Tình xưa rực nắng thu vàng (10)

Chín ngày đêm biểu tình chống thanh lọc bất công ở PFAC (Hình: Ủy Ban Đấu Tranh, tác giả cung cấp)

Thời gian này, cả trại xôn xao,hoang mang lo lắng cực độ vì chuyện chú Phạm Nhã, Thầy Thông Đ. bị bác quyền tị nạn thì ở nhà chàng, thằng Quang có cha đi tù cải tạo hơn tám năm vì là thiếu tá ở Phòng Ba Bộ Tổng Tham Mưu và thằng Tiến mà cha là thiếu tá đã bị bắt cùng trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang ngay mặt trận Phan Rang vào giữa tháng 04, 1975 đều được “granted” và đã được đưa lên Bataan chờ đi định cư ở đệ tam quốc gia!

Tại trại khi ấy, ngoài hai tổ chức BPSOS và LAVAS ra người ta thấy còn có JRS (Jesuit Refugee Services) thuộc Dòng Tên; là một tổ chức bất vụ lợi khác của Công Giáo được Linh Mục N. T. T. mời sang giúp làm kháng cáo cho đồng bào. Những đoàn luật sư này đã phải tìm kiếm thuê mướn nhà bên ngoài để cho các thiện nguyện viên vừa có chỗ ở vừa dùng nơi đó làm văn phòng nhưng phải gần trại để tiện việc đi lại cho thuyền nhân.

Chín ngày đêm biểu tình chống thanh lọc bất công ở PFAC (Hình: Ủy Ban Đấu Tranh, tác giả cung cấp)

Và luật sư Daniel Wolf đã tức tốc được LAVAS cử bay sang để đảm trách cho hồ sơ của chú Phạm Nhã, anh đã phản bác mạnh mẽ cái nhận định “ông ta đã trốn cải tạo được mười mấy năm và sống được trong xã hội đó thì tôi tin ông ta có thể tiếp tục trốn và sống bình an…” của người phỏng vấn viên đối với chú. Daniel Wolf đã chỉ ra rằng “chú luôn sống trong phập phồng lo sợ cho an nguy của tính mạng” do đó nếu mà người tị nạn nào chứng minh được điều ấy thì sẽ được công nhận tị nạn chính trị!  Vì vậy việc “đánh rớt” đơn xin tị nạn của chú Phạm Nhã là một chuyện không thể chấp nhận được của Sở Di Trú Phi Luật Tân.

Linh Mục Nguyễn Trọng Tước (trái) dưới tượng Đức Mẹ Maria trong nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình
Thẻ làm thiện nguyện ở IOM của tác giả (Hình: tác giả cung cấp)

Trong khi đó, Cao Ủy Tị Nạn đã chuyển xong toàn bộ người PA tới Bataan để lấy trại PFAC làm chỗ cho “người lánh cư (Asylum Seekers)” và bởi cũng không còn ai bên Việt Nam dám vượt biên nữa cũng như có một số PS “đậu” thanh lọc bắt đầu đi định cư khi có kết quả đậu, số khác lại hồi hương vì không chịu nổi đời sống khổ cực hay áp lực tinh thần nên nhà cửa bớt người dần.

Lúc này Tuấn bắt đầu viết nhiều truyện tù ở trại cải tạo, truyện tình cảm, gửi cho các báo ở Mỹ để giải sầu. Truyện Tuấn viết thường là truyện ngắn được đăng trên Tạp Chí Xây Dựng hay nhật báo Người Việt ở Mỹ, thỉnh thoảng được những báo khác và cả báo Chiêu Dương bên Úc, trích đăng lại. Sau vài lần như thế Tuấn được tòa soạn Tạp Chí gửi cho $50. Rồi Tuấn nhận thấy báo Người Việt phổ thông và mạnh mẽ quá nên chàng gửi thêm một truyện ngắn khác. Truyện này được nhật báo Người Việt đăng hai kỳ và Tuấn cũng có được nhận $50 nhuận bút! Bấy giờ chàng được chú Đỗ Ngọc Yến là người sáng lập báo Người Việt gửi thư sang khuyến khích do đó Tuấn bắt đầu viết nhiều hơn cho báo này!

Công việc mới này làm chàng rất vui, bên cạnh đó là nhà bấy giờ có thêm anh Năm Hoàng, một trong những người tới trại sau cùng, ở 22/1 mà chàng quen trong những ngày uống cà phê ngoài quán Hân “chùa,” chuyển vào sống chung cho vui. Rồi anh Năm Hoàng lại còn rủ cả thằng Thắng; thông dịch viên ở IOM, người đã đi đón anh từ đảo mà ghe anh tới về PFAC, đến ở nhà Tuấn nữa. Thằng Thắng này cũng cỡ tuổi chàng, vừa dạy Anh Văn ở CADP vừa làm thiện nguyện viên cho IOM từ khi mới tới đảo và sau thì thôi dạy, xin vào làm thông dịch ở văn phòng Cao Ủy tị nạn, cuối cùng còn kiếm thêm tiền bằng cách nhận dịch đơn kháng cáo nên vô cùng bận bịu.

Chín ngày đêm biểu tình chống thanh lọc bất công ở PFAC (Hình: Ủy Ban Đấu Tranh, tác giả cung cấp)

Hồ sơ kháng cáo là của những đồng bào nào không có quen ai làm giùm hay không biết cách phản bác lại lập luận của nhân viên phỏng vấn thì họ thường đến Ban Kháng Cáo nhờ giúp đỡ và chuyển dịch sang tiếng Anh. Để có người lo phần này Ban Kháng Cáo thường kêu gọi những người có khả năng Anh ngữ hay thông dịch viên ở IOM hoặc Cao Ủy hỗ trợ bằng cách sẽ trả cho mỗi trang dịch thuật là năm Pesos. Trung bình mỗi hồ sơ gồm năm bảy trang nên người nhận dịch cũng kiếm thêm được thu nhập do vậy mà hồ sơ mới không bị tồn đọng. Và để có chi phí lo công việc này, Hội Đồng Điều Hành đã phải giúp cho Ban Kháng Cáo một số tiền lập quỹ!

Thẻ làm thiện nguyện ở IOM của tác giả (Hình: tác giả cung cấp)

Trưa một ngày chủ nhật, sau khi cơm nước xong, anh em nhà Tuấn bắt ghế ra ngồi chơi và hóng mát dưới bóng dừa gần Lớp May Ban Xã Hội vì mùa này ở Phi nóng quá thì Thắng cầm sắp Hồ Sơ Kháng Cáo bước ra hỏi chàng:

-Ê, nhà văn “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi” nói tóm gọn như thế nào để dịch tiếng Anh cho dễ mậy?

-“Văng miểng” thì có! Tuấn phân bua.

Mọi người bật cười và nhất thời ngớ người chứ biết nói sao. Trong lúc chàng đang ngẫm nghĩ thì Ẩn ở sau nhà Tuấn, cũng ra ngồi chơi cạnh bên lên tiếng:

-Cái này chắc phải giải thích ra chứ tiếng Anh làm sao có chữ tương đương được?

Thằng Thắng nhìn xuống tờ giấy đánh máy làu bàu đọc:

-Mẹ, thằng này nó nói là “người nhân viên phỏng vấn không thể nào hiểu hết nỗi khó khăn, nguy hiểm của dân Việt Nam lúc đặt chân xuống thuyền vượt biên được khi thuở trời đất nổi cơn gió bụi…” làm tao “đếch” biết dịch thế nào?

Anh Năm chen vô:

-Thì diễn giải ra như thằng Ẩn vừa nói đó.

Thắng như còn tức tối tiếp:

-Chưa hết, nó còn chửi phỏng vấn viên nữa chứ. Nó bảo lúc ở bên nhà nó bị chính quyền địa phương phân biệt đối xử, bắt đi “Nghĩa vụ lao động suốt hai ba tháng liền,” nhưng thằng phỏng vấn viên do thiếu hiểu biết về cộng sản, về tình hình Việt Nam thời ấy nên không chịu cho nó giải thích vì ông ta không tin điều nó nói. Ông ta bảo đó là nghĩa vụ thì mọi người phải tuân theo nên ông không coi đó là sự phân biệt đối xử của chính quyền địa phương…

Thằng Thắng vốn có cặp mắt đã to, tròng trắng nhiều hơn tròng đen rồi mà bây giờ nói xong nó lại trợn tròn thêm lên nhìn mọi người nên trông thấy mặt nó thật gian ác.

-Chắc phải kêu thằng này lại và hướng dẫn nó nên giải thích rõ “Nghĩa vụ lao động” là gì và thí dụ như người ta chỉ làm có 30 ngày trong một năm còn nó bị bắt làm nhiều hơn. Nó phải giải thích cho được tại sao nó bị vậy? Nó có giấy tờ hay bằng chứng gì không để bổ túc thêm? Chứng minh được điều này thì cũng có nghĩa là nó đã chứng minh được tại sao là nó đã bị phân biệt đối xử rồi chứ không nên chỉ trích họ thiếu am tường kiến thức. Phản bác như thế không có lợi đôi khi còn làm tụi nó tự ái ghét mình thêm. Còn “thuở trời đất nổi cơn gió bụi” thì mày dịch là khi đất nước gặp biến cố gì đó, vậy thôi!

Tuấn góp ý. Thắng lắc đầu:

-Nhiệm vụ tao chỉ lo dịch sang tiếng Anh thôi.

Anh Năm bỗng thắc mắc:

-Ủa, mà ai trên Ban Kháng Cáo “take care” hồ sơ thằng này mà lại để nó lý luận kỳ vậy ta?

Ẩn ngó Thắng nói:

-Đồng ý là ông đảm nhận phần dịch thuật, nhưng tui nghĩ ông nên mang hồ sơ này đưa lại Ban Kháng Cáo và nói cho họ biết vậy để họ kêu nó tới hướng dẫn làm lại rồi hãy dịch.

-Đù má, ăn mấy chục Pesos hồ sơ này khó quá! Vả lại làm đơn kháng cáo chỉ cần nói đúng trọng tâm, ngắn gọn, rõ ràng là OK. Đây đâu phải là làm luận án văn chương đâu mà văn vẻ cho cố vô. Bởi vậy bị “đá” là phải rồi! Nói nhiều quá mấy thằng BOI (The Bureau Of Immigration) nó không hiểu và cụng chẳng tin mày biết hông? Thắng càm ràm.

-Thôi kệ, giúp nó chút làm phước đi, tội nghiệp nó!

Thắng lắc đầu quầy quậy và quay lưng đi một nước vô nhà. Ngày hôm sau nó trở về càu nhàu vụ hồ sơ vừa qua:

-Người ta bảo nó nộp trễ quá, mà hiện hồ sơ kháng cáo cả đống luôn. Họ lo không xuể vì không có đủ người làm, nên chắc ai đó xem qua loa thành thử mới bị sai sót vậy. Đù má, kiểu này chết hết cả đám!

Thời điểm này Hội Đồng Điều Hành nhận thấy có quá nhiều khó khăn trong việc làm đơn kháng cáo nên đề nghị Ban Kháng Cáo yêu cầu có cuộc gặp mặt với Cao Ủy để được giúp đỡ. Vì vậy buổi họp giải đáp thắc mắc cho người lánh cư được Ban Kháng Cáo tổ chức tại Hội Trường Con Cựu Quân Nhân do Cô NaoKo chủ trì với một bà phụ tá và một chàng phỏng vấn viên người Phi tham dự, phần phiên dịch do Thầy H. phụ trách.

Thầy H. được cô Cao Ủy Trưởng Naoko Obi mời làm thông dịch cho buổi họp bởi cô nể, tin tưởng và kính trọng thầy vì vốn dĩ thầy là cựu thiếu tá không quân của VNCH, tù cải tạo hơn 10 năm, đang là thông dịch cho văn phòng cô và hiện tá túc trong Chùa Vạn Đức đồng thời cũng có mở lớp dạy Anh Văn cho đồng bào, phật tử tại đây nên cũng được mọi người yêu quý.

Đến giờ họp, mọi người lần lượt kéo đến đông đảo, chật kín cả hội trường. Mở đầu Đại Diện Ban Kháng Cáo cám ơn Cao Ủy đã chấp thuận lời mời. Thứ hai Ban Kháng Cáo nêu lên các khó khăn về nhân sự như thiếu người dịch hồ sơ kháng cáo cho đồng bà, thiếu người có trình độ chuyên môn về pháp lý cũng như phương tiện làm việc thiếu thốn và yêu cầu Cao Ủy hỗ trợ. Vấn đề này được Cao Ủy Trưởng trả lời ngay là hiện nay ngân sách cho người tị nạn Việt Nam không còn nhiều do đó cô không thể giúp gì hơn được. Kế tiếp là các câu hỏi thắc mắc về việc bác quyền tị nạn không hợp lý, oan uổng được nhiều người nêu ra thì Cô Naoko Obi cho biết là bởi vậy các bạn có mười lăm ngày làm kháng cáo để giải thích, bổ sung thêm giấy tờ, bằng chứng…

Tác giả trong buổi họp ở hội trường Con Cựu Quân Nhân VNCH (Hình: tác giả cung cấp)

Buổi nói chuyện xem ra không có gì mới và tiến triển gì khả quan hơn. Trước tình cảnh ấy Tuấn đã yêu cầu Cô Cao Ủy Trưởng giải thích về cái “the benefit of the doubt;” mà Tuấn đã đọc được trong các tài liệu do những tổ chức, hội đoàn của người Việt Nam bên ngoài gửi sang trại cho đồng bào tham khảo. Có lẽ Tuấn là người đầu tiên hỏi cô ta điều này, một vấn đề pháp lý, nên Cô Naoko do dự một chút mới trả lời rằng:

-Như các bạn đã biết trong chương trình “Thanh Lọc” thì quyết định có công nhận người lánh cư là tị nạn hay không là của nhân viên Sở Di Trú (BOI) ở nước sở tại chứ không phải của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc! Bên cạnh đó họ cũng còn được “quyền nghi ngờ” về những gì bạn khai là có đúng sự thật hay không? Nên “the benefit of the doubt” là của họ chứ không phải của người tị nạn!

Nghe cô ta nói vậy, Tuấn nghĩ thế là quá nguy hiểm cho người tị nạn bọn chàng, do đó chàng đơn cử một ví dụ của trường hợp này bằng cách trình bày sự không tin Tuấn của người phỏng vấn để bác quyền tị nạn của chàng, cô ta chắt lưỡi nói ngay:

-Đây là một vấn đề phức tạp và thuộc về “cảm tính.” Do đó điều quan trọng ở đây là bạn phải nói thế nào để nhân viên phỏng vấn tin bạn nói thật vì bạn đang nói các chuyện không có giấy tờ chứng minh.

Tuấn tranh luận tiếp:

-Nhưng như bà cũng biết không có chính quyền nào đàn áp hay ngược đãi dân chúng mà lại đi cấp giấy tờ cả. Do đó phỏng vấn viên phải là người có kiến thức, am hiểu lịch sử Việt Nam sau 1975 để phán xét điều chúng tôi nói chứ nếu bắt buộc phải trưng giấy tờ thì làm sao chúng tôi có? Mà nếu có giấy tờ chứng nhận bị đàn áp, ngược đãi thì chuyện đó đôi khi là giả rồi. Vì vậy cô có nghĩ người phỏng vấn viên được quyền này thì có thiệt thòi quá cho chúng tôi không?

-Chuyện bạn nói đúng, nhưng mà như tôi vừa trình bày chỉ nhân viên phỏng vấn mới có quyền cấp phát cho các bạn có được quyền tị nạn hay không theo cuộc họp vừa qua của CPA chứ Cao Ủy không có quyền ấy.

Lời cô vừa dứt, mọi người nhao nhao la ó, anh Quân đi chung “group” với Tuấn, nguyên là cựu thiếu úy không quân lái trực thăng của VNCH, cũng bị “đá” giơ tay xin phát biểu. Anh nói:

-Trong CPA có nói vai trò của Cao Ủy Tị Nạn là theo dõi và giám sát. Vì vậy khi có điều sai trái hay không đúng thì tôi nghĩ Cao Ủy phải có quyền can thiệp.  Chứ nói theo cách như cô trình bày vừa rồi thì sự có mặt của Cao Ủy nơi này để làm gì?

Nhận thấy buổi họp trở nên căng thẳng, cô Naoko bảo là bây giờ Cao Ủy còn nhiều việc phải làm do đó phải tạm ngưng nơi đây nhưng trước khi chấm dứt cô nói:

-Cao Ủy có một phần trăm (1%) cái quyền quyết định tối thượng cho những trường hợp nào thật sự xét thấy oan ức để giúp người tị nạn. Đó là “mandate!”  Thế nên ai thấy mình “xứng đáng” được hưởng quyền “phủ quyết” này thì cứ đến văn phòng Cao Ủy gặp cô.

Cuộc họp giữa Cao Ủy Tị Nạn và người lánh cư ngày hôm ấy tại PFAC xem ra không có gì đáng ghi nhớ hơn là làm cho dân chúng thêm chán nản ngả lòng.

Khoảng đầu năm 1992, Thắng nhận kết quả đậu “Thanh Lọc” và lên đường đi định cư.

Trước khi đi nó giới thiệu Tuấn vào IOM làm thế chỗ nó đồng thời cũng cố gắng thu xếp cho xong chuyện lo lót của anh Năm và thằng Vỹ với thằng B., nhân viên phụ trách thanh lọc bên Văn Phòng Cao Ủy bằng cách nhờ chàng thông dịch giùm nếu cần. Từ đó Tuấn đi làm thiện nguyện ngày hai buổi sáng chiều như một công chức thực thụ. Công việc của chàng là lo làm thẻ IOM cho những ai bị mất, hư hại hay vì một lý do nào đó cần phải làm lại.

Hàng ngày Tuấn phải đưa họ ra một tiệm chụp hình có ký hợp đồng với cơ quan này để chụp hình làm thẻ cho họ rồi lấy “charge invoice” thanh toán tiền mang về nộp cho văn phòng. Tuấn thích công việc này vì có cơ hội đi đây đi đó cho đỡ cuồng chân, bớt nghe nhiều chuyện thanh lọc bất công gian trá, tránh áp lực nặng nề của Cao Ủy trong việc cưỡng ép hồi hương….

Một vài tháng sau thì tin từ Bataan đưa về cho bọn chàng biết là thằng Thắng bị đâm trúng sau lưng nơi bả vai do thói hách dịch lúc còn ở đây nhưng vết thương không nặng lắm. Cuối cùng thì Thắng đi định cư tại Canada và Tuấn bặt tin nó cho đến bây giờ!

Một đêm tháng 10 năm ấy, lúc Tuấn đang ngồi trong nhà thì anh Trần Tiến Bắc đi với anh Phúc cùng ghe với Tuấn, hiện đang làm ở Ban Lương Thực tới mời chàng làm thư ký cho anh bởi anh vừa đắc cử vào chức vụ Tổng Thư Ký Liên Hội Đoàn và bây giờ đang đi tuyển nhân sự. Chẳng biết anh nghe tin tức từ đâu là có người viết truyện, làm báo gì đó ở đây nên lân la đi tìm kiếm ra Tuấn. Sau vài lần từ chối không được trước sự thuyết phục ra công tác cộng đồng của anh, Tuấn đành gật đầu chấp nhận vì lòng thầm nghĩ “mình tới đây cũng hơn hai năm rồi giờ là lúc nên ra tham gia cũng như tranh đấu cho chính bản thân mình luôn.” Như vậy ngoài Tuấn, còn có anh Phúc là phụ tá cho anh Bắc.

Từ đây ngoài những công việc bất ngờ thì mỗi tháng ba anh em chàng đều có một buổi họp thường niên vối trưởng những hội đoàn, đoàn thể và các vị cố vấn là qúy vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo để cập nhật tình hình trại. Và hàng tháng mỗi người trong Liên Hội Đoàn của bọn chàng nhận được số tiền “allowance” tượng trưng là 100 Pesos từ CADP!

Tuy nhiên ba anh em chỉ mới làm được hơn tháng thì ngày 01 tháng 12 năm 1992, anh Bắc đã tất tả xuống nhà Tuấn với vẻ mặt hốt hoảng căng thẳng kêu chàng thảo một thư mời tất cả hội đoàn, đoàn thể tôn giáo, cùng những ban ngành khác họp gấp vì Đại Đức Thích Thông Đ. đã bất ngờ ra ngồi biểu tình trước sân Cao Ủy để phản đối “thanh lọc bất công” và hiện đã có một số người hưởng ứng ra ngồi đấu tranh cùng Đại Đức rồi!

Chín ngày đêm biểu tình chống thanh lọc bất công ở PFAC (Hình: Ủy Ban Đấu Tranh, tác giả cung cấp)

Liên Hội Đoàn bị đặt vào thế như “đã lên lưng cọp!” Sau buổi họp mọi người đồng ý ủng hộ Thầy, lập ra Ủy Ban Tranh Đấu do chú Phạm Nhã làm Chủ Tịch cùng các thành viên của Ủy Ban là những trưởng, phó, các hội đoàn đồng thời viết Thỉnh Nguyện Thư (Petition) với nội dung “chống thanh lọc” bất công gửi cho Cao Ủy Tị Nạn ở Palawan đòi tái xem xét lại tiến trình này.

Cuộc biểu tình kéo dài tới ngày thứ tư thì chuyển sang “tuyệt thực (hunger strike)” nhằm làm áp lực lên Cao Ủy sau khi Ủy Ban Tranh Đấu gửi Thỉnh Nguyện Thư thứ hai mà họ vẫn tiếp tục làm ngơ, đóng cửa văn phòng, không tiếp người tị nạn. Lúc này Tuấn viết vài bản tin gửi kèm cùng hình ảnh cuộc biểu tình cho báo Văn Nghệ Tiền Phong ở Hoa Kỳ để thông tin và tìm sự giúp đỡ của Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại. Sau khi trong “Đội Tuyệt Thực” có nhiều người ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu bên bệnh viện của Bộ Tư Lệnh Miền Tây thì Cao Ủy mới đồng ý tiếp xúc với phái đoàn Đại Diện của Ủy Ban Đấu Tranh và hứa sẽ trả lời các điều đã được nêu ra trong ba cái Thỉnh Nguyện Thư mà Cao Ủy đã nhận.

Đưa người đi cấp cứu (Hình: Ủy Ban Đấu Tranh, hình tác giả cung cấp)

Cuộc biểu tình chấm dứt sau chín ngày đêm đã gây tiếng vang và mở màn cho những lần tranh đấu về sau. Điều đáng nói hơn cả trong cuộc biểu tình này là hình ảnh cảm động của Cha T. đã khóc và ôm chầm lấy Thầy Thông Đ. ngay trên sân Cao Ủy trước hàng vạn người đã nói lên tình cảm gắn bó giữa Công Giáo với Phật Giáo Việt Nam ngày ấy khi Cha vừa từ Hoa Kỳ trở lại Phi Luật Tân, xuống phi trường Puerto Princesa là Ngài đã đi thẳng ra sân thăm Thầy khi Thầy còn đang ngồi tuyệt thực tranh đấu! Nhìn một ông Cha Công Giáo ôm một ông Thầy Phật Giáo, cả hai cùng khóc nức nở khó ai mà cầm lòng đặng, hàng ngàn người cũng đã khóc theo hai vị. Tuấn chưa bao giờ thấy người Công Giáo và người Phật Giáo Việt Nam thương nhau nhiều như khi ấy!

Đại Đức Thích Thông Đạt và Đội Tuyệt Thực trên Sân Cao Ủy (Hình: Ủy Ban Đấu Tranh, hình tác giả cung cấp)

Thời điểm này Ban Quản Đốc quyết định giải tỏa Khu 9 và Khu 10, đưa người về lại bên trại cũ cho tiện sinh hoạt vì số lượng thuyền nhân trong trại giảm dần do đã có một số người lên đường định cư. Hơn nữa thì sau lần biểu tình vừa qua không ít người cảm thấy tuyệt vọng nên đã đăng ký “hồi hương” kiếm sáu trăm đô mà Cao Ủy trợ cấp cho người trở về có “vốn” để hội nhập vào lại với xã hội như một cách khuyến dụ thì một số khác lại trốn lên trại PRPC (The Philippine Refugee Processing Center) ở Bataan để tìm các người được quyền tị nạn “ghép hộ.” Thường thì đây là một cuộc trao đổi mua bán bằng tiền giữa kẻ đậu người rớt nhưng vẫn có vài cặp “kết hôn” vì thương nhau thật lòng! Và cuối cùng là những kẻ quyết định bỏ trại đi khắp đất nước Phi để buôn dầu thơm, kiếm tiền tạo dựng một cuộc sống khác dù là bất hợp pháp mà thiên hạ thời ấy hay gọi là đi bán “Bà Ba Ngố,” vì không còn chịu nổi đời sống khó khăn trong trại và áp lực của Cao Ủy nữa.

Nhận thấy vấn đề hồi hương có tiến triển khả quan, Cao Ủy tăng cường khủng bố tinh thần dân tị nạn bằng việc hằng ngày cứ cho Ban Truyền Thông phát loa ra rả kêu gọi mọi người hồi hương tự nguyện, đừng bỏ phí thời gian chờ đợi một cách vô ích nhất là khi đã bị bác quyền tị nạn bởi vì sẽ không có một giải pháp cứu xét nhân đạo nào khác nữa cả và để thúc đẩy tiến trình mạnh hơn càng ngày họ càng giảm dần tiền trợ cấp xuống còn năm trăm rồi bốn trăm đô…nhưng nhiều người tảng lờ, hóa giải sự trấn áp tinh thần này bằng cách tận dụng thời gian sống ở trại như một cơ hội để cố gắng học tiếng Anh hay học lấy vài cái nghề như may mặc do Ban Xã Hội của Liên Hội Đoàn tổ chức hoặc điện tử, thợ máy, thợ làm bánh mì ở trường CADP…

Bên cạnh đó thì cũng không thiếu gì các thanh niên nam nữ chán nản trước tình trạng tị nạn cuối mùa khó qua được thanh lọc để tái định cư nên đã sống buông thả trong bia rượu, thác loạn trong tình cảm, tuyệt vọng với tương lai như đám anh em mới chuyển vô Nhà 14 Khu 1 Tuấn ở khi đó vì lúc nào bọn chúng cũng ồn ào. Gần như bất cứ mỗi khi đi ngang, người ta có thể thấy một đám thanh niên, mười mấy đứa, mình trần trùng trục vừa nhậu vừa la hét, làm náo động cả một góc khu.

Sau 5 ngày không ăn, người tuyệt thực ói mửa trước khi xỉu (Hình: Ủy Ban Đấu Tranh, hình tác giả cung cấp)

Nhưng cũng phải công nhận rằng dù ngang tàng, anh chị vậy mà chúng rất mến chàng chắc có lẽ vì Tuấn lớn tuổi hơn lại có gần sáu năm tù qua hai mươi lần vượt biên với ba lần bị bắt, nhờ đó Tuấn biết phải sống ra sao với tập thể nên ít làm đụng chạm đến ai theo câu nói của ông bà mình ngày xưa “khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống!”

Chiều hôm nay Văn Phòng IOM ít việc, Tuấn ở nhà và ngồi trên gác gạo mấy cái thành ngữ trong cuốn “English Idioms” do Oxford University Press xuất bản lần thứ năm; là cuốn sách rất hay và hữu ích mà Cô Naoko Obi, Cao Ủy Trưởng tị nạn phát cho thông dịch viên Việt Nam nghiên cứu thêm mà chàng vừa mượn được của anh Nam, Trưởng Thông Dịch Văn Phòng Cao Ủy Tị Nạn tại Palawan về “copy” xong tuần trước thì nghe tiếng ồn ào bên dưới. Ngó xuống Tuấn thấy cả đám em út kéo về tụ tập dưới nhà, chúng vừa nói vừa cười rôm rả chuẩn bị chén đũa với xô để đựng bia, bắt đầu cho cuộc chiến ăn nhậu.

Trong khi đang mân mê cuốn sách trên tay một cách thích thú thì chàng thấy anh Tám “Cờ Lúp (Club)” ló đầu lên từ lỗ hổng; cửa của căn gác. Nhìn Tuấn, anh nhe hàm răng sún ra cười toe toét:

-Tụi nó bảo tôi “hú” anh xuống dưới kìa.

Giọng nói của anh không được rõ ràng cho lắm do bị mất mấy cái răng. Như Tuấn vừa nói, trong đám anh em chúng tôi thì ngoài chàng, anh Tám là người chúng thương và nể nhất. Sỡ dĩ anh Tám có biệt danh này là vì anh không có nhiều tiền nên chỉ uống rượu Club mà thôi. Đây là loại rượu có màu vàng đậm, sóng sánh đẹp khi lắc qua lắc lại, chai thì dẹp, lớn hơn bàn tay chút xíu và phía ngoài có dán nhãn xanh đậm với chữ Club thật to có ghi chú nồng độ rượu cao rất rõ ràng theo đúng quy định. Suốt ngày anh đi lang thang khắp trại và hầu như lúc nào cũng kè kè chai Club bên người. Anh Tám quê ở Cà Mau, sanh cùng năm nhưng lớn hơn Tuấn vài tháng. Cả hai thằng đều tuổi Hợi nhưng Tuấn hay đùa với anh rằng vì mình là “heo rừng” nên số khổ, do đó tụi mình phải tự đi ủi kiếm ăn!

Anh Tám có dáng người ốm, đen, cao hơn chàng một chút, thường mặc áo thun trắng không cổ, cụt tay, với quần tây đen hay xanh dương đậm, đầu đội nón lưỡi trai lúc nào cũng hơi nhừa nhựa, khật khừ mà không say hẳn nhưng sạch sẽ và rất đàng hoàng. Anh lúc nào cũng niềm nở, cười vui vẻ với mọi người, có tư cách của một người đàn ông chững chạc. Anh Tám “Cờ lúp” mượn rượu để quên đời bởi quá thất chí nhưng dầu vậy anh vẫn còn giữ được một trí nhớ rất dai vì dường như anh thuộc tất cả số PS của từng người trong trại. Chỉ cần ai đó nói tên bất cứ người nào hay đi tàu “group” nào là anh có thể đọc số PS của họ ra ngay. Tuấn không hiểu anh nhớ chuyện đó để làm gì và nhiều khi chàng nghĩ giá mà anh chịu học thì với trí nhớ đó anh có thể sẽ học rất giỏi bởi lâu lâu gặp Tuấn anh hay đùa giỡn vì biết tôi có học tiếng Pháp:

-Anh T., hôm qua Tám gặp “con” Naoko Obi nó biểu Tám “conjuguez moi verbe Aimer, temps plus… plus-que-parfait” đó anh. Anh cố ý cà lăm và nói xong anh cười hô hố, bỏ đi.

Bây giờ, nể tình anh trèo lên kêu, Tuấn leo xuống gác nhập bọn với anh em một tí cho vui. Vừa thấy bóng chàng, Nguyên “nhãn” vội xáp tới nắm tay Tuấn đưa lên “hun” cái chụt, miệng bi bô xởi lởi:

-Anh, ngồi xuống đây với tụi em anh. Không mấy khi mới gặp được anh. Anh sao bận bịu quá, đi học hoài. Vui đi anh ơi, đời ngắn lắm “hổng mấy khi” anh ơi…

Tuấn thật sự hơi ngại ngùng mỗi lần gặp nó bởi kiểu đon đả chào đón đó của nó nhưng đó là tính cách của nó cho tới mười năm sau chàng gặp lại nó tại Niệm Phật Đường ở Merville, thành phố Pasay của Manila, thì nó vẫn vậy. Và sỡ dĩ nó có biệt danh này là vì nghe đâu hồi nhỏ nó bị tai nạn sao đó hư mất một con mắt nên được gắn một con mắt giả mà nếu không biết thì khó mà nhận ra được. Chuyện này xảy ra trước năm 1975 mà vì tế nhị Tuấn chẳng dám hỏi nó bao giờ!

Thằng Dụng, có một cái bớt đỏ lớn từ trán xuống tới mặt nên được gọi là Dụng “nám” kéo Tuấn tới ngồi gần nó.

-Hôm nay mình nhậu “nai đồng quê” anh, ngon lắm!

Dụng “nám” thì chỉ chừng hơn 20 tuổi chút đỉnh, nhà nghèo, mù chữ, đi làm mướn từ nhỏ ở gần Cảng Sài Gòn bên Quận 4, Khánh Hội cũ. Vì ra đời sớm nên thằng này rất lanh lợi và giang hồ nhưng khí khái, trọng tình nghĩa anh em và rất liều mạng, dạn tay trong các cuộc đâm chém.

-Hồi sáng này tự nhiên có “con nai” thật to đi lạc bên Khu 10, lúc tụi em đang dọn nhà, nên tụi em “hoá kiếp” cho nó để làm phước anh.

Nghe lời nó nói, nhìn các món đồ nhậu bày la liệt trong mấy cái dĩa để trên nền nhà Tuấn hiểu đó là “thịt cầy” liền! Thằng Dụng vừa lăng xăng bày chén đũa vừa bí bô:

-“Thôi cho nó đầu thai kiếp khác, biết đâu sẽ khá hơn kiếp cầm thú hiện nay anh!”

Chàng nghĩ bụng “ thằng này dốt nát nhưng ra đời sớm nên khôn ngoan và hiểu biết chuyện đời ghê lắm. Nó lý sự cũng đúng, Tuấn tự nhủ thế để an ủi cho con chó kém may mắn này, chứ thật ra tình trạng dân tị nạn bắt chó của người Phi đi lạc vô trại rất nhiều và không ít lần dân Phi đã vào trại lùng sục tìm chó thất lạc suốt cả ngày với thái độ hằn hộc, giận dữ.

Kể từ khi có trại tị nạn, người Phi ở Palawan biết thêm “thịt chó” là món khoái khẩu rất được dân nhậu Việt Nam ưa chuộng do đó họ luôn canh chừng chó của họ thật cẩn thận, không bao giờ dám thả chúng chạy rông vào trại vì họ biết chúng vô đó là không còn đường về. Tuấn đã có lần tận mắt chứng kiến thằng Dụng “nám” đào một cái hố nhỏ trước khoảng đất trống của nhà vệ sinh Khu 1 vào một buổi chiều rồi khi trời nhá nhem tối, nó dựng một cây tre có thắt thòng lọng kéo cong xuống cái hố đó và được giữ lại với đĩa thức ăn mà bên trong nó đã bỏ sẵn một ít cá hộp được xào lên với hành cho thật thơm như một cái bẫy!

Rồi chỉ cần nghe một cái “ẳng” thật lớn là bọn chúng nấp đâu đó vội nhào ra hạ cây tre treo lủng lẳng con mồi cho vội vào bao bố và mang sang khu khác làm thịt. Ngày hôm sau “Monkey House” chật ních tù bởi khi chúng xẻ thịt con cầy thì cũng đi thông báo ngầm trong giới giang hồ ở trại thế là có đám tới mua bằng tiền mặt kẻ khác lại mang bia tới đổi về để chén thù chén tạc với chiến hữu của mình. Rượu vào, lời ra, oán cừu lúc trước nổi lên thế là lại sinh ra cảnh đâm chém mà thời anh L. K. T. làm Trưởng Ban An Ninh thì chuyện giang hồ nổi đình đám nhất vì đó là thời gian vô cùng căng thẳng bởi kết quả thanh lọc đã được công bố và hầu như tất cả thuyền nhân đều “rớt” khiến cho tinh thần mọi người trở nên khủng hoảng và chỉ cần một việc nho nhỏ cũng dễ dẫn đến những cơn giận dữ “khùng điên” dữ dội mà đôi lúc Ban An Ninh phải cần sự hỗ trợ của lính Phi, đơn vị trực thuộc Bộ Tư Lệnh Miền Tây của Phi Luật Tân, để trấn áp các băng nhóm tội phạm thì mới dẹp được.

Bữa nhậu bắt đầu, bọn chàng ngồi thành vòng tròn trên nền xi măng của cái phòng lớn nhất trong nhà. Thằng Thông cứ thò tay lấy bia khui ra đổ vào cái xô đã có mấy cục đá bẹ được chặt nhỏ ra bỏ sẵn trong đó và thằng Đức ngồi phía bên kia của cái xô dùng cái hũ nhỏ đựng cà phê bột, uống liền, đã hết, làm cái ly múc bia cho mọi người. Cứ thế mà chúng chuyền ly bia đi vòng vòng. Sau vài vòng (tour,) tiếng chửi thề, tiếng cười nói, tiếng la lối bắt đầu lớn dần. Mùa hè bên Phi nóng gắt, nhất là lại vào giữa trưa. Sức nóng từ bên ngoài đưa vào cộng với hơi người và khói thuốc lá mịt mờ làm cho bầu không khí càng trở nên ngột ngạt khiến tất cả đám thanh niên đang nhậu đều phải cởi áo ra mà mồ hôi vẫn tuôn nhễ nhại.

Và buổi nhậu mà Tuấn tính chỉ ngồi chơi chốc lát đó càng lúc càng vui khi có thêm một số anh em nữa từ Khu 11 xuống tham gia nên Tuấn đã phải bỏ lớp học thêm ba giờ chiều của mình. Bấy giờ thì đã có hơn mười lăm người tất cả, ngồi kế Tuấn là Hiền “bạch tuộc.” Đây là một thanh niên đến trại khá trễ khi còn rất trẻ và cuộc sống khó khăn, phức tạp tại đây khiến cho em trở nên lầm lì. Nó rất thích uống loại rượu trắng mà trên chai có dán cái nhãn in hình một con quỷ đang giơ nanh, múa vuốt, gương mặt rất ác như nhằm cảnh báo rượu này rất nguy hiểm. Từ đó nó có biệt danh Hiền “bạch tuộc” Nó đã từng cầm mã tấu chặt chém trong các lần ẩu đả và có lần còn dám cầm dao chặt đuôi một con bò đang ăn cỏ bên Khu 10 làm cho con bò đau đớn gầm lên, dựng đứng hai chân trước và phóng nhanh vào rừng, biến mất. Ngoài máu lạnh của nó ra nó còn được biết đến như một tay rất mưu mô tính toán nên chẳng bao lâu nó đã trở thành một trong những tay anh chị trong giới “hooligan” của trại PFAC này.

Phái đoàn BPSOS, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân (LAVAS) chụp với các thành viên trong Tổ Chức Thanh Niên VN ở PFAC (Hình: Website Palawan)

Hiền “bạch tuộc” và Dụng “nám” đã trở thành một cặp bài trùng rất ăn ý trong các vụ đánh nhau, làm cho dân chơi, đàn anh cũng kiềng mặt chúng nó suốt thời gian ở trại cho đến khi chúng trốn lên sống bất hợp pháp trên trại PRPC, ở Morong, một thị trấn nhỏ của Bataan; một tỉnh nằm giữa trung tâm của đảo Luzon gần thủ đô Manila.

Nhớ có lần thằng Dụng “nám” còn kể với Tuấn chuyện chúng nó đánh Hảo “heo” bể sóng mũi hay việc tụi nó bẻ dao Thái Lan của “warehouse” phát cho đồng bào xài, lấy lưỡi hàn vô các ống tuýp tròn dài cả thước làm giáo rồi kéo ra “Đình Ba Chơi” tức là Departure ở PRTC (The Philippine Refugee Transit Center) nơi tiễn thiên hạ đi định cư ở đệ tam quốc gia đánh với đám “tài cố” của Hải Phòng vì mâu thuẫn quyền lợi và phân chia lãnh thổ làm ăn hay tranh giành để “bóp cổ” mấy người ra đó chuẩn bị lên đường, đến nỗi nghe mà ớn lạnh.

-Chà, vui quá hé!

Đang ăn nhậu hào hứng, bỗng nhiên nghe tiếng đàn bà phát ra mọi người nhìn lại rồi tất cả chợt nín bặt, mặt mày lấm le lấm lét lúc thấy bóng dáng Sơ T. xuất hiện trước cửa. Cùng đi với Sơ khi đó còn có chú Phan Văn Hường; Chủ Tịch Nhiệm Kỳ 31, với một số các vị trong ban bệ như ông Chính; Chánh Văn Phòng, và thư ký, trưởng ban tài chính ngân hàng, Chủ Tịch Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH, một số vị đại diện các hội đoàn, đoàn thể khác trong trại…do chiều nay, phái đoàn xuống văn phòng CADP họp, báo cáo tình hình, nhận chỉ thị của Sơ vì Sơ vừa đáp máy bay từ Manila về trại trưa hôm qua.

Bây giờ họ tình cờ đi ngang nhà chàng để trở lại Hội Đồng Trung Tâm qua con đường nhỏ ngăn cách trại với bãi biển bởi một vách tường xi măng không cao quá đầu người nhằm xem xét tình hình vệ sinh vốn được xem là không tốt ở chỗ này bởi người tị nạn thường xả rác, tiểu tiện, hoặc đại tiện ban đêm ngoài bờ biển khiến cho dân Phi và Bộ Tư Lệnh đã nhiều phen gửi công văn phàn nàn sự ăn ở kém văn minh của thuyền nhân mà có lần Tuấn còn nhớ vì quá tức giận và tủi hổ cho sự vô ý thức ấy của đồng bào mà Frère Tánh đã lấy máy chụp hình chụp lấy hình ảnh của một người đang “đi cầu” bậy bạ lúc bãi biển vắng vẻ rồi đem lên Ban Thư Tín dán ở bảng dán danh sách của các đồng bào có thơ với chú thích “thằng dơ tặc” nhằm cảnh tỉnh dân chúng nhưng hình thức này xem ra cũng không đem lại kết quả bao nhiêu vì trình độ dân trí của người ta quá kém hay vì điều kiện của nhà vệ sinh lại quá dơ bởi thiếu thốn do số lượng thuyền nhân vô cùng đông đảo khi đó cũng nên!

Vào khoảng thời gian này, trong lòng của đồng bào ở PFAC thì hình ảnh về Sơ T. vẫn còn là của một người mẹ hiền, một người chị cả bao dung, một vị lãnh đạo tinh thần đáng kính nên đôi lúc gặp Sơ nhiều người đã co rúm lại như con “khúm núm.”  Vì vậy lúc này thấy mọi người có vẻ e dè sợ sệt, Sơ nói tiếp:

-Sao hôm nay không có ai có lớp hả?

Cả đám cười cười, “dạ” nhỏ. Sơ cũng cười đùa:

-Giờ này là giờ đi học Anh Văn mà mọi người ngồi đây nhậu, chắc là tiếng Anh giỏi hết rồi phải không? Đâu…đâu anh nào nói vài câu tiếng Anh với Sơ coi.

Vài đứa nhăn nhó gãi đầu và khẽ liếc sang Tuấn. Khi ấy chàng cũng sợ quá đâu dám nói gì. Đợi một hồi không thấy người nào trả lời, đang cười vui Sơ bỗng nghiêm sắc, mặt đanh lại phủ nét lạnh lùng khiến người đối diện cảm thấy sợ hãi:

-“Tu bia” dễ hơn “to learn English” phải hông?

Rồi Sơ chỉ ra ngoài, tay đưa vòng vòng sang các lớp học Anh Văn của CADP nằm bên kia con đường đất đỏ to lớn đối diện với nhà của chàng, gằn giọng nhắc lại lời Sơ nói lúc trước:

-Ở đây học không phải trả tiền lại còn được phát tập và bút miễn phí nữa. Các anh hãy cố gắng học đi, đừng để phí thời gian rất uổng cho dẫu mai mốt dù không đi được mà mình phải trở lại Việt Nam thì ít ra mình cũng khá hơn lúc mình ra đi hay biết đâu nhờ giỏi tiếng Anh mà mình có thể dễ hội nhập trở lại hơn cũng không chừng, phải hông nà? Một tuần chỉ nên nhậu một lần vào cuối tuần và nhậu chút ít thôi nghe hông.

Cả đám lại lí nhí “dạ.” Lúc phái đoàn đi rồi thì mọi người lại ồn ào như ong vỡ tổ bàn tán về hậu ý của Sơ.

Anh Tám cười khà khà:

-Anh em nghe chưa hổng có đi đâu nữa hết đó, chỉ có hồi hương thôi!

Bầu không khí đang vui tự nhiên phủ lấy một đám mây ảm đạm, u ám bao trùm phận đời tỵ nạn cuối mùa, làm mọi người cụt hứng!

(còn tiếp)

“Tình xưa rực nắng thu vàng” của tác giả Triều Phong được đăng nhiều kỳ trên SGN mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: