Tết kể chuyện xưa và nay

(Hình minh họa: Carlo Navarro/Unsplash)

Tôi đến bệnh viện lúc 6 giờ sáng khi trời chưa rựng sáng, đường đi còn tối sẫm, đèn đường còn chiếu ánh sáng màu vàng chạch trên vỉa hè, sương mù lãng đãng ở phía trước đầu xe. Quanh co một hồi cũng tới được bãi đậu xe theo biển báo chỉ dẫn lên tận tầng lầu 3 trong khu bệnh viện. Xuống cầu thang, đi bộ một quãng ngắn băng qua một con đường hẹp là đến phòng hồi sức của khoa phụ sản.

Vừa vào tới phòng, nhà tôi rơm rớm nước mắt vì xúc động khi nhìn thấy con mình nằm với vẻ mặt còn hơi mệt bên cạnh một đứa bé trai còn quấn chặt tã đang ngủ. Nhà tôi định tới gần để âu yếm đứa bé. Con gái nói ngay, chỉ nhìn thôi, bác sĩ khuyến cáo không được ẵm hay vuốt ve đứa bé cho đến khi được xuất viện về nhà. Con sanh dễ dàng và đứa bé cũng ra nhanh, “mẹ tròn con vuông.” Hai vợ chồng mừng lắm. Thấy đứa bé quấn tã hơi bó. Tôi hỏi:

– Sao quấn tã chặt quá vậy con?

– Bác sĩ dặn quấn chặt cho bé bớt khóc.

Tôi không tiện hỏi thêm nhiều vì con còn yếu và đứa bé đang ngủ say, không ngọ ngọe gì cả. Sau nầy khi xuất viện về nhà rồi mà bé cũng vẫn còn quất chặt tã như vậy cho tới hơn nữa tháng sau mới thay thế tã bằng một túi ngũ may sẵn cũng chỉ đỡ chật hơn tã một chút xíu. Đứa bé trùm túi ngủ được đặt trong nôi ngủ riêng ở trong phòng, không có dỗ ru gì cả. Tôi nghĩ đứa bé chắc là dễ chăm sóc vậy thôi.

Tôi nghe mẹ tôi kể lại lúc mới sanh ra, tôi khóc suốt mấy ngày đêm không nín nên bà Ngoại do cố Sáu bày cách là nửa đêm sang nhà hàng xóm ở cuối đường lấy trộm hình ông Cọp treo trên ngạch cửa trước nhà của họ đem về bọc vải kê dưới gối nằm để tôi bớt khóc.

Thông thường thì ở nhà quê hằng năm đến ngày mùng 3 tết mọi nhà đều cúng gà, sau khi cúng vái xong, chủ nhà đem treo cặp chân gà ở trước cửa nhà mình, đồng thời lấy xấp giấy vàng bạc mua ở các tiệm hàng xén, trong đó có một xấp giấy nhỏ màu đỏ vuông vức đem dán thành hình thoi ở các nơi trong nhà bếp như gạc-măng-giê, lu nước mưa sau hè, bồ lúa…, riêng miếng giấy màu đỏ sậm lớn hơn, hình chữ nhựt dài độ gang tay trên có vẽ hình ông Cọp màu mực đen, sau khi cúng vái xong, dùng cây nhang còn cháy đốt khoét hai vết đen trên tấm giấy làm thành đôi mắt Cọp, đem dán lên trên ngạch cửa trước nhà.

Nhưng cũng không có kết quả, tôi khóc lâu lắm gần một tháng mới thôi. Cố Sáu nói: “Nó tuổi Sửu, cầm tinh con trâu mà sanh lúc tảng sáng thì cực khổ, vất vả lắm nên nó cứ khóc hoài.”

Không phải vậy. Bác sĩ bảo vì bé quen ở trong bụng mẹ, chật cứng, nay vừa mới sanh ra, tay chân quơ quậy và tự nhiên thấy khác lạ, trống trãi không quen nên nó khóc thét lên, do đó phải lấy tã quấn chặt lại để bé quen bớt khóc. Chỉ có vậy. Khi đứa bé quen dần với môi trường bên ngoài sẽ thôi khóc.

À thì ra vậy. Chứ không có cực khổ hay vất vả gì đâu lúc mới ra đời mà biết để cứ khóc hoài.

Khi đứa bé được 6 tháng tuổi, đầu hơi bị lép phía sau. Tôi kể lại là trước đây con sanh ra cũng bị lép phía sau nên Nội luôn dặn mẹ trở đầu thường xuyên hai bên cho đều hoặc lấy khăn kê bên bị lép để cho đầu cân đối. Có thể do di truyền chăng?

Theo lịch khám định kỳ 6 tháng, bác sĩ phụ sản khoa khám cho bé và chuyển sang khu chỉnh hình. Bác sĩ giải thích đầu lép có thể do di truyền nhưng cũng có thể do lúc sanh ra, xương sọ còn mềm mà người phụ đỡ đẻ không “mát tay” nên có thể gây ra sự cố không quan trọng nầy.

Xương sọ bắt đầu định hình trong khoảng thời gian từ tháng thứ 6 đến thôi nôi. Bác sĩ chuyên khoa sau khi đo các vòng sọ đầu đứa bé, lắp đặt một cái mũ đặc biệt theo thông số kỹ thuật đội lên đầu đứa bé, có thể điều chỉnh lên, xuống, trên, dưới, phải, trái theo biểu đồ trị liệu qua từng tháng tái khám. Chỉ mở ra lau chùi bên trong ngày hai lần, còn vị chi đội luôn ngày cũng như đêm (giống như niềng răng). Chi phí hoàn tất trong 6 tháng kể cả nguyên vật liệu và tiền tái khám bác sĩ là hơn năm ngàn đô la do bảo hiểm sức khỏe đài thọ.

Sau 6 tháng, trung tâm chỉnh hình cũng làm lễ tốt nghiệp cho bé, đội mũ giấy đen vuông đúng vào dịp lễ thôi nôi (một tuổi) của bé. Đến nay, đầu đứa bé đã tròn đều và phát triển bình thường, không phải kê gối hay trở đầu gì cả.

Hôm cúng thôi nôi, con đề nghị làm đơn giản thôi. Nhưng không được. Ba còn nhớ lời Nội dặn phải cúng chè đặt tên. Trai chè nếp đậu trắng, gái chè viên trôi nước. Trai mong thi đậu còn gái mong có duyên. Chỉ vậy thôi. Có cúng vái, có lòng thành ước muốn cũng động tới trời cao.

Sau khi cúng vái xong cũng bày biện một mâm đồ, gồm một vài thứ như bút viết, ống nghe của bác sĩ, tập vở, kìm, kéo, thước đo… Mọi người đang hồi hộp ngóng xem đứa bé chạm vào món đồ nào trước, không nói ra nhưng ai cũng nghỉ và cầu mong  giống như bao nhiêu cha mẹ người Việt trước đây đã ao ước. Bất ngờ đứa nhỏ với tay ôm trái banh đồ chơi bóng rỗ. Ồ! Không sao cả, có thể lớn lên nó trở thành cầu thủ bóng rỗ nổi tiếng, giá trị còn hơn nhiều ngành nghề khác. Có tổ chức thôi nôi theo đúng tục lệ cũng vui. Tin hay không tin cũng tốt, miễn là trẻ khỏe mạnh và mau lớn là được.

Ba má tôi có hết thảy 9 người con, sanh cách đều nhau 2 năm, đứa nào sanh ở Bảo Sanh Viện hay Nhà Bảo Sanh Bác Sĩ  Trần Công Trực, Mỹ Tho thì tương đối đầu to tròn, còn đứa nào sanh ở Cai Lậy hay Cái Bè thì đầu hơi lép, nhô lên ở hai bên, tùy đứa nhiều hay ít, nhất là đứa nào sanh với bà Mụ Trừ (ở Cai Lậy) thì chắc chắn là đầu lép xẹp luôn. Cố Sáu bảo theo tướng mạo thì những đứa đầu lép như vậy sẽ làm quan lớn đội mão vuông, dễ dắt lông công dựng thẳng vút như ông Tướng (hát Bội) hoặc đội mão cánh chuồn như quan nhất phẩm triều đình. Mẹ nghe nói vậy cũng an tâm, không nghĩ quẫn và không thắc mắc để làm gì.

Sau nầy lớn lên, học hành, đọc sách báo biết thêm nhiều điều, đầu to hay nhỏ, bộ óc mỏng hay dày không thể qua đó mà đánh giá thông minh hơn hay giỏi hơn. Trong dân gian người đời thường hay ví von người ngu như bò, mà đầu bò thì đâu có nhỏ lắm.

Thật ra, lúc bấy giờ Ba đổi đi đâu thì mẹ theo và sanh con nơi đó, không có sự lựa chọn nào khác. May mắn, khi hòa bình lập lại năm 1954 Ba ổn định việc làm tại Tòa Hành Chánh Mỹ Tho nên các em sau nầy đều sanh ở Bảo Sanh Viện Mỹ Tho. Nói vậy chứ cũng có đứa tròn, đứa lép tự nhiên.

Ông cháu ngày thôi nôi. (Hình: tác giả cung cấp)

Hơn nữa khi tôi đủ lớn khôn đã có thể chỉ dạy và kèm cặp cho các em học hành giỏi giang, cũng ngộ ra được nhiều điều hay. Tôi có đứa em thứ bảy  hồi nhỏ học hành rất chậm có cố gắng kèm cặp cách nào cũng không có kết quả. Thấy tôi kiên trì và quyết tâm cao độ, Ba nói:

– Thôi thì, trẻ con có đứa nầy đứa khác, có đứa học được có đứa không. Ra đời cũng vậy, học được thì làm thầy, học không được thì làm thợ. Số mạng mỗi người mỗi khác. Có ép buộc cũng không xong. Tội nghiệp cho em đi con!

Tôi vẫn nhất định kèm cặp em cho đến khi lên được bậc Trung học. Từ đó em tự mình có thể chuyên cần và ngày càng học giỏi hơn, mặc dù lúc đó tôi đã đi xa. Em tốt nghiệp thủ khoa cấp trung học, sau đó thi đỗ vào sư phạm, ra trường thủ khoa ban Toán và hiện nay là giáo viên Toán giỏi cấp tỉnh và là giáo viên chuyên Toán trong ban soạn đề thi của huyện Cai Lậy.

Và cũng kể từ đứa em thứ năm trở đi tất cả đều tốt nghiệp Đại học, một đứa theo học Luật khoa Sài Gòn, dở dang khi chế độ cũ sụp đổ, bốn đứa em còn lại đều là các giáo viên Toán, Anh văn giỏi ở huyện Cai Lậy. Tất cả lập gia đình đều là đồng nghiệp Thầy, Cô giáo với nhau, còn đứa út tốt nghiệp Cử nhân Kinh Tế. Tất cả đều sanh ở Bảo Sanh Viện Mỹ Tho.

Còn ba anh em trai lớn trong gia đình tôi, sanh ra chỉ nhờ vào các bà Mụ vườn ở Cai Lậy, Cái Bè hay Chợ Gạo nên tất cả đều thuộc dạng đầu to hơi lép, nhưng tất cả cũng đều là quan văn, quan võ dưới thời Nguyễn Vương trị vì đất nước (1967-1975). Cố Sáu khi xưa đã nói không sai. Nói chi xa, đứa con gái đầu lòng của tôi sinh ra tại nhà của bà Mụ Phượng ở Cai Lậy năm 1989 cũng đầu lép, mẹ tôi vừa nhắc nhở nhà tôi vừa giúp trở đầu, kê khăn đủ cỡ nhưng cũng chịu lép. Đến khi qua Mỹ từ năm 4 tuổi con cũng học hành giỏi dang, một lèo cho đến khi lấy được bằng Tiến Sĩ rồi mới lập gia đình rồi sinh con ra cũng đầu lép.

Nhưng ở Việt Nam khác, ở Mỹ khác, đầu lép bác sĩ chuyên khoa ở Mỹ có phương pháp khoa học làm cho đầu tròn trở lại và phát triển bình thường. Có thể võ ngoài lép hay tròn cũng được miễn là bộ óc bên trong đầy đủ và bộ nhớ tốt là được. Nhưng dù sao làm cho đầu tròn cũng tốt đẹp hơn, nhất là con trai khi hớt tóc cao mà đầu lép cũng hơi khó coi. Ba anh em tôi chưa bao giờ mẹ cho hớt tóc cao chỉ khi vào quân trường mới chịu theo phép hớt tóc cao trụi lũi.

Để bù lại vì thiếu điều kiện khoa học kỹ thật tân tiến nên ngày xưa khi con sanh ra trong vòng 3 ngày, Ngoại ra tiệm thuốc Bắc mua một gói thuốc bột “châu sa, thần sa” màu đỏ ánh kim loại đem về xoa lên “mõ ác” đứa trẻ sơ sinh để sau nầy lớn lên đứa bé sẽ “sáng dạ.” Cho nên dù có lép nhưng được thêm thuốc vào cũng đỡ mà có đôi khi còn ngon lành hơn.

Có tiếp xúc với bác sĩ chuyên khoa phụ sản và học hỏi thêm cũng biết là có may mắn cùng không, vì tùy theo độ lép nếu phẳng lì từ đỉnh đầu tới ót mà không can thiệp chữa trị kịp thời thì khi xương sọ phát triển cũng có thể gây ra những chấn thương hay chèn ép bộ não làm phát sinh nhiều biến dạng dị thường trên cơ thể. Nghe được cũng hơi sợ.

Thật ra, mọi sự đều do duyên nghiệp của mỗi người mà hình thành nên thân tứ đại nầy cũng khác nhau huống hồ chi là đầu tròn hay lép. Có khi tưởng là khuyết ở mặt nầy, nhưng lại đầy ở mặt khác, Trời không cho ai đầy đủ trọn vẹn cả, cũng như không lấy đi của ai bất cứ điều gì mà không có bù trừ. “Sanh dưỡng đạo đồng,” tùy theo cơ duyên trong gia đình cha mẹ, anh em, cũng như duyên lành trong mối tiếp xúc ngoài xã hội mà hình thành nên nhân cách của một con người.

Tôi có một anh bạn học chung lớp có cái đầu thật to, tóc bờm, vai u, thịt bắp, tướng tá thô kệch, khi ra trường được bổ đi làm Phó Quận Trưởng Phú Túc, Phú Bổn, nhân viên trong quận to nhỏ thì thầm với nhau ông Phó chắc “gốc ruộng.” Nghe được, bạn tôi nói toẹt ra là gốc ruộng không làm phó quận được à.

Tựu trung lại, con người dù ở trong hoàn cảnh nào cũng cần phấn đấu và tu dưỡng đạo đức thường xuyên để dù cho có khiếm khuyết mặt nầy hay mặt khác cũng tránh được những biến đổi trên diện mạo nhất là trong tâm tính. Biết đâu được, lúc trước hiền lành nhân hậu biết bao nhiêu nhưng sau nầy lại đổi khác. Cho nên ngoài việc học hành đàng hoàng có giáo dục tốt cũng cần phải luôn khiêm cung, cầu đạo hạnh mới mong có được một cuộc sống hài hòa và an nhiên tự tại trong cõi trần gian nầy vốn có muôn vàn biến đổi khôn lường.

(Tiết Đại Hàn, 2025)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: