Thanh Nga – giai thoại và đời thật, kỳ 4

Huỳnh Tấn Mẫm hát cặp với Thanh Nga để cải số yểu mệnh?

_________________

Từ lúc đoạt giải Thanh Tâm đến khi nằm xuống, nữ nghệ sĩ Thanh Nga luôn được dư luận tôn vinh vì tài năng, nhan sắc, yêu mến vì nhân cách. Đoàn Thanh Minh Thanh Nga được giới nghệ sĩ xem là cái nôi đào tạo tốt về nghề, là mái ấm thân tình của trên dưới một trăm nghệ sĩ… thế nhưng thời gian sau nầy lại có thông tin khác lạ:

Bà bầu Thơ mời sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm hát cặp với Thanh Nga để cải số yểu tử, và trẻ hóa đoàn Thanh Minh nhưng bất thành. Nghệ sĩ Thanh Nga từng có lần lang thang ra trường Y tìm sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm…

Hoàng Giang – Năm Nghĩa – Thu An (ảnh tư liệu của Huỳnh Công Minh)

Câu chuyện được dẫn dắt từ nhiều năm trước, khi nghệ sĩ Năm Nghĩa còn sống, trong một lần tình cờ, hai nghệ sĩ Năm Nghĩa và Tám Thưa xem Huỳnh Tấn Mẫm hát cải lương cho một đoàn hát nhỏ và phát hiện ra tài năng và tướng quý của anh này.

Thông tin này viết như sau:

“Trước đây Tám Thưa từng nói với Năm Nghĩa rất nhiều lần, rằng Thanh Nga có “chơn mạng” nếu không là nữ vương thực sự như ngày xưa thì cũng ở lãnh vực nào đó, như “nữ hoàng cải lương” chẳng hạn. Ông nói người có chân mạng thường là yểu tướng, về cõi trên sớm, muốn tránh phải được chồng có tướng tinh lớn, nổi tiếng trong thiên hạ phủ che.

Ông khuyên rằng Thanh Nga ráng cẩn thận ở các năm tuổi, một vì sao nào đó chiếu vào năm tuổi nên khó qua (không biết phải là sự thật hay do trùng hợp mà Thanh Nga chết đúng năm tuổi. Bà sinh năm Nhâm Ngọ 1942 và mất năm Mậu Ngọ 1978). Tám Thưa cũng nói thêm do “chơn mạng nữ hoàng”, nên người hôn phối phải có tướng tinh lớn, mạnh để cả hai nương tựa vào nhau mới sống đời được, chứ những kẻ phàm phu tục tử mà rớ tới Thanh Nga thì “lãnh đủ”, không toi mạng thì cũng vào vòng lao lý, hoặc thân bại danh liệt, tiêu tan sự nghiệp, tai tiếng để đời v.v…

Đây là mối lo âu từ lâu nay của Năm Nghĩa, bởi không phải chỉ một mình Tám Thưa nói, có rất nhiều thầy coi tướng, coi sách số nói như vậy! Khi nghe Tám Thưa cho biết chàng kép chánh trẻ của đoàn hát nhỏ có tướng tinh rất mạnh, có thể phủ che được cái yểu tướng của Thanh Nga thì Năm Nghĩa rất mừng, vì theo lập luận của Tám Thưa thì dù cho không phải vợ chồng thiệt ở ngoài đời, chia sẻ với nhau cái may cái rủi, nhưng nếu hát đóng cặp lâu dài, tức vợ chồng trên sân khấu, thì trước tổ nghiệp cải lương cũng coi như là vợ chồng vậy!

Năm Nghĩa xúc tiến ngay việc kêu kép chánh trẻ của gánh hát nhỏ kia về tập luyện, và sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn cho gánh hát nọ để bắt chàng ta về, và mục tiêu chính không phải thu hút khán giả, mà là để “che phủ cho Thanh Nga cái yểu mạng”. Năm Nghĩa cũng nghĩ bụng nếu như do duyên nợ mà sau nầy cả hai nên vợ nên chồng thì rất tốt, bởi theo lời bà Bảy Tầm Vu kể lại thì chàng kép trẻ nầy tuy nghèo, nhưng tướng mạo cũng khá, xứng với Thanh Nga.

Bộ sưu tập của Hoàng Long

Còn bằng như không phải nợ duyên mà hát đóng cặp, tránh được cho Thanh Nga sự chết yểu thì cũng được thôi! Nghĩ vậy nên Năm Nghĩa quyết định bất cứ giá nào cũng phải kêu cho được chàng kép chánh trẻ nhỏ mà ông đã có dịp xem qua buổi trình diễn, chớ không thôi thì ông sẽ không an tâm mà dưỡng bệnh…

Vào năm 1959, bà bầu Thơ gặp soạn giả Thu An tại nhà hàng Ðồng Khánh sang trọng ở Chợ Lớn bàn kế hoạch cải tiến đoàn hát với đường hướng trẻ hóa gánh Thanh Minh, mà trước tiên là giáng cấp kép chánh đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn xuống đóng vai lão. Kế hoạch được bà bầu Thơ chấp nhận, phần còn lại là chọn kép trẻ để đóng cặp với Thanh Nga… Thanh Nga (mới 16 tuổi) không có người đóng cặp xứng đào xứng kép, đành phải chịu không có vai trò trong tuồng hát mới cũ nào hết, của một gánh hát mà đúng ra thì cô có quyền chọn bất cứ vai trò nào, nhưng trên thực tế thì lại không phải như vậy…

Về phần kép chánh đóng cặp với Thanh Nga, Thu An giới thiệu Hữu Phước, nhưng lúc mới nói đến tên Hữu Phước thì bà bầu Thơ không vừa ý, bởi lúc đó Hữu Phước mới chỉ là một tay ca vô dĩa hát, được giao vai trò “con quạ” chưa nổi tiếng mà cho về đoàn giao cho vai chánh, một vai trò nắm giữ vận mạng đoàn hát thì cả một sự liều lĩnh vậy…

Thế nhưng, bà bầu Thơ nhớ lại lời trăn trối của người chồng quá cố, lời trăn trối vấn đề “yểu mạng” của Thanh Nga, là điều mà cả hai người đều lo âu, do đó đã khiến cho bà bầu Thơ quyết định rút lại lời chấp thuận mới vừa hứa với Thu An, yêu cầu ông tạm thời đình lại việc kêu Hữu Phước, để sau khi bà đi gặp Huỳnh Tấn Mẫm và thân mẫu của cậu ta rồi hãy tính sau. Bởi chàng kép hát còn trẻ khoảng tuổi Thanh Nga có tên Huỳnh Tấn Mẫm, từng đóng vai chánh ở một gánh hát nhỏ mà Năm Nghĩa và Tám Thưa đã một lần xem qua, cho tới cho tới giờ này bà vẫn chưa biết mặt mũi ra sao, cũng như chưa một lần tiếp xúc với thân mẫu cậu ta, là người được coi như có quyền quyết định mọi việc.

Thuở còn nhỏ bậc tiểu học, Huỳnh Tấn Mẫm học tại trường làng ở ấp Tân Trụ với người thầy dạy là ông Chín Chiêu, mà người dân địa phương thường gọi là Thầy Ðội Chiêu. Không những ông có công dạy Huỳnh Tấn Mẫm học chữ nghĩa, mà lại còn có công đào tạo Mẫm trở thành kép hát cải lương, đã một thời đem lại cho dân chúng ấp Tân Trụ và vùng lân cận những buổi đi coi hát cải lương, với các tuồng hát lịch sử dành độc lập cho dân tộc.

Thầy Ðội Chiêu là vị thầy duy nhứt của trường mà Huỳnh Tấn Mẫm đã theo học thời thơ ấu. Tuy là trường tư nhưng Thầy Ðội Chiêu dạy không lấy tiền, học sinh được miễn phí hoàn toàn, và nhờ đó mà Huỳnh Tấn Mẫm được học từ lớp chót đến lớp nhứt không phải mất đồng nào cả. Thầy Ðội Chiêu rất thích cổ nhạc cải lương, ban ngày dạy học, ban đêm soạn tuồng và những tuồng do ông soạn hầu hết dựa vào bối cảnh lịch sử nước nhà.

Thời chiến tranh 1945-1954, hằng năm lúc sắp đến Tết là ông chọn một số học trò cho tập tuồng hát cải lương để trình diễn cho bà con ấp Tân Trụ coi không mất tiền, nên thiên hạ vùng này rất hoan nghinh sáng kiến của ông. Cũng do cái đà này mà sau 1954 hòa bình lập lại trên đất nước, ông chính thức thành lập gánh hát và vẫn kế hoạch sử dụng số học trò, huấn luyện thành nghệ sĩ đảm nhận các vai, mà Huỳnh Tấn Mẫm là một…

Để cứu đoàn hát đang sa sút con số khán giả…, bà bầu Thơ đã cùng với bà này đi đến ấp Tân Trụ vùng Tham Lương để gặp thân mẫu Huỳnh Tấn Mẫm. Mẫm đang học ở Pétrus Ký không có mặt ở nhà, nên chỉ nói chuyện với bà Thơm, thân mẫu của Huỳnh Tấn Mẫm mà thôi. Bà Thơm từ chối “Thôi thôi đi chị Năm, tôi không bao giờ cho thằng Mẫm đi hát nữa, mà nó phải lo học lo hành, chớ hát xướng tối ngày thì học cái nỗi gì chớ.”…

Sau hơn một giờ đồng hồ nói chuyện bà đã không thuyết phục được thân mẫu của Huỳnh Tấn Mẫm, kể cả miệng lưỡi của bà Bảy Tầm Vu từng thành công rất nhiều những vụ việc do vợ chồng Năm Nghĩa giao phó, nhưng hôm nay dù đã trổ tài nói vô không biết bao nhiêu lần cũng chẳng lay chuyển được. Ý của thân mẫu Mẫm là chỉ muốn cho con mình ăn học tới nơi tới chốn mà thôi, và cuối cùng bà Thơm dùng câu ca dao tục ngữ để dứt khoát vấn đề: “Trồng trầu trồng lộn dây tiêu, con theo hát bội mẹ liều con hư”. Ðến đây thì bà bầu Thơ đành chịu thất bại và kiếu từ ra về.

____________

Câu chuyện đã nêu mới nghe như có thật nhưng với người am hiểu thì nó được phóng đại, bẻ cong, bóp méo theo ý riêng người viết mà rất tiếc có nhiều điều sai sự thật xúc phạm đến những nghệ sĩ lớn đáng kính đã quá cố.

Việc đầu tiên là Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam, có từng làm kép hay không? Bà Bầu Thơ có lặn lội đi mời Huỳnh Tấn Mẫm hay không?

Soạn giả Nguyễn Phương – người gắn bó với sân khấu cải lương từ thập niên 1930 vừa là soạn giả với hàng chục vở tuồng nổi tiếng – rất am hiểu và có hai quyển sách về lịch sử cải lương đã phủ nhận gay gắt nguồn tin này.

“Hồi đó tới giờ, ở Sài Gòn Gia Định tôi chưa hề nghe có một gánh hát nào có cái tên là gánh hát Thầy Đội Chiêu… Tôi không biết gánh hát nầy có hay là chỉ có trong tưởng tượng mà thôi. Những năm từ 1955, 1956 tới năm 1970, sân khấu Thanh Minh rồi Thanh Minh Thanh Nga có các kép chánh danh ca như Út Trà Ôn, Út Nhị, Minh Tấn, Văn Chung, Quang Phục rồi Hữu Phước, Thành Được, Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm… Nếu bà bầu Thơ kêu Huỳnh Tấn Mẫm về thì có chăng là trong tư tưởng của người không biết gì về đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nên mới nghĩ như vậy.”

Cung cách của đoàn này theo Nguyễn Phương là bà bầu Thơ biết tôn trọng, biết lắng nghe ý kiến người trí thức mà cụ thể là các soạn giả, thầy tuồng, trước khi quyết định những việc hệ trọng và đương nhiên bà không có thì giờ để đi thương thuyết với đào kép dù là những ngôi sao tầm cỡ.

Thanh Nga trong phim “Xa lộ không đèn’ (file photo)

________

Cá nhân Huỳnh Tấn Mẫm từng trả lời phỏng vấn báo Gia Lai năm 2011 như sau:

“Nhà nghèo không có tiền đi học, tôi được thầy Đội Chiêu thương nên dạy không lấy tiền… Gia đình chỉ có một mình tôi đi học, còn các anh chị đều làm thuê kiếm sống… Ngày tôi còn học tiểu học ở trường thầy Chiêu, thầy có lập đoàn kịch cải lương, tôi được chọn đóng vai chính trong các vở: Hận Nước Thù Nhà, Cờ Lau Tập Trận, Thần Kim Quy, Quang Trung Đại Phá Quân Thanh. Tôi đóng các vai chính đạt yêu cầu và có giọng hát cải lương hay, người dân xóm làng đều tưởng tôi lớn lên sẽ là kép chính của Sài Gòn”.

Trường tư của thầy Đội Chiêu lúc đó không thể là trường lớn vì vùng Tân Trụ (cổng khu công nghiệp Tân Bình ngày nay) ngay đến năm 1980 vẫn còn vắng vẻ, chỉ mới đô thị hóa sau khi có khu công nghiệp Tân Bình và đội văn nghệ thiếu nhi của trường tiểu học tư thục ở vùng nông thôn thì không thể xem là một gánh hát cải lương. Sự phóng đại đội văn nghệ thiếu nhi thành gánh hát, một học sinh tiểu học diễn văn nghệ nghiệp dư lại được phong thành kép chánh đoàn hát thì quả là sự phóng đại quá lớn. Thực tế này đã đủ sức trả lời câu hỏi bà bầu Thơ có đi tìm mời Huỳnh Tấn Mẫm đi hát với Thanh Nga hay không.

Hữu Phước về làm kép đoàn Thanh Minh là do kế hoạch của Thu An?

Ở đây không rõ do thiếu kiến thức hay nói dóc không có căn mà tác giả thông tin này đã đảo lộn những mốc thời gian. Tác giả đưa ra tình huống sau khi đoạt giải, Thanh Nga không có vai diễn và không có người hát chung nên tiến cử Hữu Phước, mà quên là Thanh Nga đã đoạt giải khi hát cặp với ai? Soạn giả Kiên Giang, tác giả tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới mà Thanh Nga đóng vai Sơn nữ Phà Ca và đoạt giải Thanh Tâm đầu tiên đã kể về chuyện này như sau:

“Đầu năm 1957, Hữu Phước về Đoàn Thanh Minh do sự giới thiệu của nghệ sĩ Út Bạch Lan. Trong lần kép chánh Út Nhị bỏ tuồng đi nhậu nhẹt ở Mỹ Tho, Hữu Phước được giao thủ vai chánh trong tuồng Đứa Con Hai Giòng Máu của soạn giả Lê Khanh. Hữu Phước thành công ngay trong vai chánh đầu tiên. Tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới do Quy Sắc và tôi viết, trong đó có tính toán đo ni đóng giày cho Thanh Nga. Nhưng lúc phân vai trong đoàn cũng có nhiều ý kiến khác nhau, cuối cùng, Út Bạch Lan nhường cho Thanh Nga đóng phần đầu, Út Bạch Lan đóng phần sau. Vai nam chính của tuồng là Mộng Long do Hữu Phước đóng.

Thanh Nga và mẹ, bà bầu Thơ (file photo)

Sau đêm khai mạc, báo chí đã hết lời khen Thanh Nga, nhất là ký giả kịch trường Thanh Tâm Trần Tấn Quốc. Ông đánh giá Thanh Nga xuất thần, diễn như kịch bên cạnh Hữu Phước diễn cải lương. Nói “Thanh Nga diễn như kịch” nghĩa là rất thật, rất chính xác, diễn đạt nội tâm nhân vật… Còn Hữu Phước “diễn cải lương” tức là anh còn theo cách cũ, chuyên chú nắn nót giọng ca cho ngọt ngào mùi mẫn mà chưa chú ý thể hiện, diễn đạt tâm lý, tính cách nhân vật… Từ lời phê đó, Hữu Phước muốn phục thiện nên cố công khổ luyện và đã bật sáng vai cậu Tư Kiên (vở Con gái chị Hằng) sau đó”.

Cũng theo soạn giả Kiên Giang ở đoàn Thanh Minh thì việc phân vai cho đào kép trong mỗi vở tuồng, người có quyền quyết định là soạn giả của tuồng hát ấy và thầy tuồng dàn dựng, còn gọi là Trưởng Đài (thông thường là nghệ sĩ Tám Vân). Tiêu chuẩn chọn vai là xét theo tính cách nhân vật và khả năng diễn, sự phù hợp của diễn viên. Thế nhưng chuyện không dừng lại đó. Người ta còn đẩy tới chuyện Út Trà Ôn nhận tiền ông Ba Bản, trả giao kèo lại cho bà bầu Thơ; rồi đoàn Thanh Minh Thanh Nga nợ 40 triệu đồng đến nỗi Thanh Nga phải chấp nhận làm vợ Đại úy Mẫn để giải quyết nợ…

CÒN TIẾP

_________

Thanh Nga – giai thoại và đời thật

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: