Tôi khá ngạc nhiên khi nhận được nhiều ý kiến của bạn bè với email vừa qua của tôi, trong đó tôi kể lể sơ sài về vài món quà của các con đã gửi cho tôi nhân dịp lễ Noel và Tết Dương lịch. Đại khái họ đồng cảm với tôi khi tôi kéo suy tưởng của mình vào hình ảnh những con chim bố mẹ trong vườn nhà tôi (trong bài tuỳ bút: “Tôi và những con thú thân yêu “ ) mà họ đã đọc. Tôi cũng vậy, như những con chim con, khi khôn lớn, đủ sức bay cao, tôi cũng rời xa cha mẹ để rồi ngày nay khi về già ngoái nhìn lại trong tâm trạng rất buồn, ân hận.
Rồi cũng trong cảm giác miên man đó, tôi đặt mình vào hiện tại với những đứa con của chính tôi, chúng cũng vậy, chúng cũng bay xa khi khôn lớn, chúng cũng rời bỏ tôi khi trưởng thành… Biết làm sao khi đó là lẽ tự nhiên. Nghĩ như vậy nên tôi luôn luôn tìm đủ lý do để vui mừng với những món quà dù rất nhỏ của lũ con khi chúng cho tặng tôi. Đó là tiêu điểm của bài viết này của tôi vậy.
***
Vừa rồi, nhận được email của một người bạn cho biết, anh ta và gia đình đã đọc bài tùy bút “Tôi và những con thú thân yêu” đã mang đến cho họ nhiều cảm xúc buồn vì bài viết đã làm anh ta nhớ lại những lần có lỗi với mẹ cha ngày xưa, ngày anh ta còn là thằng bé sống tại Việt nam với cha mẹ. Email của người bạn cũng kéo cảm xúc của tôi trở về với biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, cực nhọc của những tháng năm trong quá khứ nghèo khổ của gia đình tôi.
Ngày đó tôi còn là thằng bé tuổi đi học, sống ở Việt Nam với bố mẹ tôi. Rồi cũng vì email của người bạn đó làm tôi liên tưởng về gia đình nhỏ bé của chính tôi hiện nay, với những đứa con đã lớn khôn và nhập cuộc trong xã hội. Còn tôi, tuổi càng lúc càng chồng chất, già nua và mệt mỏi thực sự đã đến với tôi rồi!
Đúng như vậy, đọc lại bài viết của chính mình về những con chim trong vườn, tôi đã săn sóc, thương yêu chúng nhờ bản tính yêu thiên nhiên và thú vật của tôi. Tôi đã đóng những căn nhà bé nhỏ treo lên cành cây, nơi an toàn nhờ những nhánh hoa hồng nhiều gai để tránh được mèo, cáo… không thể leo lên giết hại chúng, để chúng có thể an tâm tha cỏ đến làm ổ, đẻ trứng và ấp con…. Hàng ngày tôi ngồi trong nhà với chiếc kính viễn vọng qua khung cửa sổ, ngắm nhìn sự sinh hoạt của chúng một cách say sưa. Trí nhớ và cảm xúc lại dẫn tôi liên tưởng với hoàn cảnh của tôi ngày nay, lúc tuổi đời thực sự đã bước vào thời gian của già lão trong khi các đứa con của tôi chúng đang lớn khôn.
Những con chim bố mẹ chúng cũng phải nhịn ăn suốt ngày tìm thực phẩm đem về mớm cho đàn chim con bé nhỏ của chúng. Để rồi một ngày nào đó những con chim con lớn dần, đủ cánh bay xa. Chúng không bao giờ ngoái nhìn lại cái tổ chim, căn “nhà bé nhỏ” mà tôi đã đóng cho cặp chim bố mẹ làm tổ, cũng là nơi chúng ra đời và trưởng thành. Buồn thay! Cũng như tôi, gần 50 năm qua, tôi chỉ tìm về thoáng qua. Nhìn lại căn nhà xưa, nghèo túng, nơi mà tôi cũng như bố mẹ tôi đã bao lần thấm đẫm mồ hôi kiếm sống xây dựng lên! Tôi cứ đi biền biệt, để rồi bao nhiêu kỷ niệm với thời gian, dần dần chỉ là dấu tích thoáng qua! Tôi lấy cớ bận rộn với công việc nhưng thực ra tôi đã mê mải với công danh sự nghiệp và cả vì cuộc sống riêng tư của chính tôi!
Ngày nay, khi tuổi đã về già, các con tôi, chúng đã đủ lông cánh bay xa. Tôi cũng như những con chim bố mẹ. Cũng đã từng nhịn ăn, thức trắng đêm khuya để làm việc kiếm tiền nuôi dạy cho những đứa con của tôi. Tôi cũng đã từng gục đầu buồn bã, lo lắng muốn dành lấy bệnh tật, sự thất bại của các con cho chính tôi nhận chịu mỗi khi chúng gặp phải. Nhưng rồi thời gian cứ bình lặng đi qua, đến một ngày nào đó những đứa con lớn khôn. Chúng cũng như những con chim con, chúng cũng rời xa tôi, hoà nhập vào xã hội! Còn tôi, cũng như bố mẹ tôi của 50, 60 năm về trước, cũng chỉ dám ngước mắt nhìn đàn con khôn lớn, mà lòng mình luôn luôn ước mơ cho các con thành công, hạnh phúc.
Buồn bã thay khi tôi hình dung ra bao lần trong dĩ vãng. Bố mẹ tôi đã chảy nước mắt khi nhìn thấy tôi khoác bộ quần áo trây di quân đội, biết rằng cuộc đời thằng con đang được đưa vào một ngã rẽ của dòng sông định mệnh. Số phận của nó đang bước vào một giai đoạn mới giai đoạn với mịt mù máu lửa chiến tranh. Rồi cũng vậy, thời gian vẫn tiếp nối, may mắn đã đến với tôi khi một ngày bố mẹ nhìn tôi hồ khởi chia tay lên đường tu nghiệp Nhật bản. Lúc đó, tôi biết rất rõ, dù với ánh mắt mừng vui nhưng trong lòng bố mẹ cũng có ít nhiều lo lắng. Thằng con ra đi nhưng chẳng biết nó sẽ ra sao nơi xứ lạ quê người và bao giờ nó trở lại? Rồi ngày nó trở về mình còn sống, còn khoẻ mạnh để mừng vui hội ngộ với nó hay không?
Đúng thật như thế tôi đã ra đi biền biệt để ngày về chỉ thoáng qua (thăm viếng mà thôi) thì con chim mẹ (mẹ tôi) đã ra người thiên cổ! Còn bố tôi (con chim cha) đúng nghĩa một ông già lụ khụ mang đầy dấu tích thời gian và cực nhọc. Đúng như vậy,thời thế đổi thay đã đè lên vai bố tôi với bao nhiêu của nhọc nhằn, khó khăn buổi giao thời.
Hiện tại, tôi đã bước vào tuổi 77, đúng nghĩa một ông già, nhiều lần tôi cũng có cảm giác cô đơn và tôi cũng như những con chim bố mẹ trong khu vườn của tôi. Chúng ấp nở ra những con chim con, chúng kiếm mồi, nhịn ăn nuôi dưỡng những con chim con của chúng. Rồi khi những con chim con trưởng thành, chúng bay xa không bao giờ ngoái nhìn hay nhớ gì đến cặp chim bố mẹ của chúng! Nghĩ như vậy, dĩ nhiên cũng có tí buồn nhè nhẹ, nhưng tôi cũng chẳng mang tí cảm giác nào của ân hận hay chê trách các con tôi, bởi vì đó là luật thiên nhiên vậy!
Xuân mới lại đến, thời khắc để người ta có dịp tìm đến với nhau dưới một hình thức nào đó. Thông thường người ta dùng một vài món quà nho nhỏ để tỏ bày tình cảm thương yêu hay chúc mừng cho người thân của mình chuẩn bị giã từ năm cũ, đón chờ năm mới sắp đến với những hy vọng cho tương lai.
Tôi cũng vậy, hàng năm cứ vào dịp cuối năm, tôi luôn luôn nhận được một thùng quà từ cô con gái út đang sống với gia đình tại Nhật Bản. Vật dụng trong thùng quà dù mỗi năm có tí chút khác nhau nhưng không bao giờ thiếu những món đồ mà tôi thích, tôi cần, cùng với vài dòng chữ đơn sơ của đứa con gái út: “Trà xanh đặc biệt dành riêng cho bố. Thuốc Ohta’s Isan, để bố uống khi đầy bụng. Salonpas dùng khi bố nhức lưng… „ Chỉ đơn sơ như vậy, nhưng nó rất thật, làm tôi đờ đẫn suy tư! Đúng như vậy, mỗi khi nhận được thùng quà của con gái, mở nó ra mà bàn tay tôi run nhẹ, nước mắt chảy ra vì cảm động. Chỉ đơn giản có thế, cũng quá đủ cho sự ao ước, chờ đợi của tôi từ đứa con ở xa mãi bên kia mặt địa cầu.
Rồi hôm qua (22 Tháng 12), thằng con trai với cô bạn gái gốc Đức, trịnh trọng mang đến cho tôi một chai rượu vang đỏ tuyệt hảo, biết bố mẹ dù không phải là “con sâu rượu“ nhưng rất thích, có khả năng nhận thức phẩm chất của rượu vang khá chuẩn (nhờ chuyên môn trong công việc). Không những thế, con trai còn kèm theo một chai Champagne của Pháp (Moèt & Chandron Champagne) cho bố “mở“ mừng năm mới.
Nhận và nhìn món quà đơn giản của con trai, vì quá xúc động, nước mắt tôi chảy dài trên gò má. Con trai và cô bạn gái gốc Đức mở to mắt ngẩn ngơ nhìn tôi, không hiểu! Có lẽ thằng con không thể ngờ được, “Ông bố, người mà ngày xưa khi nó còn bé đã bao lần phải run sợ vì tánh khó khăn, nghiêm khắc của ông! Nhưng hôm nay, chỉ với món quà nhỏ bé lại làm cho ông bố xúc cảm đến mức phải rơi lệ như vậy?!“ Nhìn rõ cảm giác ngỡ ngàng của con trai cùng sự ngạc nhiên, không hiểu của cô bạn gái gốc Đức của nó. Tôi mỉm cười, đưa mắt nhìn con trai và nói:
-Tuyệt vời thay! Tình cảm yêu thương cũng như sự hy sinh của bố dành cho con từ ngày con ra đời đến nay, chỉ cần được đền đáp như vậy, với bố đã quá đủ rồi! Bố không còn cầu mong gì hơn nữa. Hỡi con trai của bố, đứa con mà bố luôn luôn nguyện cầu cho con được may mắn, bình an!
Còn về đứa con gái lớn, mấy ngày trước, vợ chồng chúng nó điện thoại cho biết sẽ đến đón chúng tôi vào khoảng trưa ngày 25 để đến căn nhà nghỉ lễ (Ferien Haus) của chúng nó ở bên cạnh bờ hồ Maggio. Hồ nước ngọt khá lớn nằm giữa biên giới Italia và Thuỵ Sĩ, thuộc tỉnh Tessin, cực nam Thuỵ Sĩ nói tiếng Italy, để tham dự lễ Noel và đón tết Dương lịch cùng với vợ chồng chúng nó và đứa cháu gái đầu lòng mới sinh 3 tháng trước. Dĩ nhiên chúng tôi vui vẻ bằng lòng.
Tôi đã phải dành ra cả một ngày trời giúp đỡ vợ làm những món ăn đặc biệt của Nhật Bản dành cho ngày tết. Đó là Osechi Ryori, một món ăn khá phức tạp được nấu bởi măng tre, nấm đông cô, tôm, mực ống, file cá thu sấy khô….; bánh Mochi giống như bánh dầy của Việt Nam; vài chục cuốn Gyoya (giống hoành thánh của Trung Quốc). Dù con gái dặn dò chúng tôi không cần phải mang bất cứ thứ gì, kể cả rượu vì chúng nó đã mua sắm rất nhiều đầy đủ cho mọi người trong những ngày tết cuối năm. Nghe con gái dặn đi dặn lại như vậy, lại làm cho vợ chồng chúng tôi cảm động muốn chảy nước mắt.
Đúng như vậy, chỉ cần có thế! Một vài món ăn nho nhỏ, đơn sơ kèm theo ly rượu làm ấm lòng trong những ngày mùa động lạnh giá của Thuỵ Sĩ. Lại được gần con, được ẵm bế nâng niu đứa cháu ngoại vào những ngày cuối năm với tôi đã là hạnh phúc lắm rồi. Tôi chẳng có gì để đòi hỏi con gái của mình hơn nữa. Đó là một niềm vui, một khởi động đầu năm của hạnh phúc tuổi già mà tôi cũng như phần lớn các ông bố bà mẹ khác đều ước ao có được. Đó không phải là niềm vui đúng nghĩa và thực tế lắm ru?
Bạn bè thân mến, những người cùng thế hệ tuổi tác ơi. Chúng ta hãy bảo nhau bình lặng để nhìn lại những ước mơ, mong muốn của mình với những đứa con, đứa cháu của mình cho hợp với thời đại hơn. Hãy trầm lặng quan sát, đưa cảm xúc và suy nghĩ của mình qua hình tượng của những con chim bố mẹ trong khu vườn của tôi. Rồi các bạn hãy suy nghĩ mà xem, thỉnh thoảng vào một dịp nào đó, chẳng hạn ngày xuân mới hay cuối tuần hay ngày sinh nhật của mình…. mà lũ con của chúng ta còn nhớ đến, chúng nó mang cho mình một món quà rất nhỏ hay dù chúng đến với bàn tay không, chỉ viếng thăm mình, nói một vài câu chúc tụng.
Các bạn ơi (dĩ nhiên cả tôi nữa) hãy coi đó đã đủ cho một niềm vui, một hân hạnh mà tiếp đón, đừng bao giờ so đo giá trị của món quà mà sai lầm. Theo tôi đó mới là thực tế và thức thời cho thời đại và cho cả nơi chốn mà chúng ta đang sống vậy.
Nhân tiện đây, cuối bài viết tôi xin kể cho các bạn một câu chuyện mà tôi đã nhiều lần kễ lể cho vài ông bố, bà mẹ Việt Nam, những người bạn quen biết của tôi nghe, để cho họ suy nghĩ và cũng để cho họ hiểu rõ thế nào là sự suy tư, sự tính toán của xã hội Tây phương, nơi mà chúng ta đang định cư.
Vào khoảng thập niên năm 2000, trong một lần cùng đi dạo với một cô bạn Thuỵ Sĩ dọc triền núi của thành phố Zurich nơi gia đình tôi định cư. Khi ngồi nghỉ giải lao quanh chiếc bàn gỗ của một restaurant bên đường, dưới chân núi, chúng tôi đề cập đến những cảnh tượng hãi hùng vì chết chóc trong những cuộc vượt biển ở Việt Nam vào những năm sau 1975. Khi đề cập đến những cảnh chết đuối vì chìm tàu trên biển, tôi nêu ra một trường hợp bi đát rất thường xảy ra trong thực tế.
Một con tàu chở đầy người vượt biển, không may bị gió bão hay hải tặc cướp bóc xong rồi đâm chìm. Một người mẹ và đứa con khoảng 7, 8 tuổi cùng chụp được một mảnh ván như một cái phao. Nhưng mảnh ván đó quá nhỏ, chỉ nổi được cho duy nhất một người (mẹ hay đứa con) mà thôi. Tôi hỏi cô bạn, nếu cô là người mẹ rơi vào hoàn cảnh như vậy thì cô sẽ làm sao? Giải quyết thế nào? Nghe tôi hỏi như vậy, cô bạn Thuỵ Sĩ chẳng cần suy nghĩ mà trả lời tôi:
-Không một tí đắn đo, tôi sẽ đạp đứa con bật ra khỏi miếng gỗ để dành lấy sự sống cho chính mình!
Nghe cô bạn Thuỵ Sĩ trả lời, tôi ngẩn ngơ không nói được một lời nào ngoài sự im lặng. Hình như hiểu thấu cảm giác ngạc nhiên của tôi, cô ta hỏi:
-Vậy, trong trường hợp đó, người mẹ Việt Nam sẽ làm sao ?
Tôi ngẫm nghĩ một tí rồi trả lời cô bạn:
-Theo tôi thì phần rất lớn các bà mẹ Việt Nam sẽ mất bình tĩnh, mất khả năng suy xét khôn dại trong tình huống kinh hoàng đó. Bà ta vẫn giữ lấy mảnh gỗ, kết quả cả hai mẹ con đều chết chìm!…
Chẳng cần chờ tôi nói hết ý, cô bạn chửi đổng:
-Stupid! Kết quả chẳng được gì, cả hai mẹ con đều chết!
Tôi tiếp tục nói :
-Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, nếu người mẹ còn giữ được sự bình tĩnh, khôn ngoan tối thiểu thì phần rất lớn là bà ta sẽ vuốt mặt đứa con lần cuối để chào vĩnh biệt đứa con trước khi buông bỏ miếng gỗ. Nếu còn đủ thời gian và bình tĩnh hơn nữa, có lẽ bà mẹ sẽ nhìn con với đôi mắt ướt lệ, rồi nói với nó lời cuối cùng nào đó trước khi dành mảnh gổ cho đứa con được sống sót.
Bạn bè thân mến, tôi viết ra câu truyện rất thật và thực tế này. Nó không phải là những lời sáo ngữ tôn vinh tình mẹ, nghĩa cha của người Việt Nam chúng ta, nhưng tôi muốn nói đến sự khác biệt trong con người của nền văn hoá Đông Phương thiên về đạo nghĩa. Còn nền văn hoá Tây Phương thiên về thực tế.
Các bạn cũng như tôi, chúng ta sinh ra, lớn lên trong cái nôi văn hoá Đông Phương đó. Làm sao mà chúng ta tẩy rửa hết được (dù đã sống tại Âu Mỹ nhiều chục năm dài), nó đã thấm sâu vào máu thịt của chúng ta nhiều chục năm từ ngày chúng ta sinh ra, ngụp lặn với nó. Còn những đứa con của chúng ta, chúng sinh ra nơi đây, hay đến nơi đây khi ở tuổi ngây thơ. Hàng ngày chúng ăn uống, chơi đùa, tiếp xúc với bạn bè cũng như nền giáo dục thực tiễn (mà cô bạn Thuỵ Sĩ của tôi là biểu tượng).
Làm sao chúng ta trách cứ và mong đợi chúng nó giống như chúng ta được?! Vì vậy, nếu vào ngày cuối năm, ngày sinh nhật của chúng mình mà chúng quên hay không mang cho mình một món quà nho nhỏ, vì bận hẹn hò đi chơi với bạn gái bạn trai, các bạn hãy cảm thông. Đừng bao giờ bắt chúng phải khoác chiếc áo thụng màu nâu lễ nghĩa Đông phương mà chúng nó không cảm thấy thoải mái hay chưa bao giờ quen thuộc.
Chúng nó thích cảm giác bó chặt của chiếc quần jean hay hở hang làm nhức mắt tha nhân với chiếc jupe mini cũn cỡn…. Chúng ta hãy thực tế chấp nhận đừng quá khắt khe để có được niềm vui. Hãy vui mà chấp nhận nếu chúng nghĩ đến mình dù chỉ ở mức rất nhỏ. Còn không, ngược lại hãy bình thản vẫy bàn tay cho qua và cũng đừng quên trên miệng vẫn nở một nụ cười, dù nụ cười khác với cảm giác thực của mình! Đó mới là thực tế và khôn ngoan vậy!
Riêng cá nhân tôi, cuối năm nhận được thùng quà của con gái út từ Nhật gửi sang, con trai tặng rượu vang và chai champagne Moèt & Chandon. Vợ chồng con gái lớn đến tận nhà đón đến căn nhà của chúng nó để mừng lễ Noel và tết Dương lịch. Tất cả đối với tôi là một món quà tuyệt vời, món quà vượt mức tưởng tượng đã làm tôi cảm động, chảy nước mắt. Dĩ nhiên (rất thật với các bạn) nó cũng chỉ là những món quà rất khiêm nhường về vật chất. Chẳng là gì nếu so sánh với nhiều chục năm trời tôi đã “cày bừa,“ nhịn ăn, nhịn uống, lo lắng đến mất ăn, mất ngủ khi nuôi dưỡng chúng nó.
Đúng như vậy, tôi không có gì khác hơn, tôi giống y bong hai con chim bố mẹ trong khu vườn mà tôi đã mô tả trong bài tuỳ bút. Bạn bè ơi, nếu suy nghĩ kỹ tôi vẫn thấy hạnh phúc và mừng vui vì hơn rất nhiều so với hai con chim bố mẹ. Tôi vẫn còn được ba đứa con tặng quà, mời đi chơi… dù chỉ là những cái rất nhỏ bé. Nó chẳng đáng gì để gọi là giá trị to lớn mà tôi phải phải khoe khoang, tự hào với các bạn. Nhưng với tôi đó là một sự hoan ca, một niềm vui đầy thoả mãn. Tôi nghĩ như vậy có đúng không các bạn? Những người bạn cùng trang lứa, đồng hoàn cảnh của tôi?