Truyện ngắn: Ánh Mắt (2)

(Hình minh họa: Peter Nguyen/Unsplash)

Rồi từ ngày rời xa xóm đạo thân thương nhiều kỷ niệm đó, thỉnh thoảng tôi cũng ghé vào thăm hỏi gia đình Chuyên, gặp gỡ Cảnh hay bố mẹ Chuyên tâm sự vu vơ. Đôi lúc tôi cũng coi sóc sơ sài bài vở cho mấy đứa em trai của Chuyên.

Lần nào đến thăm, tôi đều nhận được sự săn sóc chân thành, tận tình của Chuyên cũng như sự vui vẻ thân tình của mọi người trong gia đình. Mỗi khi vừa trông thấy tôi đến thăm, hình như Chuyên chạy vội vào phòng sau, vuốt nắn, chăm sóc lại mái tóc, thoa một tí son đỏ trên đôi môi ,mừng rỡ chạy ra vồn vã chào đón tôi. Rồi lại im lặng đứng tựa vào khung cửa sổ, kín đáo nhìn tôi nói chuyện, cười vui với mọi người. Ánh mắt cảm phục, kính yêu của người cháu dành cho ông cậu “tài năng” nhưng hình như thoáng vẻ dìu dịu thân thương, có cái gì là lạ. Còn tôi thì vẫn vô tư, bình thản ngồi nói chuyện, đùa vui với ba mẹ Chuyên hay với Cảnh ở phòng khách.

Đôi khi, vì một cách cảm nào đó khiến tôi quay nhìn cô bé, ánh mắt chúng tôi gặp nhau, Chuyên lại lộ vẻ luống cuống, cố làm ra vẻ tự nhiên rồi vô tình quay đi hướng khác. Còn tôi thì vẫn với cái nhìn vu vơ, trong sáng của một người cậu thân tình đúng nghĩa trong gia đình. Những câu đùa giỡn của tôi đôi khi rất bạo dạn, có lúc tôi đưa đôi tay lên bả vai cô bé kéo sát vào mình không một tí ẩn ý.

Tất cả hành động của tôi được diễn đạt một cách bâng quơ, không ngại ngần mất tự nhiên. Những câu đùa giỡn vô tư của tôi vẫn được kèm theo những nụ cười thoải mái của chính tôi và tất cả mọi người trong gia đình Chuyên. Cái lý do rất đơn giản cho thái độ vô tình, ngay ngắn đó, vì trong lòng tôi luôn luôn nghĩ cô cháu của mình còn nhỏ, thua tôi 8 tuổi. Rất rõ ràng, hợp lý khi tôi đã được đặt vào vị trí của một người cậu trong gia đình.

Vào khoảng cuối niên học, ngày tốt nghiệp của tôi gần kề mang cho tôi bao nhiêu bận rộn. Vì bài vở, vì thi cử, cùng với những lo lắng cho vấn đề tìm việc làm sau khi tốt nghiệp, tôi chẳng còn thời gian để thăm viếng gia đình Chuyên nữa.

Một buổi chiều, trên đường từ đại học về nhà, chiếc xe Suzuki cà tàng, cũ kỹ không đèn của tôi bị hư máy dọc đường. Tôi đã dùng đủ mọi thủ thuật để sửa chữa, nhưng cuối cùng cũng phải mang nó đến cho một tiệm sửa xe để xe lại cho họ sửa, hẹn ngày mai đến lấy. Tôi không thể chờ họ sửa được vì lúc đó tôi chẳng có một đồng xu dính túi (đây là cái bệnh nghèo cố hữu, triền miên của suốt cuộc đời đi học của tôi). Mặc dù nhà rất xa nơi tiệm sửa xe nhưng tôi cũng chẳng còn giải pháp nào hơn là thủng thẳng đi bộ về nhà.

Trời hôm đó mây giăng mờ mờ, làm giảm đi rất nhiều cái nóng đổ lửa, ngột ngạt của Sài Gòn, đó cũng là cái may mắn nho nhỏ cho tôi lúc túng thiếu không có tiền để đi xe Lam (loại xe ba bánh chở khách rất thông dụng ở VN thời đó), phải cuốc bộ một khoảng đường hơn 3 cây số, từ ngã tư Hồng thập Tự – Lê Văn Duyệt đến Hoà Hưng. Trong lúc tôi đang chậm rãi đi bộ dọc trên lề đường, vài tiếng gọi đã làm tôi giật mình:

– Cậu Bình, cậu Bình…

Tôi đưa mắt tìm kiếm người gọi mình từ dòng xe dày đặc, đang xen kẽ, nối tiếp nhau trên con đường Lê Văn Duyệt vào giờ tan sở. Một chiếc xe Lam chở đầy khách từ từ táp vào lề đường , dừng lại phía trước mặt tôi. Từ trong xe, Chuyên tách rẽ mấy người khách ngồi phía ngoài rồi bước xuống xe. Nét mặt đầy mừng rỡ, ngạc nhiên, cô bé chạy đến phía tôi:

-Cậu Bình! Trời ơi, lâu quá rồi cậu không đến chơi nhà cháu, ai ai cũng nhắc nhở và mong cậu. Cậu Cảnh mấy lần từ Cái Sắn lên muốn gặp cậu lắm.

Tôi cũng rất mừng rỡ gặp lại Chuyên. Ít ra nhìn lại cô bé cũng nhắc nhở tôi là đã 3 tháng nay vì bận rộn với học hành, thi cửa, tôi chưa đến nhà cô bé lần nào. Tôi đứng lại tỏ vẻ vui mừng vì sự vồn vã quá thân tình của Chuyên. Tôi nói với cô bé:

-Cháu Chuyên, cậu bận quá vì phải lo thi cử ra trường cháu ạ. Cháu và gia đình có gì lạ không ?

Tôi chợt nhìn thấy trên góc chiếc áo dài trắng của Chuyên, phía ngực bên trái, có dấu hiệu đỏ của trường trung học Nguyễn Bá Tòng. Ngạc nhiên hơn nữa tại sao cô bé lại đi xe Lam thay vì chiếc xe Honda PC50, mà cô bé luôn luôn lau chùi rất kỹ lưỡng chỉ dành cho việc đi học hàng ngày. Nhìn Chuyên với đôi mắt dò hỏi, tôi nói:

-Xe của cháu đâu rồi ? Cháu bỏ học trường Đồng Tiến rồi hả?

-Cháu cho Hợp mượn xe hôm nay rồi. Cháu và Hoàng, cô bạn thân của cháu ở giữa xóm, người mà cậu đã vài lần được mẹ cô ta mời vào nhà chỉ toán cho cô ta đó. Cậu còn nhớ không? Chúng cháu bỏ trường Đồng Tiến lên Nguyễn bá Tòng từ mấy tháng nay rồi. Hôm nay Hoàng bị bệnh nghỉ học cho nên chẳng có ai chở cháu về vì vậy phải đi xe Lam cậu à.

Trả lời tôi xong, Chuyên mở lớn đôi mắt nhìn tôi với sự ngạc nhiên lộ ra mặt, Chuyên hỏi tôi:

-Ừ nhỉ, tại sao cậu phải đi bộ? Chiếc xe Suzuki giang hồ, không đèn của cậu đâu rồi?

Câu hỏi quá thật tình của cô bé làm tôi nhớ đến chiếc xe Suzuki M15 bạc rạc, xọc xạch của mình. Tôi không ngờ nó đã nổi danh với gió bụi, đến nỗi cô cháu tôi đã gọi nó là chiếc xe giang hồ, không đèn! Đã thế tôi lại càng ngượng ngùng, đau khổ,  không biết trả lời ra sao cho câu hỏi vô tình của cô bé, khi nghĩ đến vì cái túi không tiền của mình mà đang phải thong dong cuốc bộ về nhà.

Ngập ngừng một tí, nở nụ cười như để cố che dấu cảm giác xấu hổ, tôi trả lời cô bé:

-Xe cậu hỏng rồi, phải để ở tiệm cho họ sửa, vì không có tiền đi xe Lam về nhà, cho nên cậu đành đi bộ chứ làm sao được?

Câu nói của tôi hình như chẳng có ảnh hưởng gì với cô bé, chắc cô bé tưởng tôi nói đùa!?.. Nhưng cũng có lẽ quá mừng rỡ gặp lại tôi cho nên cô bé cũng chẳng cần nghe, chẳng cần hiểu lời nói thật thà, đau buốt của tôi. Cô bé nắm lấy tay tôi rất tự nhiên rồi nhí nhảnh nói với tôi:

-Cháu cũng đi bộ với cậu cho vui.

Tôi nói vài câu chối từ lấy lệ, để cho qua mà thôi. Thật ra trong lòng tôi cũng cảm thấy vui vui nếu có một người làm bạn đồng hành để nói chuyện, quên đi khoảng đường khá dài mà mình phải miễn cưỡng cuốc bộ. Huống chi lại là cô cháu gái dễ thương, mà tôi đã từng đùa giỡn không một tí ngại ngần trong suốt mấy năm quen biết vừa qua.

Đi với nhau, nói chuyện được một lúc, có lẽ không quá 5 phút đồng hồ. Cô bé quay sang nhìn tôi ra vẻ mệt nhọc, nét mặt hơi nhăn nhó, nói với tôi trong âm thanh có tí nũng nịu:

-Cậu Bình, cháu khát nước quá, cậu mời cháu một chầu nước đi.

Đến lúc này thì thật sự tôi đã rơi vào cảm giác choáng váng vì xấu hổ, ngượng ngập rồi. Tôi biết cô cháu gái đã không nghe rõ hay không tin những lời tôi vừa nói, nghĩ rằng tôi nói đùa về cái túi không tiền nên phải cuốc bộ về nhà! Cô bé chắc cũng không biết cái nghèo túng triền miên của tôi (vì tôi đã từng đùa giỡn mà!). Thừ người ra, im lặng một tí, đôi chân tôi bước chậm lại, nhìn thẳng vào mặt cô bé, với giọng nói rất rõ ràng, không đùa giỡn, tôi ngượng ngập nói:

-Cậu nói thật với cháu đó. Cậu không có tiền trả tiền sửa xe cho nên mới phải đi bộ về nhà.

Tưởng rằng với câu trả lời đau khổ của mình sẽ làm cho cô cháu gái im lặng cảm thương, buồn bã cho cái nghèo túng của ông cậu. Người mà cô ta kính ngưỡng, luôn luôn nhìn vào như ngọn hải đăng ngoài biển cả. Nhưng hoàn toàn ngược lại sự tưởng tượng của tôi, Chuyên lại tỏ ra vui mừng, cái vui mừng kỳ lạ, phơi bày trọn vẹn, rõ ràng  trên khuôn mặt trái xoan ngây thơ, trong nụ cười, ánh mắt rực rỡ của cô bé. Cô bé cầm vội lấy cánh tay tôi, ngước mắt nhìn tôi rất thân thiện rồi nói:

-Thế thì may quá, cháu có tiền! Cháu sung sướng được ”bao” cậu một chầu giải khát.

Nói xong, chẳng đợi tôi trả lời, cô bé cầm tay tôi kéo đi dù tôi vẫn còn lịm người ngượng ngập, khó xử sự. Hình như nhìn thấy sự lưỡng lự của tôi, Chuyên đưa mắt nhìn tôi thân thiện rồi nói:

-Cậu đừng lo, cháu có tiền mà! ” Bao” cậu một lần giải khát có chi là nhiều đâu, cậu đừng từ chối làm cháu buồn.

Trong hoàn cảnh đó tôi chẳng biết làm sao hơn là bước theo cô bé vào một quán nước không xa, ngay gần ngã tư, góc đường Phan Đình Phùng.

Vào trong quán, sau khi đã ngồi đâu vào đó ở một chiếc bàn nơi góc quán, Chuyên hỏi tôi rất nhẹ:

-Cậu uống gì ? Cháu kêu hai trái dừa lạnh nhé?

Tôi nhìn vào tờ giấy ghi giá cả đính trên tường của quán nước, ngay phía trên chiếc bàn: Dừa lạnh 15 đồng, trà đá 3 đồng… Tôi nói nhẹ với Chuyên:

-Cậu uống trà đá.

Có lẽ khi tôi nhìn trên bảng giá và sự lựa chọn của tôi đã không qua được sự chú ý của Chuyên. Cô bé nói với tôi:

-Không, cậu phải uống nước dừa với cháu, cậu đừng ngại cháu không có tiền. Đây này, cháu có dư tiền mà.

Vừa nói, Chuyên vừa mở cái bóp nhỏ trong chiếc cặp đi học ra. Im lặng, chậm rãi lấy ra tờ giấy 50 đồng cho tôi thấy. Rồi cô bé kín đáo đẩy nhẹ tờ giấy bạc, ép nó dưới cái tàn gạt thuốc lá ở giữa bàn. Sau đó cô bé đưa mắt len lén nhìn chung quanh ra ý chắc chắn không có người nào nhìn thấy. Với giọng nói rất nhẹ, bí mật, gần như bằng hơi thở, cô bé nói với tôi:

-Cháu đưa tiền cho cậu trả hộ, để cậu khỏi phải áy náy, kỳ cục vì con gái trả tiền cho con trai nhe!

Tôi nghe cô bé nói mà lòng mình ngẩn ngơ. Tôi không ngờ cô cháu bé nhỏ, ngây thơ của mình lại có thể chú ý đến những cái rất tế nhị, đầy tâm lý như vậy. Trong khi tôi, đứa con trai gần 24 tuổi vẫn còn ngờ nghệch. Tôi nở nụ cười hơi buồn che dấu cái mặc cảm vì nghèo triền miên của mình. Cũng lúc đó trong lòng tôi chợt manh nha một khám phá rất mù mờ, nhưng cũng đủ cho tôi có một cảm nhận là cô cháu gái của mình hình như đã có cái gì lớn khôn của một người thiếu nữ rồi.

Trong lúc tôi còn đang ngẩn ngơ với hành động tâm lý khôn ngoan của Chuyên. Cô bán quán đã đến đứng cạnh chiếc bàn ra ý hỏi chúng tôi dùng gì. Tôi chưa kịp trả lời, Chuyên đã nhìn cô bán quán, nói với cô ta:

-Chị cho em hai trái dừa xiêm lạnh.

Tôi giật mình với quyết định qúa nhanh của cô cháu. Vội vàng tôi nhìn cô bán quán rồi sửa lại lời yêu cầu:

-Chị cho tôi một trái dừa lạnh và một ly trà đá…

Chuyên xua tay ra dấu với cô bán quán, rồi cô bé ngắt lời tôi:

-Không, chị cứ mang ra cho em hai trái dừa mà.

Cô bán quán đưa mắt nhìn tôi rồi nhìn Chuyên tỏ ý không biết phải làm sao. Tôi ngước mắt nhìn cô bán quán một lần nữa rồi với giọng rất rõ ràng, tôi nói với cô ta:

-Đây là cô cháu của tôi. Tôi nghèo quá không có tiền để mời cháu mình uống nước, cháu tôi đã phải bỏ tiền ra ”bao” tôi. Vậy chị cứ mang cho tôi một ly trà đá, chẳng có gì phải suy nghĩ nữa.

Nói xong, lấy tay chỉ vào tờ giấy 50 đồng còn nằm chình ình trên mặt bàn, dưới chiếc gạt tàn thuốc lá, nhìn cô bán quán, tôi nói tiếp:

-Chị thấy không? 50 đồng là của cháu tôi đó. Cô ta sợ tôi ”quê” với chị, đưa cho tôi trả tiền đó!

Chuyên ngỡ ngàng, giương mắt nhìn nét mặt thật thà của tôi. Cô bé lắc đầu nhè nhẹ, chậm rãi ngại ngần nói với tôi:

-Cậu Bình kỳ quá. Có gì đâu mà cậu áy náy đến như vậy.

Khi cô chủ quán mang trái dừa và ly trà đá ra, vừa để trên mặt bàn. Tôi định kéo ly trà đá gần về phía mình, nhưng Chuyên đã đưa tay ra trước, cầm lấy ly trà đá. Cô bé nói nhẹ:

-Cậu để cháu quấy đường cho cậu nhé.

Tôi im lặng nhìn cô bé chậm rãi mở lon đường, lấy vài muỗng đường cho vào ly nước, quấy rất kỹ lưỡng trước khi đưa vào tay tôi. Cô bé nói rất nhẹ:

-Cháu mời cậu.

Thẫn thờ nhìn sự chiều chuộng, chăm sóc của cô bé, tôi có cảm tưởng lần chiều chuộng, chăm sóc của Chuyên dành cho tôi hôm nay, ở quán nước, có một tí gì khang khác những lần chăm sóc cho tôi ở nhà cô bé. Tâm tư tôi chợt lóe lên một vài câu hỏi rất mù mờ, hành động của cô bé có còn là sự kính mến, lo lắng đúng nghĩa của người cháu dành cho người cậu nữa hay không? Hình như tôi thoáng nhìn thấy, cái gì có vẻ mông lung, lãng mạn ẩn chứa một vài âm thanh ấm cúng nhẹ nhàng của người con gái dành cho người con trai mà nàng yêu mến thì phải?

Cảm giác đê mê, sung sướng thoáng hiện trong lòng tôi, nhưng cũng chỉ qua vài phút đồng hồ rồi lại biến mất. Tôi nghĩ, cô cháu của mình vẫn còn bé như ngày nào, vẫn là cô gái 14 tuổi ngây ngô, ngày mà tôi rất thường đến nhà cô bé, một người khách đã được cả gia đình mến trọng, coi như người thân trong gia đình. Cô bé kính trọng, chăm sóc tôi chỉ vì cảm phục tài năng, tư cách của một người cậu thân thương mà thôi.

Chúng tôi ngồi với nhau, nói chuyện lung tung, quanh các chuyện học hành và vài ước muốn vu vơ trong cuộc sống. Chuyên hỏi tôi khá nhiều về ý định cho tương lai sau khi tôi tốt nghiệp, quan niệm của tôi thế nào về một cô con gái đẹp, dạng người yêu mến trong ước mơ của tôi…. Tôi có bao giờ nghĩ đến việc lập gia đình sau khi tốt nghiệp rồi tìm được việc làm không? Đặc biệt tôi đã để mắt hay chú ý đến một người con gái nào chưa ?..v.v.. và ..v..v.. Dĩ nhiên trong thân tình và tư thế người cậu trong sáng tôi chẳng có gì để dấu giếm, tôi chân tình trả lời tất cả cho Chuyên nghe.

(còn tiếp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: