“Trò chơi con mực” bước ra đời thật, với giải thưởng $4.56 triệu!

“Squid Game” đã gây sốt toàn cầu khi ra mắt (Netflix)

“Squid Game” – bộ phim Netflix từng làm chấn động toàn cầu năm 2021 – nay được dựng lại với format trò chơi thực tế (reality show), với tên ‘Squid Game: The Challenge’.

Như trong phim (kể về 456 người chơi vốn gặp khó khăn về tài chính và bằng mọi giá sống chết vượt qua vô vàn thử thách để có thể giành được giải thưởng 45.6 tỷ won), ‘Squid Game: The Challenge’ cũng gồm 456 người chơi. Họ phải vượt qua nhiều thách thức để đạt được giải thưởng thật, trị giá $4.56 triệu.  

Cảnh trong ‘Squid Game: The Challenge’ (Netflix)

_________________

‘Squid Game: The Challenge’ gồm 10 tập sẽ lên sóng Netflix vào ngày 22 Tháng Mười Một 2023. Chắc chắn nó sẽ gây bão trên khắp thế giới như bộ phim gốc. $4.56 triệu là số tiền lớn nhất trước nay đối với giải thưởng của một chương trình truyền hình thực tế.

_________________

‘Squid Game: The Challenge’ được sản xuất bởi hai hãng Studio Lambert và The Garden. Dù không có cảnh bắn giết vỡ sọ máu xịt có vòi như trong phim “Squid Game” nhưng những người tham dự phiên bản truyền hình thực tế ‘Squid Game: The Challenge’ cũng trải qua những thách thức cực kỳ cam go. Để có thể trở thành người duy nhất ôm được giải thưởng khổng lồ $4.56 triệu thì không phải chuyện đơn giản. Trong một bài viết về hậu trường ‘Squid Game: The Challenge’, tờ Variety đã tiết lộ nhiều chi tiết.

Khi biết tin Netflix chuẩn bị thực hiện một phiên bản chương trình thực tế của bộ phim truyền hình ăn khách “Squid Game”, John, một người Anh, lập tức đăng ký tham gia. Như nhiều người đăng ký khác, John trước hết phải được nhóm casting chọn. Và chỉ sau ngày đầu tiên khi cùng những người chơi khác vượt qua thách thức, John đã “chết”, tức bị loại khỏi cuộc thi. Theo những gì John thuật lại, ‘Squid Game: The Challenge’ thật sự là một chiến trường khốc liệt. Nó tàn bạo và cay nghiệt không khác gì phiên bản “trò chơi con mực” trong phim “Squid Game” mà Hwang Dong-hyuk sản xuất cho Netflix.

Trong bài báo đề ngày 25 Tháng Giêng 2023, tờ báo lá cải của Anh, The Sun, tiết lộ rằng những người tham gia ‘Squid Game: The Challenge’ đã bị bỏ mặc trong một nhà kho lạnh cóng ở Bedford. Người ta phải liên tục gọi bác sĩ trường quay đến hỗ trợ tại nơi mà một thí sinh miêu tả nó rùng rợn chẳng khác gì vùng chiến sự với nhiệt độ lạnh giá khắc nghiệt. Netflix đã phủ nhận thông tin từ các báo lá cải rằng có một thí sinh chịu không nổi, kiệt sức suýt tử vong, và được cáng ra ngoài. Trong thông cáo báo chí ngày 25 Tháng Giêng 2023, Netflix nói rằng họ quan tâm “sâu sắc” đến sức khỏe và sự an toàn của những người chơi cũng như đoàn làm phim. Netflix thừa nhận trời rất lạnh nhưng “mọi người đều chuẩn bị cho điều đó”.

Cảnh trong ‘Squid Game: The Challenge’ (Netflix)

Các thí sinh – không được trả tiền để tham gia ‘Squid Game: The Challenge’ – cho biết họ được thông báo rằng thử thách sẽ mất khoảng hai giờ để chơi và bắn (play and shoot), nhưng trong thực tế, họ phải kinh qua gần bảy tiếng đồng hồ đối với một số thí sinh, trong môi trường rét đậm kinh hoàng âm độ C tại Bedford vào ngày quay phim.

Một số thí sinh đã gục ngay tại phim trường. John kể, ‘Squid Game: The Challenge’ không như những chương trình truyền hình thực tế sống sót khác (survival show). Nó khắc nghiệt hơn nhiều và nếu những người tham dự biết trước thì họ không dám bén mảng dự tranh. Một người chơi khác, Marlene, nói rằng ‘Squid Game: The Challenge’ không giống các chương trình truyền hình thực tế ‘Survivor’ hay ‘Naked and Afraid’ vì các điều kiện tại phim trường ‘Squid Game: The Challenge’ là cực kỳ “vô nhân đạo”.

Vào ngày đầu tiên, thí sinh được đánh thức lúc 3:30 sáng. Họ được đưa lên xe buýt đến Cardington Studios ở Bedford, nơi từng là căn cứ của Lực lượng Không quân Hoàng gia, rồi được tập trung trong lều. Bộ đồ thể thao “Squid Game” mà họ mặc chính xác là bộ đồ được thấy trong phim – màu xanh mòng két và màu kem. Bộ đồ khá dày nhưng không đủ ấm cho thời tiết khắc nghiệt lúc đó. Lúc này, người chơi được mặc áo khoác ngoài, cùng với găng tay và vớ giữ ấm. Trong lều cũng có máy sưởi di động. Điện thoại bị tịch thu vào ngày hôm trước nên thí sinh không biết trận đấu bắt đầu vào lúc mấy giờ, nhưng (sau này) họ phỏng chừng khoảng 1 hoặc 2 giờ chiều, sau giờ nghỉ trưa.

Khi “trò chơi con mực” bắt đầu, không khí lập tức căng thẳng. Áo khoác bị lấy đi; găng tay và vớ bị yêu cầu tháo ra; áo khoác được yêu cầu mở phanh ngực để hiển thị số của từng người chơi. Nếu một người không vượt qua được thử thách, máu giả trong áo khoác sẽ được kích hoạt xịt ra và đương nhiên đương sự bị loại khỏi vòng đấu. Khi con búp bê sát thủ khổng lồ của chương trình ngừng hát, họ phải đứng yên tại chỗ. Vấn đề ở chỗ họ không bất động trong hai phút như được hứa trước đó mà là 10 rồi sau đó là 15 phút. Marlene cho biết cô đã phải đứng cứng ngắc như tượng đến 26 phút trong một hiệp đấu!

“Lần thứ hai bài hát được phát, tôi liếc sang trái, thấy một cô gái lắc lư rồi gục mạnh đến mức nghe cả tiếng đầu đập xuống nền đất. Đó cũng là lúc có người nói vào [microphone], yêu cầu chúng tôi giữ nguyên vị trí vì trận đấu không bị tạm dừng. Sau đó mọi người thi nhau đổ gục.” Marlene ước tính có khoảng bốn người ngất xỉu (Netflix cho biết có ba người cần được chăm sóc y tế).

Giải thưởng $4.56 triệu trong chương trình truyền hình thực tế ‘Squid Game: The Challenge’ (Netflix)

Theo Marlene, sau khi các bác sĩ được gọi đến lần “thứ mười một”, “họ bắt đầu cho chúng tôi nghỉ ngơi. Họ nói, ‘Không được cử động chân, chỉ có thể co đầu gối và di chuyển cánh tay.” Một người chơi khác, Jenny, nói với tờ Variety: “Tôi rất tức giận trước câu chuyện mà Netflix đưa ra, rằng chỉ có [vài] người bị thương… Thật ra tất cả chúng tôi đều bị thương. Tôi chưa bao giờ lạnh đến thế trong thời gian dài như vậy trong đời. Bàn chân và ngón chân chúng tôi hoàn toàn mất cảm giác”. Jenny nói thêm, người chơi thậm chí không được phép đi vệ sinh hoặc nghỉ uống nước.

Cả ba người chơi (Jenny, Marlene, John) cho biết họ trở về khách sạn trong khoảng thời gian từ 7 giờ tối đến nửa đêm và không ăn tối. Nhóm phim trường đặt mua pizza nhưng không đủ và một số người phải đi ngủ với cái bụng đói. Marlene nói: “Sáng dậy, tôi thấy một cái hamburger McDonald’s nguội ngắt và hộp salad đặt trước cửa phòng. Có Chúa mới biết nó đã ở đó bao lâu rồi”. Vào Thứ Ba, những người chơi trả phòng khách sạn. Họ nhận được lá thư chứa vài thông tin liên hệ, rằng mọi người có thể gọi điện nếu họ có bất kỳ thắc mắc gì…

Trong thực tế, việc sản xuất một chương trình truyền hình với 456 người chơi cùng một lúc không là điều dễ dàng, đặc biệt khi tất cả chỉ diễn ra trong một ngày (sau ngày đầu tiên, có 228 người lọt vào vòng hai). Dĩ nhiên, với số tiền thưởng khổng lồ, thử thách là không đơn giản. Chưa có chương trình truyền hình thực tế nào trước nay có giải thưởng lớn như vậy ($4.56 triệu). Giải thưởng của chương trình ‘Survivor’ là $1 triệu; tương tự ‘America’s Got Talent’ và ‘The Amazing Race’. Chương trình ‘The Challenge’ trên kênh MTV cũng chỉ hơn $1 triệu trong những mùa giải gần đây. Chỉ chương trình ‘Legendary Jeopardy!’ mới có hơn $4 triệu nhưng giải thưởng này có được qua nhiều mùa thi chứ không phải một lần duy nhất như ‘Squid Game: The Challenge’.

________________

Hoyeon Jung: “Squid Game đã vực dậy tôi”

Nhờ đâu ‘Squid Game’ chinh phục toàn cầu?

________________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: