Thời gian…!

Ảnh: Aron Visuals/Unsplash

Thời gian ngựa chạy tên bay

Hết trưa lại tối, hết ngày lại đêm…

Câu ca dao trên trong một bài gồm những câu ca dao tục ngữ rất dài, tôi đã được học từ tiểu học đến nay vẫn nhớ như in. Có ai níu được thời gian! Níu lại những khoảnh khắc ấm áp, hạnh phúc, hay níu lấy thời gian mang lại cho ta sự vinh quang trong đời. Sự qua đi của thời gian luôn để lại dấu ấn trong ký ức đời người, những chiếc bóng thời gian chứa đựng hạnh phúc hay đau khổ. Thời gian vẫn vô tình qua đi…

Những ngày xuân qua thật mau, không biết từ khi nào ý thức về thời gian luôn rõ ràng trong tôi như nhắc nhở, có phải từ những được mất, tiếc nuối trong cuộc đời, khi tuổi xuân qua đi, ta níu lấy thời gian. Chờ tôi với…!

Tết cả nhà sum họp, chị em các cháu ở xa về, nhà ba đúng là vui như Tết. Chị Lài nói:

– Mấy bữa nay chị không ngủ được.

– Sao vậy chị?

– Mong Tết! Chị trả lời hồn nhiên như trẻ thơ. Tôi bật cười:

– Vậy là chị muốn tiền lì xì đúng không? Chị cười hiền:

– Có mô!

Tôi choàng tay ôm tròn chị, chị nhỏ xíu, lọt thỏm trong vòng tay ôm của tôi. Trời trước Tết lạnh, chị bịnh tới nay mới bớt. Có phải một mình chị với ba nên cứ đơn giản qua bữa, hay nỗi cô đơn lẻ loi, lâu dần chị quên đi bản thân.

Ba đã 87 tuổi mà coi chừng khỏe hơn chị. Ba không còn nghe được, muốn nói chuyện với Ba  phải viết giấy. Ba lăng xăng cả ngày, tôi về cận Tết, nghe chị kể, Ba ra nghĩa trang, làm cỏ, quét vôi mộ mẹ cho mới, rồi mộ ông bà nội, tôi thấy cái cuốc lưỡi bầu Ba dựng ở sau nhà. Tánh Ba kỹ nên việc gì cũng tự làm lấy mới yên tâm.

*****

Mồng một Tết, Ba ở nhà cho con cháu chúc Tết. Qua mồng hai, Ba với chiếc xe đạp đi chúc Tết bà con chòm xóm, về khoe đã thăm hết mấy dì, bà con có, bạn bè của Ba, Mẹ có. Mấy dì đã ngang tầm tuổi Ba, không còn ra ngoài được. Ba cứ như chàng trai năm nào, áo sơ mi trắng đóng thùng, đạp xe đến nhà các nàng thăm hỏi. Nhìn Ba mệt mỏi khi cố làm cho tròn lễ nghĩa, nhưng trong ánh mắt già nua ánh lên một niềm vui. Tôi lại thì thầm như van xin “Thời gian ơi! Chầm chậm thôi, cho Ba, cho chị như cội mai già còn mãi, để cho tôi còn Tết quê mà về”.

Về quê, đường quê, chợ quê, đó là một ký ức dài của tuổi trẻ, gặp được anh em, bạn bè thật vui, thật trân quý. Thời gian không bao giờ quay lại, cuộc sống vô thường, hai từ “còn và mất” đều ở ngoài tầm với.

Ba ngày Tết qua mau. Hôm cuối, mai trở lại Sài Gòn. Trong tôi nôn nao một nỗi buồn… Mấy chị em, có cả anh trai. Ngồi dưới gốc cây xoài già, tán của nó vươn gần hết khoảng sân rộng, gốc lớn, một vài nhánh rễ sần sùi phơi mình trên nền đất pha cát, mòn đi sau những trận mưa lớn. Chuyện ngày xưa, mấy chị em tranh nhau kể, tôi ngồi lặng yên lắng nghe… Từng chuyện, từng chuyện, có những chuyện tôi nén vào trong tiếng thở dài, thế sự thay đổi… Sau năm 1975, Ba đi xa, Mẹ bỏ nghề nội trợ bươn chải nuôi con chưa kịp lớn. Chị phải nghỉ học phụ mẹ chạy chợ lo cho gia đình. Hè đến chị em tôi đủ việc, nào là chặt mía, làm thuê, mót rau mụt, những củ khoai lang người ta đào còn sót lại lên mầm sau mỗi mùa vụ, về bó lại sáng mai đem ra chợ bán. Cuộc sống đắp đổi qua ngày.

Lan! Cô em gái kế tôi, giỏi nhất nhà, buôn bán lanh lẹ, chợt lên tiếng:

– Lan nhớ… Hồi đó! Đi mót rau mụt về bán, mua được đôi dép mới, chị Yến với Lan giành nhau, rút cuộc Lan bị đòn. Tôi bất ngờ quay sang hỏi:

– Có chuyện đó sao?

Tôi không mảy may ấn tượng về đôi dép, chuyện gì cũng nhớ, sao chuyện này không nhớ! Chị em gái hơn nhau một hai tuổi thường xài đồ chung, lúc đó chừng mười mấy tuổi. Những đứa trẻ trong thời cuộc thay đổi, đói ăn ốm nhom, áo lá còn chưa biết mặc. Lan vanh vách kể…! Nếu có điều đó chị xin lỗi em gái, chắc là em buồn lắm. Giai đoạn cuộc sống khó khăn, tôi không khái niệm cái gì là của mình. Tôi chợt buồn suy nghĩ “Trong cuộc đời đã bao lần ta làm buồn lòng ai đó, cho dù vô tình cũng là điều đáng tiếc, sự tổn thương như vết sẹo còn mãi, thời gian không cho ta sửa sai”.

*****

Tôi nghe như nuốt từng chuyện chị em mình kể, từng lớp thời gian được lật qua, vui buồn kể mãi không hết. Ngước nhìn đêm mông lung tôi thì thầm: “Cho tôi gởi vào đêm mảng tối của cuộc đời, xin giữ lại yêu thương, dù thời gian có trôi về điểm tận cùng, xin tình thân mãi luôn ấm áp trong lòng chị em chúng tôi”. Sương đêm thấm lạnh, gió làm cho khí trời lạnh hơn. Cây xoài tán lá rộng, gió thổi tạo nên âm thanh lùa qua từng lớp lá hòa vào đêm tĩnh mịt, âm thanh, mùi vị của đêm ở lại trong ký ức tôi một nỗi nhớ khiến tôi luôn muốn tìm về. Quê Hương!

Mọi người vô nhà, trải chiếc chiếu giữa nhà. Mấy chị em ngồi tựa lưng vào vách tường lặng yên, không ai buồn đi ngủ, đêm nay như dài hơn, ngày mai mỗi người lại bước đi trên con đường riêng của mình, trả lại cho Ba, cho chị sự tĩnh lặng, và tiếng gió rít qua mái tôn cũ sau chái nhà quen thuộc.

Hồi chiều sau bữa cơm, chị đi tới đi lui lo gói quà cho đứa này, đứa kia dặn dò đủ chuyện như mẹ ngày xưa… Ba ngồi trầm mặc nhìn con cháu bên tách trà đã nguội từ lúc nào.

Đêm lặng yên, chỉ có tiếng thời gian tí tách phát ra từ chiếc đồng hồ cổ của Ba!

Sài Gòn. Tháng 1/22

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: