Thị trấn biên thùy – Những đứa trẻ trong chiến tranh

Minh họa: gregory-hayes-unsplash

Khi cùng các bạn chạy nhảy trong sân nhà thờ, tôi bị trượt ngã, trật khớp vai trái, bố phải đưa lên Lạng Sơn để tìm thầy lang chữa khớp và đắp thuốc vì lúc đó khó kiếm được bác sĩ Tây y. Sau khi được ông trùm Càn (hay lang Hanh?), một thầy lang nổi tiếng, và cũng là một chức sắc trong nhà thờ băng bó và cho thuốc, chúng tôi đi thăm những người quen biết trong tỉnh.

Trước hết ba tôi đến vấn an các vị giám mục tại Tòa giám mục Lạng Sơn. Thật là diễm phúc khi được diện kiến và “hôn nhẫn” các Đức cha người Pháp, Đức cha Minh già có khuôn mặt tròn trịa với bộ râu rất đẹp, da dẻ hồng hào và trông rất hiền lành, tốt bụng. Giám mục trẻ Jacque/Mỹ gầy hơn, người cân đối, khuôn mặt giống như một vị thánh mà tôi từng thấy trong các sách tôn giáo.

Tôi cảm thấy rất vinh dự vì ít khi các trẻ nhỏ như tôi có được cơ hội nhận phước lành đặc biệt như vậy. Sau này, Đức cha Minh gốc người Quebec, Canada, quá vãng, và được mai táng tại nghĩa trang Cửa Nam Lạng Sơn. Riêng Đức cha Mỹ/Jacque thuộc dòng Đa Minh Lyon, Pháp, năm 1954 ngài bị chính quyền Cộng sản trụ̣c xuất vào miền Nam, và cư trú tại Tòa giám mục Long Xuyên cùng Đức cha Nguyễn Khắc Ngữ, rồi năm 1975, một lần nữa ngài bị trục xuất và qua đời tại Pháp quốc.

Chúng tôi cũng đến thăm gia đình Đông Lai có tiệm thuốc lào nổi tiếng tại khu nhà ga xe lửa Lạng Sơn. Điều tôi thích nhất là được anh Lâm, con trai của họ, đưa đi chơi quanh thành phố và được chiêu đãi đủ món ăn ngon. Xúc động nhất là khi anh đưa tôi vào tận sân ga, nơi tôi có thể đến thật gần, thậm chí chạm tay vào được các bộ phận của đầu máy xe lửa to lớn. Đây là một cảm nghiệm nhớ đời cho một cậu bé nhà quê, và tôi có thể khoe khoang với chúng bạn “quê mùa” khi trở lại thị trấn biên giới nhỏ bé.

Anh Lâm khi còn nhỏ là một đứa trẻ tinh nghịch và bướng bỉnh, nhưng khi lớn lên, anh trở nên điềm tĩnh hơn. Khi di cư vào Nam, anh kết hôn với chị Dung, con gái lớn của ông Mẫn và mở lại tiệm thuốc lào Đông Lai, là thương hiệu của gia đình ông tại thành phố Nha Trang. Tôi đã đến thăm họ một lần vào năm 1969 khi còn đóng quân tại Nha Trang, rất vui khi biết họ làm ăn rất khá giả.

Phần gia đình ông Mẫn, khi còn ở Lộc Bình, ngụ tại một căn nhà hai gian đối diện chợ, ông bà là gốc người dân tộc Tày, rất hiền lành, chất phác. Có một thời, ông Mẫn, ông Phó Kỳ đã cùng đá bóng chung với ba tôi trong hội bóng AJ của người Pháp tại thành phố Lạng Sơn.

Những ai biết đến ông đều phải cảm phục rằng ông là một người có nhiều tài năng thiên phú, ông có thể biến chế một đống sắt vụn thành những vật dụng hữu ích hay những dụng cụ cần thiết trong gia đình như đục, cưa, cuốc, xẻng. …, đặc biệt nhất là năm 1969, khi con trai ông là Trực, bạn tôi, bị thương trong trận Tết mậu Thân, tê liệt nửa người, nên ông đã tự biến chế ra một chiếc xe lăn chạy bằng pin, cùng những dụng cụ tập luyện “therapy” tại nhà. Ai được biết cũng rất cảm phục.

Tuy rất thông minh, và năng động nhưng cuộc đời của ông luôn bị xáo trộn, gặp nhiều nghịch cảnh, và bất hạnh. Nhiều sáng kiến quý giá của ông bị người khác cướp đoạt, trục lợi nhưng ông không bao giờ kêu than, hoặc oán trách. Sau này khi di cư vào Nam, các con ông đều có cuộc sống tốt đẹp hơn vì tài giỏi hơn người, anh Trung là con trưởng, sau này là Đại úy trong quân đội Cộng hòa, đã có thời làm tới chức quận trưởng. Chị Dung rất khôn ngoan, còn Trực bằng tuổi tôi, khi còn nhỏ thích la cà chơi đùa với lũ trẻ thị trấn nên chúng tôi rất thân nhau.

Lúc bấy giờ, tình hình luôn bất ổn, nhiều việc bất ngờ có thể phát sinh nên hầu như nhà nào cũng chuẩn bị lương khô, thường là một nắm gạo với muối vừng, lạc rang muối và vài cục đường nâu, gia đình nào khá giả thì có thêm món thịt chà bông hay ruốc. Ngày đó, tôi thường thích ăn chung bữa với gia đình Trực, vì nhà bạn ấy hay mang những viên đường nâu ngọt ngào mà tôi rất ghiền.

Mấy chục năm sau, thật xót xa khi biết tin anh đột ngột qua đời trong ngày lễ cưới. Do quá bị xúc động trước sự việc đau lòng, cha anh, ông Mẫn, và em gái là cô Ngân đã lên cơn đau tim, và qua đời sau ít ngày. Đây là một sự kiện đau đớn, và xót xa nhất cho một gia đình có tới ba đại tang chỉ trong một tuần lễ.

Tôi còn nhớ và cũng như được nghe kể lại rằng, năm 1953, khi quân Pháp nhảy dù xuống Lộc Bình, Lạng Sơn, lúc đó Bác Nhắc tôi là thị trưởng thành phố nên đã bị quân đội Pháp bắt, bà ngoại tôi đã phải đi cầu cứu với các đức giám mục nhờ can thiệp cho đến khi bác được thả ra. Sau khi thua trận tại Điện Biên Phủ, quân đội Pháp rút khỏi Lạng Sơn, bác lại bị Cộng sản vu cáo là theo Tây nên đã phải dẫn gia đình trốn chạy vào Nam.

Những ngày này, khi thấy máy bay bắn phá và lính Tây nhẩy dù, người dân cuống cuồng sợ hãi bị “Tây càn”, các cán bộ tỉnh và dân quân đều nhanh chân chạy trốn vào rừng. Bố tôi và ông Mẫn đã phải dẫn dắt các thanh niên, phụ nữ và trẻ em, đến lánh nạn tại nhà xứ Lộc Bình.

Nhà xứ Lộc Bình gồm ba gian xây theo hình chữ U, gian bên phải rộng nhất, dùng làm trường học cho con em các cấp học chung với nhau do các nữ tu: Khiêm, Vâng, An và thầy Phẩm, một nam tu sĩ trẻ coi sóc; gian giữa là nhà khách và nhà bếp; bên trái là phòng ngủ và thư viện của cha xứ.

Cha Toàn là một người đàn ông khá to lớn, dáng vẻ của người Tây phương, sống mũi cao và làn da mịn màng với những đốm tàn nhang, trông rất lịch lãm, cha đã rửa tội cho tôi nên thương tôi như một đứa con đỡ đầu.

Nhà xứ tọa lạc trên một ngọn đồi trong khuôn viên nhà thờ, đối diện với cổng vào nhà thờ, hai bên có bậc tam cấp dẫn lên, sườn đồi thoai thoải trồng rau lang, nơi chúng tôi thường mót khoai lang sót lại sau mùa thu hoạch, đem nướng trong những chiếc lò đất nung nhỏ tự chế ngoài vườn trong những giờ ra chơi, cùng nhau chia sẻ những miếng khoai lang đậm đà của một thời tuổi thơ khó quên.

Đứng trên đồi, mỗi lần thấy một chiếc dù từ từ hạ xuống xung quanh thành phố, lũ trẻ chúng tôi reo hò sung sướng khiến người lớn sợ hãi, vì đã được nghe nhiều lời đồn đại về sự tàn ác của bọn lính lê dương “rạch mặt” nên các bậc cha mẹ đã phải vất vả giữ cho bọn trẻ khỏi làm ồn ào. Thất vọng, lũ trẻ túm tụm lại một góc sân thì thầm, cười khúc khích và tranh nhau thức ăn.

Những chiếc máy bay nhào lượn gần như cả ngày để thả dù; ban đêm lính Lê dương soi đèn pin lục soát khắp nơi khiến ai cũng nơm nớp lo sợ. Sáng sớm hôm sau, cha Toàn dâng lễ tại nhà xứ thay vì xuống nhà thờ dưới chân đồi. Thánh lễ vừa kết thúc, nhiều người bỗng la lên hoảng hốt, đám trẻ con nép sau lưng bố mệ, tròn mắt thắc mắc lấm lét lo âu, không hiểu được điều gì đang xẩy ra.

Nhìn ra sườn đồi, một toán lính lê dương đang cẩn thận, chậm chạp tiến lên đồi với vũ khí trong tư thế sẵn sàng. Cha Toàn vẫn còn mặc áo lễ, trấn an mọi người là phải bình tĩnh, và cầu nguyện, ông ra lệnh cho các nam thanh niên phải lánh mặt, đừng để bị nhìn thấy, rồi nắm lấy tay tôi thong thả bước xuống những nấc thang, khi thấy chúng tôi đang đi xuống, người chỉ huy ra dấu cho ngừng lại ở bậc thang lớn nơi lưng chừng đồi.

Cha Toàn la lớn lên bằng tiếng Latin hoặc tiếng Pháp, người chỉ huy có vẻ ngập ngừng, vài phút sau, một mình ông ta từ từ tiến lại gần chúng tôi. Nắm chặt tay cha, tôi đứng im nghe họ đối đáp mà chẳng hiểu gì, chỉ thấy hai người cười nói rồi bắt tay nhau, bỗng anh lính Tây cao to đó quỳ một gối xuống, xoa đầu tôi nháy mắt, nói gì đó rồi rút ra từ túi trước một thanh sôcôla, và đưa cho tôi. Tôi sững sờ, lạnh cóng, không biết phản ứng thế nào cho đến khi cha Toàn bảo tôi nói lời cảm ơn, viên chỉ huy cười lớn, đứng dậy bước xuống đồi, rồi ra lệnh cho toán quân rút khỏi khu vực nhà thờ, và họ tản ra, biến mất dọc theo hai bên đường phố.

Sự kiện này khiến cha Toàn bị Cộng sản bắt sau khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ vài tháng sau đó. Do áp lực của giáo dân và chính quyền Pháp, cha Toàn được trả tự do và hướng dẫn giáo dân di cư vào Nam. Bố tôi, ông Mẫn, bác Páo và nhiều người khác cũng bị đưa ra xét xử nhưng đều trốn thoát.

Còn lũ trẻ chúng tôi, những tâm hồn non nớt, ngây thơ, luôn bị cuốn chìm trong khói lửa chiến tranh tàn khốc, luôn cùng cha mẹ của chúng phải đối mặt với bao bất hạnh, hiểm nguy, nghèo đói, nhưng vẫn luôn vui sống một cách hồn nhiên trong thế giới của tuổi thơ mộng mơ, đó là những điều thật kỳ lạ mà khó ai giải lý được cho thỏa đáng, và có lẽ đều phải tin rằng chúng đã được núp dưới bóng nhân từ và độ lượng của Đấng Tối Cao, Chúa của tình yêu bao la vô bờ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: