Tuổi nào em đã biết yêu

Ảnh: pexels-ion-photography
Share:

Nếu có ai hỏi khi nào tôi bắt đầu nghĩ về Tình Yêu, tôi sẽ trả lời từ lúc mười một tuổi! Một gương mặt cương nghị rám nắng bởi phong sương, một ánh mắt vương buồn, một giọng hát trầm trầm du dương, một bài tình ca da diết xé lòng khóc thương cho mối tình tuyệt vọng…, tất cả đều có thể khiến tâm hồn tôi lao xao dậy sóng. Hơn nửa thế kỷ sau, mối rung động ấy vẫn còn trinh nguyên, vẫn cồn cào như lần đầu được nghe và thấu cảm. Vậy có đúng tôi đã nhận thức về Tình Yêu ngay từ giây phút mà tôi có thể cảm nhận sự rung động từ lời thơ tiếng hát cất lên?

1/-

Cứ mỗi lần nghe có người hát bài Màu Tím Hoa Sim do nhạc sĩ Dzũng Chinh sáng tác dựa theo bài thơ cùng tên của thi sĩ Hữu Loan là trong đầu tôi lại nghĩ về một bài hát khác của ông, bài hát đã “ám ảnh” và theo tôi từ hơn nửa thế kỷ nay không rời:

Vì tình yêu chưa tha thiết với người

Dòng đời ly tan không hết cơn nguôi

Trách chi kiếp người vì cuộc sống trăm đường

Xa mặt cách lòng là chuyện đời hư không…

Nói lên tiếng lòng của một kẻ si tình

Suốt đời ôm hận vì một người không yêu

(Hai Màu Hoa, Dzũng Chinh & Bùi Tuấn Anh)

Lần đầu tiên mà cũng là lần duy nhất tôi được nghe “chú lính” hát, nay hơn nửa thế kỷ, tôi chưa hề nghe người thứ nhì nào hát nữa, ngoại trừ… chính tôi – vẫn thường xuyên khe khẽ ngân nga những lúc một mình. Lời tình ca bật ra từ vô thức dù tôi không phải lúc nào cũng nghĩ đến. Thật vậy, tôi rất ngạc nhiên là không nghe ca sĩ hay bất cứ công chúng trình bày ở bất cứ nơi nào: Radio, tivi, băng dĩa, liveshow, karaoke… Đến nỗi tôi nghi ngờ bài này chắc ai khác sáng tác mà “chú lính” nhớ lầm là của nhạc sĩ Dzũng Chinh. Rồi tôi còn giả định hay chính “chú lính” viết mà ngại ngùng không dám nhận cũng không chừng. Chỉ mới gần đây tôi đem điều thắc mắc này kể cho cô cháu thì mới phát giác đúng bài hát này do nhạc sĩ Dzũng Chinh sáng tác phổ theo thơ thi sĩ Bùi Tuấn Anh. Mừng quá, tìm trên YouTube, thấy có bốn ca sĩ nổi tiếng thu âm trên băng dĩa thật sự.

Ảnh: pexels-julia-volk

Rồi tôi bắt đầu tìm đọc vài bài báo hiếm hoi viết về nhạc sĩ Chuẩn úy Nguyễn Bá Chính tài hoa yểu mệnh này, kể lại khá chi tiết trường hợp ông tử trận, số phận muốn rằng ông ngã xuống trên ngọn đồi hoa sim tương tự như bản nhạc đã làm nên tên tuổi ông. Ngoài Màu Tím Hoa Sim, ông còn sáng tác một bài cũng nổi danh không kém là Tha La Xóm Đạo, phổ theo thơ Vũ Anh Khanh. Và vài bài khác nữa như Lời Tạ Từ, Hai Màu Hoa… A, ít ra bây giờ tôi có thể an ủi là Hai Màu Hoa của tôi được nhắc tới chứ không hoàn toàn bị thờ ơ, bỏ quên.

Có ít nhất tám nhạc phẩm được cảm tác từ bài thơ Màu Tím Hoa Sim ở miền Nam nhưng được phổ biến yêu chuộng nhiều hơn cả là bài do nhạc sĩ Dzũng Chinh soạn từ những năm 1960. Có thể nói không ai là không biết, không hát qua. Nhưng với tôi, Hai Màu Hoa mới chính là bài đã khắc ghi dấu ấn trong tâm hồn tôi mãi mãi không nhòa phai. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến thì cảm xúc vẫn choáng ngập ứ tràn không hề vơi cạn chút nào.

2/-

Vào thập niên 1960, thỉnh thoảng có những chiếc GMC, Jeep chở các tiểu đoàn, trung đoàn lính thuộc quân chủng Bộ Binh hay Thủy Quân Lục Chiến đến xóm tôi, xin vào đóng quân rải rác trong sân nhà dân, dựng căn cứ tạm để chuẩn bị các cuộc hành quân vào vùng hẻo lánh xa xôi hơn mà Cộng quân thường về quấy phá. Tùy theo diện tích mỗi căn nhà rộng hẹp mà chia từ vài người cho đến hơn chục người.

Xóm tôi nằm ở một quận ngoại thành cách tỉnh lỵ bảy cây số, thuộc miền Tây Nam đất nước. Thời ấy dân cư thưa thớt, mỗi nhà cách nhau một cái sân rộng được bao bọc bởi hàng rào dâm bụt. Trong sân nhà tôi có trồng vài cây xoài, dừa, me, chuối, lý, ổi. Ngoài ra Ngoại tôi còn trồng cây nhành nhành hoa trắng tỏa hương thơm ngát, nhất là những đêm trăng sáng thơ mộng. Cây hoa giấy đặc biệt cho hai màu tím trắng trên cùng một chùm. Nhiều nhánh dây tơ hồng cho đóa hoa nho nhỏ đỏ thắm quấn quít quanh bụi ti-gôn hoa hồng mang hình dáng trái tim khiến ai cũng trầm trồ khen.

Ba mẹ chị em chúng tôi cùng sống với ông bà Ngoại. Hai căn nhà thông nhau chung vách khang trang rộng rãi, nên bất cứ đơn vị nào đến đều xin đặt ban tham mưu (hay bộ chỉ huy). Các sĩ quan từ cấp bậc úy, tá mà tôi gọi tất cả bằng Bác, Chú, Cậu. Lúc ấy tôi hãy còn là cô bé sáu, bảy tuổi thích chạy chân đất để trèo cây hái trái, chơi cút bắt trốn tìm. Một lần có đơn vị gồm vài cố vấn Mỹ cùng tham chiến, cũng giăng võng giữa các gốc cây hoặc dựng lều ngủ ngoài sân.

Có đơn vị đóng quân ở xóm tôi vài tháng, hoặc một, hai năm rồi chuyển đi vùng khác cho đơn vị mới thay vào. Họ hành quân liên tiếp, chỉ về nghỉ ngơi vài hôm để bổ sung quân hay gì đó mà chúng tôi không biết nhiều lắm vì là bí mật quân sự. Các Bác, Chú từ sĩ quan đến binh lính đều nhã nhặn lịch sự, thân thiện hòa đồng với dân, nhất là với lũ trẻ chúng tôi. Đặc biệt các chú Thủy Quân Lục Chiến, ai cũng cao ráo, đẹp trai trong bộ quân phục rằn ri lá cây rừng nên trông càng oai phong, đa tình lạ.

Tôi nhớ hình ảnh ba bốn chú xúm xít đứng dựa vào thành lan can quan sát tôi đang cùng cô em gái ngồi chơi bán hàng ở hiên nhà, cười cười nói nhỏ gì đó với nhau rồi tiếp tục nhìn tôi thêm hồi lâu khiến tôi mắc cỡ quá chừng, biết là họ nói về mình chứ chẳng ai khác. Bây giờ nghĩ lại, nếu lúc ấy tôi lớn thêm vài tuổi thành thiếu nữ, chắc chắn đã nảy sinh một chuyện tình thơ mộng với một trong những chàng Thủy Quân Lục Chiến ấy rồi không chừng!

Lúc nghỉ ngơi giữa những trận hành quân nguy hiểm, các chú sĩ quan và các chú lính trẻ chờ chúng tôi học bài xong, buổi trưa hoặc tối rảnh rỗi vào nhà kể chuyện vui, hát các bài nhạc đang thịnh hành. Nhiều người quê quán tận miền Trung, hoặc Sài Gòn. Chúng tôi rất thích nghe cách phát âm của họ, giọng Bắc nhẹ nhàng truyền cảm, giọng Huế du dương trầm bổng, giọng Sài Gòn quí phái. Như còn văng vẳng bên tai tôi những bài ca thấm đượm tình dân quân cá nước lẫn tình yêu quê hương:

Này chàng từ hậu phương hay biên cương/ Nơi đây chàng đến áo vương bụi đườngMột lời đẹp tình xin trao cho nhau/ Tuy tôi chưa biết hỡi chàng là ai…

(Chàng Là Ai, Nguyễn Hữu Thiết)

Chiều nay có phải anh ra miền Trung/ Về thăm quê Mẹ, chờ em về cùng/ Rồi ta sẽ đi chung chuyến tàu/ Về bến sông Hương núi Ngự/ Để nhìn trăng soi cuối thôn…

(Quen Nhau Trên Đường Về, Thăng Long)

Lời bài hát có lẽ cũng là tâm trạng của các chú nên dù không có tiếng đệm đàn vẫn truyền cảm ngọt ngào. Nhờ nghe các chú hát thường xuyên nên chị em tôi cũng bước vào thế giới âm nhạc từ rất sớm, thưởng thức nhiều bản tình ca tuyệt vời. Thời gian trôi dần… Chị hai tôi trở thành cô thiếu nữ mười sáu, nét đẹp thùy mị đoan trang hiển hiện trên gương mặt với đôi môi đỏ mọng, tóc dài tha thướt… nên được các chú thay phiên tặng nhạc, thơ, tiểu thuyết. Tôi cũng lớn thêm một, hai tuổi, chỉ chơi bán hàng những lúc các chú bận hành quân vì ngại bị trêu ghẹo là lớn còn chơi trò con nít. Tôi bắt đầu đọc ké những quyển truyện tình mà chị hai được tặng dù chưa hiểu hết ý nghĩa, nhưng chúng như nam châm luôn thu hút tâm hồn tôi khám phá miền đất lạ.

Trong số tặng phẩm, có bản nhạc Chiều của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phỏng thơ thi sĩ Hồ Dzếnh, với hình bìa vẽ thiếu nữ mặc áo dài, tà áo vờn bay theo gió nhìn từ sau lưng, mái tóc đen huyền óng ả ôm chiếc eo thon, một cánh tay khẽ vịn vào vành nón lá đội nghiêng nghiêng. Ai nhìn thấy bức tranh ấy đều ngắm nghía say mê rồi chắc lưỡi tấm tắc khen: Ô đẹp làm sao thiếu nữ Việt Nam với tà áo dài quyến rũ!

Đời lính gian khổ, giữa Sống và Chết là đường ranh trừu tượng, một cái bay vèo của viên đạn từ họng súng ẩn giấu đâu đó, một tiếng nổ của quả lựu đạn chưa kịp ý thức nó đến từ đâu là có thể kết thúc một cuộc đời. Bởi thế linh tính của họ vô cùng bén nhạy, có thể cảm nhận bất trắc sắp xảy đến một cách lạ thường. Như câu chuyện sau mà tôi nhớ rất rõ, ngay cả gương mặt hình dáng người lính bộ binh ấy. Chú rất hiền lành, những lúc không hành quân chú chỉ lẩn quẩn ở nhà chơi đùa với chúng tôi, xem má như người chị cả nên tâm sự chuyện riêng tư. Rằng quê chú ở một tỉnh miền Trung nào đó tôi không nhớ; chú chưa vợ, chỉ mới có người yêu; chỉ còn vài tuần nữa là mãn hạn ba năm quân ngũ…

Chú đếm thời gian, hớn hở khoe với má tôi:

-Chị hai ơi, em còn (bao nhiêu ngày) nữa là giải ngũ rồi. Em còn… ngày nữa thôi, em nôn nóng gặp ba mẹ và người yêu em lắm. Chờ em về là tụi em cưới nhau.

Chú trừ bớt số ngày còn ở lại đơn vị. Má tôi chúc mừng chú sắp đoàn viên gia đình. Thế rồi chỉ còn vài hôm chú xuất ngũ thì có lịnh hành quân bất ngờ. Đây là lần hành quân chót mà chú không thể từ chối được. Chú dàu dàu, nói với má:

-Chị hai ơi, những lần chuẩn bị hành quân trước em thấy bình thường không hề lo sợ, nhưng lần này em thấy bất an kỳ lạ. Em có linh tính khó toàn tánh mạng quá chị.

Má tôi lo lắng lây, cố trấn an chú: Có thể vì sắp giải ngũ nên chú mới mang tâm trạng vậy thôi, đừng nghĩ ngợi chuyện không tốt, hãy cầu nguyện Chúa phù hộ – vì chú đạo Thiên Chúa.

Các cuộc hành quân thường diễn ra vào ban đêm, lúc người dân yên giấc, để không lộ bí mật. Buổi chiều ấy, chú hết đứng lên lại nằm xuống trên chiếc võng treo giữa hai gốc cây xoài ngoài sân, gương mặt buồn xo. Chú nhắc lại linh cảm ấy với má tôi mấy lần, là chú thấy bồn chồn vô hạn, lần này chắc chú sẽ chết… Đơn vị đi rồi, ngày nào Má tôi cũng nhắc lại lời chú – như một lời trăn trối. Má cứ chắc lưỡi thở dài, cầu Phật Chúa phù hộ cho chú bình yên. Buồn thay, linh cảm của chú trở thành sự thật. Khi đoàn quân trở về, thiếu vắng chú thật. Chúng tôi vô cùng thương tiếc. Làm sao giải thích điềm báo trước về cái chết của mình chính xác như vậy. Cha mẹ chú tưởng đâu sắp mừng con trai xong nhiệm vụ trả ơn Tổ Quốc an bình trở về thì lại đón thân xác đền nợ nước nằm bất động trong chiếc quan tài phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ. Cô người yêu chưa kịp mặc áo cưới đã đội khăn trắng để tang chồng…

Ảnh: Joshua Woroniecki/Unsplash

3/-

Buổi chiều nọ, có một người lính mang balô vào chào ba má tôi, tự giới thiệu tên…, nói rằng được cấp trên điều động làm thông dịch viên cho các cố vấn Mỹ đang đóng quân tại nhà tôi. Giọng nói chú có âm điệu nửa Huế nửa Bắc trầm ấm. Sau này khi đã thân hơn, chú nói là “phải sửa giọng chứ nói giọng Huế rặt thì không ai hiểu”. Hình như người lính nào cũng biết hát, lại hát thật hay, thật truyền cảm. “Chú thông dịch viên” cũng không ngoại lệ. Chú hát đủ loại nhạc, tôi thường nghe

Hoàng hôn lá rơi bên thềm. Hoàng hôn tơi bời lá thu. Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh…

(Tiếng Xưa, Dương Thiệu Tước)

Cô láng giềng ơi. Không biết cô còn nhớ đến tôi. Đến phút êm đềm ngày xa xưa khi còn ngây thơ…

(Cô Láng Giềng, Hoàng Quý)

Tôi chưa hiểu gì, nhưng mơ hồ cảm nhận được điệu hát nức nở ai oán, cảnh lá rơi trong buổi chiều tà, sự nhớ nhung một người bạn gái thời ngây thơ với kỷ niệm tươi đẹp…

Bữa nọ, chú-thông-dịch-viên trở lại sau chuyến về phép thăm nhà. Buổi tối chúng tôi học bài xong chú vào ngồi trò chuyện với chị em tôi – chính xác là với chị hai. Chú tặng kẹo mè xửng đặc biệt Huế, một tập hình phong cảnh Huế, riêng chị hai chiếc nón bài thơ Huế mỏng manh trang nhã. Chú chỉ vào từng tấm hình, giải thích đây là sông Hương, núi Ngự Bình, bến Vân Lâu, chùa Từ Đàm, Thiên Mụ…; kia là ngôi trường Quốc Học chú từng theo học. Giở đến tấm hình một đàn nữ sinh mái tóc thề đen nhánh đội nón bài thơ đạp xe qua cầu Trường Tiền, tà áo trắng phất phơ theo làn gió nhẹ, bỗng chú xúc động ngưng ngang cố nuốt nỗi nghẹn không nói gì một lúc lâu, gương mặt buồn thấy rõ.

Chúng tôi không dám lên tiếng, giả bộ chăm chú xem ảnh. Tôi đoán chắc chú nhìn ảnh rồi nhớ đến một cô nữ sinh nào đó. Trong buổi đêm yên tĩnh dưới ánh đèn dầu vàng nhạt hắt bóng người lên vách, chú dõi mắt nhìn ra khung cửa đen tối bên ngoài như thể mong ngóng ai, rồi cất tiếng hát:

Vì tình yêu chưa tha thiết với người

Dòng đời ly tan không hết cơn nguôi…

Tận một đêm nao nghe gió thu về

Ngồi nhìn hoa bay tan tác phôi pha

Nhớ trao duyên người từ thuở mới quen nhà

Quên làm sao đành lệch cả vầng trăng khuya

Yêu ai yêu cả một đời

Những đêm ngắn ngủi ngồi gần bên nhau

Tình trong giây chốc hoá thành thiên thu

Biết thuở nào nguôi *

Gương mặt ngăm đen bởi nhuốm màu sương gió, hàm răng trắng đều đặn, đôi mắt buồn u uẩn, ngôn từ bài hát buồn man mác, quyện vào giọng ca buồn da diết ngân lên trong không gian cô đọng tạo nên một bức tranh gam màu xám ngắt hòa hợp nhau lạ lùng, khiến tâm tư một bé con là tôi vốn rất hồn nhiên bỗng xao động lạ thường. Giờ hồi tưởng lại giây phút ấy vẫn còn làm trái tim tôi chùng xuống nặng nề.

Người tình năm xưa nay đã xa rồi

Định mệnh buông trôi khe khắc đôi nơi

Sống chôn kỷ niệm để rồi thác âm thầm

Tiếng lòng nức nở một đời người không thôi *

Chúng tôi cứ nhìn chú trân trối, nuốt từng lời. Chú dường như không nhìn thấy ai chung quanh, thả hết tâm tư vào từng lời ca:

Chuyện thần tiên xưa ai biết đâu ngờ

Ngồi dệt nơi đây rung mấy cung tơ

Nói lên tiếng lòng của người hết mong chờ

Duyên tình chưa vẹn là một rừng đầy thơ

+++Nói lên tiếng lòng của một kẻ si tình

Suốt đời ôm hận vì một người không yêu+++

Chị tôi yêu cầu chú hát lại lần nữa. Chú hát thêm lần thứ nhì, rồi lần thứ ba… Tôi càng nghe như càng thấm thía hơn tình yêu mãnh liệt và nỗi đớn đau của nhân vật nam mà khởi đầu đã có sự quyến luyến với cô gái, nhưng kết cuộc tan vỡ. Đặc biệt hai câu cuối, tôi như đồng cảm tiếng kêu thống thiết tuyệt vọng của kẻ si tình không được đáp lại. Tưởng tượng tiếng hót cô đơn lẻ loi của con chim thương tích gọi bạn tình trước khi lìa trần. Bản nhạc dứt, không gian như cũng nặng trĩu mối sầu, chú lặng lẽ cúi đầu che giấu cảm xúc.

Lặng đi một lúc, chị tôi hỏi ai là tác giả bài hát buồn mà hay quá, xin chú chép lại để dành. Nét chữ chú thật bay bướm, lả lướt; chứng tỏ một tâm hồn phóng khoáng lãng mạn. Tôi chỉ xem qua một hay hai lần đã thuộc, lén ngân nga khi không có ai bên cạnh. Lời ca, gương mặt lẫn giọng hát chú-thông-dịch-viên ngấm vào tâm hồn tôi từ đêm ấy rồi ở lại luôn tới tận bây giờ, hơn nửa thế kỷ vẫn không rời bỏ hay có thể xóa nhòa được.

_____________

Bây giờ chú ở đâu? Nếu còn trên cõi dương gian thì chú cũng ở tuổi bát thập rồi. Chú có được một cuộc sống hạnh phúc hay đã ngã xuống trong trận chiến nào? Một thời gian ngắn sau lần chú hát Hai Màu Hoa thì đơn vị chú chuyển quân sang vùng khác. Chú từ giã ba mẹ chị em tôi nhưng không để lại địa chỉ nên bặt tin kể từ đó. Chiến tranh dần leo thang, nhiều trận đánh ác liệt xảy ra. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi (Lương Châu Từ, Vương Hàn).

Tôi không nhớ tên chú, mà tôi chỉ nhớ giọng hát chú, cùng giai điệu, lời ca đã truyền cho tôi cảm thức về Tình Yêu Đôi Lứa khi mới mười một tuổi. Nhạc sĩ Dzũng Chinh phổ theo thơ của Bùi Tuấn Anh. Nhà thơ Bùi Tuấn Anh là ai, một người bạn của nhạc sĩ? Như Bá Nha Tử Kỳ, chỉ có tri âm tri kỷ nên tâm hồn người này mới thẩm thấu những gì người kia bày tỏ mà người khác không hề cảm nhận được. Hai Màu Hoa không được nhiều người biết đến, theo thiển ý tôi đoán là công chúng ít đồng cảm với bài hát. Tôi không dám nhận mình là tri âm tri kỷ với hai tác giả vì chỉ là một cô bé con lúc bản nhạc ra đời, nhưng sao chỉ một lần nghe chú lính hát mà đã khiến lòng tôi rung động mãnh liệt ở tuổi mười một?

Bài hát khiến lòng tôi rung động hay chính giọng ca người lính khiến lòng tôi rung động vì nó chuyên chở nỗi lòng riêng u uẩn của chú? Mới đây khi nghe người khác hát, dù với giọng ca điêu luyện hòa cùng tiếng đệm của nhiều nhạc cụ chuyên nghiệp, lòng tôi vẫn dửng dưng không hề gợn chút xao xuyến bâng khuâng nào cả. Có phải Lời Thơ, Điệu Nhạc, Người Hát, Kẻ Lắng Nghe là bốn yếu tố kết hợp từ sự đồng cảm mới làm tác phẩm trở nên bất hủ?

Lời thơ xuất phát từ nỗi lòng thi sĩ Nói lên tiếng lòng của một kẻ si tình*.

Nhạc sĩ chuyển qua giai điệu cung đàn Ngồi dệt nơi đây rung mấy cung tơ*.

Người hát cùng rơi vào hoàn cảnh tương tự Người tình năm xưa nay đã xa rồi. Định mệnh buông trôi chia cách đôi nơi*

Kẻ lắng nghe cảm nhận Tiếng lòng của người hết mong chờ. Duyên tình chưa vẹn là một rừng đầy thơ*

Họ là những người trưởng thành – thi sĩ, nhạc sĩ, người lính– Còn tôi, khi ấy chỉ là một cô bé mười một tuổi. Có phải khái niệm về Tình Yêu bắt đầu phôi thai trong tôi từ buổi tối ngồi nghe chú hát, khi tôi lúc ấy đã đồng cảm về một mối tình si chưa vẹn?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: