Thanh Nga – giai thoại và đời thật, kỳ 3

Thanh Nga bị hồn ma bóng quế ám hại?

_______________

-Thanh Nga có cô bạn gái là Mỹ Dung, con của một triệu phú bị chết oan vì tai nạn trên sông Rạch Hào (Bà Rịa) và trở thành hồn ma linh thiêng từng hiện ra chặn xe chở khách, cho người bán hàng rong ăn bánh bằng đất cục, dân vùng ấy hoang mang không dám đi đêm…

-Thanh Nga lẽ ra cũng cùng có mặt trong tai nạn ấy nhưng được bà thầy bói Vũ Nhân ngăn cản trước nên thoát chết. Hồn Mỹ Dung này đã ám Thanh Nga nhiều bận. Ngay lúc diễn trên sân khấu đột nhiên Thanh Nga thấy Mỹ Dung hiện ra, nên chạy đến ôm kêu tên Mỹ Dung, một tình huống không có trong kịch bản. Khán giả bối rối, đoàn hát hết hồn…

-Bà bầu Thơ phải đưa đoàn hát lên Bà Rịa để hát cúng cô hồn. Bà thầy Vũ Nhân cũng từng căn dặn Thanh Nga không được đóng vai hoàng hậu, công chúa. Năm 1978, Thanh Nga quên lời dặn này đóng vai Dương Vân Nga nên bị chết thảm…

Đó là những đồn đãi ly kỳ về Thanh Nga mà không chút phần trăm sự thật nào, phần lớn được lấy từ bộ sách “Tình Sử Cải Lương, Cuộc Ðời Thanh Nga” của tác giả Ngành Mai mà đến tận bây giờ nhiều trang web vẫn trích đăng lại…

Chúng tôi xin trích nguyên văn một đoạn về câu chuyện này như sau:

“Thời gian qua Thanh Nga lành mạnh, lên sân khấu mỗi đêm, không có gì phải quan tâm đến sức khỏe nên bà bầu Thơ đã quên hẳn lời căn dặn của “Tề Thiên Đại Thánh” ở Long Điền, bà không còn để ý đến vấn đề thực hiện đêm hát cúng cô hồn ở cầu Rạch Hào, Bà Rịa. Nhưng mới đêm vừa qua tại rạp hát Văn Cầm, Phú Nhuận đoàn Thanh Minh đang trình diễn vở tuồng Chén Cơm Đô Thành, lúc tấm màn nhung bỏ xuống chấm dứt một sen (chập) thì bỗng Thanh Nga reo lên: Mỹ Dung! Mỹ Dung! Tức thì cô chạy lại ôm lấy tấm cánh gà, giống như mừng rỡ ôm một người thân nào mà lâu quá không gặp.

Bất ngờ thấy Thanh Nga chạy lại ôm tấm cánh gà, các nghệ sĩ, nhạc sĩ và nhân viên dàn cảnh có mặt lúc bấy giờ tưởng đâu sau một cảnh kịch vui, Thanh Nga muốn diễn thêm một động tác nào đó do sáng kiến riêng của mình. Nhưng thấy đã gần một phút trôi qua mà cô vẫn còn đứng nguyên tại đó, thì người ta mới lấy làm lạ nghĩ rằng phải có vấn đề gì đây nên mới khiến Thanh Nga có hành động khác thường như vậy, và họ rối rít chạy lại thăm hỏi.

Lúc xảy ra sự việc, bà bầu Thơ đang ở phía sau hậu trường rạp hát nên không thấy tận mắt, đến chừng được cho hay tự sự, bà vội vã đi vào thì thấy Thanh Nga vẫn còn đứng ngẩn ngơ tại tấm cánh gà, bà chưa phản ứng cũng như hỏi tại sao, thì một cô đào hát đứng bên cạnh Thanh Nga đã lên tiếng hỏi:

-Cô sao vậy hả, có gì hôn? 

Một kép hát hỏi:

-Làm gì kỳ vậy cô, mình đang hát thật chớ đâu phải tập tuồng? 

Những người khác cũng lên tiếng hỏi những câu na ná như vậy, và Thanh Nga làm thinh không lên tiếng gì hết, cô thẫn thờ đi lại thả mình trên chiếc ghế xích đu thường dùng của cô. Thêm một phút trôi qua nữa mà Thanh Nga vẫn còn nằm nhắm mắt nên có người đề nghị đưa cô đi bệnh viện, nhưng nghe được cô lắc đầu và phát tay ra hiệu không bằng lòng. Nhờ vậy mà mọi người biết cô vẫn còn tỉnh nên ai cũng an lòng, hy vọng nghỉ ngơi thêm một lúc chắc cô sẽ trở ra sân khấu được để tiếp tục vai trò, chớ không thôi phải trả tiền vé cho khán giả vì không hát hết tuồng, và dĩ nhiên đêm đó không có lương.

Thanh Nga trong tuồng ‘Áo cưới trước cổng chùa’ (ảnh tư liệu của Huỳnh Công Minh)

Sự việc khi nãy diễn ra nhanh quá, mọi người trong đoàn hát ai cũng thắc mắc về thái độ kỳ lạ của Thanh Nga, nhưng riêng bà bầu Thơ thì nghi ngờ sự việc nầy chắc có liên quan đến căn bệnh của cô ở thời gian trước, và bà liên tưởng ngay đến cái tai nạn xe hơi ở cầu Rạch Hào, Bà Rịa đưa đến vong mạng cô bạn của Thanh Nga, nhưng phần cô thì nhờ sự cản ngăn của nhà tướng số Vũ Nhân nên đã không có mặt trên chiếc xe định mạng đó.

Vốn rất tin dị đoan, tin tưởng nhiều vào vô vi huyền hoặc, bà bầu Thơ nghĩ bụng có lẽ Mỹ Dung hiện về coi hát và Thanh Nga đã thấy nên mới có hành động lạ lùng như vậy chăng? Nghĩ thế nên bà rất lo âu và nói thầm hay là mình hứa mà chưa thực hiện được buổi hát cúng cô hồn tại cầu Rạch Hào, nên Mỹ Dung hiện về gây kinh ngạc, mà nếu không khéo sẽ là đề tài bàn tán, ảnh hưởng đến việc hát xướng làm ăn của đoàn hát.

Tai nạn xảy ra ở cầu Rạch Hào, Bà Rịa gây thiệt mạng mấy cô gái, báo chí có đăng, nên lúc đó trong thiên hạ rất nhiều người đã biết qua sự việc, và cả trong đoàn hát cũng có bàn tán, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai nghĩ rằng sự việc ấy lại có liên quan đến Thanh Nga con gái của bầu gánh. Họ không hề biết mấy cô gái con nhà giàu kia là bạn của Thanh Nga, cũng như không biết rằng cô đã thoát chết trong tai nạn đó.

Hiện giờ hầu hết những người trong gánh hát Thanh Minh không ai biết được chuyện xảy ra ở thời gian trước lại có liên hệ đến Thanh Nga, và do kinh hoàng mà Thanh Nga bị bệnh cả tháng trời người ta cũng không biết bởi bà bầu Thơ cũng giấu nhẹm không hề tiết lộ với bất kỳ người nào. Tóm lại những vấn đề xảy ra và dự trù trong tương lai của bà bầu Thơ, của gánh hát Thanh Minh có liên quan đến Thanh Nga đều âm thầm diễn ra trong kín đáo.

Hành động lạ kỳ của Thanh Nga vừa rồi, dù mọi người thắc mắc hỏi han lẫn nhau, nhưng riêng bà bầu Thơ thì im lặng giả vờ như chẳng quan tâm nhiều, bởi bà không muốn chuyện nầy ồn lên rồi đồn đãi lan rộng ra không ích lợi gì hết, mà còn có thể bị thêu dệt thêm những điều không tốt, do đó mà bà làm ra vẻ như không đặt nặng vấn đề, cũng không hỏi Thanh Nga tại sao mà chỉ kêu cô nằm nghỉ dưỡng sức một lúc, coi như đó là việc bình thường của sức khỏe mà thôi, bà nói:

-Đêm trước thức học tuồng tới khuya, chắc mất ngủ nên xây xẩm mặt mày chớ không có gì đâu.

Một anh kép già cũng nói:

-Đúng rồi, thức khuya nhiều nên như vậy đó, nghỉ ngơi một lát là hết đâu có gì phải lo, đi theo gánh hát nhiều năm tôi thấy không biết bao nhiêu lần như vậy rồi. 

Thái độ và câu nói của bà bầu Thơ, coi như bà chẳng quan tâm gì đến hành động của Thanh Nga vừa rồi, cộng với lời nói của ông kép hát già đã làm cho mọi người không nghĩ gì xa hơn, và người ta bắt đầu lại đi làm các công việc đã được phân công của đoàn hát, và riêng bà bầu Thơ tuy ngoài mặt ra vẻ tỉnh bơ, nhưng trong lòng chẳng yên chút nào, bà mong cho mau vãn hát để về nhà hỏi Thanh Nga cho rõ ràng sự việc.

Về phần Thanh Nga thì lúc tấm màn nhung bỏ xuống che bớt phần ánh sáng phía trước sân khấu, cô định đi vào trong để trống chỗ cho nhân viên dàn cảnh làm việc. Thì bỗng chợt thấy Mỹ Dung đứng bên cánh gà. Lúc đó trong tiềm thức cứ tưởng cô bạn thân của mình vẫn là người ở thế gian, chớ chưa nghĩ ra Mỹ Dung đã về bên kia thế giới.

Thành thử do phản ứng tự nhiên, cô chạy lại ôm người bạn, nhưng rồi sau những giây phút mừng rỡ đó cô thấy trước mặt mình là màu sơn vẽ của tấm cánh gà. Trong lúc cô còn ngẩn ngơ suy nghĩ thì mọi người chạy lại hỏi han và cô không biết trả lời thế nào đây, nên mới làm thinh đi lại chiếc ghế nằm xuống. Cô nhắm mắt tiếp tục suy nghĩ và nghe có đề nghị đưa mình đi nhà thương, nên liền lắc đầu khoát tay từ chối. Hình dung lại lúc nãy Thanh Nga nói thầm:

-Rõ ràng Mỹ Dung đứng đó chớ mình đâu thấy ai? 

Rồi trong đầu óc cô tiếp tục hình dung lại, lúc đó thấy rõ Mỹ Dung đang mặc chiếc áo màu xanh dương đậm, mua từ Hong Kong mà cô từng khen đẹp và cũng muốn mua cái áo giống như vậy, thì đâu thể nào lầm lẫn với người khác được. Rồi cô nhớ lại hôm bữa đi Vũng Tàu thấy Mỹ Dung đang mặc chiếc áo đó trước khi chia tay tại rạp hát Thuận Thành, để rồi vĩnh viễn không thấy mặt.

Cô tự hỏi hay là Mỹ Dung hiện về? Thỉnh thoảng cô có nghe thiên hạ kể lại là người chết nếu còn lưu luyến với người ở thế gian thì trong giấc ngủ hiện về cho thấy, có nghĩa là trong giấc chiêm bao rồi giựt mình thức dậy, chớ lúc còn thức thì không bao giờ cho thấy.

Thế nhưng, tại sao cô lại thấy người chết trong lúc mình đang diễn tuồng trên sân khấu? Nhưng nếu đúng thật sự Mỹ Dung hiện về thì sao? Nghĩ đến đây cô rùng mình sợ sệt, bởi tuy là bạn thân với nhau nhưng Mỹ Dung đã chết rồi thì cô phải sợ, nghe kể chuyện ma đã sợ rồi chớ đừng nói là thấy ma.

Mấy lúc sau nầy cô nghe nói ở bến xe đò đi Vũng Tàu, những người mua bán đi trên tuyến đường nầy kể chuyện với nhau, rằng ba cô gái tử nạn xe hơi ở cầu Rạch Hào, Bà Rịa thường hay hiện về gây kinh sợ cho người dân ở đây. Họ kể lại những chuyện mà người can đảm nghe qua cũng sợ, chẳng hạn như chuyện một cô gái nọ do mua bán làm ăn phải có mặt lúc 4, 5 giờ sáng tại bến sông cầu Rạch Hào. Trong lúc chờ ghe đến rước thì có ba cô gái đến làm quen trò chuyện, đưa bánh mời cô ăn, nhưng vừa bỏ vô miệng thì là cục đất. Nhìn trước ngó sau không thấy ai hết, cô hoảng hồn bỏ chạy thì nghe hình như ở sau lưng có người chạy theo, và do chạy nhanh cô vấp té, rồi thì kể từ hôm bữa đó cô bệnh luôn không còn buôn bán gì nữa.

Và một chuyện khác được kể là người tài xế xe đò, lúc xe chạy đến gần cầu Rạch Hào thì có ba cô gái ăn mặc sang trọng đứng đón xe, ông dừng lại rước như mọi khi có người đón, và người lơ phía sau nhảy xuống rước khách không thấy ai hết nên trách người tài xế:

-Có ai đâu mà ngừng! 

Tức thì có tiếng vỗ phía sau xe kèm theo tiếng nói:

-Có chớ, cho quá giang đi Sài Gòn! 

Người lơ chạy ra phía sau xe thì thấy vắng vẻ chẳng có người nào hết, anh ta hoảng hồn nhảy nhanh lên xe đóng cửa kêu: Tới luôn bác tài!

Rất nhiều câu chuyện đồn đãi về ba cô gái tử nạn xe hơi ở cầu Rạch Hào, mà thiên hạ cho rằng do chết khi còn con gái nên linh lắm, thành thử lúc bấy giờ ở quanh khu vực nhiều người sợ quá ban đêm không dám ra khỏi nhà. Tiếng đồn các cô hiện về gây kinh sợ cho những người yếu bóng vía, do đó khiến cho bến ghe ở khúc sông nầy trở nên vắng lặng mỗi khi chiều đến, bởi phần lớn những người đi ghe xuồng sử dụng bến Rạch Hào họ đã lo rời khỏi nơi đây trước khi trời tối, thay vì trước đó có khi nửa đêm vẫn còn 1, 2 chiếc ghe đậu sẵn chờ rước người đi mua bán về muộn.

Họ xuống xe tại đây để về Long Sơn hoặc ở vùng nào đó mà bến Rạch Hào rất tiện lợi. Nhân gian truyền khẩu lan rộng ra đến độ làm đảo lộn một số công việc thường ngày của người dân địa phương. Chẳng hạn như giới mua bán do công chuyện làm ăn phải đi ngang cầu Rạch Hào, hoặc đi xuồng ghe ngang qua khúc sông nầy, là họ sắp xếp công việc để rời khỏi nơi đây khi còn mặt trời, chớ không ai đợi đến lúc đỏ đèn. Còn những người có công việc hoặc làm ăn mua bán phải đi lúc khuya, thì giờ đây họ chờ gà gáy hiệp chót, tức là trời sắp sáng mới dám đi ngang đây”.

(Bộ sưu tập Hoàng Long)

_________________

Tác giả Ngành Mai cho rằng bà thầy bói đó căn dặn Thanh Nga không được đóng vai hoàng hậu, hay công chúa. Sau năm 1975, Thanh Nga đóng vai Trưng Nữ Vương và Thái Hậu Dương Vân Nga nên Thanh Nga mới bị bắn chết. Trong câu chuyện này có một số thông tin có thật như là Thanh Nga quả từng có lúc mang quốc tịch Pháp; triệu phú Nguyễn Đình Quát có cô con gái chết oan vì tai nạn xe hơi; ở Bà Rịa quả thật có con sông Rạch Hào. Nhưng chuyện hồn ma bóng quế chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Một tuồng cải lương xã hội trước 1975 (ảnh tư liệu của Huỳnh Công Minh)

Về quốc tịch, sau năm 1954, ông Ngô Đình Diệm lên chấp chính, đưa ra khẩu hiệu “đả thực bài phong”. Quân đội Pháp rút đi, một số ít người Việt mang quốc tịch Pháp đi theo, hầu hết người Việt quốc tịch Pháp bắt đầu xin hồi tịch. Ngay ông Trần Văn Đôn, sinh đẻ tại Pháp, làm đến Đại tá trong quân đội Pháp cũng xé quốc tịch Pháp và lột lon Đại tá của Pháp đạp dưới chân.

Bà bầu Thơ cũng không có lý do gì để giữ quốc tịch Pháp. Và thật sự, Thanh Nga không học trường đầm (Marie Curie) mà cũng không học đến trung học. Cái phẩm chất văn hóa ứng xử sang trọng của cô là nhờ học từ gia đình và môi trường đoàn hát. Một trong những người thầy của Thanh Nga là soạn giả Nguyễn Phương đã xác định: Nữ nghệ sĩ Thanh Nga không hề đi học trường đầm như lời ông nhà văn viết về Thanh Nga. Ông nhà văn nầy không hề biết gì về Thanh Nga, ông cũng không biết sinh hoạt của các nghệ sĩ và hoạt động của các nghệ sĩ cải lương.

Thanh Nga trong một vở tuồng (ảnh tư liệu của Huỳnh Công Minh)

Có lẽ ông thấy Thanh Nga có tên Juliette Nga nên tưởng là Thanh Nga học trường đầm! Thanh Nga học trường Tiểu học Cầu Kho, đường Phát Diệm, chưa hết lớp nhứt (lớp năm hiện giờ), Thanh Nga nghỉ học văn hóa. Năm 1955, buổi sáng thì Thanh Nga học vũ, tập tuồng ở rạp Thành Xương, chiều học ca với nhạc sĩ Út Trong, tối ra rạp hát hát tuồng khi có vai tuồng; khi không có vai tuồng, Thanh Nga cũng ngồi bên cánh gà coi đàn chị hát, học các vai tuồng đó và Út Trong rèn cho Thanh Nga ca các bài ca trong tuồng.

Chính soạn giả Nguyễn Phương đã dạy cho Thanh Nga nhiều điệu múa cùng với đoàn vũ nữ của đoàn Thanh Minh, để diễn trong các tuồng Đồ Bàn Di Hận, Biên Thùy Nổi Sóng, Lửa Hờn, Tình Tráng Sĩ. Hình Thanh Nga và các cô vũ nữ in trong một số cuốn sách là do nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Minh chụp. Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Công Minh cũng cho biết ông chụp ảnh sân khấu Thanh Minh từ năm 1954, lúc đó Thanh Nga mới 12 tuổi, người gầy bé, trong một tuồng hát được các diễn viên khác bế trên tay để hát và Thanh Nga chỉ học ở trường Cầu Kho.

Về tình tiết bà bầu Thơ mê tín, hát cúng cô hồn ở Bà Rịa, thầy bói cấm Thanh Nga đóng vai hoàng hậu, công chúa, Thanh Nga không nghe lời đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga nên bị bắn chết, soạn giả Nguyễn Phương đã phản bác mạnh mẽ:

“Như tôi đã nói là ông đó (Ngành Mai) hư cấu để viết tiểu thuyết chớ không đúng về Thanh Nga. Thanh Nga đã từng đóng các vai nữ vương, nữ hoàng, công chúa, v.v… từ những năm 1958 đến năm 1975; như vai Hoàng hậu Mã Nhi Nương Bửu trong tuồng Gió Ngược Chiều của Năm Châu; vai Võ Tắc Thiên của Nguyễn Phương và soạn giả Phương Ngọc; các vai công chúa trong tuồng Con Trai Người Ăn Mày; vai Ngọc Hân Công Chúa trong tuồng Đất Việt Của Người Việt tức tuồng Nguyễn Huệ Bình Thăng Long; và đóng các vai công chúa, hoàng hậu, thứ phi trong rất nhiều tuồng dã sử khác như Sắc Đẹp Nàng Vô Tội, Đêm Hờn Cung Lạnh, Nhan Sắc Tần Phi, Hồi Trống Vân Lâu, Giấc Mộng Giữa Hoàng Lăng…

Thanh Nga trong vở ‘Người yêu Hoàng thượng’ (file photo)

Trong kho lưu trữ hơn 20,000 ảnh về sân khấu cải lương của tác giả Huỳnh Công Minh, có rất nhiều ảnh Thanh Nga sắm vai hoàng hậu, công chúa. Chuyện cúng cô hồn của bà bầu Thơ ở Bà Rịa cũng tầm bậy hết sức. Có thể hỏi tất cả các nghệ sĩ cải lương để biết rằng họ chỉ có cúng Tổ cải lương.

Soạn giả Kiên Giang không đi vào chi tiết mà đưa ra những quan điểm khái quát: “Khác với những đoàn hát cải lương khác, đoàn Thanh Minh có đường lối riêng, chuyên hát tuồng xã hội và có lượng khán giả đông đảo ở Sài Gòn nên hiếm khi lưu diễn, và vì vậy, chuyện hát cúng cô hồn ở Bà Rịa là không phù hợp. Nói bà bầu Thơ mê tín là không hiểu và xúc phạm người phụ nữ đáng kính này. Đây là người phụ nữ rất đặc biệt, chuyện nhà, chuyện quản lý đoàn hát đều giỏi… Trong nghề, bà Thơ không chạy theo lợi nhuận mà khi cần thiết chấp nhận chịu lỗ hy sinh cho nghệ thuật”.

Trong những năm 1960 khi các đoàn khác chạy theo xu hướng tuồng chưởng, hương xa để câu khách bằng các kỹ thuật rẻ tiền, đoàn Thanh Minh Thanh Nga đưa ra tuồng Mưa Rừng của Hà Triều-Hoa Phượng, rất thành công về nghệ thuật, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được báo chí khen tặng. Lúc đầu ăn khách nhưng kéo dài hơn một tháng khách giảm dần, đoàn bị lỗ bộn. Nhưng theo lời khuyên của ông Quốc “nếu lỗ mà còn chịu đựng nổi thì tiếp tục diễn để tiếp tay cho ca kịch tiến lên”, bà Thơ đã chịu lỗ thêm một tuần lễ nữa. Ông Quốc kết luận: “Tôi nhớ một bà bầu không cố tình buôn nghệ thuật, một bà bầu có ý thức lãnh đạo một đại bang và tự xem có trách nhiệm với nền ca kịch nước nhà”.

Gắn chuyện tà ma với nghệ sĩ đã là trái khoáy, thế nhưng sốc hơn nữa là chuyện bà bầu Thơ mời sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm về đoàn hát cặp với Thanh Nga; rồi chuyện Thanh Nga dùng nhan sắc hút hồn Hữu Phước để sử dụng Hữu Phước hạ bệ Út Trà Ôn. Sự thật những chuyện này ra sao?

CÒN TIẾP

___________

Thanh Nga – giai thoại và đời thật

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: