Thế giới pop Mỹ 20 năm sau biến cố 11/9

Bruce Springsteen trong chương trình “America: A Tribute to Heroes” với ca khúc “My City in Ruins” tại in New York City ngày 21 Tháng Chín 2001, được thực hiện nhằm gây quỹ cho nạn nhân vụ khủng bố 11/9 (ảnh: KMazur/WireImage/Getty Images)

Trong kệ đĩa của tôi vẫn còn Living with war, album nhạc về 11/9 của Neil Young, từng là nghệ sĩ tài danh của phong trào nhạc folk pop phản chiến hồi những năm 60-70; và trên YouTube hiện nay bạn dễ dàng tìm nghe lại My city of ruins qua trình bày của “Sếp Rock” Bruce Springsteen, một cư dân New Jersey, ta thán về thành phố thân yêu bị đánh phá. Và còn nhiều ca khúc, phim ảnh liên quan đến biến cố kinh hoàng đã xảy ra sáng 11 Tháng Chín 2001 khi New York City và Lầu Năm Góc bị khủng bố Al Qaeda tấn công. Sau cột mốc thời gian bi thương ấy, làng văn hóa nghệ thuật Mỹ (sau đây xin gọi chung là thế giới Pop Mỹ) bị tác động và đã thay đổi.

Một số CD ra đời sau vụ 11/9 (P. Nguyễn Dũng)

Nhật báo The Wall Street Journal ngày 6 Tháng Chín có bài nhận định về sự thay đổi của thế giới pop Mỹ rất hay. “Mười ngày sau biến cố 11/9, trên tivi có chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện America: A tribute to Heroes với sự góp mặt của 21 nghệ sĩ pop nổi tiếng khắp thế giới. Họ đàn hát những bài ca về nỗi buồn, niềm hy vọng và sự can đảm; họ gửi đi bản tin rằng một hành động ma quỷ quái gở đã ập xuống nước Mỹ và người Mỹ cần phải làm điều gì đó. Nổi bật trong show truyền hình ấy là ca khúc I won’t back down qua trình bày của rocker tài hoa Tom Petty và nhóm The Heartbreakers. Bài hát ấy không được viết nên vì mục tiêu chính trị nào nhưng thời hậu biến cố 11/9 lại trở thành một ca khúc có sức mạnh đoàn kết người Mỹ không chịu thua, không suy sụp!

Bốn tháng sau, album The Look of Love của nữ nghệ sĩ piano jazz tài hoa Diana Krall trình bày lại những ca khúc pop classic đã được xếp hạng tám trên danh sách CD bán chạy nhất mọi thể loại ở Amazon.com! Khi biết tin này, tác giả bài báo viết rằng, “những điều kinh hoàng xảy đến đã đánh thức nơi tâm hồn người Mỹ nhu cầu tìm kiếm một thẩm mỹ trung thực, không đùa cợt, điều mà họ không hề nghĩ có hiện hữu trước đó”.

Nicolas Cage và Michael Pena với vai những người lính cứu hỏa trong phim World Trade Center của đạo diễn Oliver Stone

Những tháng sau biến cố, cờ Mỹ phấp phới trước mọi ngôi nhà, mọi khu suburbs, các nhà hàng, cao ốc ở thành phố New York và vô số tác phẩm nghệ thuật được tạo ra với cùng mẫu số chung là khơi dậy tinh thần lạc quan của người Mỹ. Bruce Springsteen một lần nữa lại khơi lên niềm tin nước Mỹ sẽ hồi phục mạnh mẽ và tái tỏa sáng khi tung ra album The Rising vào năm 2002. Chuyện kể rằng, không lâu sau ngày kinh hoàng 11/9, khi đang đi bộ trên góc phố nọ, Bruce Springsteen bị một người không quen biết chặn lại và nói, “Chúng tôi cần anh lúc này!” và thế là vài tháng sau, Bruce Springsteen đã cho ra mắt The Rising. Chắc các bạn còn nhớ rằng Bruce Springsteen chính là “người hùng” của giới công nhân, giới lao động thu nhập thấp ở Mỹ thời khủng hoảng kinh tế thập niên 80 với album Born in the U.S.A.

Thế nhưng, tình gắn bó cùng nhau vươn lên bất chấp vết thương lớn trong tâm trí người Mỹ dường như đã sớm trôi theo dòng nước. Đến năm 2003 thì Mỹ đã trở lại như trước, chia rẽ nhiều phe phái, nhánh nhóm, rạn nứt mọi nơi. Thế nên không ngạc nhiên lắm khi nhớ lại rằng Holywood hầu như sau đó đã tìm mọi cách tránh xa các phim nội dung 11/9 và Chiến tranh Vùng Vịnh.

Bạn còn nhớ không, nhóm nhạc country pop Dixie Chicks với ba tài năng nữ từng một thời là “cục cưng” của người Mỹ cũng đã có lúc bị phản đối. Album Home của họ bị tẩy chay sau khi một thành viên lên tiếng chỉ trích Tổng thống Bush tiến hành cuộc chiến tại Iraq hồi năm 2003. Ca khúc Travelin’ soldiers của họ đang ngự trên cao bảng xếp hạng thì ngày trước ngày sau rơi tỏm vào hư vô!

United 93 của Paul Greengrass – một trong những phim về sự kiện 11/9

Dĩ nhiên cũng có phim về hai đề tài này, nhưng không phải là “nấm sau cơn mưa” như thường thấy ở Kinh đô điện ảnh. Đó là United 93 của Paul Greengrass (năm 2006), World Trade Center của Oliver Stone (2006), The Hurt Locker của Kathryn Bigelow (năm 2008)… Ngược lại phim mô tả người hùng Mỹ đánh phá quân Taliban ở Afghanistan thì nhiều lắm, từ phim tưởng tượng đến phim dựa vào chuyện thật xảy ra (12 Strong, Lone survivor, Zero Dark Thirty…).

Thời gian trôi qua, kỷ niệm buồn 11/9 dần dần dịu xuống trong tâm trí, trên màn ảnh lớn vẫn lần lượt xuất hiện những phim người hùng Mỹ trừ kẻ ác- những người hùng tưởng tượng xuất thân từ các cuốn truyện tranh. Nào là The Dark Knight của Christopher Nolan (năm 2008); The Avengers (năm 2012)… kể cả những phim khủng bố tấn công Tòa Bạch ốc (White House down, năm 2013 với Jamie Foxx và Channing Tatum hay Olympus has fallen cũng năm 2013 với Gerard Butler, Morgan Freeman). Trên màn ảnh nhỏ thì các mùa phim an ninh chống khủng bố ngay trong lòng nước Mỹ cứ thi nhau sáng lên, nào là 24 (cho Kiefer Sutherland tái tỏa sáng), nào là Homeland (cho Claire Dane thăng hoa)…

Và từ sau chuyến bay cuối cùng của USAF di tản khỏi sân bay Kabul đêm 30 Tháng Tám 2021 vừa qua, đặt dấu chấm hết cho cuộc viễn chinh dài nhất của nước Mỹ, liệu tới đây thế giới pop Mỹ sẽ đưa ra những thông điệp gì?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: