Một thuở bên đàn. (Hình: tác giả cung cấp)

Năm nọ, tôi phải qua một cuộc tiểu phẫu ở lòng bàn chân. Tôi thầm tính, ba bữa là xong. Thứ Hai, bác sĩ mổ xẻ. Không đi làm, ở nhà thêm hai ngày, nghỉ ngơi là êm.

Kịp cuối tuần, tung tăng dạ vũ, nhật vũ. Không dè, vết mổ chậm lành. Bác sĩ khuyên hạn chế đi lại, để bàn chân thật sự tĩnh dưỡng ít nhất bốn tuần lễ. Tính tôi hiếu động, mà bác sĩ bảo ngồi một chỗ, thiệt khổ. Tôi chất quanh giường cơ man sách báo. Đọc sách một hồi mỏi tay. Tôi mở ti-vi để thay đổi không khí. Nhìn vào màn hình ti-vi chừng 10 phút, tôi ngủ khò. Thức dậy, mất vèo mấy tiếng đồng hồ. Tiếc thời gian bỏ phí, tôi tìm cách tận dụng những ngày nghỉ bất đắc dĩ. Tôi chợt nhớ cây đàn bỏ quên của mình. Rất nhiều năm, tôi không gảy một nốt nhạc nào. Mặc dù, lâu lâu tôi đem đàn xuống lau bụi, nhủ lòng sẽ một ngày tập đàn lại. Những bài tập đem từ Việt Nam qua, tôi trân trọng, trưng trong tủ sách, tuy nhiều năm chẳng hề mở ra xem. Đúng là niềm vui đã nằm trong thiên tai*. Tôi háo hức chống nạng, lóc cóc khuân những cuốn bài tập và cây đàn đến “giường bệnh”. Tôi tập lại từ đầu, những bài học nốt i tờ. Cũng may, một mình, một cõi ở nhà, không phiền hà ai. Tiếng tập đàn có lẽ đinh tai, nhức óc với người khác. Nhưng với tôi, thật êm dịu, lòng tôi bồi hồi nhớ ngày xưa. Hết nghỉ bệnh, khỏi phải ngồi một chỗ, nhưng đôi ba bữa, tôi vẫn đem đàn dợt những bài tập cũ. Tuy nhiên, những bận rộn dồn dập cuộc sống đã làm dịu dần nhiệt tình chơi đàn của tôi. Thời khắc ôm đàn càng ngày càng hiếm hoi. Chuyện tập đàn có nguy cơ biến mất trên lịch sinh hoạt của tôi.

Một hôm, trong thang máy đến văn phòng, tôi gặp bà đồng nghiệp ban kiểm toán, bà “chằn lửa” của phòng tài chánh. Nét mặt bà đậm nét “khủng bố”. Dáng dấp bà cục mịch. Nhiều đồng nghiệp trong hãng né bà. Thời tôi mới nhận việc, bà đã một màn đánh phủ đầu, làm tôi tối tăm mặt mũi. Nhìn bà với thùng đàn guitar sau lưng, tôi kinh ngạc quá đỗi. Thay vì nói câu chào xã giao “Guten Tag” theo phép lịch sự tối thiểu. Tôi buột miệng: “Spielen Sie auch Gitarre? Chị cũng chơi tây ban cầm à?” Hỏi xong, tôi tưởng như mình phải mắng té tát cho cái tội hỏi vô duyên. Mọi người đều có thể chơi nhạc, nếu mình thích. Tại sao là “cũng”! Mặt mày khó đăm đăm của bà bỗng sáng lên: “Ồ, chơi đàn tây ban cầm là niềm đam mê của tôi.” Bà nhoẻn miệng cười: “Gefällt Ihnen Gitarrenmusik? Cô có thích nhạc tây ban cầm không?” Thế là từ thang máy cho đến vào văn phòng, chúng tôi rộn rã chuyện trò như đôi bạn chân tình. Những người bạn đồng nghiệp cùng phòng trố mắt nhìn, khi thấy tôi sánh bước, cười cười, nói nói ra điều tâm đắc với “bà chằn”.

Bà huyên thuyên kể, bà đã theo học nhiều thầy nhưng bỏ ngang vì không vừa ý. Cuối cùng, tìm đúng thầy, bà rất hài lòng, đều đặn đi học từ năm ngoái đến giờ. Tôi mừng rỡ: “Em cũng đang tìm thầy dạy đàn đó chị”. Tôi nhờ bà viết “giấy giới thiệu”. Vì nghe đâu, ông thầy đó rất kén chọn học trò. Từ đó, mỗi thứ Tư tôi rời nhà sớm, đến nhà thầy học trước khi bắt đầu ngày làm việc. Tôi gọi Daniel là ông thầy vì quen miệng. Daniel nhỏ hơn tôi đúng một giáp. Giờ học đầu, Daniel khảo sơ tôi về nhạc lý. Bao nhiêu năm tôi đã quen Đô Rê Mi, giờ phải đổi qua A H C… Gần như trở lại từ đầu, tôi làm quen với Auftakt, Tonleiter, Tonika… Tôi ghi chép, cố nhớ những kỹ thuật khi Daniel cắt nghĩa bằng tiếng Đức, và tìm cách giải mã trong tiếng Việt như thế nào. Sau vài giờ học, Daniel khen tôi có tiến bộ. Tôi bèn thỏ thẻ, ước mong tập một bài ngày xưa mình đã chơi. Tôi muốn tập lại bài Feste Lariane. Daniel bảo, muốn tập thì sẽ ghi chú kỹ thuật tay trái, tay phải, rồi tôi tự tập. Bởi, Daniel không thích dạy kiểu đi ngang, về tắt như vậy.

Sau ba tháng, vì đổi chỗ làm, không tiện đường học buổi sáng, tôi chuyển qua học buổi tối. Sau giờ làm việc, tôi chạy như bay để kịp giờ học. Nếu đến trễ, giờ học ngắn lại, bởi tôi là học trò cuối trong ngày. Daniel muốn đúng giờ chuẩn bị cơm chiều cho cậu ta và cho con mèo của mình. Suốt ngày trong hãng, đầu óc căng thẳng. Giờ học đàn, tôi tiếp tục tập trung tinh thần, nhiều khi Daniel “rượt” quá, tôi toát mồ hôi hột. Daniel nhận xét:

-Deine Firma hat Glück. Hãng của chị hên quá.

Tôi ngạc nhiên:

-Tại sao?

-Chị bền bỉ và giỏi toán. Du bist echt klug. Chị khôn lanh thiệt đó.

Tôi nghi ngờ:

-Thôi, cậu đừng nói đùa. Tôi tưởng thiệt. Tôi mừng hụt.

-Thiệt mà! Nhiều người sau giờ làm việc, cạn kiệt sức lực, không tập trung được, quên trước quên sau…

Ở hãng mới, tôi phải làm việc rất trễ. Mà Daniel lại không muốn con mèo của cậu ta phải đói bụng vì chờ tôi học. Thế là tôi đành ngưng học đàn với Daniel.

Dăm bữa, nửa tháng tôi đem đàn ra từng tưng vài nốt. Đàn hoài không tiến bộ, tôi bèn đổ lỗi cho cây đàn. Thì vậy, vụng múa chỉ còn cách chê đất lệch chứ biết làm sao. Tôi chợt nghĩ, nhờ thầy Bùi Thế Dũng, thầy dạy đàn ngày xưa của mình, tìm giúp cho một cây đàn thật hay. Biết chị tôi chơi chung trong nhóm bạn của thầy, tôi nhờ chị đánh tiếng. Nghĩ liều vậy thôi. Chứ tôi chẳng dám hy vọng nhiều. Vậy mà, thầy nhận lời, nhưng bảo, cần thời gian. Có thể vài tháng hoặc có thể cả năm. Tôi mừng lắm. Kiên nhẫn tôi có thừa. Đã chờ cây đàn được mấy chục năm, thì thêm một năm nữa chẳng là bao.

Một cuối tuần, tôi gọi về Việt Nam thăm thầy Dũng. Tôi chào hỏi đại khái, rồi ngập ngừng:

-Thỉnh thoảng em gởi truyện đến anh Dũng. Anh có nhận được không?

-Có, anh nhận đầy đủ. Đôi khi đọc xong, anh định viết trả lời. Nhưng rồi nghĩ, dành thì giờ ấy để viết nhạc, soạn tiếp giáo trình dạy nhạc, thì có lẽ hay hơn. Ban đầu, đọc truyện của Thúy, anh thấy giống như truyện viết cho lứa tuổi ô mai. Nhẹ nhàng, mơ mộng. Bây giờ đọc lại, anh khâm phục trí nhớ của Thúy. Điều hay là Thúy viết lại những ký ức thật trang nhã. Có những điều Thúy nhắc, anh mới nhớ. Những ngày xưa đó, có những nhọc nhằn, trăn trở. Vậy mà Thúy nhìn lại, kể ra biết bao điều vui tươi, thoải mái. Đó là may mắn của Thúy. Ký ức biết chọn lọc, chỉ giữ lại những mầu hồng mà thôi.

Thầy Dũng bảo, đọc xong tập truyện Bông Hoa Trên Phím, thầy thay đổi chương trình mua đàn cho tôi. Thầy sẽ tặng tôi một cây đàn trong bộ đàn của thầy. Mỗi ngày tôi phải dành ra ít nhất nửa giờ tập đàn. Mỗi tuần có giờ học đàn với thầy qua Skype. Như thế, tôi sẽ sở hữu cây đàn và tiếng đàn trước khi về hưu. Cuộc sống của tôi có nhiều điều kiện thuận lợi. Tôi đã học đàn ở Việt Nam. Tôi đã có đời sống của học sinh, sinh viên ở Việt Nam. Nơi quê hương thứ hai của tôi, nước Đức, đất nước với thế giới âm nhạc nổi tiếng 3 B: Bach, Beethoven, Brahms, tôi đã có những ngày tháng vui vầy sách vở ở trường trung học và đại học. Niềm vui bất ngờ làm tôi không nói nên lời. Tôi dạ dạ theo những lời phân tích, dẫn giải của thầy Dũng. Tôi thấy con đường trước mặt dẫu dài, dẫu gập ghềnh, vẫn kỳ thú với tiếng đàn tây ban cầm tuyệt vời. Tôi cố nhớ những điều thầy dặn. Điều quan trọng nhất là khát vọng, phải có khát vọng đeo đuổi ước mơ của mình.

Nhờ một chuỗi tình cờ may mắn, vài tháng sau cuộc điện đàm, cây đàn trong mộng của tôi đã đến Đức. Tôi sung sướng vô ngần, đem đàn ra ngắm, gảy nhẹ vài nốt. Tiếng đàn sao mà êm, mà dịu.

Tôi chuẩn bị “học cụ” cần thiết cho ngày tựu trường. Mặc dầu lúc ấy ở thị trường đã có điện thoại Note 6, tôi nhất định sắm Note 4 cho giống điện thoại thầy đang xài. Tôi tập dợt cách xài Skype. Điện thoại phải gắn ở vị trí thu hình được ngón tay đánh đàn. Những giờ học với thầy Dũng sau hơn ba chục năm gián đoạn đã cho tôi cảm nhận được những aha effects “hiệu ứng aha” trong cuộc sống. À há, thì ra là vậy. Học đàn, không chỉ đơn thuần là học đánh đàn mà còn học cả triết lý sống. Sống vui, sống khỏe, sống đầy ý nghĩa với âm nhạc. Thầy cắt nghĩa, chơi đàn là phải tái tổ chức hệ thần kinh. Này nhé, để đánh một nốt nhạc trên guitar mình phải trải qua 19 công đoạn trong não. Mình phải để ý đến các huyệt đạo trên tay: huyệt nội quan, huyệt ngoại quan… Tôi hay bị lỗi ở ngón a, ngón yếu nhất mà lại phải chơi sợi dây số 1, dây chanterelle, dây của giọng ca lảnh lót. Bởi vậy, lỗi một tí là nghe chói tai ngay. Đầu tiên, học trong tưởng tượng mười bước cho nhuần nhuyễn, rồi mới ôm đàn. Thầy bảo, chơi đàn cần khối óc lạnh và trái tim nóng. Vậy mà, khi tôi chơi, cả tâm lẫn trí đều nóng. Tôi chỉ mỗi bị “lạnh cẳng”, vì sợ mình chơi dở quá, thầy hết kiên nhẫn, không dạy nữa.

Tôi dợt các bài tập thầy gởi qua email. Tôi tập thâu, đưa vào YouTube. Một góc sân riêng của mình, để chỉ có thầy trò nghe thôi. Để thầy nhìn vào đấy, biết sai đúng mà sửa. Tuần nào, chưa tập dợt kỹ càng, ngại sẽ bị thầy rầy la, tôi vội vàng “hối lộ”. Tôi gởi thầy tấm hình tôi đẩy xe, đưa Ba tôi đi dạo công viên. Thế là vào giờ học, thầy nhân đạo, rộng rãi, không bắt trả bài. Có những lúc thấy tôi quá lo lắng, thầy cắt nghĩa như giỡn đùa. Chơi đàn như đi tìm đường. Không nên lật bản đồ vừa đi, vừa nhìn. Như vậy sẽ chậm lụt. Coi chừng sẽ va cột đèn, vì mải mê nhìn bản đồ. Tốt hơn, trước khi cất bước, hãy nhìn tổng thể bản đồ, định hướng cho mình, chia đường đi thành nhiều đoạn. Hình dung trong trí những bước cho từng đoạn đường ngắn. Dần dà, tôi có thể tận hưởng những phút giây thư giãn, thoải mái trong giờ học đàn.

Cuối tuần, tôi về nhà thăm Ba tôi. Ba tôi yếu nhiều, Ba chỉ nghe tôi nói chứ không góp chuyện. Đến giờ học đàn, tôi lên Skype. Chào hỏi thầy Dũng, tôi xin phép hôm nay chỉ học lý thuyết, chứ không đánh đàn. Tôi chỉnh máy hướng về phía Ba tôi, để ông cụ nói chuyện với thầy. Ông đang nằm dã dượi, bỗng tươi vui, sống động, chống tay ngồi dậy, giọng nói rõ, khỏe. Thầy Dũng khen: “Ông cụ tốt tướng quá. Ông còn ở với con cháu được lâu.” Ba tôi nhắc: “Con ráng học đàn lại đi. Học đàn cũng quan trọng, đem lại nhiều niềm vui cho mình”.

Khi Ba tôi thường xuyên ra vào bệnh viện, tôi phải nhiều lần xin dời giờ học. Thầy bảo: “Từ từ học sau. Bây giờ tập trung lo cho ông cụ đi. Đừng bận tâm. Sẵn dịp, Thúy bỏ học, anh có thêm thì giờ chăm bà cụ mẹ anh”. Có hôm thầy nhắn gọn qua viber: “Tạm nghỉ học vài tuần”. Tôi tưởng như nghe tiếng thảng thốt của thầy: “Tôi sợ, tôi sắp sửa mồ côi Mẹ”. Bao nhiêu tuổi đi nữa, mất mẹ, mình vẫn thành đứa trẻ mồ côi đau buồn.

Giờ đây, Mẹ thầy Dũng đã qua đời. Ba tôi đã khuất. Chúng tôi không còn những lúc vội vàng dời buổi học để tận dụng chút quỹ thời gian ít ỏi của đấng sinh thành. Đúng ra, lúc này tôi có nhiều thì giờ hơn để vui bên phím đàn. Nhưng có lẽ tâm tôi chưa đủ tịnh, tôi vẫn chưa cảm lại niềm đam mê chơi đàn của mình.

Tuổi hưu theo luật lao động của nước Đức là 67 tuổi. Tôi còn vài năm nữa để thực hiện dự định sở hữu tiếng đàn trước khi về vườn. Hy vọng tôi sẽ không phải đệ đơn lên Sở Lao Động Liên Bang xin dời tuổi hưu sang 80 tuổi, để tôi đủ thì giờ tập đàn. Một ngày rất gần, tôi sẽ trở về cung đàn. Để tôi được tròn thêm giấc mơ. Để tôi được thấy đời đẹp như mơ.

*Trích lời ca trong nhạc phẩm: Tình Khúc Thứ Nhất của nhạc sĩ Vũ Thành An

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: