Thân Hòa Đồng Trèo

Hình minh hoạ: shutterstock

Buổi trưa hè miền Trung, cái nắng nóng làm như ông Trời gom hết lửa đổ xuống trần gian thiêu rụi vạn vật không ai chịu nổi. Tất cả đều rúc hết vào nhà, đóng cửa trốn ông Trời tranh thủ thời gian đó nghỉ ngơi. Hầu hết tìm giấc ngủ trưa để quên đi thời tiết khắc nghiệt. 

Chỉ riêng bốn đứa… tứ tặc gồm Nam, Thanh Du, Hiền và Bích Nga lang thang trên đường phố. Chúng la cà từ ngã tư chính trung tâm phố đi lần về trường Trung học Hùng Vương chỉ cách đó không xa, khoảng 15 phút đi bộ, nơi bốn đứa cùng học chung lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) dù Thanh Du và Hiền 12 tuổi đều hơn Nam và Bích Nga một tuổi.

Biết Nam và Thanh Du là đứa hay tinh nghịch hiếu động, ít chịu ở nhà dù trời nắng nóng, ông bà Khang, thân sinh hai đứa thường bày ra việc để cột chân hai đứa ở nhà nếu không chịu ngủ trưa.

Thanh Du có nhiệm vụ nhổ tóc sâu cho mẹ trên gác. Tóc sâu còn gọi là tóc ngứa, loại tóc bạc ngắn độ một đốt ngón tay ẩn trong mớ tóc đen dày cộm hay làm cho ngứa. Còn Nam nhổ tóc sâu cho bố dưới nhà.

Ông Khang nằm xoải mình trên một chiếc đi văng nhỏ đặt đầu trên chiếc gối cao. Đối diện ông, trên chiếc ghế đẩu thấp, Nam ngồi chúi mặt vạch từng lớp tóc trên đầu ông tìm kiếm tóc sâu như cảnh sát vạch cây lá lùng quân gian. Những sợi tóc sâu êm ái rời khỏi đầu qua chiếc nhíp nhỏ, đã lắm, nhanh chóng ru ông Khang vào giấc nồng. Chỉ dăm mười phút sau ông Khang ngáy khò khò, thả hồn vào giấc mộng không biết trời trăng gì nữa. 

Đoán ông đã ngủ say, Nam rón rén dứng dậy, sau khi gom tất cả những cọng tóc sâu vừa nhổ, cả những sợi tóc bạc dài Nam ranh mãnh bứt ra thành nhiều sợi ngắn làm như… thu hoạch nhiều chiến công để chứng tỏ với ông Khang thành quả của mình, rồi Nam gói trong tờ giấy trắng xếp làm tư, đặt cái nhíp lên trên để bên đầu giường ông nằm. Xong đâu vào đấy, Nam mon men lên gác ra hiệu Thanh Du rút lui, cùng lúc bà Khang cũng say sưa trong mộng điệp tự lúc nào.

Bốn đứa Nam, Du, Hiền, Bích Nga hẹn tụ họp nhau không khó. Vì nhà Hiền bên kia đường gần ngã tư chính đối diện xeo xéo nhà Nam. Còn nhà Bích Nga bên này đường cách nhà Nam vài căn. Chúng chỉ cần lấp ló ho vài tiếng báo hiệu và ngoắc một cái là bốn đứa đã gặp nhau. 

Lang thang giữa trời nắng nóng, thời tiết khắc nghiệt không làm chúng ngại, nhưng la cà mãi cũng chán, cuối cùng chúng dừng chân tại một cây trứng cá nằm một góc ngã tư đường, đồng thanh “Thân Hòa Đồng Trèo” thoắt một cái bốn đứa trụ luôn trên cây trứng cá trước khách sạn Đồng Khánh của bà Xì Thố. 

Bà Xì Thố là một người Tàu chính hiệu con nai vàng không lai chút nào cả. Sự hiện diện của bà tại Việt Nam và định cư tại miền Trung không ai rõ từ lúc nào. Mọi người đoán già đoán non, bà là hậu duệ của người Hán tộc thuộc nhà Minh chống đối Mãn Thanh rồi chạy qua Việt Nam lánh nạn để tránh sự truy lùng tiêu diệt của nhà Thanh.

Và thiên hạ hay gọi những thành phần như bà là Minh Hương. Dù đã nhiều thế kỷ và đã sinh sống lâu năm tại Việt Nam, tổ tiên gia tộc bà vẫn giữ truyền thống cổ xưa để tỏ lòng trung thành với triều đại phong kiến cũ và lòng hoài cổ với nhà Minh thể hiện qua việc đàn bà con gái vẫn giữ tập tục bó chân chứng tỏ mình thuộc giới quí tộc thượng lưu và duy trì văn hóa người Hán. Do vậy, bà Xì Thố có đôi bàn chân bị bó nhỏ xíu.

Cây trứng cá trụ trước khách sạn của bà Xì Thố ai trồng từ hồi nào không ai hay cũng không ai cần biết. Chỉ biết là hiện giờ nó cao lớn gần mái nhà, cành lá xum xuê tỏa bóng râm mát rất dễ chịu giữa cái nắng nóng như đổ lửa của miền Trung.   

Cây trứng cá luôn thu hút bọn trẻ con, không chỉ bởi bóng mát mà cây trứng cá còn cho chúng những quả ngon ngọt mềm mềm đỏ rực khi chín, hồng hồng khi ương ương. Trái trứng cá lớn cỡ viên bi, lúc còn sống màu xanh và cứng ngắc, bọn trẻ con thường dùng làm đạn luồn dây thun làm ná hay dùng ná thật bắn nhau.

Vắt vẻo trên cành cây trứng cá, bốn đứa như bốn con khỉ con, chuyền từ cành này sang cành kia để hái những quả trứng cá chín cho vào miệng. Chúng ăn ngon lành. Mạnh đứa nào tự kiếm cho mình những chiến lợi phẩm. Và khi trên cây chỉ còn những quả xanh không ăn được, mỗi đứa chọn cho mình một thân cành chắc chắn xoải mình nghỉ ngơi. 

Hình minh hoạ: shutterstock

Ngước mặt mông lung nhìn lên trời cao, xuyên qua những chiếc lá trứng cá nhỏ, từng đám mây trắng xóa lững lờ bay ngang trong tầm mắt của Nam. Bỗng Nam cất tiếng hỏi:

– Ê, tụi bây, đám mây kia bay hoài, bay mãi, nó bay về đâu, tụi bây biết không?

– Mày hỏi nó chứ sao hỏi tụi tao. Bích Nga trả lời.

– Tao đã hỏi nó nhiều lần, nhưng nó không thèm trả lời tao, nên tao mới hỏi tụi bây.

Tiếng của Hiền đáp:

– Nó bay về phương trời vô định!

– Vô định là đâu?

– Ngu nà. Vô định là không định. Không có chân trời! Thanh Du góp tiếng. Nam vẫn thắc mắc:

– Không lẽ nó cứ bay mãi bay hoài không biết mệt?

– Mệt chớ, nên đôi khi tao thấy nó dừng, đứng một chỗ nghỉ ngơi.

– Nghỉ ngơi? Nghỉ ngơi để xả hơi và đi… toa lét hả?

– Ờ! Đúng rồi. Nó đi toa lét… tè xuống trần mới thành mưa đó!

– Hèn gì!

– Nhưng mày ạ, sao có lúc tao thấy có những đám mây đen thui. Tại sao vậy?

– Thì những đám mây đó bay đến từ… Phi châu thì nó phải đen thôi. Còn mây trắng đến từ nước Mỹ thì nó trắng.

– Còn đến từ Á châu da vàng thì sao?

– Có những lúc mày cũng thấy mây hồng hồng vàng vàng nhất là buổi chiều đó.

Câu chuyện vớ vẩn chỉ có thế mà bọn chúng ríu rít hằng giờ trên cành cây cứ như đàn chim non mải miết líu lo, không để ý cánh cửa Khách sạn Đồng Khánh xịch mở rồi bà Xì Thố chân bước liêu xiêu như con robot chậm chạp tiến về cây trứng cá. Bà hóng mặt nhìn lên bọn trẻ, nói:

– Lày, tụi..pây.. đám con… lít (nít) từ đâu.. đến phá làng phá xóm… ha? 

Tiếng của bà cất lên, âm hưởng giọng Tàu rặt dù bà sinh trưởng và sinh sống tại Việt Nam lâu năm. Đám bọn Nam nhìn xuống nhận ra bà Xì Thố, người mà hằng ngày đi học ngang qua, bọn chúng thường gặp bà ra vô lấp ló bên song cửa hoặc đôi khi bà ra quét sân nhà.

Bà Xì Thố có vóc người nhỏ thó, tương xứng đôi bàn chân bị bó nhỏ xíu nhờ vậy bà có thể đi lại dễ dàng nhưng chỉ chậm thôi. Mái tóc hoa râm cắt bum bê úp gọn vào gáy. Phía trước bà còn cài chiếc băng đô bằng nhựa màu hồng vén gọn mái tóc lòa xòa trước trán. Bà mặc bộ đồ bộ vải sa teng bóng loáng màu hường nhạt, trông bà ra dáng Tàu rặt không pha chút nào cả. Nghe tiếng bà cất lên, bọn trẻ như đàn chim non giật mình nhưng không vỗ cánh bay đi, Nam nhanh nhẩu cất tiếng chào:

– Ngộ ái nị ha…!

Bà Xì Thố nhăn mặt:

– Khôn..g ngộ, nị gì ở tâ..y (đây) hết ch.ơ.n (trơn) á. Tụi…pây ch.è.o..(trèo) xuống khô..n..g?

Nam giả giọng lơ lớ ngọng ngọng như của bà, đáp:

– T..ươ..ng..(đương) nhiên là khô..n..g!

– Không xuống té chết a!

– Chết ngộ chứ không chết nị à!

Đứa khác tiếp lời:

– Mấy ngộ mình đồ..n (đồng) da sắt ha, có té chỉ pể nền nhà nị thôi ha…!

Thấy bọn trẻ nhại giọng Tàu của mình, “chưởi cha không bằng pha tiếng„ bà Xì Thố hơi có chút bực bội, bà nói với giọng giận dữ:

– Mấy tứa (đứa) pây lì lợm không xuống, tau đập..chết..cha..pây!

– A, nị khiêu chiến ha! Tàu khiêu chiến với Việt Nam ha!

– Nị mà đánh..“chết cha“ ngộ, tụi ngộ.. tèo xuống xúm nhau đánh…“chết..mẹ“..nị!

– Mấy đứa pây hỗn ha! Tụi pây có xuống hết không ha?

– Cây..tứng (trứng) cá lày ở trên đất nước ngộ, pọn ngộ có quyền sử dụn..g, muốn…tịnh (định) cư luôn ở ..tây (đây) ha!

– Tụi pây làm lá rụn..g  tầy (đầy) sân, ai quét ha?

– Nị cứ về Tàu mà ở đi, thì khỏi quét ha!

Biết cãi với bọn chúng chỉ vô ích, bà Xì Thố lẫm chẫm từng bước vẫn như con robot đi vào nhà. Bọn trẻ tưởng như thế đã yên, ai dè, bà trở ra với chiếc chổi chà cầm trên tay. Bà đến gốc cây trứng cá nhìn lên, lớn giọng:

– Tụi pây có xuống hết khôn..g, tau… thọt lên pây giờ!

Vừa nói, bà Xì Thố vừa thọt chổi chà lên cây. Bọn trẻ nhanh nhẩu như những con khỉ con lập tức trèo cao ngọn né tránh. Một đứa hét:

– Nị thọt lên nữa, pọn ngộ…pọn ngộ…Nói chưa hết câu, Nam tiếp:

– Phe ta chuẩn bị… tấn công! 

Rồi Nam liên tục hái những quả trứng cá xanh tới tấp ném xuống bà Xì Thố. Đám bạn khác cũng bắt chước. Những… viên đạn tứ tung rơi xuống vô tình rơi lốp đốp trên chiếc nón cời của một bà già đang ngồi dựa dưới gốc cây. Đó là bà già bán bánh tráng gạo, bánh tráng khoai lang cho những trẻ đi học qua lại trường Trung học Hùng Vương gần đó. Bà ngồi bán đã vài năm trời, quá quen với bọn trẻ con nghịch phá trèo cây, hết lớp này đến lớp khác, nhưng chưa lần nào ồn ào như lần này.

Nãy giờ bà ngồi đó, chiếc nón cời đắp mặt để tránh cái hanh nắng của buổi trưa hè, không ai rõ, bà thức hay ngủ, nhưng những quả trứng cá trúng nón đã khiến bà lồm cồm đứng dậy, chỉa mặt nhìn lên cây, nói:

– Nè, đám con nít kia, tụi bây có dừng tay không? Tụi bây ném nhỡ trúng bánh tráng bể hết bánh của tao bây giờ. 

– Bà già an tâm, bọn tui chỉ… chiến đấu với người Tàu hống hách ngang tàng, chứ không với bà đâu.

– Nhưng tụi bây…

– Bà an tâm nha bà!

Hình minh hoạ

Nói xong, bọn trẻ lại tiếp tục hái những quả trứng cá xanh cẩn trọng nhắm về hướng bà Xì Thố. Những… viên đạn có trúng cũng không làm bà Xì Thố đau, không nhằm nhò gì với bà, song thấy bọn trẻ trèo cao quá lỡ sẩy chân té xuống có mệnh hệ gì thì ít nhiều bà cũng có phần trách nhiệm, không chừng phải đền mạng như chơi, bà chả dại, đành chịu thua, rồi lẫm chẫm vẫn như con robot từng bước chầm chậm xách chổi vào nhà.

Đợi lâu, không thấy bà trở ra, “hòa bình đã thực sự trên quê hương ta” bọn trẻ trèo xuống, rủ nhau ngồi xếp bằng trên đôi dép của mình, trước mặt bà bán bánh tráng:

– Bà già, bán cho cái bánh tráng khoai lang ăn, bà già!

Vừa quạt than vừa nướng bánh, bà già nhẹ nhàng trách: 

– Tụi bây, con gái con ghiếc gì mà leo trèo hoang quá!

 Nam đáp:

– Con gái cũng là… con. Con trai cũng là… con. Con nào cũng có hai chân, tại sao không trèo được chứ?

– Trèo có ngày té chết!

– Bà thấy bọn tui có đứa nào chết đâu!

Bà già lắc đầu, hỏi tiếp:

– Tụi bây con nhà ai vậy?

Thanh Du lí lắc:

– Con ông Thiếu úy!

Bích Nga:

– Tui con ông Trung úy!

Hiền a dua:

– Còn tui con ông Đại úy!

– Con ông Thiếu úy, Trung úy hay Đại úy gì gì mà hoang quá tao cũng đập chết!

– Còn tui con ông Tỉnh trưởng nè! Nam chen vô.

– Tỉnh trưởng nào mà không nhốt mày trong… dinh để mày lang thang ra ngoài vậy?

– Tui trèo tường ra ngoài!

Bà già trách yêu:

– Trời nóng nực như vậy, ở trong… dinh ngủ trưa có sướng hơn không!

– Không! Ngủ còn biết gì sướng. Thức, ăn bánh tráng sướng hơn!

Đến lượt Nam hỏi lại bà:

– Bà già, trời nóng nực như vậy, sao bà không bán chè đá có mát mẻ hơn không? 

– Tao nghèo quá vốn đâu mà bán chè. Với lại tao cũng già gánh không nổi. Bán bánh tráng chỉ có mỗi lò than và mấy cái bánh tráng cũng nhẹ, lại ít vốn.

– Tội nghiệp bà già ha. Sao con cái bà không nuôi bà?

– Chúng cũng nghèo nên tao phải phụ, đỡ đần cho chúng chứ.

– Vậy hằng ngày ở nhà, bà già ăn gì?

– Thì cũng cơm với rau.

– Có thịt cá không?

– Cũng có nhưng ít lắm.

– Có ăn bánh mì xíu không?

– Ăn bánh mì không thì có, nhưng cũng ít khi lắm.

– Tội nghiệp bà già quá! Bà nè, nhà ba mẹ tui có lò bánh mì, để tui về nhà lấy bánh mì biếu bà ha!

Bà già thở nhẹ:

– Mày lại ăn cắp bánh mì của cha mẹ rồi cho tao hả?

– Không ăn cắp đâu. Tui sẽ xin cha mẹ chứ.

– Cha mẹ mày rầy chết!

– Còn không, tui sẽ nhường phần tui để biếu bà.

Chỉ nói chơi vậy, mà sau lần đó, cả Nam và Thanh Du về thưa với ông bà Khang và kể câu chuyện về bà già nghèo khổ bán bánh tráng. Thấy con có lòng nhân hậu biết thương người, ông bà Khang mừng lắm, hằng ngày ông bà cho phép Nam và Du thực hiện điều chúng mong ước. Từ đó, mỗi lần đi học ngang qua, bà già có bánh mì ăn, không chỉ bánh mì không mà lâu lâu còn có thịt xíu do chị em Nam giành phần biếu bà.

Mỗi lần như thế, bà già hom hem mỉm cười, mặt rạng rỡ, nheo cặp mắt hiền từ nói với bọn Nam:

– Tụi bây hoang mà cũng thiệt ngoan đó!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, Phú Quốc mang đến sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển và các điểm tham quan tuyệt vời. SCMP…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: