Đây có lẽ là một trong những hình ảnh gây xúc động nhất giữa muôn vàn câu chuyện cần phải nhớ của Sài Gòn thời phong tỏa vì đại dịch. Tấm hình ghi lại cảnh một thiện nguyện viên (TNV) trong Chương trình “Bữa cơm nhân ái” (do cha Giuse Lê Quang Uy-Dòng Chúa Cứu Thế sáng lập), đang trao hộp cơm cho một bà cụ già lang thang trên đường phố khi Sài Gòn bị phong tỏa.
Cô gái trong tấm hình là Nguyễn Huyền Trang, một gương mặt quen thuộc của nhiều chương trình thiện nguyện như tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, giúp đỡ người nghèo khổ. Vì những hoạt động bác ái và công khai cổ vũ quyền làm người, cô từng bị công an bắt bớ, câu lưu, bị đánh đập, phải thay đổi chỗ ở nhiều lần. Vài năm trở lại đây, dù đã chọn cách im lặng, không xuất hiện trên truyền thông nhưng cuộc sống của Trang vẫn nhiều sóng gió.
Trong những ngày đầu Sài Gòn bị phong tỏa, Trang cùng nhiều anh chị em TNV khác rong ruổi khắp nơi, mang những “bữa cơm tình thương” đến cho người nghèo khổ, què cụt, đui mù, những người xa quê, cơ nhỡ. Bà cụ già lưng còng, ăn mặc rách rưới chỉ là một trong nhiều cảnh đời éo le mà cô gặp, trên con phố thuộc Quận 11 giữa buổi trưa nắng gay gắt hôm ấy. Đó là bà cụ ăn xin, năm nay đã ngoài 80 tuổi.
Hàng ngày, bà cứ lang thang như thế để xin ăn nuôi mình, nuôi người con trai ngoài 50 tuổi bị bệnh down nằm ở nhà. “Nhà”, có thể là nhà riêng, có thể là một căn phòng trọ hay chỉ là một chỗ ở tạm bợ được dựng lên tại xó xỉnh, ngõ ngách nào đó của Sài Gòn. Dù không cần kể ra những chi tiết ấy, bản thân tấm hình đã khiến người ta xúc động ngay từ ánh mắt đầu tiên chạm vào nó.
Tấm hình được chụp vào Tháng Sáu 2021, khi thành phố chưa bị áp dụng Chỉ thị 16. Tức là các hoạt động thiện nguyện, các chuyến đi “người mang cơm cho người” dù khó khăn vẫn được diễn ra. Kể từ sau ngày 9 Tháng Bảy, mọi việc xem như chấm dứt.
Tôi hỏi Trang:
– Sau lần ấy, em có gặp lại bà cụ thêm lần nào nữa không?
Trang trả lời, vẻ thương cảm, lẫn một chút day dứt:
– Không chị ạ. Không biết hai mẹ con bà cụ giờ ra sao.
Ừ, làm sao mà biết được bây giờ hai mẹ con bà cụ ra sao. Có thể họ vẫn sống lay lắt nhờ vào cơ may nào đó. Mong là thế. Nhưng “cơ may” xem chừng hiếm, và mong manh. Bà cụ không thể ra đường xin ăn. Người có lòng trắc ẩn cũng không thể ra đường, để cho. Phố xá vắng tanh. Chỉ có các chốt chặn, là nhiều. Các con hẻm bị giăng dây, hoặc bị ngăn bởi những vòng tròn kẽm gai.
Người ta chống dịch theo cách đẩy dân chúng đến tử lộ nhanh hơn cả sự xâm nhập của con virus vào cơ thể. Đến nỗi, bác sĩ Phan Xuân Trung đã phải thốt lên rằng: “Tôi thực sự không hiểu tác dụng của các rào kẽm gai đó để làm gì. Chặn con virus chăng? Virus bay vi vu trong gió chứ có thèm đứng ngoài hay trong hàng rào nào đâu. Vậy thì hàng rào chỉ có tác dụng nhốt dân, nhưng mà nhốt để làm gì?
Để cho dân chúng đừng có đi lại và do vậy sẽ không có lây à? Là giải pháp bảo vệ dân à? Thực tế không phải vậy, dân đang chịu trận vì người hàng xóm là F0 mà không biết phải làm sao. Một hàng xóm F0, hai ngày sau cả nhà đó F0, bốn ngày sau cả xóm đó F0, tám ngày sau những cái quan tài xuất hiện một cách yên lặng, sau đó sẽ đi lòng vòng để ra được đường lớn vì đầu hẻm đã bị rào kẽm gai”.
Chẳng biết kể từ sau cái ngày 9 Tháng Bảy ấy, mẹ con bà cụ ăn xin ra sao? Nếu không gặp “cơ may” nào đó để được sống, thì chắc đã chết vì nhiễm bệnh, hoặc vì đói. Nhưng có điều chắc chắn rằng, họ không có mặt trong số hàng ngàn người đùm túm hành trang, dắt díu nhau liều mình rời bỏ Sài Gòn để về quê, trốn chạy cái đói. Bà cụ ăn xin, nếu có quê, chắc gì đủ sức để về. Quê hương chính là nơi sau cùng đôi bàn chân chậm chạp của bà còn chạm tới, là hình ảnh cuối cùng đôi mắt bà còn trông thấy.
Suốt ba đêm liền Sài Gòn mưa dữ dội. Khó ngủ, tôi lại lang thang trên Facebook, viết một câu bâng quơ: “Mấy tháng nay Sài Gòn bị phong tỏa, những người vô gia cư sống ở đâu?”.
Dòng trạng thái nhận được một số lời bình luận bên dưới, đa số bày tỏ sự thương xót cho những cảnh đời bất hạnh. Có người chẳng nề hà, quy trách nhiệm cho nhà cầm quyền gây ra nông nỗi. Trong những lời bình luận, tôi chú ý đến comment của Nguyễn Ngọc Tường Thi, một cựu TNLT, hiện đang là một shipper chạy xe Grab.
Có lẽ, do tính chất công việc nên Thi có cơ hội nhìn ngó đời sống xung quanh rõ hơn người khác, nhất là từ mấy tháng nay, khi Sài Gòn đang vật vã với cơn đau không biết bao giờ mới chấm dứt. Thi viết: “Họ ở dưới gầm cầu, những nơi ẩm thấp, heo hút dọc các bờ sông. Họ ở những nơi gần bãi rác hôi thối mà dù đứng cách xa 300m đã chịu không nổi. Ở các căn lều tạm bợ dựng bằng bạt nilon gần các khu tái định cư không có nước sạch, tách biệt hoàn toàn với các khu dân cư”. Tất nhiên, không chỉ có Thi mới biết về nơi nương náu của những người vô gia cư. Ai cũng hiểu. Nhưng câu trả lời cất lên giữa lúc này, như góp thêm một tiếng than vãn vào cơn tuyệt vọng dài đến vô tận của Sài Gòn.
“Nhưng nếu họ sống ở những nơi như thế thì có bị xử lý vì vi phạm Chỉ thị 16 về quy định “giãn cách xã hội” không? Có bị phạt vì tội “ra khỏi nhà” khi không cần thiết không?” Một người khác đặt câu hỏi. Và rồi ai cũng im lặng. Không ai trong số những thường dân chúng ta biết chắc chắn về số phận của họ để trả lời. Thôi thì mỗi người cứ ôm giữ niềm cảm thông, nỗi xót xa cho riêng mình. Chứng kiến nỗi đau khổ, tuyệt vọng, đọa đày, chết chóc của tha nhân trong sự bất lực của chính mình cũng là một niềm đau tinh thần đến vô cùng vô tận.
Khi còn có thể lang thang trên đường phố để ăn xin, bà cụ già hẳn là gặp không ít cảnh đời khốn khổ như bà. Bà biết mình đói. Bà cũng biết còn những người đói khác. Nhưng bà cụ ăn xin không bao giờ biết được rằng, giữa cơn đói khát của dân chúng, vẫn có những tên lãnh đạo, quan chức đi chơi golf, du hí, hoặc lái xe vượt ngàn cây số đưa con ra phi trường để bay sang Mỹ du học. Chúng đi, hả hê và vui vẻ. Không một chốt chặn nào trong hàng chục, hàng trăm chốt chặn, không một vòng tròn kẽm gai nào trong hằng hà sa số vòng tròn kẽm gai cản trở chúng trên hành trình giẫm đạp lên những thân phận thường dân Việt Nam đang rỉ máu.