Rảnh không, đi uống cà phê?

Một góc Chandler, Arizona, nhìn từ bên trong quán cà phê. (Hình: Thụy Vy)

Đó là câu mời “cửa miệng” mà tôi hay được nghe dạo còn ở Việt Nam. Đồng nghiệp cũ lâu ngày gặp lại tay bắt mặt mừng: “Rảnh không, đi uống cà phê?” Bạn bè ở xa mới về réo gọi: “Rảnh không, đi uống cà phê?”

Cuối tuần không biết làm gì cho vui, nhấc điện thoại lên gọi cho ai đó: “Rảnh không, đi uống cà phê?” Nam nữ đang cưa cẩm nhau không biết hẹn hò sao cho thanh lịch cũng rủ nhau: “Rảnh không, đi uống cà phê?” Dân làm ăn, đối tác thường thường bậc trung cũng mời mọc “Rảnh không, đi uống cà phê?” để mồi chài, câu kéo cho những phi vụ hợp tác, hợp đồng, “kèo thơm” này nọ.

Thực tế là, người ta đi đến quán cà phê đôi khi không hẳn vì thích cà phê hay đi để uống cà phê mà lời mời mọc, rủ rê đó chỉ là cái cớ để “gầy độ” cho những cuộc gặp gỡ tiếp theo, để mở đầu cho những câu chuyện sâu xa, chi tiết hơn, hứa hẹn một sự kết nối lâu dài, bền chặt hơn.

Có người thích uống cà phê vì cái dư vị đăng đắng nơi đầu lưỡi cùng cái mùi thơm nồng toả lan trong không khí, nhất là vào những buổi sáng sớm trời se se lạnh, ngồi một mình yên tĩnh bên ly cà phê nóng bốc khói hay bên một vài người bạn tâm giao để tán gẫu chuyện đời đều có những cái thú vị riêng. Cũng cái vị đắng dễ gây ghiền này mà người ta liên tưởng đến nhiều triết lý sống thú vị. Cùng với việc ngồi nhẩn nha, tĩnh tại, thong dong ngắm từng giọt cà phê rơi xuống cái phin (một loại dụng cụ lọc cà phê ở Việt Nam hay dùng) đã gợi cảm hứng cho biết bao văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ sáng tác ra vô số tác phẩm để đời.

Nghe có vẻ phũ phàng nhưng thực tế là cũng có những người uống cà phê chỉ vì tác dụng chống lại… cơn buồn ngủ, vì một ích lợi nào đó cho sức khoẻ hay chỉ vì ghiền cái mùi thơm quyến rũ của cà phê khi pha trộn với một món bánh hay món uống, tráng miệng nào đó, như người viết bài này rất thích uống cà phê sữa (hay bạc xỉu) đá, sữa tươi pha chút cà phê hay bánh flan bỏ chút cà phê vào nước đường caramel. Sự pha trộn nhẹ nhàng này không làm mất đi hương vị gốc của món ăn/uống đó mà trái lại còn khiến người ta nhớ đến món đó nhiều hơn nhờ cái mùi cà phê dịu nhẹ mà thơm lâu.

Từ dạo qua Mỹ, tôi ít khi nghe câu rủ rê vừa thân thiện, vừa chân tình đó nữa, không phải vì dân ở Mỹ không biết hay không thích uống cà phê, hoặc không có nhu cầu gặp gỡ, giao lưu bạn bè. Còn nếu nói dân Việt Nam rảnh rang hơn dân Mỹ nên có thể rủ nhau đi uống cà phê bất kể giờ giấc nào trong ngày hay bất kỳ ngày nào trong tuần có lẽ cũng không đúng vì ở đâu người ta cũng phải cày bạc mặt mới đủ sống (dĩ nhiên là mấy thành phần lười biếng, chỉ thích ở không chờ sung rụng hay ăn bám người khác thì ở đâu cũng có).

Nhưng không hiểu sao từ khi sang đây, tôi nhận ra dân ta ở bên này có phần thực tế (hay thực dụng?) hơn. Thay vì rủ nhau “Rảnh không, đi uống cà phê?” thì họ thường rủ (hay mời) nhau đi ăn hơn, nhất là ăn trưa hoặc ăn tối. Một lý do khác nữa là, từ khi sang đây, tôi cũng đã bỏ lại nơi quê hương biết bao bè bạn cùng những mối quan hệ thâm tình. Muốn rủ (hay được rủ) ai đó đi quán cà phê, có lẽ tôi phải bắt đầu lại từ đầu bằng việc thiết lập những mối quan hệ bằng hữu mới trước cái đã.

Những buổi sáng cuối tuần ở Mỹ cũng có nhiều người ra quán cà phê thư giãn, gặp gỡ bạn bè, người thân, ngắm nhìn đường sá xe cộ qua lại hay bàn chuyện nhân tình thế thái. Cũng có người chọn những quán cà phê có view đẹp, yên tĩnh, vắng người chỉ để ngồi trầm ngâm, tư lự một mình, đọc sách hay làm việc gì đó trên laptop. Còn ngày thường, có ghiền cà phê họ cũng chỉ mua to-go mang đến chỗ làm việc hoặc vừa lái xe vừa uống, để thoả mãn cơn ghiền cà phê là chính, cũng có người uống cà phê như một phần của bữa ăn sáng, thậm chí có người có thói quen chỉ uống cà phê mà không ăn sáng gì cả như một người quen của tôi.

Một góc Chandler, Arizona, nhìn từ bên trong quán cà phê. (Hình: Thụy Vy)

Có người nói những ly cà phê ở Mỹ dù “thương hiệu” nổi tiếng như Starbuck nhưng khi được chế biến theo quy trình công nghiệp, hợp vệ sinh nhưng lại được đóng trong ly nhựa, ly giấy bít bùng, hút bằng ống hút ít gợi cho người uống cảm hứng, mơ mộng hoặc sự chiêm nghiệm hơn những ly cà phê pha bằng tay dùng phin như ở Việt Nam. Có khi nào hương vị quê nhà khiến người ta ưu ái mà thiên vị hơn chăng?

Dạo còn sống, ba tôi cũng thích uống cà phê tự pha bằng phin và luôn nói không với các thể loại cà phê “hoà tan 3 trong 1” ở Việt Nam hay cà phê to-go pha sẵn ở Mỹ. Những gói cà phê bột và mấy cái phin do ông tự mua trong những lần về Việt Nam rồi cẩn thận đóng gói mang qua Mỹ như một thứ gì quý giá luôn khiến ông hứng thú với việc tự pha cà phê uống mỗi sáng. Thực ra ông uống chẳng bao nhiêu nhưng thói quen pha cà phê khiến ông hứng thú như đang làm một công việc yêu thích.

Còn tôi, tiếng lách cách của chiếc muỗng va vào ly mỗi sáng sớm lúc ông pha cà phê đã trở thành một thanh âm quen thuộc, một phần không thể thiếu trong quãng đời thơ ấu của tôi khiến bây giờ mỗi lần nghe hương cà phê phảng phất đâu đó, tôi lại nhớ đến ba. Những người trẻ như mấy anh em tôi thì cho rằng ba già rồi nên bảo thủ, cực đoan, chỉ muốn duy trì những thói quen ngày cũ chứ không muốn thích nghi, hoà nhập với nếp sống mới. Nhưng có lẽ thói quen uống cà phê phin này nhắc ba tôi nhớ những ngày còn ở Việt Nam, sáng sáng hay có những ông bạn già hưu trí rủ rê “Rảnh không, đi uống cà phê?” Lời rủ mà ông chẳng còn được nghe kể từ khi sang Mỹ, có lẽ vì bên này ông chẳng có người bạn nào cùng lứa tuổi “hợp rơ” với mình ngoài lũ con cháu chỉ mê trà sữa hay các loại nước uống nhiều màu sắc khác chứ chẳng tha thiết gì với món cà phê.

“Rảnh không, đi uống cà phê?” thực ra chỉ là một câu mời thân thiện, xã giao vì chưa chắc người mời hay người được mời biết uống cà phê mà có khi ra quán cà phê chỉ uống được… trà sữa, trà đào hay… nước trái cây.

Sang Mỹ sinh sống rồi, trừ những người già chỉ thích sống với những hoài niệm cũ, ký ức cũ như ba tôi, có khi người ta phải nhập gia tuỳ tục, thay đổi lời mời mới: “Rảnh không, chúng ta đi ăn nhé?” cho phù hợp.

Đi uống cà phê hay đi ăn thực ra đâu có gì quan trọng, quan trọng là thiện chí của người mời, người được mời và tình cảm, mối quan hệ giữa họ. Có phải vậy không?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: