Trong các thú chơi tao nhã như thú uống trà, thú thưởng nguyệt, thú chơi hoa kiểng, thú chơi câu đối…, còn có Thú chơi xướng-họa.
Như ai nấy đều biết, các thể thơ thông dụng ở nước ta gồm Lục bát, Song thất lục bát, các thể loại thơ Đường luật [ngũ ngôn, thất ngôn (tứ tuyệt, bát cú)], Thơ mới, Thơ tự do, v.v… Ở đây người viết chỉ bàn về thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú (trong bài được gọi tắt là Thất ngôn bát cú hoặc bát cú) – một loại thơ chánh quy, cao cấp trong các thể thơ.
Vài nét về Thơ Đường luật
Thơ Đường hay Đường Thi là thể thơ được sáng tác vào thời nhà Đường (618-907) bên Trung Hoa. Số lượng các bài Thơ Đường được ghi chép và lưu truyền đến nay lên đến hàng chục ngàn bài (khoảng 48,000) của hàng ngàn tác giả. Tác phẩm Đường Thi nhất thiên thủ chọn lọc 1,000 bài Đường Thi hay nhứt của các thi nhân đời Đường.
Đời Thanh chọn 300 bài tiêu biểu do Hàng Đường Thoái Sĩ và Trần Uyển Tuấn bổ chú thành Đường Thi tam bách thủ được phổ biến rộng rãi ở Trung Hoa, Việt Nam. Đến đời Trần Nhân Tông (1258-1308), Nguyễn Thuyên (1229-?) là người đầu tiên biết theo Đường luật mà làm thơ Nôm, đặt ra thể thơ Hàn luật. Như vậy thơ Hàn luật là thơ nôm (tiếng Việt) theo luật thơ Đường. Đó là thể thơ vay mượn “thi pháp của Tàu, âm luật của ta” (Dương Quảng Hàm) để tạo thành thơ ta như các thể thơ Việt Nam khác.
Hiện nay có sự nhập nhằng về tên gọi thể thơ Đường luật. Nhiều thi sĩ trong nước làm thơ Đường luật gọi đó là Thơ Đường hay Đường Thi. Thật là một sự ngộ nhận đáng tiếc! Lại có “nhà thơ” đòi phát động phong trào “Thắp Sáng Đường Thi”. Trời đất! Đường Thi đã thật sự tỏa sáng từ ngàn năm rồi, thắp sáng hay không là việc của con cháu các ông Lý Bạch, Đỗ Phủ, không liên quan gì đến chúng ta mà sáng với tối!
Người viết dầu có ý muốn thoát Trung, nhưng vẫn không bài ngoại như Thánh Gandhi đã từng hô hào tẩy chay hàng hóa của Anh thuở nọ; cũng không triệt để bài Pháp như cụ Đồ Chiểu qua việc không dùng xà bông của Pháp (chỉ dùng nước tro để giặt đồ), không đi trên đường do Tây đắp, gọi người Pháp là “loài bạch quỷ”, thậm chí khuyên con cháu không được học chữ Quốc ngữ vì cho đó là “lối phát minh man rợ”(?). Chúng tôi không đồng ý với tên gọi như Thơ Đường, Đường Thi hay Thơ Đường Việt Nam (thiếu chữ luật) và xin được đề nghị các tên gọi như Thơ Đường luật Việt Nam hay Thơ Đường luật hoặc thơ luật.
Thơ Đường luật có bốn thể: Ngũ ngôn tứ tuyệt, Ngũ ngôn bát cú, Thất ngôn tứ tuyệt, Thất ngôn bát cú. Ở đây, người viết chỉ bàn tới thể Thất ngôn bát cú.
Cách làm thơ Đường luật thất ngôn bát cú
Trước hết, người làm thơ cần hiểu rõ bố cục, niêm, luật, vần, đối trong một bài thơ Đường luật.
– Bố cục: một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú theo truyền thống thường được chia gồm 4 phần, mỗi phần 2 câu như sau:
.Đề (câu 1-2): câu 1 là phá đề, mở ý của bài; câu 2 là thừa đề chuyển tiếp ý để đi vào phần sau.
.Thực hoặc Trạng (câu 3-4): giải thích rõ ý đầu bài.
.Luận (câu 5-6): phát triển rộng ý của đầu bài.
.Kết (câu 7-8): kết thúc ý toàn bài.
– Niêm: (dính liền, giữ cứng) là nguyên tắc phân phối thanh theo chiều dọc, làm cho các câu thơ liên kết (dính) với nhau. Niêm trong thơ Đường luật thất ngôn bát cú căn cứ vào chữ thứ hai mỗi câu phải cùng một thanh (Bằng hay Trắc). Các liên thơ gắn (niêm) với nhau từng cặp một là: 1 và 8; 2 và 3; 4 và 5; 6 và 7.
Lưu ý: Thất niêm (mất sự dính liền), không được.
– Luật: Luật thơ là luật điều tiết âm thanh theo chiều ngang, tức xếp đặt tiếng Bằng (B) tiếng Trắc (T) sao cho hòa hợp. Luật thơ yêu cầu “nhị tứ lục phân minh” để cho câu thơ được cân đối, bảo đảm sự cân bằng của “đòn cân thanh điệu” mà chữ thứ tư là tâm đối xứng. Thơ Đường luật có thể làm theo hai luật: Bằng và Trắc; căn cứ vào chữ thứ hai của câu đầu để biết bài thơ làm theo luật gì. Thất luật: khi một câu thơ đặt sai mất luật, không được. Khổ đọc (khó đọc): những chữ đáng Bằng mà đổi ra Trắc; và ngược lại.
-Vần: “Những tiếng cùng một thanh với nhau” (Việt Nam Tự Điển, trang 628) gồm mấy đặc điểm: thường gieo vần Bằng, ít khi dùng vần Trắc; độc vận (suốt bài thơ chỉ hiệp theo một vần); chỉ có cước vận (vần chân, vần ở cuối câu); toàn bài có 5 vần gieo ở cuối câu đầu và cuối các câu chẵn (2,4,6 và 8).
Lưu ý: Gieo vần sai hẳn gọi là lạc vận (lạc: rụng); Gieo vần không hiệp nhau lắm gọi là cưỡng áp (đặt gượng).
-Đối: là nguyên tắc bắt buộc của luật thơ, gồm có đối ý (có thể tương đồng hay tương phản) và đối chữ, tức vừa phải đối thanh (Bằng đối với Trắc, và ngược lại), vừa phải đối loại, tức hai chữ cùng một tự loại đối với nhau (như cùng hai chữ danh từ riêng/chung, hoặc tính từ, hoặc động từ…). Những câu thơ bắt buộc phải đối với nhau, tức “đối liên” là: hai câu thực (3 và 4), hai câu luận (5 và 6). Không theo đúng phép đối gọi là thất đối.
Xướng-Họa thơ Đường luật
Thơ xướng-họa có nhiều loại, thông dụng nhứt là thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Đã có họa, tất nhiên phải có xướng. Bắt chước người xưa khi cho rằng “Xuất đối dị; Đối đối nan” (Ra câu đối thì dễ, đối lại câu đối lại khó), tôi có thể viết “Xuất xướng nan; Họa đối nan”.
Thật vậy, làm thơ Đường luật (xướng) là một việc khó, không phải ai cũng làm được dễ dàng. Họa một bài thơ Đường luật lại càng khó hơn. Cho nên ít có bài họa xuất sắc. Ngoài việc tuân thủ các quy luật nghiêm ngặt của một bài thơ Đường luật như đã dẫn trên, người họa cần phải biết rõ cách thức họa thơ. Có nhiều tài liệu đề cập đến vấn đề nầy, người viết chỉ xin tóm gọn hai yêu cầu chánh về nội dung và hình thức.
– Về Nội dung: Bài họa phải đáp lại ý nghĩa (chủ đề, nội dung) của bài xướng, có thể biểu đồng tình (tương đồng) họăc phản đối với tư tưởng bài xướng (tương phản).
Người viết tạm dẫn một thí dụ: Chủ đề của bài xướng là con sông. Nếu bài họa tương đồng phải nói về những dòng sông, có thủy triều lên xuống, nước lớn nước ròng, tàu bè tới lui tấp nập, tôm cá đầy sông, sông dài cá lội biệt tăm, v.v…; không nên nói về ngọn núi, chân núi, đỉnh núi, vách núi, rặng núi, công cha như núi, núi cao chi lắm núi ơi… Như thế là lạc đề, là mượn vần, không thể gọi họa tương phản.
.Lối họa tương đồng.
Họa là “vẽ lại”, dựa vào hình mẫu, bản chánh, bản gốc vẽ lại một hoặc nhiều bản phụ, bản sao. “Bản chánh” bài nguyên xướng chỉ có một, “bản phụ” tức bài họa đáp do một hoặc nhiều thợ vẽ, thường là “sao chép” dựa vào bản chánh, hoặc điểm tô vài đường nét chấm phá tùy cảm hứng, tài hoa của mỗi thi nhân. Lối họa tương đồng là “vẽ lại” hình ảnh của bài xướng nên phải trung thực với bài xướng về ý, về vần.
Trong Tự điển, “họa” còn có nghĩa là “hòa”, như hòa chung cùng một nhịp. Đây là “sân chơi” của những người làm thơ và yêu thơ nhằm tạo quan hệ thi hữu gắn bó, nối vòng tay lớn. Tình thi hữu thêm bền chặt. “Tình họa” từ đó dẫn tới “tình thơ” tri âm tri kỷ. Hơn nửa thế kỷ qua, biết bao cuộc xướng-họa giữa các khách thơ đồng điệu đã để lại dấu ấn trong lịch sử văn chương Việt Nam.
Trong Văn Học Tuần San số 4 (1934) có in cặp thơ xướng-họa giữa Phan Bội Châu (1867-1940), người sáng lập Duy Tân Hội, thủ lãnh của phong trào Đông Du, và nữ sĩ Tương Phố (1900-1973). Đặc biệt bài họa của Tương Phố giữ nguyên vận với bài xướng, “niêm luật tài hoa, chu chỉnh… đã vượt qua sự hạn chế của loại thể, bộc lộ được tâm tư, khí phách, bản lĩnh dân tộc”.
Phan Bội Châu (bài Xướng, luật Trắc)
Nặng nợ vì thơ mới trả xong
Khi vui bút mực cũng mây rồng
Tưởng ngờ rồi kiếp cùng trời đất
Ai ngỡ còn duyên với núi sông
Mở cửa gió vào xuân họa vận
Cuốn mành trăng lại bạn soi lòng
Đàn Nha may gặp Chung Kỳ gái
Muôn thuở Hồng Lam với Tản Hồng.
Tương Phố (bài Họa, luật Trắc)
Ngày tối đường dài việc chửa xong
Biển Đông thôi đã vướng mây rồng
Dạ hờn quên nghĩ cùng năm tháng
Máu nóng còn sôi với núi sông
Hạt lệ như sương ngầm khóc nước
Niềm thương tựa ớt những cay lòng
Anh hùng sá kể chi thành bại
Vẫn nhớ cành Nam tổ Lạc Hồng.
Nói đến tình thơ tri âm tri kỷ không thể không nhắc tới “tình huynh nghĩa muội” sâu đậm giữa Trần Văn Khê (1921-2015) và Tôn Nữ Hỷ Khương (1935-2021). Hai “huynh muội” kẻ ngâm thơ, người xướng-họa rất ăn ý, trải qua thời gian khá lâu vẫn còn đọng mãi. Mối tình tri kỷ đó là “Khi vui luôn có nhau trong tình tri kỷ, lúc buồn cũng có nhau trong tình tương ái tương thân, nói với nhau những lời yêu thương dịu ngọt, cho nhau những nụ cười, những niềm vui, những ngọt bùi”. Chẳng hạn cặp thơ xướng-họa sau đây.
Bài xướng: Xuân Tân Mão – Tiếp tục nhả tơ… hiền huynh
Tân Mão, tuổi vừa quá chín mươi,
Tuy thường đau yếu vẫn tươi cười.
Truyền hình luôn được mời nhiều buổi.
Thuyết giảng hãy còn đi khắp nơi.
Thi phú luật Đường thường thích họa,
Đờn ca tài tử rất thèm chơi!
Sống an nhiên, chẳng cần danh lợi,
Tiếp tục vương tơ dệt mộng đời.
Tân Mão, Nguyên đán, giờ Thìn, 3-2-2011
Trần Văn Khê
________
Thương mến hòa vận thơ Trần Văn Khê
Ai bảo rằng anh ngoại chín mươi?
Nói năng lưu loát, vẫn vui cười.
Văn đàn thuyết giảng nhiều mời gọi.
Âm nhạc lưu truyền khắp mọi nơi.
Ẩm thực tham gia bao thích thú.
Truyền hình đề đạt lắm trò chơi.
Hồng ân Trời Phật cho thanh thản
Càng thọ càng thêm đẹp cuộc đời.
Mồng 1 Tết Tân Mão 2011
Tôn Nữ Hỷ Khương – Muội muội (Sau một giờ khi nhận được thơ xướng của Hiền huynh đọc qua điện thoại).
Bài thơ họa được Tôn Nữ Hỷ Khương làm trong thời gian kỷ lục “sau 1 giờ”, cùng luật Trắc, rất tài hoa! Để ý nữ sĩ dùng chữ “hòa” thay vì “họa” (vần thơ)…
Điều đáng nói về lối họa tương đồng nầy, riêng bài thơ bát cú Lại Tết Về Giữa Mùa Đông của Trúc Lan đã có tới năm tác giả hưởng ứng họa đáp, tổng cộng là 9 bài thơ họa – không kể bài Tự họa của cha đẻ bài xướng. Đó là các nhà thơ ở Canada như Tú Xác, Lộc Bắc, Phong Nguyễn, Tứ Diễm và một “nàng thơ” ở Hoa Kỳ: Lan Đinh. Ngoại trừ Lộc Bắc là thành viên trong Hội Giáo chức Québec, người viết không hề quen biết với bốn nhà thơ còn lại.
Đến đây, người viết trộm nghĩ, bài thơ xướng của Trúc Lan chưa hẳn là tuyệt cú… mèo, nhưng chắc hẳn là “có hồn” nên đã gợi hứng những “hồn thơ” hòa chung cùng một nhịp. Có người cho rằng, bước vào thế giới thơ (Đường luật) là bước vào “thế giới của sự hòa điệu” thật chí lý. Đối với thi nhân nòi tình đồng điệu, tâm đắc thường họa đáp lại những bài thơ xuất thần, đắc ý. Chúng tôi xin lần lượt giới thiệu nguyên văn bài thơ xướng LẠI TẾT VỀ GIỮA MÙA ĐÔNG của tác giả Trúc Lan và hai bài thơ họa tiêu biểu: một của Tứ Diễm, một của Lan Đinh.
Bài Xướng: LẠI TẾT VỀ GIỮA MÙA ĐÔNG (Luật Trắc)
Tết giữa mùa Đông – suối lệ tràn
Ngàn năm ô nhục: Ải Nam Quan!
Tây nguyên hùng vĩ, người khai thác
Biển đảo đẹp giàu, chúng phá tan
Hội nghị Diên Hồng: bừng chánh khí
Bài thơ Nam Quốc: nức tâm can
Non sông gấm vóc, thề son sắt
Tủi gió sầu mưa – hận ngút ngàn!
Trúc Lan – Thời Báo Jan 25, 2014
Mặc dầu vô cùng bận rộn nhưng nàng thơ Tứ Diễm đã họa đáp một lượt tới ba bài trong thời gian kỷ lục “hai ngày” sau khi nhận được bài xướng LẠI TẾT VỀ GIỮA MÙA ĐÔNG. Ngoài ra, Tứ Diễm còn tức hứng họa bài TẾT VỀ GIỮA MÙA ĐÔNG (ngũ ngôn) của nhà thơ Trúc Lan: “Ngay sau khi vừa đọc xong, Tứ Diễm gõ họa theo nguồn cảm hứng bất chợt”. Đặc biệt tất cả các bài thơ họa, nữ sĩ đã “họa giữ nguyên chữ cuối mỗi câu bài thơ xướng”. Xin chép một bài thơ họa của Tứ Diễm.
Bài Họa của Tứ Diễm (Luật Bằng)
Đọc thơ ai viết, uất dâng tràn
Hận lũ bạo quyền lẫn ác quan
Áp bức, đọa đầy – dân tới thác
Biển dâng, đất hiến – nước gần tan
Nằm gai rèn luyện tăng hùng khí
Nếm mật trau giồi thêm đảm can
Quyết đuổi giặc dù không tấc sắt
Chẳng nề gian khổ, quyết băng ngàn.
Tứ Diễm Jan 26, 2014 (họa giữ nguyên chữ cuối mỗi câu bài thơ xướng của tác giả Trúc Lan).
Bài thơ họa của Lan Đinh (Luật Trắc)
Ôi Tết giữa Đông với lệ tràn
Thương nòi thương nước hận tham quan
Giang sơn gấm vóc hèn đem bán
Văn hiến ngàn năm dám phá tan
Không thể ngồi yên còn nợ nước
Gương hùng sử Việt thúc tâm can
Chung tay đòi lại nguyên bờ cõi
Hẹn Tết đầu Xuân vui ngút ngàn.
(Lan Đinh – Đặc San Xuân 2015 Ninh-Hoa.com)
.Lối họa tương phản
Đây là bản “vẽ lại” đối xứng tương phản với bản gốc bài xướng. Những gì bên xướng khen ngợi, bênh vực thì bên họa chê trách, đả kích, và ngược lại. Trong lối họa thơ nầy, bài nguyên xướng và bài họa đáp đứng trên hai trận tuyến đối lập. Lịch sử văn học Việt Nam đã ghi lại cuộc bút chiến vô tiền khoáng hậu qua 24 bài thơ bát cú xướng-họa giữa Thọ Tường và Phan Văn Trị: một bên là tay sai thực dân Pháp, một bên là sĩ phu Văn Thân chống Pháp. Chẳng hạn cặp thơ xướng-họa Tôn Phu Nhân Quy Thục dưới đây, bài họa đáp đã nói lên chánh kiến đối lập của mình, quả là kỳ phùng địch thủ!
Tôn Thọ Tường: bài Xướng, luật Trắc
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng.
Phan Văn Trị: bài Họa, luật Bằng
Cài trâm xóc áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông
Ngút tỏa trời Ngô ùn sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cang thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng.
Về hình thức có họa hạn vận và họa phóng vận.
1.- Họa Hạn vận: Lối họa nầy không có bài xướng, chỉ có đề mà thôi. Người họa phải diễn tả ý thơ theo đầu đề đã ra sẵn và dùng đúng 5 vần hạn định của bài xướng.
Thí dụ: Cuộc thi thơ do Phan Kế Bính tổ chức.
Đầu đề (Nội dung cần diễn tả):
Trống treo, ai dám đánh thùng / Bậu không, ai dám dở mùng chun vô.
Năm vần hạn định: xô – cô – vô – ô – rô.
Điều khá thú vị là người đoạt giải nhứt tại cuộc thi nầy lại là một nhà sư! Bài thơ họa như sau:
Nào phải là ai dám giục xô
Thuận tình trước hết tự nơi cô
Có cho mới dám trao dùi đánh
Không hẹn nào ai đẩy cửa vô
Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa
Ham vui quên hết chuyện dâm ô
Thói hư thuần thước xưa còn lạc
Đừng học làm chi gióng nhảy rô.
2.- Họa Phóng vận: Lối họa nầy dựa vào một bài thơ có sẵn gọi là bài thơ xướng. Bài thơ họa có thể theo một trong bốn cách sau đây:
-Họa nguyên vận: là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần đúng y theo thứ tự của bài xướng;
-Họa đảo vận: là họa ngược thứ tự 5 vần từ dưới lên trên;
-Họa hoán vận: thay đổi thứ tự vị trí vần của bài xướng sao cho êm tai;
-Họa tá vận: mượn vần, không cần phải theo nội dung của bài xướng, nên dễ làm.
Làm thơ Đường luật vốn khó bởi những nguyên tắc, quy định có phần khắt khe, gò bó. Nhưng chính điều đó làm nên cái hay, cái lý thú cho thể thơ nầy. Bài thơ chỉ có 8 câu 5 vần, gói ghém trong 56 chữ nhưng chứa đựng nội dung vô cùng hàm súc, cô đúc, “ý tại ngôn ngoại” thâm thúy, sâu sắc. Họa thơ Đường luật lại càng khó hơn. Còn gì vui thú cho bằng bài thơ tâm huyết ưng ý của mình được khách đồng điệu cảm ứng họa đáp lại. Một bài xướng hay dễ tạo cảm hứng cho người họa. Do vậy mà có nhiều bài họa hay.
Một vài nhận xét
1.- Thông thường bài nguyên xướng làm theo thể luật gì thì bài họa đáp phải đối lại thể luật đó. Bài xướng luật Trắc thì bài họa phải đối lại luật Bằng; và ngược lại. Dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác – đặc biệt những bức “Thư gởi các bạn ham làm thơ Đường luật” của Quách Tấn (1910-1992), người viết nhận ra một điều: “Bài họa phải cùng một thể luật như bài xướng, nghĩa là hễ bài xướng thất ngôn luật Bằng thì bài họa cũng vậy” (Nguồn: saimonthidan.com). Như vậy bài họa cùng một thể luật hoặc khác thể luật với bài xướng vẫn được chấp nhận.
Bài xướng gieo vần gì thì bài họa phải theo đúng vần đó. Bài xướng gieo vần chánh (vần có âm giống nhau như: không – chồng – bông – lông), bài họa phải đáp lại vần chánh. Đôi khi cả hai bài xướng-họa đều dùng vần thông (vần có âm na ná giống nhau như: ta – hoa; sông – hương) hoặc cưỡng áp (gượng) vẫn được. Nhưng nên tránh lạc vận (lạc: rụng) tức gieo vần sai hoàn toàn (sang – hèn; thầy – cô). Ngoài ra, những vần của bài họa phải cùng một nghĩa, tức “ăn ý” với những vần của bài xướng (bài xướng có vần “song” là song cửa thì không được họa là “song song”).
2.- Ai nấy đều biết thơ phải có hồn. Hồn thơ chính là cái duyên của thơ. Có người ví thơ không có duyên cũng như người con gái đẹp mà vô duyên. Thơ mà vô duyên thì ít ai đọc. Đọc rồi chưa chắc đã nhớ. Nói khác đi thơ là sự rung động của tâm hồn, là sự rung cảm của trái tim được diễn tả bằng sự thăng hoa của ngôn từ. Thơ có nhiều thể. Thể nào cũng có cái hay, cái dở của nó.
Quách Tấn, “người giữ đền” tài hoa, “sứ giả cuối cùng” của dòng thơ cũ, nhà thơ sáng tác trên 1500 bài thơ Đường luật, đã viết: “Đối với thơ, tôi không tách biệt “mới” và “cũ”. Tôi chọn lựa thể Đường luật vì thấy thích hợp với tâm hồn mình”.
Tản Đà sắp Quách Tấn ngang tài với Hồ Xuân Hương và Nguyễn Khuyến qua bài bát cú Đêm Thu Nghe Tiếng Quạ Kêu (Mùa cổ điển – 1941). Nếu Hồ Xuân Hương từng nổi danh Bà chúa thơ Nôm, tôi có thể mạo muội ví Quách Tấn là “Ông hoàng thơ Đường luật”. Đồng ý với tác giả “Mùa cổ điển”, chúng tôi cũng như các bạn đã “chọn lựa thể Đường luật” vì nó “thích hợp với tâm hồn mình”.
3.- Thơ bắt buộc phải có nhạc. Thơ khác với văn ở điểm chương cú của thơ ngắn gọn, súc tích, đặc biệt thơ giàu nhạc. Nhạc là một yếu tố rất quan trọng trong thơ. Thơ mà không nhạc chỉ là văn. Theo Quách Tấn, muốn có nhạc, bài thơ cần phải điều chỉnh theo ba yếu tố: Thanh, Vận, Điệu. Nhà thơ còn phân biệt giữa Âm và Thanh: “Âm là những tiếng không có dấu…, không có cung bậc lên, xuống, thấp, cao. Thêm những dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã vào thì Âm trở thành Thanh có giọng thấp, giọng cao, giọng lên, giọng xuống” (Quách Tấn: Nguồn đã dẫn).
Thơ còn phải có hình ảnh. Nói khác đi: “Thi trung hữu họa”. Khi phân tích một bài thơ, người ta thường nói bài thơ nọ giàu âm thanh, nhạc điệu, nhiều hình ảnh, đậm nét sắc màu là vậy.
4.- Làm thơ Đường luật đã khó. Họa thơ Đường luật lại cực kỳ khó. Các bạn cũng như tôi đều “sợ” thơ Đường luật như Tôn Hành Giả sợ vòng kim cô của Phật Bà Quan Âm. Nếu quyết tâm “tìm chỗ đoạn trường mà đi”, các bạn phải học kỹ phương pháp và nắm vững các quy tắc làm thơ Đường luật; đó là bước khởi đầu gian nan đòi hỏi nhiều cố gắng. Tây phương chẳng có câu: “Nghệ thuật sanh nhờ cưỡng bách, chết vì tự do” (L’art nait de contrainte et meurt de liberté) đó sao? Nguyễn Hiến Lê có lý khi cho rằng: “Niêm luật thơ Đường không làm cản trở sức sáng tạo, mà trái lại còn làm cho bài thơ có vẻ đẹp và quý phái riêng của nó”.
5.- Không nên dùng lại chữ thứ 6 các câu 1, 2, 4, 6, 8 của bài xướng. Thật ra quy định nầy cũng như các quy tắc khác của thơ bát cú quá khắt khe, chỉ được triệt để tuân thủ trong thơ chữ Hán hoặc dùng trong khoa cử. Trong thơ Quốc âm và thơ tiếng Việt đương đại, những quy luật nầy có phần thông thoáng hơn; nhiều khi phải du di khi gặp tử vận (xót xa, Lê Lợi, Hà Nội, Sài Gòn).
Các bạn hãy yên tâm. Phạm luật nhỏ vẫn không làm giảm giá trị bài thơ. Bài thơ phạm luật mà hay còn hơn đúng luật mà dở. Có rất nhiều nhà thơ nổi tiếng nước ta đã từng phạm luật nhưng thơ vẫn hay. Chẳng hạn Hồ Xuân Hương với bài Đèo Ba Dội (thất luật), Nguyễn Bỉnh Khiêm với Dĩ Hòa Vi Quý (thất niêm), Bà Huyện Thanh Quan với Qua Đèo Ngang (cưỡng vận), Nguyễn Khuyến với Thu Vịnh (lạc vận), Vũ Hoàng Chương với Nghe Hát (thất đối), Phan Văn Trị với Vịnh Hát Bội (khổ độc), vân vân… Như vậy họa thơ theo cùng luật hay khác luật với bài xướng, thậm chí “phá cách” cũng được, miễn là thơ hay và có hồn.
6.- Thơ và người làm thơ xưa nay vốn “không có tuổi” và “không biên giới”. Phan Bội Châu lớn hơn Tương Phố 33 tuổi. Nhiều cụ quá tuổi “cổ lai hy” vẫn làm thơ tình diễm tuyệt, sáng tác thơ thiếu nhi hồn nhiên tươi trẻ. Một số đông bạn trẻ thời @ vẫn có thể làm thơ bát cú có hồn, đôi khi đạo mạo như những “cụ non”. Đã có nhiều cuộc xướng-họa giữa những người làm thơ cùng có tuổi và không có tuổi ở mọi miền đất nước, khắp mọi nơi trên thế giới.
______________________
Kết
“Nghề chơi cũng lắm công phu” huống chi chơi thơ xướng-họa. Xướng-họa thơ Đường luật trước kia là “món đặc sản” độc quyền của các bậc thượng lưu trí thức. Từ hơn hai thập niên nay nó trở thành “sân chơi” văn hóa tao nhã của những người làm thơ và yêu thơ gồm đủ mọi thành phần, không phân biệt giới tính, tuổi tác, địa vị xã hội, trong cũng như ngoài nước. Riêng ở trong nước, phong trào xướng-họa thơ Đường luật “nở rộ” từ Bắc vào Nam.
Đã có Tuyển tập Thơ Đường luật Việt Nam in năm 2012 gồm hơn 3,000 bài với 700 tác giả. Nhiều sinh viên còn chọn Thơ Đường luật làm Luận văn tốt nghiệp*. Ở hải ngoại, phong trào nầy cũng lớn mạnh dần tại Mỹ, Úc, Đức, Pháp, Gia Nã Đại. Có người bảo nên “quý hồ tinh” hơn là “quý hồ đa”. Người viết nghĩ rằng nếu làm thơ vừa được nhiều (đa) vừa “tinh mật” vẫn hay hơn.
Tại sao lại có “hiện tượng” nầy? Phải chăng thơ Đường luật còn có sức sống dồi dào kỳ diệu, có cái đặc tính xướng-họa độc đáo hơn các thể thơ khác? Phải chăng trên đà suy thoái văn hóa đạo đức, tự do quá trớn, những người còn có lương tâm muốn trở về nguồn và bảo tồn vốn cũ, vốn quý của ông cha?
Phải chăng với thể thơ gò bó, ít lời nhiều ý, “ý tại ngôn ngoại”, họ muốn bày giãi tâm tình, giải tỏa ẩn ức bằng cách dùng “gậy ông đập lưng ông” (“thi pháp của Tàu”, “âm luật của ta”), gởi đi nhiều “thông điệp” đến toàn cầu trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Hay chỉ là để thỏa mãn tình cảm riêng tư, bộc lộ phần sâu kín của tâm hồn, kết tình bằng hữu tao nhã giữa khách tri âm đồng điệu?
Nếu quả đúng như vậy thì đó là điều đáng mừng. Để duy trì truyền thống “tre già măng mọc”, thế hệ kế tục vẫn ra sức “giữ hương cho lửa”, “giữ lửa cho thơ”, ra sức bảo vệ và phát huy ngôn ngữ, bảo tồn bản sắc, văn hóa dân tộc, chúng tôi có thể khẳng định: Xướng-họa thơ là một khoa tu từ học đắc dụng cho những ai hằng lưu tâm đến ngôn ngữ học, nói riêng và văn hóa dân tộc, nói chung. Bởi vì còn ngôn ngữ tức là còn thơ, “Mất thơ mất nhạc là mất nước” (Nguyễn Trãi). Không có vấn đề “thơ cũ” hay “thơ mới”. Chỉ có thơ hay và thơ không hay mà thôi. Các bạn nghĩ sao?
Montréal, 3/2023
___________
*Luận văn Thạc sĩ: Đặc Điểm Thơ Đường Luật Quách Tấn của Cao Hoa Phượng- Đại học Thái Nguyên, 2018;
*Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Thơ Đường Luật Việt Nam Nửa Đầu Thế Kỷ XX của Trần Thị Lệ Thanh, Đại học Sư Phạm Hà Nội, 2002.