Cuộc đời cứ thế trôi theo dòng thời gian biến chuyển lớn lao, thay đổi phận người tị nạn dưới lưỡi dao “Thanh Lọc” oan nghiệt ấy của Chương Trình Hành Động Toàn Diện CPA (The Comprehensive Plan of Action.) Cùng lúc với áp lực của Tammi, bà Cao Ủy Trưởng; gốc người Đức, cộng thêm sự hung hãn của viên sĩ quan trẻ ở OIC là Đại Úy Dennis khiến cho đời sống của đồng bào trong trại tiều tụy nhiều đi!
Cứ thế mà những người lánh cư cuối mùa của bọn chàng chẳng còn biết làm gì hơn là đành phải sống âm thầm lặng lẽ, làm bạn cùng thiên nhiên, sóng biển, vui khi thủy triều lên, buồn khi thủy triều xuống, trong cái trại tị nạn xa xôi hoang vắng, thiếu thốn mọi bề ấy suốt nhiều năm tháng như cá “mắc cạn!”
Tối chủ nhật một ngày kia, khi đi coi phim trên hội trường Con Cựu Quân Nhân về, vừa bước chân vô tới cửa là Tuấn được mấy đứa em trong nhà cho biết chàng được Giải Nhì của cuộc thi viết về chủ đề “Chất dinh dưỡng (Nutrition)” do phòng IOM tổ chức cho đồng bào trong từ mấy tuần trước. Chiều nay ông Trưởng Phòng William Barriga trao giải nơi Sân Khấu Trung Tâm, phát loa gọi tên chàng nhiều lần nhưng Tuấn vắng mặt! Thế là hôm sau chàng đến “Health Education Section,” văn phòng chuyên lo về sức khỏe trực thuộc cơ quan IOM, nằm sát phi đạo để gặp Bác Sĩ Nenette, Trưởng Phòng Chăm Sóc Sức Khỏe cho người lánh cư, để nhận phần thưởng!
-How do I know you? Bác sĩ Nenette hỏi khi nghe Tuấn nói đến lãnh giải.
Tuấn ngần ngừ giây lâu, rồi trả lời:
-You can check it from Mr. William.
-I have a list of winners here but I don’t know who you are?
Cô Muội, người Hoa là thông dịch của Bác Sĩ Nenette đứng kế bên lên tiếng:
-Anh có ID không? Anh phải đưa thẻ do IOM cấp để bác sĩ biết anh là ai chứ?
Tuấn vội vàng lấy ID của mình ra cho bác sĩ xem. Sau khi nhìn hình, xem tên, bà Nenette ngước lên ngó Tuấn một tí rồi mở ngăn tủ lấy bì thư trao cho chàng và vui vẻ bắt tay thốt:
-Congratulations!
Bỏ ba trăm tiền thưởng vô túi, Tuấn ra về lòng cảm thấy hân hoan. Ngày hôm sau, để trả cái tình cảm anh em đã bao bọc mình mấy năm nay, Tuấn đưa tiền cho mấy đứa em trong nhà ra ngoài bãi ghe đánh cá nơi mé biển đợi anh Ba Canh đi câu về để mua vài con cá mú nấu canh chua, lựa một hai con cá thu to nhất nấu cháo để ăn sau khi nhậu cho ấm bụng. Đoạn chàng lại đưa thêm tiền để anh em đi mua bia San Miguel, mua thuốc lá cho buổi “party” tối hôm ấy nữa!
Cũng cần nói rõ là kể từ khi biết rằng sẽ phải ở lại nơi này lâu dài vì đến đảo sau ngày đóng cửa thì các người PS; vốn làm biển ở Việt Nam trước đây, đã tập hợp lại và gom góp tiền ra phố mua cây, ván ép… về đóng thành các chiếc xuồng nho nhỏ để đi câu ven biển, kiếm cá “cải thiện” cuộc sống. Đôi lúc câu được khá nhiều cá thì họ bán cho đồng bào trong trại để có thêm chút tiền. Dần dà thấy cách làm ăn này cũng tương đối khấm khá và Ban Quản Đốc trại cũng chẳng cấm cản gì nên họ phát triển thêm, đóng những chiếc xuồng lớn để đi xa hơn.
Từ đó mỗi chuyến ghe về, dân chúng thường đón sẵn ở bãi biển sát Khu 1 để mua các con cá bạc má, cá mú, cá ngân còn tươi roi rói về chiên hoặc nấu canh cho gia đình. Đặc biệt, ngư phủ Việt Nam mình thật giỏi, với kỹ thuật câu cá thu thiện nghệ, sau mỗi chuyến đi họ mang vô rất nhiều cá thu mà người Phi không biết đánh bắt. Điều này đã khiến chính quyền địa phương vô cùng quan tâm đến độ sau này họ thành lập đội săn bắt cá thu và nhờ người Việt hướng dẫn cho dân bản xứ của họ kỹ thuật trên!
Lúc bầu không khí chuẩn bị ăn nhậu ở nhà 14 Khu 1 của Tuấn chiều hôm ấy rất vui vẻ thì có cả một số em út từ bên Khu 9, Khu 10 cũng kéo qua. Chúng cười hề hề ghẹo Tuấn khi thấy mặt chàng.
-Tụi em qua ăn mừng anh “rửa bút” đây anh!
Trong lúc mọi người nhộn nhịp ra vào, chợt có tiếng phát ra từ dưới bếp của thằng Hải:
-Ê, ê đừng bỏ cá vô. Mày phải “tao” cá sơ qua với đầu hành chớ!
-Không cần! Thằng Minh lo vụ nấu cháo lên tiếng.
-Sao không cần? Mày bỏ thẳng vô vậy nó tanh lắm!
Thằng Minh cự nự:
-Tanh gì? Ngoài miền Trung của tao, người ta để nước thiệt sôi là bỏ cá vô thì chẳng có tanh gì cả.
Thằng Hải tiếp tục lải nhải:
-Sao không tanh? Ở Saigon, má tao mỗi khi nấu cháo cá đều phải “tao” sơ qua hết á!
Và cứ vậy, thằng Hải đứng kế bên càm ràm mãi làm thằng Minh nổi nóng dần. Cuối cùng nó gắt um lên, lớn tiếng sẵng giọng:
-Đ.m. hôm nay tao nấu cháo, mày để yên đó tao lo! Còn mày muốn “tao cá” thì mày về Saigon, mày nấu đi. Tao…tao..cái con c..!
Nghe tiếng cãi cọ mỗi lúc một to, anh Năm đang ngồi ở phòng ngoài đứng dậy tính vô can ngăn nhưng anh chưa kịp bước vào thì ở trong do tự ái vùng miền hai thằng đã lao vào đánh nhau làm đồ đạc rơi tứ tung, cá văng đầy ra sàn xi măng khiến anh em phải nhào vô kéo hai thằng ra. Thằng Minh giận dỗi bỏ về nhà nó trên Khu 6. Mọi người lo dọn dẹp nồi cháo bị đổ, lượm những khứa cá thu rửa sạch sẽ và nấu lại.
Tuy nhiên, buổi tiệc đêm ấy đã mất vui và nó cũng làm Tuấn nhớ lại câu chuyện choảng nhau như thế ở Bếp 3 của trại tù Đồng Phú vào năm 1985 mà Tuấn đã ở khi xưa giữa Thịnh “đầu bò” và Tánh “con.” Hai thằng “ngủ chung sạp, ăn chung mâm” nhưng lại đến từ hai miền khác nhau. Miền Bắc và miền Trung, nên khác khẩu vị! Vì thế mới biết sống tập thể, không đơn giản tí nào?
Khi bóng nắng đổ dài trên mái nhà của lò bánh mì CADP thì cũng đã hơn chín giờ sáng, Tuấn vừa bước xuống thang của căn gác Cao Ủy thì đã thấy anh Năm Hoàng đang ngồi quậy ly cà phê đen, dưới sàn xi măng được lau chùi sạch sẽ mỗi ngày của “phòng khách” trong căn nhà tị nạn nhưng các tấm giấy dán che phên vách cót quanh nhà thì bắt đầu rách nhiều chỗ, lộ vẻ bẩn thỉu, dơ dáy, như phận người lánh cư cuối mùa!
Anh cứ khuấy đều đều, tiếng muỗng va chạm vào thành ly tạo nên âm thanh leng keng đơn điệu như đời người tị nạn và làm cà phê nổi bọt dần lên hơn nửa ly mà anh vẫn không ngừng. Đây là kiểu pha cà phê đen để uống ở Saigon khi ấy mà anh Năm đã mang theo qua chốn này.
Anh nói khi nghe tiếng cầu thang tre kêu ót ét mà vẫn không thèm ngẩng mặt lên:
-Ngủ gì dữ vậy “ông ngoại?” Thôi vô đánh răng rửa mặt đi rồi uống cà phê nè!
Lúc Tuấn bước ra và xà xuống ngồi cạnh anh thì thấy ly cà phê đã đầy các cục nước đá đã được đập nhỏ nằm hững hờ bên trong. Nhìn những viên đá lóng lánh nằm phơi mình trong màu cà phê vàng óng giữa đám bọt nâu sậm mời gọi làm Tuấn chợt thèm được hớp một ngụm dù đó là loại cà phê bịch. Đây là loại cà phê pha chế sẵn chỉ cần cho nước ấm hay nước lạnh vào để uống liền (instant coffee) của Phi Luật Tân, mà dân Việt mở tiệm tạp hóa trong trại thường mua về để bán lẻ lại. Dĩ nhiên là nó không ngon như cà phê phin ở các quán nhưng dẫu sao thì cũng có để uống đỡ ghiền mà anh Năm sáng nào cũng tới tiệm chị Vân ở dãy phía sau để mua chịu vài bịch với gói Winston!
Có thể nói anh Năm thuộc một trong vài chiếc ghe muộn màng, đến PFAC này vào đầu năm 1991 nên số PS của anh rất lớn; tới bốn ngàn mấy luôn! Đầu tiên anh được đưa vào nhà của Hân bán cà phê đối diện Chùa Vạn Đức. Và tại đây ngày ngày anh gặp Tuấn tới uống cà phê rồi từ từ thân nhau. Khi biết nhà Tuấn rộng rãi vì có một số người PS đã được chuyển lên Bataan đi định cư nên anh xin chuyển xuống ở cùng Tuấn vì không thích chỗ đông người.
Anh sống rất là bình thản không lo lắng gì tới vật chất thiếu thốn ở trại tị nạn mà chỉ chuyên tâm “nghiên cứu” làm sao để lọt qua cửa ải thanh lọc thôi! Vấn đề này thì anh có lợi thế hơn mấy người tới trước vì anh thường nói “nhất sớm, nhì muộn!”
Và nếu cần tiền xài là anh rủ Tuấn ra phố chơi và ghé tiệm “The 21st Century” ở ngoài đó gọi điện về cho vợ anh bên nhà chuyển tiền qua các đường dây có sẵn ở đây để tiêu. Điều đó khiến Tuấn thắc mắc trước sự giàu có của anh và tại sao đầy đủ như thế mà anh lại bỏ đi nhưng mãi tới sau này Tuấn mới có lời giải đáp? Do đó anh là thân chủ của một số hàng quán xung quanh đây vì anh rất uy tín, anh mua chịu và thanh toán nhanh lẹ sòng phẳng lúc nhận tiền nhà. Thế nên Tuấn cũng đỡ vả khi có anh sống cùng!
Đẩy gói Winston về phía Tuấn, anh Năm Hoàng nhắc:
-Mày kể anh nghe rõ ràng hơn về vụ mày bị bắt và ở chung với nhóm Cao Đài tại Long An năm 1987 mà mày nói hôm nọ đi!
Hít một hơi thuốc, ém thật sâu và từ từ nhả ra nhè nhẹ. Những lọn thuốc quyện tròn lấy nhau như yêu thương không muốn rời, bay dần lên cao rồi loãng ra và tan dần trong không gian như chuyện đời hợp tan. Mùi thơm của thuốc lá Winston mà sáng sớm chưa tỉnh ngủ hẳn đã làm Tuấn xây xẩm, người lâng lâng ngất ngây. Tuấn cất giọng:
-Chính xác là tháng 10 năm 1986 anh. Ghe em đi ở Kinh Nước Mặn để ra cửa biển Cần Giờ nhưng bị bể và bị công an biên phòng rượt bắn làm chết tài công là một ông cựu đại úy hải quân Việt Nam Cộng Hòa mới đi tù về. Tụi nó cạo đầu ổng rồi chôn sơ sài ngay tại bãi biển. Khách thì chúng mang về nhốt vào Ty Công An Tỉnh Long An!
Anh Năm nhướng mày hỏi lại:
-Nhốt ở Ty Công An à?
-Ừ, nhưng lúc giải giao về đó là ban đêm bọn em đâu biết gì đâu, mãi cho đến sáng một hôm khi bị chuyển đi ra trại lao động Nhơn Hòa Lập thì lúc lên xe ngồi em nhìn lại mới biết là lâu nay mình ở trong ty công an và trước ty có cả một cái chợ mà người ta bảo đó là Chợ Long An nữa anh.
Anh Năm gật gù:
-Mày ở trong đó lâu không?
-Chừng ba tháng!
-Và mày gặp mấy người Cao Đài trong đó? Anh Năm hỏi tới.
Hớp một ngụm cà phê và nuốt chầm chậm. Vị đắng của cà phê theo cái lạnh của viên đá nhỏ trôi từ từ xuống cuống họng và thấm dần vào cơ thể làm Tuấn bấy giờ tỉnh hẳn. Quá khứ hiện về rõ mồn một, chàng nói say sưa:
-Em ở chung phòng với một anh Cao Đài. Còn dì em thì bị nhốt ở phòng nữ chung với một cô gái đạo Cao Đài, trẻ, đẹp như Tây lai, người dong dỏng cao mà sau này anh bạn em bảo cổ tên Linh mà thỉnh thoảng em thấy khi họ được thả ra sân phơi nắng.
Ngừng lại và nhìn vào khoảng trống bao la trước mặt thêm một lúc Tuấn tiếp:
-Em và dì em được chuyển xuống trại Nhơn Hòa Lập một thời gian thì thằng Tân cùng phòng em cũng được chuyển tới và nó kể em là khi em đi rồi thì sáng sớm một hôm họ mang Linh đi xử tử! Sau này khi về nhà, dì em bảo Linh là một xạ thủ có nhiệm vụ bảo vệ “Cậu Hai” khi đạo Cao Đài đưa cậu đi trốn khỏi sự lùng bắt của nhà nước. Trên đường đi kiếm nơi ẩn náu, cô đã bắn chết hai công an để giải thoát cho “Cậu Hai” lúc họ bị truy đuổi!
-Nhưng cuối cùng “Cậu Hai” có bị bắt không?
-Đâu biết, nhưng hình như là không thì phải! Mà nghe nói Cậu Hai này cũng còn trẻ lắm. Không hiểu tại sao người ta lại gọi là Cậu Hai và Cậu Hai là gì há?
Anh Năm Hoàng giải thích:
-Cậu Hai là người có chức sắc rất cao của đạo Cao Đài. Lúc ấy cũng như Phật Giáo Hòa Hảo ở Long Xuyên của tao, đạo Cao Đài bên Long An cũng chống cộng sản dữ lắm! Có thể vì vậy mà họ bị truy lùng cũng không chừng.
-À, ra là vậy! Tuấn gật gù như hiểu ra.
…Một hôm khi trời đã chạng vạng thì anh Năm rủ Tuấn lên Khu 4 chơi. Lúc vô nhà thì chàng mới ngã ngửa ra đó là nhà của anh Nam; Trưởng Thông Dịch Việt Nam trên văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn PFAC. Tuấn biết anh vì một số lần chàng xin yêu cầu được làm việc với bà Cao Ủy Trưởng Naoko Obi thì anh là người sắp xếp thông dịch viên vào giúp Tuấn nói chuyện với bà. Và cũng từ đó anh biết Tuấn có viết một số truyện ngắn cho báo chí bên hải ngoại khi bà yêu cầu dịch tóm tắt các truyện này của Tuấn sang tiếng Anh để bà xem chàng đã nói gì mà có nỗi lo sợ sẽ bị bắt nếu phải trở về.
Bởi vậy khi vừa thấy Tuấn ló đầu vô là anh đang ngồi dựa vách nhà đã ngồi nhỏm lên nói ngay:
-A, tưởng ai chứ thằng này thì tao biết rồi. Tụi mày ngồi đây!
Nói xong anh đưa đứa con nhỏ cho vợ giữ rồi sắp xếp lại vài thứ đồ chơi con nít đang nằm ngổn ngang để lấy chỗ cho bọn chàng. Thấy có khách, chị Vui, vợ anh vội ẵm con sang nhà hàng xóm chơi cho mọi người được thoải mái trò chuyện.
Anh Năm ngồi xuống, cười xuề xòa:
-Nghe anh nhắn, em lên coi có thay đổi gì không?
Anh Nam chắt lưỡi, nối nhỏ nhưng chậm rải theo bản tính cố hữu của anh:
-Muốn gặp mày hỏi xem mày đã chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn ngày mai chưa ấy mà.
-Xong hết rồi anh, có hỏi thăm thằng này vụ Cao Đài luôn rồi. Vừa nói anh vừa chỉ Tuấn ngồi kế bên.
Anh Nam nhìn ra cửa, giọng khẽ khàng mà chẳng ngó ai như đang nói với chính mình.
-Dù mình có… có… ấy rồi nhưng cũng nên có một câu chuyện chính đáng và nếu là chuyện có thật đã xảy ra mà đưa vào hoàn cảnh của mình một cách hợp lý thì càng tốt. Nó làm cho lời khai mình mạnh hơn và việc được chấp thuận hợp lý hơn, không ai nghi ngờ hay “kèn cựa” gì được.
-Dạ, thằng này lúc đó ở chung nên thấy mấy người trong vụ và hiểu rõ anh.
-Tốt!
Đoạn anh quay sang Tuấn:
-Mày kể ra thì vượt biên và ở tù nhiều lần, biết nhiều chuyện quá mà khai sao để bị “rớt” uổng vậy mậy?
-Dạ, tại hồi đó em tưởng cứ khai thật là OK, chứ đâu dè…
Anh Nam tặc lưỡi:
-Phải hồi ấy mày gặp tao sớm là may ra…
-Dạ!
Đột nhiên anh Nam ngồi bật dậy, thò tay vào túi áo lấy gói Marlboro trắng được sản xuất tại Phi ra, móc một điếu và để bao thuốc xuống trước mặt mọi người. Rít một hơi dài, ém thật sâu đoạn anh nhả ra từ từ, nhìn làn khói trắng anh vừa phà ra dày đặc rồi loãng dần trong không khí, anh nói:
-Làm việc trên đây lâu ngày tao thấy có cái là lẽ ra chúng ta phải tìm hiểu sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán giữa hai dân tộc việt Nam và Phi Luật Tân trước thì đỡ. Tụi mày có biết tại sao không?
Tuấn và anh Năm lắc đầu. Anh Nam chậm rãi kể tiếp:
-Có một lần Cao Ủy tổ chức “party,” tao ngồi cạnh thằng phỏng vấn viên tên Billy. Uống được một chặp, nó mới kể lể với tao là cái “job” này nhiều khi cũng làm nó “stress” lắm. Tao hỏi nó tại sao thì Billy bảo “nó chẳng hiểu tại sao người Việt mình hầu hết cứ mặc áo sơ mi trắng và quần tây nên ngày nào cũng vậy, mỗi khi nó gọi ai vào phỏng vấn thì y như rằng hể cửa vừa mở ra là lại có một thằng mặc như thế đút đầu vào rồi kể những câu chuyện bị chính quyền ngược đãi, bị đàn áp ở bên nhà. Hình ảnh trăm lần như một và mấy câu chuyện khổ đau này của tụi mình nó nghe riết muốn nổi khùng nên đâm ra bực bội vô vàn!
Anh Năm cười cười xen vào nói đùa:
-Ở nhà em có một cái áo ngắn tay màu xanh nước biển. Thôi để mai em mặc cái này!
-Ừ! Mình ở đây cũng khá lâu rồi, tụi mày thấy người Phi rất mê nhạc, vui vẻ, lạc quan, thân thiện vì xứ nó ít có chiến tranh như mình. Mặc áo thì luôn có nhiều hoa lá, màu mè sặc sỡ nên cái gì đơn điệu cứ lặp đi lặp lại hoài riết nó chán. Mà đi phỏng vấn lại bị thằng phỏng vấn viên ghét, mất cảm tình thì chết mẹ rồi, “đậu gì nổi!” Thế nên nhiều khi tao thấy chuyện thanh lọc này cũng khó lắm, hên xui thôi. Nó tùy vào tâm tư tình cảm khác nhau mỗi ngày của đám “interviewer.” Đúng là “vượt biên có số, định cư có phần!”
Nghe anh Nam kể, Tuấn im lặng không nói gì nhưng bụng bảo dạ “chết cha, có khi mình bị đá cũng bởi mấy vụ này cũng không chừng!” Chuyện trò thêm dăm mười phút nữa rồi anh Nam nhìn anh Năm Hoàng giục.
-Ok, vậy thôi. Mày về lo ngủ nghỉ cho khỏe để ngày mai tỉnh táo, vô khai báo. Cứ bình tỉnh! Nhớ khai việc gì xảy ra như thế nào, ở đâu cho mạch lạc, có lý nghe mậy. Ngày giờ phải rõ ràng đừng để bị “lấn cấn” khiến nó nghi ngờ, khó xử nghe!
-Dạ, cám ơn anh. Thôi tụi em về, bye anh!
Một ngày nọ, khi hoàng hôn bao trùm, đất mờ mờ tối, chợt Đạt; một thằng em trong Gia Đình Con Cựu Quân Nhân, ghé nhà Tuấn chơi mang theo thư kết quả thanh lọc mà nó nhận lúc chiều. Thoáng thấy bóng nó, Tuấn mừng rỡ, ngỡ Đạt đã đậu thanh lọc nên đến báo tin. Nhưng không phải vì thư chưa xé, vẫn còn nguyên!
Lý do là nó sợ quá, vì hôm vào phỏng vấn nó có tranh cãi với cô phỏng vấn viên khá căng vài lần bởi lúc lấy lời khai của nó, cô bảo:
-Hôm nay tôi rất lấy làm thú vị khi nghe về cuộc phiêu lưu kỳ thú của bạn!
Đạt phản đối:
-Không, đây không phải là chuyến phiêu lưu. Đây là chuyến vượt biển đi tìm tự do của tôi! Và chuyến đi này không có gì kỳ thú cả mà nó là một cuộc hải hành đầy nguy hiểm mà chúng tôi đã đánh đổi cả mạng sống. Chúng tôi đã gặp bão biển, ghe chết máy, chúng tôi đã đói và khát. Ghe tôi đã có một người hy sinh!
Thấy nó gân cổ cải hăng quá, cô ta không nói hoặc hỏi thêm bất cứ gì và chỉ mỉm cười im lặng, ghi chép tất cả mọi thứ nó khai một cách lặng lẽ. Vì thế bây giờ nó run quá, Đạt có linh cảm là nó sẽ bị bác đơn từ đó!
Vậy là nó cứ ngồi kể lể tới khuya mà nhất định không mở bao thư. Và cho đến gần 9 giờ đêm, khi trại sắp cúp điện, Tuấn mới giục Đạt:
-Coi không? Muốn coi kết quả thì mở ra đi, sắp tắt điện đi ngủ rồi.
Bấy giờ nó mới uể oải đưa cái thư của nó cho chàng, nói tỉnh queo:
-Anh coi giùm em đi!
Tuấn trợn mắt nhìn nó hồi lâu, thấy hình như Đạt đang run. Tội nghiệp thằng em không dám đối diện sự thật nhưng Tuấn cũng không muốn nhận công việc này vì cũng sợ mang tiếng xui nhỡ nó bị đá thật thì sao nên lắc đầu quầy quậy:
-Thôi, kết quả của mày thì mày xem đi!
Nhưng thằng nhỏ vẫn nhất mực nài ép, nhét cái thư vô tay chàng. Vạn bất đắc dĩ, Tuấn cầm lấy và mở ra. Dưới mắt chàng là một cái thư khá dài với đại ý “Đây là một chuyến hành trình vượt biển đầy hãi hùng với nhiều thảm cảnh đói khát mà giống như mọi chiếc tàu khác đã mắc nạn khi đụng phải phải phong ba bão táp và một người đã hy sinh. Trước mắt tôi là một người thanh niên như là một “hero” vì anh ta đã sử dụng buồm để lèo lái con thuyền suốt mười mấy ngày lênh đênh trên biển cả, khi ghe chết máy để tự cứu anh và 62 người còn lại, theo lời tường thuật của anh ta.
Mặc dù cô ta khen Đạt nức nở nhưng đoạn kế tiếp đã khiến chàng vô cùng bất ngờ, chưng hửng khi đọc tới chỗ “tuy nhiên câu chuyện này cho tôi một cái cảm giác đây không phải là sự thật! Và lời khai của anh ta không có các yếu tố để hội đủ một trong những điều khoản về quyền tị nạn mà Công Ước Quốc Tế Về Người Tị Nạn năm 1951 đã minh định!” Do đó tôi quyết định “Denied” trường hợp này!
Đúng là tâm địa tưởng chừng như ngọt ngào nhưng lại nguy hiểm chết người của trí thức lưu manh.
Thằng em thấy Tuấn ngồi đọc lâu quá mà không nói gì thì nó cũng đã đoán được kết quả ra sao, nhưng cũng rụt rè hỏi:
-“Rớt” rồi hả anh?
Tuấn ngó Đạt, im lặng gật đầu và đưa trả lại bức thư. Thằng nhỏ đón lấy xếp đôi lại và nhét vào túi quần đứng dậy, mặt mày ảo não, buồn thiu:
-Thôi, em về anh!
Tuấn tiễn nó ra cửa không nói gì thêm nhưng chàng có thể cảm nhận được cả cái nỗi đau của nó lúc ấy vì chàng đã từng kinh qua.
Khi Đạt vừa quay lưng dợm bước đi thì điện bỗng tắt phụt. Một màn đêm rơi xuống bao trùm lấy phận người bất hạnh!
-Oh! “Brown out” rồi! Nó buột miệng thốt rồi bước thoăn thoắt ra ngoài, thoáng cái đã mất tăm.
Cái “idiom” nó vừa nói làm Tuấn nhớ đến Kerry ở trên phòng IOM hồi trước. Bởi có một buổi sáng, lúc nàng vừa bước vô thì thấy văn phòng tối thui, cả đám nhân viên Phi và thiện nguyện viên Việt Nam ngồi lù lù một đống làm cô nàng hết hồn, hỏi gấp:
-What happened?
-Brown out!
Mélanie, cô nhân viên thư ký người Phi, dễ thương của phòng trả lời xong thì cười ré lên vì chẳng có điện nên không thể làm gì được. Còn Kerry thì lò dò đi đến cái bàn của mình, bỏ ba lô xuống đất trước khi ngồi lên ghế. Trong khi anh tài xế Robert đang lăng xăng đi đốt đèn bão. Khoảng chừng nửa giờ đồng hồ sau thì đèn đốm bỗng bật sáng choang lên giữa tiếng reo hò mừng rỡ của mọi người, Kerry nghiêng người nói nhỏ vào tai Tuấn:
-In my country, they say “black out!”
Nghe Kerry giải thích vậy, Tuấn thấy tiếng Anh đúng là phức tạp và thay đổi theo từng dân tộc hay vùng miền dù ý nghĩa như nhau. Tưởng dễ mà hóa ra lại khó!
Riêng cái chuyện nhận kháng cáo kia thì có nhiều ý kiến khác nhau như anh Trần Tiến Bắc chẳng hạn. Anh nhất quyết không đi nhận kết quả dù Cao Ủy đã gọi anh nhiều lần. Anh lập luận với Tuấn rằng anh biết chắc chắn hồ sơ kháng cáo của anh không thể đậu được nên nếu anh đi lãnh kháng cáo là anh chấp nhận kết quả. Mà khi rớt kháng cáo thì theo nguyên tắc của CPA là phải hồi hương!
Trong trường hợp mình không tự nguyện hồi hương mà cứ ở lì thế này tức là mình đã trở thành di dân bất hợp pháp và chính phủ Phi có quyền cưỡng bức để trục xuất mình do đó anh không lấy kết quả kháng cáo để biện minh vì anh chưa ký nhận nên gia đình anh có quyền được ở lại đây. Anh cho rằng đó là một lập luận hay, chính đáng và hợp pháp!
Nhưng rồi Cao Ủy cũng đâu chịu thua những người nhiều lý lẽ như anh nên cuối cùng họ vẫn cho nhân viên OIC mang thư có kết quả kháng cáo của anh tới quăng đại vô nhà anh bất chấp anh có đồng ý nhận và ký hay không? Trước tình hình ấy thì mọi người dự đoán ngày cưỡng bức hồi hương chắc cũng không con xa.
(còn tiếp)
“Tình xưa rực nắng thu vàng” của tác giả Triều Phong được đăng nhiều kỳ trên SGN mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.