Những con cua trong giỏ

Cần Thơ. (Hình minh họa: Pexabay)

Ngày 25 Tháng Tư năm 1975, khi thiên hạ chạy dài từ Sài Gòn ra biển thì tui, một thường dân mắt ráo hoảnh, chỉ kịp thấy “Nguyễn Tổng Thống” ra phi trường Tân Sơn Nhứt bay đi Đài Loan… mà không cho ai hay gì ráo, cũng hổng chịu dắt tui theo. Ổng quên tui là lính của ổng mà!

Bị bỏ lại, tui ở không, bị VC cho thất nghiệp, buồn tình vì tui hổng biết làm gì ngoài… làm thinh. Đói nhăn răng, lủi thủi từ Cần Thơ bò về lại bản quán Mỹ Tho, gặp lại thằng bạn lính cũ – La Quốc Tiến.

Tiến là tay làm thơ, sau 1975 nổi như cồn ở ngoài Bắc. Một bữa nhậu, nó ngồi uống rượu bọt đường, rượu “rum” thời CS với cóc chua, ổi chát chấm mắm ruốc. Hơi ngà ngà, rượu vô lời ra, La Quốc Tiến đọc thơ cùa nó cho tui nghe:

“Về Ba Tri nghe người làng đồn rằng.
Cụ Đồ Chiểu dù sớm mù đôi mắt.
Về già, tai lại còn bị điếc.
Nhưng mỗi khi muốn viết.
Người đều bảo:
Hãy để ta tự tay mài mực.
Các con múc cho thầy gáo nước.
Ta cần rửa và lau mặt.
Trước khi soi vào nghiên gương mặt của mình…”

Cụ Đồ gọi đó là “nợ bút nghiên” – tức là món nợ với dân tộc, với chính mình.

Tiến khề khà, rót thêm rượu, nói giọng tiếc nuối:
-Thời Tây thuộc địa vậy mà còn đỡ! Văn nghệ sĩ người ta biết khai trí nhân dân, viết cho giống nòi. Còn bây giờ? Tà đạo, ngụy ngữ, cúi đầu viết theo nghị quyết, in thơ ca ngợi mưa phùn, gió bấc và đồng chí bí thư!

Tui nghe mà chặc lưỡi:

-Thôi mầy ơi! Tao chỉ muốn an bần lạc đạo. Ai muốn viết gì thì viết, sai đúng kệ họ. Tao không rảnh gây thù chuốc oán, cũng không hưỡn viết để
bị kiểm điểm!”

Tiến bình thường thì mùng một một tiếng, rầm một tiếng như tui vợ chửi oan cũng không hé miệng. Nhưng lúc rượu vô lời ra, nó phát thanh như cái loa phường trên cột đèn vàng vọt.

Tui ngồi lai rai và giả bộ dỏng tai nghe! Chế độ CS kịch ngu sao mình không diễn? La Quốc Tiến kể một giai thoại thơ “Tố Hữu gửi Nguyễn Du”:

“Hỡi người xưa của ta nay,
Khúc vui xin lại so dây cùng Người!”

Xuân Diệu nghe xong, cười nhạt rồi phán một câu xanh rờn:
“Tài Tố Hữu chỉ tới cái đầu gối của Nguyễn Du mà lại đòi so dây!”

Nghĩ cho kỹ, tài tới đầu gối tức là ngang cái gì? Tui bật cười. Cái thâm của Xuân Diệu không nằm ở vần thơ mà nằm ở chỗ… hạ bộ!

Rồi đến Xuân Sách, ông này không thèm úp mở nữa, làm thơ chửi Tố Hữu và Cù Huy Cận luôn:

“Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việc Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường hoa ở đây!”

Nghe mà rợn người! Thơ chửi mà khéo léo, vừa đủ không bị quy là “phản động” nhưng ai có não thì hiểu ngay: thơ Tố Hữu là thơ máu, thơ chỉ giỏi xúi con nít đi chết đi” để thi sĩ… hái hoa bằng huân chương!

Rồi tới Cù Huy Cận, bố của Cù Huy Hà Vũ cũng không thoát khỏi móng vuốt Xuân Sách:

“Tôi hát chiến tranh như trẩy hội
Đừng nên xấu hổ khi nói dối!”

Chà! Tới nước đó rồi thì văn chương đâu còn là đạo (lý). Nó là đạo cụ để múa may giữa chính trường. Nhà văn, nhà thơ trở thành diễn viên hài, mỗi ngày rập khuôn câu chữ, gật gù theo tiết mục “Đảng ta vĩ đại” – nhưng vừa quay lưng đã lén viết thơ… chửi đồng đồng chí mình là đồ bợ đít!

Ngẫm lại, cả làng văn miền Bắc lúc đó tới tận bây giờ y như cái giỏ đựng **cua ** – con nào cũng ráng bò lên miệng giỏ để thoát thân, nhưng bị mấy con khác kéo chân, cắn càng, xé đầu! Cuối cùng… không đứa nào thoát ra.

Cái gọi là “thi đàn xã hội chủ nghĩa” thật ra chỉ là chiến trường ác liệt giành miếng mồi, cốc quốc lủi, nơi kẻ tài hơn chưa chắc sống lâu – mà kẻ khôn khéo, biết cúi đầu đúng lúc, nịnh Đảng đúng chỗ – thì được thơ đăng, giải trao tiền không nhiều nhưng cũng đủ bù khú với bạn bè năm ba bữa tui hỏi Tiến:

-Viết cho báo Văn nghệ Tiền Giang mầy không sợ bị kiểm điểm sao?

Tiến lắc đầu:

-Tao nhỏ nhưng có ‘võ chửi’ trong thơ, tụi nó tưởng là… ca tụi nó!

Đó là nghệ thuật sống sót: viết cho dân hiểu mà Đảng không hiểu, còn đồng chí nào hiểu thì im re vì… đang chờ đạp đứa khác để leo lên!

Càng nghe, tui càng chua như cóc, chát như ổi chát. Tụi văn nghệ sĩ “giải phóng” đâu có giải phóng ai? Họ chỉ biết giải quyết cái bao tử. Thơ phú, truyện ngắn, kịch bản, ca dao đều được sản xuất như hàng chợ, bày ra để phục vụ Đảng, kiếm tem phiếu, tranh ghế họp.

Giá trị đạo đức? Khai dân trí? Chỉ là mỹ từ để gắn vào mỗi mùa xét duyệt thi đua.

Té ra, làm văn nghệ trong chế độ XHCN là như vậy: càng gần quyền lực, thơ càng thúi. Càng xa thực tế, câu chữ càng bay bướm. Càng đói, càng dìm nhau để bò lên!

Nên tui mới nói: Cua trong giỏ – không con nào có lỗi, vì chúng bị nhốt chung, không đường thoát. Chỉ có kẻ nhốt cua mới là thủ phạm. Nhưng buồn thay, khi bị hỏi “ai nhốt mày?” thì con cua nào cũng đồng thanh: “Không biết… chắc là CIA!”

Ngày nay, cái giỏ ấy vẫn còn. Nhưng thay vì làm thơ, người ta làm… Facebook post, TikTok clip. Vẫn giọng đạo đức, vẫn lối xỏ xiên, vẫn giành ăn và giành tiếng. Chỉ khác là người đọc bây giờ tỉnh táo hơn – họ phân biệt được thơ thật và thơ cúng cụ.

***

Văn chương sinh ra không phải để tôn vinh quyền lực, mà để soi gương nhân tính. Còn nếu văn nghệ chỉ là công cụ để nịnh trên, đạp dưới, giành ăn, thì chẳng khác gì một chợ cá có bảng đề: Hội Nhà Văn Nhân Dân XHCN.

Đọc thơ bây giờ, nhiều khi muốn đội nón ra… đứng cười giữa chợ như Bùi Giáng!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chuyện râu ria
Người phương Đông nói riêng, người Việt mình nói chung đều coi trọng “cái răng, cái tóc” và cả chuyện… râu, ria! Không thế mà ca dao tục ngữ đã…
Quảng Cáo
Quảng Cáo