(Hình minh họa: Sven Mieke/Unsplash)

Đức lang quân của tôi thường nói đùa với mọi người rằng tôi rất giỏi đánh cắp những người bà con của anh.

Anh đưa ra hai điển hình. Đó là bà Miwako, cô em chồng của bà cô anh và ông Ron, con của em gái của bà nội anh. Hồi mới về làm dâu, mỗi lần có tiệc bên gia đình chồng là tôi ráng học nhớ những tên của những người bà con của anh. Tên Mỹ, tên Nhật đủ thứ.  Tôi nhớ không hết tên. May mà tiếng Anh cũng dễ chào hỏi. Gặp mấy ông bà lớn tuổi, tôi chào, “Hello auntie!” “Hello uncle!” là tôi đã làm vui lòng họ. Tôi tưởng chỉ có dân Việt Nam mình mới có bà con dây mơ rễ má bắn bảy phát đại bác không tới. Nhưng mà gia đình chồng tôi cũng vậy. Nhiều lần được mời đi dự tiệc, tôi hỏi anh, “Người này bà con như thế nào với nhà anh?” Anh trả lời nghe trớt quớt, “Không biết bà con như thế nào nhưng hồi nhỏ tới giờ anh hay đi tới nhà họ ăn tiệc mỗi năm.”

Thôi thì đủ thứ tiệc.  Nào là mừng năm mới, lễ Phục sinh, nisei week, July 4, Labor Day, lễ Tạ ơn và Giáng sinh.  Còn như sinh nhật, anniversary, tiệc mừng một người nào đi xa mới về thăm thì chưa kể tới. Năm đầu mới cưới chưa có con, hầu như mỗi cuối tuần chúng tôi đều đi dự tiệc. Mỗi lần đi dự tiệc, tôi hay nói chuyện mấy ông bà già để tìm hiểu thêm về họ hàng nhà anh.

Một lần đi dự tiệc ở nhà bà Miwako nhân dịp lễ Labor Day, tôi tò mò ngắm nhìn bộ sưu tập những cái gác đũa (chopstick holders) chưng trong tủ kính. Bà thấy vậy thì thích lắm. Bà kể gốc gác từng cái gác đũa bà mua được. Những cái gác đũa nhỏ nhỏ, xinh xinh, đủ màu sắc, kiểu dáng. Nào là hình con chim, con bướm, cái gối, con cá, trái đậu hay là con thuyền.  Trông rất dễ thương. Thêm một cái lạ của văn hoá Nhật mà tôi thấy khác với người Việt mình. Cứ gác đôi đũa lên chén, bát hoặc mâm thế là khỏi phải rửa thêm mấy cái linh tinh đó nữa. Chắc là tôi nghe chăm chú lắm nên lần nào gặp nhau bà cũng hỏi tôi đã sưu tập được cái gác đũa nào chưa. Tôi cười lắc đầu, “Dạ chưa!”

Rồi một lần đi tiệc, bà đem cho tôi bốn cái gác đũa để tôi có hứng sưu tập thêm.  Chồng tôi nói đùa rằng tôi đánh cắp bà con của nhà anh vì bà Miwako chưa bao giờ cho chị em của anh một cái gác đũa nào cả.

(Hình: tác giả cung cấp)

Ông Ron là người bà con thứ hai của chồng mà tôi đã “đánh cắp.” Chúng tôi gặp ông Ron thường xuyên hơn những người bà con khác. Ngoài các lễ lớn, tôi còn gặp ông ở các tiệc sinh nhật của các cháu nội ngoại của ông. Ông Ron vốn là thợ làm vườn chuyên nghiệp và vợ chồng tôi thì thích làm vườn nên chúng tôi nói chuyện rất hợp. Bà vợ của ông tuy già và hơi bị mất trí nhớ nhưng vẫn còn nét đẹp của ngày xưa. Con của ông bà kể là lúc còn trẻ, ông lo tất cả mọi sự kể cả việc nhà. Bà đẹp nên chỉ ngồi làm cảnh chứ không phải làm việc gì cả. Sau đó bà bị mất trí nhớ nặng và ông phải đem bà vào nursing home. Ông vào thăm bà mỗi ngày và vài tháng sau thì bà qua đời.

Không có bà, ông Ron rỗi rãi nên hay lái xe đi đây đó mặt dầu đã 89 tuổi. Lâu lâu ông gởi thư cho vợ chồng tôi  kể về vườn của nhà ông. Ông đánh máy rồi biểu con cháu in ra và đem tới bưu điện gởi cho chúng tôi. Ông bày cách chăm sóc một vài loại cây trong vườn nhà chúng tôi và lúc nào cũng kèm theo một câu trích dẫn ông đọc được ở đâu đó.

Có một lần tôi phá ra cười vì câu trích, “Chúng tôi làm mọi thứ để cứu cuộc hôn nhân của chúng tôi. Chúng tôi mỗi người đi chợ riêng, ăn riêng, có nhà băng riêng, đi nghỉ mát riêng, và ngủ ở phòng riêng.” Sau đó, con cháu bày ông gởi email cho đỡ mất công và không tốn tiền. Ông vui lắm gọi xin email của tôi và email cho tôi rất thường xuyên. Email đầu tiên ông viết, “Ta gọi cháu là Misty nhé vì tên của cháu khó đọc, khó viết mà khó nhớ nữa… Misty cũng là tên một loại blueberries. Hôm nay Home Depot đang giảm giá đấy. Misty rất sai trái và rất ngọt….” Rồi ông bày tôi cách trồng blueberries và cà chua. Lúc đó vào mùa bầu cử nên ông kèm theo một câu, “He knows nothing; and he thinks he knows everything. That points clearly to a political career.” – George Bernard Shaw, Major Barbara Họ chơi chữ hay quá. Tôi không biết dịch như thế nào nên để vậy cho độc giả đọc.

Khỏi phải nghe chàng của tôi kể, tôi cũng nhận ra là ông Ron là người có đầu óc hài hước.  Có lần đến thăm vợ chồng tôi và tặng chúng tôi một cây lưỡi mèo có viền trắng hai bên. Ông hỏi tôi, “Cháu có biết cây này còn có một tên khác nữa không?” Tôi lắc đầu, “Cháu không biết.” Ông hóm hỉnh cười nói, “Nhiều người gọi là ‘cây lưỡi mẹ chồng’. Cháu có hiểu không?” Tôi không bật cười khi nghe ông nói. Rồi ông kể tiếp, “Tôi mới tìm ra cô bạn thuở nhỏ lúc chúng tôi ở trong trại tập trung dành cho người Nhật ở Utah năm 1942.  Chúng tôi ở đó từ năm 1942 và chơi với nhau vui lắm. Nhưng sau đó vào năm 1945, trại giải tán. Mỗi người đi tứ tán khắp nơi và chúng tôi mất liên lạc từ đó đến nay. Tuần rồi tôi xem báo Nhật phát hành ở Little Tokyo và tìm ra cô ấy. Chồng cô ấy chết cả chục năm rồi. Cô ấy đang ở với con trai. Mấy hôm nay chúng tôi nói chuyện trên điện thoại ôn lại chuyện ngày xưa. Vui lắm cháu à.

Mấy ngày sau ông Ron email cho tôi, “Misty! Cháu có thể giới thiệu cho ta một vài nhà hàng Việt Nam ở Little Saigon được không? Cô bạn gái của ta muốn đi ăn nhà hàng Á châu ở vùng đó.” Tôi gởi cho ông danh sách một vài nhà hàng và kèm theo lời nhắn, “Hy vọng ông thích những món ăn Việt nam. Chúc ông bà có thời gian vui vẻ bên nhau.

Mấy tuần sau, chúng tôi gặp ông trong bữa tiệc ở nhà chị chồng tôi. Vừa thấy tôi, ông lấy điện thoại ra khoe với tôi hình bà bạn gái của ông. Hai ông bà già xuýt soát nhau. Bà ngồi trên xe lăn, ông lom khom đứng kế bên cười mỉm chi trông rất hạnh phúc. Ông kể, “Ông chủ quán chụp hình cho chúng tôi đấy. Con trai tôi và con trai bà ấy chở chúng tôi đến đấy và cho chúng tôi hai giờ đồng hồ ăn uống nói chuyện với nhau. Chúng tôi vui lắm. Mà cháu biết không? Có người nào đấy đã trả tiền bữa ăn cho chúng tôi nữa chứ. Ông chủ quán cho biết như vậy lúc ra tính tiền. Ổng cũng không biết người trả tiền là ai. Người Việt Nam tốt thật.  Cháu có biết làm cách nào để tìm ra người trả tiền ấy không? Ta muốn cảm ơn họ về lòng rộng rãi của họ.” Tôi lắc đầu, “Ông chủ quán không biết ai trả tiền thì chắc cháu cũng không thể nào tìm ra được ông ạ. Thôi cứ để như vậy để cho niềm vui được nhân đôi vì đó là lần đầu tiên ông bà hẹn hò mà còn được ăn không tốn tiền nữa chứ.” Năm đó ông đã 91 tuổi.

Mấy tuần sau, ông Ron email than thở với tôi, “Con trai của bà ấy khó quá!  Chẳng cho tôi chở bà ấy đi chơi. Hồi nhỏ ở trại tập trung thì ba mẹ bà ấy khó không cho chúng tôi đi chơi với nhau. Giờ tới lượt con trai của bà ấy. Thật là tội nghiệp cho cô bạn gái của tôi!” Tôi đọc email mà không nhịn được cười. Lúc gặp nhau ở tiệc trong dịp năm mới, ông Ron kể: “Con bà ấy giữ kỹ quá.  Chẳng cho tôi chở bà ấy, my sweetheart, đi đâu cả.  Lâu lâu tôi phải mướn một cái nhà trọ gần nhà bà ấy ở lại vài đêm. Buổi sáng tôi sang chơi với bà ấy. Trưa con bà ấy về thế là tôi đi ra tiệm ăn phở. Ô! Phở ngon mà lại rẻ cháu à.  Chiều tôi sang chơi với bà ấy vài giờ. Tối về nhà trọ ngủ và sáng hôm sau sang nhà bà ấy nói chuyện tiếp trước khi lái xe về nhà. Chả hiểu tại sao con trai của cô người yêu của tôi lại khó đến thế.

Tự nhiên tôi nhớ đến mấy câu thơ của Phan Khôi trong bài “Tình già”. “Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi!

Cụ Phan Khôi hồi đó mới có 47 tuổi đã không đến gần được người yêu vì hai người đang có gia đình và coi đó là “Tình già”.  Còn ông Ron tuổi 92 và cô người yêu 89. Hai người không vợ không chồng mà không được đến với nhau vì ông con trai không cho phép và ông Ron phải ra về với “con mắt còn có đuôi” của bà dõi theo dáng ông bước ra cửa. Nhưng mà đến tháng 4 năm đó, ông Ron email cho tôi báo tin. “Phục sinh này, ta sẽ đi ăn trưa ở một tiệm phở với người yêu của ta, có bà con của họ hàng của bà ấy đến nữa. Chúng ta sẽ chính thức tuyên bố là người yêu của nhau. Cuối cùng thì con trai của bà ấy cũng phải đồng ý với chuyện tình của chúng ta.” Tôi mừng cho tình già của ông bà và cảm phục cái kiên trì của ông già 92 tuổi đó.

Một ngày Tháng Mười, con trai của ông Ron gọi báo tin cho chồng tôi rằng ông Ron đã qua đời trong giấc ngủ. Con của ông bảo tôi đến đem những chậu cây blueberries về nhà vì trong email với tôi, ông hay nói chuyện về những cây blueberries mà ông trồng. Anh nói, “Tôi nghĩ là cô thích chăm sóc những cây blueberries của ba tôi.” Khi chúng tôi đến nhà, con của ông Ron đang nói chuyện trên điện thoại.  Anh đưa cái điện thoại ra hơi xa tai và vẫy tay chào chúng tôi. Tôi nghe có tiếng khóc trong điện thoại. Anh nói vào cái điện thoại, “Tôi rất tiếc nhưng không biết làm sao để giúp bà được. Ba tôi đã qua đời. Xin phép được chào bà.  Mong bà giữ gìn sức khoẻ nhé!” Tắt điện thoại, anh nói, “Đó là bà bạn gái của ba tôi.  Hôm bữa đến giờ bà ấy cứ gọi đến khóc hoài. Thiệt là khổ ghê. Tôi chẳng biết nói làm sao.”

Thật tội nghiệp cho bà phải chấm dứt một tình yêu cuối đời trong một thời gian ngắn. Một tình già, ngắn, nhưng thật đẹp!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: