba bắt đầu vừa đệm đàn vừa thay nhau hát, lúc mỗi người một đoạn, lúc hát bè. Tiếng đàn điêu luyện, giọng ca lúc vui tươi, lúc u sầu, lúc hùng tráng tùy theo bài nhạc. Phong cách vừa duyên dáng vừa lãng tử toát tràn nhựa sống của những người trai trẻ mà tương lai hãy còn ở phía trước, trái-banh-đời chưa bị đá tả tơi.

Hình ảnh ba chàng trai trẻ đôi mắt sáng ngời ôm đàn ca hát gợi nhớ một thời đã qua của mình khiến phím lòng tôi chùng xuống một cung âm. Không phải họ hát hay hơn ca sĩ chuyên nghiệp, mà chính tuổi thanh xuân của họ ví như làn gió mát ào ạt thổi qua trưa mùa hạ nóng khô, đã chinh phục được tôi là vì vậy. Tôi như bắt gặp chính mình ngày xưa, với nguyên vẹn cảm xúc của cô con gái dậy thì thoáng xao lòng trước một ánh mắt nhìn trộm của ai đó trong sân trường, hoặc cuống quýt lo sợ khi có người đón đợi trên đường đi học về, hoặc lá thư của ai nhờ ai trao vội… Một chút xíu rộn ràng, chỉ vậy rồi thôi, chả bao giờ có đoạn kết.

Tôi thuở ấy sao mà ngoan lạ! Khẽ vào đời bằng bước chân vừa rụt rè vừa lạc quan, mộng ước đầy ắp tâm hồn trắng như tờ giấy chưa thấm nhòa vết mực. Thế mà mấy chục năm rồi đó, tôi đã nếm đủ vị ngọt mật đắng cay chua chát do cuộc sống mang lại mà giờ đây bước vào tuổi trung niên tôi tự hào là mình vẫn còn giữ được sự giản đơn bình dị không suy suyển như thuở nào. Chuyến metro lúc ấy không đông hành khách nên chừa ra một khoảng không gian khá rộng để cả ba chàng tha hồ trình diễn. Chúng tôi ngồi hàng ghế ngoài cùng nên rất gần với họ. Những bản tình ca Pháp, Anh… của những năm 1960, 1970 dù đã nghe nhiều lần bởi các ca sĩ nổi tiếng, nhưng trước “live show” bất ngờ của các cậu sinh viên, vẫn có sức lôi cuốn bởi cái vẻ trong sáng, trí thức, tự tin không cường điệu, tôn trọng dễ gây thiện cảm.

Tôi đi metro ở Paris cũng nhiều. Thường gặp, khi đàn ông, khi đàn bà, lên hát hò dăm câu rồi đến từng hàng ghế để xin tiền, dù ít ai chịu mở hầu bao. Nhưng với ba chàng trai trẻ nầy thì khác, khi tôi lục ví thì cũng có nhiều người hành động giống tôi. Trước lúc tàu ngừng ở trạm kế, ba sinh viên ngỏ lời cám ơn và chúc mừng “ joyeux noel”, “bonne année”, sau cùng họ đến gần tôi để tỏ sự cám ơn đặc biệt về món quà tôi tặng khá hào phóng.

Ảnh: Brandon ong/Unsplash

Ở Paris nói riêng, châu Âu nói chung có rất nhiều nghệ sĩ đường phố. Họ có thể là một chú bé, cô bé tuổi 10 đến 15, 17 chơi đàn violon ở góc đường nhiều người đi bộ. Họ có thể là một ban nhạc gồm 5, 6 người trẻ nam nữ lẫn lộn, đem các nhạc cụ bày ra ở một góc dưới tầng hầm metro, chơi nhạc rất điêu luyện. Âm thanh du dương thánh thót thu hút rất nhiều hành khách dừng chân. Hết một bản nhạc, khán giả vỗ tay tán thưởng, mở ví lấy tiền để vào cái nón đặt sẵn dưới nền rồi vội vã tản đi mọi hướng cho kịp bắt chuyến tàu tiếp theo, kịp vào công sở, kịp vào trường học…

Thà làm người đánh xe ở thành Paris còn hơn làm ông vua xứ mọi” (Cách ngôn Pháp)

Phải, người ta thà sống đời người đánh xe ngựa ở xứ văn minh mà được hít thở không khí thanh bình, nhân bản hơn là sống đời đế vương mà im lìm không dám hé môi như những đàn cừu ở xứ man dại. Lần đầu tiên tôi được nghe câu nói này là từ má của tôi. Khi còn nhỏ, mỗi khi má ngồi may quần áo, tôi thường quanh quẩn bên cạnh để nghe má kể chuyện hoặc truyền dạy cho chị em chúng tôi những kiến thức về nhân sinh quan, về đạo đức làm người. Rồi theo thời gian, tôi “bắt gặp” câu nói nầy nhiều lần qua sách báo văn chương Pháp mà tôi thường đọc.

Ảnh: Stephen Leonardi/Unsplash

Có thể nói chính má tôi là người đã khai sáng và ươm mầm cho tôi khái niệm về hai chữ tự do để tư tưởng tôi mãi đến bây giờ luôn theo khuynh hướng đó. Câu cách ngôn Pháp trên làm tôi liên tưởng đến câu nói đầy khí phách hào hùng, tự trọng của vị tướng Việt Nam Trần Bình Trọng khi ông bị giặc bắt và dụ dỗ ông chiêu hàng để hưởng lợi: “Thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Chúng ta con cháu đời sau nguyện noi theo gương các đấng tiền nhân để không hổ thẹn là người Việt Nam.

Đi metro ở Paris tôi giữ lại một kỷ niệm khá nhẹ nhàng lãng mạn nhưng ở Milan, Ý thì lại khác. Lần đó bốn dì cháu tôi bị hai cô – chắc người Nam Tư hay Thổ Nhĩ Kỳ – đặt “lộn” tay họ vào xắc của tôi và balô của cô cháu để tìm gì đó. May cho chúng tôi và xui cho họ là chúng tôi đã phát giác kịp nên họ chưa có thời gian cầm nhầm ví tiền, điện thoại… Tôi luôn yêu mến châu Âu – nhất là Thụy Sĩ – hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Thụy Sĩ thật sự là Nhà, là Quê Hương lý tưởng thứ hai của tôi vậy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: