Thanh Nga – giai thoại và đời thật, kỳ 5

Bà bầu Thơ hạ bệ Út Trà Ôn; Thanh Nga cưới Đại úy Mẫn để giải quyết nợ cho đoàn hát?

_________________

*Hữu Phước si mê Thanh Nga nên ca mùi diễn tốt, bà Bầu Thơ dùng Hữu Phước hạ bệ vua vọng cổ Út Trà Ôn.

*Bức xúc vì bị đì và bị Hữu Phước đá đít bạt tai, nghệ sĩ Út Trà Ôn ức quá bèn kích ông bầu Ba Bản lập đoàn Thủ Đô để Út Trà Ôn làm kép chánh.

*Đoàn Thủ Đô lớn mạnh lấn lướt hút khách, bà bầu Thơ nợ đến 40 triệu đồng, phải gả Thanh Nga cho Đại úy Mẫn để giải quyết nợ. Sự thực chuyện này ra sao?

(file photo)

__________________

Như chúng tôi đã nêu trong các bài trước, từ bộ sách “Tình Sử Cải Lương, Cuộc Ðời Thanh Nga” của tác giả Ngành Mai, nhiều thông tin quái lạ về Thanh Nga và các nghệ sĩ liên quan đã lan tràn trên các trang mạng và cả trên báo giấy, trong đó có chuyện Hữu Phước si tình Thanh Nga đến mất ăn mất ngủ và nhờ vậy mà ca rất mùi, diễn rất nhập vai. Sách “Tình Sử Cải Lương, Cuộc Ðời Thanh Nga” đã dẫn lời những nghệ sĩ lão thành Duy Lân, Năm Châu trong câu chuyện khó ai kiểm chứng và biến các cây đa cây đề này thành những… bà tám. Sách có đoạn viết:

“Duy Lân thường hay đến sinh hoạt tại trụ sở Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ ở đường Cô Bắc, cũng như rất thường đến Ngã Tư Quốc Tế chuyện trò với giới cải lương. Bữa nay ông đến và gặp Năm Châu cùng ngồi nói chuyện về nghệ sĩ đàn em Hữu Phước, ông nói: Về phương diện nghệ thuật thì nó đã nổi tiếng, và về tình cảm thì cũng đã có vợ rồi mà còn muốn thêm Thanh Nga thì quả thật không bao nhiêu mà đủ. Duy Lân nói thêm là hồi Năm Nghĩa chưa mất, ông thấy hai vợ chồng Năm Nghĩa cưng Thanh Nga như cành vàng lá ngọc, và hiện tại thì bà bầu Thơ đã đặt Thanh Nga vào vị trí khá cao thì rất khó mà Hữu Phước vói tới…

Năm Châu nói: Nghe đào kép gánh Thanh Minh kể lại thời gian Thanh Nga đau bệnh, thiếu vắng trên sân khấu thì Hữu Phước như kẻ mất hồn, đúng lúc soạn giả Hoàng Khâm cho ra đời vở hát Người Đẹp Bạch Hoa Thôn, Hữu Phước đóng vai chánh Hà Lâm, tức chàng ngốc bán than, ca diễn khá hay. Ông nói tiếp rằng có lẽ do tâm trạng đau buồn sẵn, nên Hữu Phước dễ dàng nhập vai, diễn xuất như thật, đồng thời giọng ca cũng mùi hơn, cảm động hơn…”

Đoàn Cải Lương Thanh Minh – Thanh Nga trong lần lưu diễn tại Huế (The JIMMY TV)

Thực tế, giọng ca Hữu Phước vừa là thiên phú vừa là trí tuệ tài năng chẻ câu sắp chữ. Học giả Vương Hồng Sển từng đúc kết: “Mấy mươi năm trước chưa ai ca vọng cổ hay hơn Hữu Phước, e rằng mấy mươi năm sau cũng chẳng có ai”. Giới ký giả kịch trường phong tặng Hữu Phước là Giọng Ca Vàng, không thua kém vua vọng cổ Út Trà Ôn.

Về tình cảm Hữu Phước với Thanh Nga thì đó hoàn toàn không là tình cảm trai gái bi lụy, vẩn đục mà là mối tình nghệ sĩ trong sáng, công khai minh bạch. Khi định cư ở Pháp, Hữu Phước đã nhắc đến Thanh Nga và những kỷ niệm của đoàn Thanh Minh qua nhiều bài hát do ông sáng tác. Khi Thanh Nga qua đời, Hữu Phước đã viết và tự ông hát, ghi đĩa bài vọng cổ “Hữu Phước Khóc Thanh Nga” rất cảm động, độc đáo và chân thành.

Cũng cần nói thêm là Hữu Phước đã về đoàn Thanh Minh không phải một mình mà còn kèm với cô con gái là nghệ sĩ thần đồng Hương Lan. Nghệ danh Hương Lan là do soạn giả Kiên Giang đặt bằng cách ghép tên hai nữ nghệ sĩ mà Hữu Phước hâm mộ nhất đó là Thanh Hương và Út Bạch Lan. Chính nghệ danh này cũng nói lên sự trong sáng của Hữu Phước trong quan hệ với Thanh Nga.

Còn chuyện Hữu Phước và bà bầu Thơ cùng nhau “đì” vua vọng cổ Út Trà Ôn? 

Sách “Tình Sử Cải Lương, Cuộc Ðời Thanh Nga” viết như sau:

“Số là một ngày nọ vào khoảng giữa năm 1959, tại hãng Dĩa Hát Hoành Sơn ở đường Ngô Ðình Khôi (qua khỏi cầu Công Lý, đường lên sân bay Tân Sơn Nhứt), chủ nhân hãng dĩa là ông Ba Bản đang đứng trước phòng thâu thanh thì nghệ sĩ Út Trà Ôn chạy đến than trời, cầu cứu nói rằng mình đang bị bà bầu Thơ đoàn Thanh Minh “đì” quá nặng, và van xin sự giúp đỡ của ông Ba Bản.

Nhiều năm qua Út Trà Ôn là trụ cột của đoàn Thanh Minh, hễ lên sân khấu là đóng vai chánh và thường đóng cặp với đào Kim Chưởng, Thúy Nga, Kim Anh, nhưng từ mấy tháng nay bà bầu Thơ mời được kép trẻ Hữu Phước về đóng cặp với Thanh Nga, cho Út Trà Ôn ra rìa “hạ tầng công tác” xuống đóng vai lão. Và mới đây bà bầu Thơ còn bảo Năm Châu viết tuồng xã hội giao cho ông đóng vai lão quản gia, bị kép trẻ (Hữu Phước) bạt tai, đá đít… Dù là vai trò trong tuồng hát nhưng cũng là hình thức làm nhục, khiến cho Út Trà Ôn mất mặt với nghệ sĩ trong đoàn, và ai cũng cười thầm cho rằng đệ nhứt danh ca đã hết thời rồi, nên bị bà Bầu Thơ hạ sát ván.

… Út Trà Ôn đề nghị ông Ba Bản lập gánh hát để cho mình giữ vai chánh… Sau lời cầu cứu và đề nghị cũng có lý thì ông Ba Bản gật đầu đồng ý lập một gánh hát lớn để cho Út Trà Ôn giữ vai chánh… Thế là ông Ba Bản trao cho Út Trà Ôn ba triệu đồng, về trả cho bà bầu Thơ hai triệu để rời gánh, còn một triệu để xài, và bắt đầu về hãng Dĩa Hoành Sơn chuẩn bị tập tuồng cho đoàn hát sắp thành lập”.

_________

Trong thực tế Út Trà Ôn có thời gian về đoàn Thủ Đô nhưng lý giải động cơ là do bị bà bầu Thơ hay Hữu Phước “đì” thì quả là sự xúc phạm vong linh những nghệ sĩ này. Theo soạn giả Nguyễn Phương thì hợp đồng của đoàn Thanh Minh với nghệ sĩ Út Trà Ôn luôn cao ngất ngưởng. Năm 1958 là 1,5 triệu đồng; năm 1960 là 3 triệu đồng, trong khi đó, hợp đồng với Hữu Phước chỉ có 800.000 đồng và cũng là con số ước mơ của những nghệ sĩ thời đó. Theo hợp đồng và cũng là tập quán của giới nghệ sĩ, muốn trả hợp đồng trước hạn thì nghệ sĩ phải trả gấp đôi số tiền đã nhận, tức là nghệ sĩ Út Trà Ôn phải trả 6 triệu chứ không phải 2 triệu như sách đã viết.

Theo nhà nhiếp ảnh Huỳnh Công Minh, người đã chụp và lưu trữ hơn hai vạn tấm ảnh của đoàn Thanh Minh thì điều này cũng không có căn cứ vì “Ông Mười Út (Út Trà Ôn) khác những nghệ sĩ khác là luôn theo hết hợp đồng mà không bao giờ trả tiền trước hạn”. Một thực tế khác là nghệ sĩ Út Trà Ôn đã hơn ba lần ra đi quay về đoàn Thanh Minh trước và sau khi về đoàn Thủ Đô. Năm 1968, ông còn tham gia cùng đoàn này sang Pháp diễn. Nếu bị đì, chắc hẳn sẽ không có chuyện quay đi quay về như thế.

Hữu Phước và nghệ sĩ Út Trà Ôn hát chung trên sân khấu Thanh Minh trong rất nhiều vở tuồng… Đặc biệt là ngoài sân khấu, hai người cùng hát chung trong hàng chục đĩa vọng cổ, cải lương như: Tống Tửu Đơn Hùng Tín, Ni cô Diệu Thiện. Đây là sự hợp tác tự nguyện giữa các nghệ sĩ với nhau không lệ thuộc vào đoàn hát. Với sự hợp tác khắng khít như vậy thì chắc chắn không có chuyện xúc phạm “đá đít, bạt tai” như trong sách “Tình Sử Cải Lương, Cuộc Ðời Thanh Nga” viết.

(file photo)

Đoàn Thủ Đô thổi bay các đoàn cải lương khác?

Quyển “Tình Sử Cải Lương, Cuộc Ðời Thanh Nga” đã hết lời ca ngợi đoàn Thủ Đô như là một đơn vị thống soái, độc chiếm cả Sài Gòn. Soạn giả Nguyễn Phương ghi nhận và đánh giá khách quan, rằng đoàn này chỉ mạnh về cách quảng cáo mới lạ. Ông Nguyễn Phương kể:

“Ông bầu Ba Bản có một kỹ thuật quảng cáo tuồng hát mà trước đó chưa có đoàn hát nào thực hiện. Tấm panneaux quảng cáo đặt trên balcon lầu một của rạp hát Thái Bình suốt chiều dài của mặt tiền rạp hát 16 thước, bề cao panneaux 3 thước, được một giàn sáu ngọn đèn ngàn watts rọi sáng cả tấm panneaux và mặt tiền rạp hát. Ngoài ra ông Ba Bản cho dùng một trái ballon cao su đường kính ba thước, được bơm đầy “khí nhẹ” để bong bóng bay lên, kéo tấm bảng bằng vải bố bề ngang 3 thước, dài 15 thước, vẽ cả hai bên, để tên tuồng Tiếng Trống Sang Canh và hình của nghệ sĩ Út Trà Ôn,  Ngọc Hương, Hoàng Giang, Thanh Thanh Hoa.

Hai ngọn đèn pha, mỗi ngọn 5000 watts (mướn của Nha Điện Ảnh) rọi từ dưới đất theo chiều dọc chiếu sáng tấm panneaux. Vì panneaux lớn quá, được bong bóng kéo căng thẳng lên cao nên khi đứng ở gần nhà thương Từ Dũ, hoặc ở đường Phạm Ngũ Lão, gần rạp hát Thành Xương và đường Võ Tánh, khỏi rạp Quốc Thanh, người ta đều nhìn thấy bảng quảng cáo của đoàn hát Thủ Đô và bảng tên tuồng Tiếng Trống Sang Canh…”

Một thế mạnh khác của đoàn này là quan hệ bao thơ với báo chí. Nguyễn Phương viết: “Văn chương và cốt truyện tuồng Tiếng Trống Sang Canh chỉ đạt được mức trung bình. Các ký giả kịch trường được ông bầu có tài kinh doanh tặng cho phong bì hậu hĩ nên không ai viết phê bình về chuyện tuồng và văn chương mà chỉ khen những cái hay, đẹp về quảng cáo và trang trí sân khấu”.

Đưa ra một nguyên cớ không xác đáng về việc thành lập đoàn Thủ Đô là do Út Trà Ôn bị đì, phóng đại vai trò và sự thành công của đoàn Thủ Đô, tác giả quyển “Tình Sử Cải Lương, Cuộc Ðời Thanh Nga” đưa đến một kết luận xuyên tạc xúc phạm nặng nề đến gia đình và cá nhân nghệ sĩ Thanh Nga trong chuyện đời tư. Sách viết như sau:

“Lúc bấy giờ các gánh lớn ở đô thành, cũng như các gánh nhỏ ở tỉnh hầu hết đều tiền vay bạc hỏi, sau mỗi xuất hát vừa vãn thì chủ nợ luôn có mặt thu tiền lời. Gánh nào cũng nợ ngắn hạn, nợ dài hạn ngày một chồng chất thêm lên, gánh nhỏ thì nợ con số vài trăm ngàn, gánh lớn thì nợ vài triệu. Nghe nói bà bầu Thơ có lúc nợ gần 40 triệu, và với số nợ kia thì sau một đêm hát chỉ đủ trả tiền lời mà thôi, tiền đứng giữ nguyên, cuối cùng Thanh Nga phải có chồng là Ðại úy Mẫn mới giải quyết được nợ (Ðại úy Mẫn thuộc trường Bộ Binh Thủ Ðức, biệt phái làm yếu khu trưởng Tân Cảng, cầu Sài Gòn xa lộ Biên Hòa, một chức vụ béo bở lúc bấy giờ).

Ðám cưới xong, chỉ một thời gian ngắn thì Ðại úy Mẫn vào tù, do dính líu đến tham nhũng trong quân đội. Thế là xong, chia tay luôn! Người chồng sau cùng của Thanh Nga là ông Ðổng Lân (Ðổng Lý Văn Phòng Bộ Thông Tin) đã chết cùng ngày cùng giờ với Thanh Nga. Ðó là hai mối tình mà nhiều người biết, mực giấy báo chí tốn nhiều, còn những mối tình khác ít người biết đến thì sao? Có bao nhiêu mối tình đã không thành?”…

Soạn giả Kiên Giang khẳng định, doanh thu của đoàn Thủ Đô không ảnh hưởng đến đoàn Thanh Minh Thanh Nga vì mỗi đoàn có hướng đi riêng và đối tượng khán giả riêng. Một thực tế rõ ràng để chứng minh là đoàn Thanh Minh Thanh Nga đóng đô tại rạp Hưng Đạo có đến 1.100 ghế là rạp lớn nhất, sang trọng nhất Sài Gòn, ngay khi rạp này mới hoàn thành năm 1960 và kéo dài suốt bảy năm đến 1967. Trong khi đó, đoàn Thủ Đô đóng ở rạp Thái Bình nhỏ hơn và chỉ tồn tại ba năm, đến năm 1964 là tan rã. Một đoàn hát đã chết làm sao có thể ảnh hưởng, gây nợ cho đoàn hát còn đang sống!

Những người am hiểu đều khẳng định bà Bầu Thơ là người đã tạo ra hướng đi đúng cho sân khấu cải lương. Đó là xây dựng những tuồng lịch sử, xã hội Việt Nam, làm sân khấu thực và đẹp theo định hướng của nghệ sĩ Năm Châu. Chính Thanh Nga và những nghệ sĩ tài năng của sân khấu Thanh Minh đã đưa triết lý này thành đỉnh cao nghệ thuật qua các tuồng Sân Khấu Về Khuya, Nửa Đời Hương Phấn, Sông Dài, Mưa Rừng làm khán giả ngất ngây yêu thích… Chuyện nợ nần đến phải gả con để giải quyết là không tưởng.

Một tuồng cải lương của đoàn Thanh Minh Thanh Nga (ảnh tư liệu của Huỳnh Công Minh)

Hơn thế nữa, thời ấy có không dưới ba ông tướng ở những vị trí quan trọng của chế độ Sài Gòn và rất nhiều đại gia lắm tiền nhiều của say đắm Thanh Nga, nhưng đều bị bà bầu Thơ từ chối. Đại úy Mẫn không đủ giàu và mạnh so với những người này, nếu bà bầu Thơ cần phải gả bán vì tiền thì sự lựa chọn nhất định không phải là ông Mẫn. Chuyện hôn nhân của Thanh Nga với Đại úy Mẫn rõ là một bất ngờ và không được sự đồng thuận của nhiều người kể cả những nghệ sĩ lão thành luôn quý trọng Thanh Nga như Phùng Há, Năm Châu… Cuộc hôn nhân này quả có uẩn khúc nào đó nhưng chắc chắn không phải do nợ nần.

Chúng tôi xin dẫn ý kiến của một số người có nhiều năm gắn bó với đoàn hát và cá nhân Thanh Nga. Theo soạn giả Nguyễn Phương, cuộc hôn nhân là do tác động của Trần Đình, còn có bút danh Trần Đình Tuyên, bí danh Năm Thạch, một cán bộ tình báo Việt Cộng cài cắm trong đoàn Thanh Minh Thanh Nga với vai trò trợ lý cho bà Bầu Thơ. Nguyễn Phương cho rằng Trần Đình thường nhận tiền của Đại úy Mẫn và đã tác động bà Bầu Thơ đồng ý gả Thanh Nga cho Đại úy Mẫn.

Còn theo nhà nhiếp ảnh Huỳnh Công Minh, cuộc hôn nhân là do cú sốc của Thanh Nga khi phát hiện Thành Được còn quan hệ với cô bồ cũ, nguyên là tiếp viên hàng không Việt Nam. Sau khi Thành Được kết hôn với Út Bạch Lan, cô tiếp viên đã đi nước ngoài sau một trận đánh ghen nảy lửa. Sau khi Thành Được, Út Bạch Lan tan rã, cô này quay lại Việt Nam. Trong một đêm diễn tuồng Sân Khấu Về Khuya, Thanh Nga phát hiện cô này ngồi dưới hàng ghế khách mời dành cho Thành Được nên tức giận đòi ngưng diễn, các nghệ sĩ khác phải năn nỉ, khuyên can.

Hôm sau, Thanh Nga chủ động gặp Đại úy Mẫn, người kiên trì theo đuổi lâu nay và sau đó cuộc hôn nhân được xúc tiến. Ông Huỳnh Công Minh cũng cho rằng Thanh Nga là người có nghĩa, tuy hôn nhân với Đại úy Mẫn không có tình yêu nhưng khi Đại úy Mẫn bị bắt, Thanh Nga cũng thường đi xe lam thăm viếng. Ông Minh cũng cho rằng Trần Đình có vai trò trong cuộc hôn nhân này nhưng không phải mục đích vì tiền mà vì quan hệ công tác.

Đại úy Mẫn là cháu của Dương Văn Minh, nên Trần Đình hy vọng qua hôn nhân này sẽ quan hệ và tiếp cận thông tin tốt hơn với giới chức quân đội Sài Gòn. Trước đó, nhiều người khác có địa vị, tiền bạc cầu hôn Thanh Nga nhưng đều bị Trần Đình tác động với bà Bầu Thơ bác bỏ. Mục đích của ông muốn giữ Thanh Nga là đóa hoa chưa có chủ sẽ thu hút nhiều tướng lãnh, sĩ quan cao cấp chung quanh để ông quan hệ và khai thác thông tin.

Phần mình, soạn giả Kiên Giang khẳng định Trần Đình có vai trò quan trọng và có đóng góp tích cực trong đoàn hát nhưng không phải là người môi giới trong hôn nhân với Đại úy Mẫn. Theo Kiên Giang, tác nhân chính của cuộc hôn nhân là từ những người bạn của bà bầu Thơ có họ hàng với tướng Dương Văn Minh và ông Nguyễn Ngọc Thơ (Phó Tổng thống thời Ngô Đình Diệm và Thủ tướng thời Dương Văn Minh). Kiên Giang khẳng định Thanh Nga chấp nhận cuộc hôn nhân vì chữ hiếu chứ không phải vì tình.

CÒN TIẾP

__________

Thanh Nga – giai thoại và đời thật

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: