Tình xưa rực nắng thu vàng (8)

Không lâu sau, trước sự cấp thiết của tình trạng kháng cáo về nỗi nguy cơ bị đuổi về nước của thuyền nhân rớt thanh lọc, hai tổ chức BPSOS và LAVAS đã vội vã thành lập nhóm phụ trách kháng cáo gồm các luật sư ngoại quốc cũng như Việt Nam và nhiều anh chị em thiện nguyện trẻ sang Phi, mở văn phòng gần trại PFAC để lo về pháp lý giúp cho đồng bào. Rồi tiếp nối công việc này còn có thêm phái đoàn JRS (The Jesuit for Refugees Services) nghe nói do Cha T. vận động. Nhờ đó mà người lánh cư bớt gặp trở ngại trong thủ tục làm đơn kháng cáo, xin cứu xét tình trạng tị nạn. Lúc này thuyền nhân như kẻ đắm tàu, ngoi ngóp trên biển cả nắm níu bất cứ thứ gì mà thiên hạ quăng xuống cho để có thể nổi được, đừng bị chìm trong hy vọng sống còn!

Và để giết bớt thời gian nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi vô tích sự, Tuấn đã đi theo chú Mạnh làm thiện nguyện cho Hội Đồng Trung Tâm. Vẽ các tấm bảng hiệu; tri ân chính phủ và nhân dân Phi Luật Tân đã cho người Việt Nam tị nạn tá túc, để Hội Đồng cắm quanh trại, cũng như kẻ chữ, làm phông cho sân khấu trong những dịp lễ lạc cổ truyền…

Sáng sớm ngày 15 tháng 06 năm 1991, Tuấn theo chú Mạnh họa sĩ ra quán Hân “chùa” uống cà phê như thường lệ. Nhưng bầu trời hôm nay có vẻ u ám và đùn đục như sắp mưa. Trên đường đi hai người cảm thấy có điều gì khác lạ ở cánh tay trần. Chú Mạnh nhìn kỹ xuống, thấy các hạt nhỏ li ti, mềm và ươn ướt từ đâu rơi xuống. Chú lấy ngón tay trỏ chùi, thấy nhơn nhớt giống như tro. Ngẩng mặt ngó lên trời, cả hai thấy vô số bụi ở trên cao đang bay lơ lửng trong không trung.

Tại quán, những người tới trước cũng đang hấp tấp bỏ bàn ghế, bưng ly cà phê uống dang dở chạy vào núp trong hiên nhà, bàn tán lao xao trước hiện tượng kỳ lạ này. Khoảng gần một tiếng đồng hồ sau, người ta thấy mái nhà và cỏ cây bắt đầu trắng xám do bị tro bụi phủ.

Bỗng từ nơi Hang Đá Đức Mẹ, nhiều bà mẹ cùng với con nhỏ diện trang phục đẹp đẽ, mặc áo dạ, dày của mùa lạnh từ các khu đổ về nhà thờ, chùa chiền để chụp hình vì cảnh đẹp như mùa đông lúc ấy mà cả đời họ chưa bao giờ được thấy để làm kỷ niệm hay gửi về cho gia đình ở Việt Nam.

Hang Đá Đức Mẹ Maria ở trại. (Hình: V.A.T)

Thế là mấy bác “phó nhòm” nhà ta trúng mánh, mang máy ảnh nhào ra chụp cho bà con kiếm tiền. Rồi giữa lúc thiên hạ cười nói, la ó, mấy ông thợ ảnh đang lo hướng dẫn cách đứng ngồi, tạo dáng cho người muốn chụp hình thì mấy bà Sơ của CADP hớt hơ, hớt hải xuất hiện, chạy lăng xăng khắp nơi đốc thúc mọi người mau về nhà bởi đây là tro bụi của ngọn núi lửa Pinatubo ở Zambales, phía bắc của bán đảo Luzon gần thủ đô Manila vừa phát nổ trở lại vào lúc 5 giờ sáng nay sau 600 năm yên nghỉ. Cùng lúc ấy, Ban Truyền Thông của trại cũng phát đi lệnh của văn phòng OIC, kêu gọi đồng bào còn đang đi trên đường trở về và ở yên trong nhà vì đây là thiên tai của núi lửa. Tro bụi do núi lửa phun ra rất độc hại cho hệ hô hấp của con người, hiện nó đang bay ở trên không trung, theo không khí di chuyển khắp nơi và đã tới Palawan!

Chẳng mấy chốc trại tị nạn đã xám trắng, chìm ngập trong tro bụi của núi lửa Pinatubo! Hậu quả do núi lửa phun khiến thời tiết thay đổi và tạo nên nhiều cơn mưa. Mưa như trút rồi mưa rả rích rơi suốt cả tuần lễ liền khiến đường sá trở nên lầy lội, ngập ngụa rác rến. Quang cảnh dơ dáy, cảnh vật tiêu điều, thời tiết ảm đạm ở trại lúc đó mà đôi khi Tuấn mở hé cửa sổ nhìn ra đường làm chàng chạnh lòng tủi thân tự hỏi “người buồn cảnh có vui đâu hay tại vì cảnh sầu tạo cho người buồn thi nhân ơi?”

Suốt gần cả tháng sau, dân chúng ở PFAC đã phải sống trong đói, khát và thiếu thốn mọi bề vì một số sông ngòi đã cạn bởi tro bụi. Phần khác, phi đạo của phi trường Puerto Princesa trơn trượt do tro và mưa tạo thành khiến máy bay không thể lên xuống được. Phương tiện giao thông đường bộ cũng bế tắc tương tự như đường thủy, đường hàng không. Căn cứ không quân Clark Air Force Base khổng lồ của Mỹ ở thành phố Angeles tại đảo Luzon cũng bị sập!

Chứng nhận của OIC trong việc tham gia dọn tro bụi của núi lửa Pinatubo trên phi đạo (Hình: tác giả cung cấp)

Đứng trước thảm họa này, Tuấn mới cảm nhận được nỗi cay đắng của kẻ lưu vong vô tổ quốc (stateless) bởi khi ấy chính phủ bản xứ phải lo cho dân mình, còn những chính phủ khác thì tìm cách bảo vệ và di tản công dân nước họ đang du lịch hay sinh sống và bị kẹt trong thiên tai. Riêng đám thuyền nhân bị rớt thanh lọc thì không biết thuộc về ai nên chẳng ai ngó ngàng tới khiến cuộc sống vô cùng thê thảm. Có những ngày Tuấn phải cùng trai tráng ở Khu 1 và Khu 2 đi hái dừa về ăn và san sẻ cho đàn bà, trẻ em xung quanh đến độ đã bị dân chúng Phi vác mã tấu rượt chạy có cờ vì bị cho là “trộm dừa!”

Những ngày kế tiếp, theo yêu cầu kêu gọi thanh niên phụ giúp binh sĩ bên Bộ Tư Lệnh Miền Tây quét dọn tro bụi trên phi đạo. Tuấn đã cùng nhiều người tham gia làm sạch sẽ phi đạo cho máy bay hạ cánh, phi trường hoạt động trở lại bình thường như tinh thần tương thân tương trợ của người đồng cảnh hơn là sự hợp tác giữa người của hai quốc gia. Hành động này cũng tạo được thiện cảm tốt nơi Cao Ủy và quân đội Phi đối với người Việt lánh cư!

Theo thống kê sau này, sự phun trào của Pinatubo đã giết hơn 800 thường dân sống quanh vùng và tàn phá nặng nề môi trường địa lý, kinh tế của Philippines, gây khó khăn cho đời sống dân chúng ở khu vực này suốt mấy năm sau và kéo dài cho tới tận hôm nay. Hiện tượng kỳ lạ tưởng là vui vẻ kia ai ngờ cuối cùng lại là tai ương vô cùng to lớn thứ 2 trong Thế Kỷ 20 của nhân loại, nó không chỉ ảnh hưởng đến nước Phi mà còn ảnh hưởng tới hệ sinh thái của cả thế giới, đặc biệt là mấy nước trong vùng Châu Á như Việt Nam, Malaysia, Cambodia, Indonésia…

Thời gian này có thể nói Cha N.T. T. cũng đã hòa mình vào nỗi đau chung của người lánh cư, nỗi buồn thân phận của kẻ bị từ chối quyền tị nạn, bởi ở đâu đó có lần Tuấn đã đọc được tâm sự của Cha qua một bài viết mà trong ấy Cha nói rằng sống nơi đây lâu, dần dà Cha cũng đã quên cả tháng ngày! Thế nên bất cứ lúc nào Cha thấy trước cổng Chùa Vạn Đức có trương tấm bảng “Hôm nay chùa có bán cơm chay” do Gia Đình Phật Tử Quảng Đức nấu bán gây quỹ cho hội thì Cha lại biết đến ngày tháng vì mỗi khi từ Staff House; chỗ Cha ở tới nhà Chúa, phải đi ngang qua nhà Chùa chỉ cách đấy vài chục bước chân nên có một lần Cha đã dí dỏm trong bài viết của mình rằng “nhà Chúa ở cạnh nhà Chùa!”

Cứ vậy mà thu đi, đông đến và bây giờ xuân lại sắp về. Trưa một hôm trong khi Tuấn đang ngồi dưới nhà nói chuyện vớ vẩn với chị Năm thì bất chợt có hai thằng thiếu niên Phi tuổi trạc chừng 12 hay 13 gì thôi, xuất hiện ngay cửa. Trên tay chúng mang lủng lẳng một con tắc kè bị trói chân và giơ giơ lên trước mặt hai người, hàm ý hỏi mua không, làm chị Năm hốt hoảng đứng bật dậy lùi sát vào vách nhà la toáng:

-Á, trời ơi. Ghê quá!

Tuấn cũng đứng lên, bước lại gần nhìn con tắc kè xanh, đỏ, lớn bằng ngón chân cái đang giương cặp mắt to đen, sáng long lanh, nhìn mọi người đoạn quẩy mạnh, vô vọng trong khoảng không, rồi lắc đầu bảo không mua. Ngay lúc đó chú Hùng, cựu đại úy VNCH, vừa đi phố về tới nhà thấy vậy liền hỏi:

-How much, my friend?

-Twenty pesos.

-Very expensive, ten only!

Thằng nhỏ lắc đầu, ngần ngừ một chút rồi tiếp:

-Ok, fifteen!

Nói xong, nó giơ tay đưa con tắc kè về phía chú Hùng. Nhìn con vật đáng thương lơ lửng trong không trung giây lâu chú móc túi lấy 15 pesos trao cho thằng nhóc và nhìn Tuấn với chị Năm cười cười giải thích.

-Mua làm rượu tắc kè uống chơi. Bổ lắm đó!

Chiều hôm đó, chú Hùng giết con tắc kè, mổ bụng rút ruột quăng đi và mang lên nóc nhà phơi vài nắng. Lúc nó đã thiệt khô rồi chú mang xuống rửa sạch sẽ đoạn mua hai chai rượu đế trắng có in hình một con “ác quỷ,” tức một loại Gin có tới 40 nồng độ cồn để ngâm con tắc kè này. Thỉnh thoảng thấy Tuấn đi ngang phòng, chú Hùng ngoắc lại chỉ hũ rượu ấy và giơ ngón tay cái ngầm bảo là “number one!”

Nhìn con tắc kè bất động nằm lơ lửng, trong cái hũ to, lặng lờ giơ móng vuốt Tuấn thấy tâm áy náy, bất nhẫn. Rồi chàng chợt bùi ngùi, cảm khái khi so sánh tới phận mình bây giờ cũng giống y chang con vật bất hạnh này. Tuấn ngó chú lắc đầu, đoạn bỏ đi!

Chỉ còn một hôm nữa là năm Canh Ngọ 1990 sẽ qua cho Tân Mùi 1991 bước tới. Đêm nay, đêm cuối cùng, đêm trừ tịch! Trong khi khắp trại tị nạn, người người cũng đang rộn ràng đón giao thừa, chùa và nhà thờ dường như cũng tất bật nấu bánh chưng, bánh tét theo truyền thống dân tộc thì tại nhiều nơi người ta cũng mang cả thùng phuy ra trước sân nhà nấu bánh cho gia đình mình nên trong ánh lửa cháy bập bùng ấy thì ở ngoài hiên trước nhà 14 Khu 1, trên bãi đất trống thật rộng, Tuấn cùng cả đám anh em trong nhà đang tề tựu, quây quần bên nhau ca hát với má con chị Năm đợi Tết đến, Xuân về!

Lễ dựng nêu ở Sân Khấu Trung Tam của trại PFAC. (Hình: Website Palawan)

Thằng Quang mở đầu bằng giai điệu Slow chậm buồn, than thở mùi mẫn qua tiếng guitar điêu luyện của Ninh khi hát “Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ, mây bay bao năm tưởng mình đã quên… em ơi bên kia có còn mắt buồn. Mười năm cách biệt một lần bỡ ngỡ…Cả một trời yêu bao giờ trở lại?….. Đành nhủ lòng thôi giã…. Mười năm cách biệt tình đành quên lãng… Mười năm cách biệt hình như em đã…Như anh hôm nay thấy lòng tiếc nhớ… Mười năm không gặp, mười năm nhớ thương!” của nhạc sĩ Trần Quảng Nam thì cả đám lúc ấy bắt đầu “hừng” vì đã uống hết chai rượu Club với mấy gói bánh phồng tôm nho nhỏ. Bấy giờ, thằng Lâm chợt đứng dậy chạy vô nhà lấy ra mấy cái xoong, nồi làm trống họa theo theo lời ca ngậm ngùi da diết kia!

Trước cái hoàn cảnh tha hương bấp bênh bởi con đường định cư gần như là bế tắc, tương lai mù mịt ấy thì dần dà người ta gom lại với nhau, tụm ba tụm bảy, tạo thành từng nhóm, tụ tập ăn ở như bầy, đàn, lấy bạn bè làm người thân, lấy đồng hương làm gia đình trong tháng ngày viễn xứ.

Cứ vậy mà người ta đùm bọc lẫn nhau, hôm nay đứa này nhận được thư “bảo đảm” mà trong đó thân nhân ở đệ tam quốc gia gửi cho năm mươi hay một trăm đô thì trích ra một ít tiền mua mắm muối, tiêu tỏi, đường đậu để dành cho cả nhà nấu ăn hoặc bữa khác thì thằng kia lại có vài trăm quan của anh chị bên Pháp gửi qua thế là “huy hoàng,” cả bọn cứ xúm xít lại… say đều đều thôi!

Trong lúc thằng Quang đang ca ngon trớn thì bỗng chị Năm nói chen vào:

-Ủa, chứ quạ, sao Tết mà không hát nhạc xuân gì hết vậy?

Nghe chị Năm nói thế, thằng Chương vội hát ngay:

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con… nay én bay đầy trước ngõ, mà tin con vẫn xa ngàn xa…ba ngày xuân đi khoe sớm giềng. Con biết bây giờ mẹ chờ em trông… bao lớp trai hùng chào xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm… mẹ thương con xin đợi ngày mai.”

Khi thằng Chương vừa chấm dứt bài “Xuân này con không về” do nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân sáng tác ngày xưa thì Bách cũng hụ hợ phụ họa với Ninh trong ngón đàn guitar điêu luận của mình tiếp ngay:

“Một vừng mây trắng, bay đi tìm nhau…trời mưa giăng lối áo em lệ rơi….vì mình xa nhau nên anh chưa biết xuân về đấy thôi… trời dào dạt sóng, gió reo mùa đông…vì mình xa nhau nên xuân vẫn mãi xa rời chốn nao, còn thương nhớ nhau, còn nặng u sầu muôn kiếp về sau…”

Cứ vậy mà cả bọn cứ uống và hát trong nỗi tha hương, thương cha nhớ mẹ ngút ngàn. Đêm càng khuya, trại vắng lặng dần!

Chẳng biết đến bao lâu, lúc tất cả đều đã ngà ngà say thì bỗng chú Hùng xuất hiện bên cạnh sau khi đi dự tiệc “tất niên” trên Hội Cựu Quân Nhân về. Thấy anh em vui quá, chú ghé lại và đề nghị:

-Chơi một bài Tango tết đi !

Mọi người dừng lại và nhất thời chưa thể nhớ nổi bản nhạc xuân nào có thể điệu Tango cả. Chợt Tuấn reo lên mừng rỡ và hát to:

“Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung, người yêu thoáng qua trong giấc mộng….trách ai đành tâm hững hờ…sống trong mộng đẹp ngày xuân. Ngây thơ dáng huyền…Hãy trả lời lòng em mấy câu…Mối tình đầu xuân ai thấu chăng…”

Và như quá phấn khích vì vui, chú Hùng đứng dậy khiêu vũ một mình. Nhìn bước chân chú nhảy tới nhảy lui vuông vức, nhịp nhàng theo tiếng đàn, cả đám vỗ tay rần rần. Chú nói to:

-Đây là Tango carré !

-Đúng là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa!

Thằng Bách thì thào vào tai Tuấn và thán phục vì Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa đào tạo một sĩ quan, bài bản có khác!

Trong niềm vui bất tận ấy, chú Hùng đi vô phòng mình mang hũ rượu tắc kè ra đãi mấy đứa nhỏ. Ngồi chơi thêm một hồi thì chú có vẻ thấm mệt vì “tuổi đã cao, sức bắt đầu yếu,” chú đứng dậy cáo từ đoạn vô ngủ trước. Tới gần sáng, lúc này chỉ còn lại đám đàn ông say mèm. Mặc dù tất cả đều đã thấm mệt nhưng thằng Quang còn rướn ca ráng “Mẹ ơi, hoa cúc hoa mai nở rồi. Giờ đây đời con vẫn còn lênh đênh…Ngày đi con hứa xuân sau sẽ về…” thì Ninh bỗng như chịu hết nổi nỗi đau khổ trong lòng liền đứng bật dậy vung cao cây đàn đập vào tảng đá lớn gần đó làm nó vỡ nát tan. Như chưa dứt niềm đau, nó tiện tay quơ cả xoong nồi và chộp luôn hũ rượu đã uống cạn ném vào tảng đá khiến chúng bể tan tành thành nhiều mảnh rồi ngồi thụp xuống khóc rống lên, than trách cho số phận không được đi định cư và đã ở lại đây hơn ba năm một cách thảm thiết khiến mọi người đang say bỗng sực tỉnh và ngơ ngác cả lên!

Thiệp Tết (Hình: Website Palawan

Thấy cuộc vui bỗng trở nên xấu đi, bọn chàng quyết định giải tán, dìu Ninh lên gác và đi ngủ!

Hôm sau, Tuấn thức giấc do những tiếng ai “léo nhéo” dưới nhà. Rồi thằng Thành; con trai lớn của chị Năm, thò đầu lên qua khỏi cửa cầu thang. Thấy Tuấn mở mắt, nó phóng lên, nhảy vô nằm giữa đám chàng, vừa cười khúc khích vừa nói:

-Bà má và Cô Trinh đang la kìa!

-La cái gì?

Thằng Thành chưa kịp trả lời thì tiếng của Trinh lại vang lên:

Mấy thằng quỷ kia đâu rồi? Trả nồi niêu cho tao nấu cơm chứ. Mẹ, mượn chơi đã rồi đập luôn bây giờ tao lấy cái gì nấu cho người ta ăn đây?

“See!”

Thằng Thành lấy tay chỉ xuống dưới nhà rồi làm như sợ sệt lắm, nó lôi tấm chăn của bọn chàng lên trùm kín cả đầu và cười nắc nẻ bên trong.

Bọn Tuấn lục tục kéo xuống, thằng Ninh đánh răng rửa mặt xong thì ra sân lượm mấy miếng xoong nồi bể mang tới Ban Xã Hội. Một đổi sau nó trở về với mấy cái mới tinh. Cười hả hê, Ninh đưa cho Trinh và chị Năm nói:

-Đây, đổi cái cũ lấy cái mới được chưa?

Chị Trinh đang đứng chàng hảng, tay xoa cái bụng bự “tổ bà chảng” sắp tới ngày sanh em bé của mình, nguýt nó một cái thật dài:

Mẹ, toàn ăn với phá hoại thì giỏi!

Đất nước tự do mà! Lên Ban Xã Hội nói một tiếng là người ta đổi cho cái mới liền chớ có gì đâu mà bà la “um xùm.”

Quay qua bọn Tuấn nó giãi bày thêm:

-Mình nói mấy ông trên đó là mình làm rớt, mấy thằng chả cầm mấy miếng vỡ mình mang lên lật qua lật lại, ngó tới ngó lui một chặp rồi phán “mày đập chứ làm gì mà rớt lại bể như thế này?”

-Ủa, Tết mà Ban Xã Hội cũng làm việc hả anh? Thằng Quang ngơ ngác hỏi.

-Tết gì? Tao xuống nhà thằng Kiệt trong Ban Xã Hội ở Khu 6, lôi nó lên mở cửa để đổi ấy chứ?

Đoạn như khoái trá với cái chuyện “lừa dối” này nó dậm chân mấy cái xuống nền xi măng cười rú lên. Nhìn cử chỉ bất bình thường ấy của Ninh, chàng nghĩ bụng “dân PA trước sau gì cũng được định cư thế mà ở đây mới hơn có ba năm đã khùng thế thì không biết ở lâu nữa thì sẽ ra sao đây?”

Chiều tới, chú Hùng ra ngoài tìm, lượm con tắc kè nằm trong bụi cỏ gần đó và khều Tuấn lại khi chàng đi ngang, nói giọng buồn buồn:

-Chú thấy tụi mày vui, tao mang rượu ra cho uống. Uống hết thì trả lại hũ để tao mua rượu ngâm tiếp chứ sao lại đập cả hũ của tao?

-Xin lỗi chú, chắc lúc ấy anh em ca hát quá làm thằng Ninh chạnh lòng nhớ nhà mà không thể về được do tình cảnh bấp bênh hiện nay của nó mà làm bậy như vậy. Thôi chú đừng buồn tụi con nghe!

-Hồi đó thế hệ của chú vì tự do của đất nước mà phải bảo vệ nhưng cuối cùng phải đành chịu tù đày khổ sở. Tụi bây bây giờ cũng vậy, cũng khổ vì tự do nên chú rất thương và biết tâm trạng của tụi bây, nhưng phải đấu tranh hay làm sao ấy chứ đập lu đập hũ thế này thì cũng đâu thể thay đổi được số phận đâu?

Sau này khi chú Hùng đậu thanh lọc và được đi Mỹ định cư lâu rồi, vì nhờ vào lý lịch là đại úy VNCH, sĩ quan tình báo tỉnh Định Tường, bị tù cải tạo hơn mười năm, nhưng những lời ấy của chú ngày đó như vẫn còn văng vẳng bên tai Tuấn.

Bấy giờ, Cao Ủy tị nạn bắt đầu đưa những lứa được công nhận tị nạn chính trị đầu tiên lên trại PRPC (The Philippine Refugee Processing Center) gần Morong, Bataan để học văn hóa, cuộc sống văn minh xứ người và chờ đi định cư ở đệ tam quốc gia, bỏ lại những người bị “đá” từng cùng thuyền, cùng ghe, cùng cảnh ngộ, cùng chịu đựng phong ba bão táp, đói khát, cùng chung vai đấu cật chống lại hải tặc Thái Lan trên biển cả ngày nào, cùng ăn ngủ vật vờ, chia sẻ từng miếng cơm miếng nước, cùng nằm chen chúc trên những tấm cạc tông rách bươm trong đêm hôm giá lạnh nơi hành lang trước sân Cao Ủy của các tháng ngày đầu tiên đặt chân lên bến bờ tự do, trong đớn đau của biêt ly, trong  nghẹn ngào của nước mắt ướt đẫm bờ môi, trong những nụ cười méo mó, hí trường nghiệt ngã do Tạo Hóa gây nên!

“Gió đưa cây cải về Trời,

rau răm ở lại chịu đời đắng cay!”

Trong cái hoàn cảnh chua chát không diễn tả được bằng lời ấy, nhà Tuấn đón nhận một số người mới chuyển vào ở do mấy đứa em ở cùng đưa bạn bè của chúng về vì nhà cửa lúc này bắt đầu thưa dần, chỗ ở thoải mái hơn.

Cái đám thanh niên mới tới này là một đám rất thích nghe nhạc Rock cực mạnh. Chúng có thể ngồi đồng suốt cả buổi sáng ở mấy quán cà phê để nghe “Metallica!” Chúng uống bia suốt ngày khi có tiền rồi đi “quậy” khắp trại. Chúng vào ra “Monkey House” như ăn cơm bữa nhưng chúng lại rất nể và mến mộ Tuấn vì thời gian này chàng cũng đã viết khá nhiều truyện ngắn cho tạp chí Xây Dựng, cho báo Người Việt ở Hoa Kỳ… và hầu như tuần nào chàng cũng lãnh bưu phẩm bảo đảm ngoại quốc làm cho thiên hạ tưởng chàng rất giàu có nhưng nào có ai biết kỳ thực Tuấn chỉ nhận toàn báo giấy và đói “rã ruột” mà thôi.

Một hôm, trong cái nắng gắt của buổi trưa hè oi ả. Vừa đẩy cửa bước vô nhà là Tuấn đã nghe tiếng nói chuyện, tiếng la lối om sòm của mấy thằng em trên gác Cao Ủy. Ngó lên, chàng thấy mười mấy thằng ở trần trùng trục, đang ngồi vây quanh một cái xô nước đá, chứa bia cùng chén muỗng với ly tách đầy nhóc. Bọn chúng đang nhậu và bàn tán sôi nổi mọi thứ  ở đây.

Thấy bóng chàng là bọn chúng mừng rỡ, lôi kéo Tuấn nhập cuộc. Biết là không thể từ chối được, chàng đành ngồi vào nhưng thường thì chỉ sau vài ba “tours” là Tuấn tìm cách cáo từ viện bận cớ phải đi học nên rút lui vì không muốn mất quá nhiều thời gian ở mấy cuộc vui thế này. Bữa nay cũng thế, lâu dần anh em cũng biết tính chàng nên chẳng ai o ép, kéo níu nữa!

Tuy nhiên, chiều đi học về Tuấn thấy buổi ăn nhậu vẫn chưa tàn và có mòi thêm phần náo nhiệt hơn. Lần này bọn chúng nhậu đến khuya, khi trại đã cúp điện rồi và Tuấn đã đi ngủ mà bọn chúng vẫn còn chong đèn dầu uống tiếp và dường như đang cãi vã, tra hỏi gì đó vì tiếng đấu khẩu càng lúc càng to dần.

Từ bên căn gác tư nhân mà chú cháu thằng Lâm để lại cho, khi những người PA cuối cùng được Cao Ủy chuyển đi Bataan, Tuấn ngó qua cái lỗ rách nhỏ của tấm màn che, dưới ánh đèn loe loét chàng bỗng giật mình vì thấy thằng Tánh đang quỳ, cạnh nó là thằng Dụng (nám), và Hiền (bạch tuộc) đang cầm con dao nhọn, cán vàng, dài ngoằng, sáng hoắc của Warehouse thường phát cho đồng bào, nhịp nhịp lên tấm nhựa, trải làm tấm lót nằm. Tiếng thằng Dụng gằn mạnh:

-Đ. m. tao cho mày nói lại lần nữa đó. Bữa đó mày không nói thì sao tụi nó biết?

-Tao đi ngang thì đám thằng Thuận (bờm) đang nhậu trong nhà thấy nên gọi tao vào chơi chớ tao đâu có tự động đến…

Tánh chưa dứt câu thì thằng Hiền (bạch tuộc) đã cầm con dao chặt một phát khá mạnh lên đầu nó làm thằng nhỏ ôm đầu nín bặt. Hiền rít qua kẽ răng, dưới ánh đèn dầu leo lét Tuấn thấy cặp mắt nó long lên, đầy hung dữ trông rất dễ sợ.

-Đ. m. mày nói cho đàng hoàng nghe mậy. Tụi tao đâu phải là con nít mà mày lừa tụi tao!

Qua các kẽ tay đang ôm lấy đầu của mình, một dòng máu rỉ ra, chảy dần xuống má, xuống môi thằng Tánh. Nó van xin:

-Tao nói thật, tụi mày tha cho tao đi! Tao đâu có bán đứng anh em bao giờ đâu!

Lời rên rỉ chưa dứt, thằng Tánh đột ngột xoay mình và nhanh như sóc, nó đứng bật dậy bay qua cửa sổ, rớt xuống giàn mướp của chú Hùng đang trồng phía ngoài tạo nên một tiếng ầm khá lớn. Trên gác thằng Dụng (nám) và Hiền (bạch tuộc) cũng hô hoán và phóng theo, không quên cầm theo con dao sáng loáng.

Tiếng chân chạy rầm rập bên hè về hướng Khu 2, thoáng cái đã mất hút, trả lại bóng tối cho đêm dài như chưa có chuyện gì xảy ra. Giữa lúc Tuấn còn bàng hoàng thì độ chừng mười phút sau có tiếng người nói lao xao bên ngoài của anh Sạn “lé,” nhân viên Ban An Ninh.

-Không phải nhà này. Nhà kế bên nè, nhà của tụi thằng Dụng (nám) ở đó. Chứ nhà này toàn đàn bà con gái không hà.

Nghe vậy Tuấn nhè nhẹ nằm xuống giả vờ ngủ. Rồi có tiếng người đẩy cửa bước vào hô to:

-Có ai trong nhà không?

Tuấn nằm im không trả lời. Mấy người nhân viên an ninh thấy trên gác Cao Ủy có ánh đèn leo lét, liền trèo lên, rọi đèn Pin quan sát. Nhìn chén bát văng tứ tung một lát, đoạn giọng ai đó hốt hoảng la lớn:

-Có mấy vũng máu ở đây nè. Chưa khô hẳn! Vậy là mới có đánh nhau ở đây. Nhanh, nhanh lên anh em không thôi tụi nó trốn mất!

Dứt lời họ trèo xuống, chạy ra bên hông cửa sổ tìm tòi thêm một lúc nữa rồi kéo nhau đi mất.

Dù cuộc sống ở trại tị nạn hỗn tạp là vậy nhưng Tuấn vẫn ở chung với đám anh em tứ xứ nhà chàng một cách bình an bởi gần sáu năm trong trại cải tạo bên Việt Nam đã dạy chàng cách sống thế nào cho yên thân trong môi trường tập thể đầy phức tạp, nhiêu khê như ông bà xưa có nói “khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống!” Phần họ, tuy là dân giang hồ nhưng cũng vô cùng khẳng khái, nghĩa khí nếu mình biết điều với chúng!

Thiệp Tết Nguyên Đán do chú Mạnh họa sĩ vẽ. (Hình: tác giả cung cấp)

Thời gian này tình trạng bị “đá” tràn lan. Tin đồn nhỏ, to, về chuyện hối lộ, tống tiền, tống tình của nhân viên di trú sở tại ngày càng nhiều. Trước viễn ảnh đen tối ấy, người ta bắt đầu liên lạc kêu gọi người thân ở nước ngoài, thậm chí những người có gia đình khá giả ở bên nhà, gửi tiền sang để đút lót, chạy chọt thanh lọc, kháng cáo, tìm đường định cư!

Do đó mà một hôm thằng Hưng (hí) nhà chàng nhận được $2,000 của anh nó gửi từ Mỹ qua theo sự xin xỏ của nó. Nhưng thay vì lo tìm đường “binh” thì nó lại ra phố mua “hàng trắng” về hút!

Bọn chúng tụ năm, tụ bảy trên căn gác Cao Ủy nhà Tuấn mở đại tiệc ăn nhậu. Chúng mở nhạc inh ỏi, cà phê thuốc lá ngày đêm và hít suốt cả tuần lễ. Nhiều hôm tụi nó mời mọc, thậm chí muốn ép chàng “chơi” với chúng. Có lần thằng Hưng tỉ tê với chàng:

-Thử đi anh! Anh thử coi, trời ơi đã lắm anh ơi! Anh phê xong là anh sẽ thấy bầu trời với nhiều đám mây ngũ sắc, có màu tuyệt đẹp luôn á. Anh sẽ nghe như tiếng nhạc nó ra từ từng chân tóc anh luôn á. Anh sẽ thấy đàn bà, con gái thật là tuyệt trần, không mặc quần áo luôn á anh. Thử một phát đi anh!

Như mời gọi chưa đủ nó còn nói thêm:

-À, anh mà phê rồi em bảo đảm là anh sẽ còn viết hay hơn nữa ấy!

Thế rồi, một đêm thật khuya sau một ngày say thuốc, trong khi cả nhà đang ngủ thì Hưng (hí) bỗng ngồi bật dậy và nhảy qua cửa sổ rơi xuống đất. Gãy tay!

Sau sự việc này Cao Ủy tị nạn đánh hơi được chuyện hối lộ, nên ra lệnh cấm người lánh cư nhận check hơn $1000 từ thân nhân. Tuy nhiên giới hạn này cũng vẫn không ngăn được nạn tống tiền trong thời “thanh lọc” nọ!

(còn tiếp)

“Tình xưa rực nắng thu vàng” của tác giả Triều Phong được đăng nhiều kỳ trên SGN mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: