Đi làm mấy thủ tục tổng kết điện, nước, ga, sưởi… cuối năm, thấy tại văn phòng tiếp dân của các hãng tiện ích này, có tủ sách cũ, với câu chú “Chớ vứt sách! Chúng tôi nhận sách và tạo điều kiện để dùng lại!”, “Hãy chuyền tay sách để khỏi quẳng nó vào thùng rác!”, “Trong khi chờ đợi, bạn có thể lấy một cuốn sách khỏi giá, nếu thích, bạn có thể mang miễn phí về nhà!”.
Xem qua, thì thấy sách trên giá có đủ loại, từ sách văn học đến trinh thám, người lớn đến trẻ em, du lịch đến nấu nướng, tiếng Hung lẫn ngoại văn, kể cả loại sách “dạy làm người”,… tức là đề tài rất phong phú dù không quá nhiều. Định xem kỹ vài cuốn nhưng không kịp vì đến lượt gọi vào, sau đó lại phải “chạy sô” tới chỗ khác cho xong những việc “hành là chính”.
Mình, trên nguyên tắc, rất thích sách và thích đọc sách, nếu sách giấy thì quý nhất cho dù vì lý do công việc, hàng ngày đọc túi bụi trên mạng. Nhà chỉ có sách và như một cái kho vì đâu cũng thấy sách, Cún hay hỏi một cách châm biếm “phải chăng Ngài ngốn hết ngần này sách?”, “Ngài có biết cuốn nào của ai ở đâu và nói về gì không?” (nó hay chọc, gọi bố là Ngài).
Câu trả lời là “không”. Nhiều quá, đọc sao xuể. Dăm bảy ngàn cuốn xếp chất đống, tìm ra thế nào được cái mình muốn. Mà nhiều khi muốn tra cứu cái gì, nhanh nhất là mò trên mạng.
Xét ra chỉ có bộ “chưởng” Kim Dung và “Tứ đại danh tác” của Tàu là đọc đi đọc lại do luôn có trong… toilet. Còn lại thì… đành vậy, chịu vậy. Nhưng vẫn phải có sách, mua sách khi thấy sách hay!
Chưa kể, một phần đáng kể là của bạn bè, người quen tặng. Không dám nói bừa là đã đọc hết và kỹ 100%, nhưng vẫn phải xem qua để “góp ý”, “lên tiếng” khi cần. Bỏ sót một cuốn sách được tặng, có thể là cả một phần đời của bạn bè, cảm thấy áy náy lắm. Nhưng ở cái thời mà lượng thông tin đổ ụp xuống đầu mỗi người như núi Thái Sơn, nhiều khi lực bất tòng tâm!
Ấy là chưa kể, thỉnh thoảng bị sức ép phải “thanh lý” dăm ba tải sách báo. Lý do thì rất hợp lý: để chật nhà, có đọc đâu, mà phải… vứt đi mới có chỗ cho sách mới chứ (ý sau này chỉ là xoa dịu), nhưng bỏ đi một cuốn là xót tận… ruột. Thường là xem đi xem lại, rồi… lén cất đi một ít, gậm giường hoặc… nóc nhà, đâu đó, phần còn lại cố kiếm chỗ tặng, biếu…, ví dụ thư viện.
Cho dù mình biết rõ, là để thư viện cũng làm gì có ai đọc? Rảnh thì tán phét, nghịch Tiktok, phây-búc, nói xấu hàng xóm,… chứ không mấy ai cầm đến sách vì “mắt kém lắm, đọc tí hoa mắt”, “nhọc”… Mình rất biết những lý do này đều có khía cạnh đúng của nó, có quá nhiều điều cần và có thể quan tâm trong thời này, không như xưa, bọn mình chỉ có sách để tiêu khiển.
Thế nên, mình đối diện với những tình huống trớ trêu liên quan tới sách một cách vui vẻ, tự trào. Có bận nhờ bạn học sinh mang giùm sách từ Việt Nam (bạn thừa cân, hỏi “thầy cần gì không?”), bạn khuyên rất chân thành “thầy xem có đồ ăn gì hay hay em mang cho, chứ sách làm gì?”. Mình đành nói khó, tuổi này không thèm ăn gì nữa, sách của tác giả tặng, …
Bận khác, vác sách rong đi các nước tặng bạn bè, có lần hẹn không được (trong Sapa) vì bạn bận, mình nảy ra ý gửi ở một nhà hàng nọ, lớn, sang, ai cũng biết. Cô lễ tân rất ngạc nhiên khi thấy mình bảo gửi quà cho bạn, mà lại là sách, cứ hỏi đi hỏi lại xem “có nhầm không anh?”. Gửi rồi mà mình cứ lo là cô ấy sẽ bực, vứt đi cho rảnh (nhưng may là cô không vứt, sách tới đích).
Thời COVID-19, một kỷ niệm với sách là để ủng hộ một dịch giả Việt Nam trong nước, về nhà từ mấy chục năm nhưng vẫn cặm cụi dịch, và dịch hay, sát ý các nhà thơ Hung, mình có vận động các bạn mua sách (*), phí gửi mình chịu một nửa. Chắc thương mình (chứ thơ ai đọc?), một số bạn cũng đặt, mình hồ hởi cám ơn, lên danh sách, tường thuật, “hoạt náo viên” các kiểu.
Sách qua Hungary thời dịch bệnh khó lắm, cách ly, khẩu trang, tiếp xúc vụng trộm để nhận, …, chuyện dài miễn kể. Có sách trong tay, đến khoản phân phối, thì rải rác, lác đác có người nhận, dù mình đã “tạo điều kiện tối đa” cho thuận tiện. Sau ba năm, nếu chị Mười (Đăng) không nhắc, mình đã quên khuấy bao tải sách gửi chỗ chị, với chữ ký đầy hy vọng của dịch giả.
Có lần, mình post chùm ảnh các tủ sách ngoài nơi công cộng, với lời “bình”: “Một nét đẹp của văn hóa đọc đại chúng ở nước bạn. Ở các bãi phơi nắng, cảnh các cá nhân hay cặp đôi nằm đọc sách cả buổi ngay trên nền bê tông nóng bỏng cũng là rất hay gặp. Trong khi đó ở ta, chắc nhiều người phải giật mình nếu bị hỏi cuốn sách đọc gần nhất là khi nào, sách gì,…”.
Đọc sách ở bãi tắm, nhiều khi hầu như… không mặc gì là nét văn hóa mình rất khoái (mà không dám thử), hầu như có thể thấy rất “đại trà” ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Croatia, nơi có mật độ các mỹ nhân cao bậc nhất của biển Adriatic.
Nhắc đến “văn hóa đọc” thời nay, vì những lý do trên, thật khó, nhưng nói gì xa, đi du lịch Cún cứ đòi vác sách đi là bị gạt lại vì “nặng lắm”.
Đành chấp nhận là thời đại say mê đọc sách và sự lễ độ với sách đã vĩnh viễn ra đi rồi. Một dịch giả có tiếng dự buổi ra mắt sách của chị Lê Minh Hà tại Hà Nội, than phiền “đi nghe giới thiệu sách mà chẳng nghe được mấy: tối thiểu 1/3 nói chuyện riêng rất to, 1/3 nghịch iphone, 1/3 còn lại đạp lên chân cẳng người bên cạnh để về sớm”, thì thấy buồn cho cả… người đọc sách!
Còn nhớ hồi Cún còn nhỏ, chữ tác chữ tộ mù tịt, nhưng vẫn có các buổi đến thư viện, có khi chỉ xem truyện tranh hoặc sinh hoạt văn hóa, nhưng các cô bảo rằng cần ăn mặc tươm tất (đơn giản thôi, sơ-mi, quần tử tế, tránh may-ô, xà lỏn) để các cháu cảm nhận được niềm hân hoan và tự hào khi tiếp xúc với sách, đến thư viện như là vào một thánh đường của tri thức…
Nghĩ mà rầu!
(*) Lý do mình nêu ra, là dù không đọc đi nữa, cứ có cuốn sách để vào tủ sách cho con cháu thấy mình cũng “văn minh”, Tây nó đến chỉ nó xem bìa có ảnh, bảo nước tao cũng đọc Petőfi, Ady, József Attila… chúng nó cũng nể mình hơn chứ, mà nể có khi mình làm ăn cũng thuận lợi hơn.