Tay Mẹ Mùa Xuân

Truyện ngắn
Minh hoạ: Pixabay

Biết chuyện tôi có bạn gái, Mẹ nói:

-Hôm nào con dắt nó về nhà cho Mẹ xem mặt.

-Để làm gì hở Mẹ? Chúng con đang tìm hiểu nhau.

-Để làm gì? Cái thằng này. Một lời nhận xét của Mẹ không giúp ích gì hơn cho việc các con đang tìm hiểu nhau sao? Thế con có ý định cưới nó không?

-Mẹ biết tính con không lăng nhăng mà. Quen ai con đều có ý định thành hôn cả.

-Bao nhiêu lần rồi hở con?

-Đấy mới là tìm hiểu đó Mẹ. Nếu không hạp thì chúng con chia tay.

-Đứa này thì con quen bao lâu rồi?

-Gần một năm rồi Mẹ.

-Gần một năm rồi mà gia đình chưa biết mặt? – Mẹ kết thúc – Hôm nào con dắt nó về nhà cho Mẹ xem mặt nhé.

-Vâng ạ!

Mẹ chỉ nói thế, không hỏi han tuổi tác, con nhà ai, gia thế ra sao. Mẹ chỉ cần gặp mặt. Cứ như sau một cái nhìn thì Mẹ biết được ngay tôi có chọn đúng người hay không. Chỉ có lần này Mẹ mới thúc giục tôi mang bạn gái về cho Mẹ xem mặt. Có thể vì thời gian đã quá lâu mà Mẹ không thấy tôi có bạn gái mới. Người bạn gái lần trước đã vượt biên trước khi chúng tôi bàn bạc chuyện hôn nhân. Sáu năm mới đủ để tôi làm mới lại tâm hồn.

Minh hoạ: Pixabay

Tôi đưa nàng về nhà trình diện. Nét đẹp và sự dịu dàng của nàng khiến Mẹ tôi hài lòng ngay. Bố tôi thì nghiêm khắc nhưng chuyện chọn vợ, chọn chồng của các con thì ông không bắt buộc. “Sướng thì hưởng, khổ thì cố mà chịu với nhau.” – Ông hay nói thế. Nhưng có bao giờ ông để cho “cố mà chịu”. Cứ thương nhau là ông đồng ý kể cả chuyện khác tôn giáo. Ít hôm sau, khi đang ngồi phụ Mẹ nhặt gạo sâu, thóc trong mớ gạo hẩm mà phải sắp hàng cả buổi trời mới mua được ở hợp tác xã lương thực phường, mẹ nói:

– Làm đám cưới đi con nhé.

– Nhà mình khó khăn quá Mẹ ạ. Con cũng không để dành được bao nhiêu.

– Khó cũng phải làm. Có Bố Mẹ và các anh chị em phụ vào. Con không còn trẻ nữa. Coi chừng “cha già con mọn”.

Mẹ hay viện dẫn thêm ca dao tục ngữ khi nói chuyện. Đầu óc tôi quay cuồng với viễn ảnh lo toan cho cái đám cưới trong hoàn cảnh gia đình lo ăn từng ngày. Mẹ lại hỏi:

– Gia đình bên ấy có khó tính không?

– Không, Mẹ ạ!

– Thế thì con thưa chuyện với ông bà bên nhà rồi Bố Mẹ sẽ sang gặp và bàn chuyện cưới cho hai con.

– Chỉ còn ông thôi.

– Bà mất khi nào?

– Hồi bảy sáu.

– Không có Mẹ, càng phải thương nó nhiều hơn. Con gái có thì.

– Vâng ạ!

Mẹ cứ dịu dàng hỏi han để lo cho tôi. Mọi khó khăn dường như không làm Mẹ nghi ngại hay lo lắng gì. Mà Mẹ đâu có của nả gì, gia tài của Mẹ chính là bầy con. Mẹ thường nói thế. Mẹ bảo: “Cứ làm! Làm rồi sẽ tự khắc có cách giải quyết.” Rồi Mẹ nhấn mạnh: “Ngồi đấy mà than thở thì đến ‘Tết Congo’ cũng chưa xong”. Mẹ đi làm dâu từ lúc mới mười sáu tuổi. Quê Mẹ ở Thái Bình mà quê chồng ở mãi tận Hà Đông. Mẹ phụng dưỡng bố mẹ chồng chu đáo đến nỗi mấy người chị chồng cũng thương, còn cả làng thì ai cũng quý mến.

Chiến tranh, Bố đánh trận khắp nơi. Năm năm tư, ông bà đã mất, Bố đang ở trong miền Trung thì có hiệp định Geneve, người dân miền Bắc lũ lượt di cư vào Nam. Bố cho người về đón Mẹ và các anh chị vào rồi từ đấy Bố đóng quân ở đâu thì Mẹ mang các con đến sống ở đấy. Bố có mấy chú lính, xem Bố Mẹ như anh chị ruột thịt nên khi muốn lấy vợ đều thưa với Bố Mẹ. Thế là Bố Mẹ đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới của các chú ấy. Trước đấy, Mẹ cũng bảo các chú mang các thím về cho Mẹ xem mặt. Mà Mẹ nhìn người hay thật, đời lính cứ di chuyển luôn mà gia đình các chú thím vẫn bền chặt đến già.

*****

Tháng Mười Hai, giữa mùa cưới. Tôi và nàng lo bấn sút người cho đám cưới. Tôi nhận làm nhiều việc khác để có thêm tiền. Nhà hai đứa đều nghèo. Những năm đầu của thập niên tám mươi, cuộc sống của đa số dân chúng rất túng quẫn. Chúng tôi thiếu thốn đủ thứ nhưng may mắn có sự giúp đỡ của mọi người: Xe hoa? Một thằng bạn sẽ mượn xe của giám đốc của nó. Chụp hình? Một thằng bạn khác đang hành nghề chụp ảnh trong công viên Đại Thế giới sẽ đảm nhiệm. Một thằng bạn khác dù chưa hồi sức sau khi làm đám cưới hai năm trước cũng cố dúi vào túi tôi ít tiền.

Áo dài cưới cho cô dâu? Đây là điều làm đám cưới của tôi nổi bật vì cô dâu mặc áo dài thêu tay do chính bàn tay các em gái tôi và những người thợ xuất sắc khác ở Sàigòn thêu. Còn cái áo soiree’ mặc lúc đãi tiệc? Cũng một bạn khác giúp cho. Hôm đám hỏi, nàng đã mặc chiếc áo dài màu hồng phấn thêu cành hoa lan ở phần ngực và đổ dài xuống tà áo và những cánh hoa rơi ở tà sau. Lần này, nàng sẽ mặc chiếc áo dài màu đỏ cũng thêu hoa lan và đội khăn xếp màu nhũ vàng rồi khoác bên ngoài chiếc áo voan màu trắng.

Minh hoạ: Pixabay

Mẹ bảo: “Con thấy không? Mọi người sẽ giúp con khi con quyết tâm thực hiện. Nhà mình nghèo. Đến bao giờ mới có đủ tiền sẵn để trang trải mọi thứ. Mỗi người một tay tất xong việc. Đông tay vỗ nên kêu.” Đích thân Mẹ đi đặt mâm quả: Trà, rượu, bánh quế, bánh xu xê mẹ đặt ở tiệm Lan Hương chuyên về đồ cưới ở ngoài Ngã ba Ông Tạ; trầu, cau thì mấy bà bạn trầu của Mẹ ngoài chợ dành cho Mẹ buồng cau đầy trái thật to; trăm lá trầu màu xanh non tươi, lớn đều chằn chặn; giò lụa thì Mẹ đặt ở hàng của Bác Phán. Bác ấy làm giò ngon nhất chợ Ông Tạ. Bác Phán có hai bác thợ, người to lớn lực lưỡng như hộ pháp, ngồi giã giò trước cái thớt làm bằng một gốc cây to.

Hai tay cầm hai cái chày to đùng, bác giã từng nhát, từng nhát nặng chịch, liên tục và đều đặn hàng nghìn lần xuống đống thịt trên thớt cho đến khi thịt nát nhuyễn thành giò có màu hồng nhạt. Giò làm như thế mới ngon. Xôi gấc thì Mẹ tự làm. Mẹ thổi nhiều chõ xôi rồi mượn khuôn về đóng. Thế là có đầy đủ các quả mang sang trình nhà gái, gồm: Một quả đặt bánh cốm và bánh xu xê, một quả đặt trầu cau, một quả đặt trà và cặp rượu, một quả đặt áo cưới cho cô dâu, một quả là xôi gấc và giò lụa, một con heo quay, một bánh cưới ba tầng và một khay rượu lễ.

Đến ngày rước dâu, cả nhà gái đưa mắt quan sát bà mẹ chồng tương lai của con cháu mình và ai cũng cảm thấy yên tâm. Ai cũng bảo trông Mẹ phúc hậu, chắc con dâu không bị khổ. Nhà ông bà nội nghèo thì Mẹ phải làm việc nhiều nhưng ông bà thương mẹ lắm. Lẽ nào Mẹ lại làm khổ con dâu. Mẹ hay nói cho cả con gái lẫn con dâu nghe câu ca dao để biết cách cư xử:

Con gái là con người ta,

Con dâu mới thực mẹ cha mang về.

*****

Sau ngày cưới, Mẹ tôi dẫn nàng dâu mới đi chợ. Mẹ chỉ dẫn cách lựa rau quả, cách chọn cá, thịt, tôm. Đến hàng nào Mẹ cũng giới thiệu, Mẹ quen thân thiết với các bác bán hàng:

– Đây là con dâu mới của tôi.

Các bà bán hàng khen:

– Bà khéo chọn dâu quá.

Mẹ bảo:

– Tôi không chọn bà ạ. Chúng nó thương nhau thì tôi cho cưới. Khi chúng về làm dâu rồi thì ta sẽ dạy dỗ bảo ban, cho chúng được ăn đời ở kiếp với nhau.

Thì ra thế! Mẹ thương con trai nên thương con dâu. Mẹ dạy dỗ con dâu cho con trai của Mẹ có cuộc sống hạnh phúc bền lâu. Nàng thương tôi nên cũng thương quý Mẹ chồng. Rời ngõ chợ, Mẹ nắm tay nàng dâu nói một cách âu yếm:

– Gần đến Tết rồi. Hôm nào Mẹ dẫn đi chợ chọn mua nếp, đậu, thịt với lá dong, rồi phải biết đồ đậu, ngâm gạo, rửa lá. Nhà mình năm nào cũng gói nấu một nồi bánh to. Phải biết chọn, biết làm các thứ ấy thì bánh gói mới ngon. Con ạ!

(Giao thừa xuân Nhâm Thìn khai bút.)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: