Sắc màu trên đường Hải Thượng Lãn Ông vẫn rực rực rỡ rỡ, nhưng dường như chỉ toàn khách mua sỉ lác đác. Chợ Bà Chiểu, ngày xưa còn có tên là chợ Gia Định, ngôi chợ chính của tỉnh, 19-20 Tết mà thưa vắng. Giờ Gia Định mất tên. Tết cũng èo uột, mất mát nhiều thứ.
1.
Bảo rằng có tiền là có tất cả chưa hẳn đúng với việc ăn Tết. Dẫu rằng so với ngày xưa, trong hằng hà món ăn ngày Tết, món nào có người mua, thì vẫn thừa mứa ra đó. Cái mà ta, những người phần lớn là dĩ nông vi bản, không còn tìm lại được nữa là âm thanh trong gian bếp ngày Tết.
Chính âm thanh tạo nên không khí ăn Tết.
Trước tiên là tiếng xay lúa trong cối tre nện đất, rồi tiếng chày chà gạo trong cái cối cây. Giữa những lu bu nặng nhọc xưa có tích hợp cả một niềm hy vọng, niềm vui. Hy vọng những gì rộn ràng ba bữa ngày này là điềm cho mùa màng bội thu mùa tới. Tiếng chày là báo hiệu mùa bánh Tết. Với nhiều gia đình, hàng chục loại bánh được chuẩn bị, mà bánh của dân lúa nước thì nguyên liệu chủ không gì khác hơn là gạo và nếp.
Rồi đến tiếng dập bánh in. Có những gia đình ở miền Trung, sự kéo dài của tiếng dập bánh in là thước đo cho độ ăn Tết của gia đình sung túc như thế nào. Các loại chả, nem cũng có tiếng giã riêng, tiếng thùm thụp của chày va vào thịt, rồi tiếng bằm lưỡi dao, bằm sóng dao luân phiên nhau trên khối thịt làm nem chua, để đạt độ ma sát nhất định khiến cho miếng nem đạt cả hai yếu tố mâu thuẫn nhau: vừa dai vừa giòn – đúng lý âm dương. Mà nhà nào ba bữa ngày Tết lại thiếu thứ ấy.
Bên ngoài thiên nhiên – thứ thiên nhiên không đô thị nào có được – tiếng nhiều loài chim đặc trưng của mùa Xuân cũng đậm đặc dần lên. Nhất là chim cu.
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè
Tiếng nhạc thiên nhiên hòa quyện với tiếng động trong căn bếp của mẹ làm cho mấy người nữ quên đi cái mệt.
Việc đếm lui bắt đầu. Người ta không hỏi nhau thứ mấy, mà dùng thước đo của hăm cho đến ba mươi. Hăm ba có lẽ là cột mốc đầu tiên. Cột mốc nhớ ơn ông thần bếp, ông Táo. Các thứ âm thanh cũng theo đó mà đậm sắc màu lên. Hăm bảy hăm tám, đầu làng cuối làng ba giờ sáng rộn lên cái điệp khúc éc éc của heo bị chọc tiết. Ở những gia đình nghèo cũng là lúc nuôi lên mối hy vọng đến nhà quen nào đó có mổ heo chia lại ít ký mỡ để làm bánh tét, ít ký ba chỉ để nấu nồi thịt kho tàu. Cuối cùng là tiếng lửa củi tí tách bên nồi bánh nấu mười mấy tiếng đồng hồ. Tiếng nước sôi ùng ục suốt. Cho đến khi cuộc tôi luyện chiếc bánh tựu thành.
Âm thanh trong gian bếp ngày Tết dứt khoát không thể tìm ra. Nó chìm vào dòng cổ độ của ký ức. Thành ra miếng bánh tét, bánh chưng bây giờ thiếu đi công đoạn sinh thành mà người ta được ăn chúng ngay từ ngày đầu khi tiếng cối xay lúa kẽo kẹt những tiếng đầu tiên. Thiếu yếu tố ấy thì cũng giống như sen hưởng nguồn nhựa sống từ bùn mà quên mất thời sinh thành, tao ngộ ban sơ giữa mầm hạt trên mẹ đất.
2.
Sinh thành là cái mất đi trong những món ăn ngày Tết. Nếu chỉ là một lát cắt lịch sử của chiếc bánh khi đã tựu thành, đã đóng gói lặng lẽ thì món ấy vô hồn. Tôi dám nhắm mắt mà nói liều rằng nếu như không nghe được tiếng cối xay, tiếng chày lau bóng nếp từ gian bếp nhà Lang Liêu, chưa chắc gì Đức Hùng Vương thứ 6, khi ăn thử món bánh chưng, đã chấm giải nhất ẩm thực cho sản phẩm của thằng con thứ, theo truyền thống, vốn không được cảm tình của vua cha bằng con trưởng. Đã vậy món đoạt giải nhất trong lịch sử ẩm thực đất nước lại là món luộc – một thứ món ăn ít “son phấn” khó thuyết phục hội đồng giám khảo.
Thật khó mà tưởng tượng được rằng, nhân ba bữa đầu năm, một ông Vua lại “dám” bỏ qua những chuẩn mực cũ kỹ, tuyển chọn bậc minh quân bằng cuộc thi ẩm thực – chắc là một trong những cuộc đầu tiên ở Việt Nam bấy giờ. Và ông con thứ cũng phải là tay nghiền ngẫm nhiều về chuyện ăn, mà vốn xã hội xưa ít nhiều coi nó là dung tục, mới sáng chế ra được thứ bánh kết hợp hài hòa các sản vật địa phương: Nếp, đậu, thịt heo, màu xanh của lá, mùi thơm của lá, cọng lạt tác dụng đôi vừa buộc vừa mở… Chiếc bánh hồi đó chắc hẳn là chất lượng hơn xa loại bánh con cháu làm bây giờ, nhất là những loại bánh tạo ra bằng công thức: Thương hiệu + tay nghề kém, như bánh chưng Dz CV năm nào. Ông Lang Liêu mà còn sống thời mấy cái đầu MBA sáng chế ra công thức không tôn trọng người tiêu dùng kia chắc là đi đứt.
Từ cái sinh thành đến tựu thành là cả một quá trình. Ăn Tết hình thành trên cái nền văn hiến cả ngàn năm như thế.
Cho đến hôm ba mươi, sau khi ông bà đã về đầy đủ, không khí ngôi nhà rộn rã hẳn. Mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi, mâm cơm cúng hoàn tất. Cho đến Giao thừa. Cả nhà ngồi hàn ôn chuyện ăn uống, nấu nướng, xóm làng, kéo dài thâu đêm. Ngoài kia, lại vang vọng lên thứ âm thanh xua ma trừ quỷ đêm trừ tịch, thứ âm thanh thôi thúc những ai còn chạy vạy về nhà, như hoàn cảnh của hai con ngựa người và người ngựa của Nguyễn Công Hoan. Ngay cả không khí và âm thanh “hội thảo cả nhà” ấy giờ đây cũng bắt đầu trở nên hiếm. Nên “sang trọng” như hàng hiệu.
Nhiều quý vị dâu bây giờ nói chỉ cần vài cú click trên điện thoại di động là đã sắm sang xong cái Tết. Phần họ thong dong đi “đại tu” tấm nhan sắc…
Dẫu sao, đó cũng là mối tương quan giữa cái khiếm diện và hiện diện. Bạn khó thể đánh mất được cái khiếm diện bằng những trải nghiệm. Chính cái khiếm diện tạo ra vị ngon mà không phải ai cũng có thể thưởng thức được khi ăn một món Tết.