Mầu trắng là mầu của người yêu (*)

(*) tên tiếng Việt của bài hát “Shiroi iro wa kohibito no iro”
(Hình minh họa: Larm Rmah/Unsplash)

Tình ngỡ đã phôi phai, nhưng tình vẫn còn đầy  

Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây

(Trịnh Công Sơn)

Hôm nay cuối tuần trong cái vắng vẻ khá lạnh, hơi bất thường của Thuỵ Sĩ, Tháng Sáu, đầu mùa hạ mà vẫn phải đốt lò sưởi. Trong cái không gian lành lạnh đó, tôi đem ra đọc lại một truyện ngắn tình cảm mà tôi viết cũng khá lâu, được dựa vào đề tựa rất lãng mạn của một bài hát Nhật Bản vào khoảng năm 1969, đó là bản: Mầu trắng là mầu của người yêu (Shiroi iro wa kohibiro no iro). Bản nhạc này không nổi tiếng trong lãnh vực nghệ thuật, âm thanh, nhưng nó lại đáng nhớ, làm cho nhiều người cảm thích vì lời nhạc rất lãng mạn!

Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1985, có một nhóm nhạc trẻ Nhật Bản sang Thuỵ Sĩ giao lưu về âm nhạc với sinh viên Thuỵ Sĩ tại thành phố Luzern… đúng lúc tôi du lịch tại đó với mấy người bạn Thuỵ Sĩ. Chúng tôi đã gặp nhóm nhạc trẻ Nhật Bản khi họ đang dò la đường xá tại nhà ga trung tâm của thành phố! Khi biết tôi đã du học tại Nhật và đang làm việc tại Thuỵ Sĩ, sau một lúc nói chuyện với nhau, chúng tôi rủ nhau vào một quán ăn bên bờ hồ Luzern. Tôi giới thiệu họ với món ăn Fondue truyền thống của Thuỵ Sĩ (Fromage nấu chẩy ăn với bánh mì, giống như món nhúng giấm của Việt Nam chúng ta, chỉ khác là thay vì giấm nấu sôi thì là fromage nấu chẩy), họ rất thích vì độc đáo! Trong lúc ăn uống, nói chuyện, tôi có hỏi một cô nữ sinh viên Nhật Bản trong đoàn về bản nhạc rất lãng mạn này! 

Cô sinh viên đó nhìn tôi có chút ngẩn ngơ vì không ngờ được tôi lại biết một bản nhạc rất lãng mạn nhưng gần như vô danh xưa cũ đó! Rồi buổi tối hôm đó trong cuộc gặp mặt nhóm sinh viên Thuỵ Sĩ trong club, cô ta đã nhờ tôi nói về ý nghĩa của bản nhạc cho mọi người hiểu rồi sau đó cô ta kéo violin họa cùng hai người bạn Nhật trong đoàn (một người dạo đàn piano và một người thổi sáo) trình tấu bản nhạc đó. Bản nhạc êm nhẹ, hơi buồn vì tiếng sáo và tiếng dương cầm buông thả, êm nhẹ quyện theo tiếng violin réo rắt của cô ta! Mọi người chúng tôi rất thích thú khi thưởng thức, có lẽ vì đã hiểu được ý nghĩa của tác phẩm. Đại khái ý nghĩa của bản nhạc như sau:

Mầu trắng là mầu của người tôi yêu. Mầu đỏ là mầu của tôi, mầu của say đắm mối tình đầu. Mầu xanh là mầu của tình yêu lúc chúng tôi hạnh phúc bên nhau. Nhưng mầu vàng của hoàng hôn, ráng chiều là mầu của những giọt nước mắt buồn tẻ xa nhau!…..

Đại khái ý nghĩa của bản nhạc êm dịu hơi buồn tẻ này như thế, tôi đã lấy đề tựa đó cho một câu chuyện tình buồn vì lỡ làng nhưng rất đẹp mà gửi đến quý vị đây! Đọc để buồn cho một lần gặp gỡ thoáng qua trong đời nhưng lại làm cho người ta nhớ mãi, không quên!

(Zuerich, June, 2024 )

ふるさとの あの人と                                                                                                                                                                                                                                                                                             

Vào truyện

Đời sống của tôi bị ảnh hưởng nặng nề sau ngày mối tình của tôi và Dung bị đổ vỡ. Gần như mỗi ngày sau khi tan sở, tôi đều tham dự vào những cuộc uống rượu hay đi chơi rất khuya với vài người bạn trong hãng. Tôi buông xuôi, thả lỏng đời sống của mình theo những thú vui không mấy lành mạnh. Những ngày cuối tuần không còn là thời gian để tôi ngồi hằng giờ gò nắn viết những lá thư nặng tình, lãng mạn dài nhiều trang giấy, cũng chẳng là những lúc đi dạo phố tìm mua những băng nhạc tình aí hay kỷ vật xinh xắn gửi cho Dung nữa. Bây giờ thời gian với tôi toàn là trống rỗng, cô đơn và buồn chán.

Một buổi sáng chủ nhật đẹp trời nắng ấm, vào giữa tháng ba dương lịch. Sau một đêm dài không ngủ, dằn vặt về những sa đọa dại khờ của mình trong những ngày tháng vừa qua chỉ vì chán nản buông xuôi vì tình ái . Tôi đi dạo trong một công viên khá đẹp chạy dọc theo bờ biển, gần nơi cư ngụ mong tìm lại một vài sự thanh thản của tâm hồn. Trên bãi cỏ xanh, những cụm hoa pensée mọc nối tiếp nhau. Nhìn từ đằng xa như một dải lụa nhiều mầu chạy ngoằn ngoèo,len lỏi vào giữa những khối đá ở góc những con đường trải nhựa, nhỏ hẹp trong công viên. Thỉnh thoảng có vài cụm hoa tulip hay những cây hoa thủy tiên (narzisse) mầu vàng hay trắng vươn cao khỏi cái vẻ thấp lè tè của những đám pensée tạo ra những chấm phá rất đẹp mắt.

Dọc theo hai bên đường, những cây hoa anh đào khoe mầu trắng xóa, đang đúng mùa nở rộ. Thỉnh thoảng vài làn gió nhẹ, làm rơi rụng những cánh hoa trắng mong manh, lăn tăn bay trong gió lấp lánh dưới ánh mặt trời. Trong cái lạnh nhè nhẹ của mùa xuân lại làm tôi chợt liên tưởng đến những bông tuyết bay bay trong những ngày mùa đông đẹp trời.

Trong lúc tôi đang buồn bã với những ngày tháng buông xuôi, thiếu can đảm của mình. Từ đằng xa đi ngược lại phía tôi, một cô gái trong chiếc jupe mầu trắng, trên cổ quàng một chiếc khăn mầu cũng mầu trắng. Chiếc khăn vươn ra phía sau tung bay theo theo làn gió, kéo theo vài lọn tóc loả xỏa trên nét mặt dễ thương, khả ái lại càng làm gia tăng nét đẹp quý phái của cô ta. Đến gần hơn, tôi nhận ra ngay dáng dấp quen thuộc dể thương của Satoko, người nữ sinh viên cùng học trong phân khoa thực phẩm với tôi. Satoko thuộc ban vi trùng học còn tôi ban biến chế và tồn trữ thực phẩm.

Khoảng một năm về trước, khi tôi còn đang học năm cuối cùng ban đại học viện (Đại học Nhật có hai cấp, ban đại học đào tạo kỹ sư, cử nhân và ban đại học viện đào tạo cấp cao hơn ), Satoko vừa lên năm thứ ba ban đại học .Thấy chương trình thực tập của ban đại học có nhiều đề tài thực dụng, tôi xin vị thầy đỡ đầu để tham dự vào một vài giờ thực tập của họ. Ngẫu nhiên tôi được xếp cùng nhóm với Satoko. Hình ảnh người con gái xinh đẹp, dong dỏng cao luôn luôn trang phục mầu trắng sang trọng, đã đi vào trí nhớ, cảm tình của tôi từ ngày đó.

Nét đẹp quý phái của Satoko không chỉ gây cho tôi chú ý, mà hầu hết sinh viên trong phòng thí nghiệm nơi tôi làm việc, họ cũng thường nói đến cô ta trong những giờ giải lao. Gia đình Satoko giàu có, bố là một luật sư giám đốc một phân bộ (bu-cho) trong tòa tỉnh Kagoshima. Satoko được mọi người chấm là cô sinh viên đẹp nhất và dễ thương nhất của phân khoa thực phẩm…

Gần như hàng ngày, mỗi buổi sáng từ chiếc cửa sổ của phòng thí nghiệm trên lầu ba, nơi làm việc, tôi vẫn nhìn thấy Satoko đến đại học. Nàng luôn luôn với bộ jupe, áo choàng và cả đến đôi giày, đôi tất, khăn quàng cổ… Tất cả, không ngoại trừ, không đổi khác, luôn luôn là mầu trắng. Với nét quý phái, cao kỳ đó, Satoko được mọi người kể cả các nhân viên trong văn phòng phân khoa, mọi người nhìn nàng với ánh mắt cảm mến, dễ thương.

Khi chúng tôi đến gần nhau, Satoko nhìn tôi  mỉm cười, gật đầu nhẹ chào tôi và nói:

-Chào anh Dương, anh khỏe mạnh không ? Hôm nay trời đẹp, nắng  ấm anh nhỉ ?  (thói quen của người Nhật là dùng những câu về thời tiết để chào hỏi nhau).

-Chào cô Satoko, cám ơn cô, tôi vẫn khỏe. Vâng hôm nay trời rất đẹp. Có lẽ cô cũng đi dạo để  ngắm hoa anh đào và hoa Pensée đang nở ?

-Vâng, tôi nghe nói anh đang làm việc cho công ty Tanigawa ? Có gì vui và thay đổi sau ngày anh tốt nghiệp không ?   

Với vẻ không vui, tôi trả lời:

-Chẳng có gì gọi là thích thú cả, ngoài những thí nghiệm quen thuộc lập đi, lập lại hàng ngày. Không khí của đại học có lẽ hấp dẫn và vui vẻ với tôi hơn. Hôm nay, chợt thấy buồn chán vì vài điều không vừa ý, tôi lang thang ra đây nhìn hoa anh đào nở để giải khuây, cô Satoko ạ.

Satoko nhìn tôi với  tí chút ngập ngừng nàng nói với tôi:

-Có lẽ anh vẫn còn buồn vì sự dở dang tình cảm vừa qua ?

Tôi giật mình khi nghe câu nói của Satoko. Tôi tự hỏi chuyện dang dở tình cảm của tôi và Dung tại sao cô ta biết ? Tôi chỉ tâm sự với ông thầy đỡ đầu của tôi, vì ông là người gắn bó và giúp đỡ tôi rất nhiều trong mấy năm vừa qua sau ngày 30 Tháng 4 năm 1975. Ông đã bảo lãnh cư trú cho tôi để hoàn tất chương trình học, giới thiệu xin việc làm cho tôi sau khi tốt nghiệp.

Satoko hình như đoán được sự ngạc nhiên của tôi, nhìn tôi mỉm cười có vẻ khó hiểu. ngần ngừ tí chút rồi cô ta nói với tôi :

-Có lẽ anh ngạc nhiên tại sao tôi biết chuyện tình cảm của anh phải không ? Thật ra, chẳng riêng tôi, mà tất cả mọi người trong phân khoa đều biết rất rõ về anh . Họ biết đến những chuyện lăng nhăng, không mấy tốt đẹp của anh trong thời gian chưa tốt nghiệp, chưa đi làm cho hãng Tanigawa nữa.

Tôi đã ngạc nhiên, nhưng còn ngạc nhiên hơn nữa, im lặng nhìn kỹ dáng dấp sang trọng, quý phái của cô ta như muốn xác định lời nói đó không phải là sự đùa giỡn. Tôi trả lời :

-Người ta biết quá nhiều về đời tư và cả sự dang dở tình cảm của tôi. Nhưng có gì được coi là đáng trách đâu ? Nếu chỉ vì một mối tình không trọn vẹn mà người ta gọi là lăng nhăng tình ái thì đúng là vô lý thật ! Tôi không hiểu được dư luận đã dựa vào đâu để kết án, đánh giá tôi như thế ?

-Không, anh lầm rồi. Người ta đâu có trách anh có một mối tình, cũng chẳng ai trách anh buồn đau vì lỡ làng, dang dở. Nhưng người ta than phiền anh đã che dấu để đến với vài người đàn bà khác như là sự lừa dối ! Anh Dương,  anh chẳng nên lấy bàn tay nhỏ bé của mình mong che lấp được sự thật mà nhiều người đã biết quá rõ về anh.

Tôi ngẩn ngơ và mất bình tĩnh vì lời kết án quá đáng của Satoko, cau mày nhìn cô ta,không phải chỉ vì ngạc nhiên mà còn bực bội nữa. Với giọng nói hơi gắt, tôi nói :

-Ngoài mối tình duy nhất vừa bị đổ vỡ, tôi chẳng có một mối tình nào khác nữa. Dư luận đúng là xảo trá và khó hiểu.

Satoko nhìn tôi với ánh mắt ngạo mạn, cô ta nói :

-Alia, anh biết cô ta chứ ? Đó chẳng phải là một chứng cớ điển hình sao ?

Lúc này tôi mới hiểu. Một ngộ nhận quá lớn mà tôi không thể ngờ được. Alia, cô sinh viên có sắc đẹp của hai dòng máu Pakistan và Bangladesh. Gia đình cô ta rất thế lực, là họ hàng của ông Raman, vị tổng thống đầu tiên của Bangladesh. Alia cũng như tôi, nàng nhận học bổng của chính phủ Nhật bản và cùng theo học tại phân khoa thực phẩm với tôi nhưng khác ban học. Qua sự giới thiệu của tôi, Alia mướn một căn phòng trong cùng dãy nhà nơi tôi cư ngụ.

Trong gần một năm trước khi tốt nghiệp, tôi và Alia rất thân nhau. Chúng tôi đi phố, đi chợ, đôi khi còn rủ nhau đi ciné với nhau nữa…. Sự giao thiệp giữa tôi và cô ta không quá giới hạn của người bạn sống xa quê hương và gia đình, nhất là cùng ra đi từ một quốc gia nghèo. Giao tình của chúng tôi chẳng có gì hơn những điều đó. Hơn nữa trong khoảng thời gian tôi quen Alia, tôi và Dung rất gắn bó. Hình bóng của Dung gần như luôn luôn trong tâm hồn, trí nhớ tôi thì làm sao tôi nghĩ đến Alia được?

Tôi phân trần cho Satoko hiểu rõ giữa tôi và Alia đúng nghĩa một người bạn, chúng tôi chỉ thân nhau chỉ vì đến Nhật trong một cùng một hoàn cảnh mà thôi. Tôi cũng cho nàng biết từ ngày tôi rời xa đại học đi làm. Đã gần một năm nhưng tôi chưa một lần nào gặp lại hay điện thọai với Alia .Satoko nhìn kỹ tôi, hình như muốn kiểm điểm lại sự thật trong lời giải thích, biện hộ của tôi. Rồi Satoko nói :

-Thế còn Mayumi, cô quản thủ thư viện phân khoa ?

Lại một lần nữa tôi thở dài ngao ngán! Mọi người đã tưởng tượng quá nhiều và nhìn tôi dưới con mắt nghi ngờ, đáng trách. Mayumi, cô quản thủ  thư viện phân khoa, người đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong ba năm mà tôi theo học tại đại học Kagoshima. Những tài liệu khoa học cũng như điện thoại đến các viện khảo cứu, các đại học khác trên toàn quốc, để xin những bài khảo cứu, tài liệu cho tôi dùng vào việc tham khảo.

Những thủ tục đó đôi lúc rất phức tạp và khó khăn đối với khả năng sinh ngữ Nhật cần cho sự giao tiếp rất giới hạn của tôi. Ngoài ra tôi không phải trả cước phí, tiền điện thoại cho việc sao chụp những tài liệu đó nhờ sự liên hệ giữa các thư viện với nhau. Trong thời kỳ viết luận án tốt nghiệp, Mayumi  giúp tôi đánh máy, chụp hình ảnh (slides) , kẻ những bảng kết quả thí nghiệm để tôi dùng vào việc trình bày trước hội đồng giám khảo… Nhiều lần tôi và Mayumi ngẫu nhiên gặp nhau vào buổi cơm trưa ở nhà ăn sinh viên, chúng tôi ngồi chung bàn với nhau. Tôi mời Mayumi  ly cà phê, vài chiếc bánh tráng miệng… Tất cả chỉ là sự trả ơn một người bạn tốt đã giúp đỡ mình quá nhiều.  Chỉ có thế, sự quen biết thông thường mà ai cũng phải làm như tôi mà thôi.

Sau khi  phân trần về những ngộ nhận đáng tiếc mà tôi không thể ngờ được. Tôi nhìn Satoko như chờ đợi sự thông hiểu của nàng. Mặc dầu tôi biết rằng với những đau buồn to lớn của lần lỡ làng tình cảm vừa qua, sự ngộ nhận vu vơ đó cũng chẳng còn là điều đáng để ý nữa.

Một lúc im lặng trôi qua, Satoko nhìn tôi với đôi mắt dấu dịu hơn, nói với tôi :

-Có lẽ tôi là người duy nhất tin và hiểu những gì anh vừa nói, Duơng ạ. Tôi không thể ngờ sự thật lại như vậy. Xin anh tha lỗi vì tôi đã nghĩ oan cho anh. Mọi chuyện cũng đã qua, hãy quên đi, tôi nghĩ rằng anh còn nhiều việc quan trọng hơn để làm.

-Cô chẳng có lỗi gì với tôi cả, tôi cũng chẳng làm gì  hơn là im lặng. Đúng như vậy, có những điều rất buồn, nhưng người ta đành phải im lặng để nhận nó mà thôi.

Nghe tôi nói với vẻ buồn nản, Satoko nhìn tôi ái ngại, nàng an ủi :

-Tôi biết anh rất buồn vì đổ vỡ vừa qua, nhưng có lẽ tốt nhất vẫn là quên lãng.Thời gian sẽ giúp anh trở lại với những mới mẻ, đẹp đẽ hơn. Trời hôm nay đẹp quá. Nếu anh thích chúng mình cùng đi dạo với nhau một lúc rồi vào quán uống cà phê nói chuyện. Anh nghĩ sao ?

Tôi ngạc nhiên với sự thay đổi thái độ đột ngột của Satoko. Từ nghi ngờ, kết án tôi lăng nhăng, nàng lại thông hiểu và muốn thân cận, tâm sự với tôi.Với hơn 3 năm sống ở Nhật, tôi biết được vài thể thức của những câu nói tỏ lộ tình cảm kín đáo của người phụ nữ Nhật bản. Cái xã hội có thể vì quá bận rộn với công việc làm ăn, nhưng cũng có thể vì bản chất ngại ngùng, khép kín của người đàn ông. Người phụ nữ Nhật gần như luôn luôn tìm cách đi những bước khởi đầu trong lãnh vực tìm hiểu tình cảm. Họ dùng âm điệu trong lời nói, cùng với vài câu văn ẩn ý để phá vỡ bức tường ngại ngần cố hữu của người đàn ông. Giúp người đàn ông an tâm, không cần ngượng ngùng nếu muốn đưa ra những bước chân tiếp nối, dò dẫm mà người phụ nữ Nhật đang đợi chờ họ . Những câu nói khởi đầu, mồi chài đó gần như rất phổ biến trong xã hội, được mọi người hiểu ngầm một cách rất tự nhiên.

Chúng tôi đi bên nhau dọc theo những con đường nhỏ trong công viên, đầy những cánh hoa anh đào trắng rơi rụng, vương vương trên mặt đường. Có lúc chúng tôi dừng lại ngồi trên những tảng bê tông đúc hình khối đa diện, xếp chồng lên nhau dọc theo bờ biển. Satoko hỏi tôi rất nhiều về mối tình giữa tôi và Dung,  lý do đưa đến sự lỡ làng. Thỉnh thoảng nàng đứng lại giữa đường quay sang nhìn tôi như để tìm sự thực với những suy tưởng lãng mạn của tôi về tình yêu. Chẳng hạn khi tôi nói về kỷ niệm của một cuộc tình vỡ đổ nhưng vẫn để lại trong lòng tôi những nét đẹp của nhớ thương và tiếc nuối. Satoko thắc mắc :

-Em vẫn chưa hiểu được cái quan niệm lạ lùng của anh về tình yêu. Tại sao trong nỗi buồn đau vì dang dở anh lại tìm thấy trong đó cảm giác đẹp đẽ?! Nếu anh chẳng phải là con người cố ý tạo ra sự lập dị, hay là một triết gia.

-Đúng như vậy Satoko ạ! Một mối tình đúng nghĩa, nếu bị dang dở vì một lý do nào đó ra ngoài sự lựa chọn của hai người yêu nhau. Không phải đổ vỡ vì lừa đảo hay trốn chạy thấp hèn, cũng không phải vì tính suy ích kỷ. Như vậy, kỷ niệm của mối tình đó vẫn là những gì để người ta tôn thờ, nhớ nhung dù phải xa nhau. Mối tình đó vẫn là một mối tình đẹp làm người ta nuối tiếc và nhớ thương dù buồn bã .

Rồi tôi dịch và giải nghĩa cho nàng nghe vài câu thơ của Hồ Dzếnh :                          

…Tình chỉ đẹp khi còn dang dở

Đời mất vui khi đã vẹn câu thề

Thư viết đừng xong,thuyền trôi chớ đậu

Cho ngàn sau vương vấn… mối tình xưa !

Sau khi nghe lời giải thích, Satoko không nói gì, im lặng đi bên tôi. Tôi biết chắc rằng, bóng dáng yêu kiều,cao quý đó đang trầm mình vào với những suy tưởng về cảm giác đau xót của mối tình dang dở, nhưng trong nỗi buồn đau, người ta vẫn tìm được những dấu tích đẹp đẽ của kỷ niệm. Cũng có thể trong im lặng đó nàng vừa khám phá ra một cảm xúc mà trước đây vài phút, với nàng vẫn còn vô lý ngược đời,  bây giờ với giải thích của tôi nàng đã thấy trong cái vô lý đó vẫn tiềm ẩn cái lãng mạn đáng yêu !

Mãi một lúc sau, Satoko nói với tôi rất chậm như để đủ thời gian lựa chọn những ngôn từ diễn tả trọn vẹn những điều mà nàng vừa khám phá ra được:

-Cám ơn anh, Dương ạ. Nhờ anh, em vừa biết được một điều, không phải chỉ có những cuộc tình trọn vẹn mới đẹp đẽ. Cũng nhờ anh em mới hiểu được câu nói của một nhà tâm lý: “Dầu khổ đau hay sung sướng bởi tình yêu, vẫn là điều hạnh phúc, đáng thương, bất hạnh cho những tâm hồn khô khan, sỏi đá chẳng biết gì về cảm giác yêu đương.”

Trong khi tôi đang thỏa mãn với kết quả của lời giải thích của mình. Satoko nắm nhẹ lấy tay tôi, nàng hỏi :

-Nếu em muốn được xem tấm ảnh của Dung, cố nhân của anh có phải là đòi hỏi quá đáng không anh ?

Tôi lấy trong túi áo, tấm ảnh của Dung đưa cho Satoko. Nàng cầm tấm ảnh, ngắm nghía. Xoay đủ chiều như mong tìm ra những dấu tích mối tình mà nàng đang tò mò muốn biết nó ra sao. Khi lật lại mặt sau, vẻ mặt nàng hơi thất vọng khi biết rằng tò mò của mình đã bị ngăn trở bởi dòng chữ tiếng Việt,  Dung viết cho tôi : ”Tặng anh để kỷ niệm và mãi mãi nhớ nhau !” dòng chữ mà Satoko chẳng thế nào hiểu được. 

Nhưng cuối cùng, tôi cũng giải thích cho nàng hiểu, cũng để thỏa mãn một nhan sắc diễm kiều đang đi bên tôi. Đúng lúc đó hình như tôi chợt nghe thấy trong lòng mình tiếng động mơ hồ như âm vang của bước chân tình cảm, dù rất nhẹ đang tiến gần đến với tôi.

Satoko đã kéo tôi về thực tại:

-Người yêu của anh đẹp và hiền lắm. Chiếc áo dài mầu vàng nhạt rất dễ thương.

-Cám ơn em, Satoko ạ. Dung thích mầu vàng nhạt, cũng như mầu trắng của em.

-Anh không thích mầu trắng?

Hướng về nàng như muốn ngắm nghía cái nét đẹp diễm kiều cho kỹ lưỡng hơn, tôi chậm rãi trả lời:

-Với anh không có mầu nào dễ thương và cũng chẳng có mầu nào bị ghét bỏ. Điều quan trọng là biết chọn lựa mầu sắc, hợp với dáng điệu, khổ người của mỗi cá nhân. Đó là điều người ta gọi là nghệ thuật điểm trang, nó như người họa sĩ sử dụng mầu sắc trong bức tranh mà ông ta muốn vẽ. Anh chẳng phải là họa sĩ cũng chẳng biết nhiều về thời trang, nhưng nếu có một nhận xét về nét đẹp của em và Dung, chắc chắn sẽ là một cái nhìn chủ quan, méo mó vì tình cảm. Chẳng hạn với Dung, mầu vàng làm cho nàng có dáng dấp dễ thương, hiền dịu, còn mầu trắng lại cho em vẻ quý phái, kiêu kỳ làm người ta ngẩn ngơ !

Satoko đi sát hơn vào tôi, tôi biết nàng sung sướng vì những gì tôi vừa nói. Thật vậy tôi không giả dối, không xu nịnh, rất thật lòng với nhan sắc mà suốt bao nhiêu năm sau này dù xa cách, không bao giờ gặp lại. Nhưng ký ức tôi vẫn còn ghi đậm nét đẹp mỹ miều, cao sang mà tôi yêu mến.

Đi với nhau một lúc, chúng tôi dẫn nhau vào một quán cà phê, không phải để giải khát, cũng chẳng phải để nghỉ chân nhưng chúng tôi muốn tìm cảm giác mới. Ngồi bên nhau tâm sự, cùng nhau dò dẫm đi vào khu vườn địa đàng của tình yêu. Vài lần khổ đau trong quá khứ đã cho tôi hiểu rằng trong khu vườn đó không chỉ có những cảm giác say sưa với hoa thơm, cỏ lạ, mà rất có thể còn có những xót đau, gai góc của giận hờn, ngộ nhận nữa.

Trong lúc tôi đang trầm mình, lắng nghe âm thanh của bước chân tình ái đang tiến gần đến với tôi, Satoko vỗ nhẹ vào tay tôi, kéo tôi trở về với không gian của quán cà phê. Tiếng hát nhè nhẹ của những bản nhạc tình ái Nhật bản đang phát ra từ chiếc loa nơi góc quán. Satoko hỏi tôi:

-Anh đang nghĩ gì thế.

-Anh đang nghĩ đến cuộc tao ngộ ngẫu nhiên, khởi đầu của chúng mình, anh muốn cám ơn buổi sáng chủ nhật hôm nay. Cám ơn những con đường đầy hoa pensée, những cánh hoa anh đào trong công viên bay bay trong gío, chúng đã dẫn anh đến gần em.

-Anh Dương, em có cảm tưởng anh đã chọn sai một nghề nghiệp. Tại sao anh không là một thi sĩ, một người viết văn, một họa sĩ hay nhà sáng tác âm nhạc nhỉ ? Có lẽ những nghề nghiệp đó hợp với suy tưởng giàu có lãng mạn của anh hơn là những chai hóa chất, trong phòng thí nghiệm mà hàng ngày anh phải mày mò với nó.

Vừa nói xong, không để cho tôi trả lời, Satoko nói tiếp tôi :

-Anh có hiểu biết nhiều về âm nhạc và biết sử dụng một loại nhạc khí nào không ?

Ngượng ngùng vì câu hỏi của Satoko, tôi cho nàng biết, tôi đúng nghĩa là một người rất dốt về âm nhạc. Kiến thức của tôi quá nghèo nàn trong lãnh vực thưởng thức âm nhạc, tôi chẳng biết sử dụng bất cứ loại nhạc khí nào.

Sau một lúc nói chuyện, Satoko cho tôi biết, ngoài lãnh vực chuyên môn ở đại học Satoko còn theo học dương cầm ở một trường âm nhạc tư thục từ lúc lên 4 tuổi. Đến nay đã gần 18 năm, nàng vừa hoàn tất kỳ thi cấp 3 về dương cầm của thành phố .(Ở Nhật bản, nếu có giấy chứng nhận từ cấp 4 đến cấp 1 là cấp cao nhất, được công nhân như người chuyên môn về âm nhạc, người ta có quyền mở trường âm nhạc ).  Sau đó chúng tôi ăn bữa cơm trưa sơ sài tại quán cà phê, Satoko đề nghị, dẫn tôi đến phân khoa âm nhạc của đại học, nàng muốn dạo cho tôi nghe vài bản nhạc mà nàng thích.

Chiều hôm đó, chúng tôi đến dãy nhà nhiều tầng của phân khoa sư phạm. Nhìn cơ sở của phân khoa đã làm tôi ngạc nhiên vì sự giàu có và đầy đủ của cơ sở giáo dục Nhật bản. Phân khoa dành cả một dãy nhà đồ sộ, nhiều phòng cho sinh viên đến tập dượt âm nhạc to nhỏ khác nhau. Vách tường và cửa ra vào được lót bởi những lớp cách âm kỹ lưỡng, các phòng nhạc cụ mở cửa quanh năm cho sinh viên hay bất cứ ai thích có thể vào để tập luyện.

Satoko dẫn tôi vào một căn phòng nhỏ, trong đó có một chiếc đại dương cầm (grand piano) mầu đen. Ngoài chiếc ghế dành cho người chơi nhạc còn có thêm 2 chiếc khác nhỏ hơn, có lẽ dành cho khách. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, nhìn Satoko thử phím đàn, tay áo vén lên, để lộ đôi cánh tay trắng muốt, những ngón tay thon nhỏ và dài yểu điệu di động, mềm mại trên  phím đàn để kiểm xét hợp âm.

Đến một lúc, hình như đã thỏa mãn với âm thanh, Satoko sửa lại thế ngồi một lần nữa rồi dạo bản nhạc đầu tiên. Tôi nhận ra ngày vì nó quá phổ biến, bản ”For Elise” của Beethoven. Bản thứ hai, cũng không lạ bản ”Que Sera, Sera” khi còn ở Việt Nam, tôi đã nghe nhiều lần bởi cô ca sĩ người Pháp Francoise Hardy trình bày. Gần đây tôi mua một đĩa hát, trong đó bản nhạc này được trình bày bởi nữ tài tử kiêm ca sĩ người Mỹ Doris Day. Bản thứ ba, kế tiếp cũng không lạ, bản ”Feelings” đang thịnh hành vào lúc bấy giờ với  giọng hát rất ấm, dễ thương trong điệu slow rất chậm của một nữ ca sĩ mà tôi  chẳng biết tên. Cả ba bản nhạc này tôi đã mua, gửi tặng cho Dung.

Dạo xong ba bản nhạc đầu tiên, Satoko dừng lại, Satoko nhìn tôi và hỏi:

-Anh biết ba bản nhạc mà em vừa dạo chứ ?

-Đó là những bản nhạc anh rất thích, đã nghe rất nhiều lần. Anh cũng đã mua những cuốn băng, đĩa nhạc này làm quà tặng cho Dung.

Satoko im lặng khi nghe tôi trả lời, ngước mắt nhìn tôi với ánh mắt bâng quơ. Tôi chợt thấy trong nhãn quan dịu hiền của nàng hình như có vài dấu hiệu buồn buồn, bực bội! Satoko thình lình  ấn nhẹ mười ngón tay trên phím đàn, tạo ra một hợp âm chát chúa. Tôi ngỡ ngàng, không hiểu tại sao nàng có thái độ bực dọc, không vui khi nghe tôi trả lời. Tôi im lặng như dò hỏi và tỏ ý ân hận vì câu trả lời mà chính tôi cũng không biết tại sao làm cho nàng giận dỗi?!

