Tiểu thuyết gia chống cộng Milan Kundera, 1929-2023

Một người khổng lồ trong thế giới văn chương
Tiểu thuyết gia Milan Kundera (ảnh: Francois LOCHON/Gamma-Rapho via Getty Images)

Milan Kundera, nhà văn Czech, một trong những tiểu thuyết gia có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, nổi tiếng với cuộc sống ẩn dật kỳ lạ hiếm khi tiếp xúc công chúng trong suốt cuộc đời lừng lẫy của mình, đã qua đời ở Paris ngày 11 Tháng Bảy 2023, hưởng thọ 94 tuổi.

Milan Kundera là một trong những người Pháp gốc Czech có những tác phẩm được dịch nhiều nhất trên thế giới, đặc biệt quyển “The Unbearable Lightness of Being” (bản tiếng Việt của dịch giả Trịnh Y Thư có tên “Đời nhẹ khôn kham”). Milan Kundera nổi tiếng với những tác phẩm hài hước, dí dỏm, đan xen với những cuộc tranh luận triết học sâu sắc và những miêu tả châm biếm về cuộc sống dưới sự áp bức khắc nghiệt vô nhân tính của chủ nghĩa cộng sản.

Sinh ở Brno (Tiệp Khắc) ngày 1 Tháng Tư 1929, Milan Kundera thuộc thế hệ nhà văn, nhà làm phim và trí thức Czech trưởng thành trong những năm hỗn loạn sau Thế chiến thứ hai. Như nhiều người thuộc thế hệ mình, Kundera gia nhập cộng sản khi đảng này lên nắm quyền sau chiến tranh và trong một thời gian, ông luôn tin tưởng trung thành vào ý thức hệ cộng sản. Năm 1950, ông vỡ mộng, bắt đầu chỉ trích cộng sản và bị khai trừ khỏi đảng nhưng lại được phục hồi tư cách đảng viên vài năm sau đó rồi lại bị khai trừ.

_________

Năm 1983, Milan Kundera nói với tờ The Paris Review: “Tham vọng cả đời của tôi là kết hợp tính nghiêm túc tối đa của vấn đề với sự nhẹ nhàng tối đa của hình thức. Sự kết hợp giữa một hình thức phù phiếm và một chủ đề nghiêm túc ngay lập tức phơi bày sự thật về những tấn tuồng cuộc đời của chúng ta (những tấn tuồng xảy ra trên giường chúng ta cũng như những tấn tuồng mà chúng ta diễn trên sân khấu lớn của Lịch sử) và tầm quan trọng dữ dội của chúng”.

_________

Đỉnh điểm của việc chống cộng của ông là việc cho cuốn tiểu thuyết đầu tiên, The Joke, được viết với cái nhìn châm biếm sâu sắc về sự trả thù lấy bối cảnh ở một quốc gia độc tài. The Joke trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong nước và sau đó vang lừng khắp thế giới. Và cũng chính bởi The Joke, cùng các hoạt động của Milan Kundera trong giai đoạn cởi mở văn hóa gọi là “Mùa Xuân Praha”, sau này khiến ông gần như mất tất cả, kể cả quê hương của ông.

Tháng Tám 1968, cuộc xâm lược của Liên Xô vào Czech đã đột ngột chấm dứt giấc mơ về một phiên bản chủ nghĩa xã hội dân chủ. Đầu những năm 1970, sách của Kundera bị cấm và bị loại bỏ khỏi toàn bộ hệ thống thư viện. Ông bị ép nghỉ giảng dạy và sách của ông bị cấm xuất bản. Milan Kundera thậm chí còn bị tuyên bố là kẻ thù của chế độ và bị công an cộng sản sách nhiễu không ngừng. Điện thoại của ông bị nghe lén, cuộc sống của ông bị khủng bố. Thông hành của ông bị tịch thu. Cuối cùng, Kundera buộc phải di cư và bị tước quốc tịch Tiệp Khắc.

Giữa thập niên 1970, ông bắt đầu lưu vong và sống phần đời còn lại ở Paris sau khi trở thành công dân Pháp năm 1981. Tại Paris, sự nghiệp văn học của Kundera mới thực sự nở rộ, với việc xuất bản ba tác phẩm giá trị nhất trong sự nghiệp của ông, “The Book of Laughter and Forgetting,” “The Unbearable Lightness of Being” và “Immortality.” Dù được viết bằng tiếng Czech, hai quyển “The Book of Laughter and Forgetting” và “The Unbearable Lightness of Being” đều được sáng tác dưới ánh sáng trong lành của một nước Pháp tự do, nơi ông định cư từ năm 1975.

Milan Kundera đã trở thành hiện tượng quốc tế sau khi xuất bản tiểu thuyết “The Unbearable Lightness of Being,” và được chuyển thể thành phim với sự tham gia của Daniel Day-Lewis, Juliette Binoche và Lena Olin. Nội dung tác phẩm kể về một bác sĩ phẫu thuật người Czech, Tomas, và vợ anh là Tereza, khi khám phá những hệ lụy của một thế giới mà ở đó một người chỉ sống một cuộc đời, thì họ bắt đầu nhận ra rằng họ “không bao giờ biết mình là người tốt hay người xấu, nếu anh ta yêu ai đó hoặc nếu anh ta chỉ có ảo tưởng về tình yêu”.

Milan Kundera là một người cầu toàn và rất khó tính. Tin tưởng vào sức mạnh của tiểu thuyết, thể loại mà ông nói bản thân nó cần nên được công nhận là loại hình nghệ thuật riêng, Milan Kundera luôn xem kỹ các bản dịch tác phẩm của mình và cấm tất cả những bản chuyển thể từ sách của mình, kể sau bộ phim năm 1988 dựa trên “The Unbearable Lightness of Being”. Dù Kundera làm cố vấn cho bộ phim nhưng sau đó ông nhận xét rằng bộ phim có rất ít điểm chung với tinh thần cuốn sách. Kể từ đó, ông không muốn bất kỳ tác phẩm nào của ông được chuyển thể lên màn bạc.

Juliette Binoche và Daniel Day-Lewis trong ‘The Unbearable Lightness Of Being’, 1988 (ảnh: Orion/Getty Images)

“Immortality” là cuốn tiểu thuyết cuối cùng ông viết bằng tiếng Czech mẹ đẻ trước khi chuyển sang tiếng Pháp. Milan Kundera có cuộc sống ẩn dật kỳ lạ. Khi đi du lịch, ông luôn ẩn danh, đặt phòng khách sạn dưới một cái tên khác. Milan Kundera cũng không muốn người ta so sánh ông với các nhà văn chính trị như Alexander Solzhenitsyn của Nga hay Günter Grass của Đức.

Chủ đề chính của ông, Milan Kundera nói với Paris Review, không phải là chính trị hay phê bình xã hội mà là “sự phức tạp của sự tồn tại con người trong thế giới hiện đại.” “Tạo ra một nghệ thuật chính trị để chỉ trích chế độ là chưa đủ. Thậm chí có thể nói đó là điều tồi tệ nhất,” ông nói với tờ Christian Science Monitor năm 1981. “Nghệ thuật và văn học sẽ mất giá trị khi chúng trở thành tuyên truyền, cho dù khoác áo cộng sản hay chống cộng.”

Lấy ví dụ tác phẩm “The Book of Laughter and Forgetting”. Dù bối cảnh tập trung vào cuộc xâm lược Tiệp Khắc năm 1968 của Liên Xô, cuốn tiểu thuyết là một tuyển tập gồm bảy câu chuyện liên kết với nhau, đề cập đến những nghịch lý như sự tàn nhẫn của tiếng cười và nỗi buồn của tình dục, đồng thời ám chỉ về một thế giới dường như đã mất khả năng ghi nhớ quá khứ hoặc suy nghĩ nghiêm túc về tương lai.

Tuy nhiên, trong thực tế, trong thời gian đầu sống ở Pháp, được giải thoát khỏi sự kiểm duyệt, ông chỉ trích Tiệp Khắc công khai hơn trong những tác phẩm của mình cũng như trong các bài tiểu luận cho tờ New York Review of Books, bày tỏ sự uất giận về “sự biến mất” của Trung Âu dưới ách kiểm soát của Liên Xô. Nhờ ông, văn chương Tiệp Khắc được “lên bản đồ” cho độc giả ở Hoa Kỳ, như nhận định của Hana Pichova, cựu giáo sư về ngôn ngữ và văn học Czech tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill.

Là con của một nghệ sĩ dương cầm, Milan Kundera mô tả tiểu thuyết của ông như những bản giao hưởng đa âm, những tác phẩm pha trộn nhiều giọng điệu và phong cách khác nhau – ngụ ngôn, tiểu luận, tự truyện – để khám phá định tính hoặc cái chết.

Milan Kundera, Paris, 1984 (ảnh: Francois LOCHON/Gamma-Rapho via Getty Images)

Nhà phê bình sách John Leonard của tờ New York Times viết: “The Book of Laughter and Forgetting” được tác giả tự nhận là một tiểu thuyết, nhưng nó là một phần của truyện cổ tích, một phần phê bình văn học, một phần của sự thể hiện đường lối chính trị, một phần âm nhạc học và một phần là tự truyện. Nó có thể tự gọi là bất cứ gì nó muốn nhưng có thể nói toàn bộ tác phẩm là công trình của một thiên tài.”

Kundera chỉ bí mật trở lại Praha vài lần hiếm hoi sau khi cuộc Cách mạng Nhung dẫn đến việc sụp đổ chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc, và từ đó đưa đến việc Cộng hòa Czech và Slovakia độc lập vào năm 1993. Mối quan hệ của ông với độc giả quê nhà Czech có lần trở nên căng thẳng vào năm 2008, khi một tạp chí Czech đăng một báo cáo cảnh sát từ năm 1950 cho biết ông từng là kẻ cung cấp thông tin giúp cảnh sát Praha xác định vị trí của một phi công trốn khỏi nước và sau đó trở lại làm điệp viên cho phương Tây. Kundera mô tả bài báo là một nỗ lực “ám sát một tác giả” và phủ nhận việc từng biết nhân vật trên (bị giam 14 năm, với thời gian lao động khổ sai tại một mỏ uranium).

Trong vụ trên, Vaclav Havel, nhà viết kịch kiêm chính khách từng là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech, đã lên tiếng bênh vực Milan Kundera. Các nhà văn đoạt Nobel như J.M. Coetzee và Gabriel García Márquez cũng ký một tuyên bố, cho rằng những cáo buộc nhằm vào Milan Kundera là một “chiến dịch được dàn dựng để vu khống và bôi nhọ.” Hồ sơ công khai cho thấy vào năm 1950 (thời gian mà Milan Kundera bị quy chụp tội cung cấp thông tin cho cảnh sát), Kundera đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản vì “các hoạt động chống đảng”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: