Từ thập niên 90s, bếp dầu, bếp điện, bếp gas… dần dà thay thế bếp lò chụm bằng củi hay đun bằng trấu trong nhiều gia đình thành thị lẫn nông thôn ở Việt Nam. Kể từ đó, người ta hiếm hoi mới thấy làn khói lam chiều có mùi nồng nồng tỏa lên từ gian bếp của nhiều gia đình. Thế nhưng trong ký ức của gã xa quê, những đám khói lam chiều luôn còn vương vấn…
Gã xa quê không thể nào quên tiếng nổ tí tách của củi đang cháy trong lò đất, tạo ra màu khói bàng bạc bay lên phủ mờ những tàu lá chuối sau nhà gã và những ngôi nhà hàng xóm. Gã cũng nhớ đến làn khói lam lượn tròn bay lên trên ngôi đình bên bến sông của quê nhà vào những hôm cúng đình. Giờ đây, mỗi khi bất thình lình ngửi được cái mùi đặc biệt của khói ở đâu đó tại Sài Gòn nô nức, gã xa quê chợt thấy lòng mình chùng xuống, trong đầu bỗng bật lên câu thơ với niềm thương nỗi nhớ cố hương:
“Khói nhang nghi ngút sân đình
Cố hương ôm trọn biết bao nghĩa tình”
Làn khói lam chiều “đi” vào thơ văn – âm nhạc
Khói lam chiều thật đẹp thật nên thơ không chỉ có trong ký ức của gã xa quê, vì có nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ đã không ngần ngại “thả” khói vào những tác phẩm để đời.

Ta có thể thấy khói lam trong “Truyện Kiều”, trong đó Nguyễn Du đã “vẽ” lên làn khói trong hai câu thơ: “Long lanh đáy nước in trời. Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng” (câu 1603 – câu 1604) để tả cảnh mùa thu. Gã xa quê thầm khâm phục đại thi hào Nguyễn Du đã tô vẽ màu “khói biếc” đối lập với “bóng vàng” của lá mùa thu, cũng là màu chiều thu, để tạo ra cặp màu đối xứng hoàn hảo trong mỹ thuật.
Ta cũng có thể thấy khói qua tiếng hát của Thái Thanh trong bài “Thuyền Viễn Xứ” với lời ca: “Chiều nay sương khói lên khơi. Thùy dương rũ bến tơi bời. Làn mây hồng pha ráng trời. Sóng Đà giang thuyền qua xứ người.”
Nhạc phẩm này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nữ thi sĩ Huyền Chi. Nữ thi sĩ này đã đưa hình ảnh khói vào “Thuyền Viễn Xứ” ngay từ câu thơ đầu: “Ra khơi sương khói một chiều. Thuỳ dương rũ bến tiêu điều ven sông. Lơ thơ rớt nhẹ men lòng. Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang.” Trong khổ thơ đầu, ta nhận ra rằng ai đó đang lên thuyền rời xa quê ngay trong cảnh chiều tà khói bay. Lòng người đành đoạn bỏ xứ ra đi càng thêm quặn thắt, nỗi nhớ mà họ mang theo sẽ nhân đôi khi hành trang tha hương “gói ghém” cả màn khói lam chiều vào tình người còn ở lại quê.
Gã xa quê tự hỏi lòng vì cớ làm sao mà khói lam chiều khiến cho gã, cũng như những người khác, nao lòng đến vậy mà không phải là khói buổi sáng hay khói buổi trưa?

Khói ở quê xưa của gã có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong ngày. Đó có thể là khói từ lò làm bánh tráng của bà Chín, có thể là khói từ lò làm bún của gia đình ông bà Sáu, thậm chí là khói đốt đồng sau mùa thu hoạch lúa hay khói tỏa lan từ đốt đống un (lá khô rụng) trong sân nhà ai đó. Thế nhưng, chỉ có màu và mùi khói ban chiều, nhứt là làn khói nhẹ nhàng mang mùi nồng nồng tỏa lên từ căn bếp mới có “ma lực” nào đó để gây ra xúc cảm, tạo ra hồn thơ.
Phải chăng cảm xúc của con người ngày xưa đối với khói được chi phối bởi các yếu tố không gian và thời gian? Vì tiết trời ban chiều tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng dễ chịu hơn và không gian cũng trở nên huyền ảo hơn, chính vì vậy mà khói lam chiều dễ đi vào lòng người. Không chỉ là hình ảnh, chính mùi khói mới dễ “sưởi ấm” tâm hồn, ít nhứt là làm an lòng con người trong giai đoạn khó khăn của một kiếp người.
Làn khói bếp lam chiều phản ảnh một giai đoạn lịch sử nghèo đói của miền Nam.
Người ta đã nói nhiều về cảnh thiếu thốn sau Tháng Tư 1975 tại miền Nam Việt Nam. Gã xa quê mang trong lòng ký ức riêng về những làn khói và mùi khói trong giai đoạn này. Chiều nào khói bếp nhà ai là đà bay trên mái nhà chứng tỏ nhà ấy không phải nhịn đói ngủ qua đêm.

Nếu người phương Tây gặp nhau hỏi về tình hình thời tiết, thì hàng xóm năm xưa của gã gặp nhau hay hỏi: “Chiều nay, nhà “bạn” ăn gì?” Hồi đó, đôi khi khói bếp nhà ai lan tỏa nhưng thật ra không phải họ đang nấu một bữa cơm ngon lành mà đang nấu những món thay cơm (theo nghĩa đen). Song vì sĩ diện nên họ không dám nói thật mà nói “lấy le” rằng: “Chiều nay, nhà tui ăn cơm với thịt heo kho (hay cá kho)” cho đỡ tủi thân tủi phận!
Thời ấy, đứa trẻ nào cầm trên tay một món quà (món ăn vặt ngoài bữa chính theo cách gọi của người nhà quê) để thưởng thức là một niềm hãnh diện. Đôi khi, gã xa quê cũng hãnh diện là một trong số những đứa trẻ ấy. Hôm nào có được một chút tiền bán ve chai, gã đợi khi chiều đến để xuống chợ và nhắm đến nơi có làn khói nướng bắp của bà Út.
Đập vào mắt gã lúc ấy là những trái bắp nướng vàng ươm nổi bật trên vỉ nướng trong làn khói lam. Trái bắp càng nổi bật hơn trong cơn thèm của gã. Gã mua một trái bắp nướng ăn ngấu nghiến trong niềm sung sướng. Đến giờ, gã vẫn không thể quên vị béo ngậy của mỡ hành, vị ngọt và mùi thơm của hột bắp nướng hòa quyện với mùi khói từ lửa than bám vào đã hấp dẫn gã như thế nào.
Gã không biết bà Út bây giờ ra sao, bà còn bán bắp nướng hay đã không còn trên đời này nữa. Kể từ ngày ba má của gã lần lượt ra đi, anh chị em gã “kiến giả nhất phận,” mỗi người một nơi, ngôi nhà xưa đã bán, gã ít khi về thăm quê. Lần về gần nhất hồi bốn năm trước, gã thấy xóm làng cũng đã đô thị hóa rồi, có còn đâu khói bếp lam chiều, còn đâu những tàu lá chuối sau hè như ngày cũ!

Mai đây, khói lam chiều còn không?
Buổi chiều ngày rằm Tháng Giêng 2025, gã chạy xe máy ra khu Bình Quới, Bình Thạnh, Sài Gòn để tìm lại nét quê, tìm lại màu khói lam chiều của cố hương. “Hơi” xuân vẫn còn hai bên đường, khi gã nhìn thấy trước cửa một số nhà vẫn còn những chậu bông cúc mâm xôi, bông mồng gà, bông vạn thọ, bông giấy và lác đác vẫn còn những cây mai trổ bông…
May thay, trong cuộc dạo chơi tìm lại nét quê xưa, gã đã thấy một làn khói dầy đặc bay lên trong một khu đất. Đến gần, gã thấy một chị cỡ tuổi trung niên đang đốt đống un với những lá khô và vỏ dừa. Gã mừng quýnh vội lấy điện thoại ra chụp hình làn khói lam trước ánh mắt ngạc nhiên của chị.
Chị bật hỏi: “Em chụp gì vậy?” Gã đáp: “Em chụp khói.” Chắc có lẽ lần đầu tiên trong đời chị thấy có người chụp hình đám khói nên chị nói tiếp: “Em đừng làm chị sợ nghen!” Gã trấn an: “Không sao đâu chị. Em chỉ chụp hình khói thôi! Khói đẹp mà!”

Gã nghĩ bụng đối với chị, có thể chị ngó thấy khói thường xuyên vì là công việc của chị. Nhưng đối với gã, lâu lắm rồi gã mới mới có dịp thấy và hít hà mùi khói đúng vào ban chiều. Cảm giác nao nao dấy lên trong lòng gã xa quê. Có phải chăng gã đang nhớ cố hương, thương khói lam chiều?
Rồi mai đây khi Bình Quới – Thanh Đa được quy hoạch xong thì liệu nơi đây có còn giữ được nét thôn quê để gã xa quê có thể tìm lại chút hương xưa giữa chốn Sài Gòn này – gã tự hỏi. Hay số phận Bình Quới rồi cũng sẽ giống như những vùng đô thị hóa khác ở miền Nam, toàn là những công trình bê tông cốt thép trơ trọi giữa cái nắng gay gắt vào những ngày hè hay biến thành vùng ngập lụt vào những ngày mưa?