Im lặng một chút, với giọng nói không vui, Satoko nhìn tôi như trách móc:

-Anh không thể quên được Dung của anh, dù chỉ một lúc ngồi nghe em dạo đàn hay sao ? Anh đúng là một người đa tình, chung thủy Dương ạ.

Nói xong Satoko quay trở lại chiếc dương cầm dạo liên tục nhiều bản nhạc khác nhau của Nhật bản, cũng như của Tây phương. Tôi im lặng ngồi nghe, chỉ nhận ra được một vài bài nhờ những lần đi chơi với bè bạn ở các phòng khiêu vũ hay ở các snack bar trong thời gian chán nản, buông xuôi vừa qua. Chẳng hạn bài ” Un homme et une femme ”  của Francis Lai, bài ”  Sans toi Mamie ”của Adamo… Đối với nhạc Nhật, tôi chỉ biết một vài bài nhưng phần lớn xa lạ hay chỉ biết rất sơ sài âm điệu. Có lẽ nhờ đã nghe qua đài truyền hình hay radio mà thôi. 

Satoko dạo liền một lúc, có lẽ trên mười bản nhạc rồi ngừng lại, đưa mắt nhìn tôi vẫn còn vương vấn bực bội, không vui. Satoko hỏi:

-Anh có nhận được những bản nhạc này không ? Anh đã mua gửi tặng cho Dung, người yêu của anh để kỷ niệm chưa?

Lúc này tôi đã hiểu nguyên nhân bực bội của Satoko, dĩ nhiên tôi phải dấu dịu trả lời :

-Anh chỉ nhận được vài ba bản thôi, còn lại hoàn toàn xa lạ. Anh đã nói với em rồi, kiến thức âm nhạc của anh rất thấp mà. Tuy nhiên nhìn và nghe em dạo những bản nhạc vừa qua anh cảm thấy rất thích những bản nhạc mà em vừa trình bày, em đàn rất hay Satoko ạ.

Satoko mỉm cười, nụ cười thỏa mãn, tôi cũng cảm thấy vui lây với cái vui của nàng. Tôi vừa hiểu thêm một bài học, không bao giờ tỏ lộ sự nặng tình với người phụ nữ khác trước một người mà mình đang cùng với họ dò dẫm đi vào vườn hoa tươi mát của tình yêu. Câu nói của Victor Hugo: “Bản chất của tình yêu là ích kỷ và không thể chia xẻ được” đã hiện ra trong trí nhớ của tôi. Hình như lời nói của tôi đã làm cho Satoko nguôi ngoai, nàng quay sang tôi với lời nói êm nhẹ:

-Cám ơn những lời khen tặng của anh. Anh còn muốn ngồi nghe em dạo nhạc nữa không, hay chúng mình lại đi dạo với nhau trong khuôn viên đại học?

-Anh muốn được ngồi đây với em,nghe em dạo đàn hết đêm nay mà không chán Satoko ạ. Em thấy không âm vang của những bản nhạc mà em vừa dạo như những sợi tơ mong manh phủ trùm lên anh, lên em, lên khắp cả căn phòng này. Có lẽ những âm hưởng của buổi chiều hôm nay, kỷ niệm ngày chúng ta quen nhau anh sẽ giữ mãi trong tâm hồn và ký ức của anh.

Satoko nắm lấy tay tôi, cảm giác mềm yếu, âm ấm của bàn tay làm cho tôi ngây ngất. Tôi không thể tưởng tượng được rằng, bước chân tình yêu đến với tôi qúa nhanh như thế. Chúng tôi im lặng bên nhau, để cho cảm xúc đê mê lan khắp trong tâm hồn và thể xác. Sự im lặng và ấm cúng của căn phòng bé nhỏ hình như hòa đồng cùng với âm thanh còn sót lại từ bản nhạc: “The sound of silence” của Paul Simon mà nàng vừa dạo cho tôi nghe.

Nhưng ngay khi có cảm giác sung sướng, đang thấy mình đi trên con đường dẫn đến một tình yêu mới, tôi chợt có linh cảm mối tình của chúng tôi nếu có nó sẽ chẳng bao giờ trọn vẹn, rồi nó cũng sẽ vỡ tan theo ngày tháng mà thôi. Trí nhớ tôi chợt trở lại với Dung, với biết bao nhiêu những gắn bó mà tôi đã tưởng rằng sẽ đưa tôi đến đích, nhưng rồi cuối cùng cũng chỉ là những âm vang lỡ điệu, chia ly! Hôm nay, thời gian và hoàn cảnh lại mang Satoko đến với tôi, nhưng khi nhìn lại cuộc đời của tôi, nó chẳng có một bấu víu nào khả dĩ để gìn giữ mối tình sắp đến. Tương lai của tôi sau ngày 30 Tháng Tư là dây dài vô định, còn hiện tại cuộc đời của tôi cũng chỉ là những tạm bợ, bấp bênh.

Trong khi tôi đang miên man, buồn chán nghĩ ngợi, câu hỏi của Satoko nhỏ nhẹ bên tai tôi đã kéo tôi về thực tại:

-Anh Dương, hình như anh đang suy nghĩ về điều gì buồn lắm thì phải?

Đưa bàn tay lên xoa nhẹ trên trán, với ánh mắt đăm chiêu buồn bã, tôi trả lời:

-Anh đang nghĩ đến ngày nào đó, chúng mình sẽ xa nhau, anh lại buồn đau và anh lại đến với những ngày tháng của rượu chè và bóng tối. Anh cũng đang lo lắng cho tương lai của đời mình trong thời gian sắp tới mà anh chẳng biết sẽ mang anh về đâu. Với người đàn bà, tình yêu và hôn nhân có thể mang đến cho đời họ sự đổi thay mà chẳng cần nhiều nỗ lực, nhưng với người đàn ông, diễn tiến cuộc đời có rất nhiều điều kiện khó khăn hơn. Họ phải tận dụng khả năng, sự thông minh cũng như phải nhờ vào may mắn để có được một đổi thay tốt đẹp.

Ngần ngừ một chút, tôi nói tiếp:

-Trong hoàn cảnh hiện nay của anh, yếu tố khả năng cũng như may mắn chẳng phải là những điều anh đã có, cá nhân anh cũng là một kẻ quá tầm thường!

Satoko đưa bàn tay trắng muốn, mềm mại nắm nhẹ bàn tay tôi, an ủi:

-Thôi đừng nghĩ đến những gì buồn bã của ngày mai nữa, Dương ạ! Hiện tại chúng ta đang gần nhau, sung sướng bên nhau, không đủ cho anh thỏa mãn sao? Hãy quên những gì chẳng đáng nhớ, hãy nghe em dạo bản: ”I really don’t want to know” của Don Robertsons.

Rồi Satoko quay vào, đàn và hát nhè nhẹ bản nhạc đã được dịch ra tiếng Nhật, tôi ngồi nghe, ngắm nhìn những ngón tay xinh xắn lướt nhẹ, chậm rãi trên phím đàn. Tiếng hát ấm áp của nàng vang lên hòa nhập vào âm điệu thật chậm và khá vui tươi của bản nhạc. Đôi mắt Satoko hơi nhắm, đầu lay động nhè nhẹ theo sự di động của đôi tay, trong khi tiếng hát và âm thanh hình như bao phủ khắp không gian của căn phòng bé nhỏ, ấm cúng.

Khi bản nhạc chấm dứt Satoko im lặng nhắc nhẹ đôi bàn tay ra khỏi phím đàn, tôi cũng im lặng, ngồi yên. Hình như  cả hai chúng tôi cùng sợ sự lay động sẽ làm xáo trộn dư âm của bản nhạc, lời hát ấm cúng, dễ thương mà nó vẫn còn sót lại, vương vấn trong không gian.

Mãi một lúc sau Satoko quay lại nhìn tôi, nàng nói thật nhẹ: 

-Anh đã nghe những lời của bản nhạc em vừa đàn vừa hát chứ ? Chẳng còn gì ngoài tình yêu và hạnh phúc, chúng ta đang có trong tay, tại sao phải nghĩ đến ngày nó mất đi ?!  Chúng ta đang sống dại gì phải nghĩ đến nấm mồ của chết chóc? Hãy vui lên, tình yêu và hy vọng mới là điều chúng ta nên tin tưởng, đợi chờ.

***         

Khoảng gần một tháng sau ngày chúng tôi gặp, quen nhau, Satoko tốt nghiệp xong ban đại học. Tôi tưởng rằng Satoko sẽ tiếp tục lên ban đại học viện. Nhưng nàng cho biết, nhờ gia đình quen thân với vị giám đốc bịnh viện của tỉnh Kagoshima, Satoko được vào làm cho phòng khảo cứu về vi trùng học của bịnh viện.

Tỉnh Kagoshima. (Hình: Amandine L./Unsplash)

Thời gian sau đó, Satoko và tôi cùng đi làm, đời sống của tôi cũng được đưa vào khuôn thước, đều đặn. Những nơi hò hẹn của chúng tôi là những quán cà phê, sân nhà ga, hay trước cửa những rạp ciné, viện hòa nhạc của thành phố… Tất cả đã đi vào ký ức tôi như những kỷ niệm bằng những cảm giác phập phồng, ngóng trông, chờ đợi. Những chiếc xe bus, tầu điện, taxi mang Satoko đến với tôi trong những buổi hò hẹn, đã ghi dấu trong tôi bằng những dấu ấn tuyệt vời của mơ mộng yêu đương.

Những ngày trời không tốt, chúng tôi ngồi nhà nghe nhạc, hay Satoko lại dẫn tôi đến phòng tập âm nhạc của đại học, dạo dương cầm cho tôi nghe, nhờ đó tôi biết được khá nhiều những bản nhạc tình ái, lãng mạn nổi tiếng của Nhật bản. Như bài Anata (Người yêu) của Kosaka một thời đã làm rúng động giới trẻ Nhật Bản với những câu hát lãng mạn do chính tác giả sáng tác, dạo piano và hát trong cuộc thi đã đoạt giải nhất về âm nhạc toàn quốc. Satoko cũng đàn hát cho tôi nghe bản  Shiroi iro wa kohibito no iro (Mầu trắng là mầu của người yêu) của Kitayama, một bản nhạc rất dễ thương, êm dịu, khi nghe người ta có cảm tưởng chung quanh mình toàn là mầu hoa và kỷ niệm.

Đôi khi có vài ngày nghỉ phép thường niên, chúng tôi lại có những cuộc du lịch tương đối xa, dài lâu hơn ở các hải đảo miền Nam. Ở mỗi nơi, mỗi lúc, Satoko hiện diện bên tôi luôn luôn trong vẻ sang trọng, dễ thương với những chiếc jupes, chiếc áo choàng, hay jacket, pullove… Tất cả vẫn một mầu trắng đẹp đẽ, quen thuộc của nàng. Bên vẻ đẹp diễm kiều, quý phái đó, tôi đã giới hạn rất nhiều bản chất phóng túng, ăn uống bừa bãi cố hữu của mình, tôi không dám dẫn nàng vào những hàng quán xập xệ, những nơi nhớp nhúa, nhá nhem. Tôi cũng không nỡ tiết kiệm vài trăm yen để Satoko phải đứng hàng giờ đồng hồ đợi chờ chuyến xe bus chật cứng người lao động… Tôi thường nhờ những chiếc taxi để khỏi làm khổ sở bóng dáng quý phái, mong manh của nàng.

Cuộc tình của tôi và Satoko được kéo dài trong âm vang của bản nhạc rất êm và tuyệt vời đó suốt trong mùa hoa anh đào, hoa tulip của mùa xuân ấm áp. Rồi tiếp theo với những chùm hoa cosmos ẻo lả, những bông irish, dalia nhiều mầu dưới nắng vàng chói chang, nóng bức của mùa hạ cuộc tình vẫn đằm thắm trôi qua. Bước sang mùa thu, từ công viên Isokoen trên chóp ngọn đồi ở bìa thành phố Kagoshima, chúng tôi chợt nhìn thấy dấu hiệu buồn bã của mầu vàng lá uá từ những khu rừng bao phủ dưới chân ngọn đồi.

Mùa thu, đầu Tháng 11 dương lịch chưa được gọi là quá lạnh ở Kagoshima, thành phố cực nam Nhật Bản. Nhưng đôi lúc người ta cũng chợt cảm thấy rùng mình với vài cơn gió nhẹ. Tôi không thể ngờ được, ở cái thời điểm cuối mùa thu lá vàng rơi rụng buồn bã đó, đời tôi lại ghi dấu thêm một lần dang dở. Bài hát Shiroi iro wa kohibito no iro mà Satoko đã dạo dương cầm, hát cho tôi nghe rất nhiều lần, âm thanh tiếng đàn, giọng hát êm nhẹ và ấm cúng của nàng và cả lời bản nhạc đã phải đi vào kỷ niệm, mãi mãi in sâu trong ký ức, không quên của tôi.

Hôm đó, buổi chiều ngày thứ năm gần giờ tan sở làm. Mayumi, cô quản thủ thư viện của phân khoa, nơi mà tôi theo học trước khi tốt nghiệp rồi đi làm, điện thoại đến phòng thí nghiệm, mời tôi sau khi tan sở đến tham dự bữa tiệc sinh nhật, cùng với vài người bạn khác trong văn phòng hành chánh phân khoa thực phẩm. Dĩ nhiên tôi sung sướng tiếp nhận, vì quá gấp rút nên tôi chỉ đủ thời gian về nhà thay quần áo rồi ra phố mua vội vàng món quà sinh nhật cho Mayumi. Mayumi là người con gái giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời gian tôi theo học ở Nhật. Cuốn luận án tốt nghiệp của tôi đã mang nhiều dấu tích đóng góp của cô ta, từ việc liên hệ với các thư viện khác xin tài liệu cho tôi đến việc đánh máy….  Nhưng thật buồn, cũng chính người ơn đó đã gây ra đổ vỡ cuộc tình giữa tôi và Satoko.

Chúng tôi gồm 8 người gặp nhau ở Tenmonkan – trung tâm thành phố, nơi sang trọng, ăn chơi nhất của tỉnh Kagoshima, dẫn nhau vào một nhà hàng nổi tiếng đã được Mayumi đặt từ trước. Bữa tiệc được tổ chức trong một phòng sang trọng, riêng biệt. Những bữa tiệc ở Nhật Bản thường tổ chức ở những phòng riêng biệt cho từng nhóm lớn nhỏ khác nhau. Đến khoảng 9 giờ tối, bữa tiệc chấm dứt, chúng tôi lại chia thành những nhóm nhỏ hơn đến các nơi khác tiếp tục giải trí. Thói quen của người Nhật là sau bữa tiệc họ thường chia thành nhóm nhỏ để tiếp tục đi ăn nhậu hay giải trí khác nữa, đôi khi họ đi  đến 2, 3 chỗ khác nhau. Mayumi rủ tôi và cặp trai gái khác đến một vũ trường, gọi hẳn một chai whisky cho bốn người, tôi cảm thấy quá nhiều nhưng không dám ngăn cản vì sợ làm mất vui ngày sinh nhật của cô ta.

Lúc đầu khi mới vào vũ trường, cả 4 người chúng tôi còn giữ gìn, uống rượu rất giới hạn, nhưng với âm thanh sôi động, ánh đèn mầu, tối sáng, nhá nhem. Nhìn ra sàn nhẩy, những cảnh âu yếm của tha nhân kích động, lôi kéo chúng tôi gia nhập cuộc vui. Không bản slow nào Mayumi không kéo tôi ra nhảy với nàng, nhiều lúc bản nhạc đã chấm dứt Mayumi vẫn giữ tôi lại chờ bản nhạc tiếp theo.

Đôi lúc hình ảnh mềm dịu, mong manh của Satoko hiện đến trong trí nhớ, tôi cố gắng giới hạn sự quá lố của Mayumi và của chính tôi nữa nhưng cũng chỉ là một cố gắng tạm thời, thóang qua. Tôi mê mẩn vì những lời nói ngọt ngào, âu yếm và cả hơi thở nóng ấm của Mayumi bên cổ, sát ngực của tôi. Hai người bạn của Mayumi cũng vậy, họ không còn chú ý đến bất cứ ai ngoài thế giới của riêng họ. Tôi nhớ lúc vừa vào vũ trường, lúc tôi và Mayumi vẫn còn ngại ngần với những đụng chạm cũng như ngôn ngữ trao đổi với nhau, tôi đã cố giữ khoảng cách vừa đủ lịch sự trong tư thế của hai người bạn khi khiêu vũ. Nhưng đến một lúc, không lâu, Mayumi nói nhẹ bên tai tôi:

-Dương ạ, em biết hình ảnh của Satoko đã chiếm trọn tâm hồn của anh, nhưng hôm nay, ngày sinh nhật của em, anh không thể quên cô ta, cho em một lần vui trọn vẹn, dù chỉ trong chốc lát hay sao ?

Tôi im lặng, hình ảnh Satoko hiện đến với tôi, cảm giác phạm tội làm tôi bối rối, lạc điệu, đạp lên chân Mayumi nhiều lần. Mayumi hình như  đoán được sự xúc cảm của tôi, nàng ngẩng mặt lên nhìn tôi và hỏi:

-Anh đang nghĩ gì vậy ?

-Anh đang nghĩ đến Satoko, tội nghiệp nàng quá, chính nàng đã kéo anh ra khỏi sự buồn đau của lần dang dở trước kia, đã mang đến cho anh ý nghĩa của cuộc sống và hạnh phúc mà anh tưởng rằng đã mất đi không bao giờ tìm lại được vì những buồn đau sau lần vỡ đổ…

Mayumi, đưa bàn tay lên che lấy miệng tôi, tỏ ý không muốn cho tôi nói thêm. Rồi Mayumi nói nhẹ bên tai tôi: 

-Anh đúng là người đàn ông tốt Dương ạ, có lẽ đó là lý do em yêu anh, dù em biết rằng trong tâm hồn anh chỉ có một chỗ duy nhất cho Satoko mà thôi.

Nói xong Mayumi dụi đầu, ghì sát vào ngực tôi như để che dấu sự ngượng ngập. Còn tôi với bóng tối nhá nhem của đèn mầu, với kích thích men say của rượu và cả cảm giác đê mê của đụng chạm thân xác. Tôi không làm được gì hơn là để cho xúc cảm mình được tự do, tôi tự an ủi sự yếu mềm của mình bằng câu nói của Napoléon mà tôi đã đọc trong tập thư tình của người anh hùng Pháp quốc:” Với tình yêu, chiến thắng của người đàn ông là chạy trốn!” Nhưng tôi làm sao để chạy trốn được đây?!

Buổi khiêu vũ của bốn chúng tôi mãi đến nửa đêm mới chấm dứt, tôi cùng về căn apatò (apartment) của Mayumi, tôi ngủ lại đó với Mayumi và thật sự tôi đã là kẻ chiến bại. Tôi đã phản bội Satoko!

Sáng hôm sau, ngày Thứ Sáu, tôi mang niềm hối hận nặng nề đến phòng thí nghiệm. Tôi lo sợ, tôi giật mình vì những tiếng điện thoại reo. Tôi ngẩn ngơ vì mặc cảm tội lỗi, ăn năn vì phút yếu mềm của mình. Cho mãi đến trưa ngày Thứ Bảy trước khi về làm, phải cố gắng lắm tôi mới điện thoại đến phòng thí nghiệm của Satoko. Nhưng tôi chỉ nhận được một câu trả lời rất ngắn và lạnh lùng của Satoko:

-Em rất bận, Sayonara!

Chỉ có thế rồi Satoko cúp máy!  Tôi linh cảm sự đổ vỡ cũa tình yêu giữa tôi và Satoko đã xuất hiện, tôi chợt nghe thấy trong tâm tư của mình vài âm vang lạc điệu, hình như đang xen kẽ vào bản nhạc tình yêu nhẹ nhàng, êm ả của tôi và Satoko. Những âm vang lạc điệu đó đang cắt đứt những sợi tơ mong manh đẹp đẽ, trên đó có những nốt nhạc. Tôi thường ví đó như là những chuỗi hòa âm trong đoản khúc ái tình lãng mạn mà Satoko đã dạo dương cầm cho tôi nghe trong suốt những ngày tháng mùa xuân, với những cánh hoa anh đào nở trắng xóa. Cũng như vào những ngày mùa hạ nóng bức với những chùm hoa cosmos ẻo lả, nhiều mầu dễ thương đu đưa trong gió.

Bây giờ cuối mùa thu, lá rụng làm vàng cả không gian. Với những âm vang lạc điệu đó, làm tôi  nghĩ đến cái buồn bã, tẻ nhạt của mầu vàng lá úa đang hiện diện. Nó báo hiệu cho tôi biết đời mình lại sửa soạn có thêm một dang dở. Đúng như thế, từ buổi tối sa ngã đó, lần tôi bước ra khỏi sự thủy chung với Satoko, tôi không gặp lại Satoko lần nào nữa. Mặc dù nhiều lần tôi điện thoại cho nàng nhưng cũng chỉ nhận được một câu trả lời duy nhất: ” Em rất bận, Sayonara!”. Tôi viết cho Satoko mấy lá thư để xin lỗi, ăn năn, nhưng chẳng bao giờ nhận được hồi âm!

Vài tuần lễ sau đó, tôi có dịp trở lại đại học. Tôi gặp Hitomi, người bạn thân nhất, cùng lớp với Satoko ngày trước ở đại học. Hitomi tiếp tục theo học ban đại học viện, nàng cho tôi biết, lần tôi và Mayumi đi khiêu vũ cũng có vài người bạn cùng làm việc với Satoko tại bịnh viện, họ cũng ở trong vũ trường, họ biết tôi nhờ những lần tôi đến bịnh viện chờ đón Satoko, họ đã nói cho Satoko biết.

Trong nỗi đau buồn, ân hận vì sự yếu lòng, lầm lỡ của mình, tôi cố gắng im lặng chịu đựng sự dày vò và chấm dứt hoàn toàn liên lạc với Mayumi, mặc dầu có vài lần Mayumi điện thoại cho tôi.

Tôi đợi chờ và đếm từng ngày với hy vọng Satoko tha thứ, trở lại với tôi, nhưng cũng chỉ là vô vọng. Vài tháng sau đó tôi được tin Mayumi, người đã làm lỡ dở mối tình của tôi và Satoko, sau một lần mi-ai (lối kết hôn do giới thiệu) đã xin nghỉ việc ở thư viện và lên Kyoto nơi người chồng đang làm việc. Sau khi Mayumi lên Kyoto được vài tháng, vào khoảng Tháng 3 năm kế tiếp, Hitomi lại cho tôi biết Satoko cũng có một cuộc mi-ai và nàng cũng xin nghỉ việc làm ở bịnh viện để sửa soạn kết hôn. Chồng chưa cưới của Satoko là giám đốc một chi nhánh nhỏ của ngân hàng tỉnh Nagasaki.

Tin đó đến với tôi trong buồn đau và thất vọng, tôi lại tìm đến với bè bạn trong những quán uống rượu, vũ trường và đêm khuya. Rất nhiều lần, những ngày rảnh rỗi, nhớ đến Satoko với nỗi buồn da diết, tôi đi lại con đường trong công viên nơi mà tôi đã gặp và quen Satoko ngày xưa. Tôi cũng đến phân khoa giáo dục của đại học, vào căn phòng tập dương cầm, ngồi lại chiếc ghế mà tôi đã ngồi ngày trước, lúc Satoko dạo đàn cho tôi nghe. Tôi gõ nhẹ vào phím đàn để nghe lại vài âm vang đơn điệu, cụt cẫng, những âm thanh đó như những lưỡi dao nhọn cắt xé tâm hồn, ký ức của tôi với nỗi buốt đau khó tả.

Rồi bất cứ lần nào lên Tenmonkan uống rượu hay đi chơi khuya với bè bạn, tôi cũng thờ thẫn dừng lại ở trước quán cà phê nhìn vào những chiếc bàn, nơi mà chúng tôi thường ngồi bên nhau tâm sự. Tôi cũng ngẩn ngơ nhìn những chiếc taxi đậu ở góc những con đường chờ khách. Nơi đó mỗi khi chia tay, tôi thường gọi taxi cho Satoko bởi vì tôi không muốn bụi đường, khói xe làm bẩn mầu áo trắng tinh của nàng… Tất cả là những kỷ niệm và dấu tích của nhớ yêu một thời đã qua. Tôi đến đó như mong tìm lại chút dư hương, sống lại những cảm giác của những ngày đẹp đẽ, hoan lạc vừa qua của tôi và Satoko, chính sự lầm lẫn, yếu lòng của tôi mà làm nó dở dang!  

Không lâu sau ngày Hitomi cho biết Satoko sửa soạn lập gia đình, một buổi tối cuối tuần, tôi và vài người bạn cùng sở đi uống rượu ở Tenmonkan, khi vừa bước ra khỏi quán rượu, từ xa tôi nhìn thấy Satoko. Nàng vẫn với bộ trang phục mầu trắng cao sang, vẫn dáng điệu yêu kiều, quý phái mà tôi say đắm, yêu thương. Satoko đang đi với một người đàn ông quần áo rất chỉnh tề, lịch sự, tôi đoán đó là vị hôn phu hay chồng của nàng. Họ đi ngược lại phía tôi, ngay lúc đó Satoko cũng vừa trông thấy tôi, nàng khoác vội cánh tay, đi sát hơn, cười nói thân ái với người đàn ông. Trong khi tôi cúi đầu, lịm người cố đè nén cảm xúc buốt đau vừa ập đến tâm hồn mình.

Khi đến gần nhau, rồi khi bước qua mặt nhau, Satoko vẫn giữ thái độ không quen, lạnh lùng, còn tôi thì đứng ngẩn ngơ với nỗi đau buốt giá trong tim. Satoko và người đàn ông đi qua, tôi vẫn đứng nhìn theo mong được thấy nơi nàng ánh mắt dư thừa gửi cho cố nhân, đã vì nàng mà tôi trở lại với men say và bóng tối. Nhưng tôi đã thất vọng! Satoko bước đi, không hề ngoái trở lại và đêm hôm đó tôi đã thật sự lấy vị cay của rượu để cố rửa đi nỗi buồn đau khó tả. Chỉ có thế, duy nhất một lần đó, tôi được gặp lại Satoko trong ân hận, đau buồn rồi không bao giờ có dịp nào để tôi gặp lại Satoko nữa trong suốt một năm trời cuối cùng của tôi ở Nhật. Hitomi cho tôi biết, Satoko sau khi kết hôn đã theo chồng và hiện nay đang sống ở tỉnh Nagasaki. Có lẽ đó là lý do mà tôi đã không có dịp gặp lại nàng ở Kagoshima lần nào nữa!

***

Đầu Tháng 5 năm 1979, tôi rời bỏ Nhật Bản sang Thụy Sĩ. Tôi nhớ lại ngày mới đến Nhật gần 6 năm về trước, tôi mang trong tim mình một mối tình với một nhan sắc, hứa hẹn ngày hoàn tất việc học, trở về để làm trọn vẹn ước hẹn của hai đứa. Bên cạnh đó, tôi cũng có ước mơ, tham vọng của một kẻ nam nhi vẫn luôn luôn tự tin vào khả năng và sự kiên trì của mình trong con đường lập thân. Sau những năm tu học ở phương xa thu nhận được những cái hay, cái giỏi để  đóng góp cho quê hương, nơi mà mình đã sinh ra, khôn lớn với rất nhiều gắn bó. Nhưng cái ngày rời xa Nhật bản, tôi đã mất tất cả những gì mà tôi đã tính toán, ước mơ. Thay vào đó tôi lại nhận thêm vài lần dang dở, buồn đau trong tim, còn tương lai lại được gửi vào tay của định mệnh và may rủi với cuộc đời tha phương cầu thực! Buồn bã và thất vọng thay!

Trước ngày rời khỏi Nhật, tôi đến chào gia đình vài vị giáo sư đã dạy dỗ, giúp đỡ tôi tận tình trong nhiều năm qua. Tôi cũng đến từ giã những người bạn tâm giao và gia đình họ, những người bạn đã từng an ủi, giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời gian tôi sống và học ở Nhật bản. Vài bà mẹ, các cô em gái, những đứa em trai của bạn bè đã ôm tôi, họ khóc buồn khi chia tay. Tôi cũng không quên đến gặp Hitomi, người bạn thân duy nhất của Satoko, cô ta cũng vừa tốt nghiệp xong đại học viện và được tuyển ở lại làm giảng viên cho đại học. Tôi nói tất cả sự thật với Hitomi về những lỗi lầm của tôi với Satoko và cả những dày vò, ân hận của tôi trong hơn một năm vừa qua. Tôi cũng cho Hitomi biết tình cảm của tôi đối với Satoko vẫn còn nồng nàn, chẳng bao giờ quên được những kỷ niệm của tôi và Satoko. Tôi nhờ Hitomi nếu có dịp gặp lại hay liên lạc với Satoko, hãy gửi đến nàng hộ tôi lời cảm ơn về những ngày tháng quá đẹp đẽ, mà nàng đã đem đến cho đời tôi, và nếu được nói với Satoko rằng tôi sẽ chẳng bao giờ mất hình bóng và kỷ niệm của nàng trong ký ức của tôi.

Đến Thụy Sĩ với tuổi 34 tạm gọi là muộn màng, nhưng tôi vẫn có được những may mắn trong mọi lãnh vực. Nhờ đó tôi mới thấy được ý nghĩa của danh từ ”Định cư”. Một năm sau tôi lập gia đình với một người bạn gái Nhật mà tôi quen sau lần dang dở với Satoko. Mùa hè năm 1982, tôi có dịp cùng vợ con về thăm quê ngoại. Ngoài việc thăm viếng, chào hỏi, ra mắt họ hàng bên ngoại, thăm thầy học và bè bạn, tôi dành khá nhiều thời gian đi tìm lại những dấu vết ở những nơi kỷ niệm của tôi và Satoko ngày xưa. Tôi đến phòng tập dương cầm trong đại học, đi lại xem lại những con đường, công viên, vũ trường và cả bến taxi… Tôi đến các nơi đó mong tìm lại dư âm của mối tình qúa đẹp mà chính tôi vì yếu đuối, vì dại khờ… tôi đã làm nó dở dang.

Tôi gặp lại Hitomi, nàng cho tôi biết Satoko không được may mắn lắm trong đời sống gia đình, sự lủng củng xảy ra thường xuyên giữa nàng và gia đình chồng, có lẽ vì hơn 4 năm lấy nhau nhưng Satoko không có con. Hiện nay Satoko đang dậy âm nhạc cho một trường trung học ở Nagasaki, nghe tin không vui đó trong tâm trạng ngẩn ngơ, ái ngại. Tôi thẫn thờ đau xót cho những bất hạnh của Satoko, nhan sắc đẹp xinh, quý phái mà tôi nghĩ rằng nó được sinh ra để nhận lấy những chiều chuộng, yêu mến chứ không phải để chịu những bất hạnh, đau buồn. 

Cuối năm đó, tôi nhận được thư của Hitomi báo tin đã lập gia đình và đã xin nghỉ dạy cho đại học để theo chồng lên Sendai, một tỉnh ở miền bắc Nhật Bản. Hitomi cũng cho tôi biết thêm một tin rất buồn, làm tôi lịm người xót đau, gia đình Satoko đổ vỡ, Satoko đã rời Nagasaki lên Osaka dậy học và hiện đang sống một mình ở đó. Hitomi còn cho tôi biết thêm, có lẽ quá buồn đau vì thất vọng Satoko chỉ điện thoại và không muốn cho ai biết địa chỉ.

***

Tết Dương lịch năm 1984 (người Nhật ăn Tết theo dương lịch), tôi lại dẫn vợ con về thăm quê ngoại, thăm thầy học và bè bạn. Tôi cũng trở lại những chốn ngày xưa để nhớ đến bóng hình mà tôi vẫn chưa quên như lần vừa qua. Một buổi chiều khá lạnh giữa mùa đông, bầu trời trong sáng với nắng vàng chói lọi.  Một mình tôi đến ngồi trong quán cà phê ở Tenmonkan, nơi mà rất nhiều lần, ngày xưa tôi và Satoko vẫn đến đó uống cà phê, ăn bánh ngọt, ngắm nhìn người qua lại bên ngoài khung kính.

Đang lúc để mắt bâng quơ theo những đám đông dập dìu ở bên ngoài, tôi giật mình, sửng sốt khi thấy Satoko, đang đi một mình, chậm rãi như một kẻ nhàn du trên phố. Tôi vội vàng đến quầy trả tiền, rồi chạy theo với hy vọng chuyến xe bus hay xe điện nào đó không cướp mất nhan sắc mà tôi đã kiếm tìm, ấp ủ nhiều năm qua. Khi đến gần Satoko, tôi im lặng chậm rãi đi theo, cố đè nén cảm xúc đang trào dâng trong lòng tôi, cũng để nhìn rõ sự đổi thay của nhan sắc diễm kiều xa xưa mà tôi vẫn còn yêu…  Satoko vẫn thế, vẫn nét bình thản, vẫn dáng dấp mong manh, vẫn bàn tay trắng muốt ép nhẹ lấy chiếc xách tay đeo trên bờ vai, thả dài theo thân mình. Măc dầu với cái tuổi 28, thời gian không còn để lại cho Satoko nét nhí nhảnh, ngập ngừng, e lệ của cô gái tuổi 22, 23 như ngày xưa, lúc chúng tôi quen nhau nữa, nhưng Satoko vẫn đẹp, vẫn dáng dấp qúi phái, sang trọng của một người thiếu phụ.

Có lẽ cái thay đổi lớn nhất mà tôi nhận ra ngay, khi vừa nhìn thấy nàng đó là trang phục của Satoko không còn là mầu trắng ngày xưa nữa. Bây giờ, Satoko với chiếc jupe nhiều mầu, cái áo vest vàng nhạt lẫn lộn mầu chỉ đỏ nâu… Nghe tôi gọi nhẹ, Satoko quay lại với tất cả ngạc nhiên, mừng rỡ nhìn tôi, tôi cũng vậy đứng khựng lại, ngẩn ngơ, cảm động! Chúng tôi không nói gì, nhìn nhau, sự im lặng nặng nề xen kẽ vào giữa chúng tôi cùng với cảm giác khó thở trong lòng ngực vì  ngỡ ngàng của lần tái ngộ ngẫu nhiên sau nhiều năm xa cách. Tâm hồn chúng tôi hình như đang bị bao trùm bởi nỗi nhói đau vì dở dang, lỡ điệu, vì thời gian, tuổi tác và định mệnh cách chia .

-Anh Dương, anh lại về đây sao?!  Có thật chúng mình đang gặp nhau không anh ? Vợ và con của anh ở đâu? Tại sao anh đi một mình? Anh vẫn khỏe chứ?

Satoko sững sờ hỏi tôi dồn dập, hình như nàng cố níu lấy một sự thật là chúng tôi lại gặp nhau, nhưng cũng có thể trong ký ức, trong tưởng tượng của nàng đang sống lại với những kỷ niệm ngày xưa ân ái của hai chúng tôi. Tôi cũng chẳng khá hơn, tim tôi nhói đau, tôi cũng không biết nói với nàng điều gì trước hết.Trong hồn tôi lúc đó chất chứa biết bao nhiêu nỗi nhớ nhung của gần 5 năm trời xa cách.

Nhìn đôi mắt hiền dịu cố hữu của Satoko, tôi chợt liên tưởng đến những lần nàng nhắm mắt nhè nhẹ, như đưa tất cả cảm xúc vào âm thanh trong những lần dạo dương cầm cho tôi nghe. Bây giờ đôi mắt đó đang mở lớn vì ngạc nhiên nhưng hình như trong ánh nhìn nó cũng không dấu được nét buồn đau kín đáo. Đúng lúc đó, tôi thấy đôi dòng lệ long lanh chảy dài xuống khóe mắt của Satoko, với vẻ thẫn thờ tôi trả lời nhẹ:

-Anh vẫn khỏe, anh đã về đây hai lần, lần nào anh cũng đến những nơi kỷ niệm của chúng mình còn bên nhau để tìm lại những cảm xúc xa xưa, mong được gặp lại em, Satoko ạ. Vợ con anh cũng về đây hiện đang ở nhà ông bà ngoại, thời gian qua mau quá phải không em?!

Im lặng một chút, như để đè nén cảm xúc đang dâng trào trong lòng mình, tôi nói tiếp:

-Đã gần 5 năm rồi, biết bao nhiêu đổi thay nơi anh, nơi em. Nhưng có một điều chẳng bao giờ đổi thay với anh, đó là anh vẫn yêu mầu trắng, mầu trắng xa xưa của em, của anh, của lần đầu chúng ta gặp nhau dưới những tàng cây Anh Đào đang nở rộ. Màu trắng của những ngày tháng chúng ta yêu nhau và cũng của lần cuối cùng, ngày chúng ta buồn bã xa nhau!

Sau tiếng thở dài nhẹ, Satoko trả lời:

-Anh hãy quên nó đi, đã lâu lắm rồi em chẳng bao giờ mặc lại những trang phục mầu trắng ngày xưa nữa. Mầu trắng ngày xưa đã đi vào quá khứ của buồn đau, vỡ đổ rồi, nó đã bị thời gian cùng với khổ não của đường đời làm hoen ố rồi ! Hôm nay, em trở lại Kagoshima chỉ vài ngày Tết, gặp lại gia đình ba mẹ em, cũng để nhìn lại, nhớ lại nơi em đã có một mối tình đẹp đẽ. Nhưng em đã lầm lẫn bước đi chỉ vì một lúc giận hờn nhỏ bé. Em về đây, cũng như anh, cũng đi lại những nơi kỷ niệm để tìm lại những dư hương, những dấu tích của mối tình mà tự ái đã làm cho nó dở dang!

Tiếng nói của Satoko bị ngắt khúc, ngập ngừng vì cảm xúc dâng trào, vì những giọt lệ đang chảy xuống gò má. Chúng tôi lại dẫn nhau vào quán cà phê của 5 năm về trước để tâm sự, nhưng cũng để đau xót cho thời gian và cả cho lần yêu nhau dang dở. Satoko kể cho tôi nghe những thăng trầm, bất hạnh của nàng sau ngày kết hôn rồi kết quả là đổ vỡ ly tan. Cuối cùng Satoko tóm tắt câu chuyện buồn đau của đời mình bằng câu nói của Balzac: ” Hôn nhân là con đường đưa người ta đến thiên đàng, nhưng nếu nhầm lẫn sẽ dắt người ta đến địa ngục!” rồi nàng kết luận:

-Em đã nhầm lẫn! Em đã phải nhận chịu những tai ương của sự nhầm lẫn đó!

Chúng tôi ngồi trong quán cà phê khá lâu, nhìn qua khung cửa sổ. Bên ngoài, trời chợt trở lạnh. Tuyết bắt đầu rơi, những hạt tuyết rất nhẹ, mong manh lăn tăn, chơi vơi bay theo gió. Nhìn những bông tuyết  lấp lánh phản chiếu ánh sáng của những ngọn đèn đường ban đêm làm cho tôi có cảm tưởng như những cánh hoa anh đào tung bay trong gió. Những cánh hoa trắng trong một ngày mùa xuân xa xưa dạo ấy, đã đưa chúng tôi đến gần nhau.

Đến một lúc khi bầu trời đã thực sự vào đêm. Bên ngoài quán cà phê tuyết vẫn rơi, rơi nhiều hơn. Satoko nắm nhẹ bàn tay tôi, nhìn tôi ánh mắt rất buồn, nàng nói rất nhẹ:

-Chúng ta nên chia tay anh ạ, ngày mai em trở lại Osaka, chẳng biết bao giờ chúng ta lại có dịp gặp lại nhau anh nhỉ?

Tôi hỏi địa chỉ của nàng, sau một lúc im lặng, suy nghĩ Satoko khẽ lắc đầu buồn bã nhìn tôi, nàng nói:

-Có lẽ chúng mình chẳng nên tìm gặp nhau làm gì nữa anh ạ!  Định mệnh đã an bài tất cả rồi, gặp lại nhau chỉ đem đến buồn tủi, xót đau cho nhau mà thôi. Hãy dành lấy những lúc đi tìm nhau ở những nơi kỷ niệm như hôm nay vẫn hơn. Mong đợi một ngẫu nhiên nào đó để gặp nhau thoáng qua, trong phút chốc, có lẽ đẹp hơn, xúc động hơn anh ạ.

Nói đến đó, Satoko im lặng buồn bã đưa mắt ra bên ngoài quán cà phê, nhìn vài cặp tình nhân ôm sát lấy nhau co ro bước vội dưới những bông tuyết trắng mong manh đang rơi phủ lên thân mình họ. Satoko buông tiếng thở dài rồi nói tiếp với tôi:

-Rất có thể lần nào đó em có dịp du lịch Thụy Sĩ, thế giới của cô bé Heidi, con chó lông xù Bernadine và tuyết phủ. Biết đâu trên đường phố hay trên đỉnh một ngọn núi, một sườn đồi nào đó…  em lại gặp được anh. Hay vào một dịp nào đó, anh lại về thăm Nhật Bản như hôm nay chẳng hạn, chúng mình lại gặp nhau, nhìn thấy những đổi thay của nhau…  Đó không phải là điều thích thú sao anh? Ngẫu nhiên của cuộc tương phùng, có lẽ đẹp và cảm động hơn anh ạ.

Tôi không biết nói gì hơn là im lặng, chấp nhận sự giải quyết quá phũ phàng của Satoko. Thật vậy gặp nhau để làm gì, khi ngang trái đã xen vào giữa tôi và nàng? Khi định mệnh và ước mơ của chúng tôi đã lỗi điệu? Khi cuộc sống và trách nhiệm với gia đình đã đẩy chúng tôi ra xa! Cuối cùng tôi buồn rầu nói với Satoko:

-Anh muốn thêm một lần nữa gọi taxi đưa em về như ngày xưa, rồi chúng mình từ giã nhau Satoko nhé.

Satoko gật đầu nhẹ, tôi lại thấy đôi mắt hiền lành của nàng long lanh ngấn lệ. Chúng tôi rời quán cà phê, im lặng đi bên nhau. Hình như cả hai chúng tôi cùng nghe thấy âm vang rất buồn của một bản nhạc nói đến sự chia ly đang xen kẽ vào giữa hai tâm hồn chúng tôi. Đến góc con đường, vẫn vài chiếc taxi đợi chờ rước khách. Vẫn những âm thanh ồn ào phát ra từ vài quán ăn nhậu gần đó. Vẫn cái nhá nhem của vài bóng đèn ban đêm từ những quán ăn khuya xa xưa…. Tôi chợt cảm thấy tim mình nhói đau, tôi biết rằng gọi taxi cho nàng lần này không phải giống như 5 năm về trước nữa, ngày đó tôi chỉ mang ít cảm giác vấn vương của tạm biệt. Nhưng bây giờ, tôi có cảm tưởng chuyến taxi này, nó sẽ mang nàng đi rất xa, và chúng tôi sẽ miên viễn xa nhau!

Trước khi bước lên taxi Satoko siết nhẹ bàn tay tôi nàng nói nhỏ:

-Em yêu anh, mãi mãi yêu anh. Em sẽ giữ mãi kỷ niệm, hình bóng của anh. Em đi nhé Dương!  Sayonara!

Tôi chỉ biết im lặng cùng với nỗi đau xót của lần gặp lại thoáng qua, rồi lại xa nhau vội vã. Tôi đứng nhìn theo chiếc taxi khuất ở góc đường như cố niú kéo lấy một dung nhan, một nhan sắc của một lần tôi đã yêu và cũng của một lần lỡ điệu trong đời tôi!

Tôi chợt nhớ đến bài hát xa xưa: Shiroi iro wa kohibito no iro của Kitayama, mà Satoko đã nhiều lần dạo dương cầm và hát cho tôi nghe. Tôi còn nhớ vài câu trong bài hát kỷ niệm đó: ”Mầu đỏ ráng chiều là mầu của nhớ thương. Mầu xanh da trời là mầu của kỷ niệm. Mầu hoa bách hợp (một loại hoa rất nhỏ, có nhiều cánh xếp lên nhau, còn gọi là hoa bụi) là mầu của mối tình đầu. Còn mầu trắng là mầu của người yêu….” Tôi muốn thêm vào bản nhạc đó một mầu sắc khác, màu của tôi và Satoko, đó là ”Mầu vàng lá úa của mùa thu là mầu của lỗi điệu, dở dang!”

Mùa nghỉ hè năm 1993, gia đình tôi lại về thăm Nhật Bản. Cũng như những lần trước, tôi lại một mình đến công viên dọc theo bờ biển của thành phố Kagoshima, nơi tôi đã gặp Satoko đầu tiên của gần 15 năm về trước. Ngồi trên chiếc ghế đá, dưới tàng cây hoa anh đào xanh mướt, tôi miên man nhớ đến kỷ niệm của một mùa xuân trong quá khứ. Mùa xuân của 15 năm về trước. Ngày đó, tôi đã gặp Satoko nơi đây, lúc nàng là cô sinh viên sắp sửa ra trường, tôi đã tốt nghiệp và đi làm việc được khoảng một năm.

Tôi nhớ đến mầu trắng trang phục cố hữu của Satoko, nhớ đến buổi đầu tiên chúng tôi quen nhau, Satoko đã đàn dương cầm cho tôi nghe. Nàng đã giận dỗi, không vui  khi tôi vô tình nhắc đến mối tình xa cũ của tôi… Bây giờ chúng tôi đã xa nhau quá lâu rồi, mái tóc tôi đã chớm bạc theo với thời gian và có cả với những thất bại trong cuộc sống, sinh nhai. Nhưng hôm nay trở lại đây, nhìn lại những dấu tích ngày xưa, lại làm cho tôi buồn và nhớ đến những kỷ niệm của mối tình đẹp đẽ, dang dở đó.

Trong khi đang trầm mình vào dĩ vãng, tiếng gọi tên tôi nhè nhẹ, làm tôi giật mình quay lại. Tôi bàng hoàng nhìn thấy Mayumi, người quản thủ thư viện ngày xưa, người đã làm cho tôi yếu đuối mà sai lầm để rồi mối tình của tôi và Satoko tan vỡ. Mayumi cùng đi dạo với một cô bé khoảng 10, 11 tuổi, có lẽ là con của nàng. Trong lúc tôi còn đang ngỡ ngàng với sự hội ngộ. Mayumi hỏi tôi dồn dập:

-Anh khỏe mạnh không? Anh trở lại đây bao giờ?  Sao anh ra đây một mình?  Hình như anh đang chờ đợi ai thì phải?

Nàng hỏi dồn dập trong ánh mắt mang nhiều thắc mắc, tôi nhìn Mayumi và cô bé gái xinh xắn vui tươi bên mẹ, tôi đoán Mayumi đang sống trong hạnh phúc. Tôi trả lời trong dáng điệu, giọng nói khá buồn:

-Anh vẫn mạnh khỏe, còn em và gia đình chắc chắn đều tốt đẹp? Anh ra đây để nhớ lại và cũng để chờ đợi một mầu trắng, mầu trắng mà anh đã làm mất nó ngày xưa em ạ! Nhưng đã nhiều năm rồi, mỗi lần anh về thăm Kagoshima, anh vẫn đến đây, anh vẫn đợi chờ, vẫn tìm kiếm, nhưng  vẫn chưa bao giờ gặp lại mầu trắng mà anh vẫn còn yêu!

Mayumi nhìn tôi im lặng, có lẽ nàng đã hiểu những gì tôi muốn nói. Lúc này tôi mới có dịp quan sát kỹ lưỡng người thiếu nữ quản thủ thư viện. Người đã giúp tôi rất nhiều trong việc học hành và tốt nghiệp của tôi ngày xưa, nhưng cũng là người trong lần sinh nhật của nàng, tôi đã yếu lòng để rồi gây lên một lầm lỡ, khởi đầu cho thêm một lần nữa dở dang trong đời sống tình cảm của tôi.

Mayumi không già lắm so với thời gian, nàng vẫn đẹp, nét tự tin, vững trãi vẫn tiềm tàng trong giọng nói, dáng điệu. Con người của Mayumi có thể nói hoàn toàn đối chọi với dáng điệu nhỏ nhẹ, mong manh rụt rè, yếu đuối của Satoko. Mayumi quay lại nói với cô con gái vài câu, cô bé sung sướng rời tay mẹ chạy ra bãi cỏ đùa giỡn với vài con chim bồ câu đang bay nhảy kiếm mồi trên đường. Mayumi nhìn tôi, nhãn quan có đôi chút giận dỗi, hờn trách, nàng nói nhẹ:

-Mười lăm năm rồi,  anh vẫn không quên được Satoko sao?  Chỉ có cô ta duy nhất để anh nhớ thương sao?

Nghe Mayumi nói, tôi im lặng đưa ánh mắt buồn bã nhìn ra đằng xa, trong ảo giác hình như tôi đang nhìn thấy bóng dáng mầu trắng yêu kiều, thanh thoát của Satoko. Nàng đang chập chờn đùa giỡn với những cành hoa cosmos ẻo lả trong công viên, đang đưa mắt nhìn tôi mỉm cười chế giễu. Trong đôi mắt của nàng có cái gì giận dỗi, buồn đau…

-Anh Dương, anh đang nghĩ gì vậy? Tại sao anh không trả lời em?

Tôi giật mình vì câu hỏi của Mayumi, đã kéo tôi ra khỏi ảo giác. Tôi nhìn Mayumi với giọng buồn bã, tôi trả lời:

-Anh vẫn nhớ, chẳng bao giờ anh quên được những kỷ niệm của những người phụ nữ đã đến với đời anh, trong đó có cả em nữa Mayumi ạ. Nhưng Satoko thật đáng thương, nếu nàng có hạnh phúc như em, như Hitomi, có lẽ với thời gian và xa cách, anh cũng chỉ để hình bóng của Satoko cũng như hình bóng của em vào một góc nào đó trong ký ức của anh mà thôi. Anh sẽ mãi mãi gìn giữ và coi như những kỷ niệm đẹp đẽ đó trong đời anh …

Im lặng một tí, rồi tôi buồn rầu nói tiếp với Mayumi:

-Nhưng tội nghiệp Satoko quá! Bóng dáng mong manh, thanh thoát đó không phải sinh ra để chịu đựng những khổ ải em ạ. Anh không quên, chẳng bao giờ quên được mầu trắng kỷ niệm của Satoko và cũng là của anh.

Mayumi im lặng khi nghe tôi nói, nàng nhìn tôi với anh mắt dấu dịu hơn. Có thể ký ức của Mayumi đang trở lại với đêm sinh nhật hơn 14 năm về trước, chúng tôi đi khiêu vũ với nhau…   Để rồi đến bây giờ, tôi là kẻ mang nhiều nỗi ăn năn vì lầm lỗi. Mãi sau Mayumi mới nhỏ nhẹ nói với tôi :

-Anh vẫn còn giận em lắm phải không? Hãy tha lỗi cho em nhé Dương.

Tôi buồn rầu trả lời:

-Em chẳng có lỗi gì, anh cũng chưa bao giờ giận em cả, tất cả là định mệnh. Đã là định mệnh thì chúng ta đành chấp nhận mà thôi.

***   

Đến nay đã gần 16 năm, kể từ ngày ngẫu nhiên tôi gặp lại Satoko trong lần trở lại Kagoshima, cũng là lần đầu tiên tôi thấy Satoko không trang phục mầu trắng, cũng là lần tái ngộ cuối cùng, tôi tiễn nàng lên chiếc xe taxi. Từ đó chẳng bao giờ tôi gặp lại Satoko lần nào nữa, mặc dầu tôi đã trở lại Nhật bản nhiều lần, không một lần nào tôi quên dành thời gian đến những nơi hò hẹn ngày xưa, mong tìm lại một vài dư âm và cũng hy vọng một ngẫu nhiên, một kỳ ngộ để gặp lại nàng. Nhưng tôi đến, rồi tôi lại trở về với niềm xót xa, thất vọng!

Vâng chỉ có thế, thời gian vẫn trôi nhưng ký ức tôi vẫn dành một góc rất đẹp đẽ cho nhan sắc ngày xưa mà tôi vẫn còn yêu. Tôi cũng biết rằng ngang trái và thời gian đã xen kẽ vào đời sống của tôi và nàng. Gặp nhau cũng chẳng đổi thay được những oái oăm của định mệnh, những éo le của lỡ làng. Nhưng tình yêu có những cái kỳ lạ, nó có một loại ngôn ngữ riêng biệt mà không ai dám tự hào hiểu biết rõ ràng về nó.

Bản nhạc  ”Shiroi iro wa kohibito no iro” – Mầu trắng là mầu của người yêu, của Kitayama, đã qúa cũ với thời gian. Những người trẻ tuổi Nhật Bản ngày nay gần như chẳng một ai biết đến bản nhạc trữ tình, lãng mạn đó nữa. Nhưng với tôi, tôi không bao giờ quên được, bởi vì với nó tôi đã hiểu biết thêm ý nghĩa của mầu trắng trong tình yêu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: