Hình như mùa Đông bước qua cửa nhà tôi… Trời trở lạnh rồi, sương mù làm ẩm cả khí trời. Những đôi uyên ương tìm nhau, sưởi ấm cho nhau bằng tình yêu của họ. Tôi bước vô quán ăn quen thuộc, gọi một tô bún nước trong và tìm cho mình một chỗ ngồi sát vách. Tôi thích nhìn mọi người từ góc nhìn này.
Ngồi đối diện trước mặt tôi, một đôi chừng ngoài bốn mươi tuổi. Hai tô bún bốc khói được bưng ra. Nhìn cách anh nêm nếm tô bún cho chị rồi lấy đũa muỗng nói khẽ: “Ăn đi em”. Thái độ của anh như là một thói quen yêu thương… Chị ấy đang lơ mơ suy nghĩ chuyện gì đó… Tôi thấy tiếc cho chị!
Tô bún của tôi được bưng ra bốc khói. Đói bụng rồi. Bún ở đây nêm nhẹ, vị rất dễ ăn… Hai người khách mới bước vô quán, người đàn ông tay cầm thêm hai ổ bánh mì không. Họ đã gọi món. Chị lấy đũa muỗng, còn anh lặt những cọng rau thơm. “Bún tới rồi” – tiếng cô bán hàng đon đả… Chị kề cái tô sát tô anh gắp bớt hai đũa bún và miếng thịt rồi lên tiếng: “Anh ăn thêm.” Người đàn ông quay sang: “Gì vậy? Cố ăn đi, có vậy cũng sớt!” Nói rồi, gắp lại cho chị hai miếng thịt. “Ăn đi!” Anh nói cộc lốc.
Tôi quay đi giấu nụ cười. Đằng sau sự kiệm lời đó, là một tâm hồn ấm áp yêu thương. Tôi thấy niềm vui trong mắt chị… Nhìn họ ăn loáng cái đã hết sạch hai tô bún và hai ổ bánh mì lòng lại thấy vui vui. Nhìn lại tô bún của mình chừng đã nguội. Tôi ăn chậm, một mình không vội vã. Thói quen quan sát chung quanh với những suy nghĩ mông lung như ăn vào trong máu. Hồi nhỏ hay bị mẹ la “Cái tật cà kê…” Đi đâu là dặn cho mau mà về. Cái tật đó theo tôi tới tận bây giờ không bỏ được.
Hai khách mới là một cặp thanh niên, vừa ngồi xuống cô gái đã bấm điện thoại, chàng trai gọi món. Cô gái cười tươi khoe hình mới chụp hôm qua. Chàng trai với tay lấy túi xách cô gái đang mang đặt xuống ghế, thế rồi mạnh ai nấy ăn ngon lành. Một thỏa thuận ngầm “Không ai chiều ai đâu nhé!”
Những hình ảnh thật đẹp…!
Tình yêu có đủ sắc màu. Tình yêu không cân đo đong đếm sòng phẳng. Họ đồng điệu trong yêu thương, hay chỉ cần được bên cạnh chăm sóc người mình yêu, không đòi hỏi sự đáp trả hay náo nhiệt như cặp thanh niên kia, dám yêu dám hận. Có một loại tình yêu không chiếm hữu, thuộc về… Họ chỉ dõi mắt theo, cầu bình an, hạnh phúc cho người ấy. Mỗi người có cách thể hiện tình yêu khác nhau… Chỉ mong đó là chân tình.
Ký ức dẫn tôi về chốn cũ… Quê tôi hồi còn chiến tranh… Bỏ nhà cửa, ba mẹ chỉ gom vội một ít quần áo và đếm con mình bao nhiêu đứa đủ chưa. Thế là theo đoàn xe vào lánh nạn ở Huế. Sống tập trung nơi một trường nội trú, mấy gia đình ở chung phòng. Mỗi gia đình một chiếc chiếu, ngày để ngồi, tối nằm sắp lớp ngủ. Sát cạnh nhà tôi có nhà ông Bọ, mọi người quen gọi là ông Bẹo vì hay nhéo má trẻ con. Gia đình tôi có tám người con. Hai trai, sáu gái, ba mẹ nữa là mười người. Gia đình ông ấy… Trong trí nhớ của tôi không chính xác bao nhiêu người, chỉ biết toàn con trai tối nằm chật một chiếc chiếu. Hai gia đình nằm đối đầu nhau.
Sớm mai chúng tôi được ăn bánh mì với sữa. Ăn sáng xong chỉ được chơi loanh quanh trong khuôn viên trường. Hồi đó còn nhỏ nhưng tôi thích đi một mình hết chỗ này đến nơi kia chỉ để nhìn, trên tay luôn cầm theo bộ banh đũa. Bên gia đình ông Bọ có một anh chắc hơn tôi mấy lớp, ngày nào tôi cũng thấy anh mang theo sách để học cho dù là đang mùa hè. Anh ấy cũng thích đi lang thang và chúng tôi chơi với nhau hết banh đũa, đến tung năm hòn đá rồi giữ lại một hòn và cứ thế nhặt bốn hòn còn lại, vui cười hồn nhiên…
Chúng tôi những đứa trẻ vô tư không biết chuyện gì xảy ra. Không biết ba mẹ lo lắng như thế nào… Chỉ cảm thấy một nỗi sợ vô hình khi chiều xuống gia đình nào cũng đi tìm con, xem còn mất thế nào. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của người lớn “Thời buổi chiến tranh, tên bay đạn lạc…”
Một buổi sáng, như mọi ngày tôi lại lang thang với banh đũa trước sân trường. Nhìn dáo dác không thấy người bạn chơi chung ở cạnh nhà đâu, bèn lân la tới chỗ đông người tập trung mua bán. Những người dân địa phương sáng nào cũng bày hàng quà bánh bán trong chốc lát… Trước mặt tôi một gánh cơm hến người bu quanh, lớp ăn, lớp mua đem đi. Mùi thức ăn thơm lừng bay vào mũi, cảm giác lạ lẫm với cảnh mua bán và ăn ngoài đường, khiến tôi ngây người đứng nhìn.
Chợt ai đó vỗ vào vai mình, ngước lên, thì ra anh ấy… Anh nắm tay kéo tôi ra xa, nét mặt nghiêm túc: “Sao nhìn miệng người ta ăn, như vậy xấu lắm.” Tôi, cô bé đang lớn đã biết mắc cỡ, ú ớ không biết trả lời sao! Cảm thấy giận vì anh ấy nghĩ mình xấu, thực ra chỉ nhìn vì thấy lạ… Tôi ngoe nguẩy bỏ đi mặc cho anh ấy gọi vói theo, và thế vì mắc cỡ mà tôi nghĩ chơi. Sáng ra anh cố làm trò, bắt chuyện nhưng tôi vẫn làm lơ bỏ đi một mạch. Một hai ngày sau anh chỉ nhìn tôi từ xa, còn tôi vờ không thấy quay mặt hướng khác… Không có bạn chơi thật buồn, anh ấy cũng lang thang một mình với cuốn sách trên tay.
Ông Bọ từ hôm vô đến nay, cứ thấp thỏm vì bà còn mắc kẹt lại ở quê! Chẳng thấy ông ăn ngủ được bao nhiêu. Mấy ngày sau ông bịnh, nằm lặng lẽ… Chợt có tiếng người kêu vói vào:
– Có xe đưa người mới vô.
Cả phòng nhốn nháo. Ông Bọ bật dậy như cái lò xo. Tất cả rũ rượi tan mất, ông quay qua, quay lại, tay vớ hộp sữa đặc ông Thọ đã khui uống dở chừng, chạy vụt ra cửa, chân không kịp xỏ dép. Tôi chạy theo coi…
Ngoài sân tiếng gọi nhau í ới. Ông đã gặp lại bà. Họ ôm chầm lấy nhau. Một tay ông nắm tay bà, tay kia đưa hộp sữa lên miệng nói:
– Bà mút đi cho khỏe.
Bà lại đẩy hộp sữa qua miệng ông:
– Ông cũng mút đi.
Họ vừa khóc vừa cười… Một cô bé chớm lớn như tôi đứng không nhúc nhích, nhìn không thôi hình ảnh trước mắt…
Ngày đó còn nhỏ nên không biết được hai bàn tay nắm chặt khóc, cười. Cái lon sữa đưa qua đẩy lại và bên trong lồng ngực có hai trái tim già đập nhanh hơn một nhịp đó có tên gọi là tình yêu… Tôi chỉ biết trong tôi vỡ òa cảm xúc, để rồi không cầm được những giọt nước mắt mà lần đầu tôi cảm thấy mặn hơn…
Thời gian trú nạn cũng qua khi được thông báo tình hình quê nhà tạm ổn với chiến sự, gia đình tôi thu xếp về quê. Hai chiếc chiếu của hai gia đình vẫn chạm đầu nhau đêm ngủ. nhưng tôi và anh ấy vẫn chưa làm hòa… Ngày gia đình lên xe về quê, tôi đảo mắt tìm xem anh ấy ở đâu, nhưng không thấy. Từ đó chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau cho đến bây giờ. Mỗi khi nhớ lại những ngày còn thơ, trong tôi mang mang một nỗi buồn. Tôi biết mình sai, nhưng không có cơ hội để nói lời xin lỗi. Không biết bây giờ anh còn nhớ chuyện xưa không? Nếu còn nhớ, anh hãy biết rằng ngày xưa có một con bé khờ nợ anh một lời xin lỗi. Ở đâu đó trên cõi đời này cầu chúc anh an lành, hạnh phúc.
Tình yêu không có tuổi. Nó có thể làm chết đi hoặc hồi sinh một con người. Tình yêu là một món quà thượng đế ban tặng con người, như một lực đẩy ta tiến về phía trước cho dù gian truân… Có tình yêu nhân gian sẽ lấp lánh hơn, vạn vật xinh tươi hơn. Tôi nhớ tình yêu của mình…! Nó đã lạc mất từ lâu… Rất lâu… Chỉ để lại những vết đau trên con đường đi qua. Tuy vậy tôi vẫn tin vào sự mầu nhiệm của tình yêu. Chỉ có con người làm cho tình yêu biến dạng… Một cảm giác man mác vừa chạy qua tim, chợt nhớ hai câu thơ đã đọc từ rất lâu “Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn…” (Thơ Xuân Diệu).
Tình yêu là một phạm trù lớn không dừng lại ở tình yêu đôi lứa. Mỗi người có thể chọn lựa cách thể hiện và cho đi tình yêu của mình. Yêu và được yêu là niềm khát mong của mọi sinh vật trong trời đất. Hạt mầm vươn lên dưới nắng mai đó cũng là tình yêu. Mọi sự sống đều bắt đầu bằng tình yêu…! Hãy nuôi dưỡng tâm hồn với những yêu thương.