Ngày 16 Tháng Ba mình còn đang ngồi trực buổi trưa ở trong ty, tiếng pháo kích rít trên đầu chạy ngang qua, mình úp mặt xuống bàn làm việc và lắng nghe nó rơi ở đâu đó, tiếng nổ vang cũng gần khiến mặt bàn và hai bàn chân mình run run. Mình qua chiếc ghế của bàn làm việc đang đặt giữa phòng, ở đó mình bình tĩnh hơn, cảm nhận có vòng tay ai đó ôm chặt lấy ấm áp che chở, một niềm đam mê quên cả sợ hãi…
Ba vừa chạy xe máy lên đã hối hả: “Về thôi con, về thôi con ơi!” Tiếng pháo kích lại bắt đầu khởi động ngang qua, mình vội lên xe Ba chở về, ngoài đường đã có đầy người đi, xe cộ ầm ĩ, từ xe GMC, xe tải, các loại xe và có cả xe kéo của nông dân thường kéo lúa bây giờ chất đầy đồ đạc xoong, nồi lỉnh kỉnh, người người chạy theo, bà già, con nít lố nhố…
Ba nói: “Con về phụ dì Thu xếp đồ, chỉ đem theo những gì cần thiết, lát nữa chú Mười đem xe lên chở đi nghe chưa.”
Xóm nhỏ bây giờ ồn ào nhốn nháo hẳn lên, người ta gọi nhau í ới, vội vã, mạnh nhà nào nhà nấy đi không bịn rịn lưu luyến gì cả. Xe chạy xuống phố, con phố bây giờ ngập tràn cả người lẫn xe cộ, lính tráng đầy đường, tiếng người, tiếng xe ồn ào đinh tai.
Hai gia đình nhà mình chất hết lên một xe chật cứng cả đồ đạc. Người ta bàn tán đêm nay sẽ có pháo kích, bom đạn cày nát hết tỉnh này, nên ai cũng mong chạy xa thật nhanh. Theo dòng người lũ lượt chạy qua cầu Dakbla ra tới đèo Sao Mai xuống tới Hàm Rồng, Ba quyết định không chạy nữa vì nghe nói dưới Phú Bổn bom dội dữ quá, có rất nhiều người chết. Ba cho tấp vô một ngôi chùa trong Hàm Rồng. Trong chùa các sư cũng đã đi di tản hết, và cũng có vài gia đình vô tá túc tại đây từ trước. Chú Mười (Đại úy Nhơn, Sư đoàn 22 Bộ binh) ôm lấy Ba chảy nước mắt, hôn các cháu rồi vội lên xe cùng các chú lính tiếp tục hành trình.
Ở trong chùa không gian tạm yên tĩnh, vì chung quanh có vườn tược bao la che bớt, chỉ trên bầu trời ánh chớp của bom đạn lấp lóe và tiếng rền dồn dập của súng đạn.
Ba ra góc vườn chùa ngồi lặng lẽ hút thuốc, mình chưa bao giờ thấy Ba hút thuốc, lát sau anh Sơn ôm một bao đồ, anh Hải tìm đâu được cái cuốc, Ba và các anh ra sau chùa đào lỗ chôn, đó là cái máy đánh chữ, khẩu súng, và xấp giấy tờ. Vườn chùa đầy lá khô, cây cối rậm rạp thoáng chốc đã mất hết dấu tích.
Dì Vân và anh em tụi mình ngủ bên góc này cùng với đống đồ đạc, còn dì Thu và mấy nhóc ở bên góc kia, cách nhau một khoảng của thềm chùa, hai dì lặng lẽ không nhìn nhau một cái nào. Chỉ có mấy đứa nhỏ mệt nhoài nên ngủ say, còn những người lớn ra vào nghe ngóng, tiếng súng, tiếng pháo, bom dội ầm ầm xa xa, trên nền trời sáng lóe lên từng chập. Dì Vân than thở không biết anh Hùng (Chuẩn úy mới ra trường) chạy theo sư đoàn bây giờ ra sao rồi, thôi không dám nói tiếp.
Mọi người bỗng xôn xao, hình như kho đạn cháy rồi, nhiều tiếng nổ dữ quá, rồi cháy luôn kho gạo, thanh niên rủ nhau ra ngoài xem tình hình, lát sau mỗi người vác về một bao gạo mà vừa sợ vừa cười nói rôm rả. Thức ăn đem theo đã cạn, họ lại rủ nhau tìm vô mấy căn nhà gần đó đang khóa cửa, hè nhau phá cửa vào lục tung tìm thức ăn, có một con heo to bị cột trong chuồng, họ xúm nhau xẻ thịt vác về từng mảng chia nhau.
Đêm bó gối ngồi nguyện cầu, cầu cho gia đình được bình an trở về, cầu cho không còn chiến tranh chết chóc.
“Giải phóng rồi! Giải phóng rồi!” Ai đó đã la to lên, mọi người xôn xao, hoang mang và quýnh quáng không biết phải làm gì. Ba ngồi yên không nói gì. Bỗng có vài chiếc xe của bộ đội chạy vô chùa, họ xuống xe, ngả mũ cối ra chào, họ nói tiếng Bắc rõ rệt khuyên nhủ mọi người quay về nhà với cuộc sống mới an bình, sẽ không còn chiến tranh nữa.
Thế là quay về, anh Sơn thuê được chiếc xe tải nhỏ đưa cả nhà quay về, trên đường dài xe xe, người người chen chúc nhau giữa một rừng xanh áo và mũ cối của bộ đội, xe tăng cả trăm chiếc chạy rền rền, cờ đỏ phất phới đầy như hoa nở khắp nơi.
Về tới nhà của ba ở đường Nguyễn Thái Học, cửa nhà đã mở tung, đồ đạc vung vãi khắp nơi. Mình nhìn qua dãy nhà ông Thiếu tá Lễ, bộ đội đi ra đi vào đông đảo, đồ đạc quăng tứ phía từ sân trước sân sau. Về lại Phương Nghĩa thì ôi thôi nhà mình đã bị sập mất phía sau vì một trái pháo vô tình nào đó rồi, nhà cửa tan hoang thê thảm quá.
Trong xóm cũng có vài căn bị trúng pháo, riêng bạn Phúc học cùng lớp với mình thì bị pháo trúng nhà lúc đang ngủ làm cụt cánh tay trái và mù luôn đôi mắt.
Ba bị tập trung vô trại cải huấn, dì Thu và lũ nhóc phải ra ở nhờ nhà người quen, dãy nhà ở đường Nguyễn Thái Học bị tịch thu. Dì Vân theo một số người dắt mấy anh em lên tận Ngô Trang, khu kinh tế mới phá rừng khai hoang trồng lúa, khoai, bắp. Dựng một túp nhà tranh, cuộc sống kham khổ bắt đầu.
Hai chị em mình dắt nhau lang thang, theo vài đứa bạn nộp đơn vào trường tiểu học nhưng sơ yếu lý lịch toàn là “ngụy quân, ngụy quyền”, họ không nhận vào. Lúc này anh Sơn, anh Hải và thằng Trung đã xin vào làm tại Ty Lâm nghiệp, anh nói hay cứ vào xin làm đây cho gần anh em. Thế là theo anh vào xin lão thủ trưởng Ty Lâm nghiệp, anh em nói chuyện tình cảm một hồi ông thủ trưởng cảm động nhận vào, Phước được phân công phụ trách nhà bếp, còn mình phải cải tạo một tuần là nhổ cỏ quanh ty, có khoảng năm người bị cải tạo, gồm ba thanh niên, chúng nó lấy cuốc dãy cỏ lên từng mảng cho bọn con gái hốt đem chất đống rồi đốt, công việc cũng nhẹ mà nắng ơi là nắng, nhức đầu luôn.
Sau một tuần, bác phân công cho mình làm thống kê ở vườn ươm Tân Cảnh. Làm bản thống kê không có máy đánh chữ, cũng không có photo mà tự kẻ ô rồi phân ra từng bộ phận: Số TT, tên họ CN, ngày năm sinh, dân tộc, địa chỉ, chức vụ, ngày làm việc, số công, ngày nghỉ, hưởng lương, tạm ứng, thành tiền. Bắt đầu công việc, mình ôm sổ sách theo xe gỗ lên đội trồng rừng trên Tân Cảnh.
Xe gỗ cao chênh vênh thân gái leo lên thật khó coi, vậy mà vui vui chứ ngày xưa… mới đó mà đã như ngày xưa rồi ư.. ngày xưa hay ngồi xe hơi êm ái nhẹ nhàng hơn. Đội trồng rừng gồm có 30 công nhân toàn thanh niên trai gái vừa dân tộc thiểu số, vừa Kinh, một cô kỹ sư ngoài Bắc vô, mặc áo bà ba cổ sơ mi có thắt eo với quần xanh bộ đội, mang dép râu quai đen cao su, đầu đội mũ tai bèo, giọng Bắc trong leo lẻo.
Một lán trại nằm giữa khu rừng, gồm dãy nhà tập thể hai phòng dài, phòng nam và phòng nữ, các giường nhỏ một người nằm kê sát nhau, qua một khoảng sân đầy lá rụng là dãy nhà ăn dài với hai dãy bàn ghế cũ kỹ mốc meo khiến chẳng ai muốn leo lên, mà chồm hổm thôi. Cứ sáu người thì một thố cơm bằng nhựa đã ngả màu, những hạt cơm khô khan vàng vàng như cơm chiên, không thơm mùi dầu hành tỏi mà thơm mùi nhựa như thiu thiu, một thố canh lỏng leo vài cọng rau muống, một dĩa thịt xếp lên như những chiếc lá úa ngả vàng nâu mỏng lét. Ấy vậy mà tới giờ đói quá phải nhanh chân chứ nhóm công nhân lao vào trước là láng sạch sẽ thì chỉ còn… húp canh thôi.
Buổi tối ngủ đầu tiên với trăng và gió lùa vào qua các khe, không khí núi rừng mát vậy mà vẫn đậm mùi hôi của những công nhân vừa Kinh vừa dân tộc thiểu số thật là cũng khó thở vô cùng.
Trong số công nhân có cô gái tên Nghĩa người Kinh, hồi đó cô làm việc bên Tâm lý chiến, hay đi hát trên các tiền đồn, nhà cô ở Võ Lâm mỗi khi đi làm thường ngang Tòa Hành chánh để vào Tiểu khu. cô nói có biết mình và mừng lắm khi gặp mình ở đây. Lúc cô và mẹ cùng con trai một tuổi chạy tới Phú Bổn thì bị pháo làm mù mịt đất trời, cô bị ngất đi khi tỉnh dậy thì không còn mẹ và con bên cạnh nữa, chỉ nghe nói mẹ chết rồi còn con thì không ai biết. Bây giờ trưa nào cũng ngủ mớ khóc than thật tội nghiệp.
Buổi sáng thức dậy sau tiếng kẻng inh tai, mỗi người một chén một đôi đũa kéo nhau vào nhà ăn, ôi thèm ghê một tô cơm trắng dẻo thơm ngát, một lát cá chiên dòn và tô canh chua… mà chỉ là mơ thôi, vậy chứ còn hơn là ở trên khu kinh tế mới ăn toàn cơm độn khoai mì lát, mùi thiu thiu khó nuốt trôi. Ăn xong tự rửa chén cất vào túi cá nhân, xong hò nhau leo lên xe ben đứa cuốc đứa xẻng nói năng ầm ĩ. Mình ôm sổ sách lên ngồi trên cabin.
Xe chạy đường núi vô rừng lắc lư như điệu nhạc, lên tới sườn đồi, đám công nhân nhảy xuống lấy cây đo khoảng cách rồi đào hố , tốp sau đặt cây con vào lấp đất, mình lẽo đẽo đi theo chấm công. Mây mù mù giăng ngang núi thơ mộng mát mẻ mà không có hứng thú làm thơ, dưới chân cỏ cây khô vướng víu, té lên té xuống, nắng bắt đầu lên chói chang, phải theo kịp đám công nhân chứ không thì lạc vào rừng, còn thì giờ đâu mà mơ với mộng. Cũng may là chỉ lên núi lao động vào buổi sáng, 11 giờ trưa khi bắt đầu say nắng mỏi mệt thì quay về rửa ráy ăn cơm và nghỉ ngơi. Hai giờ chiều phân công nhau trộn đất, cô kỹ sư hướng dẫn làm từng khâu, đến 4 giờ cho đi tắm, vì đám công nhân tắm khu tắm tập thể thoáng đã hết mấy thùng phi nước nên bọn con gái kéo nhau ra suối.
Tắm suối thích hơn, nước nhiều mát mẻ, cảnh vật yên vui, chui vào mấy ngách đá ngồi ngắm nước suối chảy trong veo. Trong khe đá ta ngồi. Hát nghêu ngao mà chơi. Nước reo như tiếng đàn. Động lòng ta chơi vơi. Cứ vài ngày lại có một đứa bị sốt rét, nằm run rẩy trong một đống mền, bạn bè đút cháo, mặt mày xanh lét và môi hầu hết thâm đen.
Ai cũng trải qua vài cơn như thế, nhưng mình thì chưa bao giờ, mọi người ai cũng bảo mình sao hay vậy nhỉ, mình thì vừa mừng vừa cũng ơn ớn trong lòng, sợ đến lúc nào đó mình cũng sẽ nằm vùi đớn đau như thế quá.
Những đêm ngủ giữa rừng sâu giá lạnh tôi thèm được rúc vào người anh, anh yêu dấu ơi, anh đâu rồi, muốn nghe lời thì thầm bên tai nồng nàn hơi ấm, giấc mơ đầy mộng mị đẫm mồ hôi ngây ngất… và ướt gối trong đêm khuya.
Cứ cuối tháng mình lại ôm sổ sách ra khỏi trại, đón xe về ty để làm sổ lương, những chuyến xe khách chật chội cũ kỹ, mình phải chen vào đó, những người từ huyện về, từ đơn vị ra, từ nông trường đất đỏ xuống, không có người nào sạch sẽ tinh tươm, ai cũng bẩn bẩn dơ dơ… mình cũng thế mà, từ rừng rú ra thì tóc tai khét nắng, áo quần như màu cháo lòng, tay chân khẳng khiu, đâu còn là cô gái tóc lúc nào cũng thơm, áo dài tha thướt, tay chân thon thả đỏng đảnh làm dáng nữa… Xa rồi như giấc mơ qua.
Bây giờ mình trông như cô gái dân tộc thiểu số ấy, về ty lập bảng lương rồi ôm một bọc tiền khư khư trước ngực lại đón xe về rừng, nghĩ lại mình cũng gan cùng mình ấy chứ, thân gái lúc này như con trai, lầm lầm lì lì cứ thế mà đi, xe chạy qua những hố bom chưa sửa sang nhồi lên nhồi xuống bụi bay mịt mù, ôi những con người vẫn còn thèm sự sống biết bao dù hoài bão không còn để mơ tưởng nữa.
Dù sao về đơn vị này mình vẫn còn tìm lại được niềm vui trong tình bạn bè anh chị em, những người dân tộc thiểu số cũng tình cảm lắm, và tôn trọng lẫn nhau, có món quà gì cũng chia sẻ, chiều chiều có đứa rinh được cây đàn guitar cũ đem ra đánh từng tưng rồi xúm nhau hát nhạc vàng. Anh thủ trưởng la thì chuyển sang bài “Nổi lửa lên em” hay “Bão nổi lên rồi”, “Đoàn giải phóng quân”… Chúng nó cố gào to lên cho anh thủ trưởng nghe, xong cười nghiêng ngả.
Chúng nó cũng ghê lắm. Lãnh lương, nhằm ngày thứ Bảy cuối tháng lãnh lương vui hơn, mình ngồi bên chiếc bàn nhỏ còn tụi nó thì xúm quanh, đứa ngồi ghế đứa đứng dựa tường, có mấy đứa còn ngồi chồm hổm ngóng cổ lên chờ gọi tên, mình phát cho từng đứa, đọc tên nhóm dân tộc thiểu số riết cũng quen, lúc đầu cứ đọc sai tụi nó cười rúc rích. Đêm đó mấy đứa săn được con heo rừng thế là nổi lửa ăn uống ca hát tới hơn mười giờ. Sáng Chủ nhật chúng nó áo quần tươm tất, tương đối sạch sẽ kéo nhau ra đường lộ nhảy đu lên các xe máy cày, máy xới, xe công nông… về phố về làng chơi đến thứ Hai mới lên lại.
Mình cùng Nghĩa hẹn nhau tìm đến ông thầy Bốn (mù) trên Võ Lâm để xem bói xem đứa con của Nghĩa còn hay mất, nhưng ông không còn ở đó nữa, không ai biết ông đã đi đâu. Theo lời những người dân hai đứa tìm được ông thầy khác, ông nói nó còn sống và đang ở phía Nam. Hy vọng sau này rồi Nghĩa sẽ tìm được con về đoàn tụ, mình mong như thế lắm.
Tiền lương của mình gởi lên cho dì Vân một nửa để phụ lo cho các em. Một ngày khác mình xuống Pleiku thăm anh Hải, anh đã gởi hai đứa con cho mẹ vợ nuôi vì vợ anh đau nặng lắm sợ không qua khỏi. Hai anh em lang thang dạo phố rồi mua một nải chuối chín, bốn ổ bánh mì rồi vô ghế đá công viên ngồi ăn trưa, ăn vậy mà thấy ngon hơn ăn cơm của tập thể.
Đứa em gái của mình không làm trong ty nữa, nó theo bạn rủ đi Thanh niên xung phong, lên Nông trường Sa Thầy lao động tập thể. Ở trên đó bạn bè cùng trang lứa cũng rất vui, ban ngày lao động sản xuất theo các vụ mùa, ban đêm sinh hoạt văn nghệ. Nhưng được vài tháng thì bị sốt rét nên mình đón về ở tạm trong ty để thuốc men. Cả tuần mới khỏi mà mặt còn xanh xao, môi thâm tím. Hai chị em giờ không biết ở đâu, Ba thì bị ho ra máu, được ‘cải tạo’ tại địa phương nhưng vẫn còn ở tạm nhờ nhà người quen. Lên dì Vân trên vùng kinh tế mới thì núi rừng heo hút điện nước chưa có biết làm được việc gì.
Thời điểm này anh Sơn đang ly hôn vợ, anh vừa suýt chết khi chở gỗ về thì xe lật, anh bung ra ngoài được, còn gỗ thì lăn xuống hố bên đường. Ôi mạng anh ấy cũng lớn ghê, thật là khủng khiếp. Ghé vô thăm Ba trước khi về rừng, ba buồn lắm xanh xao ốm yếu, Ba nói có tin của chú Mười rồi, nghe nói xe chú qua khỏi Phú Bổn thì bị quân Việt cộng chận lại, nhân lúc lộn xộn chú lủi vô rừng, lột áo người dân chết mặc vô, đội nón lá lụp sụp theo đoàn dân chạy miết vô tới Sài Gòn, hai chân nát bét, áo quần tả tơi. Còn anh Hùng chưa có tin gì, không biết sống chết ra sao. Rồi Ba khóc.
Tôi chẳng là tôi được nữa rồi
Mây ngàn gió núi bóng chim côi
Hố bom vũng nước soi tăm tối
Mắt lệ nhạt nhòa, phải chăng tôi?
Hận chi một chút tình không có
Mây có hẹn gì với trăng không?
Mây trôi về đâu không trở lại
Một cánh môi hôn chẳng hẹn về.
Tôi chẳng là tôi được nữa rồi
Chận ngang xương núi chất đầy vơi
Hồn thiêng ai đó chào tôi với
Lòng đã dửng dưng một nụ cười…
Ghi lại 5/1975