Tắt Nắng Buộc Gió   

Ảnh: Evie S./Unsplash

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay xa

(Xuân Diệu)

Với kết quả quý ba thành công vượt khỏi dự đoán, hội đồng quản trị gởi email cám ơn và mời toàn bộ nhân viên dự tiệc Giáng Sinh tại Câu Lạc Bộ P1, Munich. Đây là chốn lui tới của những nhân vật vừa có tiếng, vừa có miếng, từ sân khấu truyền hình đến sân cỏ bóng đá. Ngoài ra, hãng sẽ có một món quà rất độc đáo, đúng nghĩa dành riêng cho từng người. Tôi chẳng tưởng tượng món quà sẽ là gì. Tôi nhớ, ở hãng cũ, quà thường là cổ phiếu của hãng. Hồi đó, nếu kiên nhẫn, chờ đến lúc mệnh giá lên cao, bán đi, sẽ rủng rỉnh tí tí, đi chơi loanh quanh. Còn nóng ruột bán gấp, trong trương mục ngân hàng thay đổi chút chút. Cũng như gió vào nhà trống, niềm vui len lén đến, rồi rón rén đi, không trống, không kèn.

Gần cuối bữa tiệc, ông tổng giám đốc xuất hiện ở sân khấu, tiếng nhạc giảm nhẹ. Đèn sáng lên một chút. Ông bảo, rất hài lòng khi thấy mọi người đang vui chơi hết mình trong bữa tiệc. Ông báo cho biết, món quà đặc biệt hiện đang ở cửa ra vào. Đó là chai rượu chọn theo năm sinh của từng cá nhân. Ông nhấn mạnh từng chữ: “Vâng, năm sinh của quý vị.” Mọi người ồ lên thích thú. Chà, rượu càng cao tuổi, càng mắc tiền. Có lẽ tôi thuộc nhóm người ít ỏi cao giá có hạng trong hãng chứ phải chơi. Thiên hạ đang đứng quanh bàn phát rượu. Tôi chẳng gấp gáp. Để tuần sau, chạy lên phòng nhân sự lãnh quà cũng được.

Sheila đứng đầu hành lang, tay xách rổ mây có mấy chai rượu, tay ngoắc lia lịa:

-Hi Thi, hôm trước sao không ôm quà về? Tôi đem quà đến cho bồ đây. Which year? Sheila cao giọng.

Tôi than khổ trong bụng. Bí mật quốc phòng mà sao cô nàng oang oang vậy trời. Ai biểu làm lanh vậy. Để đó, từ từ tôi ghé qua lấy, chứ có nguội lạnh đâu. Tôi vờ cười dễ dãi:

-Any year you like! Năm nào cũng được – Thôi thì đành lập lờ đánh lận con đen vậy.

Mặt Sheila quan trọng hẳn:

-No, Your Year, please. Nhớ nhé, không phải năm nào cũng được món quà này đâu.

Tôi hết đường trốn, xuống giọng như thì thầm với người yêu:

-Sixty.

Sheila có lẽ không tưởng tượng nổi, cái “con mén” mà Sheila chăm sóc như đàn em này, lại “dám” lớn tuổi hơn Sheila, cô nàng vẫn không điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe:

-Sixty what?

Sheila ngước mắt nhìn tôi chờ câu trả lời. Có lẽ cô nàng chờ tôi thêm chữ nine sau sixty thì phải.

Tôi rủa thầm, con quỉ, sao không tế nhị gì cả, hỏi chi những điều làm… tan nát lòng tôi bằng loa phóng thanh như vậy.

-Just sixty. Vậy thôi.

Sheila nhìn tôi:

Are you kidding? Giỡn hả?

Tôi lắc đầu. Sheila cúi xuống tìm chai rượu đúng năm Canh Tý của tôi. Cô nàng có lẽ “dội”, nên không lý lắc như mọi khi mà chỉ nói một cách máy móc:

-Vui nhé.

Chẳng biết tôi có vui với chai rượu quý nhờ cao niên này không. Tôi cũng chưa biết sẽ làm gì với chai rượu… trẻ như mình. Tôi chẳng rầy rà gì khi bàn về tuổi tác giữa bạn bè người Việt. Nhưng trong công ăn việc làm, tôi rất tránh đề tài “già trẻ”. Không phải vì tôi thích có tuổi hai mươi lần thứ hai mươi. Nhưng có lẽ tôi bị nhập tâm lối đánh giá khả năng qua tuổi tác của đời sống công nghiệp Tây phương. Cuộc sống nơi đây, khó mà áp dụng những lối xử thế như kính lão đắc thọ, hoặc an ủi mình đại khái: Gừng càng già càng cay. Những lúc bạn bè đồng nghiệp tình cờ nhắc đến đề tài “khó xử”, tôi đánh trống lảng, hoặc giả mù sa mưa.

Không những thế, tôi phải gồng mình chạy theo những sinh hoạt của bạn đồng nghiệp thua tôi cả chục, chục rưỡi tuổi, của những đồng nghiệp được gọi là junges Gemüse (rau non). Là vẫn hùng dũng nhào xuống nước, chèo thuyền rafting, dầu sợ muốn vỡ mật. Là ta đây xông xáo bang bang, khi chơi trượt tuyết snow biking, dù trước đó, chưa bao giờ xỏ chân vào đôi giày trượt tuyết. Để họ không xếp tôi vào thứ hạng alter Knochen (xương già) và luôn giữ tên tôi trong danh sách sinh hoạt của những người thẳng đường thăng tiến trong xã hội, với phương châm work hard, party harder. Để tôi có thể cảm thấy mình vẫn là thành viên chủ lực của nhóm. Ông xếp lớn hãnh diện giới thiệu là nhóm người trẻ, tràn đầy năng lực và sức sống.

Năm trước, chính phủ có những thay đổi về hệ thống bảo hiểm sức khỏe. Trong tương lai, mọi người sẽ phải móc hầu bao thật sâu, để trang trải hầu hết những dịch vụ y tế. Chị tôi, lúc nào cũng làu làu thời sự, gọi điện thoại tôi năm lần bảy lượt, nhắc tôi đi bác sĩ, khám tổng quát. Chị bảo, tôi nên ra bác sĩ nhãn khoa, xin giấy làm kính. Tôi nhớ, thuở mới lớn, tôi cứ ước được cận thị. Tưởng tượng mình trông thông minh, đĩnh ngộ vô cùng với cặp mắt kính.

Đến Đức, tôi liền bỏ ngay chút thì giờ không phải vàng ngọc của mình, để gặp bác sĩ nhãn khoa. Hy vọng ông có thể “úm ba la” cho tôi đôi mục kỉnh. Bác sĩ bảo tôi đọc những hàng chữ trên tấm bảng treo sát tường, từ những chữ to như con gà cồ, cho đến những dòng li ti như bầy kiến gió. Cỡ nào tôi cũng đọc liền tù tì. Ông cố vớt vát, bảo tôi tì cằm lên dàn máy đọc thêm đôi chữ, như một cảnh trong phim James Bond 007-A License to Kill. Cuối cùng ông cười hiền lành:

-Con gái ạ. Nếu mọi người có mắt tốt như mắt con, chắc tôi thất nghiệp mất. Nhưng tôi mừng cho con. Con cũng phải biết, đấy cũng là may mắn lớn của con đấy.

Tôi biết giấc mộng “học giả” đã tàn. Mắt tôi tốt quá, cứ như mắt chim ưng, nhìn chi cũng thấy cả. Tôi lìu xìu trả lời chị:

-Em không cận thị, không viễn thị, cũng chẳng loạn thị, không lẽ xin kính mát.

-Em thử xin kính đọc sách – Chị tôi cố thuyết phục.

Đã lâu, tôi hết mơ làm trí thức với mắt kính. Tôi dần dà biết quý sự may mắn ông bác sĩ nhãn khoa đã cho tôi biết. Tôi rất hài lòng với “tài năng” của đôi cửa sổ linh hồn mình. Đứng trong xe điện chạy lúc lắc, tôi vẫn luyện chưởng ngon lành, thổn thức theo những ẩn tình rắc rối của Tiểu Long Nữ. Ngồi trong xe buýt chạy xật xừ, tôi vẫn say mê đọc truyện Dan Brown, theo dõi bước chân thám tử của giáo sư Robert Langdon. Nói chung bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, có chút ánh sáng, miễn đừng tối như đêm ba mươi, là mắt tôi rủ rê tôi thành mọt sách. Đành “vâng lệnh hiền tỉ”, tôi lấy cái hẹn với ông bác sĩ nhãn khoa gần nhà. Ông bác sĩ hỏi, không chút thân thiện:

-Mắt cô có vấn đề gì?

Tôi ngập ngừng:

-Buổi tối đọc sách lâu, mắt tôi cay xé – Tôi hơi phóng đại một chút. Thật ra mắt tôi chỉ hơi xon xót tí tẹo thôi.

Ông bác sĩ vẫn giữ vẻ mặt bình thản một cách khó ưa:

-Lúc nào cô thấy mệt mắt, thì ngưng đọc sách đi.

Tôi chưng hửng. Khuyên như ông vậy, chắc tôi cũng làm bác sĩ được. Nội khoa, ngoại khoa, khoa nào tôi cũng dư sức kiêm ráo.

-Không, thưa ông, đọc sách là một trong những sinh hoạt rất quan trọng của tôi. Tôi không thể bớt.

Ông miễn cưỡng:

-Thôi, để tôi ghi toa cho cô mắt kính nhẹ nhất.

Cầm toa ra tiệm kính, nghe anh chàng bán hàng huyên thuyên chào hàng giới thiệu. Nào là làm kính bằng nhựa, mang dễ chịu hơn bằng thủy tinh, có phản chiếu ánh sáng để lâu mỏi mắt. Nào là gọng titan cho nhẹ. Tôi chỉ mỉm cười rất ngây thơ… cụ. Rằng, tôi rất ít mang kính, chỉ dùng kính khi đêm khuya thanh vắng, không có ai. Rằng đây là cái kính đầu đời của tôi, có lẽ tôi không cần phải mang thường xuyên. Rằng, tôi không dự định có một đầu tư nào vào kính, ngoài chi phí hãng bảo hiểm thanh toán. Anh chàng vẫn vui vẻ, mời tôi đến quầy trưng những gọng kính giá “bình dân”. Tôi lựa nhanh một cái kính, mau mắn đeo lên, nhanh nhẹn rút cuốn sách trong túi ra trước mặt. Ủa, có gì khác đâu. Tôi ngạc nhiên:

-Tôi thấy cũng giống như khi không mang kính.

Anh bán hàng cố nín cười:

-Vâng, cô ạ. Cô chỉ thử gọng thôi. Xem gọng nào cô thích, chúng tôi mới lắp kính theo như thị lực của cô.

Anh bán hàng ngần ngừ tìm lời:

-Đây chỉ là miếng nhựa bình thường thôi.

Tôi vỡ lẽ ngay cho cái sự gà mờ của mình. Kỷ niệm với mắt kính đầu đời của tôi chắc cũng đủ nên chuyện tiếu lâm nho nhỏ, để anh chàng bán hàng làm quà với đồng nghiệp trong bữa ăn trưa.

Vậy mà chẳng biết tự lúc nào, cái kính trở thành vật bất ly thân của tôi. Bây giờ, tôi vẫn ham đọc sách, bất cứ khi nào, có thì giờ và có… kính “lão”.

John, trưởng phòng tài chánh, đến sau tôi. Có lẽ khi bàn giao, ông đã không để ý rõ đến tuổi tác của nhân viên. Cũng có lẽ, là xếp, ông nghĩ đám nhân viên của ông đều là những người trẻ hơn ông. Khi tôi chuẩn bị hành trang đi làm ở Kiew, John xuýt xoa, tiếc, không thể thu xếp đi cùng:

-Ở đó là quê ngoại tôi đó Thi ạ. Thế cô sẽ ở lại đâu?

-Hình như văn phòng bên đó đặt cho tôi tại Perla. Ông có biết khách sạn đó không?

-Tôi chưa nghe đến tên khách sạn này. Nhưng Thi bảo người ta đặt ở Radisson đi nhe. Khu vực quanh khách sạn Radisson trông rất đàng hoàng. Thế mấy giờ cô đến Kiew?

Tôi nhìn vào máy, tìm thư chứng nhận của công ty du lịch:

-9 giờ tối.

-Cô bảo người ta đặt chuyến bay sớm hơn đi.

Tôi rất cảm kích, thấy John lo lắng ra vẻ hàng cha chú. Cung cách chững chạc, cộng thêm ấn tượng – rửa mặt thì lâu chải đầu thì chóng – của John làm tôi yên tâm. Từ nay trong nhóm chúng tôi, tôi khỏi phải làm người cao niên nhất. Vậy mà, tôi có vui được lâu đâu. Trong lần tán chuyện, khi đứng chờ máy cà phê, John cao hứng kể. Sinh nhật tới của ông rất quan trọng, vì ông tròn tuổi. Vợ ông đã hứa, đồng ý cho ông mua xe hơi Jaguar. Tôi đang chắc mẩm là ông sắp tròn ngũ tuần. Thì ông lại tiếp:

-Không hiểu sao, nhà tôi lại bắt tôi chờ lâu thế. Chứ 40 tuổi có lẽ hơi già, đối với mấy đời xe tôi đã ngắm nghía.

Tôi thót ruột. Thôi rồi! Tôi đích thị là chai rượu cổ nhất trong nhóm.

Bạn bè tôi dẫn con đến chơi, bảo mấy đứa bé:

-Chào cô đi con.

Con trai tôi bèn đi một đường giáo dục công dân, bằng một giọng rất nghiêm chỉnh:

-Em phải gọi Mẹ anh Bê là bác, chứ không phải cô, vì Mẹ anh Bê già rồi.

Có lần, một ông bạn sắm tuồng dạy thằng cháu cưng mới năm tuổi của tôi:

-Cu Bi nói cho bác nghe, ở đây ai đẹp nhứt?

-Dì Thi của con đẹp nhứt, đẹp hơn ai hết.

-Mà đẹp làm sao?

-Dì đẹp lão nhứt nhứt.

Tội nghiệp thằng nhóc, đâu hiểu đẹp lão là sao. Cười khoái chí. Tưởng nói như vậy, dì nó mát ruột, thể nào cũng dắt đi ăn kem. Dì nó chỉ biết nhăn răng cười trừ. Tôi nghe có cái công thức kim chỉ nam của người Âu về việc tìm bạn lý tưởng. Đó là công thức chia hai cộng bảy. Có nghĩa là, ví dụ như bây giờ, có “chàng” nào ngắm nghía tôi, mà muốn xứng đôi vừa lứa theo công thức, thì chàng bắt buộc phải bát thập. Chàng phải tám mươi, thì mới đúng đáp số bài toán tình duyên thời nay mà “đẹp duyên” với tôi.

Họp xong, xếp như chợt nhớ:

-Sao? Mọi người đã ghi tên bốc thăm chưa?

Niklas láu táu:

-Xong rồi, ngay tại chỗ, ghi sớm mới được hên.

Tôi ngạc nhiên:

-Bốc thăm gì vậy.

Tania cười vui:

-Justin Timberlake concert. Mau mau ghi tên đi. Bộ Thi chưa đọc email gởi sáng nay à? Kỳ này chỉ có ít vé, nên phải bốc thăm.

À. Tôi chợt hiểu. Nhớ sáng nay có thấy email với tựa đề: Justin is coming! Tôi cứ tưởng là anh chàng Justin, đồng nghiệp mới từ châu Phi qua. Chúng tôi ở Munich, là văn phòng chính, vẫn thường tiếp đón đồng nghiệp mới. Nghĩ vậy, nên tôi chẳng vội mở thư. Thề nào rồi xếp cũng kêu ngồi lại sắp xếp thời khoá biểu, ngày giờ để ma cũ dẫn dắt ma mới. Ồ, thì ra ca sĩ Justin Timberlake. Đâu vài năm trước, khi con tôi còn ở trung học đệ nhất cấp, tôi cũng mằn mò trong tiệm nhạc tìm những dĩa Backstreet Boys, NSYNC tặng cho con.

Hồi đó, con tôi còn nhỏ, nó thích tôi cùng thưởng thức. Cho nên tôi cũng lắc lư theo Tearin’ Up My Heart, có Justin oắt tì ca giọng chính. Mấy năm qua, cậu ca sĩ trẻ này nổi lắm, vừa sự nghiệp ca hát, cùng những mối tình lớn, mối tình con. Những gì tôi biết về Justin chỉ vậy thôi, qua những lần tán dóc với mấy đứa cháu gái. Còn những khi nghe nhạc trong radio, hình như nhạc của Justin chưa hề đáp trúng tần số của tôi, nên tôi không có khái niệm cậu ta hát nhạc gì.

-Ủa, mọi người ghi tên rồi hết cả sao?

Xếp trả lời:

-Tôi thì không. Cuối tuần này tôi bận. Vả lại, để dành concert cho mấy người trẻ chứ. Xếp cười cười.

Tôi tự hỏi, xếp lãng lênh, không biết, không nhớ tuổi tác. Hay xếp xuề xoà thoải mái, đặt tôi đồng hạng với những người trẻ hơn tôi cả con giáp. Trẻ thật hay trẻ giả, mặc kệ. Cứ thử vận may cho vui. Được thì tốt, mà không được cũng chẳng sao. Ai dè, tôi hên. Nhận email chúc mừng: You are in the party. Tôi vui vui một chút, nhưng thật tình chẳng thấy hấp dẫn tí nào. Tiếc là vé không tặng cho người nhà được. Tôi gọi điện thoại con tôi, hỏi ý kiến, định đưa vé cho đồng nghiệp khác không may mắn như tôi. Nó bảo:

-Mẹ phải đi cho biết. Chớ không thôi, Mẹ tưởng Timberlake là cái hồ nào. Một cái lake gần nhiều timber thì kỳ lắm.

Con tôi còn chọc quê tôi nữa chứ.

Nhận vé xong, tôi lại vội vàng gọi lại cho con. Đặt giờ học vào buổi tối, nhờ con “bổ túc văn hoá” để đủ kiến thức mà đi… nghe nhạc. Con tôi cắt nghĩa, chủ yếu nó nói tiếng Đức. Mà chính bản thân tôi, cũng chẳng đủ vốn tiếng Việt để cắt nghĩa cho rành mạch, suôn sẻ chiều hướng ca nhạc loai choai này. Mẹ nghe này, bản Cry Me a River có vẻ pop một chút, còn những bài khác là chen lẫn vừa hiphop, vừa techno, vừa gì gì nữa. Justin ngó vậy, chớ nổi bên Mỹ. Còn Robbie Williams ở Âu châu rất có tiếng, nhưng đâu có thịnh bên Mỹ đâu. Đây, Mẹ vào YouTube nhe, coi sơ mấy cái video clips.

Con tôi đưa tôi một danh sách dài những hướng dẫn cho những người nghe nhạc Justin Timberlake thuộc loại rất sơ cấp. Buổi chiều hai cha con dẫn nhau đi phố, để nhường nhà cho tôi yên tĩnh “học thi”. Một mình ở nhà, dịp may bằng vàng. Thường, tôi chớp lấy cơ hội, nằm dài lim dim nghe nhạc thất tình tương tư. Lúc nào thấm ý, uốn éo hát theo, thoải mái, không phiền hà ai. Ô, mà hôm nay đâu có được, tôi phải ngồi vào computer, theo chỉ dẫn của con, tự “trau dồi” kiến thức cho kịp đi coi hát nữa chứ. Nghe một dọc bốn, năm top hit của ca sĩ, chẳng một nốt nhạc nào đọng lại trong trí. Giải trí kiểu này, thấy còn mệt óc hơn là chuẩn bị những bài thuyết trình, viết những bản phân tích tài chánh. Tôi ngẫm nghĩ, hình như mình đang tự hành xác mình thì phải. Nỗ lực níu xuân xanh của tôi xem ra vất vả quá.

Nghĩ ngợi vẩn vơ, tôi đâm ra ganh tị với cái mơ nhàn nhã, lãng mạn của người xưa. Hơn nửa thế kỳ trước, thi sĩ Xuân Diệu xem như táo bạo với mơ ước giữ thời gian. Bây giờ, thời buổi văn minh, cuộc sống cuốn hút mọi người chạy theo. Tôi đâu được phép dừng lại ở mơ màng màu đừng nhạt mất, hương đừng bay xa. Mà tôi phải có những nỗ lực lớn, bắt tay vào những “dự án khả thi”. Chẳng hạn như nhuộm tóc đều đặn, để dấu tiệt đi những muối lăm le lấn tiêu trên đầu. Là bỏ cả buổi chiều đẹp trời, không làm những điều mình thích, mà khổ sở loay hoay với những điều mình không thích. Rồi cũng đến giờ “đi thi”.

Trên đường đến nơi chơi nhạc, bao nhiêu là nam thanh nữ tú, cỡ tuổi con tôi. Tôi nghĩ, bây giờ mà quay về nhà thì quê quá. Rồi suốt đời, chắc chẳng bao giờ tôi đến đêm nhạc hội như vậy. Tôi mừng thấy mình hên, được ngồi đầu dãy ghế. Bên cạnh tôi là Katia, đồng nghiệp quen sơ. Chúng tôi hỏi han nhau hai ba câu lấy lệ, mà chằng hiểu gì nhiều, vì tiếng nhạc quá ồn. Tôi định bụng, khi nào nghe được một bản nhạc quen tai, tôi sẽ đứng dậy ra về. Chờ mãi vẫn là những âm thanh nhào nháo, chẳng là một giai điệu nào lọt tai. Katia đưa tay làm dấu, muốn đi ra. Tôi mừng rỡ đứng dậy, cũng ra dấu mình đi về. Trên đường ra xe điện ngầm, Katia nói:

-Tôi đi nghe nhạc hôm nay là do tò mò. Tôi không thích nhạc này. Còn Thi thì sao?

-Tôi thấy mình đã quá già cho loại nhạc này. Tôi buột miệng.

Nói xong, tự dưng tôi cảm thấy thật thoải mái. Thôi thôi, tôi sẽ không tị nạnh thi sĩ ngày xưa. Tôi hứng chí, hát nho nhỏ, em có thấy không nắng chiều rực rỡ, em có thấy không nắng đẹp còn đó*. Lát nữa về nhà, tôi sẽ kể với con tôi rằng, tôi đã quyết định đúng, đến đêm nhạc Justin Timberlake. Vì sau đêm nhạc này, tôi hiểu ra, nỗ lực tắt nắng buộc gió không đem lại niềm vui cho mình. Thời gian, không gian vẫn đầy đủ màu và hương, nếu mình làm những điều mình thích và tận hưởng cuộc sống hiện tại chung quanh mình.

* Trích lời ca trong nhạc phẩm Nắng Chiều Rực Rỡ của nhạc sĩ Phạm Duy

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: